Taberd.org Lasan Taberd
Tìm kiếm chi tiết

 
memo
Bạn bè năm xưa

Các trang mới

 Hội ngộ TB79, 2012
 Tất niên Thầy Cô, 2012
 Thơ văn - Biên Khảo
 Nhạc - Bài hát
 Hình ảnh xưa
 Kỷ Vật

Liên kết

  Search  Tìm kiếm
  Msg  Nhắn tin
  Comments  Góp ý
  TC  Nhớ ơn Thầy Cô
  QTT  Quỹ Tương Trợ
  Send mails  Trong Sân Trường

Danh sách

Ghi tên nhận bản tin và thông báo
Họ tên
E-mail
Ghi lại mã bảo vệ  

Tôi và Châu Thiên Bửu

Các bạn chắc còn nhớ hồi ở tiểu học chúng ta thường chơi trò đánh kiếm trong sân trường trong giờ ra chơi. Kiếm thì chỉ là tay thôi nhưng cũng đủ để đâm chém đến toát cả mồ hôi. Năm tôi học lớp Nhất, một ngày trong giờ ra chơi, tôi chơi đánh kiếm với Châu Thiên Bửu và rượt nó chạy. Nó vừa chạy vừa quay mặt lại đưa tay đỡ những cú chém của tôi. Vì không nhìn về trước khi chạy nên nó đã va đầu vô cột basket trong sân. Nó đứng sững lại, mặt tái xanh vì đau và rồi máu bắt đầu chảy ra từ đầu nó. Lúc đó mặt tôi chắc cũng tái xanh theo vì sợ, sợ vì mình đã làm cho bạn bị thương hay bể đầu mà chết, sợ các hình phạt theo sau đó, v.v. mà đứng đờ ra không biết phải làm gì. Một lúc sau, nhờ mấy đứa bạn khác và mấy anh lớp lớn dẩn Bửu lên phòng Y tế để băng bó, còn tôi cũng đi theo nhưng trong lòng vẫn lo sợ. May mà sau đó Bửu chỉ bị rách da đầu thôi chứ không có gì trầm trọng nhưng vết thẹo thì Bửu phải mang suốt đời.

Bây giờ bốn mươi năm đã trôi qua, tôi vừa tìm lại được Bửu qua Nguyễn Kim Giao. Liên lạc qua phone, Bửu vẫn còn nhớ chuyện cũ và cho biết tình hình sức khỏe không được tốt. Tôi vô thăm Bửu trong bệnh viện Tâm Đức, nó có phần khác xưa vì đầu đã bắt đầu sói đi, còn tôi thì muối đã bắt đầu nhiều hơn tiêu. Bửu vẫn vui vẽ lạc quan và hẹn cho lần họp mặt kỳ tới. Chúc bạn mau bình phục và hẹn gặp lại nhé.

Lê Việt Quang - Australia (tháng 1 năm 2010)
top Mục lục

Mai Thế Roanh

Mai Thế Roanh, trong trí nhớ cụt lủn của tôi là một học sinh cao ráo, trắng trẻo, đầu tóc lúc nào cũng gọn gàng, mặt mày hiền lành có phần hơi đạo mạo, na ná như Nguyễn Quốc Bảo, cũng người Bắc. Một đặc điểm khác nữa là cái đầu mũi của hắn hơi tròn tròn, nói theo sách tướng số là tướng tốt.

Trong kỷ yếu năm 70-71, Mai Thế Roanh học lớp 7-7, tôi học lớp 7-6. Hình như hắn chỉ học Taberd có một năm rồi thôi. Đến giờ này tôi nghĩ mãi vẫn không nhớ ra hai đứa quen nhau trong dịp nào vì coi lại kỷ yếu chả thấy học chung lớp nào cả, ấy thế mà hắn hay ghé nhà chở tôi đi học. Chở nhau bằng xe đạp mới chí tình chứ. Hắn gồng mình đạp xe chở tôi chạy dọc theo Lê Thánh Tôn, quẹo phải Trương Công Định, quẹo phải Gia Long, đến Tự Do, Nguyễn Du rồi trường Taberd. Có hôm trời mưa, chợt nghe văng vẳng nhà ai tiếng hát vọng ra ``đưa EM về dưới mưa, nói năng chi…….” Lấm lét nhìn quanh tưởng ai đó đang trêu chọc mình. Đến trường tôi thơ thới xách cặp đi vào trong khi hắn vừa đi vừa thở dốc

Năm 70-71, trên giấy tờ tôi 13 tuổi nhưng tuổi thật đã là 16, thuở ấy tôi hãy còn ngây thơ trong trắng lắm, nói thật đấy không phét lác đâu. Khoảng gần cuối năm học, Roanh hay kể tôi nghe chuyện chơi bời gái gủng của hắn, cũng là một tay xạ thủ, nhìn bộ dạng của hắn lúc ấy tôi nghĩ tuổi đời của hắn không chừng còn Cụ hơn cả tôi. Vậy mà hôm nay lật tìm hắn trong kỷ yếu, thấy năm đó hắn lại đứng đầu môn Công Dân - Giáo Lý, theo sau là Tăng Kiên.

Bây giờ nghĩ và nhắc về hắn, tôi còn nhớ như in khuôn mặt và giọng nói cùng cái tướng khom khom đang cong người lên đạp xe chở theo thằng tôi ngồi êm ái đằng sau.

Kỷ niệm xưa lúc nào cũng muốn nhắc nhưng không biết bạn xưa nay đang ở nơi đâu!

Nguyễn Văn Em - Montréal, Canada (21 tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Lê Như Trầm

Lê Như Trầm học chung với tôi ít nhất là hai năm, lớp 8eme 5 và lớp 7-6. Nhưng chắc năm lớp 7-6, Lê Như Trầm mới nổi bật trong trí tôi, lúc này nó có chiếc xe gắn máy màu đỏ, hình như là xe Honda.

Lê Như Trầm, nước da ngâm ngâm, như Nguyễn Ngô Hùng, đầu húi cua, quần áo lúc nào cũng nhét nửa trong nửa ngoài quần. Chuông vừa reng là đã thấy Lê Như Trầm phóng lên chiếc xe gắn máy. Cũng có khi nó cho tôi đi quá giang xe. Hồi xưa, chừng năm 70-71 tôi đã có chiếc PC, nhưng lại hay quá giang xe bạn. Không biết có phải sợ tốn xăng, hay là từ năm 71 tôi đã biết ý thức về môi trường hổng chừng!

Ngày tháng trôi đi, mãi đến gần mười năm sau, một ngày đẹp trời năm 80 hay 81, qua Nguyễn Tấn Tài, tôi ở tỉnh nhỏ đi thăm Như Trầm ở Montréal. Năm đó nó mới đến đinh cư, ở khu Barclay, Côte Des Neiges, cho nó chinh xác hơn. Khu Barclay, hồi đầu sinh viên Việt Nam mới qua tu tập ở đây vì gần Đại Học Montréal, giá nhà mướn tương đối thấp. Từ đó trở đi, người Việt mới tới hay đáp tại khu nầy. Nó ốm nhom ốm nhách đen thui đen thủi, râu ria lởm chởm, đã có vợ, cặp nách hai con nhỏ. Hai vợ chồng mời tôi ở lại ăn cơm. Cơm được dọn ra dưới đất, cả một nồi cá kho được bưng ra đặt ngay chinh giữa căn phòng khách trống trơn, bữa ăn đầu tiên với người bạn năm xưa, tôi nghèo nó còn nghèo hơn, chỉ có khác là tôi vẫn độc thân.

Rồi năm năm nữa lại trôi qua, tôi đã có gia đình, vì công ăn việc làm phải dọn lên Montréal, hai gia đình gần gũi thân thiết nhau hơn, tôi và nó cũng thường xuyên gặp gỡ. Nó hay nói với tôi: "Tao con dê vợ tao con gà, mày cũng con dê vợ mày cũng con gà, hai con gà này tối ngày cứ lăng xăng bơi với móc không ngừng nghỉ. Tao với mày số giống nhau.” Tôi chỉ chờ nó nói đúng là sẽ mua tặng nó cặp kiếng mù và bộ áo dài bằng the đen. Bây giờ nó nổi tiếng lắm và nghe mọi người đều nói nó giàu và là đề tài cho những tin đồn, gặp lại tôi thấy nó vẫn ốm nhom nhưng da nó có trắng hơn một tí.

Một lần nọ bà xã Như Trầm mới thủ thỉ với bà xã tôi: "Hồi đó em nói với anh Trầm - tội nghiệp anh Em, ảnh xấu quá không biết làm sao mà có vợ cho được!". Tôi không nhớ dai nhưng không hiểu sao câu nói này lại cứ ghim mãi trong lòng, ngày ấy nếu nghe được nhụt chí anh hùng, chắc tôi chẳng dám kiếm vợ. Và bây giờ bà xã tôi, ai đã gặp qua đều biết, bả là bà Dung ...

Nguyễn Văn Em - Montréal, Canada (22 tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Riêng một góc trường

(Các bạn năm xưa, xin các bạn đừng giận tôi, tôi vẫn yêu các bạn lắm)

Nếu ngồi tính đến những năm tôi ngồi học chung với các bạn, quãng thời gian 7, 8 năm, mà mỗi năm các lớp có khoảng 7, 8 lớp, thì số bạn học chung cũng có thể lên đến con số trăm, thậm chí cả con số ngàn người.

Có những thằng kể từ lúc còn là học sinh Tiểu Học, từ lớp 8, 9, 10eme chương trình Pháp, hay lớp Ba, Nhì, Nhất chương trình Việt. Đến lớp 9, 10 sau này hoặc hơn nữa, có đứa tôi cũng chỉ học với nó duy nhất có một năm, cũng có đứa đến 3 năm, thậm chí cũng có đứa không học với nó một ngày nào, nhưng không hiểu sao tôi lại quen nó, và thậm chí còn biết một ít chi tiết về nó, và cái tên của nó cũng cho tôi cái cảm giác quen quen, như thằng Nguyễn Thái Phương học bên khối Anh Văn chẳng hạn, không học chung với nó, nhưng tôi biết ngày xưa gia đình nó có người làm ở hãng RMK, có trụ sở nằm trên đường Thống Nhất sau lưng Nhà Thờ Đức Bà. Hay như thằng phì Lũ Nguyễn Thái Sơn, người ngợm to nhất khối lớp, nhưng cái hình ảnh của nó mỗi khi ra chơi sân trường, thì thằng nào cũng biết và không có thằng phì lũ thứ hai nào giống như nó. Làm như nó là hàng độc quyền vậy, khỏi sợ bị nhái.

Rồi Nguyễn Đình Biên, Võ Thanh Hoài, Vũ Anh Quân chung lớp Nhất, sau đó chuyển sang bên lớp Anh Văn. Đình Chuẩn, Trần Ngọc Linh, Bùi Mạnh Tuấn, Đoàn Quang Huy, Lý Văn Quới, La Thu Chinh, Dương Thi Tuấn, ... ngần ấy năm cũng chỉ học chung duy nhất một lần, cũng có thằng như Jean Ta Dzi, Lê Lạc Long, Huỳnh Kim Thiện, Võ Thanh Long ngồi chung đúng có một năm lớp nhất, sang năm tụi nó ra khỏi trường tôi đi tìm kiếm hoài mà không thấy đâu.

Còn số học chung với nhau 2, 3 năm liền thì nhiều lắm, như thằng Phạm Nguyễn Văn Anh Tuấn, Hoàng Hùng Nguyên, Phạm Hoàng Vũ, Nguyễn Xuân Hiền, Lê Khắc Chi, Lê Hữu Mạnh, Nguyễn Khoa Quỳnh, Tôn Tiến Hỷ, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Mạnh Sa, ...

Có một điều lạ là sau từng ấy năm, tôi có thể còn nhớ rất rõ tính tình đa số những người bạn học chung ấy, tuy hình dáng tính tình các bạn có thay đổi theo thời gian, nhưng bản tính trong con người các bạn vẫn không thay đổi. Ngày xưa các ông nhỏ xíu như Phạm Hoàng Vũ, Nguyễn Xuân Hiền, Lê Phi Hùng, ... hay bị tụi tôi ăn hiếp, như đi ngang huých cho một cái, hoặc thỉnh thoảng gõ đầu, hay xoa xoa cái đầu húi cua tròn vo của tụi nó, thường thì tụi nó cũng chỉ cười cười là cùng, nhưng có một ông nhỏ mà có võ, thì tụi tôi thấy ngán là ông Lê Như Quốc Khánh, với cái kiếng cận to che gần nửa khuôn mặt, ông này phải gọi là dế ốc tiêu mới đúng, tính tình thì luôn luôn tếu táo, giọng nói sang sảng tuy người ông nhỏ con, nhưng ai mà nói trật bản lề là ông sửa lưng liền, nên tụi tôi cũng hơi ngán ông là vậy.

