- Một khúc rẽ cuộc đời - (13 tháng 6 năm 2010)
- Lịch sử ngàn người viết hay Kim Vân Kiều 1975 - (tháng 5 năm 2010)
- Các trang sáng tác khác
- Kỷ niệm 3 năm Taberd.org (2012)
- Bạn bè năm xưa (2010)
- Bạn bè năm xưa (2011)
- Cảm xúc (2009)
- Cảm xúc (2010 - Phần 1)
- Cảm xúc (2010 - Phần 2)
- Cảm xúc (2011 - Phần 3)
- Cảm xúc (2012)
- Những câu chuyện vui (2010)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 1)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 2)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2010)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2012 - Phần 2)
Lịch sử ngàn người viết hay Kim Vân Kiều 1975
Xin báo trước với các bạn là tựa Lịch sử ngàn người viết ở trên mượn của Lê Bá Chư, mượn vì khó có thể tìm một tựa nào hay hơn, xúc tích, và vã lại tại sao phải “reinvent the wheel”?
Tình cờ tôi mới tìm được website Taberd.org dưới một tuần và nhìn lại được hình ảnh của rất nhiều cố nhân Trần Sư Tứ, Nguyễn Đình Biên, Lê Ngọc Lân, Lê Kim Hòa, Nguyễn Trường Sơn, Huỳnh Ngọc Lâm, Nguyễn Thanh Nguyên, Tôn Thất Ân, …, tìm ra hình, cố nhân nào trông cũng có vẻ là “cổ nhân”, vì “cổ” nên trông già đi: Nguyễn Đình Biên hồi xưa tóc lùm xùm, rất có leadership từ năm lớp 9, chơi piano, Biên là “cõi trên” vì chơi piano, trong khi tôi chỉ là harmonica và sau 1975 mới rờ tới guitar, nhìn lại Biên trông văn nhân hơn xưa, Sư Tứ thì rất back to the future, email với nó thì đầu óc lung tung lên, không biết future là quá khứ, hay quá khứ là future, mình hoá con nít như ngày xưa. Cũng nhờ Sư Tứ mà có liên lạc với Lý Hữu Phước, người đã làm tôi khóc thương trong đêm tối khi nhớ tới nó, Sao không chết người trai hậu phương như tôi (vì tôi đạp xe xích lô để kiếm sống vào năm 1979-1980 tới khi vô bịnh viện Hồng Bàng vì đau phổi, nhưng không bị xe cán như thầy Nguyễn Xuân Nghiên tử thương vì tai nạn xe cộ) mà lại “chết người trai khói lửa” (nghe tin Phước đi bộ đội, bị Khờ Me đỏ cho ăn B40 chết mất xác). Lại đọc thấy Võ Long Hải, thằng mà hồi xưa tôi hơi … ghét, không hiểu tại sao nó lại cho tôi ấn tượng là nó du côn, sẵn sàng đấm đá tôi ?! Ai ngờ Hải lại tình cảm quá sức, cứ đọc thư của nó thì biết (Hải ơi, tao có gặp bác Võ Long Triều tới tham dự buổi kỷ niệm Hiệp Khí Đạo tại Cali, tính tới chào bác để hỏi thăm tin mày, nhưng bận phụ giúp nên bác về mất, không kịp hỏi).
Nói lòng vòng để thấy là có lẽ là chúng ta thấy hình ảnh của nhau, muốn biết tin tức của nhau, nhưng hiện trên Taberd.org chỉ mới có những trao đổi còn hạn chế, ít ai nói về mình le moi est haissable. Tại sao mình không nhìn chuyện này thành le toi est love-laugh = love-lab = loveable? Hãy viết về mình để cho bạn bè biết về mình sống ra sao sau 1975, để chúng ta khỏi mất công hỏi thăm từng thằng, khỏi mất công lập lại cuộc đời ái tình và sự nghiệp của chúng ta cho những thằng bạn lần lần tìm ra dấu vết nhờ Taberd.org (anh em nhớ tìm cách phổ biến về Taberd.org cho tất cả dân Lasan để nhờ họ tiếp tay phổ biến).
Tôi đề nghị:
Mỗi người hãy viết về đời mình từ 1975, đăng vào mục Trong sân trường trên Taberd.org, dưới tựa Lịch sử ngàn người viết hay Kim Vân Kiều 1975.
