Taberd.org Lasan Taberd
Tìm kiếm chi tiết

 
memo
Cảm xúc

Các trang mới

 Hội ngộ TB79, 2012
 Tất niên Thầy Cô, 2012
 Thơ văn - Biên Khảo
 Nhạc - Bài hát
 Hình ảnh xưa
 Kỷ Vật

Liên kết

  Search  Tìm kiếm
  Msg  Nhắn tin
  Comments  Góp ý
  TC  Nhớ ơn Thầy Cô
  QTT  Quỹ Tương Trợ
  Send mails  Trong Sân Trường

Danh sách

Ghi tên nhận bản tin và thông báo
Họ tên
E-mail
Ghi lại mã bảo vệ  

Trường và Tình bạn

Mái trường
Nơi gợi biết bao kỷ niệm.
Nơi tạo ra tình bạn muôn thuở.
Nơi ai cũng muốn trở về thăm.

Tình bạn
Tình êm đệm đầy thơ mộng.
Tình cao quý nối liền mỗi người.
Tình sống mãi trong lòng người.

Chúng ta đã cùng nhau chia xẻ tất cả những gì của tuổi học trò dưới mái trường Lasan Taberd yêu dấu, và cũng đã xa cách nhau một thời. Nay chúng ta có cơ hội liên lạc lại với nhau, gởi lại bao kỷ niệm vô vàn, nối tiếp tình bạn thuở nào và sẽ lại cùng nhau chia xẻ vui buồn. Chúng ta hãy nắm tay nhau, cùng tiến bước tiếp trên con đường của tình bạn bất diệt.

School
The place that recalls lovely memories
The place that creates eternal friendships
The place that everyone wants to revisit

Friendship
The bond that is sweet and cherished
The bond that brings people together
The bond that always comes to mind

Once upon a time we shared everything under our dear school Lasan Taberd, but since then we have been separated for many years.

Now this is the opportunity to reunite, recount our golden souvenirs and to relight our friendships.

Together we will tie our knot of friendships one more time.

L’école
Un lieu où se remémorer de tendres souvenirs
Un lieu où se construisent des amitiés éternelles
Un lieu où on aime y retourner

L’amitié
Un lien doux et précieux
Un lien qui nous rapprochent
Un lien essentiel de la vie

Il fut un temps où nous partagions tout dans notre chère école Lasan Taberd. Depuis, nos vies respectives nous ont séparées.

Aujourd’hui, nous avons l’occasion de nous retrouver, de nous rappeler nos plus beaux souvenirs et surtout, de raviver nos amitiés.

Ensemble, renouons de nouveau ces liens d’amitié!

Lý Siêu Phàm - Sydney - Australia (tháng 4 năm 2009)
top Mục lục

Không đề

Nos cheveux ont changés de couleur avec le temps mais notre esprit est resté le même à voguer dans l’espace. Le destin de notre pays nous a poussé loin de nos lieux d'enfance.

Aujourd’hui, trois décennies ont passés, nous sommes comme des gouttes d’eau qui retournent vers la source, vers nos souvenirs d'écoliers.

La voie de frère Jean (Ông Ngoại) pendant la récréation résonne à mes oreilles, les images des copains qui se disputent remplissent mes yeux, les parties de babyfoot, les parties de billes, les goûtés chez le ‘Pâtissier’, les paniers de basket sont toujours présents dans nos cœurs.

Lasan Taberd, un nom, un lieu, des milliers souvenirs, comment peut on oublier ? 53 rue Nguyen Du, où que l'on se trouve nous les écoliers en chemise blanche et pantalon noir somme fières d'avoir porté l’insigne ‘Institution Lasan Taberd’.

La poste centrale n’est pas loin, Notre Dame de Saïgon est à côté, rue Tu Do, Hai Ba Trung qui entourent notre bonne et vieille école. Elle est tout près dans nos cœurs mais si loin de nos esprits depuis le temps.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 6 năm 2009)

Tóc của chúng ta đã đổi màu theo thời gian, nhưng tâm hồn của chúng ta vẫn lưu lạc trong không gian. Số phận của đất nước đã dẫn đưa chúng ta đi quá xa nơi chốn của tuổi thơ.

Hôm nay, ba thập kỷ đã trôi qua, chúng ta là như giọt nước trở về nguồn, về với kỷ niệm ngày tháng học trò của chúng ta.

