- Kỷ niệm - (tháng 4 năm 2010)
- Những năm tháng không bao giờ quên - (30 tháng 4 năm 2010)
- Tình bạn - (tháng 4 năm 2010)
- Ngày ấy đâu rồi ? - (tháng 4 năm 2010)
- Ngày này 35 năm trước - (8 tháng 4 năm 2010)
- Đứng giữa sân trường - (tháng 4 năm 2010)
- Đường về Mai Thôn - (tháng 3 năm 2010)
- Trường Xưa Yêu Dấu (2) - (tháng 3 năm 2010)
- Tưởng nhớ Frère Félicien - (5 tháng 3 năm 2010)
- Nhớ về Frère Félicien Huỳnh Công Lương - (tháng 3 năm 2010)
- Một trang lịch sử của Trường Ta đã ra đi ! - (3 tháng 3 năm 2010)
- Nhớ về Frère - (buồn ngày 3 tháng 3 năm 2010)
- Tết Ta trên Đất Tây ! - (Xuân Canh Dần)
- Tết, Xưa và Nay - (mùng 4 Tết Canh Dần 2010)
- Trường Xưa Yêu Dấu (1) - (Xuân Canh Dần 2010)
- Mai vàng một đóa - (Tết Con Cọp)
- Cám ơn - (Tết Canh Dần)
- Tết Nguyên Đán, một cái tên, một ngày lễ ! - (Xuân Con Cọp)
- Vui ngày họp mặt - (tháng 2 năm 2010)
- Tản mạn về Mùa Xuân - (Xuân Canh Dần 2010)
- Học sinh xuất sắc - (gần tết con Cọp)
- Một ít để ấm lòng ! - (tháng 1 năm 2010)
- Trở về đường cũ năm xưa - (tháng 1 năm 2010)
- Bài Luận Văn Tốt Nghiệp - (tháng 1 năm 2010)
- Những Ngày Xưa Thân Ái (2) - (tháng 1 năm 2010)
- Những Ngày Xưa Thân Ái (1) - (Tết Tây - 2010)
- Các trang sáng tác khác
- Kỷ niệm 3 năm Taberd.org (2012)
- Bạn bè năm xưa (2010)
- Bạn bè năm xưa (2011)
- Cảm xúc (2009)
- Cảm xúc (2010 - Phần 2)
- Cảm xúc (2011 - Phần 3)
- Cảm xúc (2012)
- Những câu chuyện vui (2010)
- Những năm tháng qua (2010)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 1)
- Những mẩu chuyện cũ (2010 - Phần 2)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2010)
- Viết về các Frère và Thầy Cô (2012 - Phần 2)
Những Ngày Xưa Thân Ái (1)
Ở bậc tiểu học chúng tôi học hai buổi và vì nhà tôi Ở xa trường nên tôi được gởi vào bán trú, sáng đi học trưa ở lại và chiều về. Tôi còn nhớ những bửa cơm trưa bán trú, dĩa cơm bao giờ cũng có hai màu, trắng một bên vàng một bên, có khi được thêm trứng chiên hay vài lát lạo xưởng cắt nhỏ, vào những dịp lễ thì phần ăn có phần tươm tất hơn mọi ngày và mỗi đứa có thêm một chai xá xị Con Cọp, cuối bửa ăn thường tráng miệng thêm một khúc bánh mì nhỏ và một trái chuối.
Cơm nước xong, nghỉ một chút rồi chúng tôi xếp hàng đi theo, một Sư huynh già mà tụi tôi hay gọi là Grand Papa (ông Ngoại), đi lên ngủ trưa. Chỗ ngủ là hành lang của dãy lầu nằm trước khuôn viên trường, bên phía đường Hai Bà Trưng. Một dãy ghế bố được kê dọc hành lang, bọn nhóc tụi tôi sau khi nằm được phép nằm đọc sách một lát rồi đến giờ thì tất cả phải ngủ, có Su Huynh ngồi đầu hanh lang đi kiểm soát, đến giờ chuông reo là dậy rủa mặt cho tỉnh táo rồi chờ giờ lên lớp tiếp tục học.
Và cũng vì nhà xa trường, anh em tôi được đi xe trường, xe có hai hiệu Peugeot và Renault cà rịch cà tang, được bít lưới hai bên thành xe để ngăn bọn nhóc tụi tôi thò đầu ra ngoài, và sợ bị tụi con nít ở hai bên đường chọi đá. Trên xe có mấy dãy ghế gổ chạy dọc theo thân xe để ngồi, ngày ấy bọn nhóc tụi tôi hay gọi là xe bắt chó. Đi xe trường thật là vui đối với bọn nhóc tụi tôi vì được gặp bạn học cùng lớp để tán dóc đủ mọi chuyện trên đời, được ngắm nhìn những con đường xa lạ xe chạy qua nhưng sau khi đi lại hàng ngày những con đường này không còn thu hút nữa. Bọn nhóc tôi lại chuyển sang trò đoán, tụm lại ba bốn nhóc rồi thò tay vào túi quần chọn mấy đồng tiền cắc, úp tay lại rồi đố nhau có mấy đồng trong tay, nếu đoán sai thì thôi, còn đoán đúng thì có quyền hốt hết, có đôi khi lại đánh nhau cả trên xe ... Ồn ào nhất, náo nhiệt nhất cũng toàn la bọn nhóc chúng tôi.
Cũng có đôi khi vì sáng sớm dậy trễ, mà xe thi phải đón học sinh tại nhiều điểm, nên đến chổ đậu xe thì xe đã đi rồi, hoặc thấy xe chạy mà đuổi theo la lên không kịp, hai anh em đành phải đi xe lam đến trường. Nhà tôi hồi đó ở đường Lê Văn Duyệt, đi xe lam thẳng một đường đến ngã ba Lê văn Duyệt và Nguyễn Du thì xuống xe và bắt đầu đi bộ theo đường Nguyễn Du đến trường.
Con đường này đối với tôi cũng quen thuộc và vui, đoạn đường dai hơn một cây số, mỗi buổi sáng học sinh Taberd đi bộ đến trường cũng đông, đi tới một chút bên kia đường là vườn Tao Đàn, phía bên đây, gần câu lạc bộ Nguyễn Du là nhà của Lê Hồng Vĩnh, là bạn cùng lớp, nên mỗi sáng đi ngang đây là tôi gọi nhóc Vĩnh để rủ đi chung cho vui. Tới một chút nữa là Tòa Đại Sứ Đại Hàn, phía trước bao giờ cũng có hai ông củ sâm quần áo lính lúc nào cũng ủi thẳng bóng đứng nghiêm nghị gác trước cổng. Đi ngang dây, nhóc tôi hay đứng lại nhìn và nháy nhó chọc mấy ổng rồi đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh. Có bửa ham hố đứng chọc bị mấy ổng dắt con berger đã bịt mõm rượt chạy có cờ
Rồi chúng tôi vừa đi vừa ngắm Dinh Độc Lập, Tòa Án Pháp Đình nơi có cây cổ thụ to đùng mọc trong sân. Đến góc ngã tư Nguyễn Du - Pasteur là một building của quân đội Mỹ ở, nới mà mỗi lần đi ngang qua nhóc tôi luông ngửi một mùi thơm lừng từ căn bếp có ô cửa sổ nhìn ra bên đường, bèn dừng lại kiểng chân nhìn vào và hít hà. Đi tới một chút nữa là dãy cà phê vỉa hè Nguyễn Du mà mấy bậc đàn anh hay ngồi buổi sáng, tới đây cũng là tới trường, và bọn nhóc chúng tôi bắt đầu xà vào khu ăn uống Bưu Điện trước khi vào cổng trường Lasan Taberd, số 53 Nguyễn Du, Saigon rất quen thuộc
Những Ngày Xưa Thân Ái (2)
(Riêng tặng các bạn Lý Văn Quới, La Thu Chinh, Nguyễn Đình Biên và các bạn lớp Nhì B, Nhất 11 năm xưa)Năm nay là năm cuối của Bậc Tiểu Học, tôi được lên lớp Nhất. Lễ Khai giảng niên khoá 1968-1969 được tổ chức vào ngày 26-9-1968. Đúc Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình dâng thánh lễ, và Người ban Huấn Từ cho đại gia đình Taberd, trước sự hiện diện của Chủ Tịch Thượng Viện Nguyễn văn Huyền, cũng là Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Taberd. Theo thông lệ, Chủ Tịch Thượng Viện nhân danh thế hệ cũ, trao hiệu kỳ của trường cho một học sinh đại diện thế hệ mới tiếp nối, cuối buổi lễ Khai giảng bao giờ cũng là phần thi đua Thể Thao và Văn Nghệ trong trường.
Ban lớp Nhất nằm trên dãy lầu năm trước khuôn viên nhà trường về phía bên Bộ Nội Vụ, nếu từ cổng trường đi vào nó nằm bên phải, dãy lầu được xây theo lối kiến trúc thời Pháp nên tối om, ở đây lại còn có nhiều dơi nữa, nên đối với tụi nhóc chúng tôi đứa nào cũng thấy sợ sợ, lại nghe các anh lớn hù doạ là nơi đây có ma nên càng sợ hơn.
