- Những bài hát tuổi học trò - (những ngày cuối tháng 6-2010)
- Chuyến cứu trợ cuối cùng - (tháng 5 năm 2010)
- Chuyện xưa, bây giờ mới kể - (tháng 5 năm 2010)
- Sói con Taberd - (10 tháng 5 năm 2010)
- Vai diễn khó quên - (6 tháng 5 năm 2010)
- Những trò chơi tuổi học trò - (5 tháng 5 năm 2010)
- Taberd, những mẫu chuyện cũ - (tháng 4 năm 2010)
- Một lần đi xưng tội - (tháng 3 năm 2010)
- Chú Xệ - (tháng 2 năm 2010)
- Các món ăn khoái khẩu - (tháng 2 năm 2010)
- Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (4) - (Xuân Canh Dần 2010)
- Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (3) - (Xuân Canh Dần 2010)
- Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (2) - (tháng 2 năm 2010)
- Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (1) - (tháng 2 năm 2010)
- Một lần là tởn - (tháng 1 năm 2010)
- Các trang sáng tác khác
- Kỷ niệm 3 năm Taberd.org (2012)
- Bạn bè năm xưa (2010)
- Bạn bè năm xưa (2011)
- Cảm xúc (2009)
- Cảm xúc (2010 - Phần 1)
- Cảm xúc (2010 - Phần 2)
- Cảm xúc (2011 - Phần 3)
- Cảm xúc (2012)
- Những câu chuyện vui (2010)
- Những năm tháng qua (2010)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 2)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2010)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2012 - Phần 2)
Một lần là tởn
Tôi thuộc loại lớn con trong lớp nên thường được xếp ngồi ở các bàn khu cuối lớp. Năm tôi học lớp Tám 6 (70-71), tôi ngồi ở bàn gần cuối và kế cửa sau, bên cạnh Phạm Công Minh.
Một hôm trong giờ Pháp văn của Thầy Phan Thăng, Minh khều tôi và đẩy qua một tờ giấy tập đã có một dấu thập ghi trước để rủ tôi đánh carô. Thường thì tôi không chơi không phải vì ngoan nhưng vì nhát, nhưng hôm đó không biết ma đưa lối quỷ dẩn đường gì đó mà tôi ghi và đẩy lại cho nó, bàn đầu tôi thua nên nóng máu chơi tiếp qua bàn nửa, tôi thắng lại và qua tới bàn thứ ba, đang bất phân thắng bại thì lớp học sao nghe yên lặng quá. Nhìn lên thì tôi thấy thầy Thăng đã ngưng giảng bài và nhìn về hướng hai đứa tôi. Tôi lật đật lấy cuốn tập che tờ giấy đang chơi carô.
Trời đất ơi, mối nguy hiểm không phải từ thầy Thăng trước lớp mà ngay sau lưng hai đứa, Thầy Nguyễn Văn Hòa Giám thị đã đứng sau lưng hai đứa không biết từ bao giờ. Thầy xách tai lôi hai đứa ra hành lang. Tôi còn nhớ cảnh cả hai thằng rúm người lại và đưa tay che mặt vì các bạn còn nhớ thây Hòa nổi tiếng về món gì rồi mà. May sao hôm đó thầy Hòa không ra tay mà chỉ lôi hai thằng xuống đứng gác cửa phòng Frère Martial Lê Văn Trí cho đến hết ngày hôm đó thôi. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác hết hồn khi nhìn lại thấy thầy Hòa đang đứng sau lưng.
Bây giờ không biết Minh đã ở phương trời nào và không biết nó còn nhớ chuyện này không ? Và tôi ngồi nghĩ lại lại thấy mình may mắn hơn anh chàng Nguyễn Văn Em nhiều, tội lổi của tụi tôi rỏ ràng mà chưa sao, chẳng bù cho anh ta, đường đường một đấng trưởng lớp lại bị tai nạn nghề nghiệp (xem Học Sinh Xuất Sắc).
Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (1)
Năm học lớp 7, tôi còn nhớ môn trò chơi mà bọn tôi khoái nhất là môn banh bàn, cứ mỗi lần chuông reo giờ ra chơi là mau chân chạy xuống mua mấy đồng jeton, rồi chạy đi lựa bàn tốt để chơi cho đã. Do chơi nhiều lại sợ tốn tiền, vì có những lúc bỏ đồng jeton vào rồi, kéo cái cần là mấy trái banh nó chạy ra, đôi khi máy bị kẹt hay bị tuột tay nên nhiều lúc phải co chân đạp mạnh thì banh mới chạy ra, nên tôi nghĩ ra một cách chơi ăn gian, khi kéo cái cần ra tôi lấy một que kem dẹp nhét vào, chêm cứng để cái cần không thụt vào, thế là tha hồ chơi thoải mái, cứ đá vào lỗ gôn là banh lại tự động chạy ra, đã vậy tôi còn chỉ cách cho các bồ bịch trong lớp chơi theo kiểu này cho đỡ tốn tiền, khỏi mất công chạy đi mua jeton mất thì giờ.
Có một lần, trong lúc đang say sưa hò hét chơi banh bàn với các chiến hữu trong lớp, cái trò ăn gian của tôi bị phát hiện, thế là bị kêu lên phòng Giám học và bị consigné (cấm túc) một buổi sáng ngày Chúa Nhật, Cũng may là Frère Giám học các lớp 6-7 là frère Marcien Luật, Frère rất hiền nên những ai bị consigné được tập trung lại, sau khi nghe giảng một bài moral ngắn xong, được phân công mỗi người một việc như dọn dẹp sổ sách cho gọn gàng, rồi quét nhà, làm xong thì mới được về, khỏe re. Tụi tôi lại thỉnh thoảng tiếp tục chơi trò ăn gian cho đến khi chán cái bàn banh thì mới thôi.
Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (2)
Năm tôi học lớp 8, tôi đã được ông anh ruột dặn dò về Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Hòa, rất dữ, và còn dữ hơn nữa là Frère Giám học Martial Lê Văn Trí, phụ trách các lớp 8, 9, 10, liệu mà học hành nghe thằng em. Tôi cũng chỉ được nghe khuyến cáo của ông anh như vậy thôi chứ, có biết Frère ra sao đâu, nên trong lòng cũng hơi sờ sợ.
Thầy Hòa thì năm lớp Nhất 11 đã biết tiếng của thầy rồi, năm đó phá phách nhất lớp là tên Jean Ta Dzi, và đã bị Thầy cầm cây roi mây bắt nằm xuống và cho ăn 5 cây, tôi còn nhớ đánh xong Thầy đứng xuống tấn, biểu diển vận nội công làm cả lớp con nít chúng tôi mặt mày xanh lè vì sợ.
Học lớp Tám 3 một thời gian tôi mới thấy lời dặn dò của ông anh là đúng, có một lần vào giờ Quốc Văn do thầy nghỉ đột xuất, cả lớp đang ồn ào bàn tán chắc được nghỉ 1 tiết, thì thấy Frère Martial Trí lù lù đi vào, lập tức cả lớp im phăng phắc nín thở, hôm đó Frère vào dạy thế, và bài giảng hôm đó Frère giảng về Thơ Đường Luật của thời nhà Đường, sau khi giảng xong Frère búng tay cái tróc (búng tay và đòn bạt tai là thói quen của Frère), rồi đưa ra câu hỏi:
- Các em có biết ông Tổ Nhà Đường là ai không?.
Cả lớp im lặng, bỗng phía dưới bàn cuối dãy B có một tiếng kêu lên:
- Thưa Frère là em ạ.
Thế là cả lớp có dịp cười ầm lên, và nhìn xem ai mà xâm mình thế, à thì ra tên Nguyễn Anh Văn chứ ai, không biết hắn có mơ ngủ không mà dám trả lời như vậy, phải nói nhìn khuôn mặt Frère Martial lúc đó mặt đỏ lên vì giận, Frère ào ào đi xuống và môt cái tát được giáng xuống ngay trên má của tên Anh Văn, nổ đom đóm mắt với chín ngôi sao bay vòng quanh, từ đó hắn chết cái tên là ông Tổ Nhà Đường luôn.
Những bạn nào học lớp Tám 3 đều biết đến giờ Pháp Văn của Frère Agilbert Cách, cả lớp ồn ào và siêu quậy vô cùng, nhất là 2 giờ ngày thứ bảy, và cả lớp thường bị bắt ở lại lớp đến 12 giờ mới được cho về. Đến nỗi có lần Frère Martial đích thân cầm cây roi mây vào lớp rồi phán:
- Tôi nghe nói lớp này phá lắm phải không? sau đây xin mời các vị có tên sau đây lên bảng, đầu tiên là vị Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Đình Đạt, Nguyễn Kiến Hoàng Hùng, mời các vị lên đây, còn cả lớp chú ý.
Thế là ba thằng nằm dài trên bảng và mỗi em được sơi 10 cây roi mây đau quắn cả đít, sau khi hăm he một lúc Frère rời khỏi lớp, lúc đó cả lớp mới thở phào nhẹ nhõm. Còn có nhũng giờ Pháp Văn, Frère vào dạy thế và thường đi tới đi lui dòm mặt từng người, rồi búng tay cái tróc và chỉ vào một người nào đó rồi phán:
- Em chia verbe aller ở thì future coi, hay đọc một đoạn văn bằng tiếng Pháp coi.
Tay nào vì khớp khi nghe gọi tên, chia lộn sang thì passé composé, hoặc ấp úng đọc bài không trôi chảy, là thế nào cũng bị nhéo tai kèm theo lời mỉa mai:
- Học sinh Taberd là vậy đó hả, về nhà nuôi heo đi đừng đến trường nữa.
Và còn một kỷ niệm đáng nhớ về Frère Martial nũa mà có lần ông anh ruột đã kể cho tôi nghe, vì ỗng cũng tham gia vào vụ này, và về sau Lý Minh Sơn có nhắc lại. Đó là khi tại rạp ciné Rex có trình chiếu cuốn phim Love Story, mà ở Việt Nam đã được nghe nhạc trước rồi, nhạc đã hay rồi chắc phim còn hay hơn nữa, do đó khi nghe phim đã được chiếu ở rạp Rex gần trường, nên ai cũng háo hức chờ dịp đi xem, lại có vài người đã được xem rồi về kể lại thêm thắt hơn nữa, nên anh em càng nôn nóng hơn.
Thế là vào một buổi sáng, hình như vào ngày thứ bảy, thấy sỉ số học sinh vài lớp vắng mặt nhiều, có lớp vắng gần nửa lớp, nhất là các lớp lớn, thế là Frère martial mở cuộc điều tra, và sau đó đứng kiên nhẫn trước cửa rạp Rex chờ giờ tan xuất phim. Lúc tan buổi chiếu vì đang hào hứng bàn tán về chuyện phim, đến chừng nghe bên tai một giọng quen thuộc vang lên:
- Mấy em đi xem phim có hay không?
Đến chừng quay lại thì chết cha Frère Martial tụi mày ơi, thế là thằng nào nhanh chân chạy thì thoát, còn cứ tên nào áo trắng tay xách cặp mang phù hiệu Taberd, là bị túm áo và được ghi tên, lớp vào sổ. Ông anh tôi nhờ nhanh trí tháo cái phù hiệu bằng kim khí, và núp vào toilet đợi êm êm rồi mới chui ra nên thoát, hậu quả của việc xem phim này là về mời phụ huynh lên gặp Frère Martial và bị trừ điểm hạnh kiểm trong tháng.