Tiếng nói của frère Jean (Ông Ngoại) trong giờ chơi vẫn còn văng vẳng trong tai tôi, hình ảnh các bạn cải cọ nhau vẫn còn trong mắt tôi, những trận banh bàn, những cuộc bắn bi, các món của Pa-tí-xệ, rổ bóng của sân bóng rổ vẫn hiện diện trong trái tim chúng ta.

Lasan Taberd, cái tên, nơi chốn, muôn vàn kỷ niệm, làm sao chúng ta có thể quên được ? 53 Nguyễn Du, là nơi chốn tập hợp của các học sinh áo trắng quần tây đen luôn tự hào với huy hiệu 'Trường Lasan Taberd' của mình.

Bưu Điện Trung Ương không phải là xa, Nhà thờ Đức Bà cũng bên cạnh, đường Tự Do và Hai Bà Trưng bao quanh ngôi trường cũ của chúng ta. Ngôi trường vẫn luôn gần gũi trong trái tim nhưng theo thời gian đã xa dần trong tâm tưởng của chúng ta.

Dịch từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Ngô Hùng - France
top Mục lục

Không đề

Các bạn thân mến,

Thật khó mà diễn tả chính xác được cảm xúc của chính mình khi tôi tìm gặp được trang web Taberd.org. Nó khởi đi từ sự ngạc nhiên, rộn rã, bới tìm trong ký ức. Những hình ảnh ngày xưa như thác lũ tràn về qua những cái tên, những ngày tháng, những khuôn mặt non choẹt của những thằng bạn mà chắc có lắm đứa giờ này đã là ông nội ông ngoại rồi. Tôi cố kềm dòng thác lại để nó êm dịu hơn, chảy qua chầm chậm hơn, để nó thấm sâu hơn và lâu hơn vào nhưng tế bào của bộ não đã chai sạn vì thời gian, để tôi được sống trở lại lâu hơn và hết mình hơn dù chỉ là ảo ảnh của quá khứ. Bước vào thế giới đó tôi nếm lại được cả hương vị ngọt ngào lẫn cay đắng quyện vào nhau như bóng và hình.

Kỷ yếu là bộ lịch sử bằng hình của anh em Taberd chúng ta. Nó có ngôn ngữ riêng mà những ai sống trong nó mới hiểu nó và thương nó nhiều. Nhìn hình dãy lớp học đường Hai Bà Trưng, tôi không thấy nó vuông vức vô tri cục mịch như dáng vẻ của nó. Tôi thấy nó sống động lắm, nó to tát lắm, nó chứa trong nó những thằng nhỏ quần xanh áo trắng chạy tung tăng, lấy một đồng đổi 10 trái banh bàn, chạy quanh tầng trệt gần Pa-Tí-Xệ để dành cho được bàn banh tốt.

Tôi thấy lại một sáng tháng Tư. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng phản lực cơ qua khu vực này. Có tiếng một thằng, chắc gốc con quân đội, lắm chuyện hét lên: "Mig 21 của Nga Sô tụi bay ơi". Tôi biết nó lắm chuyện, nó sạo. Cả đời nó đi học tiểu học ở Taberd cũng như tôi, có ra trận gì đâu mà biết Mít với Sầu Riêng. Nhưng vài phút sau tứ hướng dinh Độc Lập vang lên những tiếng nổ long trời. Dinh Độc Lập bị bỏ bom! Cả lớp bị lôi nằm bẹp xuống sàn. Thế thì thằng nhóc bạn tôi nói đúng quá còn gì. Mà đặc biệt nó nói trước khi có tiếng nổ, thì nó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tái thế rồi còn gì. Sau những tiếng nổ đó, chúng tôi tan hàng mỗi đứa một nơi mà không cần chờ hoa phượng với ve sầu cho phép đến ngày mất miền Nam. Năm đó anh em Taberd không có kỷ yếu, tôi không có phần thưởng để ba má tôi có cớ dành nhau dẫn thằng nhỏ đi khắp chợ Sài Gòn để khoe với bà con. Thằng bạn Mig 21 của tôi đã không trở lại trường cuối năm đó, nên nó đã là một trong những thằng cu Taberd vẫy tay chào Việt Nam lần cuối vào cuối tháng Tư. Không có kỷ yếu năm đó, tên nó bị lấp dưới bụi thời gian chỉ còn một chữ HUY. Tôi tự hỏi không biết có bao giờ tôi gặp lại nó không. Nếu gặp lại, tôi sẽ hỏi nó: "Tại sao mày đoán là Mig 21 ? Tôi chỉ còn nhớ tên thằng nhóc ngồi giữa tôi và thằng Mig 21, Vũ Huy Thông là tên cu cậu này.

