Taberd.org Lasan Taberd
Tìm kiếm chi tiết

 
memo
Cảm xúc

Các trang mới

 Hội ngộ TB79, 2012
 Tất niên Thầy Cô, 2012
 Thơ văn - Biên Khảo
 Nhạc - Bài hát
 Hình ảnh xưa
 Kỷ Vật

Liên kết

  Search  Tìm kiếm
  Msg  Nhắn tin
  Comments  Góp ý
  TC  Nhớ ơn Thầy Cô
  QTT  Quỹ Tương Trợ
  Send mails  Trong Sân Trường

Danh sách

Ghi tên nhận bản tin và thông báo
Họ tên
E-mail
Ghi lại mã bảo vệ  

Trường Xưa Yêu Dấu (3)

Năm 1974 là năm Trường Taberd kỷ niệm 100 Năm Thành Lập Lasan Taberd (1874 - 1974). Năm nay Frère Fortunat Trần Trọng An Phong không còn giữ chức Tổng Linh Hoạt nữa, thay thế là Frère Sylvain Huỳnh Kim Quang đảm nhiệm tất cả các phong trào thể thao và văn hóa văn nghệ trong trường.

Xe La MãKỷ Niệm 100 năm là mở đầu mùa thể thao của Trường cùng với các trường bạn, được tổ chức vào ngày 22/12/1973. Ngoài hai môn ruột như bóng rổ, bóng bàn, rồi các môn bóng chuyền, đá banh, điền kinh, đấu cờ... thì cái môn mới mẻ và hào hứng nhất là môn Đua Xe La Mã, chiếc xe được thiết kế giống như chiếc xe La Mã cổ, (mà sau này tôi mới biết là do Frère Roland Anh đã thiết kế ra mẩu xe này), có 4 người kéo và 1 người điều khiển trên xe, vòng đua là quanh sân trường, trò chơi này đòi hỏi người kéo xe phải khéo điều khiển xe để giữ thăng bằng cho xe khỏi bị lật, và đôi chân phải khỏe để mau về đích, cuộc đua tuy mệt nhưng thật là vui với những tiếng hò hét động viên của anh em.

Mùa xuân Giáp Dần 1974 trong không khí vui mừng kỷ niệm 100 năm thành lập, trường đã trao tặng 4 con bò ủng hộ phong trào Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, cho Sư Đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân tại căn cứ Năm Căn ở Cà Mau.

Ngày 15-2-74, trường tổ chức buổi tiếp tân trọng thể với các nhân vật trong chính quyền, các nhà Ngoại Giao và các Tôn Giáo. Nhân dịp này Ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh, thay mặt cho Tổng Thống VNCH trao tặng Giấy Ban Khen của Tổng Thống, và huân chương Bội Tinh Văn Hóa Giáo Dục cho nhà trường trong dịp lễ 100 năm thành lập Trường La san Taberd.

Bia 100 namNgày 16-2-74, là Ngày Tri Ân Các Đấng Tiền Nhân cùng với tất cả các Quí Vị Ân Nhân, một tấm bia kỷ niệm Đệ Bách Chu Niên Taberd đã được dựng, và tấm kỷ vật niên hiệu của trường làm bằng đồng, có hình tam giác đều, phía trên là dòng chữ Lasan Taberd, ở giữa là ngọn Hải Đăng chiếu sáng, trên đỉnh hải đăng là ngôi sao chỉ lối soi đường, dưới chân hải đăng là biển cả, cuối cùng là con số 1874-1974 (100 năm thành lập Lasan Taberd), ý nghĩa Ra Khơi đó cũng là Niên Hiệu của Trường Taberd.

Buổi lễ nhằm tôn vinh các vị ân nhân đã chung sức và đóng góp để tạo nên một Lasan Taberd ngày nay, trên khán đài của dãy lầu chính giữa trường, một bàn thờ Tổ Quốc được lập ra trang trọng. Nhân dịp này Sư Huynh Tổng Quyền Dòng La San có trao tặng 2 bằng khen "Hội Viên Tinh Thần", một cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, một cho Chủ Tịch Thượng Viện ông Nguyễn Văn Huyền. Đồng thời Sư Huynh Tổng Quyền cũng trao bằng Ân Nhân Dòng La San cho Nghị Sĩ La Thành Nghệ, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Taberd, cũng là Dược Sĩ và có tiệm Pharmacie La Thành trên đường Tự Do ngày ấy.

Ngoài ra, trường có tổ chức 2 đêm văn nghệ từ ngày 14-2 đến 15-2, ngoài các ban nhạc cây nhà lá vườn của trường, còn có thêm các trường bạn giúp vui như Thiên Phước, Regina Pacis, St. Paul, ... cùng một số nghệ sĩ nổi tiếng của Thủ Đô.

Và rồi ngày hội lớn 17-2-74 đã đến, đây cũng là ngày lễ Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh hằng năm, và tôi cũng đến dự với tư cách một cựu học sinh Taberd. Ngoài các nhân vật cao cấp trong chính quyền như Ông BTGD Ngô Khắc Tỉnh, Chủ Tịch Thương Viện Nguyễn văn Huyền, còn có các đại diện Dòng Lasan từ Thủ Đức, Mỹ Tho, Nha Trang ... cùng với các trường bạn ở Sài Gòn như Gia Long, Trưng Vương, Chí Thiện, Regina Pacis, Regina Mundi, St. Paul, Thiên Phước...

Khán Đài

Mở đầu buổi lễ là bài phát biểu chúc mừng của SH Tổng Quyền, rồi đến phần phát biểu của SH Hiệu Trưởng Félicien Huỳnh Công Lương, sau các nghi thức là phần diễu hành của học sinh Taberd, đứng nhìn các bạn cũ với trang phục nghiêm trang và đứng đắn, áo cài măng sét, đeo cravat đi đứng trang trọng, lòng tôi cũng thấy buồn buồn vì mình không còn ngồi tại ngôi trường này nữa, rồi sau đó là đến các trường bạn, các đoàn trường đi qua dãy khán đài danh dự được dựng hàng dài ở cuối trường.

Sau những nghi thức diễu hành, đến phần trao giải thưởng các môn tranh tài thể thao, là đến phần biểu diễn chương trình thể dục đồng diễn của các trường, nào là tiết mục nhào lộn, uốn dẻo, xếp hình của các ban tiểu học của trường và các trường bạn, rồi đến tiết mục thể dục đồng diễn, diễn tập thể dục quân sự.. là đến tiết mục quen thuộc của các đấng Taberd như xếp hình kim tự tháp bằng người,

Dân VũCuối cùng là tiết mục đặc sắc và hấp dẫn nhất, mà các lớp đàn anh nào đã được chọn, các anh ấy chắc cũng hồi hộp, chờ đợi đến từng giây từng phút, đó là tiết mục nhảy Dân Vũ giữa các học sinh toàn nam Taberd và toàn nữ Thiên Phước, một sự sắp xếp có chủ đích và kết hợp tuyệt vời của Ban Hiệu Trưởng hai trường, một bên là trường Dòng, một bên là trường Ma Soeur, Trường Thiên Phước lâu nay luôn luôn là trường bạn thân thiết và duyên dáng trong chiếc áo dài đồng phục mầu hồng, mà các anh Taberd luôn mơ ước làm quen. Thế rồi trong tiếng nhạc dập dìu, từng anh trai Taberd tay nắm tay em gái Thiên Phước, cùng dìu nhau ra sân và nhảy theo tiếng nhạc, có biết bao cặp mắt nhìn theo thèm thuồng, hay bao nhiêu cái chép miệng tiếc nuối vì không được chọn, để được nhảy cái điệu Dân vũ quá là hấp dẫn này, chắc là nhiều lắm.

Và tôi cũng không biết trong những lúc tập dượt cho buổi Dân vũ vào những buổi chiều tại sân trường, hay sau cái tiết mục nhảy đầy hấp dẫn ấy có bao nhiêu mối tình giữa Anh Taberd và Em Thiên Phước. Tôi có hỏi ông anh của tôi, người may mắn được tham gia điệu nhảy này là ông có cua được một em nào không? thì không thấy ổng trả lời mặc dù ổng cũng đẹp trai, tôi chỉ biết năm này ổng cũng Tốt Nghiệp Tú Tài và được Frère Félicien Huỳnh Công Lương trao nhẫn thâm niên, đó là chiếc nhẫn làm bằng vàng 10 (loại vàng có giá trị để làm đồ lưu niệm), trên mặt có đính một viên đá ngọc, cùng với một tấm bảng được khắc tên và ngày tốt nghiệp, cũng như sau này ổng lập gia đình và người vợ dĩ nhiên không phải là một nàng Thiên Phước như ngày ấy.

Thế đấy, Taberd đã mừng Sinh Nhật thứ 100 của mình như thế đó. Thật hoành tráng và thật đẹp phải không các bạn, một con số tròn trĩnh và cũng không ai ngờ là, sẽ không có và mãi mãi về sau này, Taberd sẽ không còn những con số tròn trĩnh nào khác trong đời nữa, và cùng với những tên tuổi của các trường bạn thân thiết ngày nào, tất cả như đã rơi vào một miền quá khứ xa xăm nào đó.

Lasan Taberd, thôi đã hết tiếng cười rộn ràng, những khuôn mặt quen thuộc của bạn bè khi xưa, mà nay đã lưu lạc khắp bốn phương trời, còn đâu nữa một thời áo trắng sân trường thật đẹp, cho tôi được thì thầm trong gió vào những buổi chiều vàng của cuộc đời: Lasan Taberd ơi xin chào Vĩnh Biệt.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 5 năm 2010)
Một số hình ảnh về ngày lể kỷ niệm 100 Năm Thành Lập Lasan Taberd
top Mục lục

Tưởng nhớ Thầy

Năm lớp 9-6, tôi học Pháp Văn do Frère Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt dạy, cứ mỗi sáng vào tiết Pháp Văn đầu giờ, là được nghe Frère bỏ ra 5, 10 phút để giảng triết lý về cuộc sống cho chúng tôi nghe, giọng Frère trầm ấm nên tụi tôi rất thích, và cả lớp thường im lặng ngồi nghe, Frère cũng là thầy phụ trách lớp 9-6 ngày ấy.

Cũng vì tính cách mềm mỏng và thấm đậm những câu chuyện triết lý vào những đầu giờ, nên đến giờ Pháp Văn của Frère, tụi tôi cũng chăm chỉ hơn, không khí lớp học cũng nhẹ nhàng như phong cách thư thái mà Frère đã truyền cho tụi tôi, không như năm ngoái lớp 8-3 giờ Pháp Văn của Frère Algibert Cách, lớp luôn luôn ồn ào và phá phách kinh khủng, đã vậy còn bị phạt ngồi ở lại lớp 2 giờ cuối ngày thứ bảy liên tục, đến nỗi có lần Frère Martial Lê Văn Trí phải đích thân xách roi mây vào lớp thăm hỏi.

Ngoài những tính cách trong lối giảng dạy, Frère còn có một tâm hồn nghệ sĩ khi vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1972, Frère tập cho cả lớp bài Silent Night, nhất là bài Mon Beau Sapin mà đến bây giờ mỗi lần Giáng Sinh về, nghe lại bản nhạc này tôi lại nhớ đến Frère, kì lạ thật không thể nào quên được những kỷ niệm nho nhỏ một thời ấy.

Sáng nay nhận được tin Frère qua đời vào ngày 10/5/2010, lòng con lại nhớ đến Frère, đến một người Thầy năm nào, đến những lời giảng dạy cùng với những triết lý vào đời, mà Frère đã truyền cho chúng con ngày ấy, cùng với bản nhạc Mon Beau Sapin năm xưa, mà chắc không bao giờ con quên được Frère ơi.

