Taberd.org Lasan Taberd
Tìm kiếm chi tiết

 
LOL
Kỷ niệm 3 năm Taberd.org

Các trang mới

 Hội ngộ TB79, 2012
 Tất niên Thầy Cô, 2012
 Thơ văn - Biên Khảo
 Nhạc - Bài hát
 Hình ảnh xưa
 Kỷ Vật

Liên kết

  Search  Tìm kiếm
  Msg  Nhắn tin
  Comments  Góp ý
  TC  Nhớ ơn Thầy Cô
  QTT  Quỹ Tương Trợ
  Send mails  Trong Sân Trường

Danh sách

Ghi tên nhận bản tin và thông báo
Họ tên
E-mail
Ghi lại mã bảo vệ  

Taberd.org được ba năm tuổi

Taberd.org đã được ba năm tuổi! lẹ thật, so với những ngày còn đi học ở Taberd 1972-1975 sao mà...ngắn qúa vậy, có lẽ trong tất cả chúng ta vào những ngày còn ở quê nhà, chúng ta gặp nhau hằng ngày, sinh hoạt hằng ngày, vui chơi với nhau hằng ngày mà bây giờ thỉnh thoảng mới nghe tiếng của nhau... qua lời viết ... hổng phải hằng ngày.

Có đứa đã là ông ngoại, không biết có ai là ông nội chưa, nhưng tôi chắc một điều mà không ít thì nhiều khi nhìn thấy bạn bè củ, chúng ta có xúc động nhiều chứ phải không? bạn nhĩ, bãn thân tôi rất xúc động khi liên lạc lại với bạn bè cũ của Taberd và cũng là trong dịp Taberd 76 hội ngộ, tôi nôn nóng lắm, cãm giác của mình như buổi tựu trường hôm nào ở quê nhà, cũng giống như sau ba tháng hè mà giờ mới có dịp gặp lại; chỉ có khác, sau khi nghĩ hè mà ... tóc đã chấm màu muối tiêu nhiều rồi khi gặp lại.

Chúng ta, Taberd 76 đã ở khắp năm châu của địa cầu, có đứa thế này và cũng nhiều đứa khác thế nọ, nhưng chúng ta cùng nhìn về mái trường cũ với nhiều thân thương, mái trường mà chúng ta hãnh diện được làm học sinh, được giáo dục chu đáo từ các Frère, được huấn luyện một cách tận tuỵ từ các thầy cô mà điển hình, tôi nhớ lại học sinh Taberd 76 đã đạt gần 100% kỳ thi tú tài của năm 1976, chuyện này tôi không sai sót đâu.

Mái trường thân yêu lại hiện về trong tôi khi LVQ nhắc lại ngày sinh nhật ba năm của Taberd.org vào ngày 1 tháng chín sắp tới đây, ba năm không dài nhưng cũng không phải là ngắn ngủi; đúng vậy, dài vì thời gian nhưng ngắn vì không gian mà chúng ta lại gặp nhau quá ít. Từ những bài viết đầu tiên của tôi đến với Taberd.org cho đến nay, mục đích của tôi cũng chỉ ráng kết lại những tình bạn cũ mà một thời chúng ta cùng nhau xắp hàng dưới cột cờ trong sân trường vào mỗi buổi sáng để được... bàn loạn.

Mong tất cả chúng ta không những bầu mà phải hổ trợ cho NVE hay cụ M để tiếp tục hoàn thành nhiều dự tính trước mắt cho Taberd 76 và không quên vào sân trường trong giờ... ra chơi.

Trần Quốc Thắng - Cali (tháng 8 năm 2012)
top Mục lục

Độc tài như Em!

Tao nhà tui xin tâu cùng các Be những vui buồn tràn trề trên Taberd.zọt, với 3 lần xuân hạ đã ra đi và đã đễ lại trong tâm hồn các Be chúng ta ít nhiều những niềm hạnh phúc.

Số là và cuối hạ năm 2009, Tao nhà tui được biết là 'frère' LVQUANG cùng một nhóm bạn be cựu học sinh Lasan Taberd promo 76 đã bỏ công, bỏ sức ra để tạo ra một khung trời kỷ niệm cho tất cả bạn be mà đã gần 4 thập niên xa cách sau cuộc chia ly của tháng 4 năm nào.

Taberd.org được ra đời với biết bao hy vọng của các Be cùng promo muốn tìm lại những thằng bạn mà một thời đã cùng nhau 'mòn dí' những chiếc ghế của mái trường mà nay đã không còn nữa.

Tin tức qua lại từ các Be từ khắp năm châu đã đem lại những vui buồn khi được biết kẽ còn người mất. Những khuôn mặt của ngày xưa nay lại xuất hiện sau bao năm Tao nhà tui nghĩ đó chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.

Thêm vào đó, những surnom (biệt danh, nickname) lại được đặt cho nhau như Cụ M (NVEm), Cu K (LNQKhánh), Tư Ếch (DQKhai), Frère Quang (LVQuang), nhà văn chấm ọt (VVChính), Be Hói (DTTin), anh Hai Hòa (HGHòa), Giáo Nguyên (PDNguyên), Tây Ba Lô (NNHùng) vân vân và vân vân như thưở này của bốn thập niên trước! Những bài viết về tình bạn, trường xưa đã i;t nhiều làm rơi nước mắt lẫn những nụ cười qua phần cảm xúc trên sân trường Taberd.org.

Qua thời gian, Taberd.org lớn mạnh lên từ những đóng góp của các Be Mẻo, phô trương lên qua đài truyền hình qua sực góp mặt của nhà tâm lý học LXViệt với bộ râu quay nón trong rất 'bô zai' ở các tuổi hết xì dầu (20 là dậy thì, còn 50 là hết, đừng buồn nghe Be Xuan Ziiệt!) Stroumph à lunettes TVKhoa tự Khoa Cận, cũng không quên Be hói DTTín thao thao bất tuyệt dưới điều hành của 'Cô Tư' Quỳnh Hương, giai nhân của đài truyền hình. Qua đó các Be đã giới thiệu hoạt động của Quỹ Tương Trợ Taberd 76 (QTTT76).