Cám ơn Taberd.org đã ném tôi từ hiện tại bay thẳng về những ngày tháng trước năm 75, thật là kỳ diệu ...

Trương Thanh Liêm - Washington DC, USA (tháng 7 năm 2009)
top Mục lục

Không đề

I came back to Vietnam for the 1st time last year with my wife and kid after 34 years, still when I visited our school, I was acting like a kid again. My daughter who was 10 at the time had to tell me to calm down and act like Daddy ... Well, I was taken back a little bit but soon afterward I acted like a kid again. I did go to the post office and "Nha Tho Duc Ba" and relived my childhood for a day. It was well worth the 24 hours flying 1/2 way around the world just to have a moment like this. The only thing I regret was that our school name has been changed to Tran Dai Nghia.

Lý Đức Thắng - Califonia, USA (tháng 9 năm 2009)

Sau 34 năm xa cách, tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm ngoái, cùng với vợ và con. Nhưng khi trở về thăm lại trường cũ, tôi bỗng trở nên vui mừng, lăng xăng như trẻ nhỏ. Con gái tôi, khi ấy đã 10 tuổi phải nhắc tôi bình tĩnh lại và cư xử như "daddy" ... Vâng, tôi đã bình tâm lại được một lúc nhưng sau đó lại lăng xăng trở lại. Tôi đã ghé qua Bưu Điện, Nhà thờ Đức Bà và sống lại thời thơ ấu của mình trong trọn một ngày. Thật không uổng công bay 24 giờ, hết nửa vòng trái đất để được hưởng những giờ phúc như vậy. Điều duy nhất tôi tiếc nuối là ngôi trường của chúng ta nay đã đổi tên thành trường Trần Đại Nghĩa.

top Mục lục

Ngồi, Nhìn, Nhớ

Thời gian trôi qua theo giòng nước, Ngồi đây để Nhìn lại thời gian qua và để Nhớ lại cái tuổi học trò.

Đồng hồ Bưu Điện đã điểm 7 giờ sáng, những chiếc 'xe trường' đang ngừng lại ở góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Du.

Từng nhóm học sinh xuống xe chạy đi tìm đồ ăn để điểm tâm trước khi vào học. Nào là 'xôi lạp xưởng', nào là 'xôi bắp', nào là 'cơm tấm Bộ Nội Vụ', nào là 'bánh mì gà Bưu Điện' và còn nhiều nữa.

Còn đâu những chiếc 'xe trường', còn đâu những tiếng rao mời của những người bán hàng rong, còn đâu cái tuổi học trò, mặc dù góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Du vẫn còn đó.

Nay tuổi đã hơn 'ngũ tuần', những kỷ niệm của tuổi học trò dù đã xa nhưng vẫn sống mãi trong tâm tư của mỗi người chúng ta.

Viết cho tuổi học trò đã đi qua.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 9 năm 2009)
top Mục lục

Trước ánh chiều tà

Trước ánh chiều tà, những giọt mưa đang rơi trên những chiếc là vàng của mùa thu. Thả hồn về với những chiếc mùa dưới hai hàng me già của đường Nguyễn Du.

Cổng trường xưa vẫn còn mở, tiếng ồn ào của học trò vẫn còn đó. Những giọt mưa thu vẫn đẫm ướt sân trường, cột cờ năm xưa vẫn còn đó, những khuôn mặt hồn nhiên của tuổi học trò vẫn tươi vui, cảnh cũ vẫn là hiện tại. Những giọt mưa đó là hiện tại đã theo thời gian đễ vào dĩ vãng. Những mùa thu đi, những chiều là vàng tiếp tục rơi, những giọt mưa vẫn tiếp tục chảy dài hai bên lề đường Nguyễn Du.