Con cầu xin linh hồn Frère được an nghỉ vĩnh hằng trong nước Chúa, cũng như trong lòng chúng con lớp 9-6 ngày ấy.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (11 tháng 5 năm 2010)
Trang Tưởng Nhớ SH Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt.
top Mục lục

Kính nhớ Frère Zacharie Kiệt

Zacharie_kietTôi học với Frère Kiệt môn Pháp văn lớp 9-6. Tôi không nhớ là Frère về Taberd vào năm nào vì tôi không thấy Frère tại Taberd cho đến khi Frère dạy tôi. Thật sự mà nói thì lúc đó tôi thấy Frère hơi kỳ và không giống những Frère khác mà tôi đã học trước đó. Ngoài môn Pháp văn, Frère đã kể và nói với chúng tôi về rất nhiều chuyện, một số chuyện rất thực tế về bạn bè, anh em, cha mẹ, v.v. và về cuộc sống hàng ngày, những điều chúng tôi có thể áp dụng hay nhìn thấy ngay được. Nhưng có một số chuyện thì đối với một đứa học sinh lớp 9 như tôi thì có phần cao siêu và không biết để làm gì và cũng vì vậy một số đứa trong chúng tôi nói là Frère bị man-man, chúng con xin lỗi Frère về chuyện này nhưng chắc chắn là Frère cũng chỉ cười về chuyện này mà thôi.

Bây giờ, đôi lúc nhớ lại những chuyện mà Frère đã dạy, như chuyện dạy dỗ con cái thì tôi thấy rất đúng (mà lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao Frère lại nói với chúng tôi về chuyện đó). Tôi cũng đã biết đó là nhân sinh quan về cuộc sống mà Frère muốn truyền đạt cho chúng tôi, không phải chỉ cho chúng tôi kiến thức trong học đường mà chuẩn bị cho đường đời sau này. Tôi tiếc là đã không được gần Frère nhiều hơn nữa để có thêm những bài học giúp cho cuộc sống của tôi đẹp và có ý nghĩa hơn.

Con cầu xin cho Frère được bình an trong nước Chúa.

Lê Việt Quang - Australia (11 tháng 5 năm 2010)
Trang Tưởng Nhớ SH Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt.
top Mục lục

Kỷ niệm với "Quái Kiệt"

Zacharie_kietÐó là một buổi chiều thứ sáu của tháng mười. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là năm 1977, một năm với đầy lo âu, ngờ vực, sợ hãi của nhiều người sống tại Sài-Gòn. Như một thói quen, tôi đạp xe đạp từ trường Cô Giang, qua Chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, rồi Tự Do ngược về hướng Nhà Thờ Ðức Bà. Tôi thường có thói quen đi lễ chiều ngày thứ sáu tại đây. Nắng gay gắt. Ðang leo dốc trên đường Tự Do gần ngã tư Gia Long, chợt tôi nhận ra một người dang dắt chiếc xe đạp đi bộ trên vỉa hè:

- Frère Kiệt, tôi gọi.

Frère Kiệt nhíu mày nhìn tôi suy nghĩ một thoáng, rồi mỉm cười:

- Ai ? ... Bình ... sữa phải không ?

- Dạ, tôi đáp và hỏi ngài tiếp, Frère đạp xe đua với con không?

- Không, hôm nay Frère mệt. Bình muốn ngồi nghỉ một lát ở đàng kia không ? Ngài chỉ tay về hướng một ghế đá trong công viên (tôi quên tên - góc Tự Do và Gia Long) (BT - công viên Chi Lăng).

Thấy chưa tới giờ lễ, tôi ngồi nói chuyện với Frère một lát. Ðược biết, Frère cũng vừa mới đi dạy về. Ngài hỏi tôi nhiều về việc học hành, về gia đình tôi, về tu đức (tôi quen biết ngài hơn các bạn khác về điểm này). Vào lúc đó, tôi đã có ý định đi ... tu, nên tôi và Frère đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Như anh Quang và anh Chính đã trình bày, ngài luôn mở đầu bằng một câu chuyện triết lý, mà dạo đó tôi thường hay nghe ngài ... cho qua chuyện (vì chẳng hiểu gì cả).

Tôi cũng như một số các bạn khác, lớp 9P7, được biết đến Frère lần đầu tiên vào niên học đó. Biệt hiệu Quái Kiệt cũng được các bạn cùng lớp tôi đặt cho ngài, trong khi đang nghe Frère giảng một bài triết lý trước khi vào giờ môn Pháp văn.

- Quái Kiệt, đúng chớ, Quái Kiệt của thời đại, Frère đáp lại một câu nói lớn phía đàng sau lưng tôi "Ðúng là Quái Kiệt!".

Tôi còn nhớ một hôm, vào đầu giờ môn Pháp văn, Frère bước vào lớp, và mở đầu bằng một câu hỏi:

- Có em nào trong lớp đã khóc người yêu chưa?

Cả lớp bắt đầu nhao nhao, tiếng cười, tiếng nói lẫn lộn. Chờ im lăng một lát, Frère bắt đầu ... bài morale:

- Con người ta, bất kỳ ai, phải khóc ít nhất là một lần. Này nhé, sinh ra là phải khóc. Lớn lên, ai cũng phải khóc một lần cho người yêu đầu tiên của mình. Và đó là mối tình đầu mà ai ai cũng nhớ nhứt trong đời mình.

Tôi không nhớ từng lời Frère giảng ngày hôm đó, nhưng đại khái bài "morale" là như vậy vào mỗi đầu giờ Pháp văn của lớp. Cũng có khi, giờ học Pháp văn biến mất để nhường chỗ cho việc thảo luận về triết lý: lúc đó, cả thầy lẫn trò đều say mê đến khi chuông báo hết giờ ...

Nay đọc lại những bài Frère viết, những di cảo, hồi tưởng xưa của hơn 30 năm về trước lại trải dài trước mắt: Vivre c'est lutter !, câu nói của Frère lại đâu đây văng vẳng bên tai. Có thể Và cả đời tôi, quả là Bản Sao của Ðức Yêsu Kitô. Nhưng Frère đã để lại cho chúng con một kho tàng quý giá về chân lý sống, về cuộc đời và về con người. Con xin nghiêng mình trước một vị Frère, một người thầy khả kính.

Đặng Sĩ Bình - Ottawa (May 12, 2010)
Trang Tưởng Nhớ SH Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt.
top Mục lục

Có những kỷ niệm buồn trong đời

(Riêng tặng Nguyễn Anh Dũng)

Trong cuộc đời có những số phận hay định mệnh của mỗi con người khác nhau, cũng như có những tình bạn quanh ta hằng ngày đôi khi cũng làm cho mình phải day dứt và suy nghĩ mãi không thôi.

Năm tôi học lớp 9-6, niên khóa 72-73, tôi học chung với hai anh em Nguyễn Anh DũngNguyễn Phi Hùng. Tôi còn nhớ một kỷ niệm đáng nhớ và cứ day dứt mãi trong tôi, có một lần lớp 9-6 đi ngang qua một lớp khác, lúc này Frère Ligori Thành đang dạy lớp này, không hiểu sao thằng Anh Dũng đi bên cạnh la lớn:

- Đả đảo Ba Tàu, đả đảo ba tàu.

Tôi cũng buột miệng la theo:

- Đả đảo ba tàu, Đ. M. chúng.. nó.

Biết mình lỡ lời lại còn chửi thề nên tôi chỉ còn nước im lặng, Frère Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt không cho cả lớp ngồi, và ngay lúc đó Frère Ligori Thành bước vào và giảng Morale cho cả lớp, rồi Frère Kiệt hỏi ai là thủ phạm, tôi đưa mắt nhìn sang Dũng lắc đầu nhè nhẹ để ra hiệu nhất định không đầu thú. Dũng chỉ cười lặng lẽ rồi từ từ bước lên, để nhận lãnh ngay một cái tát tai nẩy lửa của Frère Ligori lúc đó đang giận tím mặt. Cũng vì chuyện này mà tôi cứ ân hận mãi.

Gia đình tôi và gia đình Dũng đã quen biết nhau từ khi chúng tôi học chung lớp sáu, và tôi cũng thường hay đến nhà Dũng chơi. Bố Mẹ của Hùng và Dũng là người miền nam, nên tính tình cởi mở và rất dễ thương, mẹ Dũng tu tại gia và anh chàng Dũng này cũng toàn nói chuyện kinh kệ, chả bao giờ thấy anh chàng lớn tiếng hay văng tục như tôi. khuôn mặt Dũng rắn rỏi và có vẻ khắc khổ, nhưng cả Hùng và Dũng đều có thân hình chắc khỏe. Bố mẹ Dũng chỉ sinh được ba thằng con trai, nên ông bà có nhận thêm một bé gái để làm con nuôi.

Rồi năm 1975, cuộc chiến tranh thảm khốc lan nhanh ra khắp lãnh thổ miền nam, số phận Sài Gòn cũng sắp sửa được định đoạt, các cuộc di tản khỏi Sài Gòn của giới chức quân sự VNCH cũng đã bắt đầu được tính đến, trong đó có gia đình tôi vì ba tôi là một sĩ quan cao cấp trong quân chủng Hải Quân. Vì là chỗ quen biết nhau thân thiết, nên bố mẹ tôi cũng mời gia đình của Dũng lên tàu và ra đi khỏi Sài Gòn, lúc đó đang hấp hối và sắp thất thủ. Nhưng chiều ngày 29/4/75, bố của Hùng có đến nhà tôi và nói với ba tôi là gia đình ông không thể đi cùng tàu với gia đình tôi, vì chắc họ còn kẹt một điều gì mà không thể ra đi trong lúc này, thật đáng tiếc.

Như bao các gia đình di tản khác, gia đình tôi được định cư tại Mỹ và cuộc sống gia đình tôi bắt đầu ổn định. Năm 1977, tôi được biết ba của Dũng làm chủ một tàu đánh cá, và ông tổ chức cho cả ba anh em Hùng, Dũng, Hải vượt biên ra nước ngoài, vào thời kỳ đó thì chuyện tổ chức vượt biên ra nước ngoài là một chuyện nóng bỏng, nó âm ỉ và lặng lẽ đối với những người chung quanh, trong chuyến đi này ngoài ba anh em, còn có thêm một người bạn thân của cậu em út Dũng, xin đi theo và được ba Dũng chấp thuận luôn. Chuyến đi trót lọt, cả 4 người đã đến Mã lai an toàn và họ liên lạc được với gia đình tôi. Năm 1978, tất cả anh em Dũng đều được ba tôi bảo lãnh qua Mỹ, và được sắp xếp ở ngay bên cạnh Việt.

Một năm sau, khi biết các con đã an toàn và sống ổn định bên cạnh gia đình tôi, ba Dũng lại mua một chiếc tàu đánh cá khác, để chuẩn bị cho chuyến đi của hai ông bà với người tài công và cô con gái nuôi, biết được tin trên, trước ngày đi bố mẹ của người bạn thân Hải (em út của Dũng), cũng đòi đi theo và bố mẹ Dũng chỉ cho đi với một điều kiện là không có ai đi theo, và cũng như con của họ lần trước, bố mẹ Dũng cũng cho họ đi miễn phí.

Nhưng hỡi ơi, lúc lên tàu họ mới biết gia đình kia đã thu tiền cho cả trăm người đi theo, họ đã ngồi trước tự hồi nào chật cả con thuyền, đứng trước tình thế này, vì sợ không đủ lương thực, nước uống cho chuyến đi, đã tập trung đầy đủ người trên thuyền mà hủy chuyến đi thì càng nguy hiểm thêm, thôi thì cũng là chuyện đã đành và tất cả cũng đều giao cho số mệnh. Và chính cái số mệnh trớ trêu đã đến với bố mẹ Dũng, lúc tàu ra đến hải phận quốc tế, tối mắt vì số vàng thu được của chuyến đi, gia đình nọ hất mẹ Dũng xuống biển, bố Dũng lao theo để cứu và họ đã cùng chết trên biển Đông ác nghiệt.

Lúc này là 2 giờ trưa bên Mỹ, và tôi đang về thăm gia đình, lúc này mẹ tôi mới ngủ trưa vừa thức dậy, bỗng bà nói với tôi:

- Chắc mình sẽ không còn được gặp bố mẹ của Hùng Dũng nữa đâu.

Ngạc nhiên tôi hỏi tại sao thì bà nói:

- Con ơi, mẹ vừa thấy mẹ của Hùng Dũng đến ôm mẹ và nói như vậy. Người và quần áo của bà ấy ướt nhẹp và lạnh con ơi. Mẹ lo quá.

Tôi cũng nói vói mẹ là có một lần tôi cũng mơ thấy ba mẹ Dũng.

