- Cầu thủ Bóng Rổ: Martial Lê Văn Trí - (tháng 8 năm 2010)
- Cô Giáo Quốc Văn đầu tiên của tôi - (tháng 8 năm 2010)
- Người Thầy Hướng Dẫn Khải Đạo - (tháng 8 năm 2010)
- Ký ức về Taberd Sàigòn - (tháng 7 năm 2010)
- Những người đi qua đời tôi - (tháng 7 năm 2010)
- Frère Ephrem Tú: một người trưởng, một người anh - (tháng 7 năm 2010)
- Những cái tên, những hình ảnh ! - (tháng 7 năm 2010)
- Bóng rổ Taberd và Thầy Nguyễn Công Minh - (tháng 7 năm 2010)
- Cô Lê Thị Như - (31 tháng 7 năm 2010)
- Cô Giáo cũ - (31 tháng 7 năm 2010)
- Môn Toán và Thầy Hà Ngọc Cư - (30 tháng 7 năm 2010)
- Thầy Nguyễn Kim Tiếng, dạy Lý Hóa lớp 10 - (tháng 7 năm 2010)
- Những người đi qua đời tôi - (tháng 7 năm 2010)
- Lớp Hội Họa và Thầy Lê Minh Ngữ - (26 tháng 7 năm 2010)
- Tản mạn về mái trường xưa - (tháng 7 năm 2010)
- Các Thầy Thể Dục của tôi - (tháng 7 năm 2010)
- Người Thầy tôi yêu - (tháng 7 năm 2010)
- Chiếc quai hậu - (tháng 7 năm 2010)
- Hành trình tìm lại các Frère và Thầy Cô - (19 tháng 7 năm 2010)
- Thầy Đống Văn Quan, dạy Toán - (tháng 7 năm 2010)
- Viết về các Frères - (tháng 7 năm 2010)
- Thầy Nguyễn Khắc Đoàn, dạy Sử Địa - (tháng 7 năm 2010)
- Nhớ Một Ông Thầy Dòng - (16 tháng 7 năm 2010)
- Bố nuôi tôi, Thầy Trần Đông Bá - (tháng 7 năm 2010)
- Kỷ niệm những năm tháng Taberd - (tháng 7 năm 2010)
- Nhớ Thầy Cô ở Taberd (3) - (tháng 7 năm 2010)
- Nhớ Thầy Cô ở Taberd (2) - (tháng 7 năm 2010)
- Nhớ Thầy Cô ở Taberd (1) - (tháng 7 năm 2010)
- Viết về Frère Marcien Luật - (tháng 7 năm 2010)
- Các trang sáng tác khác
- Kỷ niệm 3 năm Taberd.org (2012)
- Bạn bè năm xưa (2010)
- Bạn bè năm xưa (2011)
- Cảm xúc (2009)
- Cảm xúc (2010 - Phần 1)
- Cảm xúc (2010 - Phần 2)
- Cảm xúc (2011 - Phần 3)
- Cảm xúc (2012)
- Những câu chuyện vui (2010)
- Những năm tháng qua (2010)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 1)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 2)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2012 - Phần 2)
Viết về Frère Marcien Luật
Nhìn tấm ảnh các bạn ở Cali như Lê Thanh Cần, Hà Gia Hòa, Dương Quang Khải, Nguyễn Phước Hiển và Đình Chuẩn, chụp cùng với Frère Marcien Thiện, lúc các bạn đến thăm vào ngày 30-5-2010.
Đã bao năm rồi thật dài, tôi mới gặp lại Frère Giám học lớp 6, 7 của mình năm xưa, thời gian bỗng như quá ngắn và những hình ảnh, những kỷ niệm xưa lại ùa về. Viết về Frère thì tôi cũng đã viết rồi, cùng với một thời áo trắng trên sân trường, nhưng tôi muốn viết về Frère trong những năm dài, vì cuộc sống bươn chải hằng ngày mà tôi tạm quên đi trường xưa bạn cũ, nay bất chợt tìm lại cái hình ảnh ngày xưa ấy.
Nhớ đến Frère Marcien Luật là phải nhớ đến cái dáng cao và gầy, cùng với cái mắt kiếng cận to và tròn, những hình ảnh ấy luôn luôn đập vào mắt bọn nhóc chúng tôi. Nay nhìn lại hình của Frère tuy vai Frère có xệ xuống do tuổi tác ngày càng chồng chất, nhưng cặp mắt kiếng to và tròn muôn thuở vẫn còn, có lẽ còn hơi to so với cái mắt kiếng cũ, lại còn có màu trắng thật điệu đàng, Frère đã 89 tuổi rồi mà nhìn Frère cũng còn khỏe lắm, nghe nói Frère còn đưa cháu đi học nữa mà.
Tôi có viết thư thăm hỏi Frère và được Frère cho biết như sau: Năm 76, khi trường Taberd bị giải thể, Frère cũng như các thầy cô khác đang dạy học trước giải phóng, đều phải tập trung theo lời gọi của ngành Giáo Dục. Mỗi ngày Frère phải đạp xe vào trong Chợ Lớn, đến một hội trường lớn mà Frère không còn nhớ tên, nơi đây hàng ngày được tập trung hàng ngàn giáo viên trong thành phố về học tập và nghe phổ biến các chương trình, đường lối giảng dạy mới XHCN. Frère gặp lại các Thầy Cô cũ hồi trước dạy trong Taberd, các Thầy Cô luôn dặn Frère phải cẩn thận.
Năm 80, Frère được qua Mỹ theo diện Giáo Viên, tôi được nghe Frère kể qua thư, lúc đại diện Mỹ phỏng vấn Frère bằng tiếng Anh, Frère liền trả lời thật trôi chảy, không cần phải phiên dịch nên phía Mỹ chấp nhận cho Frère được tị nạn tại Mỹ.
Frère kể rằng có một thời gian dài từ năm 75 cho đến sau này, Frère luôn luôn đau khổ và trông ngóng tin tức của cô em gái, đã bị thất lạc từ trước ngày giải phóng đến giờ, Frère không biết làm sao để tìm tin tức và liên lạc được với cô em. Frère cho biết cô em gái của Frère là soeur Maria Félicienne Nguyễn Thị Lệ, năm nay cũng 86 tuổi rồi. Hồi năm 75 em Frère được đổi qua Pháp, rồi đi nhận nhiệm vụ ở Madagascar, một thời gian lâu sau đó mất liên lạc luôn.
Thời may sau này có soeur Martha Trịnh Kim Ngân đã tìm được tung tích cô em gái năm xưa đã thất lạc của Frère. Hiện cô em gái của Frère ở nhà hưu dưỡng, tu viện Saint Paul, số 4 Tôn Đức Thắng, TP.HCM.
Trong cái ước nguyện lúc gần cuối đời của Frère, tôi xin anh em Taberd mình, nhất là tại Hải Ngoại, mỗi người chung tay cùng với anh em ở Việt Nam, cho Frère được tìm lại một ước mơ, gặp lại người em thân yêu năm nào, một ước mơ mà Frère đã đau khổ bao nhiêu năm nay, đó cũng là tấm lòng của chúng ta hướng về Thầy Cô đúng ý nghĩa nhất. Mong ước mơ của Frère sớm được thành ước nguyện, ước nguyện đó đúng vào ngày Lasan Hội Ngộ tháng 8-2010.
Nhớ Thầy Cô ở Taberd (1)
Tôi học ở Taberd từ lớp 11ème đến lớp 11, trong đó có 2 năm 11ème. Trong chừng ấy năm tôi được học với rất nhiều Thầy Cô và cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với một số vị.
Nhớ người Thầy đầu tiên là Thầy Dương Văn Hoài lớp 11ème 5 năm 63-64, năm đầu tiên tôi vô trường Taberd. Thầy rất dữ đòn và có tuyệt chiêu là khẻ vô kẽ tai, Cây roi mây của Thầy nhỏ xíu, dẻo như cần câu và dài độ 6, 7 tấc. Khi khảo bài Thầy dùng roi trỏ vô người và kêu đọc, đọc bài không thuộc, Thầy khẻ nhịp cây roi vào kẽ tai. Thầy nhịp rất khéo vừa đủ công lực để không bị bầm dập nhưng đủ để nghe tiếng roi "chóc chóc" ở tai, đủ để bị ù tai, đau và ửng đỏ cả giờ. Đi lên đi xuống các dãy bàn Thầy vừa cầm roi vừa cầm sách. Dù đang cầm sách đọc đều đều cho học trò chép bài, cây roi bên tay kia vẫn được Thầy sử dụng nhuần nhuyễn như vũ khí của các cao thủ võ lâm. Thầy còn một tuyệt chiêu khác là ném phấn. Khi đang trên bục giảng thấy tên nào xao lãng hay nói chuyện Thầy bẻ viên phấn ném ngay vào đương sự và viên phấn không khi nào đi lạc mục tiêu. Người bị ném phải viên phấn đem lên cho Thầy và được thưởng vô kẽ tai một nhịp roi đáng nhớ. Tôi nhớ có một hôm tuyệt chiêu ném ám khí của Thầy đã hại Thầy một phen lên ruột. Hôm đó Thầy đang giảng bài trên bảng đen bất chợt nhìn xuống thấy một bạn đang nói chuyện (hình như bạn đó tên Sinh nếu tôi nhớ đúng) sẵn cây thước gỗ ngắn cầm trên tay Thầy cho nó phi thẳng xuống lớp. Bạn tôi bị trúng "phi tiêu" của Thầy vô đỉnh đầu, cũng phải đem lên cho Thầy và lãnh roi rồi về chỗ ngồi, độ 1, 2 phút thì bạn khác phát hiện đầu bạn Sinh có máu nên la lên :
- Thưa Thầy, bạn Sinh chảy máu.
Thầy hốt hoảng thực sự :
- Em nào có dầu ... Em nào có dầu ?
Rồi Thầy lấy vội chai dầu của một bạn đưa cho thoa lên đầu của bạn Sinh và hỏi liên tục :
- Em có sao không ? Đau nhiều không ? Còn đau không ? Sao nãy giờ không nói để máu dính vô áo dơ rồi... ?
Từ đó về sau Thầy không ném "phi tiêu thước" nữa mà chỉ ném "ám khí phấn" thôi. Năm đó tôi bị bệnh nên đi học bữa đực bữa cái. Ba má tôi cho tôi nghỉ ở nhà những tháng cuối năm chấp nhận cho tôi double.
Năm 64-65, tôi học lại 11ème, vô lớp 11ème 6 của Thầy Hoàng Tế Nhân. Thầy người bắc, ốm nhom, mặt khắc khổ nhưng rất hiền, suốt năm học, tôi nhớ hình như Thầy không đánh một người nào hết.
Hình ảnh còn đọng lại trong ký ức của tôi về Thầy chỉ là Thầy có chiếc điếu cày để ngăn dưới cùng trong cái tủ đựng phấn và dụng cụ nằm ở cuối bục giảng. Đến giờ ra chơi thay vì ùa ra khỏi lớp như các bạn thì tôi luôn nán lại, thích nhìn Thầy "kéo" một hơi thuốc lào rồi phà ra như khói xe lửa.
Ngược với Thầy Nhân, tôi lại nhớ rất rỏ và kinh hoàng với Cô giáo dạy Pháp văn người Pháp là Cô Évelyne. Cô mập mập, thấp người, đầu tóc lúc nào cũng thấy như bù xù. Cô là người khó khăn, quanh năm không thấy nụ cười, dữ đòn, đánh học trò rất ác vì bao giờ cũng bị ít nhất là 3 cây có khi 5 cây. Cô đánh bằng thước gỗ, không phải loại thước gỗ học sinh mà là thước gỗ của thầy cô. Cây thước mà Thầy Hoài dùng làm "phi tiêu". cây thước đó ngang độ 2 phân dày 1/2 phân và dài chừng 2, 5 tấc. Đặc biệt là Cô Évelyne đánh khá mạnh, 3 phát lên mu bàn tay và không cho rụt tay lại, nếu chẳng may vì đau quá mà rụt tay lại thì Cô sẽ nắm các đầu ngón tay và khẻ 5 phát (cho bỏ tật Cô đánh mà dám rụt tay lại). Muốn khỏi bị đòn thì phải nộp lại một "Bon point" mà đâu phải dễ có "Bon point". Chỉ khi nào được gọi tên lên trả bài mới có cơ hội. Thuộc bài như cháo cũng chỉ có 2 "Bon point" mà thôi, nhưng thông thường trả bài xong về đến chỗ nếu không khéo chỉ còn có một. Cô Évelyne có phương pháp kiểm soát học trò không cho nói chuyện trong lớp rất độc. Vô lớp Cô thấy ai nói chuyện hay xoay qua xoay lại thì Cô chỉ mặt hoặc gọi tên, người đó phải lên trên bàn Cô đứng nhìn xuống và bắt người khác, mà Cô buộc lúc nào cũng phải có 3 tên lên trên. Khi nào bắt được tên thứ tư thì tên thứ nhất đưa tay Cô đập 3 cây rồi về chỗ không thì nộp lại 1 "Bon point". Thói thường khi thuộc bài được hai "Bon point" thì trong lòng rất vui về đến chỗ thế nào cũng khoe thằng bên cạnh, chí ít cũng cười hí hửng... chỉ chờ có vậy, mấy ông tướng đứng trên kia xuống vừa cười (rất ư là đểu cáng) vừa chỉ ngay mặt. Khỏi cãi, vì Cô không chấp nhận cãi, hễ bị bắt là dính không lôi thôi gì hết, cầm chắc mất toi một cái "Bon point".
Những năm đầu tiên đi học, tôi còn lạ lẫm với trường nên không biết Préfet là Frère nào ? Hiệu trưởng là Frère nào ? Đi học còn mang bánh và bình nước từ nhà theo, không dám đi mua đồ ăn. Ra chơi tôi cũng chỉ quanh quẩn gần lớp hay gần chỗ xếp hàng. Ra về phải đợi má tôi vô đến sân trường đón mới dám chạy ra. Nhìn lại mình bây giờ rồi nhớ lại ngày xưa, tôi tự hỏi sao hồi nhỏ mình lại có thể ngoan đến như vậy ?
Nhớ Thầy Cô ở Taberd (2)
Năm 65-66, tôi học 10ème 4 lớp của Thầy Nguyễn Văn Hương. Nhớ về Thầy là thấy liền trong đầu hình ảnh thường được mô tả chung chung về một giáo viên lớn tuổi. Lúc tôi học với Thầy chắc Thầy cũng đã ngoài 60 tuổi. Người mập mạp bụng bự, hơi thấp, mặc quần may nhiều ly xếp và kéo lên gần đến ngực, áo ngắn tay bỏ vô quần tương tự Thầy Phạm Ngọc Quế dạy Văn năm lớp 9 (bây giờ chúng tôi thấy lại hình ảnh của hai Thầy qua tên Huỳnh Ngọc Lâm vì Lâm cũng phục sức y như Thầy Hương, Thầy Quế ngày xưa). Thầy Hương rất hiền, nói chuyện chậm rãi nhỏ nhẹ, hầu như Thầy không đánh học trò, phá lắm thì bị Thầy xách tai bắt phạt đứng góc lớp quay mặt vào tường. Thầy cho "Bon point" rất rộng rãi một lần ít lắm cũng 10 bon points, còn thông thường là 20, 50. Nhưng than ôi ! Đây lại là Bon point do Thầy phát hành chứ không phải do trường và 1000 bon points của Thầy mới đổi được 1 bon point của trường. Tôi nhớ bon point 10 của Thầy đóng dấu lên miếng carton màu vàng bằng ngón tay người lớn, bon point 20 màu xanh lá cây to hơn gấp đôi, bon point 50 màu xanh dương và bon point 100 màu đỏ kích cỡ gấp đôi bon point 20 và gần bằng kích thước bon point của trường mà lúc đó thấy gọi là bon point 1000. Ba má tôi và bản thân tôi, rất thương Thầy Hương. Ngày nghỉ thỉnh thoảng Ba Má tôi chở xuống nhà thăm Thầy, tôi nhớ nhà Thầy cũng nhỏ và xưa nằm ở đường Cầu Kho quận Nhất. Vì thương Thầy nên tôi học khá giỏi, tôi nhớ chỉ có năm đó tôi mới có nhiều bon point, mổi tháng Frère Préfet lúc đó là Frère Jourdain vô phát Bulletin de note (phiếu điểm) trước khi phát có màn dùng bon point đấu giá sách hình, đồ chơi hay kẹo. Có lần tôi đấu giá trúng cuốn Lịch sử Hoa Kỳ bằng tranh với 98 bon points. Cũng có bạn lúc đó đã biết chơi trò mánh mung chôm chỉa bon point của mấy thằng khờ như tôi nên dù không học giỏi nhưng vẫn có nhiều bon point để đấu giá làm mọi người trong lớp và Thầy Hương hết sức ngạc nhiên.
Tôi không nhớ năm 10ème này có học với Thầy Cô nào khác không nửa (thường thì là môn Pháp văn)? Có thể vì Thầy Hương là người Thầy tôi thương nhất nên trí nhớ của tôi chỉ hướng về Thầy mà thôi, nên ngay cả đến năm 9ème tôi chỉ nhớ học 9ème 5. Còn học với Thầy Cô nào ? Tôi cũng không tài nào nhớ cho đúng nổi (nhớ mang máng hình như Thầy Long thì phải). Năm 8ème, tuy nhớ là 8ème 1 học với Thầy Nguyễn Nhàn, Thầy cũng hiền nhưng lòng tôi vẫn nhớ Thầy Hương (năm này thằng em trai tôi học với Thầy Hương nên giờ ra chơi là tôi chạy qua lớp nó để gặp Thầy Hương). Có lẻ vì vậy mà hình ảnh các thầy khác không khắc sâu nét trong trí nhớ của tôi.