Đó là những kỷ niệm về Frère Martial Trí, Giám học các lớp 8, 9, 10 mà tôi còn nhớ, kỷ niệm thật đáng nhớ và đẹp của một thời áo trắng phải không các bạn thân yêu?
Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (3)
Hồi học lớp 6 hay lóp 7 gì đó, mỗi lần ra chơi tụi tôi hay thường chổng mông chơi bắn bi, không thì túm tụm hai, ba thằng ngồi bà tám với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chán chê thì rủ nhau chia làm hai phe chơi trò rượt đuổi, hoặc chia phe đánh nhau. Ngày ấy sân trường thường chật cứng người, vì ra chơi mọi người phải xuống hết sân chơi, riêng cái đám nhóc hiếu động như tụi tôi nào có chịu ở yên một chỗ đâu, làm như không chạy thì tay chân nó ngứa ngáy hay sao ấy, hết chạy lên cầu thang rồi lại chạy xuống, rồi có lúc chơi trò trốn tìm sục sạo trèo lên cả nhà nguyện nằm ở dãy lầu giữa, khi thì mải mê trốn chạy ra trước khuôn viên nhà trường, đến khi bị nắm áo đuổi vào mới thôi. Hết giờ ra chơi vào lớp thì quần áo lúc nào cũng sộc sệch, mồ hôi mồ kê ướt đẫm áo, đôi khi áo còn bị đứt nút nữa.
Dạo đó giờ ra chơi mấy anh lớp lớn hay đứng túm tụm lại vừa ăn, uống, vừa nói chuyện, ý là ta đây cũng lớn rồi đâu có chạy chơi lung tung như cái đám con nít tụi tôi, và cũng vì thế mà những lúc đám nhóc đang say mê chia phe đánh nhau, thấy quân địch rượt sau lưng quá rát thế là cứ cắm đầu cắm cổ chạy, có khi bí quá nhào đại vô mấy anh đang đứng chơi vừa núp vừa đánh trả lại quân địch, có lúc hăng máu vì bị đòn đau tụi tôi đánh loạn xạ chơi lầm cả mấy ổng luôn, cho nên cái chuyện mấy ổng tay cầm nửa ổ bánh mì, hay bịch nước đang ăn dở dang bỗng bị văng mất tiêu hồi nào không hay là chuyện thường tình ở huyện, và tụi tôi cũng thường xuyên bị ký đầu đá đít như cơm bữa mà có thằng nào ngán đâu.
Rồi có một ngày, có một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không quên được dù đã xảy ra lâu rồi, thường thì mỗi lần đến giờ ra chơi trong sân trường có các Frère già như Frère Calixte, Frère Jean Thuận, Frère Jourdain Thiện, ... hay đi dạo quanh trường, hễ thấy chỗ nào học sinh bu đông lại là biết thế nào cũng có đánh lộn, các Frère đến can thiệp cấp kỳ, hay có em nào chạy chơi bị té là dẫn lên phòng y tế gấp. Bữa đó tụi tôi chia làm hai phe đánh lộn chơi, toàn là bồ bịch trong lớp không, bữa đó coi bộ cũng hăng máu và đấm đá sung lắm, nhất là thằng Nguyễn Mạnh Sa, tôi và một thằng nữa bị địch truy sát sau lưng, nên chạy thục mạng có để ý gì phía trước đâu, vừa chạy vừa quay đầu ra phía sau, tới chừng nghe một cái uỵch rồi tối tăm mặt mũi, lúc định thần nhìn lại phía trước thoáng thấy bóng một chiếc áo đen quen thuộc quá, thì cũng đã trễ rồi, mà có thấy đi nữa thì làm sao thắng kịp, đang chạy trối chết vì cái thằng Mạnh Sa nó lại hò hét rượt đuổi sau lưng ghê quá, thế là Frère và trò cùng nằm lăn ra đất chỏng gọng, tới chừng nhìn kỹ lại thì là Frère Calixte chớ còn ai nữa, chết mẹ chưa, không biết Frère có chửi thầm trong miệng hay không, nhưng nhìn Frère hơi nhăn nhó nên tôi nhanh trí vừa lẹ làng đỡ Frère dậy, vừa rối rít xin lỗi lia lịa, nên chỉ bị nhéo tai và nghe dọa:
- Chạy thì chạy, nhưng cấm em đụng đến Frère một lần nữa nghe, một lần nữa thôi là toi mạng nghe em.
Và đó cũng là một trong những kỷ niệm đáng yêu của một thời áo trắng sân trường ngày xưa.
Nhất Quỷ, Nhì Ma, Thứ ba Học Trò (4)
Năm lớp 8-3 tụi tôi học giờ Hội Họa với Thầy Lê Minh Ngữ, một người rất có tài về Hội Họa, và cũng có nhiều đệ tử do thầy đào tạo đoạt những giải thưởng Quốc Tế. Thầy cũng hiền chứ không dữ dằn lắm, nhưng thầy cũng có ngón đòn dành cho những tên nào làm biếng và phá phách trong giờ vẽ của thầy, đó là món bấm tai nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết, và ít nhiều gì cũng có đôi lần bị nếm qua, phải biết là nhớ đời luôn, cả cái tai nó buốt tê tái, nguyên cái vành tai nó đỏ ửng lên rát ơi là rát, đôi khi còn bị sưng vù lên một cục, ai cũng thấy rét mỗi khi bị Thầy thưởng cho món bấm tai.
Và Thầy Ngữ đối với tôi cũng có một kỷ niệm khó quên, số là trong một lần vào giờ vẽ cuối lúc sắp sửa ra về, do giờ vẽ cuối nên trong lớp lúc ấy rất ồn, Thầy đã bực mình lên tiếng nhắc nhở rồi lớp có im lặng được đâu, lại thêm cái xóm nhà lá ở cuối dãy C tụi tôi phá phách nữa. Hồi đó đất nước đang bị chiến tranh dữ dội, nên trên TV hay có những bài hát khích lệ tinh thần các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường, trong đó có bài Hội Nghị Diên Hồng.
Trong lúc ngồi chờ sắp sửa đến giờ ra về, xóm nhà lá tụi tôi gồm các tên Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kiến Hoàng Hùng, Phạm Hoàng Phát, Nguyễn Đình Đạt và tôi bày trò văn nghệ văn gừng, hát bài Hội Nghị Diên Hồng, tôi đươc phân công gõ trống miệng, thằng Hùng thì hát, còn lại là phụ họa, thế là bắt đầu thằng Hùng xướng lên:
"Toàn Dân Nghe chăng, tùng tùng tùng tùng tùng (tôi gõ trống miệng theo) Sơn Hà Nguy Biến, tùng tùng tùng tùng tùng Hận thù đằng đằng, nên Hòa hay Chiến",Đến đây tự nhiên cả xóm nhà lá hứng khời đồng loạt la lên; "Quyết chiến, Quyết chiến", mà quên đi Thầy Ngữ nãy giờ đang để ý đến cái xóm nhà lá tụi tôi, vừa lúc đó chuông reng báo giờ tan học, bà con bắt đầu thu dọn cặp vở thì Thầy Ngữ mới lên tiếng:
- Mấy ông tướng Hải, Chính, Hùng, Phát, Đạt đọc kinh xong ở lại theo tôi lên văn phòng Giám Học, chịu mấy ông luôn.
Thế là cái tinh thần yêu nước của tụi tôi xìu như cái bánh tráng bị nhúng nước, nghe lên phòng Frère Martial Lê Văn Trí là đã thấy mặt mày xanh lè rồi, và kết quả sau đó là cả bọn được nhận chỉ thị như sau:
- Ngày mai về kêu ông già của các cậu lên đây gặp tôi gấp, để nói chuyện hạnh kiểm của các cậu, còn không có là au revoir khỏi trường đó nghe.
Và đó cũng là một kỷ niệm đáng yêu của một thời áo trắng sân trường.
Các món ăn khoái khẩu
Dân Taberd nhà mình ngày xưa đi học mà được đưa đón trước Bưu Điện chắc ai cũng ít nhất một lần thưởng thức món Bánh đúc chiên (hay là Bột chiên) và món Gỏi khô bò. Hai món đặc sản này nếu đã nếm qua chắc khó mà quên được phải không quý vị Taberd nhà mình ?
Bánh đúc chiên Taberd đã được chiên sơ sẵn, khi có khách thì cô xúc ra bỏ lên chảo chiên lại cho hơi cháy. Mỗi miếng bánh được chiên sao cho mềm mềm và dòn dòn, cộng với hương vị tuyệt hảo của nước tương pha ớt hơi cay cay, những ai đã thưởng thức qua đều không thể nào quên đúng không ạ ? Tôi đã nghiện món này từ ngày đó nhưng hơn 35 năm qua, đi ăn bánh đúc chiên rất nhiều nơi nhưng không thể tìm được hương vị bánh đúc chiên Taberd của ngày xưa, nó thật tuyệt vời.
Bây giờ đến món gỏi khô bò, các bạn có còn nhớ gỏi khô bò Taberd cái gì là ngon nhất không ? Xin thưa đó là gan khô bò cháy đúng không ạ. Miếng gan này khi cắn vào thì ôi thôi, nó béo béo ngậy ngậy, và lại còn mềm mềm thơm thơm nữa chứ. Ngày xưa khi ăn món này anh em nhà mình chỉ nghỉ đến chuyện khoái khẩu, các bạn có ai còn nhớ chú bán rửa cái đĩa nhôm đựng gỏi sau khi ăn xong ra sao không ? Đĩa đũa dùng xong tất cả được vứt vào thùng nước, khi rãnh rổi, chú lấy ra ngoáy sơ sơ rồi lấy khăn khô quét qua một cái, thế là xong. Đũa đĩa mới lại được sẵn sàng để phục vụ cho khách mới. An toàn vệ sinh thực phẩm được coi như pha.
Vài dòng về những kỷ niệm xưa, dù đã qua lâu nhưng nó vẩn còn mãi trong ký ức không thể nào quên.
Chú Xệ
Không biết từ bao giờ ông chủ quầy bánh kẹo trường mình có cái tên Xệ. Có phải từ Pâtissier mà ra hay Xệ là tên ông chủ quầy. Hẳn anh em mình không thể quên được ngày xưa mỗi lần ra chơi là anh em ta bu đầy quanh quầy chú Xệ. Cảnh xô đẩy chen lấn, leo lên cả bệ ngăn cộng với mớ âm thanh lộn xộn: "Xệ cho con ổ bánh mì, Xệ cho chai xá xị, đồng xí muội đi Xệ ... và ..." . Chú Xệ và những người phụ bán quýnh quáng, tay chụp tiền tay đưa đồ, miệng la í ới để vãn hồi trật tự, nhưng cảnh chen lấn kêu gào của đám con nít ranh vẫn không thuyên giảm mà còn dữ dội hơn. Ai cũng muốn mua được cho nhanh để còn thời gian chạy chơi vì giờ ra chơi dường như quá ngắn ngủi. Lúc này đây tác phong nghiêm chỉnh xếp hàng trật tự của dân Taberd đã biến đâu mất, mục tiêu duy nhất là phải được giải quyết nhanh bất chấp chung quanh.Những hình ảnh xô đẩy chen lấn, những âm thanh quen thuộc : Xệ, Xê, ... đã đi qua rất lâu nhưng chắc không thể quên được vì nó đã được in sâu vào ký ức của anh em Taberd mình.