QTTT76 ra đời với sự điều hành của 'anh Hai' HGHòa làm trưởng ban cùng các Be khác trong ban điều hành mà Tao nhà tui là thủ quỹ của vùng Âu Châu. QTTT76 ra đời với hy vọng sẽ chia sẻ một phần các khó khăn cho các bạn bè xưa kia. Rồi tới trưởng ban Be Hói ĐTTín của nhiệm kỳ 2 đã cố gắng tiếp tục con đường QTTT76. Nay mùa bầu cử của Trưởng ban nhiệm kỳ 3, nghe đâ Be He (tuổi mùi) NVEm đơn phương ra ứng cử ?

Nói đến Be NVEm, Tao tui xin tâu với các Be hay nói đúng hơn là nhắc lại trí nhớ của chúng ta, NVEm là ai ? Be NVEm đã là nhà độc tài từ tuổi học trò, Be này đã độc tài chiếm gần hết các huy chương, bảng danh dự hoc sinh giỏi, vẽ được, vân vân và vân vân. Hầu như tất cả các Be của Promo 76 đều biết đến Be này, rồi bây giờ lại độc tài ra tranh cử trưởng ban điều hành QTTT76 một mình!

Tao nhà tui xin xì tốp, hẹn gặp lại các Be trên Taberd.org.

Tao NNHùng Paris tháng 8, 2012

top Mục lục

Taberd.org, 3 năm nhìn lại

Lê Việt Quang - Úc (tháng 8 năm 2012)
top Mục lục

Trường cũ - Người xưa

Đã lâu rồi tôi không một lần về thăm trường củ nơi đã gắn bó với tôi một quãng thời gian dài gần mười năm. Sau biến động thời cuộc năm 75, trường đã giải thể, đổi tên, nên tôi cảm thấy xa lạ. Từ đó đên nay, đã trên ba mươi năm rồi, chưa một lần tôi quay về trường cũ

Trường XưaNhân dịp ngày Mai Thôn Hội ngộ lần I, ngày 8. 8. 2010, có một số cựu HS Trường Lasan Taberd tìm được tôi và mời đến dự ngày Hội ngộ các em mời tập trung trước cổng trường chính củ, dường Nguyễn Du, để có xe đưa đón lên Mai Thôn. Sớm hơn giờ hẹn tập trung khoảng 30 phút, tôi và vài đòng nghiệp cũ có mặt trước cổng trường, cốt để nhìn lại quang cảnh trường xưa, thả dọc theo đường, ngắm nhìn cảnh cũ, để nhớ lại một thời đã dạy học nơi này... Đây ngôi trường xưa to lớn, bề thế, được xem là đẹp và nỗi tiếng thời ấy. Cánh cổng sắt màu đen, sơn ngã màu, đóng kín, im vắng. Dọc theo đường Nguyễn Du, hai bên lề vẫn còn các cây me già, cành nhánh khẳng khiu, lá vẫn còn bay bay sau cơn gió thoảng. Đứng tần ngần nhìn ngắm ngôi trường xưa mà lòng cảm thấy xót xa, ngậm ngùi. Đang mãi miết nhớ về những kỷ niêm xa xưa, bỗng có mấy cựu HS đến chào lể phép và hỏi:

- Thưa, Thầy Cô có muốn vào thăm lại trường cũ không?

- Muốn lắm chứ, nhưng làm sao vào được?

- Có thể tìm ra cách. Giờ kính mời quí Thầy Cô qua cổng đường Gia Long cũ.

Chúng tôi theo chân các em. Có em đại diện vào hỏi Bảo vệ cho đoàn vào thăm Frère Đại hiện đang còn ở trong Trường. Bảo vệ đồng ý. Thế là chúng tôi cùng vào

Ngôi Trường cũ đây rồi, sân trường vẫn rộng lớn, quang đảng, ngập tràn ánh sáng ban mai. .

Trường XưaĐây là khu vực phía dưới các dãy lầu dọc theo đường Hai Bà Trưng dành cho Ban 6-7. Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng, tất cả hoc sinh đều phải xếp hang dưới sân, hàng hai, giáo sư đứng lớp, đứng sau hướng về dảy lớp hoc của mình. Frère Giám Học đứng trên bục đối diện với học sinh. quan sát kiểm tra đông phục phù hiệu và trật tự học sinh. Đối diện với các dãy lầu gồm các lớp 6-7 là khối 8-9. Ở trung tâm của các dãy lầu các lớp hoc là Nhà nguyện, văn phòng của Frère Hiệu trưởng, VP các Frère Hiệu Phó, các Frère Tổng Linh hoạt, Phòng Hành chính, lương bổng v.v. Giữa sân là cột cờ cao vòi vọi luôn mang lá cờ nước, tung bay ngạo nghễ giữa sân trường. Lasan Taberd là trường lớn nhất có đủ cấp học từ lớp 1 đến lớp 12. Trương luôn nỗi tiếng trên tất cả các lãnh vực :đạo dức, thể dục thể thao. văn nghệ, sinh hoạt xã hội và đặc biệt là đỗ đạt cao trong các kỳ thi Tú Tài.

Nhìn lại ngôi trường cũ ngày xưa lòng tôi cảm thấy bùi ngùi xúc động. Đã ba mươi mấy năm rồi, nay nhìn lại tôi cảm nhận như đâu mới hôm qua, tôi đang đứng dạy trên lớp trong bầu không khí tràn ngập yêu thương, đoàn kết với các Frère, các đồng nghiệp thân thương và các học sinh thân yêu của tôi.