Lớp Nhất năm nay có 11 lớp, thường thì nghe các anh lớn nói (cũng lại mấy ông anh lớn luôn luôn hù doạ con nít), lớp cuối thường là mấy tay phá phách, nghịch ngợm là bị đẩy vô lớp này. Thầy phụ trách lớp Nhất 11 là thầy Từ Văn Thao (thầy có hai đứa con trai sau này là Đại Kiện Tướng Cờ Vua cấp Quốc tế, đó là Từ Hoàng Thông và Từ Hoàng Thái). Mỗi ngày đi dạy, thầy thường cỡi chiếc Lambretta cổ lổ xỉ, thầy dạy môn Quốc văn.
Còn môn Toán thì có một ông Thầy trẻ dạy, ông dữ dằn quá chuyên ra đòn với bọn lười biếng hay phá phách, bằng hai cây thước kẻ gỗ chụm lại thành một, hể gọi lên bảng mà không thuộc bài hay về nhà không làm bài tập, là lập tức ăn đòn, xoè hai bàn tay ra và cứ thế ông đánh, rát ơi là rát, đôi khi nổi hứng tra tấn, ông bắt nắm tay lại rồi cứ mu bàn tay mà gõ, đau quá chịu sao thấu. Tuy dữ dằn nhưng cũng có lúc ông hay đem chuyện Trạng Quỳnh ra kể cho bọn nhóc tụi tôi cười nghiêng ngã, cũng may là ông dạy một thời gian rồi nghĩ dạy, làm đám nhóc lớp tôi thở phào nhẹ nhỏm.
Rồi một thầy dạy Toán khác vào thay, tên thầy là Phạm Trung, người Bắc chính gốc con lạc đà, thầy hay đi giày Bốt-đồ-sô (giày lính), thầy ít dữ dằn hơn, nhưng thầy lại có món bửu bối là một sợi dây cao su, mà thầy hay gọi là con lươn, mỗi lần bị phét vào mông, là y như rằng có mấy lằn roi nổi lên, đúng là con lươn.
Riêng môn Pháp Văn, năm ngoái bọn nhóc tôi học cuốn La Lune (ngoài bìa có in hình con lừa), do cô Lê Thị Thanh Hà dạy. Năm nay lớp tôi thì lại học môn Pháp văn với một bà Đầm người Pháp chính cống 100%, Madame tên là Suzeanne Larrive, bà Đầm này rất khó chịu và hay cau có, nhưng giờ Pháp văn đa số bọn tôi đọc lecture nhiều, cả lớp đồng loạt mở cuốn Petit Gilbert của tác giả Edouard Jauffet (ngoài bìa có in hình một đứa bé nằm ngũ trên bãi cỏ, bên cạnh có con chó đang ngồi). Cả lớp ê a đọc bài, theo nhịp đập của cây thước kẻ mà Madame gõ nhịp, vừa đọc vừa nói chuyện, vừa cà rởn, nên làm cho Madame cứ "Silent" luôn miệng, có khi hứng lên, Madame đưa miếng xốp lau bảng lên rồi hỏi : Qu'est ce que c'est ? rồi tự trả lời luôn bằng tiếng Việt: "Cao chu, cao chu," làm bọn nhóc tôi có dịp cười nghiêng ngã.
Sư huynh Hiệu trường năm nay là Félicien Huỳnh Công Lương, còn Giám thị các lớp tiểu học là SH Sébastien Lê Trung Huyến, bọn nhóc tụi tôi hay thích lên phòng Giám học của SH vào những dịp lễ Noel hay Tết, vì phòng Giám Học của SH luôn luôn có hang đá, nhưng cảnh trang trí và trưng bày các món đồ chơi, thích nhất là món xe lửa chạy phun khói và hụ còi qua những đường hầm, đồi núi, hay là chiếc máy bay bay vòng tròn trên cao, mà đám nhóc bọn tôi đứa nào cũng khoái.
Năm nay ở lớp Nhất, vào những ngày cuối tháng là lúc phát sổ điểm hàng tháng, có một loạt giấy ban khen được Thầy, Cô đem ra phát cho học sinh. Gọi là Mention, có ba loại Mentions :
* Loại Mention Très Bien (hạng Ưu), màu đỏ, và được ghi như sau:
Loại này được trao cho người có điểm trung bình từ 14 điểm trở lên.
* Loại Mention Bien (Bình), màu xanh dương, điểm trung bình 13 điểm.
* Loại Assez Bien (Thứ), màu xanh lá cây, điểm trung bình từ 10, 11, 12 điểm.
Còn dưới các điểm này thì không có Mention và gọi là Sous Moyen, cứ mỗi kỳ phát sổ điểm và Mention, bọn nhóc tôi lại hội họp, giướng mắt nhìn theo đống Mention vơi dần mỗi khi Thầy Cô đọc tên, có Mention là có quyền tự hào và hãnh diện với bạn bè chung quanh, cớ nhìn những ánh mắt buồn buồn, của những nhóc không có tờ xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng, trong tay là cũng hiểu nổi buồn ra sao rồi, tháng sau cố gắng vậy.
Và tất cả, đây là những kỷ niệm ở Bậc Tiểu Học của tôi, những kỷ niệm êm đềm và đẹp của một đời học sinh, làm sao mà quên được.
Bài Luận Văn Tốt Nghiệp
Đầu bài: Em có thằng bạn thân tên hắn là Anh, ngày xưa học cùng lớp, ngay cái tên của hắn cũng đã nói lên cái tính cách nổi trội hơn người khác của hắn rồi, nó có vẻ như là xếp của mọi người, mỗi khi có ai gọi đến hắn thì hắn trả lời có Anh đây. Giống hệt như một chú gà choai mới lớn, sung sức và háo thắng, mỗi khi có ai hỏi tới thì vỗ cánh gáy Ò ó O... và ưởn ngực trả lời C'est moi.
Thân bài: Trời sinh ra hắn có lẻ vào một ngày đẹp trời, ngày lành tháng tốt, mặt trời le lói rực rở lung linh sau đám mây hồng vào buổi sáng bình minh, hoặc hắn sinh ra với một ngôi sao hộ mệnh toả sáng, giống như sao Bắc Đẩu, bao giờ cũng rạng ngời trong đêm. Nói chung là hắn được sinh ra với một ngôi sao tốt, vì thế cuộc đời hắn lúc nào cũng đi lên và thành công. Ngày xưa lúc còn đi học, mà hắn học giỏi thật, môn nào hắn cũng quơ hết, không nhường ngôi đầu bảng cho ai hết, kể cả môn Hội hoạ hắn cũng xơi luôn, mà môn này hồi đó em thích vẽ theo trường phái của Picasso, tức là vẽ không ai hiểu nổi là hình gì nên ông Thầy Hội hoạ không để ý đến em bằng hắn. Hắn nổi như cồn, như diều gặp gió, đôi khi em tự nghĩ gia đình hắn có ai làm lớn không? hay gia đình hắn có lo lót và vận động hành lang để cho hắn nổi tiếng không? Lạ thật, gia đình hắn cũng bình thường như bao gia đình khác vậy, đúng là hắn có ngôi sao hộ mệnh rồi...
Rồi đến một ngày, có một biến cố đã xảy ra làm thay đổi biết bao nhiêu thân phận con người, ngày 30-4-1975 năm đó. Sau này em mới biết được hắn đã rời đất nước vào ngày 24-4-75, những người đi vào những ngày này thường là VIP, là ông to mặt lớn, thế mà hắn cũng kiếm được một vé để đi, hắn tốt số quá, biết bao nhiêu người ở lại phải rơi lệ sầu thế mà hắn có biết đâu, hắn tung tăng bên trời Mỹ, lấy vợ và làm công chức tà tà chờ đến ngày về hưu, hạ cánh an nhàn bên vợ hiền con ngoan. Đúng là quần áo giày dép còn có số, huống chi con người ta.
Em và hắn là hai khung trời cách biệt, hắn người Nam em người Bắc, hắn xấu xí còn em đẹp dịu dàng, hắn học giỏi còn em thì lăng nhăng, hắn nhát gái còn em thì sát gái, hắn giỏi các môn khác trừ môn Công Dân, còn em thì lại giỏi về môn này và về sau nhờ viết thư tán gái nhiều nên thêm môn Quốc Văn nữa. Nếu nói về tướng số thì em không tin tí nào vì nó không đúng, hắn thì nhỏ con, em thì dài đòn, hắn có đôi mắt sum súp mơ màng, làm như lúc nào cũng buồn ngũ (không tin cứ nhìn hình kỷ yếu là thấy liền), còn em mắt lúc nào cũng mở lớn, hắn thì có cái mỏ chu lên, em thì lúc nào cũng cười toe toét, tươi như hoa, ông bà xưa bảo cái mặt sáng trưng thì cuộc đời sẽ khá, vậy mà em thấy hắn lúc nào cũng sung sướng cuộc đời, còn em thì có lúc lên lúc xuống, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, lúc ở đỉnh cao lúc vực sâu, lúc trên cạn lúc dưới sông, và hắn thì có quý tướng ẩn hiện đâu đó mà các chị em phụ nữ nhận không ra hắn. Chỉ có một điều an ủi là cho đến giờ này, hắn cũng chẳng trở thành một nhân vật danh tiếng nào cả, như Tổng thống Mỹ, hay là thư ký Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, còn em cũng chẳng trở thành nhà Đại văn hào tên tuổi nào cả, nên tới đây em và hắn ngang nhau, người tám lạng kẻ nữa cân.