Tôi liền chạy sang nhà anh em Hùng Dũng, thì thấy Dũng đang buồn bã ngồi trước cửa nhìn về nơi xa xôi. Tôi có linh tính là Dũng cũng thấy điềm gì đó, nên đã biết trước khi tôi kể chuyện nằm mơ của mẹ tôi, và hai đứa không ai nói với ai một lời nào, chỉ còn trông mong thư từ đến báo để biết tin tức chuyến đi mà thôi.

Khoảng một tháng sau mới nhận được điện tín báo tin của người tài công từ đảo, là bố mẹ của Dũng đã mất trên Biển Đông và không nói lý do. Phải mấy tháng sau, mới nhận được điện tín từ một nước thứ ba gởi đến thì mọi người mới biết được sự thật định mệnh ấy.

Và Dũng bạn tôi không bao giờ vui kể từ cái năm 1979 oan nghiệt đó, cũng như tôi luôn buồn và mặc cảm mỗi khi nhớ về chuyện xưa. Sau này cả 3 anh em Hùng Dũng trở về lại quê hương để làm ăn, và cũng để cho họ tìm lại hơi ấm ngày xưa của gia đình và bố mẹ, những hình ảnh buồn thật buồn. Từ đó tôi không còn gặp lại họ nữa.

Nghiêm Quốc Việt - Cali (tháng 5 năm 2010)
top Mục lục

Quán cà phê Cây Khế

(Thân tặng Lưu Thành Hiếu)

cafe_cay_khe_1Quán Cà phê Cây Khế, nằm ngay góc đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng, quán cũng giống như các quán cà phê khác, không xanh mát hay thơ mộng như cà phê Sân Vườn, cũng không ồn ào náo nhiệt như các quán sang trọng, có máy lạnh và cửa kính nhìn ra đường. Bước vào cổng, dãy bên phải có mái hiên, ở dưới được kê mấy bộ bàn ghế, dãy bên trái là cơ ngơi tổ ấm của ông chủ quán, chính giữa quán là một khoảng sân, vừa là chổ để xe khách, phía cuối sân có một cây khế to, dưới cây khế vài bộ bàn ghế nằm rải rác dưới các tán dù.

Vào ngày thứ hai, ngày 28/12/2009 tôi nhận được cái mail của Lê Việt Quang thông báo cho anh em Taberd 76 ở VN, Quang đang ở VN và muốn gặp gỡ anh em tại một quán cà phê nào đó, thời gian là ngày 1/1/2010. Thế rồi sau đó Lý Minh Sơn cho biết địa chỉ: đó là quán Cây Khế, nằm ngay góc đường ĐBP-HBT. Cái địa chỉ này rồi cũng bình thường như bao cái tên khác, nếu như sau đó tôi được biết, quán này là của Lưu Thành Hiếu, một promo 76 với tụi tôi. Thật ra thì nhóm Minh Sơn, Nguyễn Hữu Tường, Nguyễn Trịnh LươngLa Thu Chinh, cũng hay đến đây thường xuyên chơi với Hiếu, trước khi trang Taberd.org xuất hiện.

Như tôi đã nói, quán Cây Khế nhìn cũng bình dân giống như "Bố Già" Hiếu, bình dị và chân chất, mà đôi khi bố còn chơi cả quần ngắn, tiếp đón và chụp hình cùng với bạn bè cũ, sở dĩ tôi gọi là "Bố Già" vì Hiếu lập gia đình rất muộn, và mới có đứa con đầu lòng được mấy tháng tuổi, đúng là cha già con mọn, bố Hiếu ơi là bố Hiếu. Đến quán lúc này thỉnh thoảng bạn sẽ thấy Bố Già đẩy chiếc xe, cùng với cục dzàng của bố đi vòng quanh sân quán, để cho thiên hạ chiêm ngưỡng.

Vào tháng 5, khi cây khế đã có trái, anh em mình đến uống cà phê nếu muốn có thể thò tay hái lấy ít trái khế, nhưng có điều những trái khế nho nhỏ giống y như ông chủ Hiếu, lớn không nổi và bắt đầu đã già rồi.

Nơi đây cũng là nơi chỗ để anh em bù khú với nhau, như có lần tôi hỏi Minh sơn, tại sao lại có cái biệt hiệu Sơn Harlem, thì Minh sơn giải thích theo kiểu Sơn như sau:

"Hồi đó bên Mỹ có đội bóng rổ chuyên nghiệp tên Harlem, trong đó có một tên chuyên thẩy bóng từ xa để ăn điểm, mà Minh Sơn cũng hay thẩy bóng từ xa, nên anh em đặt cho cái tên Harlem luôn."

Đang giải thích ngon trớn, bỗng Võ Long Hải ngồi bên thấy ngứa miệng bèn xía mỏ vào:

"Harlem là toàn tụi da đen ở, hồi đó mày đen thui nên anh em đặt tên mày là Sơn Đen, nói đại cho rồi, còn vòng vo tam quốc dài dòng văn tự nữa".

Tôi đành nghĩ, cả hai cách giải thích trên cách nào cũng đúng.

Thế là cái địa chỉ này luôn luôn được nhắc đến, và đã thành một thông lệ mỗi khi anh em Taberd 76 muốn gặp lại nhau, đầy tháng con Hiếu, tiệc Tất niên hay Tân Niên, hoặc có anh em nào ở hải ngoại về, muốn gặp lại anh em bạn cũ, thì anh em lại tụ về đây. Như những bầy chim vỡ tổ ngày xưa, nay sau bao năm từng cánh chim tha hương khắp phương trời lại bay về, tìm nơi chiếc quán bên đường để nghỉ chân gặp gỡ và chuyện trò với bạn xưa, về ngôi trường thân yêu ngày xưa ấy.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 5 năm 2010)
top Mục lục

Trường Xưa Yêu Dấu (4)

(Viết để nhớ về các Frère và Thầy Cô)

Trong các sinh hoạt Văn Hóa Văn Nghệ, hay Thể Dục Thể Thao của trường Lasan Taberd được tổ chức trong các ngày lễ hàng năm, cũng như việc giữ kỷ luật nghiêm nội quy của trường, không thể không nhắc đến vai trò Tổng Linh Hoạt, một vai trò quan trọng trong công việc sắp xếp các hoạt động Văn Hóa-Thể Dục theo đường hướng của Ban Lãnh Đạo nhà trường. Và có hai vị sư huynh mà chúng tôi không thể nào quên được, đó là Frère Ephrem Trần Ngọc Tú và Frère Fortunat Trần Trọng An Phong.

ephrem_tuNiên khóa 69-70 tôi học lớp Thất 9 (6-9), niên khóa 70-71 tôi học lớp Lục 6 (7-6), trong các năm này Frère Tổng Linh Hoạt là Ephrem Tú, mà hồi đó cũng đã nghe các ông anh lớn gọi là Tú Bà rồi, để ám chỉ cái tính dữ dằn cần phải có của một Frère Tổng Linh Hoạt, đối với cái đám học trò đứng thứ ba sau quỷ và ma kia.

Cứ mỗi sáng sớm trước khi bước vào cổng trường, là đã thấy Frère TLH Tú đứng ngay giữa đường, mắt lừ lừ nhìn sang hai bên theo dõi xem có tên học sinh nào, tóc tai dài, áo bỏ ngoài quần, không đeo phù hiệu hay chân lê đôi dép, là ngoắc vào bắt đứng một bên rồi tính sổ sau. Ngày ấy, ai đi xe đạp thì phải gửi trong trường, đến cổng thì làm ơn xuống xe dắt bộ vào, còn làm biếng chạy luôn là thế nào cũng bị nắm cổ bắt xuống xe, nghe giảng moral đã tai luôn. Nhưng cái đám học sinh cũng lì lợm không kém, vừa qua khỏi chỗ Frère Tú đứng, là lại một chân để trên pedal, còn một chân thò xuống đất để đẩy xe đi tới trước, chứ nhất định không dắt bộ.

Thường thì ngoài các buổi lễ Khai giảng, Noel hay Tết Nguyên Đán, ... thì ngày Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22/1 là ngày rầm rộ nhất, tất cả các hoạt động văn nghệ-thể thao như Bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, nhảy bao bố, đi xe đạp chậm, xếp hình người.. thì cái môn nhảy ngựa gỗ là hấp dẫn và hồi hộp nhất, cái môn này trong các giờ thể dục của lớp tụi tôi cũng đã học rồi, một con ngựa gỗ (gọi là ngựa chứ có thấy nó giống ngựa đâu) cao khoảng 1m5, dài cũng gần 2m, được bọc nệm bên ngoài, phía trước con ngựa là cái bệ lò xo bằng gỗ dùng để nhún, từ xa tụi tôi chạy lấy đà rồi đặt chân lên bệ lò xo, lấy trớn phóng qua con ngựa, chúng tôi được học cách nhảy cừu, trồng cây chuối rồi lật ngửa ra phía trước ... và luôn luôn phía trước có ông thầy thể dục đứng đỡ, cái môn này kể ra cũng thích thú đối với bọn nhóc chúng tôi.

Ngày Đại hội Phụ Huynh Niên khóa 70-71, ngoài những tiết mục đã quen thuộc, còn có một tiết mục nghẹt thở đối với tụi tôi, đó là màn nhảy ngựa gỗ qua hai vòng lửa, lớp tôi và vài lớp khác được chọn ra vài người để biểu diển, tôi cùng với thằng Lê Phi Hùng, Lê Văn Chí và vài tên khác trong lớp được chọn vì có thân hình nhỏ bé và ốm nhom, phù hợp với tiết mục này, thế là cứ chiều chiều tụi tôi phải vào trường để tập dượt, đầu tiên là nhảy với cái vòng sắt được hai người đứng hai bên đưa lên, tập cho thật quen, rồi cái vòng ấy được quấn vải chung quanh và đốt lửa, bọn tôi lấy đà chạy tới nhắm mắt (sợ quá mà), phóng qua cái vòng lửa ấy và được thầy huấn luyện viên đứng đỡ phía trước, tập một vòng lửa đã khó lại còn thêm một vòng nữa, và rồi cũng đến ngày trình diễn đầy hồi hộp, để tránh cho học sinh bị phỏng, tụi tôi mặc áo thun 3 lỗ và quần dài, cuối cùng trong buổi biểu diễn ấy bọn tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, và thằng Lê Phi Hùng và thằng Lê Văn Chí được chụp một tấm hình để đời trên kỷ yếu 69-70, khi nó bay qua hai vòng lửa một cách ngoạn mục, đó cũng là kỷ niệm để tôi nhớ về Frère Tú, sau niên khóa này Frère về Lasan Mossard, Thủ Đức để nhận nhiệm vụ mới, và thôi giữ chức Tổng Linh Hoạt.

fortunat_phongNiên khóa 71-72, tôi học lớp 8-3, niên khóa 72-73 tôi học lớp 9-6, thời gian này Frère Tổng Linh Hoạt là Frère Fortunat Trần Trọng An Phong, hay còn bị gán cho cái tên (Toyota) Cortina, Frère thuộc típ người thấp, trẻ tuổi và năng nổ vô cùng, nhưng cũng dữ dằn không kém đối với bọn học sinh chúng tôi, Frère cũng vẫn đứng trước cổng trường vào đầu giờ, cũng với đôi mắt lạnh lùng và dữ dằn, để lôi những tên tác phong kém và đồng phục lôi thôi sang một bên, và đôi khi tiện tay nắm cổ áo tên nào chạy xe đạp vào trường mà không xuống xe dắt bộ, hay vào giờ tan trường hay đi dạo trước cổng trường, để sẵn sàng can thiệp vào những vụ đánh lộn ngoài cổng trường. Năm 72, phong trào nhạc trẻ và các Ban nhạc để tóc dài theo kiểu Hippy thời ấy, bỗng trở thành thần tượng của một số học sinh trong trường, đây đó có những cái đầu với mái tóc hơi dài, đã bắt đầu xuất hiện đây đó ngày càng nhiều, đến nỗi Frère An Phong mỗi sáng có thêm một nhiệm mới, tóm cổ những tên tóc tai luộm thuộm mọc vô tổ chức, và có lúc đã phải cầm cái kéo để giải quyết những cái đầu ấy tại chỗ.