Một lần đi xưng tội
Tôi không nhớ rỏ là chuyện này xảy ra vào năm nào vì đã quá lâu, nhưng tôi nghĩ là vào năm tôi học 10ème hay 9ème gì đó. Chắc các bạn còn nhớ là ở các lớp Tiểu học, mỗi tháng hay mỗi hai tháng các Frère có tổ chức cho các bạn Công giáo xưng tội tại nhà nguyện Taberd do cha Paulus Nguyễn Văn Mười ngồi tòa. Những lần đầu thì có Frère hay thầy dẩn lên tận nhà nguyện, nhưng sau vài lần thì các bạn được tự mình đi. Mỗi lần như vậy thì đứa nào cũng khoái vì được đi trong giờ học, vừa đi vừa ngó vô các lớp khác xem tụi bạn học ra sao, hay chọc ghẹo lẫn nhau om xòm đến nổi các thầy đang dạy trong lớp cũng phải ra dấu im lặng.
Hôm đó, sau khi frère Giám học Calixte vào xin Thầy cho mấy đứa có đạo đi xưng tội, tụi tôi được tự mình đi lên nhà nguyện. Muốn đi lên nhà nguyện, trước hết phải lên lầu ba, băng qua dãy nhà cũ rồi qua lối đi nối giữa trời để qua đến khu nhà Trung ương, sau đó lên một tầng để đến Nhà Nguyện. Khu nhà này là nơi các Frère làm việc mà tôi chưa bao giờ được tới sau khi đã học tại trường mấy năm. Tôi đang đi sau chót trong đám, đáng lẽ phải đi lên để tới nhà Nguyện thì tôi lại đi xuống. Tôi nghĩ có lên thì cũng phải ngồi chờ vì mỗi lần chỉ có một đứa xưng tội thôi. Tôi đi vòng vòng trong tầng dưới, qua các phòng tò mò ngắm nghía không biết đó là các phòng gì. Thình lình, tôi giật mình thấy có một bóng áo đen hiện ra ở khúc quanh. Tôi định co giò chạy nhưng đã quá trễ vì người đó đã thấy tôi. Khi người đó đến gần hơn, tôi nhận ra đó là frère Hiệu trưởng Félicien. Lúc đó chắc mặt tôi xanh lên vì sợ. Sau mấy năm học tại trường, đối với tôi, Frère Hiệu trưởng vẫn là một người quá cao để thằng nhóc tôi có thể đến gần. Tôi chỉ nhìn thấy Frère từ xa xa trong các buổi chào cờ hay các buổi lể. Tôi biết chức Hiệu trưởng là lớn nhất trường, là xếp của tất cả các Frère trong trường, là một người mà tôi không nghĩ là có thể đến gần để nói chuyện. Vậy mà bây giờ người đang đứng trước mặt tôi! Frère hỏi tôi:
- Con đi dâu đó ?- Dạ, con đi xưng tội.
- Con đi xưng tôi sao lại xuống đây?
- Dạ, ... con không biết chỗ, quýnh quá tôi nói đại luôn
- Để Frère chỉ chỗ cho con.
Frère Félicien nói nhỏ nhẹ, rồi nắm tay tôi dẫn trở lên nhà nguyện trên lầu. Vừa đi, Frère vừa hỏi tên và lớp học của tôi, làm tôi càng sợ hơn. Đến nơi Frère chỉ cho tôi chỗ tòa giải tội mà đám bạn cùng lớp còn ngồi đó, dù tôi đã biết rồi, rồi Frère trở xuống. Tôi ngồi đó, lòng lo sợ rằng không biết Frère có biết là tôi đã nói dối không và hình phạt dành cho tôi sẽ ra sao nếu tội nói dối với Frère Hiệu trưởng bị phát giác . Đến nay, tôi không nhớ là có xưng thêm tội nói dối hôm đó không. Cả tuần lể sau đó, tôi cứ sống trong sự lo lắng là sẽ bị frère Hiệu Trưởng cho mời Cha Mẹ vô để cảnh cáo. Thời gian qua, vẫn không có chuyện gì xảy ra. Nhưng có một điều chắc chắn xảy ra là những lần đi xưng tội sau đó tôi không còn dám đi xuống mấy tầng dưới của tòa nhà Trung Ương nữa.
Kính xin frère Félicien tha thứ cho con về tội nói dối này.
Taberd, những mẫu chuyện cũ
(Thân tặng những người bạn học Taberd cùng trang lứa với tôi).
Hồi đó trước khuôn viên của trường hay trồng cây Lá Thuộc Bài, cả một hàng cây được xếp thẳng hàng ngay ngắn trước khu nhà chính giữa, lúc ấy tụi tôi đã học lớp 6, 7, vậy mà vẫn tin lời người lớn nói, nếu ép cành lá thuộc bài vào sách hoặc tập vở, thì học bài sẽ mau thuộc hơn và còn học giỏi nữa, thế là đám nhóc tụi tôi đua nhau lén chạy ra bứt cành cây rồi đem ép vào sách, vở rồi ngồi chờ xem có học bài mau thuộc không, cứ thế nên mấy chậu cây Thuộc bài cũng xác xơ theo, cho đến khi frère Giám học kêu lại phạt đứng tại chỗ mới thôi.
Ngày trước, ở cuối dãy lầu lớp 6, 7 góc Hai Bà Trưng và Gia Long cuối sân trường có một khoảng đất trống, nơi đây trường có xây chuồng và nuôi vài con thú như sóc, thỏ, rùa, chim chóc, ... giống như một thảo cầm viên thu nhỏ, dành cho các học sinh tụi tôi có chỗ để vui chơi, ngoài ra còn có một hồ cá hình tròn, to nằm chính giữa với hòn non bộ cây cối mọc rất đẹp, trong hồ nuôi cá chép và cá bảy màu tung tăng bơi lội, nên giờ ra chơi cái đám nhóc lớp 6, 7 tụi tôi khoái ra đây chơi.
Nhà trường cấm học sinh bắt cá trong hồ, nhưng theo model hồi đó lớp 6, 7 tụi tôi có cái phong trào đứa nào cũng đeo cái bình nước lủng lẳng bên hông, thôi thì đủ màu sắc luôn trông thật vui mắt, sẵn có cái bình nước bên hông, tụi tôi nảy ra cái trò bắt cá đem về nhà, mà mấy chú cá khôn quá cứ thấy bóng người là lảng ra liền, khó mà bắt được, rồi tôi quan sát thấy mọi người hay quăng ruột bánh mì xuống hồ, thế là các chú cá bảy màu đua nhau rỉa mồi, tôi mới nghĩ ra một cách, là bỏ ruột bánh mì vào một cái bao nilon rồi thả xuống nước, ngồi chờ một lát thì thấy mấy chú đua nhau chui vào bao nilon để ăn, thế là chỉ việc kéo cái bao lên rồi cho mấy chú vào bình nước thì đố ai thấy, đua nhau bắt cho đến khi không còn một chú cá bảy màu nào nữa mới thôi.
Sau này, có một trái đạn đi lạc vào khu này, làm sập một góc chuồng thú và giải thoát cho cái đám thú nhỏ luôn, nhà trường cho phá ra để xây chỗ đi vệ sinh, hồ cá thì giữ lại mãi sau này mới lấp đi.
Trong những trò nghịch ngợm trong lớp, thì cái trò đem trái mắt mèo vào lớp là đám nhóc tụi tôi sợ nhất, trái mắt mèo với những sợi lông nhỏ mà đụng vào nó, hay vô tình ngồi lên chỗ nào có rắc lông mắt mèo thì ngứa vô cùng, càng gãi càng ngứa, gãi đến sướt da luôn, chỉ có cách hơ lửa là may ra bớt ngứa, vậy mà có một thời cái trò chơi này được tung ra trong các lớp 7, lớp 8, và đã có đứa bị đuổi học vì dám bôi lên bàn ghế của Thầy Cô, do đó chỉ một thời gian ngắn cái trò đùa quái ác này mới chấm dứt.
Năm 69, một sự kiện khoa học làm chấn động cả Thế Giới, mà học sinh Taberd cũng bàn tán sôi nổi không kém. Đó là việc đổ bộ Nguyệt Cầu của Phi Thuyền Apollo 11, mà tin tức được các báo đài cũng như được truyền hình Mỹ kênh số 11 ở VN tường thuật, một mặt trăng tối hù lạnh lẽo và vắng lặng, không một sinh vật hay sự sống nào trên đó, và từ nay cái sự kiện này cũng chấm dứt câu chuyện huyền thoại về một mặt trăng, có chú cuội, cô Hằng Nga và cây đa, mà lâu nay trẻ em VN vẫn thường biết đến vào ngày Lễ Trung Thu.
Thế là vào ngày lễ rước kiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm nay 8-12, ngoài tượng Đức Mẹ như thường lệ, phía sau còn có thêm mô hình phi thuyền Appollo 11, một đoàn người xếp hàng tay cầm nến trắng đi theo kiệu một vòng quanh sân trường, rồi từ từ tiến về Thánh Đường Taberd để tham dự buổi thánh lễ tối hôm đó.
Do trường Taberd toàn con trai với nhau không, nên thỉnh thoảng vào những dịp lễ, Tết có những trường bạn cũng toàn con gái không, như Gia long, St Paul, Thiên Phước, ... được phép vào trường để bán báo của các trường ấy, thường thì các em xuất hiện vào những lúc ra chơi, thôi thì các anh Taberd gặp mấy em như mèo thấy mỡ, nhất là các đàn anh lớp lớn thì huýt sáo la ó inh ỏi, mặc dù dân Taberd cũng bị gọi là: Đẹp Trai, Con nhà giàu, Học giỏi nhưng Nhát Gái, làm các em quýnh quíu cả lên, cứ túm tụm lại 4, 5 em đi cứ như là chạy, có một lần lớp tôi 8-3 đang thay quần áo để ra sân trong giờ thể dục, thì thấy mấy em Gia Long đi ngang qua, thế là có mấy tên như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kiến Hoàng Hùng, để nguyên cái quẩn slip mà đứng chặn mấy em, làm mấy cô đỏ mặt chạy tán loạn, cả lớp hùa theo la chí chóe. Cũng nghe mấy anh lớn kể chuyện cứ mỗi lần anh em Taberd đem báo Liên Sinh của trường sang các trường nữ khác, dù là trường các soeur đi nữa cũng bị các chị tập trung la ó không kém, thôi thế thì hòa cả làng.