Đúng là trái đất tròn, thời gian thắm thoát trôi mau, mấy chục năm sau em gặp lại hắn ở mục nhắn tin trên một trang Web, ngày xưa thấy hắn học giỏi quá nên em khớp không dám làm quen, bây giờ em đọc tin nhắn thấy hắn khai lý lịch hắn bị phong thấp nặng, em nghĩ chắc là do ngày xưa quơ quào nhiều quá nên mới bị bệnh này, thấy thương hắn quá nên mới liên lạc lại, và từ đó em và hắn đâm ra thân thiết nhau quá chừng mà không hiểu tại sao, đúng là số phận trớ trêu đã đưa hai tâm hồn không đồng cảm, hai tính cách khác biệt đến với nhau.
Kết luận: Dù sao em cũng phải cám ơn hắn, vì nhờ có hắn mà em mới hoàn thành được bài văn tốt nghiệp này, và em chợt nghĩ ít ra trên cõi đời này cũng còn có một điều gì tốt đẹp, và rất nhiều điều kỳ diệu, với kẻ Đông người Tây cũng có thể xáp lại gần nhau. Merci, merci beaucoup La Vie.
Trở về đường cũ năm xưa
Thả hồn về lại với đường cũ của ngày nào năm xưa. Trên chiếc xe 'Suzuki dame' từ trường Taberd, lăn bánh dưới cơn mưa chiều trên đường Nguyễn Du qua tới trường Saint Paul.
Saint Paul, một cái tên rất là quen thuộc, cũng nơi đây ngày nào của năm xưa, hình bóng của một người tình vẫn ẩn hiện trong tôi. Nay Em đã đi về đâu ? Chốn cũ năm xưa vẫn còn đó, Em vẫn còn trong tâm trí của anh dù thời gian đã theo những chiều mưa đi vào kỷ niệm!
Em Saint Paul của năm nào, Em là kỷ niệm, Em là tình yêu của tuổi học trò, tên em anh vẩn gọi theo thời gian, hương tóc của em anh vẫn nhớ mãi. Những mùa xuân hạ thu đông đã trôi qua từ những kỷ niệm êm đềm thương nhớ.
Những buổi chiều Sàigòn của năm xưa, Em và Anh trên chiếc xe cũ kỷ bụi đời, trong những ngọn gió đã làm tóc em bay, dưới nhũng giọt mưa đã làm đẫm mắt môi em, anh vẫn còn nghe đâu đây bài hát
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha.
...Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã qua, thấm linh hồn em yêu ...
Một ít để ấm lòng !
Ngày tôi rời ghế nhà trường và sau đó là biến chuyển của thời cuộc đã đưa tôi rời xa quê nhà. Không một lúc nào tôi tôi nghĩ đến là một ngày nào đó mình sẽ tìm lại được bạn bè cùng lớp cùng trường.
Sau biến chuyển của thời cuộc của năm 1975, tôi đã rời xa quê hương, xa thành phố nơi tôi đã lớn lên. Những kỷ niệm của thời niên thiếu cũng theo tôi trong hanh lý hay nói đúng hơn là trong trí nhớ mà thôi. Thời gian đầu trên quê hương thứ hai, vì cuộc sống, tôi đã không có thời gian và điều kiện để nghĩ về ngôi trường xưa mặc dù những hình ảnh ấy vẩn sống trong tôi. Không bao giờ tôi nghĩ có thể tiếp xúc lại những bạn bè cùng lớp vì đó là nhưng thứ ngoài sức tượng của tôi.
Cuộc sống hiện đại bắt đầu đến vào khoảng thập niên 90, Internet đã đem lại cho tôi hy vọng tìm lại được những hình ảnh của trường xưa. Những site về Lasan Taberd ra đời. Những kỷ niệm của một thời sống lại trong lòng tôi. Những gì như đã chìm vào quên lãng với thời gian sống lại với những tấm hình của trường cũ, tôi cảm thấy lòng mình ấm lại được một phần nào. Từ đó tôi cố tìm lại bạn bè xưa, tôi đã đăng ký và những site của Taberd nhưng e-mail của tôi vẫn lặng yên.
Cho đến một ngày vào năm 2009, tôi nhận được e-mail của một người học cùng lớp có tại tên là Lý Siêu Phàm đã liên lạc với tôi và được cho biết là sẽ có một site mới của Lasan Taberd sẽ ra đời vào một ngày gần đây.
Ngày đó đã đến! Taberd.org ra đời, cũng như những lần trước, tôi vội vàng lên mạng đẽ nhìn những hình ảnh của site này. Từ đó, tôi đã đóng góp cho Taberd.org với những Cảm Xúc dù là ngắn ngủi nhưng đó là những cảm tưởng thật trong lòng tôi.
Cho đến một ngày, tôi nhận được một e-mail của một người ở Việt Nam, ông ấy học cùng lớp với tôi, chúng tôi đã gởi e-mail cho nhau để kể về kỷ niệm. Cũng lúc ấy, tôi tìm được đỉa chỉ e-mail của một ông mà tôi nghĩ là tất cả các bạn học 64-76 đều biết tới vì ông ấy học rất giỏi! Và tôi đã liên lạc lại với ông ấy, hiện này ông ấy sống tại Canada.
Từ ngày ấy, chúng tôi, ba người mặc dù kẻ ở phương ta, người ở phương tây nhưng hầu như không ngày nào mà chúng tôi không viết e-mail cho nhau để kễ lại cho nhau những vui buồn của một thời xa xưa lẩn hiện tại mặc dù chúng tôi cùng một không cùng một không gian: Việt Nam, Canada và Pháp. Những điều này đã làm ấm lại lòng tôi không ít.
Tôi hy vọng là vòng sum hợp giữa hai ông kia và tôi sẽ được rông lớn thêm theo tháng ngày! Và tôi cũng xin thành thật cám ơn ban quản trị của site Taberd.org, nhất là Lê Việt Quang đã bỏ ra thời giờ để dụng nên site này, tôi hy vọng là Taberd.org sẽ sống mãi với phần đời còn lại của chúng tôi.
Viết cho Bạn bè củ của trường xưa.Học sinh xuất sắc
Thân chào tất cả các bạn,
Từ ngày có Taberd.org, nối lại được vòng tay lớn với bạn bè khắp nơi trên thế giới tôi vui lắm. Bây giờ mỗi ngày sau giờ tan sở, về đến nhà tôi đã có thêm công ăn việc làm chứ không còn lêu bêu như trước. Chỉ có việc mở máy ra đọc mail của bạn bè, viết mail trả lời rồi lại tiếp tục ngồi chờ đợi, thỉnh thoảng ngồi cười hi hi một mình trước các máy vô tri vô giác làm bà Xã hơi giật mình lo ngại, lấy tay rờ trán xem tôi có bị nóng không.
Sướng đến phồng cả mũi khi thấy bạn bè vẫn còn ca tụng lão Văn Em là học sinh xuất sắc, rồi lại thấy ngày xưa mình còn trẻ người non dạ, thiếu tế nhị khi ráng gom cho gần hết những bảng danh dự của lớp để cho nhiều bạn bè xa lánh, không dám đến gần như lão Nguyễn Ngô Hùng hay Vũ Văn Chính, ... Rồi các lão này cứ nghĩ học giỏi thì viết văn phải hay, rồi lại bị thúc giục bởi những câu nói như Viết đi cha nội hay là Tôi viết dở ẹc mà còn dám trình làng vài tác phẩm, còn ông ... v.v. Đêm nằm ngủ còn mơ thấy hai lão cầm bút ấn vào tay bắt viết. Thôi thì tôi vén bức màn bí mật cho các bạn biết những nguyên nhân đưa đẩy tôi trở thành một học sinh xuất sắc.