Trường XưaQua một thời gian dài xa cách, nay gặp lại các đồng nghiệp cũ, chúng tôi hết sức vui mùng, hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, cuộc sống hiện tai. Chúng tôi cùng nhìn kỹ lẩn nhau, ai cũng khác lạ... Ai cũng già, da nhăn tóc bạc, tuổi tác chất chồng. Có nhiều vị nay đã xắp xỉ 80 hoặc trên 80. Hôm nay ngày Hội ngộ, sao số lượng đồng nghiệp cũ ít quá. Qua kỷ yếu, danh sách các Frère và Thầy Cô rất đông, giờ sao tập trung tại trường cũ không còn bao nhiêu. Tôi biết sau ngày trường giải thể, Các Frère, Thầy Cô cũng như học sinh ly tán khắp nơi, kẻ còn người mất, phần lớn ra nước ngoài, số còn lại không nhiều, do hoàn cảnh sống đã dời chỗ ở nên không làm sao tìm ra địa chỉ liên lạc được.

Trường XưaChúng tôi đi tới lui dưới sân để nhìn lại cảnh cũ trường xưa, tìm về kỷ niệm môt thời êm đẹp, rồi chúng tôi cùng nhau đứng xếp hang để chụp mấy pô hình chung. kỷ niệm ngày Hội ngộ xong các em mời chúng tôi ra xe để đưa các các Thầy Cô đến Mai Thôn, dự ngày Mai Thôn hội ngộ... Các Em cựu HS giờ đã trưởng thành, tuổi đời chồng chất, có Em đã là Ông nội, ông ngoại trong gia đình. Vui nhất trong kỳ Hôi ngộ nầy là có Ông Bạn già Hoàng Tuỳ (xưa cùng làm việc chung ở Bộ Giáo Dục) tuổi đã trên 80, vừa bên Úc về cũng tham gia ngày kỷ niệm. Lại có một số Cựu sinh thuộc nhóm Taberd 76, vừa từ nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc, Canada về dự. Điều làm tôi cảm động là các Em đã học với chúng tôi từ 40 năm trước mà vẫn lễ phép, niềm nở, ân cần kính trọng Thầy Cô cũ như xưa, như thời còn đi học dưới mái trường Lasan ngày nay, trong nước cũng như ở hải ngoại, các em đều có gia đình hạnh phúc, cuộc sống ổn định, có công danh sự nghiệp đầy đủ, nhiều người đỗ đạt cao, có những chức vụ quan trọng, trong nước cũng như nước ngoài. Tôi ghi nhớ trong hai kỳ Hội ngộ các em mướn xe ngoài hay dùng xe riêng của mình để đón rồi đưa Thầy Cô về tận nhà. Thật hết sức cảm động...

Người xưa... của ngôi trường Lasan Taberd đã để lại trong hồn tôi những kỷ niệm đẹp, những ân tình sâu sắc. Nếu viết để ghi nhớ công ơn, những ân tình, những tình cảm đẹp của mọi người thì chắc dài nhiều trang giấy mới đủ. Ở đây tôi xin ghi nhớ công ơn tất cả các Frère kính mến, xin ghi nhớ ân tình thân thương của các đồng nghiệp củ và cũng xin đặc biệt ghi nhận các tình cảm đẹp, đầy ân tình của các em đã từng học với tôi ngày xưa.

Trong phạm vi bài nầy, tôi xin ghi nhớ ân tình cao đẹp, những tình cảm sâu sắc với một số người xưa. mà tôi có dịp tiếp xúc nhiều.

Marcien ThienTrước hết là Frère Marcien Thiện (Nguyễn văn Luật) vị Frère Giám Học khối 6-7 mà xưa tôi dạy học dưới quyền Frère. Nhắc đên Frère thì quý vị từ cựu giáo sư 6-7, đến các em học sinh 6-7 ai cũng còn nhớ…Frère dáng gầy, cao dong dỏng, mặt nghiêm nghị, phúc hậu lúc nà cũng mang cặp kính cận tròn. Tôi dạy ở Taberd 7-8 năm đều dưới quyền Frère. Frère đã giúp đỡ, chỉ dẫn, quan tâm đến tôi từ phương pháp day học đến chăm sóc sức khỏe bản thân và cách đối nhân xử thế, ... Frère chỉ phương pháp thiền Yoga, cách thở đúng phép vệ sinh, cách tập trung tư tưởng thế nào cho đầu óc nhẹ nhàng sảng khoái. Frère năm nay đã 91 tuổi rồi vẫn khỏe mạnh, sáng suốt. Ba năm nay, năm nào Frère cũng từ Mỹ về VN để thăm người em ruột ở nhà Hưu dưỡng Saint Paul. Frère từ Mỹ về một mình, khỏi cần người tháp tùng. Hôm Mai Thôn Hội ngộ lần II, tôi có gặp Frère đến dự. Vẫn lạc quan vui vẻ, giọng nói vẫn sang sảng như ngày nào, đi đứng bình thương trí óc sáng suốt.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong 8 năm làm việc dưới quyền Frère chưa một lần nào Frère tỏ vẻ không hài lòng, hay khiển trách tôi. Xin cám ơn Frère. Tôi xin thành tâm cầu nguyên cho Frère được sống thêm 9 năm nữa cho Frère tròn 100 tuổi.

Lớp người xưa thứ hai mà tôi xin ghi nhớ ân tình đẹp đẻ là các em Taberd 76 và 78, cụ thể Taberd 76 là LMS, NVE, NNH, HDN, ĐBC, NQH, NHT, VVC, LVQ, NHD, HVC, LVQ, v.v. Taberd 78 là NQ, PQD và còn nhiều em nữa... Các Em đối xử với Thầy đầy lòng kính trọng, biết ơn, lễ độ, ân cần chu đáo ngày xưa cũng như hiện tại. Xin chân thành cám ơn các em, Thầy xin ghi nhớ mãi ân tình đẹp đẻ các em suốt đời...