Lại có cả tứ quái Dalton: Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kiến Hoàng Hùng, Phạm Hoàng PhátNguyễn Đình Đạt, mà một thời là nỗi ám ảnh của Lucky Luke, Frère Agilbert Cách dạy Pháp Văn lớp 8-3 ngày ấy.

Cũng có những thằng bình dân như Tôn Tiến Hỷ, mà tôi hay gọi nó là Trư Bát Giới, nó hiền nhưng hay giỡn, nó hay nói chuyện huyên thiên trong lớp, một ông Dương Quang Khải tính tình lém lỉnh hay nghịch ngầm, ông Nguyễn Ngô Hùng thì trầm lặng ít nói, Lê Như Trầm đúng như cái tên, nó đen như cục than hầm, Trần Minh Xuân, rồi thằng Nguyễn Công Thăng và ông Củ Sâm Nghiêm Quốc Việt mà năm lớp 9, ba thằng ngồi chung một bàn, tối ngày ngồi vẽ và bàn chuyện máy bay tàu chiến thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Lại có anh có cái tướng lấc cấc quen thuộc như hai ông nội Nguyễn Hồng Phước, Ngô Quang Đức. Thằng Phước thì xém nữa bị thằng Duy Hải đục vì cái tội lanh chanh láu cá, còn ông Quang Đức thì có cái đầu chuyên chải lệch qua một bên, cái quần thì mặc xệ xuống, đi đứng hai tay lúc nào cũng thọc vào túi quần, đi cái tướng khuỳnh khuỳnh ra, mặt thì ngước lên trời nghênh ngang vô cùng.

Cuối cùng, dễ nhận ra nhất mà nếu có học chung với nó, thì không thể nào quên nó được mỗi khi nhắc về nó, mà nếu có nói về nó thì cũng nhiều chuyện để nói. Đó là thằng Nguyễn Mạnh Sa hay còn gọi là Sa Sứt, cái thằng nói ngọng mà lại hay nói nhiều, chửi thề một cây xanh dờn, nhưng cũng may là nó không biết hát, nếu không thì không biết thế giới sẽ thay đổi ra sao, và cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng dù sao nó cũng là thằng bạn thân, mà tôi không thể nào quên cho đến tận bây giờ.

Tất cả các bạn ấy bây giờ ra sao rồi?

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Nổi niềm

Tôi học với Lê Phi Hùng năm lớp 8-8, niên khóa 1971-1972. Ba nó ngày xưa làm đại lý Air Việt Nam tại Pleiku, nhà nó giàu lắm, nó có thằng anh tên Lê Phi Hổ lớn hơn tôi 1 tuổi. Hai anh em nó ở nhà tôi vào cuối tuần, một hôm thằng anh nó vào phòng bà chị lớn và lấy váy đầm của chị tôi ra mặc, tình cờ đi ngang qua tôi bắt gặp, tức quá tôi đấm cho nó một phát vào con mắt, và kết quả là con mắt của nó bị bầm một bên đen thui. Tôi còn dọa nó:

- Mày mà vào trường mách thầy hay bố tao thì tao sẽ đánh cho mày chết luôn.

Nó sợ quá vô trường, thầy hỏi thì nó nói nó vấp ngã vì cái gốc cây.

Năm 1975, gia đình nó đi chung một chuyến tàu cuối cùng rời Việt Nam với gia đình tôi sang đảo Guam, lúc lên tàu thấy nó lễ mễ bưng cái va li to tổ bố, tưởng thức ăn tôi bảo nó mở ra ai dè toàn băng nhạc không. Mẹ nó hiền lắm, hôm 29-4 bố nó gởi vợ con cho gia đình lên tàu, còn bố nó ở lại Việt Nam rồi đi học tập, khi ra tù thì tìm cách vượt biên. Đến Mỹ, tôi nghe lúc đầu nó học nghề computer, nó cũng làm chung với Bill Gates lúc đó chưa thành lập ra Microsoft, có thời gian nó qua bên Singapore và làm rất nhiều tiền, nó có một đời vợ đã li dị sau khi nó có 2 đứa con gái, hai đứa nay đã lớn và học thành tài, rồi nó lập gia đình lần nữa có thêm một đứa con trai.

Sau này tôi nghe nó sa vào vòng cờ bạc, tán gia bại sản, vợ sau cùng đứa con trai bỏ nó mà đi, nó lang thang hết bạn bè này đến bạn bè khác nhờ giúp đỡ cho qua ngày, mặc dù chị em của nó rất giàu, nó có bà chị buôn bán furniture ở San Diego, và nó làm phu khuân vác cho cửa hàng của bà chị nó.

Tôi cũng lấy làm tiếc cho cuộc đời nó, quá uổng phí tương lai trên cái xứ sở có nhiều cơ hội tốt này.

---

Đối với Nguyễn Công Thăng mà tôi học chung với nó năm lớp 9-6, tôi cũng có kỷ niệm với nó, mà đến bây giờ nó cũng không biết, dù năm 1985 tôi gặp lại nó ở San Francisco, và nó nhờ vợ chồng tôi chọn dùm áo cưới cho vợ nó, và từ đó tôi không còn gặp lại nó một lần nào nữa.

Hồi đó nhà nó bán đồ dùng cho nhà vệ sinh, nhà cầu, có cả xe rút hầm cầu nữa, nhà nó buôn bán nên giàu lắm. Tôi còn nhớ lúc đó là gần Tết Nguyên Đán, tôi gọi điện thoại đến một công ty rút hầm khác, nói họ đúng ngày Mùng một thì đến số nhà này để rút hầm cầu. Đúng hẹn sáng Mùng một thì họ đến, và hỏi có phải nơi đây kêu rút hầm cầu không?

Thế là cả nhà nó kéo ra, thấy nguyên cái xe rút hầm cầu nằm chình ình ngay trước nhà, sáng Mùng một thế có chết không chứ, mẹ nó đứng chửi ông tài xế xe tắt bếp và nói ai gọi vậy, sợ mang họa sáng đầu năm cũng như dông cả năm, tài xế và phụ xế nhanh chân chuồn lẹ, bỏ lại những tiếng chửi rủa không ngớt sau lưng.

Sau Tết vào lớp, tôi nghe nó kể lại mà không dám cười, sợ nó đánh tôi bầm dập sao. Đó cũng là kỷ niệm mà tôi không quên mỗi khi nhớ về Thăng.

Nghiêm Quốc Việt - Cali (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Đi thăm Châu Thiên Bửu

Đang bị sốt vì tự nhiên có một con virus nó di dân lên cái mông của tui, vì không biết nên thay vì ăn xôi đậu phụng nhão thì không sao, tui chơi luôn gói xôi bắp đầy hấp dẫn kia, thế là cái khu di dân nó phù lên nổi loạn, làm tui sốt li bì, đang trấn tỉnh tinh thần thì Lý Minh Sơn gọi điện, hỏi tui có muốn đi thăm Châu Thiên Bửu thì qua BV Tâm Đức khu Q.7, vì công chuyện với ông M nên tui OK, từ nhà tui mà qua cái khu cao cấp ấy phải đi tới 1g, đó là tui lái chiếc Lexus Dream 100, đời 8.0/ Model 2004 mấy ông biết rồi đó, ý Minh Sơn cho ông thư ký chân dài và có râu, đi tháp tùng đặng còn viết báo cáo cho các lãnh đạo 4 vùng chiến thuật biết tình hình, hôm nay ông Minh Sơn chơi ác với thư ký chân dài khi gọi tui qua đây, mà cũng phải thông cảm bởi vì nó không biết, tui phải ngồi niễng một bên mông vì cái nhọt đang lên cao trào nhức nhối, hết một khúc.Dáng ngồi lại ẹo qua ẹo lại, nên người đi đường tò mò nhìn với cặp mắt kinh dị, cái thằng cha già này già rồi mà còn ngồi làm dáng.

Mà đường thì đầy ổ gà nên tuy chiếc Lexus có êm vẫn thấy rêm mông. Mỗi lần qua cái ổ gà là tui tưng một cái, rồi đổi tướng ngồi, lúc chạy đến Chợ Cầu Muối tính ghé vào nhà của cậu Nguyễn Đăng Cầu Muối, nghe nói nhà cậu to nhất vùng này mà sao kiếm hoài không ra nên đành thôi.

Đến BV Tâm Đức hai thằng vào thăm Châu Thiên Bửu, Bửu đã nằm ở đây 15 ngày, mai là xuất viện vì đã đơ đỡ, phải chi hồi xưa chịu khó học giỏi, đừng vì thấy ông M học giỏi đâm ra chán nản, thì giờ này không chừng tui làm BS giống như SM, và bây giờ tui có thể kể chi tiết cho các anh rõ bệnh của Bửu đến từng centimet, chứ đâu cần tui phải loay hoay đi tìm cái gì để kể đây, À nó đây rồi, tui tả theo cái lối của thằng chuyên viết văn lá cải.

Châu Thiên Bửu, nó giống như một chiếc xe đạp cà tàng thời đất nước còn nghèo khổ, xích líp thì nhão, ruột vá trăm mảnh, vỏ xe thì lủng lỗ chạy thì tưng lên tưng xuống (cái vụ xe đạp này thì ông Chủ Xị Quang ổng rành lắm) không có đồ thay, có đưa đến thợ sửa xe thì thợ cũng lắc đầu vì không có đồ thay. Nên khi đưa vào các BV thì họ cho về là phải, bởi vì chữa chỗ này thì hỏng chỗ kia, xì xọp tùm lum thì chữa sao cho xuể, nếu chỉ có một trái tim như cô thư ký có râu thì cũng đỡ đi, chơi cho cái tim giả cũng được, đằng này thì bó tay với Bửu.

Nhưng vẫn có thể còn sử dụng được, khi nào hết sử dụng được nữa thì lúc đó Die thôi, cho nên bịnh tình có lẽ về lâu về dài, khó lường hết được chuyện gì cũng có thể xảy ra, và nếu anh em có muốn giúp thì nên tính chuyện lâu dài tùy theo khả năng, tôi thấy thân hình bạn tuy tiều tụy mệt mỏi với căn bệnh, nhưng mắt Bửu vẫn sáng lung linh, chứ không lờ đờ, tả văn không nghe mệt thấy mẹ luôn.

Minh Sơn có đưa tận tay số tiền các anh giúp đỡ đầy đủ, có thư ký chân dài có râu và ngồi niễng một đêm, củ soát và đếm đầy đủ. Chuyện này đúng ra không phải của thư ký chân dài có râu, nhưng Minh Sơn muốn minh bạch và nhờ tui chứng giám.Biên bản cuộc thăm đến đây là kết thúc, các anh em nên lưu ý chuyện đi lại liên lạc của Sơn, tuy Minh Sơn không đề cập, tất cả cũng vì tấm lòng của bè bạn, nhưng nếu anh em nghĩ đến thì vẫn hơn, đừng để ai bị thiệt thòi vẫn hơn. Biên bản đã ký và đóng dấu tại quán cà phê bên đường.

Thân

Thư ký chân dài có râu, ngồi niễng một bên.

Chính

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 6 năm 2010)
top Mục lục

Thương Tiếc

ctb_1aMới tháng trước tôi đi thăm Châu Thiên Bửu, trước khi chào bạn để đi về tôi có nói với bạn, chúc ông mau khỏe để vào sân trường chơi với anh em, bạn nắm tay tôi với cặp mắt sáng ngời, dù trong thể xác bạn đang đau đớn vì bệnh tật, bạn nói rồi cố gắng hết bệnh sẽ gặp anh em. Thế mà tháng sau, cái đôi mắt sáng long lanh ấy đã vĩnh viễn khép lại, khi tôi được tin Bửu đã mất vào tối ngày thứ sáu 02-7-2010.

Bệnh tật nó cũng khó lường được, vẫn tưởng với suy đoán về bệnh tật của Bửu qua đôi mắt thế mà tôi đã lầm, khi bệnh trở nặng gia đình đưa vào Bệnh Viện 115, những ngày cuối đời Bửu chỉ chảy nước mắt nhìn vợ mà không nói được, thận bị hư hoàn toàn, một bên xẹp một bên ứ nước, khi vào Bệnh Viện thì Bửu đã chết lâm sàng, Bác sĩ báo gia đình đưa Bửu về nhà, tim Bửu ngừng đập lúc 8 g10 phút tối ngày thứ sáu 02-7-2010.