Năm 68-69 là năm đáng nhớ, vừa là năm cuối cấp Tiểu học vừa do chúng tôi chuyển qua chương trình Việt. Đây cũng là năm đầu tiên tụi tôi làm quen với việc mỗi môn chính, học với mỗi thầy cô khác nhau. Tôi học lớp Nhất 6, lớp Thầy Lê Hữu Đức. Thầy Đức trán cao, hói và hơi ốm. Đi dạy lúc nào thầy cũng thắt cà-vạt, tôi còn nhớ Thầy đi xe Vespa màu xanh. Tôi nhớ Thầy Đức vì thầy ... có xài roi mây, Thầy thường đánh xuống mặt bàn nhiều hơn là đánh học trò nhưng do Thầy dạy môn Toán mà tôi thì dốt Toán, nên dù cái mặt bàn chỗ tôi bị đòn nhiều lần thay tôi, nhưng cũng có đôi lúc tôi bị Thầy bắt xòe tay cho ăn roi nên tôi sợ Thầy Đức vô cùng.
Người thầy thứ hai mà tôi nhớ là Thầy Trần Đức Quý dạy Sử Địa. Thầy nói giọng bắc, đi xe Mobylette xanh, đặc biệt Thầy thường hay bận áo màu vàng nâu (màu khét). Thầy Quý thương tôi vì khi nào khảo bài tôi cũng thuộc dù đọc hay vấp và thiếu. Thầy đâu biết là chỉ vô tới trường tôi mới lấy sách ra đọc nhiều lần phần Toát yếu vừa đủ để thuộc bài lõm bõm. Ngoài ra Thầy thương tôi vì Thầy muốn tôi đến chụp hình cho gia đình Thầy. Do lúc đó tôi có cái máy chụp hình Pen-EE, ánh sáng tự động, xài phim 36 thông thường sẽ chụp được 72 poses. Có lần tôi đem vào trường chụp Thầy và các bạn rồi khoe với Thầy, thấy vậy Thầy đưa tôi 150 đồng mua phim và nhờ tôi đến nhà "chụp cho cô và các em giùm Thầy", ngày Chủ nhật tôi đợi Thầy đến đón hết buổi sáng mà Thầy không đến. Hôm sau vô trường mới biết con thầy bị phỏng nước sôi. Tôi hẹn Thầy dịp khác nhưng rồi đến hết năm học và sau này tôi vẩn còn nợ thầy một cuộn phim và một lời hứa đến chụp hình cho gia đình Thầy ...
Nhớ Thầy Cô ở Taberd (3)
Năm học 69-70 là một thay đổi lớn đối với tôi. Năm này tôi bước vào Trung học Đệ Nhất Cấp, nghe nó oai oai, dù đọc lái lại thì khó nghe nhưng vẫn không làm giảm sự háo hức của tôi khi bắt đầu niên học. Tôi bắt đầu quen với việc mỗi môn học có một Thầy, Cô phụ trách. Có giáo sư hướng dẫn bây giờ gọi là Thầy chủ nhiệm (hồi trước hòa bình, giáo sư là tên gọi chung các nhà giáo, khác với bây giờ Giáo sư là một học hàm của nhà nước). Giáo sư hướng dẫn lớp 6/1 của tôi là Frère Borgia Đệ. Giám học là Frère Marcien Thiện nhưng tôi vẫn gọi Frère theo tên dòng là Marcien Thiện. Với Frère Marcien Thiện, tôi có một mối liên hệ đặc biệt, ngoài việc sau này người là Bỏ đở đầu cho tôi khi chịu phép Thêm Sức, Frère còn là thầy cũ của ba tôi lúc trước, khi ba tôi học ở trường Thánh Giu-se Mỹ Tho và học với má tôi ở Đại học Đà Lạt. Khi tôi vô lớp 6 ba má tôi rất mừng khi gặp lại Frère, và ba má tôi thường mời Frère đến nhà dùng cơm với gia đình. Vì có mối liên hệ đặc biệt như vậy, tôi không ngại mà ngược lại rất vui mỗi khi gặp Frère ở phòng Giám Học nhưng cũng biết là mình sẽ xấu số, sẽ bị đòn nát đít nếu phạm lỗi gì ở trường vì ba má tôi sẽ biết ngay. Cũng do có sự thân tình với gia đình nên trong mắt tôi Frère Marcien Thiện là người cha, người thầy hiền từ và khoan dung. Hãy nghe các bạn khác có lẽ nói về Frère chính xác hơn tôi.
Xin trích lại một đoạn của Vũ Văn Chính viết về Frère :
Nhớ đến Frère Marcien Luật là phải nhớ đến cái dáng cao và gầy, cùng với cái mắt kiếng cận to và tròn, những hình ảnh ấy luôn luôn đập vào mắt bọn nhóc chúng tôi. Nay nhìn lại hình của Frère tuy vai Frère có xệ xuống do tuổi tác ngày càng chồng chất, nhưng cặp mắt kiếng to và tròn muôn thuở vẫn còn, có lẽ còn hơi to so với cái mắt kiếng cũ, lại còn có màu trắng thật điệu đàng.
Có một lần, trong lúc đang say sưa hò hét chơi banh bàn với các chiến hữu trong lớp, cái trò ăn gian của tôi bị phát hiện, thế là bị kêu lên phòng Giám học và bị consigné (cấm túc) một buổi sáng ngày Chúa Nhật, Cũng may là Frère Giám học các lớp 6-7 là Frère Marcien Luật, Frère rất hiền nên những ai bị consigné được tập trung lại, sau khi nghe giảng một bài moral ngắn xong, được phân công mỗi người một việc như dọn dẹp sổ sách cho gọn gàng, rồi quét nhà, làm xong thì mới được về, khỏe re. Tụi tôi lại thỉnh thoảng tiếp tục chơi trò ăn gian cho đến khi chán cái bàn banh thì mới thôi.
Tôi nhớ mỗi khi gặp Frère ở phòng giám học Frère thường gọi tên ba tôi rồi cười và gọi tên tôi. Tôi cảm nhận được trong giọng nói nhẹ nhàng của Frère sự thương yêu và không biết có đúng không, sự hài lòng của người thầy đã dạy cho người cha nên người và nay lại dạy cho thằng con.
Trở lại với Frère Borgia Đệ, là một người mà đám học trò tụi tôi, dù còn con nít nhưng cũng nhìn ra là rất "đẹp trai". Đặc biệt là mỗi khi nói về phụ nữ hay bị tui tôi chọc ghẹo khen Frère đẹp thì Frère mắc cở mặt đỏ lên, miệng cười mím mím trông càng đẹp hơn. Ngoài việc dạy học, Frère còn phụ trách Hội quán bóng bàn của Taberd.
Có một kỷ niệm với Frère Borgia Đệ mà tôi không biết xếp vào dạng kỷ niệm vui hay buồn ? Cứ tùy tâm trạng tại mỗi thời điểm trong cuộc đời tôi sau này mà tôi oán trách hay cám ơn Frère....
Đầu năm học Frère yêu cầu anh em chúng tôi viết trên một trang giấy: tên tuổi, tên cha mẹ, địa chỉ nhà và viết lên một thắc mắc, một tâm sự hay một ước muốn của mình rồi nộp lại cho Frère để, như Frère nói, Frère có thể biết được phần nào về học trò của mình. Lúc đó tôi rất muốn đi tu làm Linh mục, nên tôi viết nguyện vọng của tôi cho Frère.
Hôm sau vô lớp, sau khi nói chuyện với lớp về các thắc mắc, các tâm sự v.v. thì Frère Borgia gọi tên tôi và yêu cầu giờ ra chơi qua Hội Quán Bóng Bàn gặp Frère.
Giờ chơi tôi gặp Frère, Frère Borgia vừa đi vừa nói chuyện với tôi về ơn kêu gọi rồi gợi ý tôi vô dòng Lasan, giải thích cho tôi những khía cạnh cao quý, sự cần thiết của các dòng tu lo việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ ... Lúc đó trong trí tôi tôi chỉ muốn vô chủng viện hay các dòng tu làm linh mục nên tôi từ chối những gợi ý của Frère.
Hai ba ngày kế tiếp Frère vẩn tiếp tục thuyết phục tôi vô dòng Lasan và có lẽ Frère thấy tôi quá háo danh ham làm cha hay sao mà Frère nói, "được rồi, em cứ giữ ý muốn đó đi, khi nào thuận tiện Frère sẽ lo cho em đạt ước nguyện." từ đó Frère bỏ lững không còn đề cập đến chuyện đó nữa.
Càng lớn tôi càng gần quỷ hơn gần Chúa, và sau này khi gặp chuyện buồn thì tôi thầm oán Frère phải chi giúp tôi đi tu thì tôi đâu có phải đau khổ ... Ngược lại khi vui vẻ bù khú với thiên hạ thì tôi lại cám ơn Frère đã nhìn thấu bản chất quỷ trong tôi nên không đưa tôi vô việc tu hành ép mình khổ hạnh ...
Kỷ niệm những năm tháng Taberd
Nguyên bắt đầu vào học Taberd là lớp 9è 6 do Frère Vénard Luy làm chủ nhiệm, đây là năm đầu tiên bước vào ngôi trường mới, trường lớn đẹp, nhiều phòng học, sân chơi rộng, đông bạn bè. Nguyên rất bỡ ngỡ và lo sợ, lại bị gia đình cho ở "demi-pensionaire (bán trú)". Nguyên nhớ hoài mỗi buổi trước khi ăn phải đọc kinh, ăn xong đi ngủ trưa ghế bố ở các dãy phòng tối om om. Hôm nào chậm chân thì khổ sở đi tìm chổ nằm, vừa nằm chưa được bao lâu là tới giờ dậy để chuẩn bị vào lớp buổi chiều.
Nguyên có hai kỷ niệm với Frère Vénard: một lần khi Frère đang giảng bài, Frère bắt lớp phải im lặng, ai nói chuyện sẽ bị quất 5 roi, hôm đó Nguyên xui, thấy Frère vừa quay đi, mình quay qua nói với Nguyễn Bá Tài chuyện gì đó, định nói nhanh cho kịp lúc Frère quay lưng lại, nhưng có lẽ nói nhỏ quá nên thằng khỉ Tài nó nghe không rõ, nó hỏi lại, Nguyên vừa trả lời thì trời ạ, Frère đã nhìn thấy miệng mình mấp máy và thế là bị mời lên, trước khi lên tay lén vơ nhanh các tờ giấy nhét vào hai túi quần. Mặc dầu nhét giấy cộm trong túi nhưng năm nhát cũng đau điếng, muốn tét đít luôn. Về nhà bị Mẹ nhìn thấy vết lằn ở cánh tay, có thể do đỡ đòn nên dính, Bà gặng hỏi biết con nói chuyện bị đánh đòn. Đố các bạn biết bà nói gì không?
- Frère gì mà ác quá, đánh con người ta lằn cà tay, cả đít.
Nguyên còn một kỷ niệm về Frère Vénard nữa. Sau này Frère phụ trách quầy cho mượn sách, Nguyên có ghé mượn được vài lần thì lần nọ sau khi mượn xong, về nhà mở cặp ra thì cuốn sách truyện mượn "không cánh mà bay", lo lắng, sợ bị la định trốn luôn nhưng không được, thôi tới ngày trả lọ mọ xuống quầy sách. Frère vừa nhìn thấy Nguyên, Frère đã nói trước:
- Sao hôm nọ mượn sách mà lại để sách lại, chờ hoài không thấy con trở lại lấy.
Trời ạ, mừng quá, cám ơn Frère rối rít rồi vọt. Quá mừng và rồi cũng nghỉ mượn sách luôn.
Thú thật nhớ về Thầy cô thì Nguyên chỉ nhớ các Thầy cô chủ nhiệm
- Lớp 9ème6: Frère Vénard
- Lớp 8ème7: Cô Võ Thị Tiết
- Lớp Nhất 4: cô Đào Thị Bích Vân
- Lớp Đệ Thất 3: không nhớ
- Lớp Bảy 8: không nhớ
- Lớp Tám 4: Thầy Phước
- Lớp Chín 5: không nhớ
Lớp Nhất 4 là Nguyên còn nhớ được nhiều nhất vì lớp này được cô Bích Vân cho làm Trưởng lớp. Trưởng lớp oai lắm, mỗi khi vào học được đi đầu dẫn các bạn vào lớp. Thích nhất là mỗi khi Thầy cô ra ngoài cho lên bảng giữ trật tự. Đứng trên bảng nhìn xuống canh các bạn, ai vừa há mõm nói chuyện là ghi tên liền, bạn bè ở dưới sợ bị ghi tên im phăng phắc. Có lẽ nhờ những phút làm "antenne" này mà cho tới ngày nay, dù đã hơn 40 năm, Nguyên vẫn nhớ được tên và chổ ngồi của rất nhiều bạn lúc đó. Kỷ niệm với cô Bích Vân thì anh em mình đã biết, đó là những năm tháng tò mò nghịch ngợm của con nít ranh Nguyên không nhắc lại nữa, hư hỏng lắm.
Một kỷ niệm còn nhớ được nữa là với Thầy Lê Minh Ngữ dạy vẽ. Thầy có cú nhéo tai "gia truyền" vây mà hồi đó vẫn không sợ mới ghê chứ. Nguyên còn nhớ mỗi Chủ Nhật đi học thêm vẽ, vẽ thì dỡ nhưng thích đi học thêm là để được chơi đá banh bàn. Nguyên vẽ viết chì xong rất nhanh, Thầy khen đẹp, tới phần tô màu là pha màu đổ nước nhiều nhiều để quét màu cho lẹ cho mau xong để Thầy vừa đi đâu đó là chạy ra đá banh bàn. Nguyên với Lê Trọng Khiêm cứ canh Thầy vừa đi là ra chơi, thấy Thầy trở lại từ xa là chạy vào lớp. Nhưng cũng vài lần Thầy đứng sau lưng hồi nào không hay, tai tự nhiên đau nhói là biết rồi, Thầy hai tay nhéo tai hai chú dẫn vào lớp. Phải công nhận lúc đó vừa đau vừa buồn cười cảnh hai thằng bị nhéo tai vừa đi vừa la vừa ráng nhịn cười. Kỷ niệm khó quên.
Nguyễn Bá Tài, Lê Trọng Khiêm, tụi bay hiện nay ở đâu?
Trên đây là những kỷ niệm về Thầy cô mà Nguyên còn nhớ được
Bố nuôi tôi, Thầy Trần Đông Bá
Tôi còn nhớ ... còn nhớ rất rõ ...
Mùa thu năm 1972, tôi lên lớp 9 ... sau một mùa hè rực rỡ không biết làm gì hơn, ngoài cái chuyện nằm nhà luyện truyện chưởng, và miệt mài xoa mạt chược cho đỡ buồn, chứ một mùa hè dài dằng dặc biết làm gì cho hết ngày tháng.
Chương trình lớp 9 năm nay có một môn mới mẻ đối với tụi tôi, đó là môn vạn vật, môn học này có các bài về cơ thể con người mà không hiểu sao tôi rất khoái môn này. Tôi vốn dĩ rất lười, chẳng bao giờ lo gạo bài trước các kỳ thi sắp đến, không như cái đám bạn bồ bịch "con mọt sách" là thằng Nguyễn Vĩnh Bình, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Văn Em hay là Củ Sâm Nghiêm Quốc Việt, toàn những ngôi sao tên tuổi gạo cội trong trường, làm sao dám đua với chúng nó, do đó tôi cứ nhởn nhơ tung tăng, cho đến khi tới kỳ thi Tam cá Nguyệt mới bắt đầu rồ ga tăng tốc, nước đến chân mới nhảy mà.
Một tuần lễ đầu tiên của năm học trôi qua trong cái nhàm chán như con gián, tôi vẫn nhởn nhơ rong chơi như mọi ngày. Cho đến một ngày khi giờ ra chơi vừa chấm dứt, chúng tôi lục tục kéo vào lớp học, đã đến giờ Vạn Vật. Vừa ngồi xuống thì chúng tôi phải đứng dậy, để chào ông Thầy trạc tuổi trung niên, có khuôn mặt khắc khổ với cái đầu húi cua, mà tôi còn nhớ hôm đó thầy mặc quần tây xanh đậm thẳng nếp, chiếc áo chemise trắng dài tay không một vết nhăn, tay ôm chiếc cặp táp vội vã đi vào lớp.
Tiếng xì xào còn luyến tiếc của giờ ra chơi vẫn còn đó, thì tự nhiên ngưng bặt khi Thầy vào ... Bụp! tiếng động của cái cặp táp được đặt mạnh trên bàn thầy, đủ làm cho cái đám học trò đang nhốn nháo kia phải im bặt, có thằng còn giật mình và hết hồn nữa, bao nhiêu con mắt đang tròn vo đưa mắt nhìn dò xét, của cái đám học trò tò mò kia. Đứng trên cái bục giảng Thầy ôn tồn cất giọng:
- Xin chào các em, tôi là giáo sư Trần Đông Bá dạy môn Vạn Vật với lớp các em năm nay. Mời các em ngồi xuống.
Đó là những gì mà tôi còn nhớ khi lần đầu gặp Thầy ...
Thú thật, không hiểu sao cái môn Vạn Vật năm nay nó hấp dẫn với tôi như thế, nhất là những bài giảng về cơ thể của con người, tôi rất thích thú và muốn khám phá những gì được gọi là: "Trái Tim Không Ngủ Yên", rồi "Đôi mắt Nhung Tuyệt Vời", hay "Những Bước Chân Âm Thầm", rồi "Bàn Tay Đưa Anh ra Khỏi Cuộc Đời" ..vv ..vv. Nhất là năm này lại có chương trình được lên phòng thí nghiệm nữa, được tận mắt nhìn những cơ thể mà tôi đã học nhưng chưa thấy bao giờ.
Có một kỷ niệm trong giờ Vạn Vật của thầy mà đến giờ tôi còn nhớ, ngày ấy trong giờ Vạn vật Thầy hay kẻ 7, 8 vạch thẳng lên bảng, rồi mới từ tốn ngồi mở sổ điểm danh gọi tên ai thì người ấy lên bảng, mỗi người có câu hỏi khác nhau, nên không ai ngó ngang ngó dọc được nếu không học bài. Có một lần cũng vì cái tật nhởn nhơ, mà khi nghe gọi tên:
- Em Nguyễn Thái Sơn, lên bảng.