Một người Thầy cũ, viết ngày 28 tháng 8, 2012

top Mục lục

Taberd.org: Ngọn hải đăng của Lasan Taberd

Trong tập san kỷ yếu Lasan Taberd 1970-71, mang chủ đề Taberd Ra Khơi, Sư Huynh Hiệu Trưởng Désiré Lê Văn Nghiêm, trong bài viết Lời Huynh Trưởng, có đề cập đến những sinh hoạt xã hội của các học sinh Taberd trong năm. Một sinh hoạt quan trọng mà SHHT đã nhắc đến là công tác cứu lụt miền Trung trong năm đó, từ bắt đầu mùa Hè 1970 cho đến ngày 26/10/70 khi phái đoàn Taberd cùng các trường bạn lên đường ra Huế và Đà Nẵng để trao trợ giúp đến đồng bào lâm lụt.

Ngày đó, các học sinh thiếu nhi Taberd 76 chúng mình, cùng phụ huynh chúng ta và đại gia đình Lasan Taberd của bao thế hệ trước, không thể tiên đoán được rằng, chỉ trong 5 năm sau, Taberd 76 đã là lớp cuối cùng trong lịch sử của trường!

Như tôi đã có lần viết về khái niệm archetype (khuôn mẫu) và the collective unconcious (tiềm thức toàn nhân sinh) của nhà tâm thần và tâm lý học Carl Jung, tôi tin rằng khuôn mẫu phối hợp nền giáo dục của dòng Lasan với tình thương yêu các trẻ con bị bỏ rơi của Linh mục Kerlan với Giám mục Taberd, sống động trong hơn 100 năm qua các thế hệ của các sư huynh và thầy cô Lasan Taberd, là một khuôn mẫu đẹp bất diệt trong tiềm thức toàn nhân sinh, dù cho ngày nay trường Lasan Taberd không còn hiện hữu trên vật thể.

Một biểu tượng đáng ghi nhận cho nét sống động của khuôn mẫu Lasan Taberd là sự thành hình của Taberd.org vào mùa Thu 2009. Năm 2010, sau khi Taberd.org vừa có sự đăng ký đông đảo của các cựu học sinh khắp nơi, thì trong nước bị thiên tai bão lụt miền Trung một lần nữa. Trước sự thành hình sơ khai của Taberd.org, các cựu học sinh Taberd trong và ngoài nước, cùng với Taberd 76, đã một lần nữa, qua trang Taberd.org, tham dự sinh hoạt xã hội cứu trợ miền Trung như 40 năm trước đây.

Nếu Lasan Taberd 1970-71 là ghi dấu cho Taberd Ra Khơi như lời SHHT Désiré Lê Văn Nghiêm, thì Taberd.org là ngọn hải đăng dẫn lối cho sự phát triển không ngưng của tâm hồn Lasan Taberd.

Chúc mừng sinh nhật lên 3 của Taberd.org. Ước mong ngọn hải đăng này sẽ luôn bốc đuốc sáng ngời nung nấu tinh thần Lasan Taberd bất diệt.

Lê Xuân Việt - California (tháng 8 năm 2012)
top Mục lục

Happy 3th Birthday Taberd.org!

Mấy mươi năm qua, hàng năm vào mùa tựu trường tháng chín, cổng trường Taberd vẫn còn đóng khít. Tháng chín 2009, những “Carnot” của Taberd ở khắp nơi đã dần dần bắt đầu trở lại mái trường xưa qua taberd.org. Nhờ vào website này, những cái tên gọi quen thuộc hồi xa xưa trong tiềm thức lại trở về nhắc đến những kỷ niệm đẹp trong đời tưởng không bao giờ tìm lại được…

Trong thời buổi cyberspace, khoảng 3, 4 năm trở lại, có một hiện tượng là các website của những ngôi trường cũ ở Việt nam bắt đầu thi đua nhau xuất hiện trên net. Rồi bạn bè cũ tìm lại nhau, rồi hội ngộ và trong một số trường "co-ed" một số học trò cũ tìm lại được "high-school sweatheart" của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", rồi dĩa bay chén bể và (inevitably) có một số tình sử sang trang khác...

Sự thành công của website của trường là do "critical sucess factors" mà website đó theo đuổi. Có website nổi tiếng vài bài viết có chất lượng, có website chuyên về hình ảnh xưa cũ và có website chuyên về nhạc hay... Website taberd.org đã được sự tham gia và đóng góp nồng nhiệt của nhiều bạn bè qua mục "trong sân trường" – mấy mươi năm sau vẫn còn có những tên bạn già kể chuyện tào lao bàn loạn, chuyện tứ xứ, chọc phá nhau như hồi con nít ngày nào...

Chúc mừng website taberd.org đã đầy 3 tuổi và đã thành công tạo lại khung cảnh náo nhiệt "trong sân trường" của ngày xưa

              Ba năm trở lại “sân trường”,
              Một thời tuổi trẻ vấn vương hiện về...

Happy 3th Birthday taberd.org!

Lý Hữu Phước - Úc (tháng 8 năm 2012)
top Mục lục

Bạn cũ

Người ta thường nói ở đời có ba thứ càng cũ càng quý là bạn cũ, sách cũ và rượu cũ.

Tôi từ nhỏ là con mọt sách nên tôi rất quý sách bất kể hay dở, nhờ đó tôi hiểu giá trị của sách cũ, càng cũ càng hiếm càng quý, cũ đến mức thành đồ cổ thì khỏi nói, giá trị vô cùng...

Rượu tôi không mấy gì rành nhưng nhìn nhãn của các chai rượu với những dòng chữ X.O. trên chai cognac hay con số 12, 15, 20 năm trên chai whisky với giá tiền cao ngất ngưởng thì chắc không thể nghi ngờ giá trị của rượu cũ.