Chiều 5g ngày Chúa Nhật 4-7-2010 chúng tôi gồm: Lý Văn Quới, Lý Minh Sơn, Phạm Đình Nguyên, Lưu Thành Hiếu, La Thu Chinh, Lê Đình Dũng, Nguyễn Kiến Phong, Lâm Quốc TiếnVũ Văn Chính có thêm Nguyễn Quốc Huy từ Thái về Sài Gòn, và đặc biệt có ông bạn Hoàng Vĩnh Chúc, đến thăm từ biệt Bửu và chia buồn cùng gia đình. Lúc tôi đến gia đình Bửu thì gặp cả ông anh vợ, đang ngồi trò chuyện với gia đình, và sau đó cũng được biết ông anh vợ và Bửu có thời gian làm chung tại Bộ Lương Thực & Thực Phẩm.

ctb_2a

Bửu bệnh đã lâu, anh em mỗi lần đến thăm và nhớ câu Bửu thường nói: "Bộ tưởng chết là dễ lắm sao, tao muốn chết mà chết không được". Thế mà bây giờ Bửu đã được toại nguyện, về cõi vĩnh hằng bỏ lại bao bệnh tật đau đớn, và cái xác nơi trần gian phiền muộn này, tất cả cũng trở về cát bụi.

Xin anh em cầu nguyện cho tên thánh của Bửu là Giuse, được yên nghỉ đời đời trong cõi vĩnh hằng, và được thương tiếc của tất cả các anh em Taberd 76, mà thời gian qua đã luôn nhớ đến bạn, và đóng góp phần nào để làm dịu cơn đau bệnh tật của bạn.

Chúng tôi rất nhớ bạn và thương tiếc một người bạn, mà năm xưa đã cùng chúng tôi vui đùa, và học tập dưới mái trường thân yêu: Lasan Taberd.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (4 tháng 7 năm 2010)
top Mục lục

Hậu Taberd: Câu chuyện về những cái bọc điều

"Đời tôi buồn như dòng sông, sầu như mùa đông không biết đôi môi cười.
Người ơi dòng sông ngừng trôi, chờ nghe mùa đông, hát tình khúc xưa ..."

Ngày xưa lúc còn học ở Taberd, tôi đã nghe những tiếng thì thầm bên tai mỗi khi xách cặp đi học:

- Cái cậu này học Taberd ra đó nghe, chắc con nhà giàu có bố làm lớn.

Hay:

- Thằng này nó đẻ bọc điều nên số nó sướng, học trường Tây nổi tiếng nữa chứ.

"Tình ơi đừng theo gió đưa khuất vào chốn xưa
Như chưa từng nhớ mong
Nhớ ai nhìn khói thuốc bay và làm cho chiếc lá rơi ..."

Thú thật có lúc tôi cũng nghĩ như vậy, tất cả bạn bè tôi học chung trong một cái trường huyền thoại thời bấy giờ, với thời gian thâm niên như thế hẳn là đẻ bọc điều rồi, và chắc chắn không con nhà giàu thì cũng có bố làm lớn. Mặc dù tôi cũng không hiểu cái bọc điều nó ra sao, chỉ nghe nói vậy thì biết thế thôi.

"Đời tôi từng giây nổi trôi
Vùi trong thời gian mang những cơn u buồn
Buồn ơi này ta chào mi đừng đem biệt ly cất từng bước đi ..."

Rồi thì vào một cái ngày 30 tháng 4 của cái năm Chết Tiệt, tôi luôn luôn nhắc nhớ về cái ngày này, không bao giờ quên được, vì nó là cái cột mốc định mệnh cho số phận của thế hệ chúng tôi, và cũng từ đây biết bao nhiêu câu chuyện cần phải nhớ, có khi cần phải quên của một thời hoa mộng của chúng tôi.

"Và khi buồn lên ướt mi thắm từng nét môi
Còn mơ gì đến tôi
Đến khi buồn nhớ thương ai buồn tìm bên những phút giây ..."

Ngày ấy tôi luôn nghĩ rằng tất cả các bạn tôi học cùng trường, cùng mang cái bọc điều như tôi, nay các bạn ấy đa số chắc chắn ở nước ngoài rồi, các bạn ấy thật là may mắn và hạnh phúc giăng đầy, đúng là cái số sung sướng thì lúc nào cũng sướng, còn tôi và các bạn nào còn ở lại Việt Nam thì cái bọc điều năm xưa, nay đã rách teng beng rồi, te tưa như cái bọc mà phải gọi là cái bịch ni lông lủng lỗ chỗ mới đúng. Có một thời tôi đã nghĩ như vậy, và luôn cố quên cái bọc ni lông hiện tại, để nhớ về cái bọc điều rất đẹp đẽ của ngày xưa.

"Một ngày được mang cánh chim thời gian
Một đời tôi đi khắp nơi dọc ngang ..."

Rồi thấm thoát thời gian trôi qua rất nhanh, chúng tôi những cái bọc ngày xưa tìm đến với nhau, phải nói là một quãng thời gian dài rất dài, tôi lại thấy cuộc đời thật là kỳ lạ, có nhiều số phận khác nhau của anh em chúng tôi, nó thay đổi hoàn toàn cái ý nghĩ ngày xưa của tôi, lạ thật. Tôi đã nghe về cuộc sống của các bạn tôi năm xưa, những cái bọc điều mà tôi cho là hạnh phúc và may mắn.

"Và tôi sẽ tới một cánh rừng hoang
Làm quen với lũ bướm vàng ngác ngơ ..."

Trong cuộc đời tạm bợ này, chẳng có gì là hoàn hảo cả. Bạn tôi mỗi người là một số phận, quần áo giầy dép còn có số huống chi con người, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài cũng thế. Và đây những cái bọc điều của ngày xưa bây giờ như vầy đây: có ông hành nghề rửa xe tối ngày cứ leo lên rồi lại leo xuống, chơi với nước và xà bông tối ngày, quên cả bạn bè đang trông ngóng ông ấy ra vui chơi, không biết ông còn hay nói huyên thuyên như ngày xưa không, có ông trở thành ông chủ quán ăn và giàu xụ (nghe nói vậy), lăng xăng đi tới đi lui rồi đợi tối xuống tha hồ đếm tiền, dù ông hay than cái nghề hàng ăn này cực quá, có ông vì nghề nghiệp cứ xách vali đi công cán nước ngoài, thấy ông đi ngoại quốc bằng máy bay, y như người ta đi chợ hằng ngày bằng xe ôm như ở Việt Nam, làm tôi ngưỡng mộ ông quá, trong khi ông ngửa mặt lên trời rồi rên: "Mệt thấy mẹ chứ sướng cái đếch gì, không ham".

"Nằm mơ dưới nắng chiều lững lờ đưa
Vời tôi đến chốn xưa ... "

Có ông thì sáng xách ô đi chiều xách về, nhàn hạ cho cái đời công chức nhà nước, chỉ đợi cái ngày hạ cánh an toàn về hưu để an nhàn tuổi già, có ông thì hôm trước còn ngồi chễm chệ ở bureau, nhìn đời màu hồng qua cái khung cửa sổ kia, sai mấy em gái chạy tới chạy lui muốn sút quần luôn, thế mà đùng một cái mất việc, hay chuyển sang công việc khác mệt hơn một chút, kinh tế khủng hoảng toàn cầu mà giỡn chơi sao được.

Có ông về già rồi còn chịu khó đi học thêm mặc dù ông rất ham vui, mà ở cái xứ sở này cứ có bằng cấp thêm là có việc làm, đôi khi có thêm tiền tăng lương nữa, miễn chịu khó học đừng ham chơi mê gái là được. Có ông thì vợ con ở mẽo, còn ông thì ở Việt Nam, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần, giống y như cảnh Ngưu Lang Chức Nữ ngày xưa.

"Đời qua đời lững lờ qua
Tình cũng mờ xa như lá thu rơi đầy ..."

Người ta thường nói: "Đằng sau sự thành công của đàn ông, thường thấp thoáng một bóng hồng", nay tôi xin bổ túc thêm: "Đằng sau ấy cũng thấp thoáng những bất hạnh", có ông thành đạt trong xã hội nhưng lại tan vỡ trong tình yêu, sống cái cảnh cơm hàng cháo chợ một mình thui thủi một cõi đi về, dù cơm một bên và em một bên, cũng có ông thân tựa như cánh bèo trôi, không biết dạt bến nào, hay sắp sửa lên xe bông về bến đò chiều;lại có ông hộ khẩu một nơi nhưng lại xây tổ ấm một nẻo. Đó là những thân phận của các ông ngoại đẻ bọc điều.

"Giờ đây hàng cây ngày xưa
buồn nghe chiều mưa hát lời tiễn đưa ..."

Còn những ông nội đẻ bọc điều thì nhiêu khê và bầm dập hơn một chút, có ông tàn tàn vừa làm vừa chơi, lương thì ít nhưng lậu thì nhiều, Việt Nam mà, đã vậy ông còn nghêu ngao làm cho lắm vào thì tắm cũng ở truồng, có ông thì vì công việc nên tối ngày chạy rong ngoài đường, nên hễ thấy ông Taberd nào đang lang thang làm thơ, hay thơ thẩn trên đường thì dụ khị kéo về tổ luôn, có ông buồn đời cóc thèm đi làm ở nhà phụ vợ buôn bán cho khỏe, chỉ bực mình vì vợ sai vặt tối ngày, hết chở con đi học về thì lại đưa vợ đi chợ, đi spa, hay có khi đi shopping, bữa nào hứng vì vô mánh vợ nó bắt chở đi vòng vòng ngắm cảnh, mệt thấy mụ nội luôn.

Còn có ông tự dưng mắc cái bệnh nhà giàu dù ông không giàu, trái tim ông mùa đông ngày xưa chắc có lẽ yêu nhiều quá, nay nó bắt đầu thổn thức và bị khô héo, ông không làm nặng được chỉ làm việc nhẹ nhàng, nên ông buồn buồn ngồi viết mấy bài lá cải giúp vui anh em cho qua ngày. Có một ông là nhà chăn nuôi hết thời hay sao mà thấy ông ca suốt ngày như vầy: Nuôi con gì cũng chết nhưng nuôi con vợ, thì nó sống nhăn và còn sống dai nữa. Có ông là học trò của cụ Lý bạch bên Tàu phù, xem rượu là bạn bia bọt là người tình, ông uống hăng say và nhiệt tình từ sáng đến trưa, rồi ngủ trưa một giấc, chiều dậy ông chơi tới khuya luôn, bất kể đời bất kể thân thể, ông uống quá mà người ngợm ông má tụi nhỏ nhận không ra luôn.

"Người ơi mù trong bóng đêm
Dưới trời lãng quên chơi vơi một cánh dơi
Với tôi cùng với đắng cay rồi như khói thuốc bay ... "

Ông nội thì bảo ông ngoại cực sướng, tuy có làm cực nhưng thong thả, có Đô la, Euro rủng rỉnh, cuối tuần đi uống cà phê Bikini Chợt Nhớ ở Cali, tha hồ rửa mắt. Còn ông ngoại thì nói ông nội ung dung cuộc đời, làm thì ít mà ăn thì nhiều, thích thì làm không thích thì nhậu. Tôi phân vân không biết ông nào đúng ông nào sai, chỉ nghiệm ra một điều: Sướng hay khổ gì thì ở đâu nó cũng sướng, có lên đến Sao Hỏa đi nữa thì khổ nó vẫn khổ. Ôi những cái bọc điều ngày xưa oanh liệt nay còn đâu, làm người lớn khổ quá người ơi

"Một ngày được như đám mây mùa thu
Một đời tôi xin lãng du từ đây và tôi sẽ trốn vào mãi rừng cây ..."

Cuộc đời như con chó mực có cái mõm đen như ... mực, nên người đời thường nói: ĐỜI ĐEN NHƯ CÁI MÕM CHÓ MỰC là vậy.

"Chờ giây phút cuối đến cùng với tôi
Rồi xin nhắm mắt buồn hết đầy vơi
Buồn theo chiếc lá rơi ..."
(Dòng Đời - My Way)

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 7 năm 2010)
top Mục lục

Hoàng Vĩnh Chúc, Bác Sĩ Hoa Súng

Cuối cùng thì con nhạn là đà ở Việt Nam, Hoàng Vĩnh Chúc cũng bay ra khỏi tổ để vui với anh em, đúng vào ngày anh em tổ chức đi phúng điếu Châu Thiên Bửu, đó là ngày Chúa Nhật, 4 tháng 7, 2010. Sau nhiều lần õng ẹo lui tới làm duyên làm dáng, nếu nhìn cái hình Chúc trong Taberd.org với cái hình ngoài đời thì khác nhau hoàn toàn, một ông trong hình thì nghiêm nghị quá, ra dáng cán bộ cấp cao, dù gì cũng là một ông Bác sĩ danh giá của thời đại này, mà không phải mấy ông Taberd ở VN ông nào cũng đạt được cái địa vị như vậy, nên tôi thấy ngài ngại giống như khi gặp ông Bác Sĩ trưởng phòng Phan Triệu Cung, công tác tại bệnh viện Ung Bướu, dáng ông bệ vệ quá mặc dù ông cũng hòa đồng, và gần gũi với anh em.