Theo những giọt mưa thu, theo những chiếc là vàng, theo những tiếng nói học trò, theo những hàng me già, theo nhũng giọt mưa thu đã ra đi, theo những chiều ta để trả lại cho ta những kỷ niệm êm đềm của tuổi vàng son.

Xa quê hương, xa trường cũ, xin tạm gởi về những lời 'cám ơn' chân thành cho các vị 'Sư Huynh' đã cho chúng em một thời vàng son vô giá.

Kính các Sư Huynh

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 10 năm 2009)
top Mục lục

Tung cánh

C'est la Grande Envolée
Chers amis,
Voici l'heure de la dispersion !
Pour le plus grand nombre d'entre vous,
Ce n'est qu'un au revoir,
Pour quelques autres, c'est la grande envolée !
Le départ définitif,
L'adieu à la vieille institution.
Tung cánh
Các bạn thân mến,
Giờ đã đến lúc tung cánh !
Đối với phần lớn các bạn.
Đây chỉ là lần tạm biệt
Đối với vài bạn khác, đây là ngày tung cánh bay xa !
Cuộc khởi hành đã định trước,
Giả biệt ngôi trường xưa.
Tung cánh
Rập trời muôn vạn cánh tung bay
Nửa muốn xa xôi nửa muốn ngập ngừng.
Kỷ yếu Taberd 65

Ngồi đọc lại mấy câu thơ ngắn trong một cuốn kỷ yếu cũ, những câu thơ đó ngày xưa tôi đã thấy hay lắm rồi nhưng ngày nay ý nghĩa của nó càng thấm thía hơn. Chúng ta đã không còn những au revoir nữa mà tất cả chúng ta đã có la grande envolée và chúng ta đã thật sự giả biệt ngôi trường cũ thân yêu.

Cuộc tung cánh đầy bất ngờ của chúng ta bị chìm lẩn trong những biến cố của đất nước, không mấy ai trong chúng ta có đủ thời gian và cơ hội để hồi tưởng về ngôi trường và bạn học cũ. Giờ đây, đã mấy mươi năm trôi qua, có khi nào bạn ngồi nhớ lại ngôi trường cũ, các frère, thầy cô và bạn bè xưa ngày nay đã tản mát bốn phương trời không ? Có khi nào bạn nghĩ về thời gian học tại trường cũ không ?

Mong rằng các bạn sẽ tìm lại được những kỷ niệm xưa cũ dưới mái trường xưa, tìm lại được những người bạn học cũ và nhất là tìm lại được những hình ảnh cũ của chính mình.

Lê Việt Quang - Australia (tháng 11 năm 2009)
top Mục lục

Một góc trường xưa

Tần ngần trước cổng trường một lúc khá lâu để rồi quyết định sẽ không cố gắng bước vào. Nhìn tổng quát ngoài đường, tên trường, và xuyên qua những lỗ hở của cánh cổng chính, những gì mình đã và đang mang theo từ những ngày tháng trước đó đã không còn là hiện thực.

Như số phận của một số những căn nhà khác cùng các ngôi trường khác ở thành phố, diện mạo của ngôi trường xưa đã thay đổi rất nhiều với những chắp nối vá víu không đầu mà cũng chẳng đuôi.

34 năm mà tưởng chừng như mới ngày hôm qua!

Lê Hữu Mạnh - Austin, Texas, USA (tháng 11 năm 2009)
     
top Mục lục

Một mùa Giáng Sinh nữa xa Quê Hương

Thời gian tựa như giòng nước, từ từ trôi chảy vào trong kỷ niệm.

Lại thêm những giây đồng hồ của một mừa giáng sinh trôi vào dĩ vãng. Lại thêm những giây phút của cuộc đời đã ra đi để đi vào kỷ niệm. Lại thêm những hình bóng của cuộc đời khắc sâu vào tâm tưởng.

Giờ đây nhìn lại những hình ảnh của bạn bè xưa, nào là Nguyễn Văn Em, nào là Lý Siêu Phàm, nào là Nguyễn Đức Thắng, nào là Vũ Văn Chính, và những bạn bè khác với những cái tên vẫn còn quen thuộc trong tâm trí của chúng ta, nhưng hôm nay người ở phương này kẻ ở phương kia!