Thôi chết tôi rồi, bữa nay tôi đâu có thuộc bài này, thế là nhấc cái thân bự chảng của tôi, nặng nề đi lên mà mặt mày xanh lè như tàu lá. Vì mỗi đứa một cột riêng lẻ, và câu hỏi thì đâu có giống nhau biết cầu cứu ai bây giờ, 10 phút trôi qua tôi chỉ biết loay hoay đứng như trời trồng. Thầy đi đến cái cột của tôi thấy trống hoác, bèn đứng ngó cái thằng mập ăn nhiều nhưng làm biếng học bài như tôi, Thầy lắc đầu cùng với con dê rô to tướng trong sổ.
Thú thật lần ấy tôi xấu hổ với Thầy, và trước con mắt đang nhìn tôi diễu cợt của cái đám bạn trong lớp, thường ngày tụi nó cũng hay chọc ghẹo cái thân phì lũ của tôi, nay được dịp khoái chí do cái mặt xấu hổ của tôi, nó đang đơ như cây cơ bi da vậy. Nhưng vẫn không quên ném cái nhìn về những gương mặt đáng ghét kia, tôi nhủ thầm trong bụng:
- Hãy đợi đấy chúng mày, ngộ sẽ páo chù, páo chùuuuuu...
Từ đó trở đi tôi mới bắt đầu siêng gạo bài, để khỏi phải gặp tình huống éo le như trong giờ Vạn Vật vừa rồi.
Rồi do biến cố trong ngày 30-4-75, tôi phải xa trường xa bạn bè xưa, lưu lạc trên xứ người, cái môn Vạn vật mà tôi yêu thích ngày xưa, đã giúp tôi học thành đạt đúng cái ngành tôi yêu thích, tôi đã trở thành Bác Sĩ về Nội khoa.
Mùa thu 1978, một hôm tôi đang ngồi trực tại văn phòng, lúc này tôi đang học Đại Học và đang tư vấn cho các sinh viên trong trường về những thắc mắc về cuộc sống tại đại học mà họ cần biết, thì chợt có một người đàn ông có dáng quen quen bước vào. Tới chừng lại gần tôi mới nhận ra ông Thầy dạy Vạn Vật của mình năm xưa, Thầy trò mừng rỡ gặp lại nhau trên cái xứ sở xa lạ này. Thầy đến để xin đi học lại, và Thầy cũng đi học được vài năm, vì Thầy muốn làm gương cho con cái noi theo. Tôi phục cái tinh thần hiếu học của Thầy sát đất luôn.
Rồi Thầy mời tôi về nhà thầy chơi, bữa đó Thầy đã đãi tôi cái món Bún Bò Huế tuyệt vời do cô nấu. Hai Thầy trò ngồi trò chuyện rất lâu về quá khứ cũng như hiện tại, rồi Thầy ngỏ ý muốn nhận tôi làm con nuôi, và Thầy cũng muốn tôi đỡ đầu và hướng dẫn cho các con của Thầy. Thầy bắt cô con gái lớn đang học Dược gọi tôi bằng anh, Thầy nhờ tôi chăm sóc cho 2 ông con trai đang học Đại Học, và cậu con út đang học trung học. Kết quả là 2 ông trở thành Dược Sĩ, và cậu con út thì sau này đã thành Bác Sĩ rồi.
Những năm cuối đời, Thầy bị bệnh gan và nhờ tôi điều trị. Một hôm, Thầy bị bệnh nặng phải nhập viện, bụng Thầy phù vì đầy nước, tôi đích thân chăm sóc cho Thầy nhưng đành bất lực vì chứng bệnh của Thầy đã không qua khỏi. Thầy đã mất lúc tôi đang đứng trước đầu giường của Thầy. Năm đó là năm 1999.
Cuộc sống vẫn dần trôi ... Lúc nào tôi cũng vẫn là thằng học trò bé nhỏ năm xưa của Thầy, tôi luôn nhớ về kỷ niệm ngày tháng cũ trong giờ học của Thầy. Thầy cũng như Bố thứ hai của tôi, tuy đã thành tài trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn ân hận vì chưa có dịp được đền ơn báo hiếu đối với hai người tôi yêu quí nhất đời, Bố ruột tôi và Thầy của tôi. Một giọt nước mắt cho Thầy, con xin vĩnh biệt Thầy, Thầy ơi.
Nhớ Một Ông Thầy Dòng
Mỗi lần tôi nghe bản nhạc "Chiều Tím" không phải tôi nhớ đến nhạc sĩ Đan Thọ mà nhớ đến một ông Thầy Dòng, có dáng hiền hòa, một nụ cười duyên dáng và cũng là một người đờn vĩ cầm (violon) điêu luyện.
Đó là Frère Maurice Triều của giữa thập niên 50 của trường Collège d'Adran Dalat.
Phòng ngủ của các frère nằm trên cùng của tòa nhà chánh của trường từ đường đi vào. Chiều chúa nhật, nếu không bận bịu chuyện gì thì Frère thường đứng trước của sổ của phòng riêng đờn violon.
Bọn trẻ chúng tôi lúc đầu nghe tiềng đàn ỏ e, cò ke buồn bã nên chán gần chết nhứt là vào mùa đông, trời âm u sương mù của Đà Lạt nhưng sau nghe hoài cũng cảm thấy thấm và ghiền, nhớ tiếng đờn nếu chiều chúa nhật nào Frère nghỉ xả hơi.
Nhạc sĩ Đan thọ viết lại:
Frère Maurice dạy ông nhạc lý và đờn violon khi học ở trường Thomas d'Aquin Nam Định, sau ông lên Hà Nội và nhờ vốn nhạc lý và đờn violon học được của Frere Maurice mà ông được thâu nhận vào ban quân nhạc của quân đội Pháp thời bây giờ.
Đời nhạc sĩ của ông trong buổi ban đầu nhờ công của Frère Maurice.
Thầy Nguyễn Khắc Đoàn, dạy Sử Địa
Năm lớp 9-6, môn tôi thích nhất và hào hứng nhất là môn Sử Địa của thầy Nguyễn Khắc Đoàn, dáng thầy nhỏ nhắn, hơi đen một chút với cặp kiếng cận, giọng thầy hơi khàn khàn. Năm nay trong chương trình Sử Cận Đại, tụi tôi học về cuộc chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến, thầy đúng là có khoa ăn nói, thầy thì thao thao bất tuyệt với những trận đánh của hải quân Nhật, Đức, trò thì say sưa ngồi há mồm ra mà nghe, nhất là hai ông nội Nguyễn Công Thăng và Vũ Văn Chính ngồi bên cạnh tôi, đúng ra là cả ba đứa đều có những sở thích giống nhau về tàu chiến và máy bay, tôi thì trời cho những mười cái hoa tay, nên tôi vẽ máy bay rất giống và đẹp, tôi nghe bạn bè nói thế.
Với những chiếc tầu chiến đã đi vào huyền thoại, như chiếc chiến hạm khổng lồ Yamato của Đô Đốc Yamamoto, nặng hơn 70. 000 tấn là niềm tự hào của hải Quân Nhật, nhưng chưa một lần tham chiến đụng độ với Hải Quân Mỹ, thì đã bị không quân Mỹ phát hiện bao vây và đánh chìm, mang theo xác của Đề Đốc lừng danh Yamamoto xuống đáy biển Thái Bình Dương.
Hay như chiếc Bismack của Hải Quân Đức Quốc Xã, một nỗi kinh hoàng cho các tàu chiến của Anh, hay những tàu chở dầu và hàng hóa trên biển Đại Tây Dương, gặp Bismack thì chỉ có nhảy xuống biển là chắc ăn, đánh đấm chi cho mệt xác. Thầy lại kể về trận Trân Châu cảng bị đột kích bất ngờ, khiến các tàu chiến Mỹ trở tay không kịp, và đây là trận mở màn cho cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nhật, và vào những lúc cuối của cuộc chiến tranh thế giới, với những đòn Kamikaze của Nhật đâm máy bay thẳng vào tàu chiến tự sát, còn được gọi là phi đội cảm tử Thần Phong, mà một thời các tàu chiến Mỹ chỉ có biết đọc kinh cầu nguyện, cầu trời đừng cho thằng điên nào lái chiếc phi cơ lao vào tầu con.
Thầy kể về chiếc Tuần tra trên biển PT. 109 do Đại Úy J.F. Kennedy làm trưởng tàu, với những chiến công hiển hách như giúp bảo vệ và tuần tra trên biển, hỗ trợ cho lính đổ bộ trên bờ và cuối cùng oai hùng ... chìm vào đại dương, sau một trận thư hùng, Đại Úy J.F. Kennedy sau này là Tổng Thống Mỹ, đã có một cuốn phim nói về chiếc tầu này, cũng như đầu năm 75, có phim Tora!Tora! nói về chiến hạm Yamato. Có lần nghe thầy kể về trận đấu Tăng giữa Đức do Tướng Rommel dẫn đầu, đụng độ với Tăng của Anh do Tướng Mongomery chỉ huy, tại mặt trận ở Châu Phi.
Do ông già là lính Hải Quân nên tôi cũng thích tàu chiến, nhưng thật ra tôi thích là phi công hơn, tôi buồn là không thi đậu vào trường Không Quân của Pháp, khi tôi còn ở nước Pháp.
Tôi chỉ nhớ về Thầy dạy Sử Địa của mình năm lớp 9 như thế đó, tôi còn nhớ thỉnh thoảng trong giờ dạy của thầy, thầy dẫn cả lớp cho đi xem phim tư liệu, nói về cuộc chiến tranh tại các nước, và tôi còn biết Thầy có cửa hàng bán máy ảnh, máy chiếu phim ở tại Sài gòn.
Và không hiểu tại sao Thầy chỉ dạy lớp 9-6 đến giữa năm rồi thầy xin đổi sang dạy lớp khác, câu trả lời cho đến bây giờ vẫn chưa được giải đáp, vì tôi cũng chưa gặp lại Thầy lần nào.
Viết về các Frères
Những năm tháng tôi học trường Taberd, có nhiều Frère tuy không dạy trên lớp nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tôi vẫn nhớ về các Frère này.
Trước hết là các Frères Germain Quý, Calixte (là hai anh em) và Frère Emmanuel Oai. Ba vị vốn từ trường Thánh Giuse Mỹ Tho chuyển lên và là thầy dạy của ba tôi ngày trước. Cũng gọi các vị là ông Nội như các bạn khác, nhưng đối tôi, các vị thật sự là Ông Nội hay nói theo kiếm hiệp là "Thái sư phụ". Do biết tôi là con của học trò cũ nên đối với tôi, có lẽ các Frères dành cho sự ưu ái đặc biệt: bị ký đầu nhiều hơn.
Frère Germain Quý | Frère Calixte Sang | Frère Emmanuel Oai |
Tôi nhớ buổi sáng khi vô trường thì Frère Emmanuel thường đứng khoanh tay ở gần cổng, vừa lần chuỗi Mân Côi vừa coi chừng học trò vô trường. Học trò đi ngang thường cúi đầu chào Frère rồi đi vào sân trong, thường thì Frère khẽ gật đầu. Gặp tôi, khi tôi cúi đầu chào thì Frère mỉm cười rồi ký nhẹ lên đầu một cái. Cử chỉ bình thường nhưng khi đó làm cho tôi rất hãnh diện với các bạn. Một hôm, vì giờ ra chơi hôm trước, lúc đùa giỡn, tôi đập đầu vô cột bóng rổ nên đầu tôi bị sưng u lên một cục. Sáng hôm sau vô trường, cũng theo thói quen cúi đầu chào Frère, và cũng được Frère ký đầu. Frère ký nhẹ vô cục u của tôi ... Má ơi ! nó buốt lên đến tận óc, đau ứa nước mắt mà không dám kêu một tiếng. Chưa hết, vô sân trong gặp Frère Germain không né kịp, lại được (đúng hơn là bị) Frère vỗ nhẹ lên đầu vài cái ... tôi lùng bùng lỗ tai vì đau, giờ ra chơi thấy Frère Calixte từ xa là tôi lủi ngay chỗ khác, để bảo vệ cái đầu có cục u của tôi.
Frère Joachim Thuận thì mọi hoc sinh Taberd đều không lạ, hình ảnh Frère mập mập tay nắm lại (vì cầm bạc cắc) chắp trước bụng, tuy không dạy trên lớp nhưng ai cũng biết Frère vì phòng chiếu phim của Frère. Sáng trước giờ vô lớp, giờ ra chơi, vô coi phim tôi nhớ là 2 đồng, sau là 5 đồng. Tôi thích xem phim vào giờ ra chơi, những phim như Lagardère, Les Trois Mousquetaires, ... từng tập chiếu nhiều ngày làm chúng tôi mê mẩn, không nghe rành tiếng Pháp thì thỉnh thoảng nghe Frère Joachim vừa đứng trước cửa vừa thuyết minh vài câu cũng theo dõi được cốt truyện phim.
Một Frère khác, không ở Taberd mà ở Mai Thôn, nên học sinh ít người biết là Frère Ambroise Minh. Frère là người phụ trách trại chăn nuôi của nhà dòng. Gia đình tôi cũng có trại chăn nuôi ở vùng đó nên hai trại thường hỗ trợ cho nhau. Frère Ambroise là người đưa cho gia đình tôi những cặp chim cút đầu tiên để nuôi thử và từ những cặp chim cút đó, gia đình tôi nhân giống và sau đó "khuấy nên hồ" khi nuôi chim cút thành một phong trào. Frère Ambroise rất thương anh em tôi và thường đến ăn cơm với gia đình tôi. Tại Taberd, tôi thường gặp Frère ở nhà xe phía cổng Hai bà Trưng, Frère thường đi trên chiếc xe tải Renault, mỗi lần gặp Frère cười thật tươi với tôi. Tôi cảm thấy mình đặc biệt khi các bạn hay hỏi Frère đó là Frère nào vậy ? bộ Frère biết mày hả ?
Thầy Đống Văn Quan, dạy Toán
Năm lớp 8, lớp 9 tôi học môn Toán với thầy Đống Văn Quan, cái giờ này thật là nghẹt thở đối với tụi tôi. Thầy thuộc típ người đô con, tóc cắt kiểu ca-rê 3 phân luôn không thay đổi, thầy người Nam và thầy kỹ tính vô cùng, giờ Hình Học là phải đầy đủ dụng cụ học tập, tất cả phải để trên bàn từ cây thước dẹt, thước đo góc, compa, bút chì, bút màu, cục tẩy, ... Tập vở thì phải bọc bìa màu đàng hoàng, sạch sẽ không có vết tẩy xóa, kỹ càng hơn nữa khi viết đầu hàng phải chừa lối, gạch đầu dòng, xuống hàng nhớ viết hoa, đáp số thì phải đóng khung, hễ mỗi lần thầy kêu lên trả bài là thầy kiểm tập vở luôn, hễ quên là năm cây thước kẻ cấp kỳ, cho nên trong các tập vở của các môn, thì tập vở của môn toán là sạch nhất, và điệu đàng với những màu xanh, đỏ, tím vàng gạch dưới và đóng khung.
Thường sau giờ Toán thầy hay cho bài tập về nhà làm thêm, nhất là vào ngày cuối tuần thì nhiều bài hơn một tí, rồi tuần sau thầy kiểm tra và sửa bài luôn, thằng nào làm biếng thứ Bảy, Chúa Nhật lo chơi, thì đầu tuần vào lớp nếu xui xẻo bị kiểm tra vở mà bài thì chưa chịu làm thì ăn chục cây thước lập tức.
Bài học cũng vậy cho bài về những định lý thì lo học cho xong, thằng nào bị thầy gọi trả bài, thấy mặt mày nó xanh lè là biết không học bài rồi, nếu quên thầy cho đứng tại chỗ để ráng nhớ lại nếu nó quên, gọi là cho nó một chút ân huệ, chút nữa thầy mới quay lại hỏi đã nhớ chưa, nếu ấp úng và lắc đầu thì tức khắc lãnh mười cây thước kẻ đau điếng.
Típ thầy đô con và cây thước của thầy cũng hơi ngang tầm, nên cứ thấy thấp thoáng cây thước vung lên là muốn xanh mặt rồi, mà thầy giáng cú nào cú nấy ra hồn luôn, chỉ một lần là tởn. nhưng thật ra thầy dạy toán rất cừ và dễ hiểu, nhìn cái phong cách kỹ càng trong bài vở là biết cách dạy của thầy rồi. Ngoài Taberd ra thầy còn dạy toán ở trường Kỹ Thuật Cao Thắng nữa.
Có một điều tôi luôn nhớ khi nhắc về thầy, ít khi nào thầy đọc bài cho học trò viết, thường thầy viết hẳn bài lên bảng, thầy viết và vẽ rất rõ ràng trên bảng, tụi tôi cứ thế mà theo đó chép bài, thường thì chép bài xong thì thầy mới bắt đầu giảng bài. Năm lớp 9 thầy còn cho thêm mục toán chạy, khoảng 15 phút sau khi chép xong đề bài, là tụi tôi tức tốc làm bài cho kịp để nộp, điểm của toán chạy cũng được tính vào điểm hàng tháng, đếm được khoảng mười mấy đứa thì thầy ra lệnh ngưng, rồi thầy chấm và cho điểm, những bài nào làm và nộp không kịp thì lần sau phải ráng, nếu cuối tháng không có bài nào nộp thì không có điểm.
Đó là thầy dạy toán của tôi năm lớp 8, 9 mà tôi không thể nào quên được.