Ba Má tôi người thì quê Hậu Mỹ, người thì quê Mỹ Hội thuộc quận Cái Bè, tỉnh Định Tường. Thời đó đường làng đi lại khó khăn, phương tiện di chuyển chính là ghe hoặc xuồng. Gặp lúc giặc giả nên tôi sanh ra vào năm 1955 mà mãi đến năm 1958 ba tôi mới ra quận làm giấy khai sanh, lấy ngày đó là ngày sanh tháng đẻ của tôi (17-07-1958), thành ra các đứa trẻ đồng trang lứa còn ẵm ngửa tên tay bố mẹ thì tôi đã tụt xuống chạy lăng quăng cùng khắp xóm. Đáng lẽ ra tôi cũng có cái tên cũng khá hay, tên là Phương, giống như Ngô Cảnh Phương vậy, nhưng khi đến nơi ba tôi lại khai tên là Nguyễn văn Em vì nghĩ tôi là con út trong gia đình. Số mệnh đã an bài, nhờ cái tên độc đáo mà tôi vẫn luôn nổi tiếng dù không có thông minh! Viết đến đây tôi lại thầm cám ơn Ba Má tôi (ba tôi đã mất, Má tôi Tết năm nay được 93 tuổi), nhờ hai Ông Bà cho tôi trẻ lại ba tuổi, đầu óc phát triển, suy nghĩ chín chắn và già dặn, cái gì cũng đi trước các bạn tới ba năm. Ba năm cũng là một chặng đường dai lắm phải không các bạn ? Thế là tôi có lý do thứ nhất để học giỏi.
Với cái tên Nguyễn Văn Em, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ các cô gái thấy mình quá đẹp trai chạy đến làm quen rồi hỏi tên thì không biết ra sao ? Có một năm, mấy cô nữ sinh Thiên Phước qua bên trường Taberd, thấy bạn mình vui vẻ tung hoành tán gái, nào là Mai Thế Roanh, mấy bạn chụp hình với Lê Việt Quang, Dương Quang Khải, Nguyễn Minh Tân, v.v., tức mình tôi lại ôm tập vở ra miệt mài học cho bỏ ghét, mặc kệ đám thiêu thân lao mình vào ánh sáng !!! Hình như có một số bạn khác vì lý do nào đó đã thiêu thân trể, đến hơn 50 tuổi mới ra tay như Lý Văn Quới. Đây chính là lợi thế thứ hai làm tôi học giỏi.
Sau 1975, vô danh tiểu tốt, tôi trở thành một kẻ tầm thường, tệ hơn nữa đến năm 1979, năm đó tôi học năm thứ nhất và thứ hai đại học, có một khóa tôi thâu hoạch được tổng số điểm trung bình từ lúc bắt đầu dại học là 1.79 trên 4. Khóa đó tôi nhận được thư cảnh cáo của trường là nếu khóa sau tôi không kéo lên trên 1.8 thì trường sẽ không cho tôi tiếp tục học (hay nói một cách khác là tôi sẽ bị sa thải). May cho tôi là sự cố gắng giúp tôi qua được giai đoạn này và khi học xong đại học, tổng số điểm trung bình của tôi là 2.2 trên 4. Điểm để được nhận vào Cao học phải tối thiểu là 2.75 trên 4.
Tám tháng sau khi ra trường, tôi không tìm được việc làm vì năm 1982, công việc ngành công chánh đình trệ, mặc dù năm 1978, lúc chọn đi ngành này tôi đã nghiên cứu kỷ, lúc đó mỗi sinh viên ra trường có ba hay bốn chỗ mời gọi.
Lâm vào thế kẹt, tôi viết cho trường một đơn xin học Cao học, còn thật thà ghi rỏ là tôi chỉ có 2.2 trên 4 khi tốt nghiệp và xin trường cho tôi thử thời vận vì không tìm ra việc làm và nếu sau một khóa, thấy tôi học không nổi thì trường cho tôi nghỉ. Thế mà Đại học cho tôi thử thời vận. Tôi học suốt ngày, chỉ chừa khoảng thời gian để ngủ. Sau cùng sự cố gắng cũng mang lại cho tôi cái bằng Cao học mà bây giờ bên mình gọi là Thạc Sĩ, mặc dù tôi chỉ hiểu lơ mơ mấy môn tôi học. Tức là tôi có bằng cấp ngang với Nguyễn Trịnh Lương.
Kể từ đó trở đi, bốn chữ Học Sinh Xuất Sắc đã dần dần chìm vào quên lãng. Cho đến một ngày, có người bạn gọi cho tôi biết cánh cửa Taberd.org đang từ từ mở rông, thế là bao nhiêu ký ức ưu ái của bạn bè dành cho tôi khiến tôi thấy mình ... chắc cũng là giỏi thật đấy.
Tới đây tôi có thể nói với các bạn là điều kiện thứ ba giúp tôi là học sinh xuất sắc là sự siêng năng chứ nói về thông minh thì tôi không có, còn nói về trí nhớ thì còn tệ hơn nửa. Hôm qua, tôi có điện thoại cho Phạm Đình Nguyên, ông bạn này thao thao bất tuyệt, cho biết hồi xưa người ngôi bên phải ông ta là ai, người ngôi bên trái là ai, đàng trước, đàng sau, v.v. Trong khi đó tôi không nhớ ra năm 1975 mình học lớp 11B mấy nữa!
Chỉ kể sơ sơ ba lý do chính đáng cho các bạn đọc chơi thôi, chứ những thứ lỉnh kỉnh leng keng bên cạnh còn vô số, chưa kể có ông đọc xong lại bảo văn chương gì mà khô khốc, vắt mãi chả ra tí nước. À mà quên, viết đến đây tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm từ hồi tiểu học, nhờ to con hơn các bạn khác nên được các frère cho làm trưởng lớp. Công việc của trưởng lớp bao gồm đại loại là: nhắc các bạn bỏ áo trong quần, coi xem các bạn có mang phù hiệu Taberd, trông chừng các bạn xếp hàng vào lớp, giữ trật tự trong giờ học, chép bảng cho thầy cô, lau bảng, v.v. Lúc ấy tôi thấy mình thật là oai phong và vĩ đại.
Thông thường khi lớp học ồn ào, trưởng lớp phải nhắc nhở các bạn bằng các đưa ngón tay trỏ lên miệng và suỵt suỵt và tiếng. Một hôm thầy Hòa (Nguyễn Văn Hòa, dạy Pháp Văn) đang giảng bài, lớp học bắt đầu nhốn nháo lao xao. Tôi bắt buộc phải thi hành phận sự, suỵt suỵt liên lục vài ba tiếng để cho lớp học được yên. Thầy Hòa kêu tôi lên, khi tôi bước tới gần bục giảng, thầy tặng tôi một cái tát tay thật nẩy lửa và bắt tôi đứng úp mặt vô tường. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hết giờ học, tôi mới nghiệm ra là tôi thi hành phận sự mà Thầy nghĩ là tôi vô lể suỵt thầy khi Thầy đang giảng bài. Đúng là tai nạn nghề nghiệp!
Thôi kể từ bây giờ, mấy ông quên đi cái chuyện tôi là học sinh xuất sắc vì cùng thời đó có nhiều bạn thật sự xuất sắc như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Tư Bích, Lữ Phúc Trung Sơn, Nguyễn Đình Biên, v.v. kể sao cho hết; và bây giờ có nhiều bạn rất thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chấm hết.
Tản mạn về Mùa Xuân
(Riêng tặng cho những người bạn Taberd hiện đang xa xứ của tôi, và tất cả những người bạn còn ở lại Việt Nam như tôi.)
Lại một mùa xuân nữa đã về đây, mùa xuân muôn thuở vẫn là mùa sum họp và vui vầy trong mọi gia đình, sau những tháng ngày lo toan bề bộn kiếm sống, bỏ lại những ưu tư vật chất đời thường, để hòa vào cái tất bật của buổi chợ Tết cuối năm, làm gì thì làm ba ngày Tết cũng phải tươm tất để chào đón Ông Bà, Cha Mẹ về chung vui với con cháu trong ba ngày Tết.
Ngày xưa lúc chúng ta còn bé, Tết về là cả một niềm vui rộn rã, nào được nghỉ hoc, được đốt pháo, và vui nhất là được mặc quần áo đẹp và được lì xì ba ngày Tết, để rồi đi học lại khoe nhau năm nay tao được tiền lì xì nhiều.
Rồi khi chúng ta lập gia đình, mổi độ xuân về ngoài Cha Mẹ ra còn phải vun vén cho cái tổ ấm nho nhỏ của mình, để biết tình thương yêu trong gia đình nó thiêng liêng như thế nào
Và ngày nay khi tóc bắt đầu đã bạc, đã mỏi mệt với chuyện kiếm cơm áo bạc tiền hằng ngày, cũng đã sắp sửa thành ông Nội ông Ngoại, nhìn con nhìn cháu lại thấy thương Cha thương Mẹ khi xưa, đã lo toan cho gia đình mỗi độ xuân về.
Không phải ai cũng đón nhận một mùa xuân, hay cảm nhận một cái Tết trọn vẹn, mà trong cuộc đòi của chúng ta vẫn có những lần không đón nhận được, tôi cũng muốn chia xẻ với những người bạn học năm xưa, vì một biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời, mà số phận mỗi người phải tha hương khắp nơi, các bạn vẫn có Tết, nhưng có vui gì khi mình ăn Tết mà chung quanh mọi người vẫn phải đi làm, và thờ ơ với không khí lễ hội của người Việt, vì đâu phải ngày lễ Tết của họ. Các bạn ấy vẫn thường than thở bao nhiêu năm rồi, ở xứ người, mình vẫn chưa đón được một cái Tết trọn vẹn, dù cho gia đình vẫn quây quần bên nhau. Chưa bao giờ tôi nghe bài hát Mùa Xuân Của Mẹ nó lại thấm thía như lúc này.