Cái Năm 72-73 lúc tôi học lớp 9-6, không hiểu sao cái phong trào chơi tem rộ lên khắp trường, cứ trước lúc vào học hay lúc tan trường là tụi tôi hay ra vỉa hè trước cổng trường, xế bên Bộ Nội Vụ hay vỉa hè trước bưu điện thành phố, xà vào chỗ người bán tem với cái thùng carton lớn, đựng toàn album tem, đủ mọi con tem của các nước trên thế giới, đủ kiểu dáng đủ màu sắc rất hấp dẫn đối với tụi tôi, thế là cứ chúi đầu say sưa ngồi lựa, lúc nào lựa được con tem hiếm và ưng ý thì cảm thấy sung sướng lắm, nhất là lâu lâu vớ phải những con tem ngoài Hà Nội, hay của Trung Cộng thì lấm la lấm lét dấu kĩ, giống như đang giữ cái gì quý hiếm lắm, chỉ cho những thằng bạn thân nhất xem thôi, lúc đó trong cặp của tụi tôi ngoài sách vở ra còn có truyện tranh, thêm cuốn album tem cùng cái nhíp dùng để gắp tem, rồi giấy bóng kiếng để bọc tem, còn có đứa kĩ hơn thì có thêm chiếc kính lúp cho ra vẻ dân chuyên nghiệp, vào lớp là lén lút trao đổi tem cho nhau hoặc mua đi bán lại.
Vì trường ở gần Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn nên mỗi lần phát hành một con tem mới, là Bưu Điện sẽ đóng dấu ngày Phát hành đầu tiên, thế là tụi tôi sau khi mua con tem mới dán vào tờ giấy trắng rồi xếp hàng chờ đóng dấu, những con tem này cũng được dân chơi tem ưa chuộng, ngoài ra dân chơi tem còn phân biệt hai loại tem, tem mà đóng dấu gọi là tem chết, còn chưa đóng dấu gọi là tem sống, những con tem mà có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên thì cũng có giá trị. Có một lần vì say mê sưu tầm tem, tụi tôi không ngần ngại đến những cái thùng thư để rải rác dọc đường hay trước cửa Bưu Điện, lấy cái que khều những lá thư trong đó ra rồi lột con tem xong bỏ lại vào thùng thư như cũ, cho đến khi nhân viên bưu điện phát giác và la lên mới thôi.
Ngày đó, các lớp 8, 9 vào ngày thứ bảy thường ra về trước các lớp 11, 12 đến hai tiếng, do phải chờ ông anh tan lớp để 2 anh em về chung xe, nên dư thời gian nếu không vào Hiệu Sách Liên châu (nằm gần Trường Tiểu Học Hòa Bình, phía bên hông Nhà Thờ Đức Bà) để xem ké truyện tranh của Pháp, Mỹ Lucky Luke, Asterix & Obelix, Tintin, Batman, Surperman, Xì-Trum và lão phù thủy Gà Mên cùng với câu nói quen thuộc: Ngộ sẽ Páo Chù ... mà tụi tui rất mê, thì con đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) là con đường tụi tui hay đi nhất, có những 2 tiếng đồng hồ nên cũng đủ thời gian cho tụi tui dạo quanh sài gòn. Từ Bộ Nội Vụ đi tà tà xuống, ngang ngã tư Gia long, rồi ngã tư Lê Thánh Tôn, ngay chỗ góc quán La Pagode, quẹo phải đường Lê thánh Tôn đi tới, bên phải là Tòa Đô Chánh, quẹo trái một chút là Rạp Ciné Rex sang trọng, với màn ảnh đại vĩ tuyến to đùng, có máy lạnh thường trực và toàn chiếu những phim mới, phim hay nổi tiếng của các nước, rạp này tôi hay thường ghé vào để xin tờ progam đọc cốt truyện phim, đi tới một chút là đường Lê Lợi với dãy quán Cafeteria Rex, bên cạnh là rạp ciné mini Rex, đi dạo trên đường Lê Lợi đông đúc người qua lại, nhìn ngắm những cửa hàng rồi điểm dừng chân cuối là Nhà Sách Khai Trí, vào đây tha hồ mà coi ké cũng không sợ bị la.
Có khi tôi cũng ghé vào khu Passage Eden, với những lối đi dọc ngang, có rạp ciné Eden tối hù mỗi khi vào rạp xem phim, hay nhìn ngắm những gian hàng bán đồ chơi mô hình lắp ráp tàu chiến, máy bay bằng nhựa cứng, rồi trở ra rạp Rex băng qua đường Nguyễn Huệ là tới Thương Xá Tax rộng lớn, nơi góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi có tiệm kem Pole Nord nổi tiếng, vì thế trưa ngày thứ bảy cuối tuần luôn luôn là ngày tôi thích nhất khi học ở Taberd.
Có những lần cả đám trong lớp 8-3 đứng đầu là tên Nguyễn Duy Hải, dẫn dắt tụi tôi đi đánh nhau với đám nhóc nhà thương Grall, không biết nghe đứa nào đó trong lớp bị đám nhóc nhà thương Grall ăn hiếp, thế là lúc tan học cùng với vài nhóc khác ở lớp kế bên, kéo nhau ra ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Du rượt đuổi, ném đá nhau đến nỗi nghe tin frère An Phong phải đích thân ra can thiệp, lôi cái đám nhóc hung hăng về trường.
Cũng như cái năm 72-73, xảy ra những vụ đánh nhau giữa trường Taberd và Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, không biết vì nguyên do nào mà đây là chuyện của các lớp đàn anh lớn, nhưng cái đám nhóc tụi tôi cũng bàn tán sôi nổi không kém, nào là cứ thấy cái áo xanh Cao Thắng hay cái áo trắng đeo phù hiệu Taberd là đánh, tên nào mà đi lớ ngớ gần trường là bị ăn đòn, làm có một thời gian tôi không dám đi ra Sài Gòn vào trưa thứ bảy, mặc dù mình còn nhỏ và không dính dáng gì đến chuyện đánh nhau cả.
Rồi những cuốn phim do Lý Tiểu Long đóng ra mắt thời bấy giờ làm xôn xao cái đám học sinh tụi tôi, ai nấy cũng coi Lý Tiểu Long là thần tượng của mình, rồi đua nhau xin đi học võ để được đánh đấm giống như trong phim, ngày ấy lớp 9-6 có tên Nguyễn Quang Sơn mà tôi hay gọi là Sơn Tây Lai, cứ hễ giờ ra chơi là nó hay biểu diễn những cú đá nguy hiểm, làm anh em suýt đánh lộn.
Ngay cả những anh lớn nhà mình cũng có khi xích mích nhau, có anh thuê cái đám giang hồ tóc tai dài thòng, mặt mũi vằn vện sẹo đầy mặt, cái xóm Chùa ở đường Hai Bà Trưng nổi tiếng đâm chém dữ dằn thời ấy, kéo nhau 6, 7 mạng đi trên những chiếc 67 lượn lờ trước cổng trường giờ tan trường, khiến frère An Phong đôi lúc cũng cảnh giác và can thiệp nếu cần trước cái đám giang hồ coi trời bằng vung kia.
Năm lớp 9 có một món ăn chơi cho vui mới ra lò, và được dân Taberd hưởng ứng nồng nhiệt, đó là món bánh bột bắp hiệu Ngon-Ngon, cầm cái bịch bánh to đùng 2, 3 thằng tụ lại vừa nhai vừa tán dóc thì thật là thú vị, cái miếng bánh ngắn ngủn to bằng cây đũa lại thơm mùi bắp, bỏ vào miệng nhiều khi chưa kịp nhai nó đã tan trong miệng, cho nên có ăn hoài cũng không thấy no chỉ tổ đi uống nước liên tục mà thôi. Lúc món này mới ra lò, vào giờ ra chơi thì cứ thấy cái bao màu vàng có chữ đỏ, mọi người cầm trên tay là biết đó là món bánh bột bắp hiệu Ngon-Ngon liền.
Cũng năm lớp 9 này, tụi tôi không còn đeo phù hiệu bằng vải nữa, thay vào đó là phù hiệu bằng kim loại, nó hình tròn có ngôi sao chổi thẳng đứng và chữ Taberd nằm giữa, cũng vì nó nho nhỏ xinh xinh dễ cất dấu nên đôi khi cũng bất tiện, có những lần đi học đợi đến trường mới móc ra đeo, thì phát hiện nó rơi đâu mất, nên đành phải ghé Trung Tâm Phát Hành La San nằm ngay cổng trường để mua, đeo vào rồi mới vào lớp được, còn ở trong trường thì đeo vào tụi tôi cũng thấy hãnh diện với các lớp 6, 7, 8 đàn em, ra cái điều năm nay anh đã lớn rồi chứ không còn nhỏ như mấy em nữa, nghe cưng.
Có một dạo ở sài gòn trong giới SVHS vào năm 72-73, nổi lên phong trào du ca rầm rộ, rồi những cái tên của những nhạc sĩ trong giới SVHS như Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Nguyễn Đức Trung ..., mà ngày ấy chúng tôi chỉ hát vì thích chứ có hiểu gì về chính trị đâu, và có một buổi sinh hoạt văn nghệ do frère An Phong phụ trách, đã dậy chúng tôi hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, chúng tôi hát say sưa theo nhịp tay của frère Phong, nhất là phần điệp khúc hào hùng "... Máu Ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài, từng ngày qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không thôi ... ", một bài hát mà cho đến giờ chúng tôi sau mấy chục năm vẫn còn nhớ, và thỉnh thoảng khi gặp nhau vẫn nhắc cho nhau nghe.
Hay là phong trào nhạc thánh ca mới cũng rất thịnh hành trong giới học sinh Công giáo, hát nhạc thánh ca với lời nhạc hay cộng với trống đàn, guitar thay vì cây phong cầm cũ kỹ thì thật là lạ và hấp dẫn tụi tôi vô cùng, tôi còn nhớ vào ngày Khai Giảng năm học 72-73, hôm ấy một buổi Lễ Khai Giảng do Linh Mục Paulus Nguyễn Văn Mười làm chủ lễ trên Hội Trường Taberd, chúng tôi được frère An Phong dậy tập hát hai bài để hát trong buổi lễ hôm ấy, mà tôi chỉ còn nhớ một bài đó là bài Vui Ngày Trở Về, với điệu Bolero réo rắt của tiếng trống đàn chúng tôi cùng nhau hát say sưa:
"Người đi trong đau thương sẽ về giữa vui cười, Hòa tiếng tơ đàn hát rộn ràng câu nhớ thương, người gieo trong đau thương gặt trong ngàn tiếng ca, lời ca đẹp ý thơ nhìn lúa mênh mông lòng trào dâng mến thương ...".
Vào dịp lễ Giáng sinh lớp tôi 9-6 lúc ấy có frère Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt dạy môn Pháp Văn, frère phát cho các học sinh trong lớp một tờ in ronéo trong đó có 2 bài, Silent Night và bài dân ca của Pháp Mon Beau sapin mà tôi rất thích, rồi frère tập cho chúng tôi hát hai bài này trong giờ Pháp Văn của frère:
"Mon beau sapin, roi des forets, que j'aime ta verdure. Quand par l'hiver, bois et guerets, mon beau sapin, roi et forets, tu gardes ta parure.
Toi que Noel, planta chez nous, au saint anniversaire, jolie sapin, comme ils sont doux, et tes bonbons et tes joujoux, Toi que Noel, planta chez nous, par les mains de ma mere".
Lời ca của cả lớp, cộng thêm cái không khí Noel đang sắp đến, khiến tôi cứ nhớ mãi những hình ảnh ấy cho đến tận bây giờ, lúc đã về già.