Thời gian càng trôi qua, kỷ niệm càng khắc sâu trong tâm trí, ước gì chúng ta có thể trở lại trong khoảnh khắc của một đêm Giáng Sinh của mái trường cũ năm xưa với tất cả bạn bè, với tất cả Thầy Cô, với tất cả Sư Huynh và những tiếng cười nói của tuổi hồn nhiên.

Viết cho một mùa Giáng Sinh nữa xa quê hương.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 12 năm 2009)
top Mục lục

Về lại chốn xưa

Ngồi một mình trong chiều vắng
Ta lang thang đưa hồn về chốn xưa

Gom góp lại những hình ảnh trong ký ức, tôi về lại chốn xưa, nơi đã cho tôi những tháng ngày thật đẹp, với những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày mỗi ngày đến trường, và đã là học sinh Taberd thì chuyện ăn uống la cà ngoài đường hay trong trường, cũng là điều ai cũng đã từng trãi qua, từ các bậc đàn anh đến các lớp đàn em đều quen thuộc, trong đó có cả tôi nữa, nên tôi ghi nhớ những sinh hoạt ăn uống hàng ngày để các bạn nhớ lại hình ảnh của mình trong đó của một thời thật đẹp.

Trước cửa Bưu Điện Sàigòn ngày ấy có hai quầy bán bánh mì mà tụi tôi hay gọi là bánh mì Bưu điện, quầy nằm bên phải hình như có tên là Hương Lan (Nguyễn Văn Ngãi), bán bánh mì gà hoặc jambon xúc xích là ngon nhất. Ổ bánh mì nhỏ mà tụi tôi gọi là bánh mì cóc, với nước sốt bò và thịt gà xé nhỏ cắn vào một miếng thì tuyệt vời. Bên cạnh quầy còn là chỗ để các anh lớn ngồi uống cà phê và hút thuốc trước khi vào học. Ngoài ra khu Bưu Điện còn bán xôi gà, cơm tấm, gỏi khô bò, bột chiên, đậu đỏ bánh lọt, nước sirô mà thêm kem vào thì vừa lạ và vừa ngon. Cũng như ăn bánh mì ngọt ổ tròn mà cho kem vào rồi cho tí sữa và đậu phộng thì ... chết liền. Riêng món bột chiên mà chiên hơi cháy xong rồi cho thêm trứng và hành lá vào ăn với tương ớt thì ghiền luôn.

Muốn thưởng thức các món trên thì phải đi học sớm, la cà nhâm nhi mới đã, nhưng cũng có lúc gặp bất ngờ, như đang ăn uống mà chuông trường inh ỏi lên tiếng thì phải mau mau ba chân bốn cẳng vọt lẹ vào trường, chậm trễ thì chỉ có nước go home thôi. Riêng này thứ hai có chào cờ thì năm phút sau cổng mới cho vào và đóng lại liền, vụ này thì tôi dã từng bị.

Ngoài Bưu điện ra, ngay bên hông trường chỗ Bộ Nội Vụ có con hẻm nhỏ bán cà phê, cơm tấm. Và có một chỗ bán bánh mì chả lụa và bì ngon hết biết. Ổ bánh mì dài và có chỗ cháy đen mà ăn với chả lụa hay bì rồi chan nước mắm thêm muổng ớt thi cho ... chết luôn. Ngày đó đi học mỗi ngày nếu khá giả thì được 100 đồng, giàu thì có 200 đồng ngoài ra cuối tuần còn được cho Cha Mẹ cho mấy trăm mua sắm nên tụi tôi tha hồ ăn hàng.

Bây giờ đến chuyện trong trường, trường có hai quán bán hàng ăn mà tụi tôi hay gọi là quán Pa-tí-xệ, một danh cho các lớp 6, 7 còn một dành cho các lớp 8 đến 12. Không có gì phân biệt ranh giới mà sao hai quán khác hẳn nhau. Quán các lớp 6, 7 thì to và sáng sủa hơn và đồ ăn thì Tây hơn. Ngay cả ông chủ quán típ người mập mạp vui vẽ hay bẹo má lũ con nít chúng tôi khi mua đồ. Nơi đây có bán bánh mì, bánh croissant (bánh sừng trâu), bánh xu kem, bánh pâté chaud nóng và dòn vừa ăn vừa thổi, bánh ốc kem với nhân kem trắng ăn thật tuyệt vời. Ngoài ra một hàng keo thủy tinh chứa kẹo và bánh rồi chổ bán nước ngọt và kem, sau này có loại kem Eskimaux sữa có bọc lớp chocolat mỏng bên ngoài. Quán này là nới ồn ào nhất của bọn con nít chúng tôi mỗi khi ra chơi. Chuông reo là ào xuống chen lấn nào là mua jeton banh bàn, bánh trái có khi trèo hẳn lên bệ đá mài để mua cho lẹ, mua xong nhiều khi nhìn lại đứt cả nút áo, quần áo xộc xệch, nhưng cầm đước món ăn mình thích trong tay là hạnh phúc rồi.