Đến khi gặp ông ngoài đời thì thấy ông lè phè quá, làm tôi cũng phải nghi ngờ cha này làm bác sĩ thiệt không ta, sao tui nghi quá, khác một trời một vực luôn, mỗi lần vào bệnh viện mà ngồi cho mấy ông Bác sĩ khám bệnh, nói thật nhiều khi cũng ớn, mấy ổng nghiêm nghị quá, ổng mà phán một cái nhiều khi con bệnh cũng xanh mặt chứ chơi đâu. Thế mà lại đúng, nhìn ông bụi bậm và phong trần quá, bác sĩ gì đâu mà hút thuốc và nhậu nhẹt tưng bừng, tôi thắc mắc hỏi ông lúc này đã có những bệnh viện không khói thuốc, các bác sĩ còn bị cấm nữa là ông, thì ông trả lời tỉnh bơ:

- Chỉ có Bệnh Viện cấm chứ trên Sở Y Tế có cấm đâu, mấy bố trên đó hút còn quá cha nữa.

Trời đất! ông là Bác sĩ mà ông còn chơi cỡ đó, thì làm sao anh em bỏ thuốc bỏ nhậu được, có bệnh thì cũng cắn răng mà chịu, cấm rên la, ra cái điều Bác sĩ còn dám chơi, không lẽ mình lại ngán, chơi luôn.

Hỏi chuyện ông có làm gì lớn trong bệnh viện không ? thì ông trả lời tỉnh queo thích làm lính thôi, đã vậy khi đi nhậu ông còn khôi hài nói với mấy cô phục vụ, lỡ gọi ông bằng chú rằng:

- Mấy em gọi là gì, nếu bằng chú thì cứ sờ từ vú trở lên, bằng ông thì từ mông trở xuống, bằng bác thì lác đác chỗ nào cũng rờ, bằng anh thì ... thôi không sao.

Nghề chuyên môn của ông hình như là khoa Niệu, ở Bệnh viện Bình Dân thì phải, nghĩa là ông chuyên trị về các loại súng... bắn nước, từ cây Anh Rờ Em 15, Em 16, đến cây XM 18 cực nhạy, mới đặt tay lên cò súng thì nó rẹt rẹt liền, từ cái súng hỏng hóc bắn nửa viên một, hoặc hãnh diện không thèm khạc đạn, hay lại hào phóng vung vít ngoài quan ải, không thèm nhắm mục tiêu, có những cây súng trên bảo dưới không nghe, hoặc có những cây sau khi đi hoang về, mang theo những cánh hoa tè le trên đầu súng, mà dân chơi thời thượng gọi là "Bể Ống Khói", hoặc súng bắn ra sữa không đăng ký gọi là sữa lậu ... Nói chung là đủ loại súng trên đời, trừ cây súng đại bác vì nó to quá, ít khi gặp. Biểu tượng của ông là: Nụ Hoa và Cây Súng.

Ông luôn nghêu ngao hát câu này theo bài người Mẹ:

Mẹ cho anh cây súng sáng ngời
Để nhìn đời và để làm duyên ...

Ông và ông Cung nói chung làm những nghề nó nhạy cảm đối với dân Taberd ở VN, muốn gặp ông Cung thì chỉ có lết đến chết thôi, vì cái chữ Ung Bướu nó rùng rợn và ám ảnh quá, anh em gặp nhau bên ngoài cái bệnh viện ấy là tốt nhất. Còn ông Bác Sĩ hoa súng thì có chuyện mà đi kiếm ông thì tàn ngay cái đời trai, có một cây súng mẹ cho mà không sử dụng hoàn hảo thì chết đi cho rồi.

Nhưng dù sao có những cái chuyện không nói ra thì không ai biết, mà nói ra thì nó mắc cở quá, mà nếu không nói thì ông đâu biết đường nào mà mò, để giúp anh em qua cơn bỉ cực, nên gặp ông Chúc thì nó đỡ hơn ông Cung. Phải chi hai ông ở khoa Nội, Ngoại thì đỡ cho anh em quá, không hồi hộp hay ngại ngùng khi đến với hai ông. Và còn một cái điều an ủi là tuy anh em ngại phải gặp hai ông nơi công sở, nhưng hai ông vẫn nhớ đến các bạn cũ, đã từng chung lớp hay chung trường với hai ông. Vui lắm thay.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 7 năm 2010)
top Mục lục

Sơn Mập, Ông Bác Sĩ kiêm Hiệp Sĩ Đa Tình

Ở cái xứ Huê Kỳ này làm cái nghề bác sĩ, không lè phè phong trần như kiểu mấy ông Bác Sĩ nội được, nước Mỹ mà. Nhìn mấy ông Bác Sĩ bệ vệ đi tới đi lui, nhiều khi còn sai vặt mấy cô y tá Mỹ nữa, mà không chừng cả mấy ông Bác Sĩ mới ra trường nữa, đáng nể quá.

Thế mà cái ông Bác Sĩ tài hoa Sơn Mập bạn tôi nữa, ông tuy xếp sòng cái bệnh Viện Hoag Hospital, nó nằm ngay Trung Tâm khu Orange County và hách xì xằng nhất nhì nước Mỹ, mà ngày xưa nghe nói chỉ có ông là bác sĩ người Việt duy nhất lọt vô đây, ghê chưa ?

Nhìn ông thì thấy ông cũng chăm chút và điệu đàng lắm, đầu tóc lúc nào cũng được chăm sóc kỹ, nhìn cái đầu ông là nhớ tới những kiểu tóc thời thập niên 50, 60 liền, khuôn mặt ông thì trông lém lắm, lúc nào cũng như thấy ông hớn hở một điều gì, đại khái giống như cậu bé khát sữa tìm được cái ti vậy, có lần ông cũng bộc bạch tâm sự :

- Coi vậy chứ tao cũng hay. . . . hình sự lắm.

Nhưng chắc có lẽ ngày xưa ông bị cái lũ bạn quỹ quái nhào vô bóp vú ông lia lịa, nên ông cũng sống khiêm nhường lắm, tuy bận rộn trăm công ngàn việc, nhưng nghe nói ông còn chịu khó đi hát ca đoàn ở nhà thờ nữa, mà lúc còn cái thời gõ chữ không có dấu, anh em cứ đọc và còn có thằng nghĩ bậy ra "ca đoan nha tho" nữa, việc đời việc đạo ông chu toàn lắm, có khi nổi hứng ông còn sáng tác nhạc đạo nữa mới ghê chứ, ông nhiều nghề quá, tay dao tay kéo kèm theo cái ống nghe, lúc nào cũng lủng lẳng đong đưa trước ngực, nay ông còn thêm cái tay cầm bút nữa.

Mà ông hát hay lắm thì phải, tôi cũng chưa lần nào nghe ông ca, nhưng nghe cái giọng ông êm ru và thánh thót stereo thì cũng đủ hiểu, tôi cũng lấy làm lạ ông là dân Taberd kỳ cựu, sống giữa đám bạn toàn giọng Nam, nhưng giọng ông vẫn giữ nguyên được cái chất Bắc Kỳ cục, cho nên ông đi đến đâu là cũng có bóng hồng chân dài thấp thoáng bên cạnh, nghe nói ông galant lắm nên các em khoái đu ông là phải. Nhưng cuộc đời đôi khi cũng cần những cái bóng hồng, để tô điểm thêm cuộc sống đã quá bận rộn và tẻ nhạt này, giống như uống ly cà phê thêm một cái sandwich lót dạ vậy.

Ông chuyên trị các đồ phụ tùng bên trong cơ thể mà, như lời ông tự bạch "Những Bước Chân Âm Thầm", "Màu Mắt Nhung", Trái Tim Không Ngủ Yên", "Trái Tim Mùa Đông" hay Khỉ Khô gì đấy. . , nên có lẽ vì vậy ông nhìn thấy hết tâm can của mấy em chăng, đại khái khi em nào đến gần ông thì tim em nó đập loạn xạ, khỏi cần lấy tay rờ rẫm ông cũng biết, có khi gặp người đẹp tim ông và em cùng nhảy theo điệu Cha Cha Cha không chừng, hay phổi em nó thở hổn hển khi ông áp sát tai vào ngực em để nghe, tay chân em cứng đờ ra thấy thương ghê, nên ông phân biệt đồ nào ăn được, đồ nào cúng không nên ăn, một cách rành mạch không hề lẫn lộn một chút nào.

Ông này đúng ra phải cho ông đi đóng phim Hiệp Sĩ và Giai Nhân mới đúng, hay là phim Ali Sơn Mập và 40 giai nhân, bảo đảm ông sẽ khoái. Được một cái ông luôn là người hào hiệp đối với bạn bè, và những người đẹp chân dài luôn bên cạnh ông, đến nỗi bạn bè ông vì lo cho ông ngây thơ cụ, sợ ông khôn liền ba năm nhưng dại có một giờ, dễ bị dụ khị nên cứ chen ngang chuyện đời tư của ông, làm ông đôi khi cũng tự ái nổi đầy mình, có khi cáu lên ông gọi cái đám bạn là nhiều chuyện chuyên gia đoán mò, rồi thôi lại cười hì hì vì ông chả biết giận ai cả. Tội nghiệp cho ông, ngày xưa lúc đi học cũng đã bị tụi nó xúm vô dày vò cái thân phì lũ rồi, bây giờ đến cái chuyện tình cảm riêng tư, mà tụi nó cũng không tha cho ông Hãy đợi đấy.

Mà ông cũng khôn lắm, ông suốt ngày cứ ca lên ư ử cái bài "Bachelor Boy", nhất là khi có mấy em ở bên cạnh: "Này con yêu hởi, hãy sống độc thân vui tính cho khỏe khoắn, đừng có ham vợ con nhé, hãy sống độc thân cho tới hơi thở cuối, nhé con ham vợ chi vậy . . . " nghe vậy nên mấy em thấy nản, đành buông ông ra thôi.

Nhưng dù gì đi nữa thì ông rất nhiệt tình đối với các bạn ông, không giận ai cả và ông cứ ca bài: "Gió mặc gió, mưa mặc mưa, đoàn lạc đà vẫn cứ đi". Đó, tính tình ông dễ thương và phóng khoáng, y như cái thân biểu tượng cho sự phì nhiêu của ông.

Không hiểu sao ông rất ít về căn phòng nhỏ ấm cúng của ông, mà ông cứ quanh quẩn "Trong Nhà Người Thương" của ông, ông hay gọi như thế. Cũng có khi ông tâm sự, ông thấy thương và thích thú khi khám cho bệnh nhân, ông gọi đó là cái đam mê nghề nghiệp của ông, nhưng tôi lại cứ thắc mắc không hiểu ông nói về bệnh nhân nam hay nữ nữa, đúng là cái thằng tôi nhiều chuyện.

Thỉnh thoảng mọi người lại nghe ông ca: "Hãy cứ vui chơi cuộc đời", làm như ông coi cái cuộc đời này nhẹ như cái lông hồng. Mà cũng phải cho ông như cánh bướm rong chơi chứ, cho ông hát cái bài:

"Một con bướm vàng, nhởn nhơ bay khắp vườn
Nhẹ nhàng tung đôi cánh, bướm ta rong chơi. . "

Rồi ông bay chập chờn trong vườn hoa đầy mầu sắc, đôi khi bướm sơn Mập cũng khoái đậu trên trái Mù U nữa, cuộc đời ông đôi khi thật nhàn hạ, đôi khi cũng thật tất bật.

Phải chi ông ở gần anh em Taberd Việt Nam thì đỡ biết mấy, có nhiều chuyện nhờ ông khám lắm, tiếc rằng ông ở xa quá, nên có nhờ ông chẩn đoán, khám bệnh từ xa nhiều khi không chính xác, vui thì ông đoán đúng ngay chóc vì ông thuộc loại giỏi mà, buồn thì ông phán một câu không ăn nhậu gì đến bệnh tật: "Mày yêu nhiều quá nên mới đau tim, tu bớt đi cu".