Những năm 72-73 chiến tranh ngày càng khốc liệt với Mùa hè Đỏ Lửa, và Hiệp Định Paris được ký kết vào năm 73 cùng với sự chuẩn bị lính Mỹ rút về nước, vẫn tưởng hòa Bình đã về và chiến tranh cũng chấm dứt, nhưng rồi cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn, nó cũng làm ảnh hưởng đến một số học sinh Taberd, nhất là những ai sinh năm 57 đang học lớp 9, tức là học trễ một năm so với những ai sinh năm 58, mà sau này tôi hay gọi là ngồi nhầm lớp.
Cũng vì lo sợ động viên vào quân đội về sau này, và do sự tính toán của gia đình mà có một số bạn phải rời trường, để sang trường khác học lớp cao hơn, và cũng không lấy làm lạ khi có thằng bạn năm nay đang ngồi học chung lớp, đùng một cái sang năm đã thấy nó nhảy lên lớp 11 rồi, ôi cái thời chiến tranh thật là khổ sở.
Và càng không ai ngờ lần rời khỏi trường này cũng là lần cuối cùng, có những người sẽ không bao giờ có dịp trở lại ngôi trường thân yêu, mà bấy lâu nay mình đã gắn bó, vì một biến cố lớn đã làm thay đổi biết bao nhiêu số phận con người, cái ngày 30/4/1975 định mệnh ấy, thật là buồn.
Những trò chơi tuổi học trò
Tôi nhớ thời tiểu học chúng tôi nghĩ ra nhiều trò chơi rất thú vị, trong đó thích nhất là chơi chọi hình. Thời đó hình là những con thú hay người làm bằng nhựa, có đủ loại: thú như voi, cọp, beo, sư tử, chuột, heo, ..., người thì đa số là lính với đủ tư thế đứng, quì, nằm, ... hoặc mấy thằng cao bồi cưỡi ngựa bắn súng. Nói chung là đủ thứ, đủ loại, đủ màu sắc và hình dáng khác nhau. Chúng tôi thường qui định giá trị của từng con, con này ăn 1, ăn 2 ăn 3 tùy theo nó có quí hiếm hay không. Tôi rất khoái chọi hình vì mình chọi cũng khá nên thường ăn hơn là thua. Mỗi ngày đi học tôi đi bằng xe trường và mỗi lần đợi xe trường tới đón chúng tôi thường tụm nhau lại chơi chọi hình. Mấy đứa chúng tôi gồm có Nguyễn Thế Huy, Khôi, Huỳnh Anh Kiệt, Quân (anh của Khôi) và tôi cùng ở một khu (dốc cầu Trương Minh Giảng) lại say mê chọi hình, chỉ đến khi thấy cái bóng xe trường ở đằng xa (cái xe đi tuyến khu tôi là cái xe to nhất trong đám các xe của trường nên rất dễ nhận ra) thì mới cuống cuồng gom hình bỏ vào cặp và lăng xăng chạy tới đón xe.
Lên xe rồi mà cũng còn ham chơi, nên bày ra cái trò đoán hình, tức là mỗi thằng cầm một nắm hình với số lượng tùy thích bụm lại đưa ra rồi đoán tổng số của tất cả các nắm là bao nhiêu, thằng nào đoán trúng thì mấy thằng kia phải nộp hình cho thằng đó, có thằng thích chơi khăm bằng cách cầm rất ít mà làm cứ như là cộm lắm, còn để nhú nhú ra một cái hình cứ như là nắm không xuể. Suốt từ nhà tới trường cứ thế mà mải miết chơi.
Trong trường thì giờ ra chơi chơi chọi hình, đến giờ ra về leo lên xe trường lại chơi đoán hình, cứ thế mà ngày này qua tháng nọ không dứt, mãi tới khi lên lớp 6 mới thôi, chắc là tại lên trung học phải mặc quần dài không được mặc quần short nữa nên vướng víu cho các trò chơi vận động, hoặc cũng có thể là do thấy mình lớn rồi thì không chơi các trò chơi con nít nữa chăng?
Ngoài chọi hình thì giờ ra chơi lớp tôi (Năm 5, niên khóa 1970-71) lại chia hai phe chơi U. Chắc các bạn cùng thời cũng biết chơi U như thế nào rồi. Trong lớp có một thằng khá mập tên Hưng (Trần Gia Hưng mà chúng tôi thường gọi là Hưng Mập). Người nó tròn lẳng mà khi đổ mồ hôi rồi thì da nó trơn tuột, đố thằng nào mà bắt được nó, muốn bắt thì phải có ít nhất 3, 4 thằng xúm nhau lại mới hy vọng lôi nó đến khi nó hết hơi và dứt tiếng "U..U..", phe nào cũng muốn có nó vì chắc chắn sẽ thắng với tỷ lệ cũng đến 70%, nó thường giữ vai trò tấn công còn những thằng gầy gầy như tôi thì phòng thủ. Mỗi lần thằng Hưng qua phía đối phương là mấy thằng bên kia phải chạy loanh quanh né tránh, chứ nhỡ nó quơ trúng thì bắt nó cũng mệt chứ chẳng chơi, tôi cứ nhớ mãi cái cảnh 3, 4 đứa bu lại đè nó xuống không cho nó vượt mức quay về mà cứ bị nó lôi tuồn tuột đi mà phát buồn cười. Đúng là tuổi nhỏ nghĩ ra những trò tuy đơn giản ít tốn kém mà lại vui. Con nít bây giờ chẳng có được những thú vui như lớp cha chú nó ngày xưa.
Hết chơi U thì lại chia hai phe đánh lộn, tuy là đánh giả nhưng cũng quyết liệt y như đánh thật vậy, nào là rình nhau phục kích, nào là rượt đuổi nhau, vung tay vung chân, nào là chặt chém, kẹp đầu kẹp cổ nhau mà vật túi bụi, tới lúc nghe tiếng reng chuông báo hiệu hết giờ ra chơi thì thằng nào thằng nấy quần áo xốc xếch dơ dáy, tóc tai thì bù xù cứ như thằng ăn mày vậy. Tuy nhiên khi đã xếp hàng vào lớp thì im phăng phắc, bỏ áo vô quần nghiêm chỉnh, vì nếu thầy Nguyễn Văn Hòa Giám thị mà thấy thằng nào ăn mặc lôi thôi thì chỉ có mà ốm đòn. Tôi vẫn không thể nào quên được cái cách đánh học trò của thầy Hòa, trông cứ như là võ sĩ Muay Thai đang thượng đài vậy (xin lỗi nếu thầy có đọc những dòng này thì cũng xin bỏ qua cho). Tuy nhiên tôi nghĩ trường Taberd sở dĩ được xem là một trường tư thục nổi tiếng Saigon một phần cũng là nhờ kỷ luật rất là nghiêm.
Ngẫm nghĩ lại mới thấy tuổi học trò là tuổi đẹp nhất trong đời, chỉ có ăn, học và chơi thôi, chẳng bận tâm tới chuyện người lớn, những kỷ niệm thuở học trò bao giờ cũng đẹp và đáng nhớ. Bây giờ đã 40 năm qua rồi, những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã ở tuổi U50, U60 cả rồi và dĩ nhiên là chẳng bao giờ có thể sống lại cuộc sống hồn nhiên vô tư lự ngày xưa.
Vai diễn khó quên
(Bài này xin kính tặng Frère Albert Nguyễn Quang Tiên phụ trách khối lớp Nhì niên khóa 1969-70)
Khoảng gần tới Giáng Sinh thì trường Taberd hay có những phong trào mừng ngày Chúa ra đời, trong đó việc trang hoàng hang đá với hình tượng Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Hài Đồng thì năm nào cũng có. Giáng Sinh năm 1969 tôi đang học lớp Nhì 1 (hồi đó gọi là lớp Nhì chứ chưa gọi là lớp Bốn), Frère phụ trách khối lớp nhì là Frère có khuôn mặt rất hiền từ nhân hậu, giọng nói khoan thai, tính tình lại vui vẻ dễ chịu. Tôi chưa bao giờ thấy Frère la mắng hay đánh bất cứ một học sinh nào.
Noel năm đó không biết có phải là "để thay đổi không khí" hay không mà Frère có ý tưởng mới về việc trang hoàng hang Bêlem, thay vì bằng các tượng bằng đất như mọi năm thì bằng tượng do người thật đóng giả vai Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đứng trong hang đá. Kiếm người đóng vai Thánh Giuse thì dễ rồi, chỉ cần chọn thằng học sinh nào mặt già già một chút, to con, gắn thêm râu, mặc thêm quần áo rộng thùng thình là xong. Riêng Đức Mẹ Maria thì thật nan giải, vì trường toàn con trai thì lấy đâu ra con gái để đóng vai này?.
Thế là Frère đành chọn trong đám con trai một thằng tương đối có thể giả gái được. Khổ nỗi Frère không chọn ai mà chọn đúng ngay tôi để giao cái vai này, thế mới khổ cho tôi chứ. Chẳng qua hồi nhỏ trông mặt tôi cũng bầu bĩnh, khá là "xinh Dzai", lại thêm nước da trắng tươi như con gái, tính tình lại hiền lành ít nói mà hay cười, quả là thích hợp cho cái vai diễn này. Riêng tôi thì lúc đó còn con nít mà, người lớn bảo sao tôi làm vậy, chẳng dám có ý kiến gì. Khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là đóng giả Đức Mẹ, đứng im như tượng để chụp hình hay làm gì đó trong một lúc thì cũng không sao.
Thế là một hôm gần ngày Giáng Sinh, tôi đang trong lớp học thì Frère kêu xuống văn phòng. Tôi còn nhớ văn phòng khối lớp Nhì khi đó ở dọc cổng sau đường Gia Long, đối diện với Thính Đường. Tôi và thằng đóng vai Giuse đến văn phòng thì Frère hóa trang cho chúng tôi, tôi được mặc thêm áo rộng, trùm tấm vải trông y như bức tượng Đức Mẹ đặt trước Nhà Thờ Đức Bà, chỉ khác là quần áo có màu sắc hơn chứ không phải trắng toát như tượng. Rồi sau đó hình như Frère còn trang điểm cho tôi môi son má hồng để nổi bật thêm dưới ánh đèn. Xong xuôi Frère kêu tôi và Thánh Giuse đứng trong hang đá, tay tôi ẵm thêm tượng Chúa Hài Đồng có lẽ làm bằng thạch cao nên thấy cũng nhẹ.