Còn quán dành cho các lớp lớn thì lịch sự hơn, dù gì thì cũng đã lớn rồi ai như lũ con nít lớp 6, 7 kia. Quán này thì bình dân và nhỏ hơn, được quay bằng lưới mắt cáo chỉ chừa một lổ nhỏ để bán hàng. Ngay như ông chủ quản lý người ốm và hom hem hơn nên các món cũng bình dân hơn nào là bánh da lợn, bánh chuối, bánh khoai mì, bánh đậu xanh, ... Riêng nơi đây có kẹo đậu phộng nougat, đậu phộng da cá, và me cam thảo. Món me ăn xong thì tụi tôi lấy hột làm đạn để bắn nhau trong lớp, súng là cây thước dẹp. Vụ này thì bạn Ngô Hùng học lớp 8-3 chắc rành à nhe. Còn nước uống thì có sữa tươi, sirô dâu đựng trong chai nhỏ, muốn uống thì đưa tiền thế chân, uống xong thì lấy lại vì sợ làm bể chai.

Không hiểu sao về sau này nhà trường có thay đổi gì mà đóng cửa cả hai quán vào năm 72-73 thì phải, bù vào đó thì quán mới có bàn ghế ngồi sạch sẽ hơn, nhưng quán này nhanh chóng trở nên xa lạ với tụi tôi hơn, thật là tiếc nuối phải không các bạn ? Những hình ảnh ấy đã mất rồi nhưng chúng ta có quên được đâu, mặc dù sắp về già mà nhắc lại chuyện ăn uống, tôi chỉ sợ con cháu đọc được thì ... hân hạnh vô cùng. Thôi thì tấ cả chỉ là kỷ niệm, nhắc lại để cùng các bạn nhớ lại một thời dưới mái trường Lasan Taberd. Thật là buồn.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 12 năm 2009)
top Mục lục

Ngày đầu tiên đi học

Trường Lasan Taberd lần đầu tiên, dưới ánh mắt ngơ ngác và lạ lẫm, và của một nhóc được Ba dẫn đi nhập học như tôi, thi nó lớn quá với những dãy lầu cao vút và xinh xắn, nhóc tôi thấy chung quanh mình là một thế giới mới xa lạ, nhìn chung quanh mình nhóc tôi lại thấy có những chú nhóc khác được Ba hay Mẹ dẫn vào trường, tay níu chặt Ba Má, mắt dáo dác ngó quanh và chực khóc.

Hôm đó là ngày khai trường niên khóa 66-67, và là ngày nhập học của tôi vì đã thi đậu vào lớp Ba, tôi cũng có ông anh đang học lớp Nhất ở đây nên Ba tôi cũng muốn cho hai anh em học cùng trường. Các lớp Ba nằm dưới ngôi Thính Đường (sau này là phòng dạy nhạc của SH Amédée Mai và phòng hội học của Thầy Lê Minh Ngữ).

Lớp tôi học là lớp Ba A do thầy Hoàng Ngọc Hiển phụ trách, sau khi vào lớp và được sắp xếp chỗ ngồi, bọn nhóc chúng tôi nhìn nhau dò xét và hướng mắt ra ngoài cửa lớp để trông chừng xem ba mẹ còn đứng đó hay không ? Đâu đây đã có những tiếng khóc ri rỉ, mà chỉ cần một nhóc nào đó òa lên châm mồi thì cả lớp chắc khóc theo.