Nghe ông anh kể một câu chuyện về tính cương quyết của Frère An Phong, số là Frère có một ông em ruột tên Trần Trọng An Quí, học cùng lớp với ông anh lớp 10, niên khóa 71-72, ông này tính ngang bướng và có vẻ vô lễ với thầy hay sao đó, năm này Frère An Phong mới về nhận chức Tổng Linh Hoạt, có một hôm cả lớp ông anh thấy Frère đùng đùng đi vào lớp, gọi cậu em ra và thẳng tay giáng một cú tát nẩy lửa, tiếng Frère dữ dằn làm sao: "Gia Đình Trần Trọng không có đứa em như mày, cút ra khỏi trường", thế là từ đó ông An Quí phải xách gói ra khỏi trường, mặc dù đang ngồi lớp 10. Chỉ một cú dằn mặt ngoạn mục thôi, là cả lớp ông anh tôi mặt mày xanh lè và ngồi im lặng nín thở, ai nấy bây giờ mới thật sự nể Frère An Phong trẻ tuổi nhưng cương nghị, nhỏ con nhưng dữ dằn, và cũng thấy sợ Frère từ đấy.

Cái năm lớp 9 này phải công nhận là phong trào văn nghệ và thể thao nở rộ, năm nay nhà trường có mời Giáo Sư Nguyễn Thành Nhơn cùng vài cộng sự viên trong chương trình Con Kiến Càng, một chương trình cử tạ thẩm mỹ đang thịnh hành lúc bấy giờ, gồm những ông vai u thịt bắp, người bôi dầu láng bóng, thỉnh thoảng lên phô trương những thân thể cuồn cuộn cơ bắp nổi lên vằn vện, nhóm này sẽ đặc trách việc tập thể dục đồng diễn 5 phút cho học sinh toàn trường trước khi vào lớp, trong phương châm " Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện ", và được đặt dưới sự đôn đốc của Frère TLH An Phong.

Thế là sáng nào cũng vậy, trong sân trường trước khi vào lớp, học sinh đứng theo vị trí của từng lớp, rồi theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên đứng trên khán đài, theo nhịp đếm hòa cùng với bài Khỏe Vì Nước cả trường đều khởi động. Vì ngày nào cũng tập nên dần dần ai nấy cũng uể oải và chán, đôi khi lại còn đứng ì ra tại chỗ, hoặc túm tụm tán dóc, mặc cho Frère An Phong đứng trên khán đài luôn luôn nhắc nhở, nhất là những hàng cuối gần cổng Gia Long. Rồi có một hôm quen cái tật lười biếng, có một số tên đang đứng tán dóc, bỗng xuất hiện một cái áo đen đang thình lình đi tới, và thế là những cái tát chính xác nổ ra bôm bốp, đúng người đúng tội, kèm theo là những lời mắng mỏ thậm tệ, đứng gần đó tôi nghe Frère hét còn to hơn cái haut parleur, đang hát bài Khỏe Vì Nước sôi nổi kia, chưa hết giận Frère còn lên khán đài giảng moral một hồi cho đỡ cơn nóng, rồi mới cho học sinh vào lớp.

Rồi đến Giải thi đua thể thao Xuân Quý Sửu 73 được nhà trường phát động, tất cả các lớp đều được tham dự các môn như :nhảy xa, ném tạ, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, ... Riêng môn bơi lội thì được tổ chức ở hồ bơi Yết Kiêu, tôi tham dự môn điền kinh chạy 50 m, nhưng về nhất là thằng Nguyễn Phi Hùng, còn tôi thì về nhì nên không được ghi tên vào cuốn kỷ yếu, về môn điền kinh của lớp 9-6. Rồi ngày 12-5-73 là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Lasan Đức Minh, các lớp 9 tụi tôi được chọn để biểu diễn thể dục đồng diễn, do đích thân Frère TLH hướng dẫn, thế là vào tiết cuối mỗi ngày anh em xuống sân trường tập đội hình, và tập xếp hình và xếp chữ Taberd đến mờ người luôn, Frère TLH cũng hò hét om xòm, chạy tới chạy lui cáu quá xém chửi thề luôn, rồi sau đó có thêm phần nhạc vô nên anh em phấn khởi tập hăng hái, đến nỗi Frère TLH hết chửi và khen "Bon, Bon" lia lịa mới thôi.

Đến ngày cuối của buổi dượt, anh em được nghỉ một buổi và miệt mài tập, để ngày mai trình diễn nữa, sáng hôm sau mỗi người đều mặc áo thun 3 lỗ có màu khác nhau, quần dài đen.. thẳng tiến đến Lasan Đức Minh. Buổi lễ sau đó thành công tốt đẹp, mỗi người được phát một chai nước ngọt, ở lại xem phần văn nghệ một lúc, rồi lục tục kéo nhau đi bộ về trường, không cần đi xe nhà trường, chỉ tội cho Frère TLH sau đó tắt tiếng nói không ra hơi luôn.

Tuy Frère nóng tính, nhưng cũng có lúc Frère rất cởi mở và tâm lý với học sinh, nhất là những buổi được Frère dạy cho những bài hát thánh ca hay là phong trào hát Du Ca ngày ấy, nên tuy sợ nhưng học sinh cũng thấy thích Frère nữa. Đó cũng là năm lớp 9 tụi tôi sinh hoạt với Frère nhiều nhất, và cũng cuối năm này học sinh Taberd cũng không còn gặp Frère ở cương vị Tổng Linh Hoạt nữa, mà năm sau là Frère Sylvain Huỳnh Kim Quang đảm nhiệm.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (1 tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Nổi niềm của chàng Mập

Tôi sinh ra đời cũng giống như bao các em bé khác, xinh xắn và bụ bẫm (theo lời của Mẹ tôi nói thế), tôi được Mẹ tôi thương yêu và chăm sóc thật chu đáo. Thế là ngày tháng cứ trôi qua êm đềm, cho đến khi khôn lớn lúc tôi học lớp Nhất ở trường Taberd, tôi mới bắt đầu lờ mờ cảm thấy cái thân hình bụ bẫm của mình nó khác với các bạn chung quanh, nhưng vì còn nhỏ nên tôi vì mải chơi đùa và cũng không để ý cho lắm.

Thế rồi thời gian thấm thoát trôi nhanh, tôi đã bước lên bậc Trung Học, mà thân hình của tôi hình như nó cũng lớn theo từng ấy năm, bây giờ tôi cũng đã lớn bộn rồi, sự suy nghĩ của tôi cũng bắt đầu hình thành, mỗi khi bạn bè trong lớp gọi tôi bằng đủ thứ danh từ như: Sơn Mập, Ù, Bé bự, Phì Lũ, Hột Mít, ... Ngày ấy mỗi lần đến giờ ra chơi, tụi tui hay chơi trò chia phe đánh nhau, đám bạn tôi luôn luôn chọn tôi vào phe của tụi nó, vì có tôi hay đúng hơn cái thân hình to béo của tôi, luôn luôn đem chiến thắng về cho tụi nó, nhưng khi chuyển sang cái trò chơi ù hay rượt bắt thì tụi nó lại đẩy tôi ra, vì chúng sợ tôi chạy không nổi và phe chúng bị thua cuộc, mà kể ra cũng đúng, tôi mà chạy một lúc thì mồ hôi cha mồ hôi mẹ đổ ra như mưa, chạy một hồi là tôi hết pin đành để cho tụi nó bắt.

Sau này lớn hơn một chút, tôi cũng thích chơi bóng rổ, cái trò này có vẻ hợp với tôi, vì chỉ chạy dẫn bóng và xô đẩy che chắn bóng rồi canh me thẩy vào rổ, anh em chơi bóng với tôi có vẻ né tôi trong những lúc tranh bóng, ai mà dại gì húc vào hay nhào vô cái cục thịt di động kia, có húc cũng không làm sao qua được thôi thì né cho chắc ăn, đó là cái chuyện chạy, còn chuyện có thẩy banh vô lưới hay không thì ... hên xui, bởi vì tôi cũng không cao lắm và thẩy banh vô rổ thì thuộc loại ngẫu hứng mà thôi. Chẳng qua chơi thể thao cho nó ốm bớt và gọn gàng hơn thôi, thế mà ...

Tôi ngó tới ngó lui trong các lớp cùng cấp với tôi, thì hình như chỉ có một mình tôi là có cái khổ người to béo, không có thằng thứ hai hay sao ấy, phải chi có thằng thứ hai như tôi thì đỡ quá, mà lạ lùng là càng lớn tôi lại càng mập, người tôi nung núc mỡ, nhất là cặp vú ở ngực, thỉnh thoảng có thằng trong lúc đùa giỡn nó bèn sờ ngực tôi hay vuốt ngực tôi, ngày đó tôi cũng không để ý vì tụi nó cũng hay nghịch thế với mình.

Rồi những kỷ niệm xưa đã lùi dần trong cái đám mây mù ngày ấy, sau bao thăng trầm của cuộc đời, tôi cũng đã trở thành một gã đàn ông trung niên, và đã gọi là tạm thành đạt trong xã hội nước Mỹ. Người tôi cũng trở lên gọn gàng hơn, và cái hình ảnh ngày xưa với cái lũ bạn cũng lờ mờ trong tôi.

Cho đến một ngày sau ba mươi mấy năm, bạn bè cũ của tôi tụ tập lại trên sân trường của trang Taberd.org, tụi nó đích thân gọi tôi là Sơn Mập y như ngày xưa, thế là những kỷ niệm ngày đó chợt vỡ òa. Vẫn những thằng nghịch ngợm mà nay còn nghịch hơn, tụi nó đặt cho tôi đủ thứ tên như: Sơn Ù, Sơn Su Mô, Sơn Mù U, ... và tôi cũng biết thêm được rằng, có những câu chuyện ngày xưa mà bây giờ mới kể, thì ra tụi nó hay sờ và bóp vú tôi, vì có thằng nhớ cái Ti của cô vú nuôi lúc nhỏ, mà lớn lên nó phải nhường lại cho thằng em còn nhỏ, còn lại thì do học trường toàn nam nên tụi nó mơ màng và muốn bóp thử xem có giống ... không.

Lại còn có một thằng hỏi tôi bộ ngày còn bé, mày được nuôi bằng sữa voi hay té vào cái nồi thuốc thần sao mà to thế, tôi chỉ còn biết cười. Gặp lại bạn xưa vẫn nhớ và vẫn đùa giỡn như ngày nào thật vui quá. Tôi chợt nghĩ với cái thân hình của tôi hóa ra lại hay hay, không thể lẫn vào đâu được, dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng dài. Tụi nó còn nhớ thì tại sao tôi lại phải quên. Mập ơi ta cám ơn mi.

tự Sơn Mập
Nguyễn Thái Sơn - tự Sơn Mập - Cali (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Trường Xưa Yêu Dấu (5)

(Viết để nhớ về các Frère và Thầy Cô)

Ngoài hai Frère Tổng Linh Hoạt mà ai cũng nể và sợ, thì Frère Martial Lê Văn Trí Giám học lớp 8, 9 năm 72-73 cũng dữ dằn không kém, và cũng bị gán cho cái tên Martell hay Martell Cổ Lùn. Frère nhỏ người nhưng lại rất nhanh nhẹn, với ánh mắt sắc và giọng mỉa mai châm biếm, kèm theo những cái bạt tai nẩy lửa làm ai cũng khiếp vía, nhớ đến Martial thì cũng phải nhớ luôn những cái búng tay rất điệu nghệ của Frère. Dĩ nhiên đối với những ai phá phách và nghịch ngợm thôi, chứ cũng có lúc Frère cũng hiền và cởi mở, ngoài ra Frère cũng là một cây bóng rổ có hạng, và thỉnh thoảng Frère cũng sinh hoạt và dẫn dắt anh em thi đấu.

Riêng tôi thì đã chứng kiến Frère xách cây roi mây vào hành quyết đám nghịch tử, và bợp tai ông tổ Nhà Đường của lớp 8-3 nên sợ Frère lắm. Và chỉ kể lại chuyện ba mươi mấy năm sau, khi nghe Huỳnh Ngọc Lâm có đi thăm Frère về và kể cho anh em nghe chuyện, lúc này Frère nói chuyện cũng hơi lẫn lộn và mỗi khi thấy học trò cũ lại thăm, và nhắc nhớ những chuyện Frère phạt ngày xưa, thì Frère hay chắp tay xin lỗi mọi người vì công việc Frère phải làm, tội nghiệp Frère, người già thì hay sợ đủ thứ, kể cả cái bóng nữa nên Frère cứ nghĩ anh em kéo đến hỏi tội Frère ngày xưa.