Ngay cả những anh em còn ở Việt Nam như chúng tôi, chúng tôi vẫn sung sướng đón nhận một mùa xuân, một cái tết sum vầy và đoàn tụ bên Gia Đình, nhưng cũng có đôi lúc chúng tôi có cảm thấy mùa xuân đang đến đâu. Cái cảm nhận không khí Tết trên Quê Hương, của đêm giao thừa đã không còn nữa từ khi nhà nước cấm đốt pháo, ngày trước dù đang ở đâu làm gì mà khi nghe tiếng pháo nổ rộn rã, ai nấy đều nhanh chân bước về nhà trước giao thừa, để kịp bày biện bàn thờ khấn vái rước đón Ông Bà về ăn Tết với con cháu. Còn bây giờ, cái ranh giới giao mùa giữa năm cũ và mới, do không còn tiếng pháo báo hiệu nữa lên nó âm thầm trôi qua, cái không khí yên lặng và lạnh lẽo đi qua mà chẳng cảm nhận được gì.
Riêng năm nay, đối với tôi cũng như các bạn Taberd năm xưa, mùa xuân này cũng là mùa Xuân Họp Mặt, sau những tháng ngày xa cách, được dịp gặp lại nhau và xem lại những khuôn mặt của ngày nay để so sánh với ngày xưa, Xin cám ơn các bạn có tâm huyết lập ra trang Taberd. org để anh em bạn hữu nhận ra nhau và xích gần lại nhau hơn, tôi cũng hy vọng những mùa xuân sau này, anh em chúng mình sẽ như những cánh én bay về tạo nên mùa Xuân, và có những Mùa Xuân Họp Mặt đông hơn và vui hơn các bạn nhé.
Vui ngày họp mặt
(Thân tặng Lê Việt Quang và các bạn trong buổi họp mặt)
Đang làm việc thì bất ngờ nhận được một cú phone lạ, allô thì lúc đầu mình tưởng Nguyễn Trịnh Lương gọi, nói thêm một chút mới biết thì ra là Việt Quang gọi, Quang mời mình họp mặt bạn cũ vào ngày 3 tháng 1, nhân dịp Quang về Sài gòn thăm gia đình, nhưng sau đổi lại là ngày mùng 1 (Tết Dương Lịch) tại quán Càfé Cây Khế, địa điểm do Lý Minh Sơn chọn. Chủ quán là Lưu Thành Hiếu cũng là bạn học Taberd cùng cấp, người có lẽ lấy vợ muộn màng nhất và có con trễ nhất, vợ Hiếu đang mang thai đứa con đầu lòng, quá đã luôn.
Buổi sáng ngày mùng 1, lòng hồi hộp y như đi gặp người yêu vậy, Nguyễn Kim Giao tới sớm nhất, rồi mới đến tôi, Giao vừa là bạn cùng lớp mà nhà Giao ngày xưa lại gần nhà tôi, nên hai đứa chơi thân với nhau, và tôi cũng vừa tìm đươc hắn trên mục nhắn tin sau 34 năm mới gặp lại, sau đó là Minh sơn, Trịnh Lương, Việt Quang, Lê Đình Dũng, và cuối cùng là La Thu Chinh, chỉ thiếu Lý Văn Quới đang công tác ở Đà Lạt, Phạm Quang Anh thì bận không tới được và Nguyễn Hoàng Dũng đang bị mệt nằm ở nhà nên không đến dự được.
Đúng là một ngày đầu năm Dương Lịch đầy ý nghĩa sau bao năm trời dài đăng đẳng mới lại gặp nhau, tuy hình dáng anh em có thay đổi theo thời gian, nhưng nét mặt vẫn không khác nhau lắm vẫn có thể nhận ra ngay, tuy có những người mình không học chung với nhau, nhưng cũng có sao đâu vì ngày xưa dù có học chung lớp mà nhiều khi đâu có chơi với nhau, biết bao kỷ niệm xưa được anh em trao đổi với nhau, và tiếng cười vui vẻ với lối dẫn dắt dí dỏm những chuyện xưa của Lý Minh Sơn làm anh em cảm thấy gần gũi nhau hơn. Sau đó anh em bàn với nhau là kéo đến nhà Nguyễn Hoàng Dũng (thương binh chiến trường Campuchia bị mất hai bàn tay và một chân) ở đường Phạm Thế Hiển.
Tại nhà Dũng, một bữa nhậu nhỏ được bày ra và anh em lại tiếp tục ngồi ôn lại kỷ niệm xưa, đó cũng là điều hạnh phúc cho một nhóm nhỏ tụi tôi còn ở lại Việt Nam, với những hoàn cảnh số phận khác nhau không bao giờ nghĩ còn có thể tìm lại bạn bè khi xưa, thế mà nay đã được ngồi lại bên nhau, vẫn dễ thương nghịch ngợm như thưở nào dù tóc đã bắt đầu bạc. Sau khi chụp hình lưu niệm anh em chia tay nhau lúc 3g chiều và hẹn ngày tái ngộ sắp tới.
Ngày Đi ...Hôm nay, 24-1 anh em lại họp mặt tại quán Cây Khế để tiễn Quang ngày mai về Úc, lần này đông hơn một tí, anh em ngoài 7 người lần trước thì lần này có thêm Đỗ Bá Cảnh, Huỳnh Ngọc Lâm, Lý Văn Quới, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Tường, Phạm Giản Tư, Nguyễn Anh Tuấn và sau đó có thêm Phạm Bá Mai, tổng cộng 15 anh em.
Sau đó, anh em kéo nhau đến Quán Nga để lai rai vài sợi cho thêm phần rôm rả, Lý Văn Quới phát biểu đầu tiên cho buổi họp mặt này, và cùng với anh em hát bài Lasan Hành Khúc thật sôi nổi y như ngày xưa (anh em dặn nhau khi họp mặt là phải hát bài này, ai hát không thuộc thì không phải là dân Taberd sẽ không cho tham gia), chưa lúc nào bạn bè cũ gặp nhau và nghịch ngợm như lúc này, siêu quậy nhất là Văn Quới nhà mình chứ còn ai vào đây nữa. Cảm động nhất là lúc Bá Cảnh (người còn giữ lại đươc chiếc áo thun thể thao kỷ niệm 100 năm thành lập Taberd, và chiếc huy hiệu Lasan Taberd bằng vải), bày tỏ tâm tình sau bao năm tìm lại bạn xưa, mà có lúc vợ Cảnh nói với anh là thôi anh đừng đi tìm nữa vô vọng lắm vì tất cả đã xa lắm rồi, mà hành trình đi tìm bạn cũ của anh cũng đã 10 năm rồi còn gì, thế mà như trong giấc mơ nay anh đã phần nào toại nguyện.
Cuối buổi họp mặt anh em bàn kéo nhau về Trường cũ chụp hình lưu niệm, chỉ được đứng ở ngoài chụp chứ không vào sâu bên trong được, nhìn trường cũ tàn tạ theo năm tháng, xác còn đây nhưng hồn thì đã mất từ lâu lắm rồi, anh em chỉ còn biết đứng nhìn và nhớ về ngày xưa. Anh em cũng được gặp lại và chụp hình chung với cựu Frère Roland Anh (người đã thiết kế những chiếc xe La Mã tham dự cuộc đua xe trong dịp lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Taberd).
Thế đấy gặp nhau đây rồi lại chia tay, mình cũng vẫn mong đây là buổi họp mặt tiên phong, mở đường cho những buổi họp mặt sau này sẽ đông hơn và vui hơn, cũng cứ hy vọng như thế phải không các bạn?
(xem ảnh Họp mặt)
Tết Nguyên Đán, một cái tên, một ngày lễ !
Mặc dù với cuộc sống tha hương, tôi nghĩ những tâm hồn như chúng tôi cùng hướng về nơi quê hương yêu dấu để hình dung lại trong tâm tưởng của mình những ngày Tết Nguyên Đán.
Cũng phải nói rằng, những ngày Tết trên một đất nước nào khác sẽ không thể có được một bầu không khí tết Việt Nam với cúng giao thừa, đi xông đất, mừng tuổi, vân vân và vân vân. Và trong hoàn cảnh đó lòng tôi cũng đón Tết qua hình ảnh của thời gian còn sống tên quê hương.
Tết xa quê hương, nơi đây, không có những ngày Mùng Một, Mùng Hai hay Mùng Ba gì đâu! Bầu cua cá cọp cũng không luôn (nhưng năm nay tôi có con cọp). Chợ hoa thay bằng siêu thị cây cảnh. Bánh chưng, bánh tét thì cũng có ăn cho đỡ nhớ. Thịt kho dưa giá thì cũng có. Còn về chuyện đồ mới để mặc trong ba ngày Tết thì ở bên này tôi mới mua đồ solde bán đại hạ giá nên có đồ mới mặc cho ba ngày Tết!