Ở cái khu Orange County này, ông không cần phô trương hay bình bầu quái gì cả, đối với anh em Taberd nơi đây, hay các anh em từ nơi xa đến ông luôn trân trọng cái tình bạn, không kể bên Anh Văn hay Pháp Văn gì cả, ông sống theo phương châm tinh thần Taberd, luôn dành cái tình cảm thắm thiết với anh em. Do đó ông giống như một cái đầu tàu đối với anh em khu OC này, điều đó không cần phải bình luận thêm gì nữa.

Các ông Bác Sĩ bạn tôi ơi, các ông thật gần gũi với bạn bè, các ông hành nghề vì tấm lòng và chính đáng, không màng danh lợi, tôi rất khâm phục các ông bạn Taberd của tôi, tôi xin cám ơn các bạn.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (1 tháng 8 năm 2010)
top Mục lục

Mr trưởng lớp

Từ khi tôi rời ghế nhà trường và sau đó rời xa quê hương. Bạn bè học cùng trường thì tôi có rất nhiều, nhưng chỉ có lẽ có một người bạn có cái tên thật để đời mà tôi không quên được. Mr trưởng lớp Nguyễn Văn Em.

Sau khi xa quê hương, thời gian đi qua theo năm tháng, tôi vẫn còn nhớ tới vài tên tuổi của những thằng bạn cùng trường, nhưng có thể nói người mà tôi nghĩ về nhiều nhất trong lúc xa tất cả bạn bè mà tôi đã tưởng là không bao giờ mình có thể gặp lại, đó là ông trưởng lớp Nguyễn Văn Em.

Lúc còn học ở bậc trung học đệ nhất cấp, chúng tôi, những lũ trẻ con với giọng nói vẫn còn trong trẻo trong khi ấy, ông trưởng lớp của chúng tôi đã bị bể tiếng rồi! Mặt mày chúng tôi thì còn non choẹt, còn ông ấy thì râu cũng đã bắt đầu mọc ra trên cái miệng hơi chu chu của ông !

Còn nói về học thức, thì ông ấy lượm gần hết bảng danh dự mặc cho tụi con nít tụi tôi cứ la làng, tôi cứ nghĩ tại sao ông ấy và tôi cùng mang cùng một họ Nguyễn, mà tại sao ông ấy là học sinh xuất sắc còn tôi lại là một học sinh rất tầm thường! (sau này biết được sự thật qua bài Học sinh xuất sắc của chính tác giả, nên tôi cũng đỡ đau lòng!).

Nhưng những gì định mạng đã an bài rồi cũng sẽ đến, một ngày kia tôi tìm lại được ông cựu trưởng lớp của tôi qua một trang Internet của cái site có cái tên là Taberd.org, tôi đã lấy hết can đảm để viết gởi cho ông ấy một email để hỏi thăm sức khỏe của Mr trưởng lớp, được biết ông ấy hiện giờ sống ở tại một cái xứ Canada với một chứng bịnh đã làm cho cơ thể của ông ấy bị thay đổi đi.

Rồi từ đó chúng tôi liên lạc lẫn nhau với thêm vài người bạn khác như Vũ Văn Chính, Dương Quang Khải vân vân và vân vân.

Một hôm tới, tôi quyết định sẽ đi thăm lại ông ấy mặc dù là xa xôi. Khi tới Canada, khi tôi nhìn thấy ông ấy, tôi đã khựng lại trong vòng một khoảng khắc, ồ kia rồi ! Mr trưởng lớp Nguyễn Văn Em của ngày nào, nay khuôn mặt của ông ấy cũng không mấy gì thay đổi, chỉ có hình dáng thì chỉ có một chút gì đổi thay. Trưởng lớp nay đã thành trưởng phòng, sao mà ông ấy cứ thành trưởng ở mọi điều vậy ? Từ trưởng lớp đến trưởng phòng kiêm luôn trưởng gia đình nữa ! Nhưng mà thôi, ông ấy muốn được làm trưởng gì đi nữa cũng được miễn làm sao từ nay tôi không phải nghĩ nhiều về ông ấy nữa, vì tôi đã thấy và được nói chuyện mỗi tuần với ông ấy là tôi vui rồi !

Viết tặng cho trưởng lớp Nguyễn Văn Em, một thằng bạn từ thời xa xưa.

Nguyễn Ngô Hùng - France (tháng 7 năm 2008)
top Mục lục

Lý Văn Quới: Bác Sĩ Thú Y nho nhã

Trong cái bối cảnh của những năm đầu sau 30-4, việc thi đậu vào các trường đại học đã khó, mà nhất là cái ngành Y càng lại khó hơn, nên tôi rất nể cái tài học siêu đẳng của mấy ông nội: Hoàng Vĩnh Chúc, Phan Triệu Cung, ... Và cũng không quên đến ông bạn tôi, ông Lý Văn Quới, ông cũng là Bác Sĩ nhưng lại là Bác Sĩ Thú Y, nhưng đã có sao đâu, tôi cũng nể cái tài học của ông rồi.

Ngày ấy ông đậu Bác Sĩ Thú Y trong cái bối cảnh xã hội còn khó khăn, dân tình còn chạy gạo từng bữa, chứ đâu có cái cảnh nuôi chó cưng chó kiểng như bây giờ, nhưng đành phải chịu vì cái chỗ tốt, chỗ ưng ý và đắc địa chỉ dành cho con ông cháu cha mà thôi, ông vào cái nghành này kể cũng là may mắn lắm rồi, cũng là đáng nể rồi.

Nhớ ngày xưa đi học tôi còn nhớ, ông nhỏ nhắn và hiền lành ghê lắm, không tin thì cứ giở kỉ yếu ra là thấy liền, bây giờ gặp lại ông với cái đầu bạc trắng, ông không thèm nhuộm chi cho mệt, mà nó cũng khác với anh em, nó bạc gần hết vùng lãnh thổ luôn, thậm chí bộ râu ông nó cũng y chang cái đầu ông, ông chê nhuộm tóc đen mượt chắc? hay có em nào khen ông để tóc bạc nom đẹp trai và oai phong chăng ? ông cho đó chỉ là giả tạo tạm thời thôi, đối với ông thì tự nhiên nó mới là đẹp, rồi ông để luôn cái hàm râu trắng như cái đầu của ông, cho nó thêm nho nhã giống như mấy ông cụ già xưa, duy chỉ có cặp mắt linh lợi của ông, và cái giọng ngọt như mía lùi là còn trẻ ... cụ một chút.

Những khi ngồi bù khú nhậu với anh em, mà ông nhậu và hút thuốc cũng chiến đấu lắm, nhất là ông uống rượu. Mỗi lần họp bạn mà kéo lại nhà ông Hoàng Dũng, nhìn cái tủ trưng bày đủ loại rượu, có những chai to đùng ông nhìn ông phát thèm, ông đi tới đi lui nhìn cái tủ rượu, sau khi lấy tay chỉ cái chai nào, rồi ông quay qua Hoàng Dũng nói: "OK", và Hoàng Dũng gật đầu là ông bốc ra khui liền. Đôi khi ông còn nói đùa:

- Mày uống làm sao hết, để anh em uống dùm cho.

hoặc:

- Tới đây là uống rượu chỉ tay, hễ chỉ chai nào là chai ấy lên đường.

Vậy đấy, cứ mỗi lần tụ họp tại nhà là cái tủ rượu nhà Hoàng Dũng vơi đi một chút.

Ông hay ôn lại cái chuyện ngày xưa, hồi ông còn đi thực tập làm cho Heo, Bò sướng lên để lấy tinh, ông kể rằng cứ mỗi lần thực tập lấy tinh, thì chỉ khổ cho các cô sinh viên, mặt các cô cứ đỏ lên và đôi tay thì lóng ngóng gì đâu, ông làm riết nên tay ông rất dẻo và nhuần nhuyễn, không hiểu lúc ấy ông có ca cái bài: "Bàn tay anh đưa em ra khỏi cuộc đời này ..." hay không, nhất là khi vào quán nhậu hay gì gì đó, karaoke chẳng hạn, cũng có đôi khi có thể ông bị méo mó nghề nghiệp hay sao ấy, nên ông cũng hay xài những câu từ như:

"Tất cả các anh em tập trung vào chuyên môn, anh em đi sâu đi sát cái quần ... chúng, nhấn mạnh hai điểm trên đồng thời thọc sâu điểm dưới."

Hay:

"Cái mông, mông ... mênh tình buồn."

Mỗi lần nghe ông nói cái câu này, mắt ông nheo nheo, bộ râu bạc giựt giựt thấy ghét ghê. Đúng là nhìn hình ông hồi xưa, rồi nhìn ông bây giờ nhận không ra luôn, khác một trời một vực.

Nghe nói ông cũng thích một thú vui nho nhã, là khoái đi đá cá. Ông cũng có cái máu văn nghệ y như các anh Taberd khác, nghe bạn bè kể lại cái bài ông thuộc nhất, hát đầu tiên và hát to nhất mỗi lần họp mặt là bài ... Lasan Hành khúc. Còn cái bài tủ mà ông hay ôm đàn nghêu ngao hát, mỗi khi thấy lâng lâng là bài "Khi Người Yêu Tôi Bệnh" của Nguyễn Đức Quang.

Rồi có một ngày cuộc đời ông được sang trang, không còn phải vắt tinh hay chơi với bọn Thú Y nữa. Ông được mời cộng tác cho cái Hãng Virbac của Tây, chuyên buôn bán và nhập các thuốc Thú Y, ông kể rằng lúc mới liên doanh, sau khi bao nhiêu thằng được giới thiệu với tụi Tây, nhưng vì tụi nó không học ở Taberd như ông, và cậy thế con ông cháu cha để nhào vô, nên đến phần nói tiếng Pháp thì tụi nó thua ông là phải, có thằng thậm chí nói bậy bạ tiếng LaTinh nên rớt đài là phải, mà tụi Tây thì đâu có mướn những thằng không chịu học tiếng Tây, thậm chí còn không biết tiếng Tây là tiếng nước nào, và chỉ có ông, một dân Taberd kỳ cựu là hiên ngang đi lên bục danh vọng, mà sau này ông đã leo lên cái chức Phó Tổng Giám Đốc.

Nhưng đối với anh em thì ông vẫn mộc mạc như dân Miền Tây thuở nào, vẫn tình cảm với anh em luôn tràn đầy, ngồi nhậu với ông vẫn thấy ông bình dân, vẫn la to: "Dzô 100%" như thường lệ, chả có cái tướng Phó tổng gì cả, nên tôi thấy thích ông ở cái điểm này, và có thể nói ông cũng là một trong những đầu tàu, của anh em Taberd ở Việt Nam trong những lần họp mặt, ông cũng ít ló mặt sinh hoạt vui chơi với anh em trong sân trường, mặc dù ông cũng không thích gọi về ông như vậy. Đó là ông nội Lý Văn Quới bạn tôi, hay có thể gọi Quới Đầu Bạc cũng được, cho nó giống truyện trinh thám.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 8 năm 2010)
top Mục lục

Nghiêm Quốc Việt, Nha Sĩ Hồi Giáo

Nói đến mấy ông Bác sĩ nhà mình mà không nói đến ông Nha sĩ thì đó là một điều thiếu sót. Vì ông cũng từ ngành Y đi ra, và có lẽ ngày xưa ông có hoa tay vẽ vời, nên ông chọn cái nghề bẻ răng thiên hạ này, có lần ông tâm sự với tôi, thật ra ông khoái bay nhảy trên trời hơn, tức là phi Công lái máy bay, mà phải là máy bay chiến đấu mới là dữ dội, nhưng giấc mộng không thành nên ông mới phải làm cái nghề bẻ răng này.

Thôi thì số trời đã định rồi, tính ông nóng nảy mà cho ông làm phi công, mà phi công lái máy bay chiến đấu nữa thì có khi là một thảm họa, máy bay ném bom thì đỡ, chứ gặp ông lái chiếc B.52 mà ghét ai ông cứ bay thẳng lại nhà nó. và trút nguyên con thì cái gì mà sống sót nổi, tính nóng như dân hồi giáo mà hì hì.

Nghề của ông là chuyện trị những cái răng cứng đầu và xấu xí, những cái răng xấu xí mà qua cái bàn tay tài hoa của ông, nó cũng trở nên rực rỡ hẳn, y như đi thẩm mỹ viện vậy, còn thằng nào không thể làm đẹp được nữa, thì ông mạnh tay nhổ phức nó đi cho khỏe. Nghe nói tay nghề của ông cũng vào bậc thượng thừa, ông còn đi dạy lại đám học trò trong trường nữa, có lần ông tâm sự với tôi:

- Vì ông thẳng tính nên ông chỉ đủ ăn, nhiều khi còn thua cả mấy đứa học trò do ông dạy, tụi nó còn giàu hơn ông.