Thí dụ: Lịch sử ngàn người viết hay Kim Vân Kiều 1975 – của Kiều Lê Anh Dũng
Mỗi mảnh đời chúng ta hợp lại với hàng ngàn đời của học sinh Lasan Taberd sẽ như một bức puzzle của một thực thể (entity) lớn hơn có tên là học sinh La San Taberd - back to future – future to back.
Viết và đăng ở Taberd.org, để mỗi chúng ta hiểu về nhau, để con cháu chúng ta biết hơn về ta, về chúng ta, về thế hệ chúng ta. Những mảnh puzzle này cũng là những tấm hình của nhiều cá nhân của cả một thời đại, cho mai sau biết và cảm nhận biết về một khoảng lịch sử, không phải loại lịch sử biên niên, đại tự sự, mà lịch sử của những con người như những con ốc nhỏ trong guồng máy lịch sử (có phải cũng có lúc chúng ta đã thắc mắc đời Trịnh Nguyễn phân tranh con người hồi đó như thế nào, lo âu hay sống ra sao). Chúng ta hiện có khả năng làm chuyện này dễ dàng nhờ Internet, miễn là chịu ngồi xuống viết.
Cựu học sinh Taberd hiện nay sống ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, để tạo điều kiện dễ dàng, thoải mái cho các bạn ở trong nước tham gia, tôi thiết tưởng chúng ta nên viết ôn hòa, chú trọng viết về dữ kiện hơn là diễn giải, phê phán (nhất là chính trị). Tôi nhớ thầy Đắc, dạy sử, có nói “lịch sử là sự kiện”, chỉ với sự kiện là câu chuyện đã có cốt, có hồn, không cần nhiều phấn son, trang điểm.
Nhiều người trong chúng ta đã đi quá 2/3 cuộc đời, thành bại, thăng trầm. Việt Nam trong thời gian này lại có quá nhiều biến động, mà không có một cá nhân nào có đủ khả năng làm chủ định mệnh của mình, lịch sử như một cơn sóng dữ, một tsunami đẩy mọi người lặn, hụp, trôi nổi, tôi đã đạp xích lô để nuôi bố cải tạo v.v. Sau 35 năm, chắn chắn anh em chúng ta đã có nhiều cảnh đời khác nhau, kẻ rất cao, người rất thấp, nên khi đọc thư Võ Long Hải tôi hoàn toàn thông cảm nỗi e ngại, mặc cảm của Hải khi liên lạc với bạn xưa (bác Võ Long Triều đã là bộ trưởng bộ Thanh niên, dân biểu, chủ báo Đại Dân Tộc; trong hồi ký của bác, bác viết là sau khi cải tạo về bác phải đi bán bánh). Trong project “lịch sử ngàn người viết” – Kim Vân Kiều 1975 này tôi đề nghị chúng ta phớt tỉnh Ăng Lê, hãy viết về chúng ta trong chừng mực chúng ta có thể bày tỏ thoải mái, để các bạn ta biết, hiểu về nhau. Cũng như nhiều lần khi nghĩ về Phước, về Sư Tứ, về Biên, Trường Sơn tôi giống như Bùi Giáng thắc mắc “Giờ này em ở nơi đâu, cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?”.
PS: Tôi sẽ bắt đầu viết về cuộc đời Kiều nữ của tôi, và đăng lai rai trên Taberd.org làm nhiều bài lắt nhắt trong mục Trong sân trường, các bạn hưởng ứng Kim Vân Kiều 1975 nhé. Trần Sư Tứ và Lý Hữu Phước trước, Nguyễn Trường Sơn theo nhé.
Một khúc rẽ cuộc đời
Mười ba tháng sáu năm 75 là ngày tôi chân ướt chân ráo đến Montreal, Canada, cái xứ mà được rất nhiều người ca tụng là Xứ Lạnh Tình Nồng, Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa rõ rệt. Đặc trưng của Canada là mùa Thu và mùa Đông. Vào Thu bầu trời lúc nào cũng nặng nặng như vẻ mặt của đôi tình nhân đang hờn dỗi, mây xám xịt nên dù đẹp trai cách mấy như tôi chụp hình lên cũng thấy màu da hơi …tai tái nhưng mà cảnh vật chung quanh thì phải nói là tuyệt đẹp. Một bức tranh hoàn mỹ với đủ màu sắc của những chiếc lá phong.
Rồi khi những chiếc lá phong bắt đầu lìa cành, lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc……. bức tranh khác lại được vẽ lên, những thân cây khẳng khiu trơ trụi, buồn bã đứng chơ vơ trong giá rét thì con người ta lại trở nên phúng phính, ngộ nghĩnh, co ro và chậm chạp trong những chiếc áo manteau đủ màu đủ kiểu. Đó là ấn tượng của tôi về Canada trong những buổi ban đầu lưu luyến ấy.