Vậy còn bạn cũ?

Kiểm điểm lại từ 1975 đến 2010 mới thấy mình là thứ ó đâm khó ưa hay sao mà có rất ít bạn? 35 năm từ ngày hòa bình tôi không biết bạn tôi là những ai?

Người ta tìm bạn từ việc làm ăn, từ lối xóm, có khi từ những cuộc hội hè nhậu nhẹt. Tôi không làm ăn, không nhậu, tránh đám đông, không giao du với lối xóm lấy đâu ra bạn?

Thật tình mà nói trong mấy chục năm qua tôi cũng có quen nhiều người, từ các đồng nghiệp đến nhân viên thuộc cấp, những người khách quen trong công việc, những anh chị em cùng tham gia công tác xã hội hay quen qua sự giới thiệu của ai đó trong gia đình. Các mối liên hệ đó, chỉ đem lại cho tôi nhiều người quen chứ không phải là bạn cho dù quen cũng cả chục năm và tôi cảm thấy rất bình thường khi mình không có người bạn nào (đúng nghĩa với chữ bạn).

Cho đến đầu tháng tư năm 2010, trong lúc vô Google tìm thông tin của đại học Lasan ở Philippines thì tình cờ thấy trang web Taberd.org. Nhìn những tên người quá quen thuộc từ những năm tháng tuổi thơ... tôi như chợt nhớ ra trong cuộc đời này mình còn những người bạn học và đương nhiên bạn từ lớp một thì đúng là bạn cũ... quá cũ.

Không thể hiểu nỗi tại sao khi hình như cuộc sống của tôi bắt đầu đổi mới nhờ lật lại những ký ức cũ trên trang Taberd.org? Tôi như trẻ lại, như được đắm mình trong "dòng sông tuổi thơ". Thấy cuộc đời này công bằng và đáng yêu hơn khi trả lại cho tôi các Thầy, Cô đã dạy dổ tôi, trang bị cho tôi những hành trang vào đời mà nhờ đó tôi còn sống sót được 35 năm qua và trả lại cho tôi những người bạn học của ngôi trường thân yêu ngày nào.

Từ hình ảnh tuổi thơ qua những trang hình kỷ yếu có trên Taberd.org đưa đến một tình cảm thân thiết đến lạ lùng khi gặp lại con người già nua đầu bạc trán hói thật ngoài đời.

Tôi dùng chữ lạ lùng vì tôi (và có lẻ các bạn tôi cũng vậy chăng) không lý giải được tại sao có những người bạn học chung có một vài năm hay thậm chí không học chung mà chỉ biết nhau nhưng khi gặp lại tôi thấy thân thiết hơn rất nhiều so với những người tôi đã từng quen lâu nay?

Từ những bài viết chọc phá nhau, đấu khẩu với nhau trên Taberd.org ở mục trong sân trường đến những buổi gặp mặt cảm động ở Việt Nam cũng như ở những nơi khác với các bạn. Không cần biết hồi nhỏ có thân nhau hay không, cứ thấy mặt nhau, đọc bài viết của nhau, trêu ghẹo đặt tên cho nhau cứ vậy mà thân thiết với nhau vì là bạn cũ Taberd từ mấy chục năm trước. Qua đó tôi mới thấy hết sự quý giá của tình bạn ở những người bạn cũ thời Taberd.

Không như nhiều người e ngại đặt câu hỏi: 35 năm qua không gặp nhau, biết người ta ra làm sao mà vội kết thân? Với các bạn cũ Taberd, trong tôi cảm giác thời gian dường như chỉ còn lại hôm qua và hôm nay, khoảng cách 35 năm dường như bị xóa đi một cách nhẹ nhàng. Hôm qua: "tụi mình là những đứa trẻ làm bạn với nhau, cùng nhau học hành chơi đùa quậy phá" và hôm nay: "tụi mình vẫn tiếp tục là bạn, những thằng bạn già chia sẽ đỡ đần cho nhau, để đi hết quảng đường còn lại".

Những người bạn cũ thật quý giá!

Nhờ trang Taberd.org mà hơn hai năm nay tôi được sống trong tình cảm thân thương, sự sẻ chia giúp đỡ của những người thầy, người bạn Taberd cũ. Nhờ Taberd.org tôi như tìm lại được bóng mát của tuổi thơ tôi ngày nào.

Vẫn biết bao lời cám ơn cũng không đủ, thêm lời cám ơn cũng là thừa nhưng tôi vẫn phải nói lời cám ơn chân thành đến các bạn đã lập ra trang web Taberd.org này.

Cám ơn tất cả thương yêu lo lắng chia sẽ mà tôi được hưởng từ những người bạn cũ thân thương và quý giá của tôi !

Viết nhân dịp kỷ niệm 3 năm của trang web Taberd.org

Võ Long Hải - Sài Gòn (tháng 8 năm 2012)
top Mục lục

Tản mạn về sinh nhật Taberd.org lên 3 tuổi

Thấm thoát mà Taberd.org cũng được 3 tuổi đời, thời gian vút qua rất nhanh không gì níu kéo lại được. Ba năm ấy biết bao nhiêu là sự tình không thể kể hết được. Nhớ cái thuở ban đầu gặp lại nhau lưu luyến ấy, tôi vẫn không thể nào quên được, làm sao mà quên được. Ngày ấy cái từ Lasan Taberd chỉ còn là một quá khứ chìm xa tít mù khơi, cũng giống như bị phủ mờ trong lớp bụi thời gian vậy. Đã ba mươi mấy năm trời trôi nổi rồi còn gì, cảnh xưa vẫn còn đây nhưng người xưa thì đi tứ tán khắp bốn phương trời rồi còn mong gặp lại gì nữa đâu, nhưng có ai ngờ ...