Ngày xưa đi học tôi ngồi cạnh ông, nên tụi tôi cũng hiểu tính nết nhau, hai thằng lại cùng tuổi cùng một sở thích mê máy bay và tàu chiến, tôi thì tính tình nhẹ nhàng, còn tính ông thì thẳng như cái ruột ngựa Hiệu Phi Mã, cái gì không thích là ông nói liền, ông không chịu để bụng, gặp chuyện bất bình là ông cho nổ toang trái bom tấn CBU, khiến nhiều khi bạn bè chung quanh ông mặt mày xanh lè, hay úa như tầu lá vì sợ đại chiến Thế Giới lần thứ 3 nổ ra.

Ông có cô con gái út giống tính ông y chang, đã vậy ông còn cho cô bé đi học võ nữa, nên cái chuyện cô bé uỵch nhau với bạn thì đâu có gì lạ, hổ phụ sinh hổ tử mà.

Mà ngay cả bây giờ, ông Bác Sĩ Sơn Mập nhiều khi cũng phải uống thuốc nhức đầu, và thường xuyên mất ngủ vì hay bị ông tung lựu đạn vào đời trai của ông, ông có vẻ rất quan tâm và đưa ông Sơn Mập vào diện chăm sóc đặc biệt, hễ Sơn Mập đi quá trớn là a lê về lại chỗ cũ nghe em, không thì ông chửi cho mà nghe, khổ cho ông Mập nhà ta. Nhiều lúc ông mập điên tiết lên chửi thề um sùm, nhưng mấy ông vẫn thương nhau như anh em ... khác cha khác mẹ mới là hay chứ. Huynh Đệ Chi Binh mà.

Nói theo ông Nguyên thì ông có hai loại bạn: một để chửi và một để thương, còn theo tôi thì ông còn là Nha sĩ Hồi Giáo Cực .. Thân, nhưng tôi không dám nói sợ ông đẩy tôi từ cái chỗ đang thương, sang cái chỗ để chửi thì bỏ mẹ, còn như ông Long Hải nhận xét thì ông này cần có vệ sĩ riêng khi ra đường, vì ông có nhiều kẻ thù rình rập chung quanh. Tôi lại thấy có khi vệ sĩ chưa kịp rút súng, thì ông đã nổ súng và quăng lựu đạn rồi, có can thiệp vô cũng không kịp. Có đi với ông thì nên mặc áo giáp và đội nón sắt cho chắc ăn.

Ông thẳng tính nhưng ông rất tốt, ông không để bụng mặc dù ông nhớ rất dai, nhất là những gì mà ông ghét. Anh em vùng Orange County kháo nhau, nếu ông thương thì hãy đến cho ông chữa răng, tay nghề ông giỏi thuộc loại thượng thừa, nên ông vặn răng rất nhẹ nhàng và khẽ khàng, đôi khi còn được ưu ái khuyến mãi làm bóng răng, giúp các bạn cười tự tin dưới ánh nắng mặt trời. Có khi vui trong lòng khi nhớ về chuyện gì, ta có thể nghe ông cất tiếng hát nỉ non:

"Cười lên đi cho răng dzàng sáng chói
Hát lên đi để cho đời tươi rói. . . "

Còn để ông ghét rồi mà vô nhổ hay trám răng là điêu tàn với ông, ông chỉ cần chích thuốc tê cho cứng hàm lại, là tha hồ ông bẻ, ông vặn, hay ông ngọ nguậy mạnh tay thì phải biết, răng đau ông làm lơ không nhổ mà chơi cái thằng không đau bên cạnh mới chết chứ, khiếu nại ông hay lớn tiếng la lối là không xong với ông, ông sẽ oai nghi chỉ tấm bảng ông treo trước cửa tiệm: "Nơi đây nhổ răng không đau" hoặc "Chỉ đâu nhổ đó", thế là huề tiền cả làng. Y như cái ông hung thần nhổ răng năm xưa, mà lúc nhỏ khi đến nhổ răng là tôi la khóc om sòm.

Tôi cũng đang hồi hộp khi nói về cái tiệm và ông Nha sĩ bạn tôi, lỡ ai có đọc mà cái tiệm ông tự nhiên vắng vẻ thì tôi chết liền, ông sẽ đưa tôi vào diện ghét và thường xuyên đặt bom liều chết cho coi, ông hồi giáo mà. Nói vậy thôi, 35 năm rồi ông đâu có quên cái thằng ngồi cạnh ông năm xưa đâu nào, nỡ nào ông xuống tay lạnh lùng với tôi.

Viết về các ông với lòng khâm phục của tôi dành cho các ông, các ông Nội lẫn Ông Ngoại, các ông siêu thật đâu phải ai cũng đạt được sự nghiệp như các ông, các ông không những là những người xuất sắc nhất của chúng tôi, các ông cũng sống khiêm nhường và nhất là các ông vẫn nhớ đến bạn bè cũ, với những tình cảm thân ái, cho dù cuộc sống của các ông cũng chưa thật trọn vẹn, nhưng tôi cũng lấy làm tự hào và thân thương những người bạn của tôi.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 8 năm 2010)
top Mục lục

Bác Sĩ Lê Xuân Việt, chuyên gia về bệnh cõi trên

Tôi mê giọng ca của Bác Thái Thanh từ lúc tôi mới lớn, cái tuổi mới trổ mã và hay hát nghêu ngao: "Em tan trường về, trường tan em không về. Em không về nhà, mà trường tan em cũng không về ... ", hoặc hát vu vơ như "Nghìn trùng xa cách, quần đứt dây rồi", dĩ nhiên Bác Thái Thanh đâu có hát như vậy. Mãi cho đến thập niên 90, tôi lại được nghe cái giọng mượt mà của chị hai Ý Lan qua cái bài "Mưa Ngâu", hay cái bài "Ta mang cho em một đóa Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm".

Giọng chị hay không kém mẹ của chị, và đến bây giờ tôi lại được bạn bè cho biết, có thêm cô tư là ca sỹ Quỳnh Hương nữa, cả nhà là những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không hiểu sao, Cậu Ba Lê Xuân Việt lại không trở thành nam ca sĩ như Mẹ, Chị và Em, cái này chỉ có trời mới biết.

Tôi thì học chung với ông một lớp 8-3, nhưng ngày ấy trong lớp vì mải theo băng Tứ Quái Dalton, nên tôi không biết gì về ông nhiều đến nỗi học chung lớp mà còn không hay, thấy tên Lê Xuân Việt mà không nghĩ là ông sợ còn thằng Xuân Việt nào khác chăng? tìm tới tìm lui cả cái cấp lớp 8 thì đúng là chỉ có một Xuân Việt duy nhất, và mãi đến tận bây giờ mới biết về ông là con của Bác Thái Thanh nổi tiếng ngày nào, tôi và ông cũng có cái điểm giống nhau, ở cái ngày đầu tiên đi học như lời ông kể:

- Tôi cho mình là một trong những kẻ có số may mắn trên con đường học vấn, khởi sự từ ngày đầu tiên tôi cắp sách đến trường. Tôi còn nhớ hôm đó Mẹ tôi dẫn tôi đến trường Taberd, và tôi đã khóc bù lu bù loa, ghì chặt lấy bà không chịu vào lớp. Sau đó khi quen dần với trường với bạn, thì tôi lại không bằng lòng để mẹ tôi đưa đón nữa, vì bị lũ bạn chọc ghẹo và tôi thì xấu hổ, kể từ đó cho đến ngày 30-4-75 tôi rời đất nước, trường Taberd đã trở thành kho tàng quê hương Việt Nam trong trái tim tôi.

Trong suốt 11 năm ngồi mài đũng quần ở Taberd, thời gian tôi chăm chỉ học rất ít, mà tháng ngày rong chơi la cà với bạn bè thì nhiều, (mà hầu như lúc nào tôi cũng thấy thiếu, chưa đủ đã) không biết bao nhiêu lần tôi mang cái Bulletin về nhà, điểm hàng tháng thì bết bát, đến nỗi mẹ tôi phải dọa:

- Mày cứ ham chơi với mấy thằng Taberd đi, mai mốt rớt Tú Tài đi lính mãn đời nghe con.

Tôi rời Sài Gòn năm 75 mà mãi đến năm 85, tôi mới được đoàn tụ với mẹ với gia đình khi bà sang Mỹ, mẹ tôi thường kể rằng mỗi lần đi ngang Taberd là bà lại nhớ con, nhớ cái thằng con trai bé bỏng ngày nào, nó ham chơi hơn là ham học, nhớ cả những lần nó sinh hoạt và tụ tập với lũ bạn của nó, nước mắt bà lại tuôn ra thành dòng ... "

Và tôi cũng được nghe bạn bè của tôi nói về ông như sau:

- Ngày xưa ông hay mặc cái áo bó chẽn, quần xì-gà Pát (model thời bấy giờ, hai tay đút vào túi quần, mở miệng ra là ông hay nói đến Bal hay Boum Famille, mà ngày ấy hay được các cậu trẻ tổ chức tại nhà, nó cũng là phong trào thịnh hành thời bấy giờ.

- Nhưng cũng có lúc ông bê bối, có lần ông mặc cái quần "sịp" lủng lỗ chỗ và rách teng beng, mà phần trên chỉ còn lại cái cọng thun quần là đáng giá, ông để cho tụi bạn nó phát hiện lúc ông thay quần áo trong giờ Thể dục, may là không có mấy em gái đi bán báo của mấy trường đi ngang, không thì ... Gớm! dân Taberd mà như rứa à.

- Ông là thằng thông minh nhất nam tử, ăn mặc thì sành điệu và ăn chơi thì khỏi chê, nhưng ông học cũng giỏi cũng siêu lắm, nhìn ông chơi và ông học sao thấy nó nhàn nhã thế, kể cả lúc ông sang Mỹ, ông học tại Cal State North Ridge, ra trường ông là kỹ sư về Computer, có PhD rất nhanh, rồi ông đi làm với một cái chức vụ khá cao ở Hughes Aircraft, không hiểu sao ông chán gì mà ông bỏ công việc này và đi học nghề Bác Sĩ, và bây giờ ông là bác sỹ khoa Tâm Thần mới hay chứ.

Nghề của ông là chuyên trị những cái đầu không ổn định, những cái ý nghĩ của những cái đầu nóng, nó chạy lung tung cả lên và luôn chạm mạch, rồi có những ông tưng tửng đứng ở dưới đất, mà hồn thì cứ bay lơ lửng lên trời có khi không chịu xuống, có những ông tưởng mình là con Ngọc Hoàng, lúc nào cũng vỗ ngực xưng tên, hay sợ mấy thằng chung quanh chúng nó bu vào ám sát. Chắc hẳn cũng có khi ông khám bệnh, ông cũng hay hù dọa bệnh nhân như khi xưa Mẹ ông hay dọa ông:

- Mày mà không chịu chữa bệnh là Mal mãn đời nghe em.

Mà những con bệnh này thì đầy rẫy ở cái xứ sở thần tiên này. Cái nghề nghiệp của ông nó cũng khô khan như cái văn chương của ông, mỗi lần đọc phải uống nước trà vô thì mới hiểu được, cũng đôi khi ông kể chuyện tiếu lâm nghe cũng hay hay, ông lo chữa bệnh cho thiên hạ nhưng cái bệnh té giếng lần 1 của ông và Sơn Mập, thì cả hai ông đều bó tay không chữa được, biết làm sao được vì mỗi người có cuộc sống riêng tư, nhìn tướng ông tôi lại hay nghĩ chắc cha Bác sĩ này hay bay nhảy lắm đây, giống như ông hay nói những người đi qua đời tôi.

Thế mà ông cũng giống như Sơn Mập, suốt ngày cứ ca lên: "... Để đời luôn vui sướng chớ có lấy vợ, coi tôi đó trai độc thân, vui sướng không sầu lo nghĩ... Mãi sống thế này ôi đâu chút chi phiền toái, sung sướng thấy đời ôi đơn chiếc...", một ông gà trống nuôi 4 đứa con. Sao mà hai ông Laurent & Hardy ngày xưa giống nhau thế.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 9 năm 2010)
top Mục lục

Xã Trưởng Nguyễn Văn Em và cái QTT

Ngày xưa đi học ông đã luôn được giao cái chức vụ Xã Trưởng trong lớp rồi, nên nói chung ông đã có rất nhiều kinh nghiệm bầy đàn. Hồi xa xưa khi làm bài luận văn tốt nghiệp tôi còn dám so sánh với ông chứ bây giờ làm sao đo với ông được, nghe nói hiện giờ bên cái xứ CÀ-NA-DA, ông cũng làm cái chức gì bự lắm trong cái Sở Giao Thông Công Chánh, không biết bên ấy ra sao chứ bên xứ Việt này, cái sở GTCC là cái sở chuyên đi phá đường, đào cống rồi sửa chữa liên tục, bởi vậy lúc nào cũng tất bật công việc, không lo bị ế.