Hành trình tìm lại các Frère và Thầy Cô
Tháng Năm vừa qua nhân bài viết "Vai diễn khó quên" tôi được anh Lê Việt Quang cho biết nơi ở hiện tại của Frère Albert Nguyễn Quang Tiên. Tôi tới thăm Frère vào một ngày chủ nhật tại Lasan Mai Thôn. Mai Thôn bây giờ vắng vẻ, chẳng còn bóng dáng của một trường học mà chỉ là nơi các Frère lớn tuổi đang hưu dưỡng. Phòng của Frère Tiên là một căn phòng nhỏ ở gần cổng bên hông của Mai Thôn. Gặp Frère thật vui, phải tự giới thiệu lại nhưng cũng không biết Frère còn nhớ mình không vì đã 40 năm qua rồi, hồi xưa còn nhỏ xíu mà bây giờ tóc cũng đã bạc thì làm sao Frère còn nhận ra.
Frère năm nay cũng gần 90 tuổi rồi mà vẫn còn minh mẫn lắm, còn có thể dạy thêm Anh văn và Pháp văn cho các Thầy Tu, các Soeur nữa mà. Frère và tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa và cả chuyện ngày nay nữa. Tôi rất kính phục Frère là một nhà giáo dục và một nhà tu hành chân chính. Nói chuyện đến quên cả giờ giấc, mãi đến giờ kinh buổi trưa của Frère tôi mới xin cáo từ đi về. Frère còn tặng tôi một tập sách giáo lý để làm kỷ niệm nữa.
Cũng qua Frère Tiên tôi mới biết một tin đau buồn là Frère Amédée Mai đã mất trong vụ tai nạn khu nhà Mai Thôn bị sụp xuống sông năm 1989. Hồi đó tôi cũng có nghe tin này nhưng không hề biết trong đó có Frère Amédée (vụ tai nạn này làm cho năm Frère bị mất). Thật đau lòng !! Dẫu biết rằng chẳng ai có thể sống mãi được nhưng tôi không nghĩ rằng Frère lại chịu một cái chết đau thương như vậy.
Tôi biết Frère Amédée là do hồi những năm 68-70 có tham gia học violon do Thầy Hải dạy. Thầy Hải hồi trước nhà ở ngay trong trường, góc Hai Bà Trưng - Nguyễn Du (nhưng nay Thầy không còn ở đó nữa và cũng không biết Thầy đi đâu). Lớp nhạc của Taberd do Frère Amédée phụ trách gồm các lớp Piano do chính Frère Amédée dạy, lớp Violon, Guitare, Mandoline, ... Tôi thì không nói chuyện với Frère lần nào vì hồi đó còn nhỏ và cũng vì không học lớp piano của Frère dạy, nhưng tôi lại rất thích xuống phòng của Frère (dãy nhà ngay bên dưới Thính Đường) để nghe Frère đàn piano vì Frère đàn rất hay. Tôi nhớ nhất ở Frère là dáng đứng khi nói chuyện của Frère, khi đứng Frère không bao giờ đứng yên mà cứ dao động qua lại như quả lắc vậy, thấy cũng ngồ ngộ. Frère còn hay tổ chức những buổi hòa tấu nhạc chung các lớp nhạc với nhau, khi thì ở Thính đường Taberd, khi thì ở sân khấu trường Cao Thắng, khi thì ở sân khấu tòa nhà Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, ... Mỗi lần trình diễn như vậy thì lớp Violon của chúng tôi thường đứng phía trước vì đông hơn, Piano và Mandoline thì do ít hơn nên chỉ họa theo thôi.
Ấy vậy mà nay Frère Amédée đã ra người thiên cổ rồi, thật buồn nhưng cũng xin cầu chúc cho Frère được về bên Chúa.
Cũng sau bài viết về "Sói con Taberd" trên trang Taberd.org, tôi cũng may mắn được anh Lê Việt Quang cung cấp địa chỉ về ba Trưởng từng dẫn dắt bầy Sói hồi đó là cô Triệu Thoại Ba, Lê Thị Thanh Hà và cô Nguyễn Thị Đạm Thủy. Vẫn biết là sau 35 năm thì xác xuất tìm được các cô rất là nhỏ nhưng tôi cũng ráng đi tìm, mỗi ngày sau khi đi làm về lại rong ruổi đi kiếm. Tới nhà cô Thủy hỏi thì chẳng ai biết cô là ai, tới nhà cô Hà cũng bị tình trạng tương tự, còn nhà cô Thoại Ba thì chẳng tìm thấy số nhà cũ đâu cả, chắc là đoạn đường đó đã đổi số nhà rồi. Thế là công toi.
Sau đó tôi lại xin anh Quang cung cấp thêm địa chỉ các Thầy Cô khác để mong có thể kiếm được dù bất cứ Thầy Cô nào đã từng gắn bó với trường. Cũng may là anh có được danh sách và địa chỉ trước năm 75 của hơn một trăm Thầy Cô. Nhìn cái danh sách đó tôi thấy chắc khó mà tìm hết được vì trước đây chỉ có ba cô mà tôi tìm cả mấy ngày không ra thì nay hơn một trăm người thì làm sao mà kiếm ?
Tuy nhiên nhờ có Internet và trang web danh bạ điện thoại, dựa theo địa chỉ nên có thể tìm được số điện thoại. Sau đó gọi điện thoại tới từng địa chỉ để mong tìm được Thầy Cô nào vẫn còn ở chỗ cũ. Kết quả có khả quan hơn, mặc dù số Thầy Cô tìm lại được còn quá ít so với số Thầy Cô từng giảng dạy tại Taberd, do có một số đã đi nước ngoài, một số thay đổi địa chỉ, và cũng có một số Thầy Cô lớn tuổi đã qua đời. Nhưng có được kết quả như vậy cũng là may mắn lắm rồi.
Sau đó chúng tôi tiến hành đi đưa thư mời các Thầy Cô đã liên lạc được. Các Thầy Cô rất vui và cảm động vì đã qua một thời gian khá dài mà các em học sinh cũ vẫn còn nhớ đến Thầy Cô và có tâm huyết muốn tìm lại các Thầy Cô cũ. Qua tiếp xúc với các Thầy Cô thì thấy cũng mừng vì ngoại trừ một số ít gặp khó khăn trong cuộc sống, còn lại đại đa số các Thầy Cô đều có kinh tế ổn định.
Hôm lại đưa thư mời Thầy Hoàng Tuỳ, may mắn gặp được Thầy từ Úc về Việt Nam, ngồi nói chuyện với Thầy hơn hai tiếng đồng hồ, đủ thứ chuyện xưa và nay cũng vui lắm. Thầy năm nay cũng trên dưới 80 tuổi mà cũng còn khỏe. Khi Thầy biết có các Thầy khác từng quen biết như Thầy Võ Văn Mậu, Nguyễn Ngọc Xương đi dự Lasan Hội Ngộ thì Thầy vui lắm và nhất định tham gia cho kỳ được.
Nhắc tới Thầy Võ văn Mậu thì tôi có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, đó là năm lớp Sáu, năm đầu của bậc trung học. Vì hồi học lớp Năm tôi học cũng khá, được Ban Khen Danh Dự, cho nên vừa lên lớp Sáu là trường cho làm lớp trưởng (hình như đó là qui định). Hôm đầu tiên đi học lớp sáu thì vì Thầy là Chủ nhiệm lớp tôi nên vừa vào lớp Thầy gọi ngay: "Nguyễn Quân là người nào đâu?" tôi không biết chuyện gì nên chỉ giơ tay. Thầy bèn phán luôn một câu làm tôi hết hồn "Khi tôi gọi người nào thì người đó đứng lên cho tôi coi!!". Cái giọng của Thầy rít lên làm mặt tôi tái xanh tái mét, bèn vội vàng đứng dậy. Thầy mới giảng cả một bài moral cho tôi và cả lớp nghe. Thầy dạy môn Quốc Văn nên cái chuyện giảng moral thì khỏi nói rồi, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Vừa rồi qua Thầy Nguyễn Ngọc Xương tôi mới biết địa chỉ của Thầy, Thầy vẫn còn ở Việt Nam, gọi điện thoại cho Thầy thì Thầy mừng lắm vì quá lâu mới có học trò Taberd tìm đến Thầy. Giọng Thầy bây giờ qua điện thoại không còn mạnh như ngày xưa, ngày Lasan Hội Ngộ hy vọng sẽ gặp lại Thầy, nhưng chắc không dám kể lại chuyện cũ (mà chắc Thầy cũng quên lâu rồi).
Cũng qua Thầy Hoàng Tùy tôi còn được biết thêm thông tin về Thầy Đống Văn Quan dạy môn Toán lớp 9 (nay Thầy cũng đang định cư bên Úc), Thầy Quan rất là nghiêm, chưa hề thấy Thầy cười bao giờ, mà đúng là Thầy dạy môn toán nên tính Thầy rất quy củ, đâu ra đó đàng hoàng. Tôi nhớ nhất ở Thầy là cái cách thức lau bảng của Thầy. Thầy nói là phải lau sao cho sạch giống như bốn góc tấm bảng (là nơi chẳng bao giờ phấn đụng tới), mỗi lần Thầy lau bảng là chúng tôi trố mắt nhìn (có lẽ lau vài phút mới xong), rồi sau khi lau xong thì bọn tôi lại nhìn lên góc bảng so sánh xem có ngang ngửa với nhau không? Nghĩ lại cũng thấy buồn cười. Thầy đang ở nước ngoài nên không thể dự Hội Ngộ kỳ tới được.
Ngày Lasan Hội Ngộ cũng gần đến rồi, các cựu học sinh Taberd sẽ có dịp tôn vinh các Frère và Thầy Cô đã từng một thời góp sức giảng dạy tại trường và đào tạo nên thế hệ học sinh chúng ta, cho thỏa câu nói mà ông bà ta thường nói:
"Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy".
Chiếc quai hậu
Tháng 5 năm 2009, tôi có dịp trở về trường Lasan Taberd sau bao nhiêu năm rời xa. Biết bao nhiêu kỷ niệm về Thầy, Cô, Trường, Lớp lại tràn ngập trong đầu và một lần nữa, tôi trở thành một trẻ nhỏ.
Các dãy phòng phía phải trái của cổng Nguyễn Du vẫn cũ xì nằm rêu phong. Bục xi măng cao còn đó nhưng các tượng thánh Lasalle đã dời đi từ năm 1976. Năm cuối cùng mà chúng tôi còn học lại lớp 11 tại trường sau ngày giải phóng. Tòa nhà chính giữa là phòng của Sư Huynh Giám Tỉnh, phòng Đại Lý (một cái từ cũ: nơi thu tiền học phí) giờ có thêm một chiếc bảng trắng chữ xanh to đùng “Trường Trần Đại Nghĩa”. Bước vào lối đi tôi lại bất chợt khựng lại, nhìn xuống hai bàn chân rồi lắc đầu cười một mình. Thằng bạn đi chung, một Việt kiều Mỹ cũng bị khựng lại, nhìn theo và chợt vỗ đùi cười to:
- Ông làm tôi cũng giật mình theo! Ngày trước mà mang đôi dép lẹp xẹp này bước vào trường là toi mạng. ha. ha ha …
- Thế ông có thấy là một cái nền tảng giáo dục nó có ảnh hưởng đến cuộc đời một con người như thế không ?
Tôi được dịp “triết ông cụ non” một hơi với hắn. Thử hỏi sao lại không ảnh hưởng cho được. Năm 1965, lúc đó tôi 7 tuổi thì “thi” vào trường Taberd tôi còn nhớ là đề thi là một bài toán và một bài chính tả bằng Pháp ngữ. Hồi đó học toàn tiếng Pháp không hè, ... toán, văn, sử, ... thậm chí tôi vẫn còn thuộc làu làu cái câu : “Madame, permetté-moi d’aller au cabinet, s’il vous plait !“ Vì nếu không nói được thì coi như “tè” tại chỗ trong lớp luôn !!.
Trở lại cái quai hậu của đôi sandal, ngày trước khi vào trường thì ngoài cái việc áo quần bảnh bao, đường ngôi rẽ trái, cặp sách gọn gàng thì cái quai hậu sandal cũng phải kéo lên, không thì SH Bernard sẽ cho ngay một roi vào đít !... Cứ nhứ thế mà đến lớp 11, 12 bất kể đã là thanh thiếu niên, cái roi mây đó chẳng chừa một ai !! Cũng bất mãn đó chứ. Làm gì mà căn cơ dữ vậy ! Rồi đến một ngày, thằng bạn “vô kỷ luật” chẳng chịu gài cái quai hậu mà hậu quả là khi ra chơi, chạy xuống cầu thang, chiếc giày sandal tụt ra và lộn cù mèo xuống cầu thang. May cho nó là dãy cầu thang gỗ khu sát Bộ Nội Vụ, cho nên chỉ gãy tay thôi đó ... Bây giờ, tôi đi mua cho thằng con trai một đôi đi học thì nhất định phải là Bata hay sandal có quai hậu !!
Đấy, chỉ có một việc mà ngày xưa chúng ta coi là rất “tầm thường” mà các Frère “vô cớ” áp đặt cho bọn tiểu tinh học trò lại là một bài học đầu tiên cho chúng ta truyền lại cho con cháu. Khi đã là một “thằng lão” năm mươi hơn, mới thấy cái chân lý nhỏ mà các Frère đã kiên nhẫn mỗi ngày với chúng ta là như thế đó. Và còn vô số các bài học khác mà chỉ có người đối diện, liên hệ, giao thiệp với chúng ta mới thấy được cái chân giá trị của một cựu học sinh trường dòng Lasan Taberd Saigon.
Thật tự hào và ghi nhớ công ơn của những người đi trồng người cho mai sau. Các Thầy Cô ơi, các Sư huynh ơi, ... Chúng con đang soi tiếp tấm gương của Thầy Cô cho thế hệ sau và hứa sẽ làm cho cái gương soi này mãi luôn trong suốt, tinh khiết như ngày đầu chúng con bước vào ngôi trường dòng mang tên một vị thánh Gioan Lasan.
Người Thầy tôi yêu
Tháng 3 năm 1973, khi ấy tôi học lớp 9/4 Lasan Taberd. Có một điều làm cho cả một thời gian hơn 40 năm không bao giờ nhòa phai trong ký ức thời học trò của tôi. Đó là giờ Pháp Văn của Thầy Tới.
Thầy Nguyễn Văn Tới, dáng nhỏ con, người thấp đậm. Lần đầu Thầy vào lớp, cả bọn nam sinh chúng tôi đầy máu mặt cũng phải dè chừng cái khuôn mặt lành lạnh của Thầy. Chà chà, “ông” này khó ah ! Sau một vài lời giới thiệu, Thầy Tới nói giọng miền nam, chiếc kính cận làm cho chúng tôi an lòng đôi chút. Nhờ cái gọng kính trễ trễ xuống cái sóng mũi lại toát lên một chân dung của nhà mô phạm thứ thiệt !... Thầy nói tiếng Pháp lưu loát và âm điệu lên xuống làm cho chúng tôi như bị thôi miên vào một môn học có vẻ khó nuốt nhất vào thời đó. Tiếng Anh tiếng Mỹ đang là “mốt” của Saigon mà !
Ấy vậy, mà sao tụi tui lại nhấp nhỏm, háo hức để chờ tới giờ Thầy Tới Pháp Văn tới như vậy ? Bởi vì, sau khi “truyền nội công” bằng các bài từ ngữ, văn phạm, chia verbe, Thầy nhìn vào đồng hồ và nói với cả lớp:
-Các em ngồi yên, xếp tập vở lại. Còn mười lăm phút nữa ra chơi. Thầy kể cho các em một câu chuyện.
Chính cái câu nói này, y như một lời ban thưởng cho các nhóc tỳ nghịch ngợm như bọn tớ lại khoanh tay, ngồi im như thóc trong suốt giờ Thầy “lên Lớp” để rồi được tưởng thưởng bằng một câu chuyện ly kỳ, mê ly, hấp dẫn. Suốt một năm học, đến giờ Thầy, chúng tôi lại mong Thầy nhìn đồng hồ, bắt xếp tập,... Thầy thật là một kho tàng truyện kể.
Bọn tôi say mê, yêu Thầy đến mức nghiện ngập. Bố mẹ thì lại bảo: Cái thằng! năm nay chịu học francais dữ à nha ... giỏi, giỏi !! Hỏi Thầy tuyệt cú mèo như vậy thì làm sao chẳng say mê !! Một hôm, trong buổi sinh hoạt gia đình sau bữa ăn, anh Sáu tôi kể một câu chuyện cho cả nhà nghe. Tôi thấy câu chuyện quen quen. À, chuyện Thầy tôi đã kể. Tôi nói:
- Em biết chuyện này rồi !
Thì ông anh cốc đầu một cái:
- Mày sạo hả, “Thời Nay” mới đăng phần một phát hành sáng nay thôi
Tôi nói như đinh đóng cột:
- Cái chuyện đó sẽ diễn biến vậy ... vậy ... vậy đó hỏng tin anh chờ tuần sau đọc tiếp đi !! nếu đúng thì thua em một chầu sirô kem và một dĩa bột chiên một trứng nha !
Một tuần sau, tôi được thiết đãi một chầu no nê. Và như thế, suốt một năm học lớp 9, dù bận rộn với các bài đồng diễn cơ bản, các điệu dân vũ với các bạn trường Thiên Phước mà nếu có dịp tôi sẽ kể cho bạn nghe về mãng đề tài trồng cây si của Taberd trước cổng “áo hồng” Thiên Phước nhé. Đó là năm chuẩn bị cho Đệ Bách Chu Niên, nôm na là Trăm Năm của Taberd đó các bạn. Bận rộn như vậy mà chúng tôi vẫn “căng bụng” với các câu chuyện khoa học, tình báo, ma quái, siêu nhiên qua lời truyền cảm của Thầy Tới. Thiệt là một năm học tràn trề kiến thức mà mãi tận bây giờ, thỉnh thoảng trên Internet tôi lại bắt gặp lại các chuyện cũ này. Mà cái thời đó của chúng tôi làm gì có CD, DVD hay Chat chit, I meo, Internet gì đâu lời kể của Thầy, chúng tôi tưởng tượng như câu chuyện ngàn lẻ một đêm. Cũng có khi tụi này mè nheo: "Thi rồi Thầy kể chuyện đi, Thầy ơi..... Cũng có đôi khi Thầy tưởng thưởng vì thành tích học hành tiến bộ của lớp ...