Khi mà thế giới computer trở thành công cụ không thể thiếu trên khắp thế giới, và cũng quen thuộc với mọi người ở VN. Nhân lúc rảnh rỗi, tôi tò mò gõ thử cái từ Lasan Taberd ngày nào xem nó có gì lạ không ? sẵn cũng muốn tìm tòi được tin tức của một ai đó không?. Lúc đầu tôi chỉ gặp 2 website là Taberd 74 và Taberd 75, vào xem thử thì mới biết đây là website của các bậc đàn anh, đọc những cái tên lạ hoắc chẳng gợi nhớ gì cho tôi tên những thằng bạn năm xưa một chút nào. Hơi thất vọng tôi lại thầm ao ước phải chi có một cái website riêng của promo chúng mình thì hay biết mấy. Nghĩ thì nghĩ như vậy thôi chứ tôi chẳng có một chút hi vọng gì dù chỉ là mong manh.

Bẵng đi một thời gian sau, tôi còn nhớ là vào gần Lễ Giáng Sinh năm 2009 tôi lại gõ cái từ quen thuộc Lasan Taberd để xem có gì lạ, thì lần này lại có thêm một website Taberd.org 76. Vào trang website xem thử thì thấy lá thư ngỏ đề tên Lý Siêu Phàm, một cái tên quen thuộc ngày nào, tôi lại ngờ ngợ vui mừng lòng thầm nghĩ không lẽ niềm ao ước lúc trước của tôi đã thành sự thật. Tới chừng đọc các bài cảm xúc có những cái tên như Lý Đức Thắng, Lê Hữu Mạnh, Nguyễn Ngô HùngLê Việt Quang ... toàn là những người bạn học chung với tôi trong các lớp ở Taberd khi xưa. Nhìn lại những hình ảnh kỉ yếu mà tôi không còn giữ lại được một cuốn nào, lúc ấy cảm xúc tôi mới dâng trào và tin rằng đây đích thực sẽ là chốn để anh em chúng tôi hàn huyên tâm sự, và tìm lại được nhau sau những ngày dài xa cách.

So sánh với các trang website Taberd khác thì trang website Taberd.org 76 có phần nổi trội hơn. Nói đến đây tôi lại phải khâm phục cái tâm của ông cụ chủ xị Lê Việt Quang một lần nữa, ông cụ tỉ mỉ và cẩn thận đến mức làm cho trang website nó đầy đủ và hoàn hảo hơn nữa. Nhất là từ lúc ông cụ cho ra đời một cái sân trường, để cho các cụ có chỗ mà vui đùa, chọc ghẹo lẫn nhau. Có chỗ để được vui chơi thoải mái các cụ ông vui lắm, buổi ban đầu gặp gỡ nên ngày nào cũng vào sân trường vui chơi. Hễ có một cụ vào sân chơi là các cụ có tên trên danh sách đều biết, thế mới hay. Ngày nào cũng nhận được tin tức của các cụ, nhiều lắm có bữa cả gần chục lá thư. Ông cụ nào thuộc loại "lắm mồm và nhiều chuyện" nhất, thậm chí còn được gắn cho ngôi sao vàng đứng đầu bảng nữa. Vì thế, các cụ nhanh nhảu lũ lượt kéo nhau vào sân chơi, mà đỉnh cao xôm tụ và đông đảo nhất là năm 2010.

Các cụ hỏi thăm nhau ríu rít mỗi khi gặp một cụ lính mới tò te mới vào sân trường lần đầu. Chán chê xong là các cụ chọc ghẹo lẫn nhau rồi trổ tài nói lái, nói tục rồi cười lên ha hả, tinh thần đồng đội của các cụ dâng cao, đến nỗi có một ông cụ mập mạp tài hoa mang trong người nhiều chữ sĩ (bác sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ ...) bèn xuất thần chơi ngay một bản nhạc: BẠN TAO thật hay và cảm động, khiến cho các cụ phấn khích vỗ tay rần rần khen ngợi, ngày nào cũng thế chả trách sao các cụ bà lấy làm ngạc nhiên và thắc mắc, không hiểu sao lúc này các ông cụ siêng ngồi trước máy tính mà lại bỏ bê việc nhà, quên cả việc bế con nhỏ và trông cháu, đã vậy có đôi lúc lại thấy các ông cụ ngồi cười một mình mới ghê chứ. Có những ngày sân trường vắng tanh như chùa bà đanh, các cụ ông ngồi thở dài ra cái điều buồn quá, ngày nào cũng gặp nhau giỡn vui quá mà. Đem thắc mắc hỏi các cụ ông thì có những ông cụ hồ hởi cho các cụ bà vào sân chơi ngồi ngắm các cụ chơi đùa luôn cho khỏi thắc mắc. Chính vì thế mà đôi khi gặp phiền phức nhè nhẹ như là bị: tẩu hỏa nhập ma “. Các ông cụ trên đầu có hai thứ tóc hoặc không có sợi tóc nào, nhìn vẻ bên ngoài có vẻ trang nghiêm và lạnh lùng lắm, nhưng hễ vào sân chơi thì in hệt như cái sân trường ngày xưa vậy.