Nhưng có lẽ Tết năm nay thì khác với những năm đã qua nhờ tình bạn bè, bằng hữu mà tôi vừa tìm lại được sau hơn ba thập niên xa cách nhưng vẫn còn nhớ về trường xưa, mái trường của chúng tôi có cái tên là Lasan Taberd.
Nhân dịp Tết con cọp, tôi xin gởi lời kính chúc các Frères, Thầy, Cô và chúc bạn bè Lasan Taberd, ban điều hành của Taberd.org và nhất là hai ông bạn già của tôi (Mrs V.V.Chinh và N.V.M.) một năm mới AN KHANG và THỊNH VƯỢNG.
Cám ơn
Mùng Một Tết, tại nơi tôi đang ở thì là vẫn là một ngày cuối tuần như các ngày cuối tuần khác, tôi ngồi đọc lại e-mail chúc tết từ các bạn. Tết năm nay số lời chúc tôi nhận được nhiều hơn hẳn các năm trước, phần lớn là từ các bạn tôi vừa liên lạc được trong năm qua. Những lời chúc từ khắp nơi, một số từ các nơi giống như nơi tôi đang ở nghĩa là không có chút gì là không khí Tết, nhưng những lời chúc đó vẫn rất là Tết, chúc cho một năm mới tốt đẹp hơn và thịnh vượng hơn (nghĩa là có nhiều tiền hơn ).
Thời gian qua, tôi đã có niềm vui tìm lại được nhiều bạn học cũ sau bao nhiêu năm mất liên lạc. Những cú điện thoại, e-mail và nhất là những buổi họp mặt tại Sài Gòn là những điều mà trước đây tôi không mơ thấy nỗi. Hơn thế nữa tôi còn có niềm vui lớn hơn khi thấy ngoài các bạn Taberd 76, các bạn khác cấp lớp cũng nối liên lạc được với nhau qua Taberd.org. Đọc những lời nhắn tin và trả lời của các bạn, tôi thấy Taberd.org đã đạt kết quả hơn sự mong ước ban đầu.
Để có được những kết quả này, trước hết tôi xin cám ơn gia đình, nếu không có sự thông cảm và khuyến khích của gia đình thì chắc Taberd.org vẫn còn là ước muốn. Kế đến là tôi xin cám ơn các bạn về sự hợp tác và đóng góp của các bạn qua bài vở, hình ảnh và góp ý vào sự hình thành và hoạt động của Taberd.org. Những cú điện thoại trái múi giờ, những bức e-mail dài bàn bạc về hình thức và nội dung của của các trang, tất cả những điều đó đã góp phần tạo thành Taberd.org như ngày nay, có thể chưa hay và đẹp như mong muốn nhưng đó là những gì chúng tôi đã làm được.
Cám ơn các bạn về những niềm vui các bạn đã đem đến cho tôi.
Mai vàng một đóa
Mùng Hai tết, coi như là xong một mùa Xuân ở xứ người. Tết năm nay đến với tôi có vài điều rất đặc biệt. Mặc dù nhiều cái Tết đã đi qua trong sự tẻ nhạt, lạnh lẻo nhưng cứ mỗi cuối năm hình như ai ai trong chúng ta (những người sống xa quê hương) đều nao nao âm thầm chờ đợi, đón chào năm mới qua hình ảnh gợi nhớ của những năm xưa! Chả thế mà đã có câu hát Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa ....
Thời gian gần Tết, nhờ lòng nhiệt huyết và nhiều nổ lực của một số bạn, tôi lần dò ra được tung tích của một số bạn hữu năm xưa, liên lạc lại bằng mọi cách rồi đùng một cái không ngờ, một số người bạn này xuất hiện trước mặt tôi, cùng nhau chén thù chén tạc (mặc dù chỉ nhấp nhấp cho ra vẽ!), cười nó rộn ràng ôn lại bao chuyện cũ. Vui quá xá là vui.
Năm hết tết đến, ông bà mình hay bảo đó là TỐNG CỰU NGHINH TÂN, nhưng với tôi năm nay CỰU tốt quá chừng chừng, TỐNG chậm chậm cũng không sao, NGHINH lại càng tốt nữa, chả là mấy chục năm nay gia đình tôi đón Tết năm trước cũng giống năm sau, cũng nấu nướng rộn ràng, bánh mứt tràn trề, bông hoa đủ loại nhưng nhìn quanh quất vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó chưa thể gọi là không khí Tết. Vài năm trước Bà Bắc Kỳ của tôi được ai đó biếu tặng một ít hoa mai giả (giả nhưng rất giống thật), trước Tết vài ngày Bà Bắc Kỳ ra vườn chặt vài cành cây khẳng khiu gắn mai giả lên, cũng cắm vô bình đổ nước vào, vài ngày sau là chồi lá non nhú ra lẩn lộn vào hoa, hư hư ảo ảo đánh lừa được thị giác của một số người. Nhưng dầu sao giả vẫn không thể là thật. Hết Tết gở ra cất đi để dành cho năm tới, quý quá nên Bà Bắc Kỳ cất kỷ thật là kỷ đến nổi mấy năm sau này kiếm không ra luôn.
Ba năm trước bà xã của Lê Như Trầm cho cây mai tứ quý, hai năm đầu cũng thuộc loại bất trị, lúc nào muốn ra hoa thì ra, bất kể xuân hạ thu đông. Mấy hôm trước bận quá quăng vô một góc nhà, đến khi lôi ra trong tội quá, Bà Bắc Kỳ mở lòng từ bi tưới tí nước cho nó sống lây lất qua ngày, chợt thấy vài nụ hoa nho nhỏ xanh xanh thế là Bà ấy mừng quá thưởng cho nó thêm vài giọt vitamine. Sáng mùng một Tết ngủ dậy, việc đầu tiên là ra xem hoa mai đã nở chưa, công việc tiếp sau đó là Bà ấy vào dựng cổ tôi dậy báo tin cây mai đã nở được MỘT HOA MAI VÀNG. Ngày mùng hai, nó nở được hai hoa! Thế là cũng được một CHẬU MAI THẬT nở đúng vào ngày đầu năm. Hỏi như thế có phải là đặc biệt không nào ? Ai mà đọc đến đây nở nụ cười khi dể thì Văn Em tôi có câu này: Nhất tự vi sư - Bán tự vi sư
Thành ra một đóa hoa mai vàng cũng làm nên mùa Xuân đấy !!!
Trường Xưa Yêu Dấu (1)
Hội Trường Taberd cùng với dãy lầu 5 tầng dành cho các lớp 8, 9 nằm bên phía Bộ Nội Vụ được xây dựng xong vào năm 1960, nó cao ngang với dãy lầu 5 tầng, đây được coi là Hội Trường lớn nhất trong các hội trường của các trường ở Sài gòn, nó nằm gần cổng trường phía sau đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Tất cả các công trình trên được xây nhờ vào sự đóng góp của Phụ Huynh Học Sinh, bằng cách đóng học phí 5, 10, 15, 20 năm.
Hội Trường được thiết kế như một rạp ciné, với màn ảnh đại vĩ tuyến dành chiếu phim cho các học sinh xem vào các dịp lễ lớn, có sân khấu vừa có thể đóng kịch vừa biểu diễn ca nhạc, nó gồm 2 tầng với sức chứa trên một ngàn ghế ngồi, có cửa thông sang hành lang dãy lầu 1 và 2 của các lớp 8, 9.
Để mừng sự kiện này và cũng để khánh thành Hội Trường, Năm 1961 frère Hiệu Trưởng lúc đó là frère Cyprien Gẫm cho mời các trường bạn như Saint Paul (Nhà Trắng), Thiên Phước (Nhà Thờ Tân Định), Regina Pacis, Regina Mundi và trường Jean-Jacques Rousseau (Lê Quý Đôn) biểu diễn Đại Hội Nhạc Trẻ để khai mạc Hội Trường Taberd, Đại Hội rất thành công và được tái hiện lại vào năm 1965.
Hằng năm cứ vào ngày Khai Giảng năm học mới, các thánh lễ được cử hành trọng thể tại nơi đây, hay vào những ngày lễ Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh, lễ Bế giảng năm học tất cả các lớp, ai có chơi nhạc cụ kha khá thì ghi tên để có thể thành lập một ban nhạc của lớp, tập dượt và biểu diễn trong những dịp lể này, mà các đàn anh Taberd chơi nhạc trẻ đâu có thua gì các ban nhạc trẻ thời thượng lúc bấy giờ.
Phải nói là dưới sự dẫn dắt của frère Tổng Linh Hoạt Fortunat Trần Trọng An Phong, cùng với những chủ trương của nhà trường vào năm 72, văn hóa văn nghệ của Taberd nổi lên rầm rộ, những buổi đồng diễn thể dục trong các dịp lễ lớn, nhà trường còn mời giáo sư Nguyễn Thành Nhơn với chương trình Con Kiến Vàng, với môn cử tạ thẩm mỹ để có một thân hình đẹp với những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, một phong trào đang thịnh hành lúc bấy giờ, thế là cứ mỗi buổi sáng trước khi vào lớp, học sinh toàn trường dành ra 5 phút để tập thể dục đồng diễn dưới sự dẫn dắt và đôn đốc của frère An Phong.