Đó, Thầy Nguyễn Văn Tới của tôi là như vậy ! Ngoài học hành Thầy còn ban tặng cho chúng tôi biết bao mơ mộng, ước muốn bay cao vươn xa trong thế giới kiến thức bao la này. Ai mà không yêu được một người Thầy như vậy ... và vô cùng ngạc nhiên hơn nữa, sau hơn bốn mươi năm. Tôi tìm lại được Thầy bằng chính cái việc Thầy tiếp tục ban tặng cho đời một kho tàng âm nhạc của thế giới, một website âm nhạc tuyệt vời và nhiều công sức *. Lại một lần nữa với sự kính phục tôi được biết cuộc sống của Thầy tuy không khá giả nơi đất khách quê người nhưng với tấm hình Thầy gửi cho tôi, cả gia đình Thầy thật ấm áp, với các ánh mắt đầy tự hào về Thầy của Cô, các anh chị dâu rể đều thật hạnh phúc. Đó có lẽ là sự ban tặng của ơn trên để báo đáp công ơn của Thầy với các trò nhỏ của Thầy bao năm qua.
Xin cảm ơn và tri ân đến tất cả các Sư Huynh, Thầy Cô trường Taberd và đặc biệt với Thầy Nguyễn Văn Tới, người mà tôi luôn yêu dấu.
Các Thầy Thể Dục của tôi
Năm giờ chiều rồi mà trời vẩn còn nắng nóng và oi bức. Khí hậu Sàigòn bây giờ nắng nóng nhiều hơn mưa. Len lõi giữa dòng xe đông đúc, tôi đang đi tìm nhà Thầy khu vực đường Nguyễn Trãi, quận 5. Cũng không khó tìm lắm vì nhà Thầy ngay mặt tiền đường và cạnh ngay trường cao đẳng TDTT TW2. Thời gian đã quá lâu đến tôi không còn nhớ bao nhiêu năm rồi không gặp lại Thầy.
- Xin lỗi, em cho anh hỏi thăm.
- Dạ chú cần gì ạ?
- Cho chú hỏi, đây có phải là nhà Thầy Hồng không?
- Dạ phải, để con gọi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm! Thầy vẫn ở đây và tôi đang tưởng tượng khuôn mặt của Thầy mà có lẽ chẳng bao giờ tôi quên.
- Chào em, mặt quen quá mà Thầy quên tên rồi ...
Thầy vẫn mạnh mẽ, giọng nói vẫn sang sảng, và đôi mắt vẫn lanh lợi lắm.
- Dạ chào Thầy, em tên là Lý Minh Sơn. Em vừa là học sinh Taberd cũ của Thầy vừa là giáo sinh của trường Trung Cấp Thể Dục Thể thao Trung Ương 2. Nếu thầy nhớ lớp trưởng lớp 2D, chính là em đó!
dươVà thế là hai Thầy trò bắt tay mừng vui hỏi thăm rối rít, từ chuyện này bắt sang chuyện khác. Hiện giờ Thầy không còn dạy nữa nên trông Thầy trắng trẻo hơn. Tuy đã lớn tuổi nhưng sự hoạt bát và lanh lợi vẫn còn ở người Thầy đã suốt đời gắn bó với TDTT. Thầy kể nhiều về hoàn cảnh của Thầy, những lúc thăng trầm. Bây giờ thì cuộc sống của Thầy đã ổn định và an nhàn hơn rồi. Rồi Thầy kể rằng cũng có một số anh lớn Taberd lâu lâu đến thăm viếng Thầy làm Thầy vui lắm. Khi nghe tôi giới thiệu về trang web Taberd.org và những dự định sắp tới, Thầy chỉ dạy và đóng góp nhiều kinh nghiệm đã trải qua, để trang web duy trì và phát triển.
Nhớ lại hồi chúng tôi học lớp 10, trong tuần có một giờ TDTT của Thầy Hồng. Sau hai tiết học đầu trên lớp học, lớp chúng tôi xuống sân để thay đồ học giờ thể dục: áo thun trắng, quần sọt xanh, giầy bata trắng. Quần áo và cặp được để thành từng nhóm và cả lớp ra sắp hàng điểm danh cho giờ thể dục. Một ngày kia, sau khi đã điểm danh xong, Thầy cho cả lớp ngồi xuống đất, chuẩn bị giới thiệu bài tập thì Thầy phát hiện Trần Thanh Quang không thay đồ thể dục. Thầy kêu Quang đứng lên và hỏi tại sao không thay đồ. Quang trả lời là quên mang đồ. Thầy hỏi:
- Em có bận quần đùi ở trong không? (vì quần dài không chạy nhảy được).
Quang trả lời:
- Dạ thưa Thầy, em không bận gì bên trong cả!
Thầy không tin, kêu Quang lên đứng trước lớp, quay lưng lại, mở quần cho Thầy xem. Quang nói:
- Dạ thưa Thầy em nói thiệt.
- Em cứ cởi ra cho Thầy xem.
Thầy đáp, thế là Quang cởi và tuột quần xuống. Cả lớp ôm bụng cười nghiêng ngửa, vì khi tuột xuống từ sau nhìn tới chỉ thấy cái mông trắng toát và lòng thòng. Thầy la lên:
- Mày không bận gì ở trong thiệt hả, kéo quần lên!
Thật là một kỷ niệm nhớ đời của tuổi học trò đầy nghịch ngợm. Thầy bắt đầu hướng dẫn tập đội hình đi đồng diễn, Thầy gọi Đỗ Mạnh Hùng (đây cũng là một tên trong thành phần nghịch phá trong lớp):
- Em lên đếm cho anh em đi.
Hùng cũng hô khẩu hiệu và đếm 1, 2, ... và đứng lại ... nghiêm! Thầy đá Hùng cái bốp và nói:
- Em hô vậy sao tụi nó làm, đứng lại ... đứng chứ sao lại nghiêm!- Dạ em quên"
Hùng đáp và làm lại 1, 2, 1, 2, ... bên trái, bên phải quay và một cái bốp nữa.
- Em quay kiểu đó cho Thầy coi. Thầy nói
- Dạ em quên.
Dù tập mệt nhưng thật vui. Những ký ức ấy của tuổi học trò luôn theo tôi suốt cuộc đời. Nhiều khi đi ngang qua trường, tôi vào trường và đứng lại những vị trí mà cả lớp ngày xưa đã ngồi tập hợp, rồi tôi nhớ lại gương mặt của từng người bạn, nhớ lại lời nói của Thầy ... và tôi tạm quên đi cái lo âu của cuộc sống hiện tại.
Năm 1977 tôi nộp đơn xin thi vào trường trung cấp TDTT TW 2 để ra làm giáo viên thể dục. Tôi không nghĩ rằng sẽ được gặp lại các Thầy dạy thể dục cũ. Sau phần thi lý thuyết Toán Lý Hóa khá ngon lành, tôi đến phần thi môn TDTT tự chọn. Sau 75, ở nhà tôi chơi bóng chuyền. Nghĩ rằng mình chơi cũng không tệ nên khi thi tôi đăng ký môn bóng chuyền. Ngày vào thi gặp ngay Thầy Ngô Phục, mừng quá tôi lại chào Thầy và làm quen liền:
- Dạ thưa Thầy, em là học sinh Taberd của Thầy.
Biết vậy, Thầy Phục vui lắm và hỏi thăm tôi tình hình thi cử. Tôi bảo văn hóa thì mình OK rồi còn môn thể thao thì em đăng ký môn bóng chuyền của Thầy. Thầy bảo vậy khởi động đi rồi có gì Thầy giúp đỡ cho. Tôi đứng xem lúc chưa đến lượt mình, thấy các anh thi trước làm quá tốt mà Thầy cũng chỉ cho đủ TB. Tôi cảm thấy lo vì Thầy chấm khó quá. Tôi đến hỏi Thầy, môn này chấm khó quá em sợ không đạt. Thầy bảo hay em chuyển tên qua Thầy Hồng đi, ném tạ dễ lấy điểm hơn. Thế là tôi chạy qua gặp Thầy Hồng:
- Dạ thưa Thầy em là học sinh Taberd của Thầy đây, nhờ Thầy cho em đổi tên qua thi với Thầy.
Thầy Hồng vui vẻ ghi tên tôi thi môn ném tạ. Kết quả tôi được 8 điểm trên 10 nhờ đẩy được 8m. Cám ơn Thầy, em đã thi đậu!. Sau đó tôi lại tiếp tục được Thầy Hồng dạy dỗ trong suốt quá trình học TDTT đến năm 1979. Hồi tưởng lại, hóa ra tôi lại có duyên nợ với Thầy nhiều đến thế. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và luôn biết ơn Thầy. Xin chân thành cảm ơn người Thầy của đời tôi.
Tản mạn về mái trường xưa
Đã hơn bốn mươi năm từ ngày còn mài quần trên ghế nhà trường rồi còn gì ? Bạn tôi e-mail hỏi về các Thầy cô, các Sư Huynh ngày ấy, dễ gì còn nhớ hết được cái thuở hồn nhiên vô tư của một đời người như vậy. Ký ức cứ đong đưa như những mảnh ghép hình. Thôi thì nhớ được gì thì kể nhau nghe vậy.
Năm 1965, lớp Hai. Cái dãy nhà phía trước cổng Nguyễn Du bước vào. Hai tầng nền bằng gổ lát sàn cũ kỹ. Nhưng lại là một khu vực ít ồn ào nhất của trường Taberd. Sau này, chúng tôi mới nghiệm ra rằng dãy lớp này sát với Bộ Nội Vụ, nên để cho các em nhỏ "ngoan ngoãn" Tiểu học học là hợp lẽ nhất. Lúc ấy, mỗi lớp là một Thầy hoặc Cô hoặc một Frère làm Thầy suốt một năm học. Tôi học với Cô Đào Thị Viên, người nhỏ, hơi đẫy đà. Lúc ấy chắc Cô cũng trên 40 tuổi. Giọng người miền Bắc, tính tình thì là người miền Nam. Nhỏ nhẹ không roi vọt. Nhưng Cô có một chiêu đánh đòn trên năm ngón tay chụm lại thật "kinh khủng" cho mấy tay tinh nghịch nhất lớp.
Cũng có đôi khi các Thầy Cô khác "dạy giùm" vì Cô có công chuyện. Như Madame Đào Thị Bích Vân đẹp tuyệt vời với cái robe ngăn ngắn. Mái tóc của Jackeline Kennedy đẹp thế mà lại bị vài bạn kháo nhau Cô giáo có "mái tóc đít vịt". Hay Thầy Lê Hữu Đức, nhỏ người, thấp đậm. Cái kính trắng như dán vào mặt cũng không thể che được cái tài hoạt bát hóm hỉnh của Thầy khi cao hứng trong giờ lên lớp. Rồi Thầy Hải, Thầy Phước, Thầy…gì gì đó cũng đã từng "dạy giùm" mấy hôm. Thú thiệt, mấy cái ngày "học giùm" này thiệt là một khoảng thời gian chúng tôi ít bị "quay như bông vụ" nhất.
Cô Bich Vân | Cô Cao Thị Tuyết | Cô Nguyễn Thị Kim Thạch | Cô Nguyễn Thị Chín |
Rồi cứ như vậy, chúng tôi vượt qua thời Tiểu Học. Năm lớp sáu, hung thần Marcien Thiện xuất hiện (xin lỗi các Frère vì chúng con đã dùng các nickname cho các Frère). Cái dãy banh bàn mê hoặc chúng tôi và cũng là thời kỳ "đen tối" nhất mà chúng tôi phải bước vào một thế giới "kỷ luật như nhà binh". Bạn còn nhớ mấy cái vụ Bon Points. Để dành để đổi quà hay không ? Hay bạn còn nhớ các buổi ngồi dưới sân trường 15 phút, nửa tiếng để nghe thuyết giáo của khối lớp 6-7 hay không ? Lúc đó là một mảnh ghép làm cho tôi nhớ nhất cuộc đời học trò trường Taberd. Và nhớ nhất các Cô Cao Thị Tuyết, Cô Nguyễn Thị Kim Thạch, Cô Nguyễn Thị Chín, Thầy Hải, Thầy Toàn, Thầy Uyên và các Frère phu trách Phòng Thí nghiệm trên dãy nhà cạnh đường Hai Bà Trưng. Nơi có "Pa tí xệ" bánh bánh mì, nước ngọt. Nơi có banh bàn, nhà bếp và khu "biệt thự" xả xúp báp ở cuối dãy nhà khối lớp Sáu sát cạnh văn phòng "Tổng linh Hoạt", những sát thủ đáng gờm nhất thời học sinh trường dòng như: Anphonso Phong, "Tú" bà,…mấy ai mà thoát được cái bộp tai như trời giáng, cái đá đít của các sát thủ khi tham gia các trò tinh nghịch: ném bao si-rô, tung cặp lên trời hay quần áo tung ra trong giờ ra chơi, ….
Riêng đặc biệt một người. Khi nhắc về ông thì có lẽ không một ai trong đám cựu học sinh Taberd mà không nhớ đến. Một nhân vật rất bình thường, một người không phải là Thầy hay người dạy ta bất cứ môn gì tại trường Taberd. Nhưng chính người này lại đem lại cho ta chí ít là một người có ý thức cộng đồng hơn bao giờ hết. Các bạn nghĩ đến ai chưa? Xin thưa đó là "Ông già Ba Tri", một người quét rác trong sân trường. Ông lớn tuổi lắm rồi, ngày ngày ông quét nhặt biết bao nhiêu lá phượng trên sân trường. Thầm lặng, không kêu ca. Ông thường nhăn mày càu nhàu trong miệng mỗi khi mấy thằng học trò xả rác vô tư trước mặt ông. Rồi ông cũng lặng lẽ nhặt từ cái rác bỏ vào cái "sọt cần xé". Hành động của ông cứ thế lặp đi lặp lại trước mắt chúng tôi từ năm này đến năm khác. Không một lời kêu ca, không một lời chưởi bới cho đến khi chúng tôi trưởng thành hơn ở tuổi trung học thì bỗng thấy việc mình làm là vô ý thức và cứ như thế tự nguyện bỏ rác vào mấy cái thùng treo khắp trường là một hành động đúng nhất. Vâng, ông già Ba Tri, cái biệt danh chúng tôi dành cho ông đã lâu lắm rồi. chính là một người đem cái hành động lặng lẽ của mình mà làm bài học cho bọn nhóc học trò tụi mình. Đến một ngày,sân trường không còn được sạch như mọi ngày, những chiếc lá khô, tươi nằm chồng lên nhau cũng chính là ngày ông ngã bệnh. Không thể ra sân trường dọn lá phượng bay. Đàn bồ câu cũng như ngơ ngác vì chúng thiếu ông già. Người phu quét dọn, nhặt từng mẫu bánh mì vụ, đem phơi khô và chờ khi chuông vào lớp, tôi nhìn qua cửa sổ của phòng học, ông lặng lẽ ngồi quây quần bên đàn bồ câu chen nhau ăn từng mẩu bánh mì. Chúng như ríu rít vui mừng bên ông….
Thôi thì nhớ bao nhiêu, kể bấy nhiêu. Chúng ta thật hạnh phúc khi đi qua một khoảng thời gian đẹp nhất trong đời ở dưới mái trường Taberd thân yêu. Những mẫu chuyện này, chắc có lẽ các bạn đọc về nó không có gì đặc sắc cho lắm. Nhưng, với riêng tôi và các cựu học sinh thì khoảng trời riêng này thật quý báu mà dẫu tiền bạc, danh vọng đến đâu cũng không thể mua lại được. Vinh danh những vị Thầy Cô và Các Sư Huynh đã cho chúng ta những kỷ niệm đẹp, những kiến thức bao la và một nhân cách hết sức xứng đáng là một cựu học sinh dòng Lasan. Xin tri ân và mãi mãi tri ân.
Lớp Hội Họa và Thầy Lê Minh Ngữ
Thời trước ngoài việc hàng ngày cắp sách đến trường tôi cũng chọn cho mình thêm một môn học ngày cuối tuần. Loay hoay mãi, sau cùng tôi quyết định học nhạc, chắc vì nghĩ học nhạc có vẻ trí thức hơn, dễ cua gái hay vì ảnh hưởng mạnh của nền âm nhạc thời đó. Tôi học thử qua guitare, gảy từng tưng tứng được vài ba kỳ thấy khó khăn, vả lại mỏi tay quá thôi đành từ bỏ tham vọng, nhảy qua học thêm lớp hội họa.
Lớp Hội họa trong chương trình phổ thông cũng như lớp hội họa cuối tuần đều do Thầy Lê Minh Ngữ đảm nhiệm, phụ Thầy còn có cô Nguyễn Thị Chín và cô Ngà. Cô Chín hiện sinh sống ở Missouri, còn Cô Ngà nghe đâu ở California. Nhắc đến Thầy Lê Minh Ngữ, chắc đại đa số anh em học sinh Taberd đều nhớ tới món nghề nhéo lỗ tai của Thầy. Tôi vẫn mường tượng ra dáng Thầy hơi khòm khòm hai tay chắp sau đi tới đi lui sau lưng đám học trò, lúc nào Thầy cũng nhai kẹo chewing gum nhóc nhách, gặp tên nào phạm lỗi là ngay lập tức bàn tay của Thầy xoắn ngay lỗ tai tên tội nhân và bắt đầu vặn. Nan nhân tập trung cả hai cánh tay để che đỡ lỗ tai của mình, hai chân nhón lên theo vòng xoáy của lỗ tai để giảm áp lực và đầu gối chụm lại như diễn tả sự đau đớn. Sau khi Thầy vẽ xong cảnh nhéo lỗ tai, học sinh được thả ra để tiếp tục bụm lỗ tai một hồi lâu, chắc là phải đau lắm. Ai đã là nạn nhân của Thầy sẽ chửi thầm tôi là “Bố khỉ (hay khỉ khô), đau chết bà luôn mà thằng này còn nói chắc là phải đau lắm”. Tình thật, bao nhiêu năm học vẽ với Thầy tôi chưa bị nhéo tai, bây giờ nghĩ lại cũng hơi tiếc tiếc.