Tả cảnh cho có hình có ảnh vậy thôi, chứ đầu óc tôi lúc đó vừa buồn vừa hoang mang. May là phải vừa đi làm vừa đi học nên cái buồn, cái hoang mang dần dà cũng tan đi.
Năm 75, 76 đề tài người Việt tị nạn khá nóng bỏng nên có rất nhiều cơ quan, hội đoàn, những gia đình người bản xứ giàu lòng nhân đạo đã không ngần ngại mở rộng vòng tay đón tiếp những người tha hương, những con người không cùng chung sắc tộc, không cùng văn hóa và thậm chí ngôn ngữ cũng không luôn.
Có một thời gian khá dài trong những năm đầu tôi được gia đình ông anh họ, anh em chú bác cho tạm trú, coi như cũng có được mái ấm gia đình cho tôi trong lúc còn bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Ông anh họ cùng vợ con và bà mẹ của ông anh ở tầng trên, tôi được thu xếp cho một căn phòng nho nhỏ phía trong ở tầng hầm dưới (bên này gọi là sous-sol). Trong phòng này có bàn thờ của ông Bác mất năm 72. Đây là một thành phố nhỏ có chừng 80 000 dân, yên tĩnh, hiền hòa và thơ mộng. Ở giữa thành phố có một hồ, Lac Des Nations, thành phố là một thung lũng, bao quanh bởi những đồi núi cao thấp chập chùng.
Sau những đêm dài thao thức nhớ về gia đình đã nghìn trùng xa cách, tương lai trước mặt còn mịt mù, tôi dành mọi nỗ lực vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm sống. Khi rảnh rỗi tôi tìm đến các cơ quan, hội đoàn hay những nhà hảo tâm đang giúp đỡ người tị nạn hội nhập vào đời sống và trên nhiều phương diện khác. Cơ duyên đưa đẩy tôi gặp được hai vợ chồng bác sĩ -Ông Bà Nicole & Claude St-Jacques. Lúc đó hai vợ chồng tuổi ngoài ba mươi.
Lần đầu gặp mặt tại nhà hai Ông Bà, tôi thật sự xúc động đến sững sờ khi Ông Bà gọi các con ra giới thiệu với tôi. Mắt tôi đã không nhìn lầm, hai trong số ba đứa trẻ đứng trước mặt tôi là người Việt Nam. Cậu bé lớn khoảng 4-5 tuổi tên Christian người bản xứ, tiếp theo một bé gái 2-3 tuổi tên Họa Mi và một em bé Việt Nam tên Anh Khoa độ vài tháng tuổi. Tất cả đều được Ông Bà thu dưỡng làm con nuôi. Từ đó có cơ hội tôi hay đến với gia đình Ông Bà vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, học hỏi về đời sống ở đây và nhất là trau giồi thêm tiếng Pháp. Thỉnh thoảng tôi tháp tùng cùng gia đình Ông Bà đi chơi nhà nghỉ mát ở cạnh bờ hồ.
Noel những năm đó tôi cũng được mời đến dự, như một thành viên trong gia đình năm nào tôi cũng có một món quà ngày Giáng Sinh. Cầm trên tay gói quà nặng trĩu tình người, tôi vừa thấy lòng ấm đến lạ lùng lại vừa cảm thấy mình lẻ loi nơi xứ lạ quê người và tôi cứ suy nghĩ miên man về cậu bé Christian, cô bé Họa Mi, em bé Anh Khoa và về những đứa trẻ bất hạnh khác nhưng lại thật may mắn khi trên đời còn có những người như Ông Bà Nicole & Claude St-Jacques. Ông Bà không trực tiếp chỉ dạy tôi bất cứ điều gì cả, nhưng tôi lúc nào cũng nghỉ đến nhiều điều từ đức độ đến nhân cách sống của Ông Bà.
Cho đến ngày nay, tuổi đời đã khá, ngồi ôn lại tất cả những chặng đường mình đã đi qua, có vui buồn lẫn lộn, chập chờn trong ký ức có cả hình ảnh của hai Ông Bà và một lần nữa tôi chân thành cám ơn Ông Bà, cám ơn tất cả những tấm lòng bác ái đã và đang làm đẹp cho đời.
TB: Hưởng ứng lời kêu gọi của bạn Kiều Lê Anh Dũng.