Và người cuối cùng mà bọn học trò chúng tôi cũng đưa vào danh sách để nhớ là thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy là Giám thị của trường, năm lớp Nhất 11 tôi cũng đã được thấy thầy dzợt thằng Jean Ta Dzi tại lớp, và một lần thầy vào lớp Nhất 11 dạy thế một giờ, phải công nhận là thầy rất khó chịu vì lần đó thầy kêu tôi lên trả bài, theo thói quen tôi xưng hô: " Thầy, em", thì thầy trừng mắt bảo: "Ai anh em với mày", xưng "tôi" cũng không được mà phải là "con" mới chịu.

Đến khi vác cặp vở chuyển sang khu lớp 8, lớp 9 mà cái lớp 8-3 lại xui xẻo nằm đối diện ngay phòng dành cho Giám Thị và các Thầy ở lầu 2, ngày tụi tôi mới chuyển qua dãy này, đã được nghe mấy tướng đàn anh gọi thầy là Cà ri Dê rồi, đã vậy lại còn xúi tụi tôi thấy thầy là cứ gọi Cà Ri Dê rồi bỏ chạy, mà có lần xém chút xíu bị ăn cái cây ba toong của thầy rồi.

Thầy có gốc gác người Ấn thiệt, tuy thầy dữ dằn nhưng vì thầy hơi lớn tuổi, nên mấy ông nghịch tử đàn anh cũng có vẻ không ngán thầy lắm, thầy có tật ở chân nên đi đâu cũng có cây ba toong đi kè kè một bên, cái cây này thì mấy ông phá phách là sợ thật sự, vì hay bị thầy vụt cho một gậy cho chừa cái tật lếu láo, hoăc bị cái móc ở đầu cây ba toong móc vào cổ và kéo lại vì chạy không kịp. Thầy cũng là tay kéo đàn Violon có hạng, mà có lần tôi được nghe thầy biểu diễn.

Cái lớp 8-3 xấu số ngày ấy vì nằm đối diện với phòng giám thị, nên ngày nào cũng phải nghe giọng tra tấn và đòn roi mây của thầy, cùng với tiếng rên la của phạm nhân kể không xiết, mà có tởn đâu phá phách vẫn phá phách, năm này còn có cái vụ đi kiểm soát vệ sinh lớp và cho điểm, mà nhè đang có phong trào chơi me cam thảo và đậu phộng da cá trong lớp, vừa ngồi học vừa bốc lủm từng viên đậu phọng chiên dòn tan, bỏ vào miệng nhai thì sung sướng nhất trên trần đời ăn vụng trong lớp, lâu lâu còn biểu diễn tung hột đậu phọng lên trời rồi há miệng đớp, y như cá đớp mồi vậy. Cái vụ kiểm tra rác này đích thân thầy Hòa đi kiểm soát và không báo trước, cứ bất thình lình thấy thầy cầm roi mây đứng ngay cửa lớp rồi oang oang: "Tất cả lớp ngồi yên nghe, cấm nhúc nhích, ai cúi người xuống là ăn đòn".

Thế là thầy đi qua dãy A trước, thì tự nhiên nghe bên dãy B và C tiếng các bàn chân sột soạt dấu rác, hay thủ tiêu rác đi chơi chỗ khác, hoặc đá rác lên cho thằng ngồi trên. Công nhận cái thú ăn vụng trong lớp nó khoái mê tơi, thằng nào cũng hưởng ứng om xòm, chỉ có 5 đồng một bịch me cam thảo, 10 đồng một bịch đậu phộng da cá hay đậu phộng chiên, rẻ quá chơi hết cỡ luôn, nên rác trong lớp cũng hết cỡ, chỗ nào cũng có rác, được một cái tay chân tụi tôi cũng lẹ làng không kém, chuyên nghiệp ăn vụng mà, nên chỉ cần vặn vẹo một chút là chổ ngồi vẫn sạch sẽ như thường lệ.

Và đó cũng là những Frère Tổng Linh Hoạt, Giám Học Martial, Thầy Hòa là những hình ảnh khó quên, cũng có thể là những huyền thoại cùng với ngôi trường mang tên Taberd, tất cả rất khó phai nhòa trong ký ức của tất cả các học sinh Trường Taberd ngày nào, cho đến tận bây giờ.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Hùng Tâm Taberd

(Nhớ Đoàn Hùng Tâm Taberd và Frère Thanh Trung ngày ấy)

Năm 68-69, tôi học lớp Nhất, tôi được gia đình cho tham gia đoàn Hùng Tâm tại trường. Đoàn Hùng Tâm và Nghĩa Sĩ là những đoàn thể có xuất xứ từ Pháp, và được thành lập để dành cho học sinh Taberd nói riêng và các trường Công Giáo nói chung, các đoàn thể này đã có từ lâu trong trường.

Khác với đoàn Nghĩa Sĩ do Frère Joachim dáng người mập mạp phụ trách, đồng phục của Nghĩa Sĩ là áo trắng, quần sọc trắng, đi bata và vớ trắng, đầu đội mũ Berets và đeo khăn quàng cổ màu xanh đọt chuối đậm, nhìn trông thư sinh làm sao. Đoàn Hùng Tâm thì do Frère Thanh Trung phụ trách, Frère có dáng người gầy và cao, khuôn mặt rắn rỏi. Đồng phục của đoàn Hùng Tâm là áo trắng, quần sọc xanh hay đen, đi bata hay giầy bố cao cổ của lính cùng với vớ, đội nón berets đỏ cùng với khăn quàng cũng màu đỏ, nhìn trông cũng cứng cáp và rắn rỏi lắm, những lúc sinh hoạt cái nón được cài trên cầu vai.

Cứ mỗi buổi sáng Chúa Nhật là tụi tôi được tập trung dưới sân của dãy lầu các lớp 6, 7. Thường thì sinh hoạt chơi các trò chơi như cướp cờ, hay quây quần vòng tròn để ca hát ... Hồi đó những bài hát sinh hoạt đều giống bên Hướng Đạo, ngoài bài "Múa Trăn" ra, còn một bài mà đến tận bây giờ tôi còn nhớ là bài "Một Đàn Cá Sấu":

"Một đàn cá sấu ra đi tòng quân giữ quê nhà, ôi đau đớn thay để lại đàn con thơ ấu", chúng tôi vừa hát vừa đi vòng quanh. "Này con con ơi, này con con ơi nín đi", đến đoạn này hai đứa xoay mặt lại với nhau, một đứa đưa tay dụi mắt làm như đang khóc, còn một đứa thì dơ ngón tay trỏ làm như đang dặn dò đàn con, "Này con con ơi, nín đi cho mẹ yên lòng" đến câu này thì hai đứa đổi ngược lại với nhau.

Có những lúc chơi trò chơi lớn với tất cả đội với nhau, thì tụi tôi hay được tập trung ở khoảng sân trống dưới tầng trệt của hội trường Taberd, tất cả những trò chơi như "Mèo bắt chuột", "cướp cờ", "Đóng phim câm" ... tôi còn nhớ Trần Sư Tứ đóng vai con khỉ nghe điện thoại là hay nhất, vừa nghe vừa gãi vui thật vui. Ngoài ra thỉnh thoảng có những buổi lễ đeo khăn, gắn huy hiệu cho đoàn viên mới do các Phụ Huynh và các Frère đảm trách.

Hào hứng và vui nhất là những lần được đi cắm trại ở Vũng Tàu, thường thì sáng đi chiều về. Sáng sớm tụi tôi tập trung lại tại sân trường, với ba lô trên vai, ríu rít ồn ào như lũ chim buổi sáng, sắp hàng bước lên các xe đang đậu sẵn, cũng là những chiếc xe chở học sinh đi học hàng ngày chứ có xa lạ gì đâu. Rồi xe lăn bánh khởi hành trong những tiếng ca rộn rã trên đường đi, để rồi những ánh mắt sáng lên khi thấy ngọn núi đôi, trên có hai dàn Ra Đa quen thuộc đang tới gần, sắp tới Vũng Tàu rồi.

Địa điểm mà tụi tôi tập trung và cắm trại là nhà nghỉ của các Frère Lasan, nằm trên lưng ngọn núi phía Bãi Sau, ngôi nhà xưa xây theo kiểu Pháp nằm cheo leo bên sườn núi, sau khi dựng lều là tụi tôi được chạy ào xuống bãi biển để tắm và chơi sinh hoạt, đối với bọn nhóc như tụi tôi thì Vũng Tàu ngày ấy còn lạ lẫm và thích thú lắm, hồi đó phía bãi sau có một xác con tàu bằng sắt, đã bị mắc cạn từ lâu lắm rồi, chỉ còn trơ khung sắt thân tàu, nhưng tụi tôi cũng thích mon men lại gần, và đu lên cái sợi xích to đùng dùng để thả neo, còn không thì chơi nằm đắp cát lên người, chỉ chừa cái mặt. Còn lại thì thả người bơi theo làn sóng nhấp nhô, ai muốn chơi trò chơi trên bãi cát thì tham gia.

Đến chiều thì tất cả mọi người cuốn lều, lên xe chuẩn bị về Sài Gòn. Nhìn những khuôn mặt, tay chân ửng đỏ như con tôm luộc vì tắm và nằm phơi nắng quá lâu, hồi sáng trước khi đi thì ai nấy cũng vui vẻ ồn ào, giờ về thì thấy không khí nó uể oải biết bao nhiêu mặc dù vui, lên xe là ai nấy tranh thủ ngồi ngủ vùi say sưa, cho đến khi xe về đến sân trường mới chợt tỉnh và lục đục chia tay nhau.

Thế đấy, tôi chỉ tham gia đoàn Hùng Tâm có một năm lớp Nhất, nhưng là một năm đầy kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, tôi cứ nhớ mãi không thôi.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Trường Xưa Yêu Dấu (6)

(Để nhớ về một thời là học sinh Lasan Taberd)

Học sinh Taberd đã có một thời được gọi là công tử Bột con nhà giàu, lúc còn Tiểu Học thì có khi đi xe đưa rước của trường, có khi xe nhà đưa đón, đi đến nơi về đến chốn. Có khi lại thấy thỉnh thoảng có chiếc xe Jeep, ghế bọc khăn trắng tinh, ngay chỗ càng xe có một hai ngôi sao được gắn hai bên phía trước, đỗ xịch trước cổng rồi có một chú nhóc ung dung bước xuống nhìn cũng oai ra phết, mà có lần tôi thấy thằng Bùi Đình Can chứ còn ai nữa, bố nó làm ở Nha Động Viên trên đường Gia Long gần trường, chắc bố nó đi làm rồi tiện đường chở nó đi học luôn. Còn các loại xe hơi thì thôi khỏi nói, đủ loại nườm nượp đưa đón các chú nhóc đi và về.

Rồi về sau lên lớp lớn hơn, vả lại đi xe nhà không được tự do cho lắm, mà thưở ấy học trong trường thường là hai anh em ruột, mà gia đình cho học chung trường để dễ đưa đón. Mà mấy ông học lớp lớn rồi, mấy ổng đâu có chịu cái cảnh gò bó đó, mấy ổng khoái vi vu cho nó thoải mái.

Mà thời đó, Sài gòn đang có phong trào nhập cảng các xe gắn máy đủ kiểu đủ loại do Nhật sản xuất như: Honda, Yamaha, Suzuki ... trên Radio ngày nào cũng phát thanh quảng cáo, ra rả và ì xèo, mà nổi nhất là hãng Suzuki với lối quảng cáo mà đến bây giờ tôi còn nhớ như sau: "An toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi vào ngõ hẻm ... Đó là chiếc xe Suzukiiiiiiiii", kèm theo tiếng pô xe rú ầm ĩ phóng một cái vèo vô hẻm nghe ngọt xớt.

Thế là cái vỉa hè nằm hai bên trước cổng trường từ nay đầy ắp xe máy, đủ loại xe như Honda 65, 66 mà sau này thời thượng nhất là xe Honda 67, chạy nhanh như gió, xe Cady nhỏ nhắn, xe Honda Dame đỏ của quân đội, rồi thêm màu xanh lá chuối, xe Suzuki đàn ông, xe Yamaha, xe Honda PC có hai màu, một loại màu xanh dương, một loại màu xanh đọt chuối ...