Đứng im độ một lát không thấy Frère nói gì, tôi cũng thấy hơi lo lo vì cũng sắp tới giờ ra chơi rồi, nếu tụi bạn mà thấy tôi trong bộ dạng này thì quê chết đi được. Quả nhiên rồi cũng đến lúc chuông reng báo hiệu giờ ra chơi. Học sinh bắt đầu túa ra sân. Tôi tuy đứng trong văn phòng nhưng cửa sổ vẫn mở. Tụi học sinh tiểu học thì hiếu động phải biết, khi tụi nó thấy ánh đèn sáng thì bu lại coi chuyện gì, rồi bắt đầu chỉ trỏ, rồi cười rần rần, cười hô hố, la hét om xòm, bu đông như kiến quanh cửa sổ rồi tông cả cửa đi tràn vào phòng. Tôi lúc đó tuy mắt không dám nhìn ai nhưng cũng dư biết là tụi nó đang cười tôi chứ chẳng ai khác. Thú thật lúc đó nếu biết độn thổ thì chắc tôi cũng độn rồi. Người tôi cứ như là bị lửa đốt, mặt thì cứ đỏ như trái gấc chín, chân tay ngứa ngáy không chịu đươc, mồ hôi toát ra ướt cả lưng. Tụi học sinh vẫn đâu có chịu buông tha cho tôi, thậm chí có đứa còn chạy lại sờ vào quần áo tôi nữa chứ. Một phút khi đó đối với tôi dài bằng cả một giờ, tượng Chúa Hài Đồng lúc trước thấy nhẹ mà sao giờ đây nặng khủng khiếp. Không biết Từ Hải của Nguyễn Du chết đứng như thế nào, nhưng có lẽ cũng không tệ bằng tôi lúc đó. Trong lòng cứ mong sao cho mau hết giờ ra chơi hoặc mong sao Frère ra lệnh ngừng diễn để mau chóng thoát khỏi cái nạn này, nhưng chỉ thấy Frère đứng đó cười cười ngắm chúng tôi như là một kiệt tác của Frère vậy.
Cũng may cuối cùng thì chuông báo hiệu hết giờ ra chơi cũng vang lên. Không thể diễn tả được nỗi vui mừng của tôi lúc đó, tôi thấy nhẹ cả người như thoát được gánh nặng ngàn cân. Sau khi tụi học sinh xếp hàng lên lớp hết Frère mới kêu chúng tôi thay quần áo để lên lớp học tiếp. Lên tới lớp lại thấy hàng chục cặp mắt đổ dồn vào tôi khiến tôi lại một phen ngượng nghịu. Cả buổi hôm đó coi như chẳng học hành gì được, đầu óc cứ để ở đâu đâu.
Người ta nói con nít thường hay mau quên nên hôm sau mọi việc trở lại bình thường, chỉ thỉnh thoảng có thằng nào nhìn tôi chăm chăm cười cười là biết nó nhớ lại vai diễn độc đáo của tôi lúc trước.
Vừa rồi 2009 có thằng bạn Vũ Đình Bách ở Mỹ về chơi, gặp nhau tay bắt mặt mừng sau gần 40 năm xa cách, đến khi ôn lại kỷ niệm cũ là nó nhắc ngay cái chuyện đóng vai Đức Mẹ của tôi. Ủa, hóa ra tụi bạn của tôi đâu có chóng quên, con nít ngày xưa nhớ dai ra phết đấy chứ. Bạn tôi đã không quên thì làm sao tôi có thể quên được, vì đối với tôi đó là vai diễn đầu tiên mà cũng là vai diễn khó quên nhất trong đời.
Sói con Taberd
Tôi tham gia vào bầy sói của Taberd vào những năm 69-70 khi đang học tiểu học.
Bầy sói của trường do cô Triệu Thoại Ba làm Akela (Sói Già), có hai cô làm phụ tá là cô Lê Thị Thanh Hà làm Baloo (Gấu) và cô Nguyễn Thị Đạm Thủy làm Bagheera (Báo đen). Bầy được chia thành 4 đàn lấy tên theo màu lông sói: Trắng, Xám, Nâu và Đen. Mỗi đàn có khoảng 7 hoặc 8 đứa, vị chi bầy sói Taberd khi đó khoảng gần 30 sói, toàn là ở tuổi tiểu học.
Tôi không trực tiếp học cô Thoại Ba ở trong lớp nên không biết cô dạy môn gì. Cô Thoại Ba nhìn khuôn mặt thì trông rất là dữ, nhất là đôi mắt của cô sắc như dao. Nhưng thật ra tính tình của cô không dữ như vẻ bên ngoài, chẳng qua là do bản tính cô năng động tháo vát như đàn ông nên mới được trường cử làm bầy trưởng.
Hồi đó tôi không hiểu tại sao trường có nhiều thầy cô mà sao chỉ chọn các cô để điều hành bầy sói. Sau này tôi mới hiểu là khác với các ngành của các anh lớn như Thiếu, Kha, Tráng có thể tự lực trong mọi hoạt động như cắm trại, dựng lều, đào bếp, nhúm lửa nấu cơm ... thì các sói ở cái tuổi còn quá nhỏ chưa thể tự mình làm được như các anh, cho nên các bầy trưởng thường phải làm hết mọi chuyện, điều đó đòi hỏi các Trưởng phải có tính kiên nhẫn và biết thương yêu các sói như con thì mới mong điều hành tốt. Đàn ông thường hay nóng tính, đôi khi thiếu kiên nhẫn đối với con nít nên có lẽ không thích hợp với vai trò này. Điều hành một đàn Sói cực hơn một đoàn Thiếu, Kha, Tráng nhiều.
Hàng tuần vào sáng chủ nhật, chúng tôi mặc đồng phục Sói con và đến sinh hoạt ngay tại trường. Các buổi sinh hoạt thường là học Luật và Cách Ngôn Rừng, học múa hát và chơi các trò chơi. Đến bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ điệu múa Trăn của sói. Các sói xếp thành hàng một, tay phải luồn qua hai chân đứa đứng trước nắm lấy tay trái của nó, cứ thế khom khom vừa đi vừa hát theo nhịp của bài Múa Trăn:
Ðầu trăn lồm ngồmKhúc trăn quanh co
Mình trăn uốn khúc
Trăn phun phì phì.
Chồm lên chồm chồm
Khúc trăn lô nhô,
Mình trăn uốn khúc
Trăn lăn tròn vo.
Ðầu đuôi không rời
Nhấp nhô tơi bời ...
Một bài hát có lời lẽ giản dị mộc mạc như khúc đồng dao của trẻ em Việt Nam. Đôi khi có thằng vấp chân té sóng soài kéo theo một khúc Trăn té theo, thế là cười khúc kha khúc khích lồm cồm bò dậy hát và múa tiếp. Nghĩ lại thấy cũng vui.
Ngoài sinh hoạt tại trường, thỉnh thoảng các Trưởng còn tổ chức các buổi trại sáng đi chiều về, thường là ở các vùng phụ cận Saigon như Lasan Mossard ỡ Thủ Đức, Lasan Mai Thôn ở Thanh Đa. Mossard có khuôn viên khá rộng và nhiều cây cối, đặc biệt là có một hồ bơi mà theo con mắt tôi hồi đó thì cũng khá rộng, nước thì không sâu nên tụi nhỏ chúng tôi tha hồ vùng vẫy mà không sợ hụt chân, chỉ có điều là do chung quanh có khá nhiều cây nên mùa lá rụng rơi cả vào hồ bơi nên không được sạch lắm. Còn Mai Thôn hồi đó cỏ mọc um tùm cao hơn cả đầu chúng tôi nên tha hồ mà chơi trốn tìm.
Khác với các đoàn Hùng Tâm, Nghĩa sĩ là của riêng trường Taberd hoặc của dòng Lasan, thì Sói con Taberd lại còn là thành viên của đại gia đình Hướng Đạo Việt Nam gồm rất nhiều Đạo, Liên Đoàn trải rộng khắp miền Nam khi đó. Tôi nhớ năm 1970 là năm Hướng Đạo Việt Nam tổ chức trại Họp Bạn Toàn Quốc lấy tên là Giữ Vững tại Suối Tiên Thủ Đức. Bầy Sói Taberd cũng tham gia với tiết mục đồng diễn thể dục. Để tập cho kịp thời gian nhiều lúc các Sói phải bỏ cả giờ học để xuống sân tập. Hồi đó đâu có video cassette như bây giờ, cho nên các cô phải vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp vừa hướng dẫn động tác cho các sói sao cho khớp và đồng đều với nhau, đối với tuổi tiểu học hiếu động thì việc đó khá là vất vả.
Đến ngày đồng diễn chúng tôi lên xe tới trại. Tới nơi thấy khá nhiều các đoàn bạn tham gia nên cũng hơi khớp, trên khán đài đông nghẹt người, lại có nhiều vị quyền cao chức trọng khiến chúng tôi lại càng khớp hơn nữa. Khi nhạc trổi lên chúng tôi chạy ra xếp thành hàng theo đúng mô hình mà các cô đặt ra (tôi không nhớ đó là mô hình tượng trưng cho chữ gì vì khi đó còn nhỏ quá) và bắt đầu diễn. Vì lần này diễn theo nhạc chứ không theo tiếng vỗ tay của các cô lúc tập nên lúc đầu cũng hơi vấp váp một chút, nhưng cuối cùng thì cũng êm, và khi tiếng vỗ tay của khán giả vang lên chúng tôi mới thấy nhẹ nhõm hẳn lên.
Ngoảnh lại thì nay cũng đã 40 năm trôi qua rồi, các cô nay đều đã già và các bạn tôi cũng như tôi đều không còn cái tuổi ngây thơ như trước đây nữa. Kỷ niệm dù có đẹp cách mấy thì cũng chỉ là quá khứ, chẳng thể quay lại được.Hướng Đạo cũng như Taberd đều những tổ chức mang tính cách giáo dục, nhưng điều khác biệt với trường lớp là Hướng Đạo giáo dục thanh thiếu niên không phải bằng học vấn mà bằng trò chơi, chơi mà học. Sau này lớn lên tôi mới ngẫm ra một điều là cuộc đời thực ra cũng không khác gì một trò chơi là mấy, nó là một trò chơi lớn, cũng có thắng thua, thành bại, vui buồn. Nhưng dù cuộc đời có như thế nào đi chăng nữa thì mình cũng có thể tự hào là đã cố gắng sống một cuộc sống hữu ích, giống như châm ngôn của Sói luôn là Gắng Sức, và cũng giống như một câu trong bài Lasan Hành Khúc:
...Một cuộc sống thanh cao, ta nguyện đem ánh sáng,
Dìu dắt sinh linh vào hạnh phúc, đi không ngừng.
Chuyện xưa, bây giờ mới kể
Kể từ khi ông Lê Việt Quang cho mở cái sân trường ra, anh em mới có dịp tụm năm tụm ba lại trong sân trường tha hồ mà tán dóc, tố khổ nhau hay xưng tội, có những lúc đi ngang sân trường thấy anh em đấu khẩu hăng quá, làm tôi đôi lúc cũng ngứa mồm nhào vô, rồi lại thấy ngứa tay thế là đành phải ghi lại những mẫu chuyện xa xưa, xưa đến 30, 40 năm mà anh em Taberd nhà mình mới kể, mới tự thú trước bình minh, và mãi đến hôm nay anh em mới được biết đến.
Đầu tiên là cái chuyện động trời của cụ Nguyễn Văn Em, không hiểu sao vì lý do gì, hay là về già cụ thấy hối hận trong lòng hay sao ấy, mà trong một phút yếu đuối cụ mới thổ lộ cái chuyện tuổi tác của cụ, theo như lời cụ xưng tội trước thiên hạ thì, không hiểu vô tình hay cố ý mà Papa yêu dấu của cụ lại khai sanh trễ đến ba năm cho cụ, vì chuyện này nên cụ ngồi lộn lớp mà không hay, vì khôn hơn anh em học cùng lớp ba tuổi, nên cụ học giỏi cụ quơ hết các môn là chuyện đương nhiên, chỉ tội cho mấy nhóc tì ngây thơ như tụi tôi, vì khớp cái chuyện cụ học quá giỏi mà nản chí đâm ra vừa học vừa chơi, đua làm sao được với cụ mà đua.