Cứ lâu lâu thấy hết chuyện làm lại tìm cách phá tung lên rồi lại sửa, cứ thế cho hết năm luôn, chứ không như xứ Cà của ông, một năm chỉ làm tất bật có mùa hè, mùa thu thôi, còn mấy mùa khác thì chỉ lo lên chương trình và thiết kế công trình. Không biết có chương trình nào phá cho hư rồi co giò lên chạy để sữa như mấy ông nội ở Việt Nam không?

Số ông có số bọc điều nên ông có bà vợ biết nấu đủ thứ các món ăn Việt, từ Bún bò Huế, Bún Thang, Bún riêu, Bún chả giò, Hủ tíu Mì, Hủ tíu Nam Vang ... làm như cái gì bà cũng biết nấu, rồi chè cháo là cái chuyện nhỏ, làm cho cái thằng Tây Ngô Hùng thèm nhỏ rãi, vì nó lỡ lấy vợ tây nên ăn đồ Tây chứ vợ nó có biết nấu đồ ăn Ta đâu, có lần nó còn tâm sự với tôi, cụ M phước 78 đời mới gặp bà Dung, sướng nha.

Vì ngày xưa ông có kinh nghiệm trong cái chức Xã Trưởng, nên bây giờ tinh thần đồng đội trong ông nó vụt lên cao lắm, ông cũng luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu anh em đồng đội, mà anh em cũng luôn nhớ đến ông, và nhắc đến ông trên cái sân trường ồn ào kia, nhắc ông mọi lúc mọi nơi chỉ trừ khi đi ngủ vì sợ vợ hiểu lầm thì khổ.

Nhiều khi ông cũng phải lên tiếng ranh đe cái đám quậy xám hồn cô Lựu kia, cũng có lúc vì quá hăng say nên ông cũng bị nhiễm thói xấu, và thỉnh thoảng ông cũng quậy nhè nhẹ trong sân, và quậy tưng lên ở ngoài sân, có lúc ông lại chọt cho chúng chửi rồi ông chạy mất tiêu, như cái thằng Hải Dớ nó từng khùng lên vì bị cầm chân ở Mẽo, đã vậy còn bị ông chọt cho một cái, làm nó chửi um lên.

Nhưng khi nghe ông Chủ Xị Quang gợi lên cái ý tưởng lập cái Quỹ Tương Trợ, (mà vì viết tắt nên Sơn Mập nó đánh vần ra là cái Cu Tê Tê mới chết cha chứ) là ông hăng hái góp ý và hưởng ứng liền, dĩ nhiên ông là Tư Lệnh vùng Cà rồi còn ai vào đây nữa, kể ra thì ông cũng có lòng nhớ đến anh em cơ nhỡ. Ông cũng có góp ý rủ tôi tham gia ở vùng Sài Gòn, với cái chức Thư Ký Chân Dài rất hợp với tôi, nhưng khi tôi đi thăm ông Bửu về rồi viết một bài phóng sinh sự, ông đọc rồi ông lắc đầu và phán:

- Ông viết kiểu này, anh em tưởng là đọc tiểu thuyết rồi lại ngồi chờ đọc cuốn tiểu thuyết khác.

Tôi thì nghĩ đi thăm người bệnh thì phải vui lên, chứ mặt mày ủ rũ buồn bã rồi về viết bài đọc nghe thảm sầu, lỡ thằng Bửu nó đọc được nó lại hoang mang thì có phải tội cho nó không? không chừng nó lại lên máu thì nguy. Nên tôi tình nguyện xin rút lui khỏi cái chức Thư Kí Chân Dài mới có viết một lần.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 9 năm 2010)
top Mục lục

Trưởng Thôn Lê Việt Quang và cái tổ ấm Taberd.org

Cái thời đại máy vi tính ở Việt Nam mới xuất hiện vào năm 1994, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận và sắm cho mình một dàn máy đâu, mãi đến năm 2007 mỗi lần muốn lên mạng là phải ra những tiệm Internet, mà nhiều khi cũng bất tiện vì đa số là cái đám choai choai tụi nó lúc nào cũng ngồi đồng và ồn ào chít chát. Có lần tò mò tôi đánh thử chữ Taberd vào Google tìm kiếm thì thấy trang này hiện ra, thú thật từ sau 75 đến giờ tôi mới tận mắt nhìn thấy những tin tức, những hình ảnh hội ngộ của học sinh Taberd từ khắp nơi, nhưng nhìn lại thì cũng là các lớp đàn anh trên mình mà thôi, vẫn còn thấy thiếu một cái gì quen thuộc hơn nữa, như những cái tên cũa một thằng bạn cũ nào đó, niềm vui tuy có đến nhưng vẫn chưa trọn vẹn, dù sao tôi cũng thỉnh thoảng ghé vào xem tin tức cho đỡ buồn, lúc đó cũng chỉ có các trang Taberd, Taberd 74, ...

Năm 2008 thằng bạn nó cho tôi cái laptop cổ lổ xỉ, nhưng xài vẫn tốt có điều nó chạy chậm rì y như cái xe bò, lâu lâu lại trái gió trở trời không chịu chạy nữa, mà mỗi lần sửa lại rụng một món, dù gì thì vẫn tốt hơn là không có, tôi cài chương trình để xài wifi miễn phí, vì gần nhà có mấy quán cà phê bên trong có sóng wifi để khách có thể lên mạng, tôi mua một cái wifi rẻ rề, rồi mỗi lần muốn lên mạng thì gắn vào bên hông máy, xài rất hiệu quả và luôn luôn có sóng, tôi lên mạng thường xuyên tại nhà mà không tốn một đồng nào, nhưng đôi khi cũng bị khóa sóng cả tháng rồi mới có lại.

Cho đến một ngày vào tháng 11 năm 2009 tôi tình cờ vào trang Google, thì thấy có thêm một cái tên mới: "Taberd.org -Lasan Taberd - Nối lại tình bạn" là lạ, vào thử thì thấy có cái thư ngỏ mà người viết ký tên: Lý Siêu Phàm, cái tên nghe quen vô cùng linh tính như mách bảo tôi, thế hệ tụi tôi đã bắt đầu thức giấc, rồi tiếp theo mới được biết người sáng lập ra trang này là Lê Việt Quang, học chung với tôi lớp 9-6 ngày xưa, cùng với hai ông cộng sự là Tăng KiênDương Quang Khải, riêng Khải thì học chung lớp 8-3 với tôi. Còn nỗi vui mừng và hạnh phúc nào hơn khi tìm thấy những cái tên quen thuộc của những người bạn một thời năm xưa.

Thật ra trang Taberd.org đã có từ tháng 08-2009, tôi vào mục tin nhắn thì vào ngày 02-9 đã thấy cái tên Lê Như Quốc Khánh, ông này thì học chung lớp với tôi và Việt Quang lớp 9-6 niên khóa 72-73, rồi một cái tên quen thuộc mà ngày xưa học giỏi nhất trường, cũng là bạn học với tôi năm lớp 7-6 niên khóa 70-71, đó là ông Nguyễn Văn Em. Và cứ thế những người bạn học cùng lớp hay cùng cấp, cứ lần lượt xuất hiện để nhắn tin tìm bạn ngày càng nhiều, và cái danh sách anh em Taberd 76 cũng bắt đầu dài ra.

Buồn tôi lại vào trang Cảm Xúc xem các bài viết của anh em ra sao, thì bắt gặp cái tên Lê Hữu Mạnh bạn tôi, người đã học chung với tôi 3 năm liền, rồi thêm ông Nguyễn Ngô Hùng học với tôi và ông Nguyễn Văn Em năm lớp 7-6. Đọc bài viết của các ông tôi mới thấy có một cái hứng khởi trong tôi, tôi phải viết về Trường xưa bạn cũ năm nào, những gì mà tôi vẫn hằng nhớ và ấp ủ trong đầu qua bao năm tháng mà chưa có dịp viết.

Nói đến Taberd.org mà vui vui tôi hay gọi là Taberd chấm Ọt, hay Taberd Dọt cũng được, là phải nhớ đến Lê Việt Quang, mà anh em hay gọi là Chủ Xị, Đại Ca, Xã Trưởng, nay tôi thêm cho ông cái chức Trưởng Thôn Quang. Tôi còn nhớ ông Quang ngày xưa người to con và cao, với cặp mắt kiếng có cái gọng to và dầy thuộc loại model cổ điển, ngày xưa ông cũng đã thích gánh vác các trách nhiệm trong đoàn thể như Đoàn Hùng Tâm, hay ở trong lớp rồi, và bây giờ lại đến cái tổ ấm Taberd. Org cho anh em nữa, như có lần ông tâm sự với anh em ở Sài Gòn, vào ngày ông về Việt Nam và hội ngộ đầu tiên với anh em Taberd Sài gòn ngày 4-11-2009 rằng: Ông luôn ấp ủ một cái trang Web cho anh em Taberd 76 như những trang Taberd 74, hay Taberd 75 ... ông bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc, cùng với sự góp sức của hai ông Tăng kiên, Quang Khải cùng với sự đồng hành của chính gia đình ông.

Lê Như Quốc Khánh đã nói ông là người mở cánh cổng trường cho anh em, còn tôi thì gọi ông là người đi xây tổ ấm Taberd Ọt cho anh em, hay gọi là cái hội quán Taberd.Ọt bên đường cũng hay. Vì nơi đây anh em dù có ở chân trời góc bể đi nữa, miễn là còn cư ngụ trên cái trái đất nho nhỏ xinh xinh này, dù mọi lúc mọi nơi vẫn có thể ghé vào chọc ghẹo nhau ì xèo rồi đi tiếp, hoặc sung sướng khi vừa tìm lại được thằng bạn năm xưa.

Cái công lao và tâm huyết của ông thì anh em cũng biết cả rồi, không có gì phải bàn cãi nữa, nhưng tôi phục ông ở cái tính đa đoan trong công việc, dù cũng phải đi cày để kiếm sống như bao nhiêu người khác, thế mà ông cũng vẫn chăm chút cho dự án "Nhớ về Các Thầy Cô", cùng với cái ý tưởng lập ra cái Quỹ Tương Trợ, nhằm giúp đỡ cho anh em nào gặp khó khăn bệnh tật, tôi thật sự khâm phục cái nội lực thâm sâu của ông.

Tôi biết ông còn mang cái tâm trạng ưu tư như có lần ông tâm sự, không biết ông còn điều kiện và sức lực để điều hành cái trang Taberd. Org này lâu dài hay không? 5 hoặc 10 năm nữa ? Thôi thì cũng mong anh em góp công góp sức. làm đẹp cho trang Taberd chấm ọt của chúng mình ngày càng đông vui và hấp dẫn thêm, gọi là đền đáp cái công lao của ông Trưởng Thôn Lê Việt Quang. Tôi cũng xin cám ơn Tăng Kiên người bạn khiêm tốn ít nói và hiền hòa, cũng như cám ơn ông Khải Dê người chuyên chạy rông đi chọc ghẹo bạn bè nhưng rất tốt bụng.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 9 năm 2010)
top Mục lục

Ngày Tư lên xe bông, là Lan mừng muốn chết

Thế là sau những ngày tháng dài cẩn thận giữ gìn cái tiết hạnh gia phong, kể từ cái "phút đầu gặp Lan tinh tú quay cuồng" và biết "bao đêm suy tư âu lo miên man" bóp trán suy nghĩ, cuối cùng thì anh Tư Cần cũng ra quyết định cho cuộc đời đơn côi của mình, một cách sáng suốt và rất đúng lúc, đó là ngày 3-10-2010 anh bước lên xe bông để theo nàng Lan về dinh, một nàng Lan rất hiền và cho đến nay chưa một lần bước lên xe bông. Anh Tư tuy người miền Nam, kĩ lưỡng và sòng phẳng nên anh có phần khô khan, chứ không liến thoắng dẻo miệng như cái thằng Hải Dớ, đang bị nhốt chân trên đất Mỹ kia.

Anh còn tính sau khi thuyền tình đã cặp bến là anh Tư dự tính cắp sách đi học, không phải trường Taberd, mà học để hoàn tất cái bằng Master, ở trường Đại Học Fullerton gần chỗ cái tổ ấm của anh Tư. Vì anh phải lo cho cô con gái cưng học xong Đại Học, nên việc học của anh Tư có phần dang dở. Anh thương con gái cũng giống như mẹ anh, vì bà chỉ có anh là thằng con giai yêu dấu duy nhất của bà, mà ngày xưa bà rất cưng.