Nói đến chiếc Honda PC thì tôi lại thấy ngán ngẩm, mặc dù nó nhẹ và dễ chạy, nhớ đến những kỷ niệm mà anh em tôi đã gặp khi chạy nó, chiếc PC ngày trước thắng bằng tay, nên chạy một thời gian thì thắng không ăn, tôi còn nhớ anh em tôi cũng chụp ếch mấy lần cũng vì cái thắng này, nhất là những lúc trời mưa đường trơn trợt, cứ mỗi lần chạy đến ngã ba hay ngã tư có đèn đỏ thì hồi hộp vô cùng, nếu từ xa thấy đèn đỏ thì lo thắng trước, rồi thò hai chân xuống đường lết từ từ tới ngã tư thì dừng là vừa, có khi cả hai anh em cùng thò chân một lúc, đi xe này một thời gian chắc hai anh em tôi phải thay Sandal lia lịa, còn đang chạy tới mà đèn đỏ bật lên, thì chỉ có nước quẹo phải là khỏi bị phạt, vì ông Cảnh sát công lộ đang đứng đàng trước làm sao dám đi tới. Mà phải công nhận ông anh tôi tay lái rất khéo và phản xạ rất nhanh nhạy, và lối ứng xử khi gặp tình huống phải quẹo bất thình lình là tuyệt vời, chỉ có nhóc tôi ngồi đằng sau là xanh mặt và hồi hộp. Tội nghiệp thằng nhỏ.

Vào năm 69-70 tôi học lớp 6-9, lúc đó chiếc PC mới ra lò, thế là hai anh em tôi cùng chở nhau đi học, khi chạy đến ngã sáu Hiền Vương thì có một chiếc Honda 67 từ hướng Trần Quốc Toản (Đường 3-2 bây giờ), thình lình quẹo sang đường Lê Văn Duyệt (CM T8 bây giờ), rồi móc vào chiếc PC làm hai anh em té lăn đùng trên đường, đầu gối phải của tôi đập mạnh trên đường và bị bong gân, báo hại tôi bị ông bác là BS của Tổng Y Viện Cộng Hòa, đè ra chích thuốc hàng ngày đau thấu trời xanh, và lết cái chân bó bột đi học cả tháng trời mới khỏi.

Sau cái vụ té xe này, ông anh tôi nằng nặc đòi đổi sang chiếc Yamaha 100, vừa chạy lẹ mà lại thắng chân mới đã chứ. Có xe mới, có lần hai anh em dám cả gan buổi trưa trên đường đi học về, nổi hứng ổng ghé khu Chùa Xá Lợi bên cạnh trường Gia Long, để ăn chè đậu đỏ đậu xanh và gỏi khô bò hay gỏi cuốn. Ngày đó khu này bán mấy món trên ngon có tiếng luôn, nhưng kẹt là vào ăn thì chung quanh toàn mấy em Gia Long, lớn nhỏ có đủ mặt hết, đứng ngồi ăn uống đông nghẹt, mà nhè có hai trự con trai ngồi ăn chung đúng là xâm mình, thế là hai anh em bị bao vây bởi những con mắt mang hình viên đạn kia, mà hình như hồi đó trường công Gia Long đâu có ưa gì trường tư Taberd, mà dân Taberd lại mang cái mác công tử bột đầy yếu ớt, và hay bị bịnh sổ mũi nhức đầu mỗi khi ra mưa ra nắng. (Nghe dư luận đồn như vậy).

Chắc tại ông anh tôi năm này đã học lớp 11 rồi, đang tuổi dậy thì nữa nên mới dám chơi nổi, thế là hai anh em mau chóng ăn lẹ, chưa đã tôi còn chơi luôn mấy cái gỏi cuốn nữa rồi rút êm, trước các cặp mắt soi mói của mấy em, vì sao lại có hai tên này dám ngồi đây ăn hàng?. Và cũng chỉ có một lần duy nhất ấy mà thôi, không có lần thứ hai nào nữa về sau này ổng ghé nơi đây.

Về sau này tôi cũng có dịp trở lại đây, cảnh cũ thì vẫn thế, nhưng những tà áo dài lung linh như bầy bướm trắng ngày xưa, đã không còn nữa. Thật đáng tiếc cho một thời hoa mộng quá đẹp.

"... Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong cuộc sống, con đường này xin dâng cho người bình thường.. Hỡi người tình xa xăm, có buồn ra mà ngắm, con đường thảnh thơi nằm, nghe chuyện tình quanh năm."

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Họp Mặt tại OC

Nghe tin bạn Phạm Đình Nguyên, đầu tháng 6 sẽ qua Cali thăm gia đình, và sẽ gặp gỡ anh em Taberd ở khu O.C. Thú thật tôi cũng thấy vui trong lòng. Ở cái đất nước rộng lớn này, và cái khu O.C của vùng Cali nơi tập trung những người Việt xa xứ đông nhất, anh em Taberd chúng tôi cũng chỉ có một số ít là còn liên lạc được với nhau, chủ yếu là qua mail nhiều hơn là gặp gỡ, đây đó cũng có những buổi họp mặt nho nhỏ của các bạn khác, nhưng cũng chỉ có tính cách theo nhóm, chứ chưa có sự tương đồng giữa anh em lớp Anh Văn và lớp Pháp Văn, tôi cũng không muốn nói lên cái sự so sánh ấy.

Ngay như các bạn bên Pháp Văn như Nguyễn Thái Sơn, Hà Gia Hòa, Lê Thanh Cần, Lý Đức Thắng, Đình Chuẩn, Trần Văn Khoa, Dương Quang Khải, Tôn Thất Minh Tuấn, Trương Quốc Tuấn, cũng mới vừa có cuộc họp mặt sau nhiều năm không tin tức, vào ngày 23/5/2010 tại O.C. Anh em cũng chụp hình để cho các anh em Taberd khắp nơi thấy được cái dung nhan mùa hạ, sau biết bao thăng trầm của cuộc sống, nay mới được gặp lại nhau trong cuộc sống giữa quê người này, dù con số người vẫn còn khiêm tốn. Buổi gặp gỡ thật vui, dù mỗi người không ở xa nhau lắm, và cũng để anh em bàn bạc chuẩn bị tiếp đón bạn Nguyên.

Sự có mặt của Nguyên nơi đây đối với anh em O.C thật nhiều ý nghĩa, chuyện anh em Taberd từ khắp nơi về thăm quê hương, và gặp gỡ với anh em Taberd còn ở lại Việt Nam, là một cái tình cảm không thể nào nói hết những cái tâm tư sâu kín, của một thời ngồi chung một mái trường, những tình cảm của anh em trong nước luôn luôn tràn đầy những cảm xúc dâng đầy, cũng như cái nỗi lòng của những người nơi phương trời xa, nay trở về và hạnh phúc hơn khi được sống và tìm lại những hình ảnh một thời đã mất, những câu chuyện ấy cũng có thể bình thường, vì anh em ở hải ngoại có điều kiện thuận lợi hơn.

Nhưng chuyện Phạm Đình Nguyên mang cái tâm hồn của quê hương, mang cái hơi thở của cái nơi mà trong anh em chúng tôi ở hải ngoại, có thể vì một hoàn cảnh hay một lý do nào đó, chưa bước chân được về quê Mẹ, dù chỉ một lần đối với anh em ở khu O.C này, là sợi dây nối kết anh em chúng tôi lại một lần nữa, vào ngày họp mặt 9/6/2010 đáng nhớ tại Quận Cam này. Chuyện này thật là hiếm hoi, nhưng không phải là không có, rồi đây có thêm bạn Võ Long Hải bên lớp Anh Văn, vào cuối tháng 6 này cũng sang đây thăm gia đình.

Mà đầu tàu Sơn Mập sắp xếp cho buổi Reunion nho nhỏ này, tất cả từ tấm lòng chân thật dành cho bạn bè đến từ phương xa, và đây cũng là một nét đẹp thể hiện cái tinh thần Lasan Taberd: "Thề đoàn kết ta trung thành, nguyện đồng tâm giữ vững danh trường La San chỉ lối soi đường" ...

Tất cả anh em cũng chỉ mong những cánh chim trời, bay đi bay về như những cánh én của một mùa xuân, ấm áp trong tương lai không xa.

Nghiêm Quốc Việt - Cali (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Quán Kim's Restaurant

"Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài.
Rồi mai đây khi tình bay xa nhớ đến hôm nào ..."

kimAnh em chúng tôi ở khu Orange County cũng đã lâu, tôi liên lạc với Nghiêm Quốc Việt năm 1989, Lê Thanh Cần năm 2000, Hà Gia Hòa thì 2005. Và chúng tôi chỉ thật sự gặp mặt nhau vào ngày 23-5-2010, địa điểm là Quán Kim, buổi họp mặt đầu tiên của anh em Taberd tại khu OC này. Địa chỉ của quán: 13123 Brookhurst St, Garden Grove City, CA 92843, ĐT (714) 590-9654.

"Còn mãi mãi những gì mình chất chứa trong lòng.
Còn cho nhau chút dư hương đừng tiếc nhau vì vấn vương ..."

Sở dĩ tôi chọn quán Kim cho buổi gặp gỡ này, cũng chỉ muốn như Quán Cây Khế ở Sài Gòn, nơi anh em Taberd 76 tại Sài Gòn chọn làm nơi để họp mặt lâu dài về sau này, chỉ khác với Quán Cây Khế là của Lưu Thành Hiếu một promo Taberd 76, còn quán Kim thì không có liên hệ gì đến Taberd, cũng không giống quán Cây Khế khi bạn tới, bạn có thể bắt gặp ông chủ Hiếu đẩy xe đưa con đi tới đi lui, còn ở quán Kim bạn cũng có thể thấy cô chủ quán đẩy xe nhưng đây là cái xe đựng đồ ăn, đến bàn các bạn nếu các bạn có yêu cầu, tôi chọn quán này vì cũng thuận lợi cho anh em ở khu OC, và tôi cùng với Cần cũng thích địa điểm này, nó có một khoảng không gian rộng, rất thích hợp với buổi hội ngộ của anh em.

"Ngày xa nhau mưa buồn giăng mau cất bước u sầu.
Ngày xa nhau tâm hồn thương đau khói thuốc không mầu ..."

Quán Kim nằm trong một khu trung tâm thương mại tại khu Orange County, Khu này được xây dựng vào năm 88, và là nơi dành cho người Đại Hàn làm nơi buôn bán, sau này khi nền kinh tế bị khủng hoảng, người Đại Hàn phải rời nơi này để nhường cho người Việt Nam vào. Trung Tâm này nằm trên một con đường lớn của Little Sài gòn, nơi hiện diện số đông của người Việt, đó là Đại Lộ Brookhurst, một con đường huyết mạch nối khu OC với khu Little Sài Gòn, nó na ná như con đường Lê Lợi của Sài Gòn nhưng nhỏ hơn một chút.

"Mình nhớ mãi chuỗi ngày nào đó xa rồi.
Mình chia tay gió bay bay, còn đó khung trời xám mây ..."

Mặt tiền quán hướng ra phía Đông con đường Brookhurst, quán này trước đây cũng là của một người Đại Hàn, nó rộng khoảng 1000m2. Quán Kim có những đặc sản sau: Gỏi cá, Cơm cháy với tôm rim mặn, bò lúc lắc, cánh gà chiên nước mắm, mực nang chiên dòn, soup bong bóng cá cua, gỏi vịt quay, tôm uyên ương, bò filet mignon, mì xào tôm hùm, ... tráng miệng thì có kem xoài, và các loại chè rất ngon. Và nhất là các chai rượu, vang tuyệt hảo như: Martel cordon blue, beer Corona, Heinekein, Chardonnay Far Niente và Vang Đỏ ...

"Mình xa nhau xin đừng quên nhau chớ trách nhau gì.
Mình xa nhau xin đừng quên mau nắng sẽ phai màu ..."