Văn Nghệ của dân Taberd, nhất là các đàn anh lớp lớn luôn đươc sự ủng hộ gà nhà của đám đàn em tụi tôi, mà các anh chơi nhạc trẻ thì hết xẩy con bà Bẩy, mỗi lần trình diễn là bà con vỗ tay lia lịa, lại còn om xòm Bis Bis luôn miệng cơ mà. Năm 72, làn sóng nhạc trẻ Việt Hóa gồm những bài nhạc hay của Pháp, Mỹ dịch ra lời việt được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ được tổ chức rầm rộ, thu hút cả ngàn người tham dự, lớn nhất là Đại Hội Nhạc Trẻ 72 được tổ chức tại sân Hoa Lư trong ngày lễ Hai Bà Trưng, dưới sự bảo trợ của Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Riêng sân trường Taberd cũng Tổ Chức một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ lần thứ 2 vào ngày 25-11-1973 mà tôi cũng được xem, sân trường qui tụ hơn 7000 ngàn khán giả thuộc đủ mọi lứa tuổi. Mới sáng sớm đoạn đường Nguyễn Du đông nghẹt người đứng chờ giờ mở cổng để vào xem.
Mở đầu cho buổi biểu diễn là Ban nhạc của các Frère Taberd lên trình diễn, và bài đầu tiên là bài Lòng Mẹ, học sinh Taberd vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt và cổ võ hăng hơn ai hết, gà nhà mà, rồi lần lượt đến phần các ban nhạc trẻ lừng danh như CBC, Crazy Dog, Dreamers của gia đình Phạm Duy, Cat Trio, Blue Star ban nhạc toàn là nữ ... Đại Hội được chơi liên tục từ 7g sáng đến 4g chiều dưới bóng mát của những tấm vải dù to đùng, ăn uống hay giải khát thì có bán trong sân trường. Nổi bật nhất là hãng kem TOP, toàn những người đẹp mặc aó, quần short trắng, mũ và đi giầy cao cổ cũng trắng luôn, vai đeo bình kem in hình của hãng: Chú vịt Donald và chữ TOP to tổ bố, đi bán dạo khắp sân trường, đúng là một hình ảnh ấn tượng đối với mọi người hôm đấy, và ban nhạc Mây Trắng với nhạc phẩm Đồng Xanh, Lá Xanh Mùa Hè, ... với năm nhạc công chơi guitare thùng kết thúc buổi Đại Nhạc Hội.
Ngày ấy lúc bản nhạc Em Hiền Như Ma Soeur mới ra, không những các trường dòng nữ của các Soeur, như Saint Paul, Thiên Phước, Regina Pacis, Regina Mundi rất thích, mà dân Taberd cũng ưa chuộng không kém, lại có lúc còn so sánh trường dòng các Frère thì có bản Vì Tôi Là Linh Mục, còn trường dòng nữ thì có Em Hiền Như Ma Soeur, nói chung cả hai bên đều thích cất tiếng hát:
Hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo,
Ma soeur này Ma soeur.
Và đó cũng là nét đẹp của Taberd yêu dấu ngày xưa.
Tết, Xưa và Nay
(Viết cho những cái Tết ở Việt Nam)
Thế là cái Tết Canh Dần đã qua, và hương vị còn đọng lại của những ngày xuân, đã làm cho tôi có một ý tưởng so sánh, Tết Xưa và Nay.
Xưa: Giờ Giao Thừa là một khoảng khắc rất quan trọng, chưa xông đất thì không ai được bước ra khỏi nhà, nhất là sáng mồng 1, tất cả mọi người trong nhà chờ đợi có người khách đến, thường là buổi trưa rồi mới được đi chơi.
Nay: Do không còn được đốt pháo đón giao thừa nữa, nên cái phút giao mùa từ năm cũ bước sang năm mới mất dần đi ý nghĩa, thay vào đó là những tụ điểm bắn pháo bông vào giờ giao thừa náo nhiệt, đã thu hút mọi người, nhất là đám trẻ tụ tập xem và sau đó đi chơi đến rạng sáng mùng 1 mới về, cho nên không cần phải chờ đợi ai đến xông nhà.
Xưa: Những ngày Tết đối với đám trẻ con là những ngày hạnh phúc và sung sướng nhất, được mặc quần áo đẹp, ăn ngon và quan trọng nhất là được lì xì, cứ cầm cái phong bì đo đỏ nhiều chừng nào là khoái rồi, chứ không cần xem tiền ở bên trong là bao nhiêu.
Nay: Vẫn sung sướng nhất là được mặc quần áo mới, nhưng phải là đồ xịn mắc tiền mới chịu cơ, ăn ngon, và mỗi khi nhận được phong bao lì xì là mở ra xem ngay, vui mừng hớn hở khi thấy những tờ trăm ngàn có giá trị lớn, hay xụ mặt khi mở ra chỉ có 5, 10 ngàn, lại còn buột miệng chê bai sao mà keo kiệt thế không biết, con nít bây giờ rất khôn và thực dụng lắm, hơn chúng ta ngày xưa nhiều.
Xưa: Ngày Tết là ngày gia đình quây quần bên mâm cơm cùng với Ông Bà Cha Mẹ, sau đó là dịp đến thăm viếng và chúc tết gia đình các anh chị em út.
Nay: Những bữa cơm gia đình đa số thưa thớt nhiều, chủ yếu là tụ tập nhậu với bạn bè nó vui hơn, có những trường hợp vì tài sản của cha mẹ để lại, vì lòng tham của một ai đó trong gia đình đã xúi giục anh em chia rẽ nhau, từ mặt nhau, thậm chí giết nhau và phải tù tội nữa, thế là còn đâu những giây phút nồng ấm quây quần bên gia đình của ngày xưa.
Xưa: Ngày Xuân thăm nhau, gởi những lời chúc Tết cho nhau, hay gởi nhau những tấm thiệp chúc tết đủ kiểu, đủ mọi hình dáng trông thật dễ thương, đó cũng là một phong tục đáng yêu.
Nay: Có nhiều khi vì bận rộn, những buổi thăm nhau, lời chúc Tết hay những tấm thiệp tết thưa dần, mọi chuyện đã có thư điện tử hiện đại lo hết rồi, chỉ cần bỏ ít thời gian ngồi gõ chữ, siêng hơn thì đính kèm hình ảnh hay bài nhạc, rồi chỉ cần cú nhấp chuột là cấp tốc bay đến các hộp thư của bạn bè, tiện lợi và nhanh hơn nhiều.
Xưa: Khoái nhất là các món mứt đủ loại, rồi kẹo thèo lèo cứt chuột nho nhỏ và đen thui, các chiếc bánh cúng đủ màu sắc xinh xinh, hay những đêm ngồi canh nấu bánh chưng đợi trời sáng.
Nay: Vì cuộc sống công nghiệp hiện đại đã từ từ giết dần những hình ảnh quen thuộc trên, bọn trẻ bây giờ chỉ thích ăn kẹo Sô cô la, bánh Hamburger, bánh Pizza, ... và những cuộc thăm viếng thưa dần nên cái hộp bánh mứt ngày Tết, có khi vẫn còn nguyên vẹn vì có ai đụng đến đâu, ngay đến ngồi cắn hạt dưa cũng còn làm biếng mà, vả lại ăn nhiều hạt dưa nó khô cổ và hay bị viêm họng, còn bánh chưng thì có tiền ra mua ngay vài cái về cúng ông bà vừa nhanh lại vừa ngon, hơi đâu mà ngồi nấu cho nó mệt.
Xưa: Chỉ có 3 ngày Tết, cùng lắm kéo thêm được ngày mùng 4 rồi phải bắt đầu một năm mới đi cày.
Nay: không những 3 ngày, ăn tết trong mùng chưa đã chơi luôn cho tới ngoài mùng luôn, và đối với dân nhậu vừa làm vừa tà tà chơi, thì hầu như ngày nào cũng là ngày Tết, Tết quanh năm suốt tháng, Tết ơi là Tết, hoan hô mi.
Và cái chuyện Tết, Xưa và Nay vẫn còn mãi những điều muốn nói, bạn ơi.
Tết Ta trên Đất Tây !
Những con én bay về tượng trưng cho mùa Xuân. Mặc dù Xuân trên mảnh đất nào khác nhưng lòng vẫn như những đàn chim ém bay về với Xuân.
Dù vẫn có bánh mứt trong ba ngày Tết ở xứ Tây nhưng trong ta vẫn thiếu đi những cành Mai của xứ mình.
Canh Dần (2010), có lẽ đây là lần đầu tiên nhờ tiếng gọi của trường xưa mà đàn chim én của Taberd đã bay về trong lòng Xuân của mỗi người chúng ta. Mặc dù nơi đây không có pháo Tết nhưng pháo đã nổ lại cho tuổi Xuân thì. Bên chân trời Tâynhững cành mai, những ly rượu nồng của Tết Ta đã và đang làm ấm lại một phần nào mùa Đông của đất Tây.