Hội họa trong lớp phổ thông, phần lớn là học pha màu, gọi nôm na là bản tuần hoàn màu sắc. Lớp cuối tuần nằm dưới Thính Đường, chiếm một góc nhà, cuối tuần học thêm cũng đông, bây giờ nhớ lại mang máng vài tên như Phạm Ngọc Điệp, Vũ Tiến Lợi, Lương Trọng Cường và Tăng Kiên. Còn Chu Văn Thủy, người họa sĩ tài ba này thì thật sự tôi chỉ nhớ là hình như có học thêm lớp hội họa, và ông bạn Phạm Đình Nguyên.
Lớp Hội Họa cuối tuần được học Tĩnh Vật, Người Mẫu và Cảnh Vật. Người mẫu thì có mấy cô gái, có một cô hơi tròn trịa, chừng 15, 16 tuổi, mặc jupe ngắn hình như màu xanh, ngồi chống tay nghiêng nghiêng một bên, tóc xõa dài ngang vai. Mấy cô khác thì tôi không nhớ. Người mẫu còn có một ông già, nói là già chứ tôi nghĩ chắc bằng cỡ tuổi anh em Taberd 76 mình bây giờ, ở trần, nghiêng người đẩy chiếc xe bò, cốt là lấy cái tương phản của bộ xương sườn và các bắp thịt.
Vẽ Cảnh Vật thì ra ngoài, khoảng từ hai đến năm giờ chiều, thường là chiều Chúa Nhật, đi quanh quẩn trường Taberd chứ chẳng đâu xa, như nhà thờ Đức Bà, Lăng Ông Bà Chiểu, Sở Thú, Tháp Rùa Duy Tân. Bài học vẽ mà tôi nhớ mãi là có bạn vẽ rất chi tiết một điểm nên khi hết giờ, tấm toile còn trắng toát, chỉ có một bên nóc nhà thờ có đầy đủ chi tiết cây thánh giá, hoặc trên cái phông trắng có vài cây với đầy đủ lá cành.
Thầy Ngữ cứ nhắc đi nhắc lại câu "Các cậu phải đi từ tổng quát cho đến chi tiết, tô cho hết bức tranh theo các phông màu, sau đó mới từ từ đắp lên chi tiết, như vậy lỡ khi hết giờ và lần sau mình không có dịp đi lại chỗ cũ mình còn có thể dựa theo trí nhớ hoặc tranh ảnh để hoàn tất bức tranh”.
Ngày ấy ngoài chương trình học, trường Taberd còn tổ chức thêm biết bao sinh hoạt văn hóa khác và văn nghệ văn gừng. Sau này khi con cái bắt đầu tới tuổi đến trường, cũng phải vất vả ngược xuôi lo cho đám nhóc ăn học và sinh hoạt thêm, tôi phải công nhận trường Taberd có một tổ chức rất cao, tương đương với các trường trung tiểu học hàng đầu ở thành phố Montreal bây giờ, nơi tôi đang sinh sống.
Trong cuộc đời có được một cái may đã là may mắn hơn nhiều người, tôi và các bạn Taberd có được một lúc tới ba cái may, thành ra cái Ơn mình mang cũng rất là lớn.
- May mắn thứ nhất là có Cha Mẹ hy sinh cho mình đi học Taberd,
- May mắn thứ hai là ngôi trường Taberd với các Sư Huynh tận tụy cũng như hết sức cố gắng tổ chức các lớp học và sinh hoạt hàng đầu ngành giáo dục
- May mắn thứ ba là các Thầy Cô có tài năng, sự chăm chỉ, lòng kiên nhẫn và yêu nghề như thầy Lê Minh Ngữ.
Những năm theo Thầy Ngữ học vẽ, phần chính tôi hấp thụ nơi Thầy “đi từ tổng quát đến chi tiết”, và ngày nay nguyên tắc này cũng giúp tôi giải quyết được rất nhiều việc trong công việc làm. Nay nhân dịp Nhớ Ơn Thầy Cô, Tôi xin nhắc lại để tỏ lòng nhớ ơn đến Thầy Ngữ và các Cô Chín, Cô Ngà đã cho tôi cái may mắn nhận thức được cái hay cái đẹp của màu sắc và một nguyên tắc làm việc mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.
Những người đi qua đời tôi
Thời gian qua đi tự như giòng nước chảy về nguồn. Tôi, một học sinh của Lasan Taberd ngày nào giờ đây tóc cũng đã trắng theo thời gian. Trường xưa vẫn còn đó, kỷ niệm năm nào vẫn còn đây, trong hơn 35 năm xa quê hương, xa trường cũ, xa những hình ảnh mà tôi không thể nào quên được. Đó là hình ảnh của các Sư Huynh, các Thầy và các Cô của trường xưa.
Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm, với bạn bè, với trường và nhất là các kỷ niệm với Thầy Cô.
Ngày hôm nay, ngồi nhìn lại hình ảnh của các Thầy Cô qua trang web Taberd.org. Ảnh của Frère Marcien Thiện, của Cô Nguyễn Thị Kim Thạch ngày nay và các khuôn mặt xưa kia của Thầy Võ Văn Mậu hay cô Trần Thị Lệ Oanh đã đưa tôi về dĩ vãng của bốn thập niên trước, về với khung trời cũ của tuổi học trò áo trắng quần xanh.
Những lời nói, những các nhìn của các Thầy Cô và các Frère ngày xưa vẫn còn in đậm trong tâm tưởng của tôi. Tôi vẫn nhớ về những mẫu chuyện nhỏ mà Thầy Mậu đã kể lại cho chúng tôi trong lớp học về đời của Thầy. Tôi vẫn hình dung lại được nụ cười và lời nói của Cô Oanh, ánh mắt nghiêm nghị của Frère Marcien và những bài giảng của Cô Thạch.
Dù thời gian đã qua đi, du những hình ảnh ấy chỉ là kỷ niệm nhưng đó là những kỷ vật vô giá hay đó là những gì những người đã đi qua đời tôi đã để lại trong tâm cảm tôi sự biết ơn chân thành của một đứa học trò đã không quên sự dạy dỗ của các Thầy Cô, các Frère của Taberd ngày nào!
Mong muốn rất đơn giản của tôi là được gặp lại những Thầy Cô như một đứa học trò của bốn thập niên trước đến ngày tựu trường. Dẫu biết rằng có những người đã ra đi về phương trời vĩnh viển, ngày mà tôi gặp lại những Thầy Cô còn lại có lẽ ngày ấy sẽ tựa như là ngày sinh nhật thứ hai của tôi.
Xin kính tặng các Frère, các Thầy Cô của Taberd, tôi cũng không quên những vị đã ra đi và tôi xin dành một câu kinh cầu nguyện cho cô Trần Thị Lệ Oanh.
Kính các Thầy Cô
Thầy Nguyễn Kim Tiếng, dạy Lý Hóa lớp 10
Sáng Chủ Nhật ngày 30-5-2010, theo lời hẹn chúng tôi một nhóm gồm: Lý Minh Sơn, Phạm Đình Nguyên, Nguyễn Trịnh Lương, Võ Long Hải, Huỳnh Ngọc Lâm, La Thu Chinh tôi. Hôm nay chúng tôi đến thăm Thầy Nguyễn Kim Tiếng, thày dạy môn Lý Hóa năm lớp 10, đối với tôi thì tôi không học Thầy ngày nào, vì lúc đó tôi đã ra khỏi trường rồi, nhưng ấn tượng nhất của Thầy mà tôi vẫn nhớ, là khi đến nhà Thầy lúc giới thiệu tên của anh em cho Thầy biết, thì Thầy có hỏi ai là anh Chính, có Chính ở đây không ? Thầy có đọc những bài của tôi viết về Trường cũ bạn xưa, và Thầy có khen tôi viết hay.
Thầy trò ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, Minh Sơn thì vẫn nhớ lời Thầy khen anh khi xưa về môn Lý Hóa, và Thầy cũng kể một kỷ niệm lúc Thầy dạy lớp 10, hôm đó Thầy đang dạy học thì thấy có hai ông học trò, đang say sưa chụm đầu vào nhau chơi trò gì đó, âm thầm đi đến gần, Thầy mới biết hai ông đang chơi trò chơi đá đồng hồ của nhau, một trò chơi cũng đang được các ông nhóc ngày ấy ưa chuộng, trò chơi này có nghĩa là lấy tay kéo ra, rồi gác 2 cái cốt dùng để lên dây cót hay lên giờ, hễ cây nào đứng lại thì người ấy thua, thế là Thầy tịch thu hai cái đồng hồ ấy, mà ngày đó tụi tôi hay đeo loại đồng hồ mỏng lét và rẻ tiền, hiệu Bulova hay Movado cái loại lên dây cót, với sợi dây da giả cá sấu, nên Thầy tịch thu và thả từ trên lầu 2 hay 3 gì đó, đến giờ ra chơi hai cu cậu chạy xuống sân tìm, thì tanh bành lá hẹ rồi còn đâu chi nữa em ơi.
Theo Thầy cho biết, Thầy về dạy Taberd từ năm 1966, do Frère Hiệu Trưởng Désiré Lê Văn Nghiêm mời, lúc đó Thầy dạy chương trình Pháp (section Française), lớp Seconde tương đương lớp 10 chương trình Việt. Năm 1971, thày phụ trách ba lớp Đệ Tam (lớp 10) dạy môn Lý Hóa, và ngoài ra Thầy cũng dạy thí nghiệm về môn Hóa các lớp 10 ở Taberd.
Năm 1976 Taberd bị đóng cửa, Thầy qua dạy ở Marie Curie, như bao nhiêu các Thầy Cô lúc bấy giờ, thân phận các Thầy Cô và trò tan tác mỗi người một nơi, các Thầy cô phải chịu sự điều động và phân công đi khắp nơi, có khi xa thành phố đến những nơi xa lạ. Tuy nhiên cái mà các Thầy cô đôi khi cảm thấy mình hụt hẫng, là chưa theo kịp lối sinh hoạt mới ngày ấy. Tôi cũng đã từng có cái cảm giác hụt hẫng đó, khi tôi rời Taberd và học trong những ngôi trường xa lạ, thấy nhớ về cái không gian quen thuộc, từng cái ngỏ nghách trong sân trường, từng Thầy Cô và bạn bè quanh tôi ngày nào. Hẳn là các Thầy Cô cũng thế, nhưng biết làm sao hơn được vì đó là những thời cuộc thay đổi, và mọi người đều cố gắng thích nghi với cuộc sống mới.
Năm 1990, Thầy xin nghỉ dạy với lý do sức khỏe yếu, nhưng tôi có thể hiều cái Sĩ của Thầy, của một người tri thức không thể hòa hợp và thích nghi được với cuộc sống mới. Có những Thầy Cô vì không vượt qua được cái khắc nghiệt của cuộc sống lúc bấy giờ, nên đành tìm quên lãng trong men rượu.
Viết về Thầy con phục cái Sĩ nơi Thầy, cái Sĩ và cái Tâm của người trí thức.
Môn Toán và Thầy Hà Ngọc Cư
Năm học lớp Bảy tôi còn dẫn đầu lớp về môn toán, nhưng từ lớp Tám trở đi tôi đuối dần. Một phần vì có lần mấy anh em nhà họ Koch chả biết từ đâu đến, đi ngang qua Taberd thấy tôi ngồi cú rũ, buồn thỉu buồn thiu học bài một mình, những tên khác hình như đang mắc bận chạy theo mấy cô áo hồng Thiên Phước hay túm tụm tập nhảy đầm nên tụi nó xà vào tấn công tôi, cho đến một ngày bác sĩ báo tin tôi bị lao phổi (phải chi tụi nó lựa Sơn Mập, với tấm thân mỡ màng của nó, ngon phải biết! Chọn chi cái thứ ốm nhom ốm nhách như tôi). Một phần tôi gặp ông Thầy dạy "dở" (ý nghĩ của tôi vào lúc đó).
Người Thầy mà tôi cho là dạy “dở ẹc” này không ai khác hơn là Thầy Hà Ngọc Cư.
Năm đó tôi được học môn Quỹ Tích, mỗi ngày tôi nhớ Thầy lập đi lập lại nguyên tắc sau trong suốt năm học: “Các em nhớ, Toán học chỉ là Phân Tích và Tổng Hợp, Tổng Hợp và Phân Tích”. Nghe thì nghe chứ tôi chẳng hiểu phân tích cái gì và tổng hợp cái gì và thật sự chẳng hiểu ông Thầy mình muốn nói cái gì. Trong môn Quỹ Tích đại khái "một điểm biểu diễn chung quanh một điểm cố định, trong một khoảng cách nhất đinh và trên một mặt phẳng, sẽ tạo ra một vòng tròn vv.., và ..vv”. Đơn giản như vậy mà học tới học lui học xuôi học ngược cả năm không hiểu thì rõ ràng là Thầy dạy không hay!
Ngồi trong lớp nghe giảng thì lơ tơ mơ, chỉ chờ được về nhà để nằm vật ra giường vì bị anh em nhà thằng Koch nó hành, trời ạ, chẳng còn thiết tha gì đến chuyện học với hành nên tôi cũng không buồn cố gắng tìm hiểu cái nguyên tắc Phân Tích và Tổng Hợp của Thầy. Rồi thì năm học cũng qua đi và tôi cũng mất luôn danh hiệu học sinh xuất sắc về môn Toán.
Về sau lên Đại Học, tôi mới hiểu rõ hơn về môn học Quỹ Tích và càng ngày tôi lại càng hiểu hơn cái mà Thầy Cư muốn truyền đạt cho đám học trò. Nguyên tắc của Thầy không chỉ áp dụng trong Toán học mà còn cả trong đời sống thường ngày. Đi làm, ông Chef giao cho công việc, cũng phải đọc lướt qua phân tích xem ổng muốn cái gì rồi mới đúc kết lại và sau đó thì cắm đầu cắm cổ mà làm. Cũng chẳng đâu xa, mới đây nè, các bạn trong Taberd chấm Ọt muốn lập ra một quỹ tương trợ, cũng có một nhóm thầy bàn soạn thảo một mớ chi tiết, bàn bạc tới lui lấy ý kiến chung. Cứ phân tích rồi tổng hợp, đọc bản tổng hợp rồi lại phân tích, rồi làm bản báo cáo tổng hợp cuối cùng để đặt ra phương án làm việc cho quỹ. Sao mà nhớ Thầy Cư quá xá đi.
Giờ đây mỗi lần nhớ và nghĩ về Thầy, tôi luôn tự trách mình lúc đó đã không hiểu hết ý nghĩa những lời giảng huấn của Thầy lại còn hăng hái chê Thầy dạy dở. Và không biết từ lúc nào tôi "XIN RÚT LẠI Ý NGHĨ THẦY HÀ NGỌC CƯ DẠY DỞ ẸC”.
Còn một việc quan trọng nữa mà tôi suýt quên, xin thưa cùng các bạn là tôi đã hết bị bịnh phổi từ lâu lắm rồi nên mấy ông bạn nào nói chuyện Xì Kai với tôi không sợ tụi thằng Koch tấn công. Chúng nó chết hết rồi. Xin hết.
Cô Giáo cũ
Một lần nọ lên mục sân trường thấy bạn Nguyễn Ngô Hùng nhắn tin tìm Cô Trần Thị Lệ Oanh. Hơn nữa lại biết thêm một tin buồn là Cô đã qua đời, trong lòng tôi dấy lên một cảm giác xao xuyến, một nỗi buồn khó diễn tả.
Cô dạy Pháp Văn, có vẻ nghiêm nghị, dáng người cao lớn rắn rỏi so với những phụ nữ bình thường, Cô thường hay mặc áo dài màu xanh lá cây đậm, hơi ngả nâu. Thú thật là tôi không biết rõ về Cô lắm vì ngày xưa cứ thấy bóng dáng Cô từ xa xa là tôi vội vàng tránh né, không phải vì Cô dữ đòn hay đánh học trò như Cô Évelyne của Võ Long Hải, mà là tôi có một kỷ niệm đặc biệt riêng với Cô. Vào khoảng năm lớp Sáu, tôi học môn Pháp văn với Cô, không nhớ vì nguyên nhân gì mà tôi và một vài bạn khác có một lần ghé nhà thăm Cô. Sau khi trò truyện thăm hỏi chán chê, tự nhiên Cô hỏi tôi có muốn làm con nuôi của Cô không? Phản ứng tự nhiên của tôi lúc đó là làm thinh rồi tìm cách chuồn.
Những ngày sau đó, hết giờ học với Cô là tôi vội vàng ba chân bốn cẳng ra khỏi lớp rồi lủi mất tiêu. Thuở ấy tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản là tôi còn có Cha mẹ, gia đình thì sao nhận lời làm con nuôi của Cô được. Tôi cũng không hề thắc mắc lý do tại sao Cô lại muốn có một đứa con nuôi mà chỉ biết gặp Cô là tìm cách lánh né vì không biết ăn nói làm sao với Cô ... Đó là lý do mà tôi không gần gũi với Cô và không biết thêm gì về Cô. Ngày qua tháng lại, Cô không nhắc đến chuyện đó nữa và dần dà câu hỏi của Cô cũng phai mờ trong ký ức tôi. Giờ đây ngồi nhớ lại chuyện xưa, có một chút gì đó làm lòng ray rứt. Phải chi ngày ấy tôi mạnh dạn nói với Cô, có thể làm cho Cô vui và cũng có thể làm cho Cô buồn nhưng ít ra Cô cũng có câu trả lời.