Các cụ hò hét tá lả, cãi nhau hay tranh luận thật sôi nổi, rồi có khi thông báo tin tức cho nhau về một ông cụ nào đó, hò hẹn nhau đi tụ tập uống cà phê hay đi nhậu vào cuối tuần. Vào sân nhiều nhất và hò hét vang trời chính là các ông cụ mới toanh lần đầu mới xuất hiện. Hễ một ông mới xuất hiện là các ông cụ bu quanh chào hỏi, làm tôi chợt nghĩ tới những giờ ra chơi ngày xưa, hễ thấy quán Pa-tí-xệ có món ăn nào mới là tụi tôi bu vô, khi nào hết thì lúc ấy mới giãn ra. Có đôi lúc các cụ quên rằng bây giờ mình đã khác xưa nhiều lắm, nên cứ vô tư nô đùa nhảy nhót, có cụ hứng chí quá đâm ra phát ngôn bừa bãi và dung tục, mà quên rằng trên sân trường đôi khi còn xuất hiện các cụ bà đi dạo sân. Tới chừng các cụ ông tá hỏa vì ngăn không kịp bèn lẹ tay kiểm duyệt ngay tức thì, làm cho các cụ đang chơi bị cụt hứng, có cụ bị kiểm duyệt ngang xương tức quá bèn tuyên bố nghỉ chơi cái sân trường ra, ông đếch có thèm vào sân chơi nữa ông giận rồi. Thế đấy, in hệt như ngày xưa vậy.

Và cũng kể từ lúc ấy các ông mới bớt vui đùa, chỉ vào sân ngồi xem báo hay đọc sách, xem video và hình đám cưới hay họp mặt của các ông cụ mà thôi, làm cho cái sân chơi phần nào vắng vẻ.

Từ ngày có cái sân để chơi nên quân số các cụ cứ phình ra trong cái bảng danh sách, mà tới tận bây giờ đã lên tới 149 bô lão hảo hán và đẹp giai thuộc khắp các phương trời (ngoài ra chưa kể có một số cụ còn lang thang ngoài đời, chưa chịu vào sân chơi cho mà chỉ thích ngồi ngoài hóng chuyện). Chính nhờ cái thời computer phát triển mạnh và tiện lợi, nên các cụ mới dễ dàng tụ tập và tin tức cho nhau một cách mau lẹ. Đã 3 năm qua rồi, hình như cái háo hức ban đầu đã có phần phai nhạt đi, hay các cụ còn đang trong tuổi phải đi cày, trong thời buổi kiếm miếng cơm manh áo khó khăn hàng ngày hay sao ấy, mà cái sân trường nay có phần nào thưa thớt dần. Quân số thì đông nhưng vào sân thì chỉ lèo tèo vài cụ ông rảnh rỗi. Mong sao vài năm nữa khi các cụ về hưu, lúc đó rảnh rỗi tha hồ mà vui chơi, chỉ sợ rằng lúc đó vì tuổi già sức yếu, mắt mờ tay chân run rẫy hết còn chạy nhảy được nữa rồi. Bởi vậy xin các cụ ông cứ luôn nhớ cho rằng: CUỘC ĐỜI ĐÓ, CÓ BAO NHIÊU MÀ HỮNG HỜ.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 8 năm 2012)
Mừng sinh nhật lên 3 của Taberd.org.
top Mục lục

Cảm nghĩ vui buồn

Thân tặng bạn Trần Tiến Quang, sau 30 năm mất liên lạc.
Thân tặng anh Lê Việt Quang, lớp Taberd đàn anh.

Những trận mưa dữ dội cuối tháng 8, báo hiệu mùa hè sắp tàn, các cháu chuẩn bị trở lại trường, chính tôi cũng cảm nhận được cái rộn rã của ngày tựu trường... hơn 30 năm về trước:

"... c’est un petit enfant qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va à l’école en sautillant comme un moineau..." - Le livre de mon ami - Anatole France.

Tôi còn nhớ, vào thời điểm của tháng 8 năm 2009, đang nhức đầu với các công việc trong sở làm, thì một người bạn cho biết cái webpage... hình như taberd7123 thì phải, có thể liên lạc với các bạn cũ Taberd. Sau một hồi click, search, thì tìm ra một trang liên lạc ... đầy màu sắc của Promo79. Phải nói là nhiều màu sắc, vì có thể đó là cách diễn tả sự vui mừng khi mình đã có thể liên lạc với các bạn Taberd xưa, đã hơn 30 năm ... Nhưng thật sự là một trang nhiều màu sắc mà tôi không hiểu các màu đó có nghĩa là gì ! Tôi để lại tên và địa chỉ của mình trên taberd7123, và giữ lại trang mạng này, rồi lẩm bẩm một mình "Mình sẽ xử nó sau !", vì lúc đó, tôi bận quá... Bẵng một thời gian, sau một cuối tuần đi dạo trong rừng maple đủ màu sắc (lại cũng đầy màu sắc !), tôi đã trở lại taberd7123 tìm kiếm ... thì có một bài giới thiệu taberd.org...

Vào thử taberd.org, tìm lại được những trang kỷ yếu năm xưa, những ký ức của thuở học trò được ôn lại: đây là sân danh dự... bị Frère Jean quất cho mấy roi vì... ăn vụng xả rác, đằng kia là góc sân mà Frère Sébastien tập hát bài Lasan Hành Khúc... kia rồi cột cờ hiên ngang dưới nắng gắt mà đã có lần bị phạt vì quên đeo phù hiệu ...

Qua taberd.org, tôi như sống lại thuở nào ngây thơ đến trường, để mất nhiều đêm không ngủ mà thủ thỉ với người vợ bé này (lời bà xã tôi), khi liên lạc lại được với một số bạn học xưa và các Thầy Cô cũ. Cũng qua taberd.org, khi trở lại với thực tại với một cảm nhận là cựu học sinh của trường, tôi đã nhận ra những giá trị đích thực của lòng biết ơn, đối với các Frère, các Thầy Cô, những vị luôn cố gắng truyền đạt mọi sự hiểu biết của mình, những vị đã chắp thêm đôi cánh tri thức giúp tôi bước vào đời...