Và vào ngày 23-5-2010 anh em Taberd chúng tôi gồm: Nghiêm Quốc Việt, Lê Thanh Cần, Hà Gia Hòa, Lý Đức Thắng, Trần Văn Khoa, Dương Quang Khải, Đình Chuẩn, Tôn Thất Minh Tuấn, Trương Quốc Tuấn và tôi, đã có một buổi họp mặt thật vui vẻ và thân tình tại nơi đây. Sau đó vào ngày 6-6, chúng tôi cũng đón tiếp bạn Phạm Đình Nguyên, từ Việt Nam sang thăm gia đình tại Mỹ.

"Đừng khóc nữa gió buồn vì mắt ướt hoen lệ.
Đừng cho nhau tiếng than van, đừng nói lên lời khóc than ..."

Ngày 26-6 bạn Võ Long Hải sang thăm gia đình, và đã có cuộc hội ngộ với anh em Taberd bên Pháp Văn gồm: Nguyễn Thái Sơn, Nghiêm Quốc Việt, Lê Thanh Cần, Dương Quang khải, Trần Văn Khoa, Phạm Đình Nguyên, Nguyễn Tiến Đạt, và các bạn bên Anh Văn có: Cao Đình Hưng, Chu Văn Thủy, Bạch Thái Vương, Lê Trí Dũng, Tôn Thất Ân, Nguyễn Thanh Nguyên, Đinh Trọng TínTrần Thanh Bảo.

cali_27062010_12.jpg

Chu Văn Thủy đã đáp chuyến xe lửa đến OC từ San Jose vào 9g sáng thứ bảy, Gia Hòa và Nguyên đã đón tiếp Tom Chu. Cái anh chàng Tom Chu này nom rất tửng và bụi bặm, nhưng lại là người có tình cảm lai láng, với tài nghệ đàn hát và chọc cười dí dỏm đã làm tất cả anh em đều tình thương mến thương, và không còn bị dội bởi cách ăn mặc theo kiểu cao bồi ... miệt vườn không đeo súng của chàng ta.

"Rồi mai đây khi mình chia tay nhớ đến hôm nào.
Rồi mai đây trong giờ chia ly nhớ phút giây này ..."

Buổi hội ngộ có phần rôm rả với sự góp mặt của cô ca sỹ thật dễ thương, Quỳnh Hương, cô là em của ca sĩ Ý Lan và anh bạn cùng Taberd của chúng ta là Lê Xuân Việt. Ngoài ra buổi văn nghệ còn được tăng cường thêm Chị Na, một người chị thật khả ái và văn nghệ cùng mình, và chúng ta cũng không quên những giọng ca cây nhà lá vườn, nhưng không kém phần hấp dẫn của một Trần Thanh Bảo, hát hay và nghề như LoBo, Khoa Cận thì chuyên trị những bài ca trải chuốt và êm tai. Long Hải cũng góp vui với các bài hát tình tứ và lôi thôi, y hệt như các cuộc tình lâm ly bi đát của chàng trai nước Việt.

Và cuối cùng không thể không nhắc đến một giọng ca tài hoa diễm lệ, một cái đầu tàu với cái thân mình to đùng khi xưa của chúng ta, với một chất giọng lôi cuốn làm tất cả bông hồng có mặt đêm đó phải ngất ngây say đắm, là tôi đây. (đây là lời Quốc Việt nhận xét đó nghe, làm cho tôi tự khen mình một cái).

"Hồn quyến luyến những gì mình đã cho nhau rồi.
Đành xa nhau bước đi mau, sợ vỡ tan tình bấy lâu ..."

Tôi cũng mong về sau này đây cũng là cái thông lệ, đã là anh em Taberd, thì luôn đoàn kết và yêu thương nhau, không còn ranh giới giữa bên Pháp Văn và bên Anh Văn, mong lắm thay bài Lasan Hành Khúc luôn trên môi của anh em chúng ta.

Nguyễn Thái Sơn - tự Sơn Mập - Cali (1 tháng 7 năm 2010)
top Mục lục

Nhớ về chiều mưa tháng bảy

Những hàng phượng vỹ đỏ thắm bên ven đường và những trận mưa rào nhắc nhở cho chúng ta mùa hè đã đến.

Thời ấy, ở tuổi học trò, cái tuổi hồn nhiên, mùa hè tượng trưng cho những giây phút mà đèn sách tạm cho vào quên lãng! Giờ đây những hình ảnh trong vô vàn kỷ niệm của 4 thập niên trước đang sống lại trong tôi ở cái tuổi sắp về chiều.

Nhớ lại những buổi chiều mùa hạ vắng, mưa lất phất bay, lang thang dưới hàng me già của con đường Nguyễn Du hay con đường có những hàng cây cao bóng mát đong đưa những chùm phượng vỹ, cảnh tượng sao mà đẹp đẽ và êm đềm. Vào trường, bạn bè đã tạm xa cách, Thầy Cô cũng vắng bóng để lại nơi đây một khoảng trời trong lành và yên tĩnh. Sân trường không còn tiếng ồn ào huyên náo thường ngày.

Mưa vẫn rơi, những giọt mưa chiều làm man mác hồn tôi, một vài cơn gió nhẹ thoảng qua đủ làm lay động những bông hoa phượng đỏ thắm trên thảm lá xanh, nghe như trong hơi gió phảng phất hương thơm dịu nhẹ, mùi hương của tuổi học trò.

Đâu đây, tiếng gọi của mùa phượng vỹ. Đâu đây, tiếng vọng của trường xưa. Đâu đây, réo rắt nhịp đàn ngày cũ. Đâu đây, những con đường in hằn bao dấu vết lang thang. Đâu đây, những giọt mưa chiều tháng bảy và đâu đây còn biết bao hình ảnh bạn bè.

Nhưng đó và đây đã lùi vào dĩ vãng, còn đọng lại trong ký ức chỉ là kỷ niệm. Kỷ niệm khó phai mờ, hồn nhiên tươi thắm ở lứa tuổi mộng mơ và cũng là tuổi học trò.

Chiều mưa năm ấy.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 7 năm 2010)
top Mục lục

Đời người và kỷ niệm

Trong đời người có rất nhiều việc đáng để nhớ, từ những ngày đầu cắp sách đến trường cho đến khi bước vào cuộc sống và nay tóc đã đổi màu, tôi có thể nói những kỷ niệm dưới mái trường đã khắc sâu vào tim óc tôi nhiều nhất.

Ngày đầu tiên đi học và những ngày kế tiếp, còn bé quá, tôi không nhớ được bao nhiêu nhưng nó lại là những kỷ niệm đáng nhớ của Ba và Mẹ tôi. Hai Đấng Sanh Thành thường hay kể cho tôi nghe về kỷ niệm đầu đời này. Những tiếng khóc lẫn trong tiếng cười nói ồn ào của những đứa trẻ vừa mới lên 3, lên 4 khi được đưa đến trước cổng trường mẫu giáo.

Rồi ngày tháng trôi qua, trường học nay đã trở thành quen thuộc với bọn trẻ chúng tôi. Những năm vào tiểu học, kỷ niệm với bạn bè Thầy Cô cũng bắt đầu in vào trí nhớ. Từ những lớp 11ème kế bên chuồng chim bồ câu ở mái trường Taberd ngày nào. Những ánh mắt ngơ ngẩn khi nhìn về những người sẽ dạy dỗ chúng tôi lại là những Sư Huynh của dòng Lasan trong những bộ áo dòng màu đen rất khác lạ với hình ảnh của những Thầy Cô trong thời gian còn ở trường mẫu giáo. Bề ngoài những Sư Huynh trông rất là nghiêm khắc nhưng lại tràn đầy tình thương với lũ học trò.

Năm tháng qua đi, niên học mới lại bắt đầu. Với sự ngạc nhiên không ít của tôi, người sẽ phụ trách dạy dỗ chúng tôi không phải là một Sư Huynh mà là một Bà giáo. Bà là người nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất rành mạch, tình thương của Bà dành cho chúng tôi cũng không thua gì các Sư Huynh. Năm đó chúng tôi học ở lớp 10ème.

Cho đến một năm, khi nhập học, những lớp của chúng tôi không còn được gọi lớp 7ème nữa mà gọi là lớp Nhất. Tất cả chương trình học bằng tiếng Pháp từ nhiều năm qua nay đổi thành tiếng Việt. Thế là đám học trò cũng bị chia rẽ làm đôi, có những đứa theo tiếp lớp 7ème còn phần nhiều đi về lớp Nhất trong đó có cả tôi.

Lần tựu trường năm sau, chúng tôi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa trung học. Đây chính là khoảng thời gian mà cậu con trai vừa mới lớn đã khắc sâu trong lòng những hình ảnh, nhũng lời nói của các Sư Huynh giám thị, sự dạy dỗ của Thầy, Cô và những vui buồn lẫn lộn với bạn bè.

Rồi biến chuyển thời cuộc năm 1975, chúng tôi, mỗi người mỗi ngã, kẻ phương này người ở phương kia. Trôi dạt tha hương, có người may mắn tiếp tục theo đuổi việc học hành nhưng cũng có người không được cái diễm phúc ấy dù ở trên quê hương thứ hai. Ở nơi quê nhà, những người học trò của Taberd ngày nào, cũng có người còn được tiếp tục bước vào con đường đại học và còn tiến xa hơn nữa trong khi có những người bạn vì hoàn cảnh đành phải gác bỏ việc học hành..

Ngày nay, tôi và những người bạn cũ, tuổi đã bước ra ngoài ngưỡng cửa 50, có người ngồi đếm thời gian đợi ngày về hưu, có người vẫn lăn lộn trong cuộc sống nhưng vẫn mong có dịp để kể lại cho con cháu của mình về những chuyện xa xưa, về một mái trường đầy ắp những kỷ niệm đã từng có cái tên "LASAN TABERD" và câu chuyện luôn bắt đầu bằng hai chữ "ngày xưa... ."

Nhất Quỷ, nhì Ma thứ ba Học Trò.

Viết về kỷ niệm cho ngôi vị thứ ba của Lasan Taberd ngày nào.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 8 năm 2010)
top Mục lục

Nội Ngoại trùng phùng !

Vào khoảng trung tuần tháng chín 2010, họ Ngoại chúng tôi gồm có Nguyễn Văn Em, Nguyễn Quốc Huy, vợ chồng Lê Như Quốc Khánh và Tôi đã hẹn cùng nhau lên đường về quê Nội.

Cựu trưởng lớp N.V.Em đi từ Canada, còn N.Q.Huy ở tận bên xứ Trung Hoa lục địa, sau khi đi công tác sẽ bay về.

Vợ chồng L.N.Q.Khánh cùng Tôi khởi hành ngày 17 tháng chín 2010 từ chân Tour EIFFEL.

Trong suốt cuộc hành trình khởi đầu từ phi trường Charles De Gaulles về đến phi trường Tân Sơn Nhất, từ lúc bắt đầu cất cánh phi cơ đã biết tình trạng "Cúp Điện", no film, sans musique, miễn cả đèn đóm !!! Có thể hãng máy bay đã quên trả hóa đơn điện nên mới tạo ra tình trạng này (nói đúng ra là system video bị hư !). L.N.Q.Khánh và tôi ngồi cạnh nhau trò chuyện cho qua thời gian, ôn lại chuyện xưa, nhắc lại những bạn bên họ Nội mà từ ngày dọn qua ở với họ Ngoại đã không một lần gặp mặt ! Hơn 3 thập niên với L.N.Q.Khánh và không xa 4 thập niên đối với tôi !

Về tới SG (vẫn đẹp như xưa), trưa ngày hôm ấy, vì bận việc riêng nên tôi và N.V.Em đã không đến đớp nghêu sò ốc hến ở nhà một ông họ Nội có biệt danh: Nhà mô phạm Phạm Đình Nguyên nên chỉ có L.N.Q.Khánh và N.Q.Huy được cái diễm phúc này nhưng tôi và N.V.EM sẽ đến sau khi xong công việc. Khoảng 17h30 cùng ngày chúng tôi đã đến nhà của Mông-Xừ mô phạm như đã hứa. Đón tiếp chúng tôi có nhà mô phạm và phóng viên Lý Minh Sơn, đại diện cho cánh Taberd.org tại SG.