Ngày hội ngộ Lasan Taberd trong chương trình Nhớ Ơn Thầy Cô, cho dù tôi không thể về dự, nhưng vẫn nao nức trông chờ.
Và Cô Lệ Oanh đã ra đi, không còn dịp cho đám học trò nhỏ mà ngày xưa Cô đã từng chăn dắt có cơ hội nói lên lời tri ân, nhưng riêng tôi xin thắp cho Cô một nén hương lòng.
Cô Lê Thị Như
(Kính tặng Cô Lê Thị Như, Hướng Dẫn lớp 5/5, niên khóa 1971-1972, Lasan Taberd)
Les petits nains de la forêt, Ont d'amusantes barbichettes. De beaux yeux couleur de noisette, Et d'étranges petits bonnets. Dansez, petits nains ... |
Tiếng hát của những chú học trò nhỏ Tabériens vẫn văng vẳng đâu đây. Quyện vào đó, những điệu nhảy mềm mại của họ trong phục sức "barbichettes", trong sân trường Taberd, hình như muốn kêu gọi quan khách và các bạn ðồng nhịp trong vài phút thoải mái của ngày giải trí hào hứng.
Nhắc đến Cô Như, tôi nhớ đến giọng Pháp rất "Parisienne" của cô. Một chất giọng nhỏ, trầm, nhưng rất là "décisive". Vì tiếng của Cô nhỏ, không đủ làm cho đám giặc chúng tôi chú ý, nên lớp chúng tôi thường hay ồn ào trong giờ của cô. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại nghe Cô lớn tiếng:
- Silence !
Nhưng đến lần thứ hai: "Silence, S.V.P.!", thì thế nào cũng có một trự bị khẻ tay làm gương!
Bóng rổ Taberd và Thầy Nguyễn Công Minh
Trên phương diện thể dục, Lasan Taberd rất có tiếng về môn bóng rổ. Nếu chúng ta có thể xây dựng được một “Taberd-Basketball Hall of Fame,” thì người tôi muốn đề cử thành hội viên tiên phong phải là Thầy Nguyễn Công Minh.
Taberd ngày đó có 3 đội banh: đội A gồm những cựu học sinh Taberd và một số các anh xuất sắc trong lớp 12, đội B gồm những cầu thủ trong các lớp trung học, và đội C thì có cầu thủ của thiếu sinh tiểu học. Anh họ của tôi (Phạm Chí Thành) ở trong đội B, nên tôi theo anh tập chơi bóng rổ và gia nhập đội C. Tôi biết Thầy Minh ở thời gian này, dạo đó tôi gọi bằng anh Minh vì Thầy (đang còn là sinh viên đại học Sàigòn) là huấn luyện viên cho đội A/B. Trong giới sinh viên cũng như dân bóng rổ chuyên nghiệp ở Sàigòn, Thầy rất nổi danh; ngoài sinh hoạt ở Taberd, Thầy còn là cầu thủ cột trụ của đội sinh viên Saigon.
Đối với bọn nhóc chúng tôi Thầy Minh là một thần tượng của Taberd, vì Thầy chơi banh rất giỏi, công cũng như thủ, và Thầy bao hết các vị thế trong sân. Vì tài nghệ của Thầy đến mấy đẳng trên hết các anh trong đội A, những buổi chiều ở Taberd xem Thầy tập dượt cho đội A/B, tôi hay có chút ấm ức vì Thầy cứ phải nương tay cho các anh đội A mà họ vẫn không theo kịp. Những lần biết Thầy sắp đấu cho Taberd A hay cho đội sinh viên Sàigòn là tôi có một nỗi háo hức trông cho đến ngày; tôi nhớ khi xem Thầy đấu chọi những đội như trường Bác Ái (Collège Fraternité), cục Chiến Tranh Chính Trị, hay đội Hải Quân có những tay nhà nghề nổi danh trong đội tuyển quốc gia như là Chí Chảy (tay này bắn banh từ giữa sân như cơm sườn), thấy Thầy nhấp họ bay như châu chấu, tụi tôi có một niềm hãnh diện về dân Taberd mình.
Những lúc tập dượt banh, Thầy rất nghiêm và đòi hỏi tất cả các anh trong đội phải trau dồi những cú căn bản kỹ càng. Chêm vào đó là những giây phút thật vui lúc Thầy cho đội banh nghỉ xả hơi; tất cả ngồi quây quần ở dưới cột bóng rổ (phía bên cánh trái khán đài, có bóng mát lớn), lắng nghe Thầy đùa rỡn về chuyện “trai gái,” xong cười phá lên với nhau.
Về sau, thêm với vai trò huấn luyện viên bóng rổ, Thầy có dạy Công Dân Giáo Dục trong lớp 8. Tôi nhớ hình ảnh Thầy đứng thẳng người, tay chắp sau lưng, bên cạnh lớp đang xếp hàng trong sân trường; Thầy rất diện ăn mặc, áo chemise soie cài khuy manchette, quần tây gabardin à la mode, mang giầy Gia láng cón. Bọn nhóc chúng tôi hay xầm xì với nhau xem Thầy đang ngắm cô giáo nào để chiều ra sân riễu Thầy.
Sau này ở bên Hoa Kỳ có tay cầu thủ bóng rổ nổi danh hoàn cầu Michael Jordan với những cú chọi banh ngoạn mục và anh ta đã được mệnh danh là poetry in motion. Đối với riêng tôi, hình ảnh người cầu thủ bóng rổ mang cặp kính cận gọng mầu đen, trong bộ đồng phục Lasan Taberd mầu trắng, dành banh ở sân trong, nhấp đối phương “dương Đông kích Tây” để tìm khe hở lên banh hay chuyền banh cho đồng đội, người cầu thủ này luôn có một nét điềm đạm bình thản trong không khí tranh đấu hỗn độn ... Thầy Nguyễn Công Minh, một bài thơ mà tất cả anh em bóng rổ Taberd chúng tôi sẽ không bao giờ quên.
Những cái tên, những hình ảnh !
Từ lúc vào học tại trường Lasan Taberd năm 1964 cho đến khi rời trường vì hoàn cảnh lúc niên học 1971-1972.
Trong khoảng thời gian mà tôi học tại Taberd, có lẽ là thời gian rất lớn lao trong đời tôi , mặc dù nay tóc đã đổi màu theo năm tháng nhưng những kỷ niệm trong vòng 8 năm xưa ấy không thể nào mà tôi quên được, nhất là những hình ảnh và bóng dáng các Frères và Thầy Cô.
Quên sao được những hình ảnh ấy, quên sao được những khuôn vàng thước ngọc kia. Từ những Frères Hiệu Trưởng, từ những Frères Giám Học ngay cả "Ông Ngoại Jean" với những lời la rầy khi chúng tôi chơi "đá gà" hoặc thằng này cõng thằng kia để "đá ngựa" như những phim "La Mã" của ngày nào!
Có thể vào những năm học 10ème, 9ème hay 8ème, chúng tôi còn quá nhỏ nên không mấy gì nhớ đến kỷ niệm thời học sinh nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến hình ảnh của các Thầy Cô, trong đó có một "Bà Giáo" ở lớp 10ème4. Tại sao tôi lại không nhớ được những năm 9ème và 8ème mà chỉ nhớ đến lớp 10ème ? Vì Bà Giáo ấy là người Tây, nhưng tiếc rằng tôi đã quên tên của Bà! Nhưng trong đầu tôi hình ảnh cùng những lời giảng dạy của Bà như vẫn còn văng vẳng bên tai.
Nối tiếp theo thời tiểu học là những năm của bậc trung học. Thầy Võ Văn Mậu, Thầy Trần Văn Phước, Cô Trần Thị Lệ Oanh, Cô Nguyễn Thị Kim Thạch và còn nhiều Thầy Cô khác đã đem lại cho chúng tôi những kiến thức và lễ phép. Các vị đã dạy dỗ chúng tôi với hết cả tấm lòng và hy vọng là lũ học trò một ngày nào đó sẽ thành đạt.
Ngày hôm nay, mặc dầu ở nhiều địa vị khác nhau trong xã hội, chúng tôi, những đứa học trò của thuở xưa vẫn luôn nhớ về những người đã cho chúng tôi những điều hay, những lẽ phải, những hiểu biết, những lễ phép lẫn những tình cảm của tình Thầy Trò!
Có lẽ, hai thập niên nữa, ở tuổi thất tuần, đầu bạc răng long, tôi cũng sẽ không quên những hình ảnh này và mỗi khi gặp lại tôi cũng xin thưa: Dạ! Thưa Frère, Dạ ! Thưa Thầy hay Dạ! Thưa Cô. Đây là sự cám ơn chân thành của một người học trò ngày xưa, đã, đang và sẽ không bao giờ quên ơn của Thầy Cô.
Kính về Thầy Cô
Frère Ephrem Tú: một người trưởng, một người anh
Năm 70-71, Taberd có thêm một chức vụ mới là Tổng Linh Hoạt. Chúng tôi không mấy đứa hiểu chức vụ này nghĩa là gì, nhưng rồi đứa nào cũng biết người đang nắm giữ chức đó: Frère Ephrem Trần Ngọc Tú. Nhiệm vụ chính của Tổng Linh Hoạt là giữ gìn kỷ luật của trường. Nhưng "có áp bức là có đấu tranh", mà đám giặc nhỏ nào có dể gì để bị cai trị đâu. Chuyện đầu tiên là đặt cho Frère một biệt hiệu, đó là "Tú Bà". Trước giờ học hay trong giờ chơi, các đám học trò hay phá quấy thường tụ họp nhau. Khi có đứa nào la lên "Tú Bà" là cả bọn một là cất dấu tang vật, ngưng ngay chuyện đang làm hay là bỏ chạy tán loạn. Thú thật với các bạn, tôi cũng là một thành viên trong các đám đó nên tôi vẫn còn nhớ rõ. Sau này có lần tôi hỏi Frère có biết chuyện này không, Frère cười và nói:
- Biết chứ sao không biết! Tớ còn biết là các cậu gọi tớ là "Tú Bà" là vì tớ mặc váy còn "Tú Ông" là dành cho Thầy Tú vì hắn mặc quần.
Trong năm ở Taberd, Frère không dạy môn nào mà chỉ lo chuyện kỷ luật cho cả Trung Học lẩn Tiểu Học, nên học sinh không đứa nào mà không biết Frère. Và tôi nghĩ chắc chắn chẳng có mấy đứa thích Frère đâu. Trong giờ chơi, Frère đi lại trong sân trường giống như cá mập bơi ngoài biển. Đi đến đâu bầy cá nhỏ tản ra đến đấy. Frère lại gần thì đứa nào cũng né. Thỉnh thoảng, có những đứa hô to "Tú Bà" rồi biến vào đám đông. Bây giờ hỏi lại các bạn học cũ thì đứa nào cũng đã chứng kiến ít nhất một chuyện trừng phạt của Frère Tú dành cho mấy đứa bị tóm vì vi phạm kỷ luật. Chuyện bộp tai, đá đít và các món ăn chơi khác là chuyện thường ngày trong sân trường ngày đó. Ngoài ra, trong giờ học Frère thường xuyên qua lại các hành lang để xem có đứa "xấu số" nào bị các Thầy Cô cho ra cửa đứng vì tội quậy phá trong giờ học. Mấy đứa này sẽ được gởi xuống phòng Tổng Linh Hoạt nhờ "giữ giùm". Đến giờ chơi thì mấy đứa học trò “xấu số” này giống như được trưng bày trong phòng triển lảm, đám bạn cùng lớp cứ qua lại nhìn rồi chọc quê. Mấy đứa bị phạt bên trong chỉ biết nhìn và hẹn sẽ "báo chù".
Tôi có dịp tiếp xúc với Frère Tú nhiều hơn các bạn vì thời gian đó tôi sinh hoạt trong đoàn Hùng Tâm do Frère Tú, thay thế Frère Thanh Trung, phụ trách. Lúc đầu, tụi tôi cũng không thích lắm vì trong mắt mỗi đứa Frère Tú cứ như là "hung thần", nhưng cũng đành chịu vì không có cách gì khác hơn. Thế nhưng chỉ sau vài buổi sinh hoạt sự việc đã thay đổi. Chúng tôi đã thấy một Frère Tú khác hẳn, vui vẻ và dễ gần hơn. Frère đã thật sự là một người Trưởng: ca hát, hướng dẫn trò chơi, và sinh hoạt với chúng tôi. Trong các kỳ trại, Frère càng gần với chúng tôi hơn nửa vì không có chiếc áo dòng đen. Những lúc đó chúng tôi có thể nói chuyện với Frère như với một người anh lớn về tất cả mọi chuyện kể cả những chuyện bên ngoài cổng trường. Những lúc đó và sau này khi có dịp tiếp xúc với các Frère và Thầy Cô khác, tôi nghiệm thấy là các Thầy Cô, các Frère đều là những người bình thường, dễ gần gũi và rất thương học trò. Còn các gương mặt nghiêm nghị hay lạnh lùng trên lớp học là cần thiết để đối phó và dạy dỗ lũ nhỏ được xếp hạng sau quỉ và ma, là bọn học trò chúng ta đó.
Rất tiếc là Frère Tú chỉ ở Taberd có một năm rồi chuyển lên Lasan Mossard. Đến nay tôi vẫn nhớ nhiều về những kỷ niệm với "Tú Bà".
Những người đi qua đời tôi
Thời gian qua đi tựa như giòng nước trôi, trôi mãi. Tôi, một học sinh của Lasan Taberd ngày nào giờ đây tóc cũng đã điểm màu cùng năm tháng. Trường xưa vẫn còn đó, kỷ niệm năm nào vẫn còn đây, trong những năm dài xa quê hương, xa trường cũ, xa những hình ảnh mà tôi không thể nào quên được. Đó là hình ảnh của các Sư Huynh, các Thầy và các Cô dưới mái trường xưa.
Giờ đây, ngồi nhìn lại hình ảnh của các Thầy Cô qua trang web Taberd.org. Ảnh của Frère Marcien Thiện, của Cô Nguyễn Thị Kim Thạch ngày nay và các khuôn mặt xưa kia của Thầy Võ Văn Mậu hay cô Trần Thị Lệ Oanh đã đưa tôi về dĩ vãng của bốn thập niên trước, về với khung trời cũ của tuổi học trò áo trắng quần xanh. Tuổi mang nhiều kỷ niệm, với bạn bè, với trường lớp và nhất là với Thầy Cô.
Những lời nói, những cái nhìn trìu mến của các Thầy Cô và các Frère đối với lũ học trò nhỏ ngày xưa vẫn còn in đậm trong tâm tưởng của tôi. Tôi vẫn nhớ về những mẫu chuyện nhỏ mà Thầy Mậu đã kể lại cho chúng tôi trong lớp học về đời của Thầy. Tôi vẫn hình dung lại được nụ cười và lời nói của Cô Oanh, ánh mắt nghiêm nghị của Frère Marcien và những bài giảng của Cô Thạch.
Năm tháng trôi nhanh, tất cả chỉ còn là kỷ niệm nhưng đó lại là những kỷ vật vô giá mà tôi đã và sẽ mang theo trong suốt cuộc hành trình sau này. Cho tôi được nói lên lời biết ơn chân thành của một đứa học trò đã không quên sự dạy dỗ của các Thầy Cô, các Frère của Taberd, những người đã đi qua đời tôi.
Mong muốn rất đơn giản của tôi là được gặp lại những Thầy Cô như một đứa học trò của bốn thập niên trước đến ngày tựu trường. Dẫu biết rằng có những người đã ra đi về phương trời vĩnh viễn, ngày mà tôi gặp lại những Thầy Cô còn lại có lẽ ngày ấy sẽ tựa như là ngày sinh nhật thứ hai của tôi.
Xin kính tặng các Frère, các Thầy Cô của Taberd, tôi cũng không quên những vị đã ra đi và tôi xin dành một câu kinh cầu nguyện cho cô Trần Thị Lệ Oanh.
Kính các Thầy Cô
Ký ức về Taberd Sàigòn
Để tưởng nhớ về Sư Huynh Félicien Huỳnh Công Lương, Edmond Nguyễn Văn Công, Bonnard Bá, những Sư Huynh và bạn bè khác đã vĩnh viễn ra đi ...
Tất cả đều mất đi.
Chỉ có kỷ niệm là còn ...
Lasan Taberd không phải một tên dễ nhớ cho mọi người, nhưng ai ở lứa tuổi tôi đều biết Lasan Taberd nằm giữa lòng thành phố Sài Gòn số 53 đường Nguyễn Du là đồng nghĩa với “du học”. Mong ước từ mái trường này chúng tôi có thể tự tin sau khi tốt nghiệp, du học nước ngoài mà không nhiều lo lắng như những sinh viên từ mọi nơi.
... Sau khi đậu Tú Tài I với hạng Bình, tôi xin chuyển lớp 12B2 ở Taberd Saigon. Vì anh tôi có ước mơ từ thuở nhỏ là mong được đi du học cho nên anh khuyên tôi nên nộp đơn vào Taberd Sàigòn vì đa số học sinh trường này khi học xong trung học đều dễ dàng xin đi du học. Đầu tháng bảy năm 1972 tôi và ông anh tôi đến gặp Sư Huynh Edmond Nguyễn Văn Công để xin vào học lớp 12B2 Tư Thục Taberd Sàigòn. Sư Huynh cho biết muốn vào Taberd phải thỏa mãn 3 điều kiện - đậu Bình Tú Tài I, phải có giấy giới thiệu của Sư Huynh hiệu trưởng trường Lasan Khánh Hưng Sóc Trăng về hạnh kiểm tốt và nộp Học bạ với điểm và phê bình tốt. Tôi nản lòng và nghĩ “ôi chao, sao mà khó khăn quá anh Hai ơi, hay ta thử nộp vào trường công như Pétrus Ký xem sao chứ bây giờ em chỉ hội đủ có điều kiện thứ nhứt thôi à”. Chúng tôi hẹn với Sư Huynh sẽ trở lại trong một tuần để nộp đơn đầy đủ ...