Thầy Hiển có một thói quen là cứ đúng giờ Thầy lại chiếc tủ nhỏ đặt ở góc lớp, gần bàn giáo sư mở tủ lấy thuốc uống đều đặn hàng ngày. Khi tôi vào Taberd thì chương trình Pháp đã được đổi sang chương trình Việt nhưng chủ yếu vẫn là giờ học Pháp văn nhiều và tôi nhớ cuốn sách Pháp vở lòng đầu tiên tôi là cuốn Le Français Élémentaire, ngoài bìa màu trắng và xanh da trời có in hình con gà.

Vào thượng tuần tháng 12 năm 1966, trường có tổ chức Hội Nghị Thanh Niên Học Đường để hân hoan mừng lể kỷ niệm 100 năm Phục Vụ Thanh Thiếu Niên Việt Nam (1866-1966), có sự tham gia của các trường Lasan và các trường khác ở Sàigòn. Và cũng nhân dịp này trường Taberd xây thêm hai trường Lasan Mù số 282 Hiền Vương và trường Lasan Cần Thơ, số tiền trên do phụ huynh học sinh giúp đở và ủng hộ bằng cách mua vé văn nghệ do trường tổ chức ngày 8 tháng 12 năm 1966 tại thính đường Taberd.

Buổi lể kỷ niệm 100 năm phục vụ được tổ chức tại sân Hoa Lư, đúng ngày khai mạc các chú nhóc lớp tôi mặc áo trắng quần "short" dưới sự dẩn dắt của thầy Hiển từ sáng sớm đã xếp hàng dài đi bộ từ trường đến sân Hoa Lư cùng với các lớp khác. Đám nhóc chúng tôi đều háo hức vui vẻ vì không khí náo nhiệt và tưng bừng của ngày lể. Sau phần lể nghi khai mạc là đến phần trường đi diễn hành. Các lớp đàn anh Taberd oai nghi với đồng phục áo trắng quần trắng đi giày Bata cũng trắng luôn làm bọn nhóc chúng tôi ngưởng mộ quá với cờ xí đủ loại đủ màu diễn hành ra mắt các quan khách và sau đó là phần tranh tài thể thao với các trường bạn.

Năm học đầu tiên ở Taberd là thế đấy, dù nó đã trôi xa lắm rồi nhưng tôi vẫn không thể nào quên cái cảm giác đầu tiên ấy, và chắc các bạn cùng lứa với tôi ngày ấy cũng vậy thôi, phải không các bạn ? Tôi viết để gợi nhớ cho các bạn vì cuộc sống hiện tại chắc cũng làm các bạn quên đi phần nào đến những Ngày Xưa Thân Ái.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (Noel năm 2009)
top Mục lục

Chúng tôi, xưa và nay ...

Từ ngày có Taberd.org, tôi nhận được nhiều cú điện thoại rất là... hồi hộp:

..............
- Alô, xin lỗi cho hỏi có phải là Khánh không ? Lê Như Quốc Khánh ?
- Khánh đây, ai đó ?
- Tao đây, mày nhớ tao không ?
- ????? Mà tao là ai chớ ?!?
- Ý quên, Nguyễn Văn Em đây! Mày là Khánh phải không ?
- Em hả ? Nhớ chớ sao không ? Tên học giỏi nhất nhì trường mà!
- Học giỏi khỉ khô tao...
..............
Câu chuyện kéo dài gần... 45 phút. May mà có thêm chữ "mày" đệm thêm, chứ cứ nói chuyện Em Em không khéo bà xã lại tự hỏi đang nói chuyện với... em nào thế!

***

..............
- Alô, có phải Khánh, Lê Như Quốc Khánh không ?
- Khánh đây, ai đó ?
- Tui là Quang, Nguyễn Đào Quang nè ...
- Xin lỗi, tui không nhớ nổi Nguyễn Đào Quang là ai! Để từ từ tui bật máy cái đã ...
..............
- Ừ, thấy rồi, lớp Nhất 3. Nhớ ra rồi.
- Tui học hết lớp 7 rồi nhẩy ra ngoài.
- Ông học có đến lớp 7 thôi thì làm sao mà nhớ liền cho nổi cha ?
- Tui còn đến nhà ông chơi hồi đó đó! Hơn 35 năm rồi nghe ...
..............
Câu chuyện lại kéo dài gần 30 phút. Cứ thế, kỷ niệm xưa lại bắt đầu trở lại...