Cho nên cũng vì cụ mà tui luôn nghi ngờ các cụ học giỏi khác, mà cái chuyện các cụ già ngồi lộn lớp ở Taberd thì nhiều lắm.
Trong một bữa nhậu với nhóm bạn cũ Taberd ở Canada với nhau, thì nổ ra một câu chuyện khác cũng không kém phần thú vị, nạn nhân là Trần Sư Tứ thổ lộ, mà thủ phạm cũng lại là cụ Em (cái cụ luôn luôn nhiều chuyện thế). Câu chuyện này chắc bạn Tứ để bụng lâu lắm nên hồi còn ở VN thì không nhắc, mà phải đợi đến khi ở nước ngoài mới đem ra méc, chuyện như sau:
"Năm tôi học 10ème, tôi có một hộp viết chì màu. Hộp bằng sắt, bên ngoài có hình lực sĩ Ben Hur. Một hôm tên NVE xin đổi hộp viết chì màu của nó để lấy hộp viết chì của tôi. Hộp viết chì của nó bằng giấy, đổi cái hộp thôi chứ viết chì của ai người ấy giữ. Tôi chịu đổi với nó." (sao mà ngu vậy trời - VVC).
"Về nhà, anh chị tôi thấy hộp viết chì tôi khác bèn hỏi tôi hộp viết ở đâu. Tôi kể đầu đuôi câu chuyện. Anh chị tôi la tôi là 'mày ngu' (chửi là đúng rồi - VVC) và bắt tôi đi đòi lại. Sau cùng tên NVE trả lại tôi hộp viết.""
Anh em cứ tưởng tượng có hai thằng nhóc, mà một thằng là nhóc "cụ" nó ngồi gạ gẫm và dụ khị thằng nhóc "tì", nhìn cái mặt của hai nhóc lúc đó chắc chắn là buồn cười rồi, nhất là cái mặt dụ khị ỉ ôi và lém lỉnh của "cụ" nhóc Em.
Tuy tôi không học chung lớp với Trần Sư Tứ, nhưng tôi biết Tứ lúc tôi gia nhập Đoàn Hùng Tâm do SH Thanh Trung phụ trách năm 68-69 thì phải, Trong một lần chơi trò chơi lớn ở cái sân dưới hội trường Taberd, hôm đó chơi trò Tạp Kỹ, nghĩa là mỗi người thể hiện một vai gì đó, và hôm đó Tứ đóng vai con khỉ nghe điện thoại trông tức cười lắm. Trần Sư Tứ hồi nhỏ trông lanh lắm lại hiếu động nữa, không tin các bạn nhìn hình hắn hồi nhỏ thì biết liền, vậy mà không hiểu sao lại bị nhóc "cụ" Em dụ khị mới là lạ chứ, phải công nhận cụ Em tài nghệ cũng cao cường lắm mới dụ được nhóc tỳ Tứ.
Thuở ấy trong các cấp của tụi tôi có một cái hình ảnh quen thuộc mà không thể quên được, đó là cái thân hình bé bự của thằng Nguyễn Thái Sơn, người nó nung núc mỡ, nhất là cái cặp vú của nó, mỗi lần nó chạy là cặp vú tưng tưng chạy theo, nhìn là muốn bóp rồi. Không hiểu lúc nhỏ nó có té vào cái thùng sữa voi, hay vào cái nồi thuốc như Obelix hay không? mà sao nó ú na ú nần đến thế, người nó nung núc mỡ nhất là cặp vú của nó, mỗi lần nó chạy là cặp vú tưng tưng chạy theo, nhìn là muốn bóp rồi. Cái chuyện này đối với trường toàn con trai như Taberd, thì chuyện tưởng tượng ra cái ấy là khó tránh khỏi, cho nên bạn tôi thằng Nghiêm Quốc Việt, nó nhìn Sơn Mập ra chị vú thân yêu lúc nhỏ mà nó thường sờ Ti, thì nó sờ ti Sơn Mập là chuyện đương nhiên rồi, ngay cả Việt lúc học chung với tôi lớp 9-6, cũng hay bị tôi bóp vú thường xuyên, vì nó cũng có da có thịt và dễ nhìn.
Tội cho Sơn Mập, lúc nào cũng bị quấy rối bởi mấy thằng, tay chân lúc nào cũng ngứa ngáy. Ngày xưa nó hay bị bóp vú, ngày nay nó đã thành Bác Sĩ rồi, không biết lúc khám bịnh nó có bóp ... hay không thì mình không biết.
Chuyến cứu trợ cuối cùng
(Thân tặng hai đứa bạn chí thân: Tăng Kiên và Trần Thanh Toàn)
Năm 1975, khi những dòng người di tản từ các tỉnh miền Trung đổ về Vũng Tàu, hàng ngàn người đã được đưa về làng Cô Nhi Long Thành. Và cũng như năm 1972, chúng tôi lại lên đường cứu trợ để góp phần xoa dịu nổi khổ của những người tỵ nạn này. Năm đó nhóm Hùng tâm Taberd cũ đã có nhiều thay đổi: Nguyễn Hữu Tiến đã mất năm 1974 tại Đà Lạt và các bạn khác không có điều kiện tham gia. Nhóm chỉ còn có ba đứa: tôi, Tăng Kiên và Trần Thanh Toàn. Kiên và Toàn đã không còn học ở Taberd vì phải nhảy lớp để đối phó với lệnh Tổng Động Viên nhưng nhóm chúng tôi vẫn gắn bó và có phần thông cảm nhau nhiều hơn trước.
Vào một ngày Chúa nhật đầu tháng 4, bộ ba chúng tôi lại cùng nhau vác ba lô lên đường với kế hoạch như các tuần lể trước, là đi đến làng Cô Nhi Long Thành. Chúng tôi đi trên hai chiếc xe gắn máy, tôi chở Kiên còn Toàn thì đi một mình.Trên đường đi, chúng tôi đã thấy nhiều xe chở dân tỵ nạn đổ về hướng Sài Gòn. Khi đến chân cầu Đồng Nai, thì tôi thấy cầu đã bị chận lại bằng những hàng kẽm gai giăng ngang, và các người lính gác cầu đã chặn hướng từ Sài Gòn ra Vũng Tàu và Long Khánh. Sau khi hỏi thăm, tôi được biết đường đi Vũng Tàu đã bị cắt tại Ngã Ba Thái Lan và do tình hình an ninh nên xe dân sự không được phép đi qua cầu. Trong lúc đó, vài chiếc trực thăng đang bắn rocket và rất nhiều tiếng nổ lớn xa xa bên kia sông. Biết chắc là không thể đi đến làng Cô Nhi Long Thành được, nhưng vì muốn tiếp tục công việc cứu trợ nên chúng tôi đã đi theo một số người tỵ nạn trên một con đường đất nhỏ dọc theo sông Đồng Nai đến một ngôi chùa. Trong khu vườn bao quanh chùa đã có ít nhất vài trăm người tản cư đang ở trong những lều tạm làm bằng đủ thứ vật liệu. Chúng tôi vào chùa và báo cho Sư trụ trì về công việc mà chúng tôi muốn làm. Sau khi gởi xe, chúng tôi lại bắt đầu những công việc thường lệ: sát trùng và băng bó các vết ghẻ lở và nhiễm trùng, cho thuốc cho các trường hợp cảm cúm, v.v.
Trong lúc đang đi từ lều này qua lều kia để làm việc thì có một anh thanh niên đến nói với chúng tôi:
- Mấy anh ơi, đến xem giùm vết thương của vợ em.
Lúc đó chúng tôi chỉ mới có 17 tuổi mà người này, khoảng 25 tuổi, gọi chúng tôi bằng anh và lại xưng em, nghe sao mà ngại quá. Tôi nói:
- Anh dẩn vợ anh lại đây được không vì chúng tôi đang làm tại khu này.
Người đó trả lời:
- Vợ em bị thương chân đi không được.
Nghe vậy, cả ba đứa tôi chăm sóc xong những người đang trong căn lều hiện tại rồi cùng đi theo anh thanh niên. Anh dẫn chúng tôi đến một căn lều ở vòng ngoài. Trong đó có một người phụ nữ đang ngồi và vài đứa bé. Chân người phụ nữ này đang quấn vải có loang máu. Anh thanh niên nói:
- Nhờ mấy anh băng bó lại giùm.
Từ trước đến giờ chúng tôi chưa bao giờ phải xử lý một vết thương lớn. Thường chỉ là những trường hợp xây xướt và nhiễm trùng mà thôi. Cả ba đứa tôi cùng ngồi xuống và bắt đầu mở lớp vải bó chân người phụ nữ đó. Tôi tưới nước sát trùng để làm mềm lớp vải bọc và gở dần ra và thấy vết thương trên bắp chân khá lớn. May mắn là viên đạn chỉ đi qua bắp thịt bên ngoài chứ không thì chúng tôi cũng bó tay chứ chúng tôi làm sao chúng tôi biết cách lấy viên đạn ra. Sau khi lau rửa và sát trùng, tôi băng lại. Vì vết thương quá lớn nên chúng tôi phải xài gần hết số băng đem theo. Tôi cũng gởi lại cho người chồng một số bông băng và thuốc sát trùng để cho anh ta tự làm trong các ngày tới.
Anh ta lúng túng lắp bắp:
- Vợ chồng em cám ơn mấy anh nhiều lắm.
Có lẽ không có mấy khi trong đời, chúng tôi được nhận một lời cám ơn chân thành như vậy. Chúng tôi cảm thấy việc mình đang làm có ý nghĩa hơn và tự hào về mình hơn. Thật là một kỷ niệm đáng nhớ của cả ba đứa tôi.
Khoảng trưa, Sư trụ trì cho một chú tiểu ra mời chúng tôi vô chùa ăn cơm trưa. Mặc dù có mang theo thức ăn trưa nhưng chúng tôi cũng nhận lời. Trước khi ăn, nhà Sư có hỏi là chúng tôi có ăn cơm chùa lần nào chưa? Đứa nào cũng trả lời là có, nhưng nhà Sư bảo rằng đây là cơm chùa thật sự chứ không phải như cơm chùa mà chúng tôi đã ăn đâu vì nhà chùa còn nghèo lắm. Quả thật như vậy, cơm không phải là cơm hoàn toàn mà độn với bắp xay. Còn thức ăn thì chỉ có rau với vài miếng đậu hủ chiên, nước tương và muối mè. Đó là lần đầu tiên trong đời bọn tôi được ăn cơm độn. Những hạt cơm không dẻo như cơm ở nhà nhưng khô và rời rạc với những mảnh bắp xay, còn thức ăn thì chỉ giúp cho xong chén cơm mà thôi. Chúng tôi đã cố gắng ăn cho xong buổi vì lịch sự. Sau buổi ăn, nhà Sư mời chúng tôi ngồi uống trà, nói chuyện về tình hình chiến tranh và nổi khổ của những người dân di tản. Tôi thật sự khâm phục tấm lòng của nhà Sư đã mở rộng cổng chùa cho những người dân có chỗ trú trên đường di tản.