Sáng hôm sau, ngày chủ nhật 19/09/2010, chúng tôi hai họ Nội Ngoại hẹn với nhau ở trước cổng trường Trần Đại Nghĩa (Lasan Taberd cũ) ở đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) vào khoảng 10h30 và sẽ có sự hiện diện của một số Thầy Cô. Đến giờ mọi người đã đông đủ, có Frère Arthur Nguyễn Phúc Đại, Thầy Lê Minh Ngữ (Hội Họa), Cô Nguyễn Thị Kim Thạch (Toán) và Thầy Võ Văn Mậu (Công Dân), họ Nội và họ Ngoại. Chúng tôi cùng nhau chụp vài chục bô hình bởi ông "phó nhòm" Nguyễn Hữu Tường, sau đó mọi người được mời qua nhà hàng Tân Cảng để dùng cơm trưa.

Sau "chầu" Tân Cảng, Frère Đại và Thầy Cô cùng một số anh em họ Nội ra về, số còn lại thì bay về căn cứ "Cây Khế"Lưu Thành Hiếu để làm tiếp chầu café.

Nơi đây, số còn lại của họ Nội gồm có: phóng viên L.M.Sơn, nhà mô phạm P.Đ.Nguyên cùng con gái, ông bác sĩ của BV Bình Dân Hoàng Vĩnh Chúc, nhà thú y học Lý Văn Quới, phó nhòm N.H.Tường, ông chủ quán cây khế Lưu Thành Hiếu, ông bạn La Thu Chinh ..., nhà văn của Taberd.org Vũ Văn Chính, cây vợt tennis khét tiếng ở cái xứ Sài thành Nguyễn Trịnh Lương, nhà sản xuất áo quần kiêm nghệ sỹ cổ nhạc Nguyễn Kiến Phong. Còn bên phía họ Ngoại thì gồm có đôi song ca (chưa lên vì thiếu thời) L.N.Q.Khánh cùng phu nhân, chủ tiệm masage Thái N.Q.Huy, cựu trưởng lớp N.V.Em và Tây ba lô tôi. Cũng không quên một ông mà tôi không biết đặt ở họ nào đó là mông-xừ Đỗ Bá Cảnh, hên là tôi chỉ không biết cho ông ấy ở họ nào chứ không nói ở phái nào ? Vì ông này rất là "bô dzai" ở cái tuổi quá ngũ tuần.

Cũng tại nơi đây Tây ba lô tôi đã được thưởng thức những lối trình diễn rất ngoạn mục có một không hai, như là bài hát mà Tây tôi không nhớ tên mà chỉ nhớ câu "từ nơi đây đã ra đi của những chàng trai ..." được diễn tả bởi L.V.Quới, phần cổ nhạc đảm trách bởi N.K.Phong, chen lẫn với lời ca tiếng nhạc của đôi song ca chưa lên. Chúng tôi đã sống lại cái tuổi học trò trong những khoảnh khắc tuyệt vời này. Kết thúc phần văn nghệ, bản "Lasan Hành Khúc" được tất cả hai họ đồng ca. Trước khi giải tán, thương tình và biết Tây ba lô rất thích bánh cuốn nên mấy ông của hai họ đã trực chỉ bánh cuốn Tây Hồ vì nơi đây có "cà cuống" !!!!

Tóm lại, hai họ đã gặp gỡ nhau trong chân tình và ngoạn mục. Tây ba lô hy vọng là tình bạn của linh hồn Taberd sẽ sống mãi trong chúng ta.

Nguyễn Ngô Hùng - Paris (tháng 10 năm 2010)
top Mục lục

Từ chết đến bị thương !

Về thăm quê hương lần này thật khác hẳn với những lần đi trước.

Mỗi khi được về Sài Thành, Tây ba lô tôi đều không quên thưởng thức những món ăn thật là thuần túy quê hương. Ngày 20 tháng 09, 2010, sau khi họp mặt với các ông Nội ở bộ chỉ huy quán Cây Khế, trước khi tan hàng, họ Ngoại chúng tôi được họ Nội cho thưởng thức bánh cuốn "Tây Hồ"  ở đường Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây, món ăn đặc biệt là bánh cuốn nhân thịt có cả cà cuống thơm ngon.

Những đĩa bánh cuốn nóng hổi mới ra lò được đưa ra trông thật là hấp dẫn. Những chiếc bánh trắng cuốn nhân thịt phía trong nằm dưới một ít giá chín lẫn lộn vài miếng rau thơm đã được thái nhỏ kèm thêm một ít hành phi. Trên bàn có thêm một đĩa chả lụa, bánh tôm. Liếc nhìn trên tường thấy hàng chữ: nơi đây có cả cà cuống, một giọt hai ngàn. Tây ba lô tôi đã xin thêm 2 giọt cho chén nước mắm.

Chấm bánh vào chén nước mắm với cái mùi cà cuống thật là thơm tho. Bánh thơm, dẻo, mềm, nhân thật là ngon đang được Tây tôi tận tình chiếu cố làm cho Tây tôi nhớ lại hương vị này đã từng được thưởng thức vào tháng tư vừa rồi sau một lần đi thăm bạn bè ở Canada, đó là đĩa bánh cuốn của "Mẹ thằng M" tức phu nhân của cựu trưởng lớp Nguyễn Văn Em. Nếu phải cho điểm giữa đĩa bánh cuốn Tây Hồ và đĩa "bánh cuốn Mẹ thằng M", có lẽ Tây ba lô khó có sự lựa chọn nhưng vì quen tánh nịnh đầm nên Tây ba lô sẽ chọn đĩa bánh cuốn Mẹ thằng M để cho chiếc huy chương vàng !!!

Qua hai trận đấu tennis với Nguyễn Trịnh Lương, vì bại trận, ông bạn thương tình không bắt đãi ăn nên Tây ba lô phải tự đi ăn bột chiên một mình dù không được mấy ông họ Nội dẫn đi ăn ở chùa Xá Lợi.

Sau khi lên nhà thăm cựu trưởng lớp, và vì ông này hơi hà tiện (hay nói đúng hơn Mẹ thằng M không có ở đó nên ông chẳng biết làm gì để mời Tây tui), nên trên đường về khách sạn, Tây tui liền ghé qua đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ). Ngồi trầm ngâm trước đĩa bột chiên (lại bột chiên !!!) thêm vào chén đu đủ sống, chén nước chấm….Tây tui, từng miếng một, gắp bỏ vào miệng từ từ để tìm lại hương vị của năm xưa. Không biết vì đói hay nói đúng vì tham ăn, Tây tui đã chơi liền một hơi 3 đĩa, rồi 2 ly trà đá, tổng cộng Tây tui phải trả hết 55 ngàn đồng VN.

Nếu lại phải so sánh hương vị giữa bột chiên Võ Văn Tần và "bột chiên nhà bà Liên" (phu nhân của Lê Như Trầm), một lần nữa Tây ba lô tui xin nịnh đầm vì một bên hương vị SG (V.V.T) còn một bên là kỷ niệm của trường cũ năm xưa ở nhà một thằng bạn Taberd ngày nào ! Phần thưởng lại về phía ta !!!

Như vậy Tây ba lô tui đã được thưởng thức nhiều món với những khẩu vị khác nhau, chỉ còn thiếu món Hamburger của cái xứ Hoa Kỳ để gặp gỡ thêm mấy ông họ Ngoại. Có thể ở bên đó, Tây tôi lại tìm được đĩa bánh cuốn của Mẹ thằng Gì Đó ? hay bột chiên của nhà bà Gì Đó ?????

Nguyễn Ngô Hùng - Paris (tháng 10 năm 2010)
top Mục lục

Nhớ về một thành phố !

Ngoài trời mưa vẫn bay, ngồi đây sau khung cửa sổ, tôi lim dim thả hồn về chốn xa xôi, nơi mà ánh đèn của Hòn Ngọc Viễn Đông ngày nào vẫn còn bừng sáng.

SG ơi, dù ta đã xa nhưng ta cũng rất gần, ta xa mi bởi muôn trùng khoảng cách nhưng ta thật gần mi trong trí nhớ. Thành phố ấy với những cơn mưa chiều, với ánh sáng chói lọi của buổi bình minh, với những hàng phượng vỹ rực rỡ của ngày nắng hạ và với những tà áo trắng của tuổi thơ ngây. Thành phố đó ơi, mi đã ôm giữ biết bao là kỷ niệm, những hồn nhiên của tuổi ấu thơ, những ranh ma tinh quái của tuổi học trò và những giấc mơ đẹp của thời niên thiếu. Những hình ảnh ấy vẫn bay lượn trong ta, những thơ mộng kia vẫn in hằn trong tâm hồn này.

Thời gian đi qua tựa giòng nước chảy, mây trắng lãng đãng bay như muốn đem kỷ niệm xa dần. Đâu đây tiếng gọi của thành phố ấy, gởi hồn về với những bước chân hoang, lang thang dưới hàng me già, trên những thảm lá vàng rơi. Nguyễn Du con đường đầy ắp kỷ niệm, Bà Huyện Thanh Quan tôi khép nép đứng nhìn ai? Nhà thờ Đức Bà vẫn sừng sững giữa trời xanh, Bưu Điện kia vẫn còn nguyên dấu vết. Nhưng hôm nay đã xa rồi thành phố ấy, chỉ còn lại trong ta nỗi nhớ khôn nguôi.

Viết cho thành phố kỷ niệm vào một đêm nhớ nhà!

Nguyễn Ngô Hùng - Paris (tháng 11 năm 2010)
top Mục lục

Ba Mươi Lăm Năm Tình Cũ!

Ba mươi lăm năm không gặp tưởng tình đã cũ,
Mây bay bao năm tưởng minh đã quên,
Như mưa bay đi một trời thương nhớ………
Tưởng chừng như đây là một bài nhạc tình.

Hôm nay ở thành phố Paris mơ mộng, những giọt mưa thu thánh thót rơi trên từng chiếc lá vàng tơi tả nằm dọc bên vỉa hè của đại lộ D’IVRY. Trời xanh đang nhỏ lệ để khóc mừng cho mối tình xưa cũ, không chỉ là một mối tình mà rất nhiều mối tình đang lần lượt trở về với tôi , với chúng ta: tình bạn của ba mươi lăm năm năm về trước tưởng chừng quá xa xăm nay đã bắt được nhịp cầu tương ngộ. 

Lê Như Quốc Khánh (Cụ K) cùng phu nhân, Nguyễn Quang Sơn (Sơn lai) và tôi (Nguyễn Ngô Hùng-Tây Ba Lô) vừa tìm ra một người bạn cùng promo với chúng ta trong trường hợp rất ư là ngộ nghĩnh! Số là ngày hôm trước, tôi nhận được một lá thơ gởi từ thành phố không mấy gì xa nơi tôi cư trú. Mở thơ ra, tôi rất ngạc nhiên vì trong thơ chỉ có hai hàng chữ viết ngắn gọn và một tờ chi phiếu được ký dưới cái tên nghe êm đềm như mặt nước Hồ Tây, người bạn thuở nào: bạn Hồ Tây Giang!!! Mặc dù chưa ra mắt trên Taberd. Org nhưng người bạn này vẫn thường xuyên theo dõi tất cả tin tức bạn bè, cũng vì vậy, người bạn của chúng ta đã gởi tấm ngân phiếu để cho vào QTTT76 gọi là chút lòng đối với bạn bè xưa!

Mặc dù thời gian đã trôi qua, bạn bè thời niên thiếu với áo trắng quần xanh, ba mươi lăm năm cách biệt tưởng đã lùi dần vào kỷ niệm như một bài nhạc, nhưng không, bạn bè vẫn còn quanh quẩn đâu đây và khi nhìn lại được nhau, tôi có cảm tưởng như vừa gặp lại những người tình của một thuở nào!

Bạn bè ơi! Lasan Taberd nay đã không tồn tại nhưng trường của chúng ta vẫn mãi mãi sống cùng chúng ta trong suốt cuộc đời.

Mày và Tao, Tao và Mày đã ngồi gần lại được với nhau. Ba mươi lăm năm đi qua Tao tưởng đã quên Mày nhưng nay Mày đã gặp lại Tao dưới mái trường đã mất tên. Mày là ai? Mày có lẽ là mối tình của ba mươi lăm năm về trước và đó là tình Bạn Bè thắm thiết của tuổi thanh xuân.

Viết cho tình bạn bè vừa trở lại sau ba mươi lăm năm cách biệt.

 
Nguyễn Ngô Hùng - Paris (tháng 11 năm 2010)
top Mục lục