***

Cho đến ngày Taberd.org chính thức ra mắt, thời gian đã trôi qua hơn 33 năm. Nhanh thật. Thế mà tôi cứ tưởng như mới ngày hôm qua. Nhớ lại những thằng bạn ngày xưa, khi còn lủng lẳng mài đít nhà trường, ngây ngô và hồn nhiên. Thế mà bây giờ, có những đứa đã thành triệu phú, có những đứa đã lìa khỏi thế gian, và cũng có những đứa đang ngồi trong ... khám!

Nói tới nhà khám, lại nhớ đến thằng Ngô Cảnh Phương, tự Phương "bà già". Tôi còn nhớ tới cái chuyện anh em nhét giấy vào túi quần sau của nó rồi đốt. Cái giấy cháy làm quần nó cháy theo, lủng một lỗ lớn đàng mông. Nó đứng đó, ức trào máu, nhưng chỉ nhìn anh em rồi ... khóc! Thế mà bây giờ, ở cái phương trời Úc mênh mông rộng lớn, nó đang nằm trong một nhà lao nào đó với bản án tù chung thân!

Lại nhớ đến câu chuyện của một thằng không tiện nêu tên ra ở đây. Anh em thách nó nhai kiếng, nó cắn thật, và nhai ghe rốp rốp đến rợn người! Ở một nơi nào đó, nó có nhớ đến cái chuyện này ngày xưa không vậy ?

Rối theo thời gian, chúng tôi lớn lên. Thành thật mà nói, cái năm lớp 12 có rất nhiều kỷ niệm còn đọng lại trong tôi. Những anh em rời VN trước ngày 30/4 sẽ không bao giờ thấy được cái khoảng thời gian đầy biến động ấy. Nào là có thêm một lớp 12 toàn dân Bắc kỳ, nào là Hiệu trưởng mới, cụt một cánh tay ... Nhiều biến cố dồn dập xẩy đến đã đem bớt cái ngây ngô của chúng tôi đi xa ...

Lại nhớ tới cái chuyện trùm bao bố lên đầu thằng N. ở gầm cầu thang để ... đục, chỉ vì anh em ghét cái ... 30/4 của nó! Có thể bây giờ, N. đã tự trách mình (hay vẫn còn tự hào ?) về những việc ngày xưa, nhưng thôi, hãy bỏ qua hết cho anh em nghe, N.!

Rồi đến chuyện tuồn đồ đạc giùm cho các frères ra ngoài trường, rồi trụ sở Chi đoàn trường ban đêm bỗng dưng bốc cháy, rồi lại đến cái lựu đạn cay nổ ngay cột cờ giữa sân trường trong ngày kỷ niệm thành lập đoàn TNCS ...

Ngày ra trường lặng lẽ, không cờ không trống. Tôi đứng đó, nhìn ngôi trường xơ xác vì không ai trông nom, xót xa với cái tên Taberd sau hơn 100 năm đã không còn nữa, thay vào đó là cái tên Trần Đại Nghĩa lạ hoắc ...

***

Tất cả đã xa rời với thời gian. Những câu chuyện thời niên thiếu cũng đã đi sâu vào quá khứ. Cảnh vật thay đổi, phố xá thay đổi, cách sống, cách suy nghĩ cũng đã thay đổi. Saigon bây giờ tưng bừng, nhộn nhịp với đầy khói xe và bụi bặm. Ngôi trường xưa cũng đã được sửa sang, đánh bóng hơn nhiều. Tôi đã đi lại trên đường Nguyễn Du, nhưng không có cái can đảm dừng lại để lấy vài tấm hình như Lê Hữu Mạnh đã làm trong tháng 11/2009 vừa qua (xem phần cảm xúc trong site Web Taberd.org). Hãy nhìn Saigon với con mắt hướng về tương lai để khỏi phải thất vọng não nề với cái ý muốn tìm về với quá khứ, tôi tự nhủ như vậy!

Hạnh phúc thay, không ngờ là qua khứ vẫn còn đọng lại tại trang Web này, cái Taberd.org!

Bố khỉ cái thằng Lê Việt Quang đã mở lại cổng trường!

Lê Như Quốc Khánh - Paris (cuối năm 2009)

..............
Ngoài lề : Hoan hô và vỗ tay bốp bốp để khen thưởng cái công lao của ba tên Quang, Kiên, Khải cùng với công khó nhọc của những người đã chung sức để làm nên trang Web này.

top Mục lục