Chúng tôi lại tiếp tục công việc cho đến khoảng năm giờ chiều. Khi chúng tôi trở ra đến Xa Lộ thì trời bắt đầu đổ mưa và con đường lúc này đã khác hẳn buổi sáng. Trên hướng về Sài Gòn, hàng ngàn người trên các loại xe khác nhau nhưng nhiều nhất là những chiếc xe bò. Tất cả các xe bò đều nặng trĩu với người và cao ngất với đồ đạc. Những chiếc xe đạp dẩn bộ cũng chất chồng không kém. Những người đi bộ thì bước đi nặng trĩu với đồ đạc gồng gánh mang xách. Mấy đứa bé thì lúp xúp chạy theo cha mẹ. Một số em nhỏ được cha hay mẹ gánh đi. Thật là một cảnh tượng hổn loạn chưa từng thấy. Sau khi hỏi thăm, tôi được biết đó là những người dân từ Long Khánh, Dầu Giây và Trảng Bom đã bỏ nhà cửa ra đi tỵ nạn. Trời còn tăng thêm phần cơ khổ của những người dân tỵ nạn này với cơn mưa ngày càng nặng hạt hơn. Những cái nón là, những tấm nylon hay những tấm lá đan không thể nào đương đầu với những cơn gió giật. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ về những hình ảnh buồn thảm này.
Chúng tôi cùng đi theo dòng người tỵ nạn này hướng về Sài Gòn. Càng về gần Sài Gòn, số người trên đường có phần thưa hơn, nhưng khi chúng tôi về đến Ngả Tư Thủ Đức thì thấy Xa Lộ đã bị kẽm gai giăng ngang không cho những người tỵ nạn vào Sài Gòn. Đoạn đường bị nghẽn cứng nên chúng tôi không thể nào len vào để trình giấy tờ để xin đi trở vô Sài Gòn. Lúc bấy giờ, dù không muốn, chúng tôi cũng là một thành phần trong dòng sóng những người di tản. Chúng tôi đã lo sợ trước viễn cảnh không về tới nhà được. Một lúc sau, tôi nhớ đến một số đường nhỏ tôi đã biết qua các đợt công tác trước mà tôi nghĩ là còn có thể đi được. Chúng tôi đi vòng qua chợ Thủ Đức rồi qua dòng Đồng Công, lúc đó vẫn chưa bị chận, để về cầu Bình Lợi và trở vô Sài Gòn.
Về đến nhà, sự lo sợ của chuyến cứu trợ đã được thay thế bằng nỗi lo cho chính mình và gia đình vì cuộc chiến đã quá gần. Khi đó, nỗi buồn cho số phận khốn cùng của những người dân tỵ nạn và của cả đất nước càng trở nên nặng nề.
Đó là Chuyến cứu trợ cuối cùng của chúng tôi và có lẽ ngày hôm đó là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời của cả ba chúng đứa tôi. Đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, cả ba đứa tôi vẩn còn nhớ về chuyến đi ngày hôm đó. Nhớ để tự hào về những điều mình đã làm được để xoa dịu phần nào sự gian nan khốn khó của đồng bào trong cuộc chiến, dù là nhỏ nhoi. Nhớ để vui mừng vì đã có những người bạn cùng chí hướng và nhất là nhớ về những ngày tháng chúng tôi bên nhau trên đất nước Việt Nam thân yêu mà ngày nay đã quá xa.
Những bài hát tuổi học trò
Ngày xưa vào các dịp Lễ Tết hay sắp đến Hè, trước khi học sinh tạm chia tay trường lớp, thầy cô, bạn bè để về nghỉ lễ thì các Frère thường tập trung học sinh toàn trường để tổ chức những buổi học hát. Những bài hát các Frère dạy thì rất nhiều, không nhớ hết, nhưng có những bài mà tới bây giờ tôi vẫn không quên. Đó là những bài hát về ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình yêu đối với trường lớp, trách nhiệm của học sinh với xã hội ... Nói chung là những bài hát vừa hay vừa có ý nghĩa giáo dục tâm hồn cho thế hệ tương lai.
Trung thu năm 1969 có sự kiện phi thuyền Apollo 11 đổ bộ mặt trăng, thiếu nhi Việt Nam hồi đó cũng háo hức chờ xem mặt chị Hằng chú Cuội ra sao, nhưng tiếc thay các phi hành gia không hề thấy bất cứ người nào trên đó cả. Có lẽ để an ủi cho các em thiếu nhi Việt Nam đã lỡ coi chị Hằng chú Cuội là những thần tượng có thật, nên nhạc sĩ Phạm Duy có làm một bài hát tên là "Một đàn chim nhỏ" ý nói là chẳng qua chú Cuội đem chị Hằng đi nơi khác, chứ không phải là không có những người đó. Lời bài hát đó như sau:
Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga, Nói dối ông bà lên sống mặt trăng, (Ố tang tình tang, ố tang tình tình)
Kể từ khi Cuội ra đi, Làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê, (Ố tang tình ...)
Cuội thì sau cuộc phiêu du, Cuội ngồi thương nhớ quê nhà xa xôi,(Ố tang tình ...)
Cuội ngồi dưới ngọn cây đa, Để trâu ăn lúa kêu cha ời ời,(Ố tang tình ...)
Chị Hằng thương Cuội chưa nguôi, Dù sống trên trời chưa thoát tình quê, (Ố tang tình ...)
Chị Hằng cho gặp trần gian, Một tháng một lần trăng chiếu tròn cao, (Ố tang tình ...)
Một trời Nam tròn trăng Thu, Em bé ra chờ xem chú Cuội đâu, (Ố tang tình ...)
Một đàn chim nhỏ bay đêm, Bay suốt năm liền tới cõi trần gian, (Ố tang tình ...)
Bầy trẻ thăm hỏi cung trăng : Chú cuội đâu vắng, cô Hằng đâu xa ?, (Ố tang tình ...)
Động lòng thương trẻ ngây thơ, Đàn chim nhỏ bé bay vô trả lời, (Ố tang tình ...)
Từ ngày có hỏa tinh bay, Bay có ba ngày lên tới mặt trăng, (Ố tang tình ...)
Cuội đành đem chị Hằng Nga tìm xứ xây nhà không biết ở đâu?, (Ố tang tình tang, ố tang tình tình)
Đối với các bài hát về chủ đề tình yêu quê hương thì bài "Khúc ca Đồng Tháp" là bài tôi nhớ nhất. Mặc dù quê tôi không phải là Đồng Tháp, nhưng bài hát đã gợi lên một hình ảnh quê hương thật đẹp, thật thanh bình.
Đây Tháp Mười phương Nam tôi thân yêu
Sông lúa vờn vợn trong ánh nắng chiều
Vang tiếng chày khắp chốn cô liêu.
Đây Tháp Mười mênh mông này quanh năm
Có những mùa trồng dâu ta ươm tằm
Có những mùa trồng khoai hay hái cà.
Tháp Mười ơi, Đây miền Nam, Say tự do, Vui bình an.
Hò ơ hò hò ơi Ai vô Đồng Tháp mà nghe
Có chiều chiều về em bé, bé hát vè, vè mà chơi
Đồng xanh xanh ngát chân trời, Ơ ơ hò hò ơ hò ơi
Hò ơi, quanh năm đồng lúa phì nhiêu
Lúa nhiều. nuôi dân no ấm tang tình, tình tình tang
Ai đi xin nhớ xóm làng, Quanh năm cày cấy cho nhà Nhà Việt Nam.
Đây Tháp Mười phương Nam tôi thân yêu
Vang tiếng hò hòa trong những tiếng cười
Vui cấy cầy khắp chốn nơi nơi.
Như luyến tình yêu ai nơi xa xôi
Trong luá vàng nàng thôn nữ tươi cười
Vui xóm làng hò ơi ta yêu đời.
Quê hương cũng là quê mẹ, nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình đã trải qua thời thơ ấu yên ấm bên mẹ cha, dù có đi xa vẫn luôn nhớ về quê mẹ.
Đêm khuya trăng mơ mắt trông về nơi cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.
Ra đi con dâng đời cho gió sương,
Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua,
Gió chiều thường nhắc khúc ca biệt ly
Cố nhìn quê cũ lẫn trong sương mờ.
Mẹ ơi ra đi đời con sá chi
Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly
Bên mẹ thường hát khúc ca ngày đi
Ai ngờ rồi cũng đến phút phân ly
Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ ơi ...!
Tuổi học trò thường được gọi là tuổi hoa niên, vì nó giống như một đóa hoa mới chớm nở, bài hát "Tuổi hoa niên" của Minh Kỳ là bài tôi rất thích vì nhạc cũng hay mà lời thì rất có ý nghĩa. Nó như một lời nhắn nhủ cho lớp trẻ chúng tôi khi đó nên cố gắng để sau này trở thành những người hữu ích cho xã hội.
Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên, khóm măng non xinh tươi vươn lên
Tuổi ngây thơ đẹp vui tươi, cánh hoa mai hương thơm vườn đời
Ngàn câu ca vạn câu thơ, Nói bao nhiêu sao cho trọn lời
Tuổi hoa niên đầy hương xuân, sáng át ánh trăng rằm.
Tuổi ấu trí tập rèn chí khí, Để mai sau tràn ngập tương lai
Bước vào đời gắng giúp mọi người, hữu ích cho xã hội
Cùng tiến bước vì đất nước, Giữ non sông thương yêu quê hương
Tuổi hoa niên học cho nên, xứng đáng công dân hiền
Càng gắng sách đèn đúc rèn nhớ chớ quên
Nào ta trau dồi nên người ngày một tiến
Rồi mai sau này công thành nhớ chớ quên
Thày với chúng bạn những người dẫn dắt nên ...
Việt Nam yêu, Việt Nam yêu, ngát hương thơm men xuân hiền hòa
Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên, Những đóa hoa xinh tươi đẹp màu
Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên, lấy phương châm trung kiên làm đầu
Học cho mau để mai sau đất nước Nam tươi màu.
Và bài thường khiến tôi cảm động nhất mỗi khi nghe đến là bài "Trường làng tôi"
Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm.
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh, len qua đám cây xanh nhẹ lướt.
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng.
Trường làng tôi không giây phút tôi quên, Dù cách xa muôn trùng trường ơi
Nơi sống bao mái đầu xanh màu, Đời tươi như bao lá xanh, lá xanh
Theo tháng ngày sống vui miệt mài quên tháng năm ấm ngôi trường xưa,
Nơi sống vui bao trẻ nô đùa, Cùng nhau vang hát khúc ca vô tư
Cho đến ngày chiến cuộc lan tràn qua xóm thôn nát ngôi trường xưa
Trường làng tôi nay không tiếng ê a, nay không bóng bao em nô đùa
Trường làng tôi không giây phút tôi quên, Nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh.
Tuy Taberd không phải là trường làng, nhưng đối với tôi nó là cả một thời học trò thật đẹp, thật đáng quý mà chẳng bao giờ có thể có lại được. Lời bài hát cũng nhắc cho tôi biết là trường nay đã không còn, hay nói đúng hơn là chỉ còn cái xác, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong có một ngày nào đó, không phải đời con mà có thể là tới đời cháu nội cháu ngoại mình sẽ lại tung tăng chơi đùa trong sân trường mang tên LASAN TABERD. Biết đâu đấy!! Vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra mà.