Cũng qua taberd.org, tôi cũng nhận ra được một màu sắc khác, đó là màu thời gian, đã lấy mất đi những Thầy Cô khả kính và một vài người bạn quen biết thuở nào... Ba mươi năm xa quê hương, với bao đổi thay của một đoạn đường đời. Tuy nhiên, trong tôi vẫn còn đậm nét hình ảnh ngôi trường xưa, bạn bè, Thầy Cô cũ; những buổi chiều thứ bảy trên công viên Nhà Thờ Đức Bà, như mới hôm nào của một thuở hồn nhiên, vô tư. Những tiếng nói cười, cãi lộn của giờ ra chơi sao nó thoải mái quá, cái gì cũng làm tôi nói cười, cãi lộn được, không như bây giờ tìm một tiếng cười thoải mái tự nhiên không suy nghĩ thật là khó khăn...

Cám ơn taberd.org, ghi dấu trong tôi một đoạn đường thời gian, một mái trường nơi đã cho tôi rất nhiều trong "hành trang lên đường".

Đặng Sĩ Bình - Ottawa, Canada (tháng 9 năm 2012)
top Mục lục

Cô và trường Taberd

...

Được tin em thông báo về hoạt động của Taberd.org, cô rất vui. Nhân ngày "sinh nhật của trang web" tròn 3 tuổi, cô mến chuyển đến lời chúc mừng tốt đẹp nhất với mong ước mọi điều thuận lợi cho các em trong nhóm điều hành.

Cám ơn các em đã thành lập nên trang web này. Nhờ nó cô đã được vài em học trò nhỏ ngày xưa của mình liên lạc. Cộ thật xúc động khi dọc được tin tức của các em. Cứ mỗi lần có được thông tin nào đó của một em là cô thấy thật vui, thật mừng. Đó là một ngày thật hạnh phúc đối với cô. Đâu tiên là được mail của Đặng Sĩ Bình, Nguyễn Hồng Hà, Hồng Bửu Châu, ... Cô lại thật vui nhận được thư của Võ Thanh Hoài và gia đình. Chính Hoài đã tác động cho cô một chuyến đi thăm nước Mỹ của Bình và cô đã được các em Taberd 76 tiếp đón thật chu đáo. Ơn trên đã ban cho cô nhiều may mắn để gặp các em. Cô cám ơn tất cả, cô thấy tràn đầy tinh thầy trò khi gặp lại nhau. Cô hy vọng là sẽ còn được thông tin nối tiếp của các cựu học sinh Taberd.

Cũng từ đây cô tìm thấy không khí trẻ trung của chính mình ngày xưa. Ngôi trường cổ kính vang danh của một nền giáo dục toàn diện văn - thể - mỹ, đã vun đắp, bồi dưỡng kiến thức làm hành trang cho học sinh khi vào đời. Cô nhớ đến ngôi trường, nơi cô đã có tháng năm dài đặt chân trên các lối đi quen thuộc, dưới những vòm cây xanh rì. Cô lại nhớ hành trang trước lớp, sát cạnh Bộ Nội Vụ trước kia. Lớp cô dạy là ba lớp cuối từ câu thang đi lên, phía đường Nguyễn Du nhìn vào. Ở đây cô thường gặp các Frères như Frère Désiré Lê Văn Nghiêm, Emmanuel Oai, ... đứng lại chuyện trò, cho cô những lời khuyên bổ ích hay những câu chuyện xen lẩn những bài học về đạo, về đời, ... Cô cũng thường đứng lặng lẽ nhìn xuống sân chơi, thấp thoáng bóng dáng các trò nhỏ chay nhảy, đuổi bắt, khom mình chơi bi, tạc đạn, ... hòa nhập với tiếng hét, reo hò, cổ vỏ, cười đùa rộn rã và cô cười theo. Cái hạnh phúc đơn giản của cô là từ những hình ảnh đấy.

Ngược dòng thời gian, cô nhớ những ngày đâu tiên vô vào trường, tạm đứng lớp dạy thay cho một người bạn. Từ trên bục giảng nhìn xuống lớp, những cái đầu loay quay, bày trò quậy phá vô tư, cười nói ầm ĩ. Cô thấy ù tai, ức nghen. Cô thấy chao đảo rồi bật khóc và bỏ lớp văn phòng Frère Giám Học (cô quên tên Frère rồi) trình bày và xin trả lại lớp ngay lập tức.

Không nói lời nào, Frère cầm chiếc roi dài cùng cô trở lại lớp. Vừa đi cô vừa run, sợ và lo lắng. Việc gì sẽ xảy ra? Cô thấy ân hận. Frère giúp cô ổn định lớp. Vậy là cô đã học được cách Frère "áp đảo tinh thần" học trò. Cô biết mình phải làm gì khi tình huống như trên lặp lại. Hết nhân nhượng, năn nỉ, hiền lành như trước, cô còn biết răn đe, uy hiếp nữa. Bài học của cô làm thế đấy và cũng là một kỷ niệm khó quên. Cô nghĩ chỉ là dạy tạm thôi, trong vài ngày rồi giả từ các em, trả lại lớp cho trường nhưng ngày tháng qua đi thật nhanh. Hè đến, cô được mời tiếp tục da.y năm sau và với nhiều Frère Giám Học kế tiếp (Germain Quý, Irénée Ninh, Thanh Trung, Léonce Nguyễn Thế Cường, Georges Lê Văn Lý và sau cùng là Bonaventure Nguyễn Văn Nghĩa), cô vẫn còn tiếp tục dạy đến niên học 1975-1976. Cô bị đổi qua dạy tại trường khác như các thầy cô đồng nghiệp khác. Cô cũng mang ơn các phụ huynh đã động viên tinh thần, kể cả viết thư giới thiêu cô đến dạy tại các trường trong trung tâm thành phố. Ngày lịch sử sang trang, tất cả đều thay đổi, thay đổi từ xã hội, cuộc sống, con người, nhưng cô vẫn còn cái may mắn không phải cuốn hút theo.

...

Cô Lê Thị Như - Sài Gòn (tháng 9 năm 2012)
top Mục lục