Các em học sinh thân mến,
Cuốn Kỷ Yếu này là của các em và là kỷ vật mà niên học 1971-1972 sẽ trao về các em khi hè tới. Các em hãy giữ lấy vì nó nhắc lại cho mỗi người, một trong những tháng năm êm đềm thời niên thiếu tại Taberd; và đôi lúc làm sống lại trong ký ức, hình ảnh của những bạn rất thân, những ngày đáng kính, những buổi lễ hay những lới giảng huấn đã thay đổi cả một đời người, cùng những biến chuyển của cuộc đời học sinh, mà các em đã đóng vai trò chính yếu, hay đã là những khán giả sống động.
Giữa bao kỷ niệm được lưu lại trong cuốn này, thiết tưởng cuộc viếng thắm tới đây của TH. Charles Henry Tổng Quyền dòng Lasan và của TH. Michael Jacque Phụ Quyền, đáng được ghi nhớ trong lịch sử của trường. Trường ta ghi ơn TH. Tổng Quyền đã dành trọn một ngày, trong thời gian quá ngắn ngủi tại Việt Nam, để lưu lại dưới mái trường này, với tất cả sự khuyến khích, và ý nghĩa sâu xa bao hàm trong cuộc viếng thăm đó.
Khi từ giả Lasan Taberd, Tôn Huynh TQ đã mang theo một kỷ niệm mà thời gian và không gian khó có thể làm phai nhạt. Đó là hình ảnh một trường - thật là đều đáng quý mà cựu học sinh luôn trung thành nhớ về thầy cũ, mà Phụ hunh cộng tác mật thiết với ban Giám Đốc, mà học sinh đáng mến, nhiều tài năng, đang gắng công xây đắp tương lai cho bản thân và quê hương Tổ Quốc. TH. đã tuyên bố: " La Mã theo dõi công việc của các SH. tại Việt Nam với nhiều cảm tình, kính trọng và mến phục". Mong sao chúng ta luôn tỏ ra xứng đáng với lòng tin cậy đó, và giữ được truyền thống văn hóa cao đệp đã làm hãnh diện cho các Quốc gia.
Cuộc viếng thăm của một Bề trên Tồng quyền không bao giờ là một cuộc du lịch lãng phí, mà có mục tiêu, một mục tiêu rất rõ rệt. TH. Tổng Quyền muốn nâng đỡ cho các SH. trong đới sống tận hiến của mình; và vì cuộc đời tu trì của một SH. Lasan cũng không khác gì công việc giáo dục hàng ngày, nên cuộc viếng thăm này là một sự khuyến khích và một lới nhắc nhở, nhắc nhở luôn trở về mục tiêu tối thượng của Dòng là sứ mạng giáo huấn, và xét lại giá trị cũng như phẩm chất của công việc giáo dục đó - khuyến khích canh tân học đường, để cho trường ta thật sự mang lại một nền giáo dục thích hợp với đà phát triển của Quốc gia, và sự tiến bộ của thế giới.
Chúng ta có đi đúng đướng lối hay không, và phải làm gì để trường ta là một môi trường giáo dục, một học đường đề cao văn hóa và giáo dục? Mục tiêu này đòi hỏi các em phải tự đảm trách sự thăng tiến của bản thân, hòa mình vào môi trường học đường và tự sát nhập vào các tầng lớp xã hội. Sự phát triển toàn diện của con người không chỉ tùy thuộc vào sự giáo huấn của thầy, mà còn đòi hỏi sự tìm hiểu, óc phê bình, tinh thần tham gia sống động và sự dấn thân. Mục tiêu đó còn đòi hỏi học đường phải mở rộng cửa và trọng đãi sự hợp tác của tất cả những thời cơ có thể đóng góp cho công việc giáo dục con người và công dân học đường phải để cho cộng đoàn tập thể sử dụng các trang bị của mình trong những công tác thường huấn người lớn và sự gặp gỡ của tuổi trẻ.
Trong đường hướng canh tân đó, các em thấy trong năm nay, trường ta đã mở rộng cửa đón tiếp các tổ chức xã hội bác ái, văn hóa và nghệ thuật ... tham gia các đại hội và các khóa hội thảo về giáo dục... nới rộng các công tác xã hội... khuyến khích, tổ chức và nâng đỡ các khóa tu nghiệp cũng như các buổi gặp gỡ giữa thanh thiếu niên. Xã hội chúng ta là một xã hội biến chuyển không ngừng, cho nên trường ta cũng phải là một phần tử tiến hóa, một môi trường cởi mở, thuận lợi cho sự đối thoại, lòng tin cậy, và sự thông cảm lẫn nhau.
"Nghề giáo là một cuộc mạo hiểm vĩ đại, đòi hỏi những ai dấn thân vào nghề, lòng can đảm hầu đối phó với các khó khăn, óc sáng kiến hầu làm chủ mọi bất trắc, tinh thần canh tân trung kiên để thích nghi với một thế giới đang biến chuyển, và một tình thương bao la để gặp gỡ và nhận biết tuổi trẻ đa diện" (Diễn văn của THTQ trong buổi tiếp tân tại Taberd ngày 07/03/1972).
Các em học sinh thân mến !
Các SH và các Giáo sư các em đã dấn thân trong cuộc mạo hiểm đó.
Có lẻ một số trong các em đã thấu triệt sự cao đẹp của nghệ thuật Giáo dục, và cũng muốn nhập cuộc... Các em cứ việc, và đừng ngại ngùng chi hết. Dầu sao tất cả chúng ta đều được hưởng nền Giáo dục đó, cho nên theo gương đàn anh, chúng ta chớ quên lý tưởng cao đẹp:" Sống đẹp là sống cho kẻ khác".
S.H. Félicien HUỲNH CÔNG LƯƠNG Hiệu Trưởng