Nghe nói anh Tư nhà mình có số đào hoa lắm, cứ đào là có hoa, và lần đào mới đây nhất anh mới đào thấy cành Lan. Cũng vì cái chuyện Anh Tư Cần đào hoa mà Nghiêm Quốc Việt ấm ức nhớ về chuyện xưa:

"Ngày đó anh Cần rất được cô Bích Vân thương và cô hay xoa đầu khen anh ngoan, anh còn nói đi xe nhà trường chung cô cũng chỉ dành cho anh một chỗ ngồi sát bên cô (kể đến đây mà Quốc Viêt còn thấy giận cứng ... người, phải chi cô cũng xoa đầu Cu Việt thì hay biết mấy). Là trưởng lớp Nhất 4 mà cu Việt nhà ta không hiểu sao học giỏi nhưng lại thua điểm tụi nó, sau này mới biết cô ưu ái vì anh Tư Cần, Phước Hải, Cảnh Phương, Quốc Huy có học thêm với cô tại nhà."

Còn chị Lan đúng là "Người Con Gái Việt Nam da vàng, yêu Anh Tư như yêu đồng lúa chín", chị đẹp và hiền hòa, anh Tư nhà mình khéo chọn quá, đến nỗi có lần Sơn Mập phải thốt lên:

- Tao cũng ... ao ước được như Cần Lù, Lù mà khôn nhưng Khôn Liền.

Thế nhé ! từ nay về sau anh hết là Cần Lù, đứa nào mà kêu anh Cần Lù anh sẽ nhờ Nha sĩ Việt ngụ ở OC bẻ răng đứa đó. Sợ chưa?.

Như vậy theo cái danh sách thống kê của Ọt, chỉ còn lại một anh Họa Sĩ Tom Chu lãng tử, người duy nhất cho tới nay, còn giữ nguyên cái lòng trong trắng trinh nguyên mà chưa một lần để bị thủng lưới, người có cốt Tu Đạo nên chỉ chuyên vẽ chân dung các người đẹp, để ngắm thôi chứ không ngu gì rước về. Còn một ông nữa cũng là bạn của anh Tư, thì đang học tập anh Tư Cần đi đào hoa ở Việt Nam, sau đó mới quyết định con thuyền không bến của mình.

Cuối cùng là cái cặp nối khố té giếng nổi tiếng đào giếng: Laurel & Hardy, bạn trong cái hội té giếng ngày nào của anh Tư Cần. Hai cha này tôi không muốn nói đến, nhưng sao mà câu chuyện nào cũng có hai cha núp bóng đâu đó, mà không nói cũng không được. Hai cha là bạn nối khố của nhau, nên cũng chỉ có một cái khố đã rách để dùng qua dùng lại, cũng vì chỉ có một cái khố cứ chuyền qua chuyền lại xài chung, nên ông nào cũng sợ ông kia đi lấy vợ thì có khố đâu mà ra đường, lại giống như Trần Minh khố chuối khi xưa thôi.

Tôi nghe nói anh Tư Cần rất ít nói, nhưng anh có cái tinh thần của dân Samurai Nhật, đó là tính không nói mà làm, thinh thinh mà rinh củ bự. Chuyện anh lên xe bông làm cho Hội cái Tóc mà đa số theo chế độ Mẫu Hệ, nghĩa là hết 90% ý kiến thuộc về quý bà, Hội này hiện nay chiếm phần đông là đa số ở Taberd Ọt, hãy nghe họ sung sướng vỗ tay mà hát chúc mừng rằng:

Lại một người nữa giống như tôi tương lai thật đen tối ...
Giống như tôi lạc vào vòng mê muội.
Lại một người nữa giống như tôi thêm một nạn nhân mới
Một người cùng chung một số phận giống như tôi.

Nhìn cái gia đình mới thật hạnh phúc mà mỗi tối thỉnh thoảng anh lại hét "Em có IM CHĂNG?", Còn chị thì thỏ thẻ: "CÓ NGU", hay những lúc anh giúp chị một tay trong công việc nails: "Mấy chị có muốn DŨ chỗ MÔ, thì anh DŨ chỗ nấy". Chắc chắn sẽ là một hình ảnh giúp đưa tâm hồn của hai cha nội té giếng còn lại, sẽ không còn ngần ngại khi đi tìm cái giếng mới, và thôi hát cái câu:

Bao nhiêu năm qua phiêu du theo gió tha phương
Tôi như cánh chim bay trên trời cao
Bao nhiêu năm qua sao chưa bến đỗ yêu đương
Theo cơn gió vô tình cuốn mau.

Cầu chúc cho anh chị 50 năm đầu bạc, vì nếu chúc trăm năm thì hơi quá, và cái tổ ấm của anh chị sẽ làm cho mấy ông còn hạnh phúc lang thang kia phải ... ƯỚC GÌ.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (1 tháng 10 năm 2010)
top Mục lục

Ngày Tân Hôn của anh Tư Cần

Hóa ra cái ngày Tân Hôn của anh Tư Cần nó lại vui đến vậy, bạn bè nhào vô tiếp sức cho anh Tư tổ chức lễ cưới cho được trang trọng và ấm cúng, vì bên họ đàng trai ít người quá mà. Bên nước nhà thì ngoài ông Long Hải đang bị cấm vận tại chỗ trên đất Mỹ ra, còn có Đình Nguyên từ Việt Nam đi xe ôm đến Thái lan, để cùng với Quốc Huy đáp xe đò sang dự lễ cưới anh Tư tại Mỹ, vợ chồng Lê Như Trầm từ Canada đi tên lửa tới, còn lại các ông ngụ ở vùng Cali thì có ông đi bộ tới, ông đi xe đạp, xe đò, tàu lửa, riêng anh lãng tử Tom Chu chơi nổi bằng cách đi xe ngựa đến dự, nhìn xa xa giống chàng cao bồi Clint Eastwood, nhưng chỉ thiếu hai cây súng khạc ra nước thôi. Nhất anh Tư Cần nha, còn gì bằng nữa.

Nhật ký ngày cưới:

- Ngày 01-10-10, chiều tối tụ tập lại nhà ông Đức Thắng vừa ăn nhậu, vừa nghe anh em ông ca sĩ Xuân Việt & Quỳnh Hương và ca sĩ Sơn Mập, Khoa Cận ráo riết tập dượt, biểu diễn phần ca nhạc cho ngày cưới sắp tới. Với sự góp mặt của các Hào Quân Ta Be như: Tom Chu, Củ Sâm, Liệt Dê, Như Trầm, Long Hải.

Lần đầu tiên Tây Môn Khánh Liệt Dê bị khớp trước em gái Quỳnh Hương, không dám ngồi gần chụp hình với em, tay chân nó khớp hết rồi nên phải nhờ Củ Sâm và Tom Chu, đích thân xếp Quỳnh Hương ngồi gần để chụp cho nó một pô, tuy tim nó đập thình thịch hồi hộp, nhưng chắc chắn Liệt Dê mừng ... hết lớn.

Củ Sâm, Như Trầm, Tom Chu xung phong dọn dẹp bàn tiệc, làm em gái Quỳnh Hương cảm động muốn thưởng cho anh Củ Sâm, nên hỏi anh Củ Sâm muốn thưởng gì thì Củ Sâm nhà ta, đôi mắt chợt sáng lên một cách lém lỉnh, không nói không rằng chìa đôi má hồng ra để nhận các nụ hôn, chắc chắn ông Củ Sâm tối nay về không thèm rửa mặt, và có một giấc mộng trên thiên đàng trong giấc ngủ.

Gặp Xuân Việt đang đứng xớ rớ, quen tay Củ Sâm bóp đít thằng con trai yêu quý của bác Thái Thanh một cái. Đang vui chơi thì có lệnh triệu hồi ông Củ Sâm về Bộ Tư Lệnh gấp, hết hồn ông Củ Sâm ba chân bốn cẳng sửa soạn dông, thì em gái Quỳnh Hương thấy tội nghiệp bèn kéo Củ Sâm ra và nói nhỏ vào tai: "Anh Việt có thích ăn ... xôi không ?". Ông Củ Sâm tưởng bở nói: "Anh muốn ăn xôi, nhưng chỉ ăn một mình thôi mà không chia cho ai hết". thế là Quỳnh Hương chạy vào lấy gói xôi đã làm sẵn, đưa cho anh Việt để tối anh về ăn cho đỡ nhớ.

Ai cũng bảo chưa anh em nào được một đám cưới như anh Tư Cần, ai cũng xúm vô vun xới cho hai anh chị, cứ nhìn em Lan đôi mắt long lanh sung sướng, là cũng đủ biết em hạnh phúc tới nhường nào rồi.

- Ngày 02-10-10, họ đàng trai chỉnh tề và tập hợp lại lực lượng, để xuống San Diego rước cô dâu về dinh, anh Tư nhà mình có vẻ trịnh trọng lắm đi tới đi lui, ngắm lại dung nhan mỹ miều của mình một lần cuối, mặt hớn hở cứ như bắt được vàng, y như thời mới lớn ngày nào nhưng lần này anh Tư chững chạc hơn, vì trước đây có kinh nghiệm đầy mình rồi, làm ông Sơn Mập đang đứng bên cạnh cũng thấy lòng nao nao.

- Ngày 03-10-10: Quán Mon Cheri hôm nay trang hoàng rực rỡ, để tổ chức tiệc cưới của anh Tư và chị Lan, 4 giờ chiều là bắt đầu tiệc cưới, anh Cần rất oách trong bộ Veston đen thật sành điệu, còn chị lan lại điệu đàng trong bộ soiree cưới thướt tha dịu dàng. Hai anh chị đứng đón các quan khách hai họ, cùng với các Hào quân và Phu nhân của dân Taberd Ọt nhà mình đến chung vui.

Ai cũng hân hoan "Mains dans la mains" với bu nhà mình, chỉ có ông Củ Sâm chơi trội khi không đi với người vợ hiền yêu dấu. Đồng hành với ông Củ Sâm còn có một Tom Chu, lúc này không chơi cái khăn quấn ngang đầu kiểu dân chơi Hollywood nữa, mà tóc tai đã được tỉa tót cẩn thận, thêm một cái khăn đen quàng cổ thật ấn tượng, một Quốc Huy ăn mặc lịch lãm, Nguyên Xi, Long Hải, cùng cặp Laurel & Hardy.

Sơn Mập leo lên sân khấu để mở màn phần văn nghệ với bài "Yêu em dài lâu", với trạng đang phấn chấn hưng phấn, Sơn nhà ta cứ nhấn mạnh: "Anh sẽ yêu em thật Lâu và thật Sâu". Sau đó là phần biểu diễn thật hay và chuyên nghiệp, của chị Ý Lan, Lê xuân Việt và Quỳnh Hương và Phạm Hà.

Sau những phần nghi lễ, tội nghiệp anh Tư nhà mình mặc dù anh hiền khô, nhưng cũng bị bắt hứa hẹn đủ điều nào: không được ăn hiếp em Lan trong những lúc khỏe mạnh hay đau ốm, phải chăm chỉ phụ việc nhà không đi bù khú nhiều với bạn bè, hễ Sơn Mập mà rủ đi nhậu thì phải từ chối, bắt chước anh Củ Sâm với bu nhà là tốt nhất, đi ngoài đường thỉ chỉ ngó thẳng chứ không được ngó ngang dọc. Quan trọng nhất là nếu có bực bội mà la em Lan, thì chỉ được quyền nói vừa đủ nghe là: Em có IM CHĂNG ? mà thôi ...

Tội nghiệp anh Tư Cần đứng nghe dặn dò nãy giờ mặt cứ thộn ra, miệng lẩm bẩm nghe không rõ "Gớm ! dặn gì mà lắm thế, cứ làm như mình Cần Lù không bằng", mà cứ tưởng đang học cái giờ Hán văn của Frère Ligori Thành năm xưa.

Nhân ngày vui của anh chị, tôi cũng muốn chúc anh chị "Mains dans la Mains" đến cuối cuộc đời còn lại, những ngày tới sẽ là những mùa nắng đẹp trong cuộc đời, mà ngày vui nhất là cái ngày có một thằng cu con ra đời, giống y chang như cha nó là Anh Tư Cần mà không Lù.

Thông Tấn Xã Taberd Ọt tại OC:

Nghiêm Quốc Việt - Cali - Sài Gòn (5 tháng 10 năm 2010)

Thư ký ăn theo: Vũ Văn Chính.

top Mục lục