Như dự định, chúng tôi đến gặp Frère Edmond ở Taberd để nộp đơn. Cánh cửa tương lai của tôi bắt đầu từ đây. Frère Edmond nhìn xong tất cả hồ sơ và nói “rất tốt”. Hú vía. Tôi xin thưa thêm với Sư Huynh “Thưa Sư Huynh em không có đạo xin Sư Huynh được miễn làm những nghi lễ trong lớp như những bạn có đạo khác”. Sư Huynh trả lời “Mặc dù đây là trường tư thục với xu hướng Công giáo nhưng ban giảng huấn luôn rộng mở để đón những người ngoại đạo, em đừng lo, Sư Huynh cho phép em được miễn làm những nghi lễ của Công Giáo trong lớp học nhưng ngoài ra cũng như tất cả các học sinh khác em phải tuân theo qui luật chung của trường có nghĩa là mặc đồng phục quần tây đen áo trắng với phù hiệu Lasan Taberd, mang giầy, đi học đúng giờ và tất cả những qui luật khác của nhà trường ... ”.
Vì là học sinh từ dưới tỉnh ra thành thị nên tôi rất bỡ ngỡ với trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới và nhứt là cách dạy học cũng mới lạ ...Cũng may được các bạn mới làm quen giúp đỡ tôi rất nhiều như Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Quang Nam, Lý Thanh Bình, Nguyễn Quang Thành, v.v
Đa số những cours của lớp 12B2 được các Sư Huynh đảm trách ngoại trừ môn Toán do Thầy Lê Mậu Thống (Chu Văn An), Địa lý với Thầy Đặng Đức Kim, Vạn vật với Thầy Nguyễn Văn Đàng và Triết với Thầy Trương Đình Tấn. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tên tôi chỉ được ghi vào bảng học sinh ưu tú môn Công dân (SH Trần Quang Nghiêm) mà thôi.
Sư Huynh Edmond dạy Pháp văn kiêm Giám Học lớp tôi vì thế Sư Huynh rất nghiêm khắc. Trong lớp Sư Huynh chỉ nói chuyện bằng tiếng Pháp với học trò mặc dù chúng tôi đang học chương trình Việt của trường Taberd Sàigòn - là trường song ngữ dạy hai chương trình: Pháp - Việt. Hai buổi học ba giờ Pháp văn mỗi tuần nhưng trong lớp Sư Huynh nói chuyện trăng gió gì đâu không. Dạy sinh ngữ Pháp thì ít nhưng bàn chuyện đức hạnh, thời sự trong ngày và chính trị thì nhiều ... nhưng bằng tiếng Pháp ... Và mỗi buổi học Sư Huynh chỉ cắt nghĩa và đào sâu một vài chữ văn phạm tiếng Pháp nhưng chúng tôi hiểu rất rõ và tường tận sau đó. Học ít nhưng hiểu rất sâu xa và vững chắc từng chữ tiếng Pháp ...
Sau kỳ thi Đệ nhất lục cá nguyệt, tôi cảm thấy lo lắng vì chỉ vừa học xong vài chapter của cuốn Cours de Langue II và không biết đến bao giờ mới xong quyển sách này để có khả năng thi Tú Tài 2. Nhưng đến cuối năm rồi tôi cũng học khá nhiều từ vựng tiếng Pháp, văn phạm vững chắc ...
Sư Huynh Bonnard Hồ Đình Bá dạy Anh văn. Mỗi buổi học Sư Huynh mời một cô người Mỹ (Marian Thompson?) vào lớp để trò chuyện thời sự bằng tiếng Anh và sau đó bà dọ hỏi một vài câu hỏi để hỏi ý kiến của học trò. Tôi nhớ một lần cô ấy nói xong một đề tài và hỏi trong lớp có ai có ý kiến hay hỏi gì không. Do dự đắn đo một vài giây mà không thấy ngón tay nào đưa lên, Sư Huynh chỉ vào anh bạn ngồi cùng bàn dãy thứ hai với tôi, anh chàng nầy sợ không biết trả lời thế nào nên nghiêng đầu qua một bên thế là ngón tay của Sư Huynh chĩa hướng trúng anh bạn ngồi bàn thứ ba phía sau. Anh bạn bàn thứ ba này lắc đầu ngần ngại không đứng lên trả lời làm Sư Huynh có vẻ không hài lòng lắm. May mắn thay một anh bạn khác khá tiếng Anh hơn đưa tay trả lời hộ. Sau giờ đầu, cô người Mỹ ra về, Sư Huynh mắng cả lớp bằng một giọng trầm trầm miền Trung “Chúng bay, đứa nào cũng muốn đi du học hết thế mà chỉ có một câu tiếng Anh mà không trả lời nổi”... Sau tháng 7 năm 1975 tôi có dịp gặp lại Sư Huynh Bonnard ở một nhà dòng Montréal và tôi có nhắc lại chuyện cũ này, Sư Huynh bảo “nhờ mắng như vậy mà tụi bây mới được đi du học đó đây đấy nhé ...”. Vài năm sau Sư Huynh Bonnard dọn về Maryland và mất tại đây, khoảng năm 1998....
Trải qua một quãng thời gian dài lê thê trên xứ người và lăn lộn trong cuộc sống thời sinh viên nghèo khổ cũng như lúc đi làm bình thường bằng nghề Kỹ Sư, đã làm cho tôi gần như quên hẳn kỷ niệm với bạn bè cũ của trường Taberd. Nhân kỳ về thăm quê hương gần đây, tôi tìm thấy cuốn Kỷ Yếu Lasan Taberd 72-73 nằm nguyên vẹn trong một góc tủ, thế là bao hình ảnh cũ, kỷ niệm xưa bừng bừng sống lại. Trong tập Kỷ Yếu có liệt kê những cựu học sinh, giáo viên và ban Giám thị trường với những sinh hoạt của trường bằng hình ảnh cũng như những trang dành để vinh danh những học sinh xuất sắc trong từng bộ môn và từng lớp. Tập Kỷ Yếu được phát hành đặc biệt cho từng niên khóa với hình ảnh từng học sinh các lớp sắp sửa ra trường cũng như còn đang ở tại trường với đầy đủ dư liệu về tên tuổi, cảm nghĩ của các Thầy Cô cho từng năm học. Đây là một món quà rất quí giá cho học sinh về sau, có dịp xem lại những kỷ niệm thuở học trò ...
Đã hơn 37 năm xa cách, cuộc đời trôi nổi bôn ba ngồi ôn lại quãng đời học sinh, Taberd Saigon là ngôi trường tôi còn giữ nhiều ấn tượng, vì đây là nơi mà môi trường cạnh tranh học tập mãnh liệt nhất trong cuộc đời học tập của tôi và cũng là nơi đã tạo nhiều kiến thức căn bản rất quan trọng giúp tôi làm hành trang du học Canada năm 1973. Nhân dịp tiểu hội ngộ với vài cựu Taberd như Đạo, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Ngọc Thuần, Việt và Tăng Hùng tuần rồi tại Montréal đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng để viết vài cảm nghĩ này về trường Taberd. Nhớ những Sư Huynh và Thầy Cô đã hết lòng giảng dạy để đào tạo cho đàn em những kiến thức căn bản cho cuộc đời. Có những Sư Huynh, Thầy và bạn đã vĩnh viễn ra đi, những người còn lại thì tuổi trẻ cũng không còn.
Là cựu học sinh Taberd nhưng dù ở phương trời xa thẳm nào, người ta vẫn không quên mái trường xưa tường vàng yêu dấu. Bao cảm giác bồi hồi khi những kỷ niệm hiện về theo trí nhớ, Thầy cũ bạn xưa ... Bây giờ bạn bè cùng lớp ở tuổi trên năm mươi và cũng sắp về hưu. Cho nên thông qua bài viết này để bày tỏ lòng kính trọng và cám ơn các Sư Huynh và Thầy Cô đã dạy dỗ chúng em ...
Không thể nào quên được ngày cuối cùng đến trường để lãnh Kỷ yếu Taberd và học bạ cuối năm, tôi cố gắng len lỏi vào sân tập thể thao của trường để tận mắt xem những cựu Taberd trình diễn văn nghệ như anh Joe Marcel, anh Trường Kỳ, ban nhạc Tùng Giang, v.v. Giờ đây các Frère Edmond, Bonnard, SH Nguyễn Ngọc Lộ, Félicien Huỳnh công Lương, Thầy Lê Mậu Thống, Thầy Trương Đình Tấn, Thầy Đặng Đức Kim, Thầy Nguyễn Văn Đàng không còn dạy dưới mái trường thân yêu này nữa. Các Thầy và Sư Huynh giờ đây đang ở đâu, có còn sống khoẻ mạnh và an vui trong tuổi về chiều! ...
Hy vọng một ngày nào đó trở về nơi xưa được nhìn thấy lại “Lasan Taberd Sàigòn”, được gặp lại các Sư Huynh, bạn cũ trường xưa. Nhìn thấy đàn em thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, được nghe lời Thầy giảng, giờ học tiếng Pháp, tiếng Anh từ ngôi trường mà nơi đó tôi đã ra đi hơn 37 năm trời ...
Người Thầy Hướng Dẫn Khải Đạo
Năm 1973, nhà trường thành lập văn phòng Hướng Dẫn Khải Đạo do Thầy Nguyễn Văn Tới phụ trách. Mục đích của văn phòng này là giúp học sinh sắp sửa ra trường có thêm khái niệm trong việc chọn lựa ngành học tương lai và cũng đồng thời giải đáp các thắc mắc của các học sinh về cuộc sống. Văn phòng Khải Đạo đã tổ chức cho học sinh thăm viếng các cơ sở kỹ nghệ như nhà máy bia, hãng dệt, viện Pasteur, v.v. để giúp học sinh có cái nhìn thực tế hơn trong chuyện chọn ngành học cho tương lai. Qua các chương trình đó, tôi có dịp tiếp xúc với Thầy Tới nhiều hơn là qua những giờ học Pháp Văn trên lớp, tôi thấy Thầy rất dể gần gũi và thân thiện với học trò. Sau đó vì phải đối phó với thay đổi của luật Tổng Động Viên, tôi chuẩn bị nhảy bỏ lớp 11 lên thẳng lớp 12. Thế nên tôi đã nhiều lần nhờ Thầy hướng dẫn thêm về chuyện chọn ngành học. Thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc định hướng cho việc học hành và giúp tôi tự tin hơn trong năm tôi học lớp 12.
Nhưng rồi mọi việc đã thay đổi vào cuối năm học 75, tôi đã không cần chuẩn bị gì nữa. Việc học không còn là vấn đề chính để lo nghĩ vì cuộc sống hàng ngày còn có những lo toan lớn hơn nhiều. Trong những năm tháng đầy âu lo đó, tôi và vài đứa bạn nữa vẫn giữ liên lạc với Thầy, lúc đó Thầy đã chuyển về trường Thạnh Mỹ Tây. Chúng tôi hay tới nhà Thầy để tâm sự, trao đổi với Thầy về những lo lắng, trăn trở trước những thay đổi quá lớn của cuộc sống của chúng tôi cũng như của chính gia đình Thầy. Thầy đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện ngày xưa khi Thầy đi du học với ý muốn vào ngành Ngoại giao hay trở thành thông dịch viên cho Liên Hiệp Quốc của Thầy trước khi về dạy tại Taberd. Những chuyện mà lúc đó chúng tôi tưởng như là chuyện đọc trong sách vì quá xa vời với cuộc sống trước mắt. Thầy còn kể cho chúng tôi nghe về những chuyện thường ngày trong ngôi trường mới để rồi cùng lo lắng cho tương lai. Thầy trò thường nhắc nhau là cố giữ vững niềm tin chờ cho ngày mai tươi sáng hơn, những khó khăn lúc đó chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng tôi vẫn nhớ rất nhiều về những lần gặp Thầy trong thời gian này.
Tôi xin cám ơn Thầy về những gì Thầy đã cho chúng tôi: kinh nghiệm sống và tình cảm trong giai đoạn khó khăn. Đối với tôi đó là những điều quý báu nhất mà người Thầy có thể dành cho học trò của mình. Thầy đã không chỉ là người khải đạo nhưng còn là người đi cùng chúng tôi trên những đoạn đường đầy bất trắc đã qua.
Cô Giáo Quốc Văn đầu tiên của tôi
Năm 1968, trường Taberd đã chuyển các lớp cấp dưới sang chương trình Việt. Chúng tôi đã không còn học lớp 7ème nữa mà là lớp Nhất. Tất cả môn học đều chuyển qua tiếng Việt. Arithmétic được thay bằng Toán, Leçons de Choses thay bằng Thường Thức, và lại có thêm môn Quốc Văn. Năm đó chúng tôi học Quốc Văn với cô Chu Thị Vân Anh. Cô Vân Anh với dáng vẻ dịu dàng và giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rất nghiêm nghị. Tôi nhớ là tuy Cô không dùng hình phạt đòn roi bao giờ nhưng những giờ Cô dạy lúc nào lớp cũng trật tự hơn những giờ học các môn khác. Đầu năm học đó, tôi rất ngán môn Quốc Văn vì tôi chưa quen viết nhiều bằng tiếng Việt. Tập bài làm môn này của tôi bị Cô sửa tan nát. Sau vài tháng học, không hiểu sao mà dần dần tôi lại bớt sợ môn Quốc Văn mặc dù bài làm vẫn còn sai rất nhiều. Cô đã rất tận tâm và kiên nhẫn sửa cho tôi những câu viết ngây ngô và những bài luận văn không có cấu trúc gì hết. Và rồi từ bớt sợ dẫn đến yêu thích, tôi đã thật sự ham thích học Quốc Văn. Cuối năm học, một điều không ngờ đã xảy ra: tôi được xếp hạng Nhì môn Quốc Văn!
Tôi xin cám ơn Cô Vân Anh thật nhiều về những gì Cô đã cho tôi: sự yêu mến, hãnh diện về tiếng Việt phong phú của một người Việt Nam. Cho đến ngày nay tôi không phải xấu hổ vì là người Việt Nam nhưng mà lại không rành tiếng Việt (mặc dù tôi vẫn còn nhiều sai sót). Chính nhờ Cô, Cô Giáo Quốc Văn đầu tiên của tôi, mà tôi đã vượt qua được những trở ngại ban đầu trong việc học tiếng Việt.
Cầu thủ Bóng Rổ: Martial Lê Văn Trí
Học sinh Taberd ai mà không biết đến Frère Martial Lê Văn Trí, Phụ tá Hiệu trưởng kiêm Giám Học các lớp 8 và 9. Frère Martial có tiếng là nghiêm khắc và khó tính nên học sinh đứa nào cũng ngán ông hết. Tuy nhiên có một Martial Trí khác mà không mấy ai biết đến: Martial Trí, Cầu thủ Bóng Rổ. Sau đây là vài câu chuyện về người cầu thủ bóng rổ này:
Dạo đó anh em trong đội banh chúng tôi (C lên đến B) hay tập dượt mỗi chiều sau giờ tan học. Chúng tôi rất lười tập những món căn bản như chạy banh, chuyền banh, nhảy chụp banh dội bảng, v.v. và chỉ trông ngóng đến lúc chia đội ra để đấu với nhau, vừa đấu banh vừa đấu mõm rất vui. Và thường khi sắp đến giờ đấu banh, thì luôn luôn từ trên nhà dòng tiến xuống khán đài là bóng dáng thân ái của Frère Martial; sau khi tan trường thì Frère không mặc áo dòng khoác màu đen mà thay quần thô nâu với áo chemise tay ngắn mầu xám, mang dép cao su. Frère đi xuống sân, vào giữa đám anh em chúng tôi đang chia đội, để hai đội đấu "dành" lấy Frère. Đội nào cũng luôn “dành nhường” Frère cho đội kia, chúng tôi hay cằn nhằn lén với nhau về kỹ thuật dằn banh của Frère "ổng đập với táng banh, làm mất banh hoài!” Và ngay cả đội đối phương của Frère cũng bị điêu đứng những lúc phòng thủ Frère, vì ông mang dép chứ không mang giày Bata như tụi tôi, thằng nào cũng sợ dẫm chân ông hay đạp đứt dép ông thì bỏ xừ.
Vậy mà có lần Lý Minh Sơn (Harlem) trong lúc dành banh, và vì mải mê ăn thua đủ thể thao hết ga, chen vô đạp đứt dép ông rồi chạy luôn, không cần biết Frère là ai. Và Nguyễn Phước Hải (Hà) cũng thế, trong một lần tranh banh với Frère, vô tình thúc cùi chỏ vô cằm Frère; thấy vậy Nguyễn Hữu Đức run rẩy hỏi: "Bộ mày đánh trúng ổng hả?" Hà mặt mày còn xanh lét, nhìn chỗ khác trả lời: "Ừ". Thế mà Frère vẫn thản nhiên, chân mang dép đứt cằm sưng tím bầm, tiếp tục lăn sả vô sân trong dành banh cho đội. Và, thể hiện cho tinh thần thể thao cao thượng của cầu thủ Martial Trí, Sơn Harlem và Phước Hà, từ sau hôm đó vẫn tiếp tục được ở trong danh sách học sinh ngoan của Frère Giám Học Martial Lê Văn Trí.
Trong dịp Lasan Hội Ngộ năm 2010, các em trong đội bóng rổ Taberd 76 xin đề tặng đến Frère Martial Lê Văn Trí, người cầu thủ dù không ra quân đấu trận nhưng luôn hăng say tập dượt cùng đội với hết tinh thần thể thao, chức vị duy nhất, “Cầu Thủ Danh Dự của Đội Bóng Rổ TABERD 76”.
Nhắc lại chút kỷ niệm để chia xẻ tiếng cười với nhau, các em luôn kính nhớ đến Frère với tấm lòng ưu ái tri ơn Frère và các Sư Huynh cùng các Thầy Cô đã hy sinh cả cuộc đời để dìu dắt dạy dỗ tuổi trẻ Việt Nam.