Những ngày đầu Xuân đang ra đi để biến thành kỷ niệm. Ở đây, một góc trời Tây, những ngày đầu Xuân ấy đã là một ngày như mọi ngày. Bên kia, trên quê hương, bầu không khí của ngày Xuân vẫn còn đầy.
Tết, dù bên trời Tây hay đất Ta, cũng phải nhờ đến những con chim én để đem lại cho tâm hồn ta những ngày Xuân. Riêng năm nay, đàn chim én của Taberd ngày nào đã, đang và sẽ đem lại trong lòng anh em Taberd hay của các trường dòng Lasan không phải một Xuân Canh Dần và còn nhiều Xuân nữa trong trái tim của dân Taberd !
Thân tặng cho tất cả những con chim én đã từng cùng một tổ ấm với tôi, Lasan Taberd.
Nhớ về Frère
(Con luôn nhớ và cầu nguyện cho linh hồn Frère Félicien Huỳnh Công Lương)
Từ ngày trường Taberd sống đúng 100 tuổi rồi mất, nay chúng con lại tiễn biệt Frère Huỳnh Công Lương về cõi vĩnh hằng, Frère và Frère Désiré Lê Văn Nghiêm là hai bậc đàn anh lớn của Trường Taberd, và là tấm gương sáng giản dị và khiêm tốn đối với học sinh chúng con, cả hai Frère cũng là người trải qua những năm tháng thăng trầm, chứng kiến bao sự đổi thay của ngôi trường thân yêu, cùng với mái trường, hai Frère cũng là những kỷ niệm thời niên thiếu của chúng con, từ lớp Tiểu học lên đến Trung Học. Từ các lớp đàn anh thành đạt trong cuộc sống và đến lớp đàn em sau này, tất cả cũng là nhờ sự dạy dỗ của hai Frère Hiệu Trưởng, chúng con ngày nay ra đời và cũng luôn ghi nhớ đến hai Frère và mái Trường của chúng con.
Ngày nay chúng con như đàn chim vỡ tổ vì thời cuộc đẩy đưa, bao người bạn của chúng con phải rời xa quê hương, sống lưu lạc nơi xứ người với những phận đời khác nhau, nhưng chúng con vẫn có bao giờ quên ngôi trường yêu dấu cùng với hai Frère Hiệu Trưởng, quên những tháng ngày thân yêu cùng với các Thầy Cô, các Frère và các bạn học của chúng con đâu, không làm sao mà quên được, chúng con luôn tâm niệm con người rồi cũng có lúc như lá rụng về cội. Vẫn luôn luôn về lại chốn xưa thôi.
Frère ơi, chúng con đang tìm về chính mình, ngoài gia đình thân thương của chúng con, chúng con còn những riêng một góc trời mà khi xưa chúng con tưởng chừng đã mất, cũng như chúng con còn được gặp hai Frère vẫn còn trên trần gian nay, nay Frère ra đi thì thôi cũng cho xong một kiếp người Frère ơi.
Chúng con chỉ còn biết cầu nguyện cho Frère về nước Chúa và ở bên người, cũng như chúng con luôn cất lên tiếng hát:
Lasan chỉ lối soi đường,
Ngày nay thi sức đua tài,
Nhiệt thành xây đắp ngày mai ..."
Một trang lịch sử của Trường Ta đã ra đi !
Chúng ta hãy trở lại với những năm thập niên 67 và 70 với các vị Huynh Trưởng của nhiều thế hệ Lasan Taberd, những con chim đầu đàn của một Institution Taberd trong đó có frère Félicien Huỳnh Công Lương.
Mỗi năm, nhân dịp lể khai trường, những Lời Huynh Trưởng chuẩn bị cho tất cả những việc phải làm trong năm học. Những lời lẽ ấy, ngày nay đã thành cho chúng em những lời vàng ngọc cho sự nghiệp và công danh trên đường đời. Mặc dù Institution Taberd ngày nay đã không còn nữa, nhưng tất cả đàn chim từ Taberd vẫn còn nhớ về khung trời xưa, nhất là tới những Đấng đã đưa Dân Taberd đi trọn một đoạn đường đời.
Những buổi chào cờ có sự hiện diện của Sư Huynh Directeur, với khuôn mặt hiền lành của một người đã hy sinh cuộc sống đời thường để đem lại cho chúng em những điều hay và lẽ phải để sống với đời.
Rồi mỗi cuối năm học, vị Huynh Trưởng đã gởi lại cho chúng em những lời khen về năm học vừa qua và không quên chúc chúng em những tháng hè vui vẻ.
Nay, cũng như trước khi hè đến, được tin Frère Félicien Huỳnh Công Lương đã trở về với Chúa.
Một trang lịch sử của Trường Ta đã ra đi, để lại sau lưng tiếng khóc của đám học trò, tưởng nhớ và mang ơn về một Vị Huynh Trưởng của trường Lasan Taberd.
Xin cám ơn Frère đã soi sáng cho chúng em ở dưới mái trường thân yêu, những điều chúng em đã được học hỏi, thật là vô giá cho cuộc đời chúng em.
Xin kính chúc linh hồn Frère được bình an nơi nước Chúa.
Kính về một người ANH, CHA và cũng là THẦY.
Một nhóm học sinh của thập niên 60 và 70.Nguyễn Ngô HùngNguyễn Văn EmVũ Văn ChínhDương Quang KhảiLê Việt QuangTăng KiênNhớ về Frère Félicien Huỳnh Công Lương
Ngày hôm qua nhận tin buồn SH Félicien Huỳnh Công Lương qua đời, hôm nay lần mở những trang kỷ yếu, xem đi xem lại từng trang, đọc lại Lời Huynh Trưởng của từng năm, bao nhiêu ký ức trở về. Có ngôi trường thân yêu, có các Sư Huynh, các Thầy Cô, bạn bè và bao nhiêu vui buồn lẫn lộn.
Trong suốt thời gian 12 năm, 64-76, chỉ có hai Sư Huynh thay phiên nhau giữ chức Hiệu Trưởng: SH Félicien Huỳnh Công Lương và SH Désiré Lê Văn Nghiêm.
Nhưng hình ảnh đậm nét nhất trong mỗi anh em chúng ta khi nhớ về SH Félicien Huỳnh Công Lương là khuôn mặt hiền từ, cử chỉ điềm đạm. SH Félicien với dáng dấp nhẹ nhàng đang điều hành lớp lang một Ban Nhạc Ngàn Người hát lên Lasan Hành Khúc và dìu dắt tương lai anh em học sinh thăng tiến trên đường đời. Cũng nhớ về Sư Huynh với phong thái uy nghiêm từ tốn đang đọc lời nhắn nhủ các anh em học sinh. Sư Huynh luôn mang một hình ảnh bất biến, không có một cử chỉ hoảng hốt, trầm tĩnh trước mọi vấn đề. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ về người Sư Huynh đáng kính.
Dưới đây chúng tôi xin trích lại Lời Huynh Trưởng trong cuốn kỷ yếu 64-65:
Cuốn kỷ yếu đến tay các em thì niên học 1964 - 1965 đã kết thúc rồi. Một năm qua ! Một năm dài dằng dặc với bao giờ cặm cụi với bút nghiên; một năm với tất cả những niềm vui hay nỗi buồn của nó ... với những lúc say sưa trong chiến thắng thành công hay những lúc chán nản chua cay vì thất bại, thử thách.
Đời người đều được thêu dệt như vậy ...
Lời nói thật xa xưa mà như vẫn còn văng vẳng đâu đây. Lời nhắn nhủ vàng ngọc cho một năm học tưởng chừng như lời đưa tiễn và tóm tắt một đoạn đường dài của Sư Huynh !
Dù SH Félicien Huỳnh Công Lương đã ra đi, dù anh em Taberd đã xa mái trường gần trọn 35 năm, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm trong đời sống, trong lòng mỗi chúng ta hình ảnh Sư Huynh vẫn còn hiện hữu nơi mái trường xưa cùng những Sư Huynh khác, cùng các Thầy Cô và anh em học sinh.
Hôm nay anh em chúng con cùng về đây đọc lời thương tiếc và đưa tiễn Sư Huynh về nơi vĩnh cửu.
Địa cầu ngày 3 tháng 3 năm 2010Chúng con đồng kính,Nguyễn Văn Em, Gia-nã-Đại,Nguyễn Ngô Hùng, PhápVũ Văn Chính, Việt NamDương Quang Khải, Hoa-Kỳ,và tất cả anh em Taberd khắp năm châuTưởng nhớ Frère Félicien
Sáng sớm thứ ba 2/3 tôi đang ở cơ quan thì Lý Minh Sơn gọi điện thoại hỏi thăm. Hai đứa nói chuyện một lúc thì gác máy nhưng vẫn không quên hẹn hôm nào có dip anh em tụ họp một bữa. Hẹn thì hẹn vậy nhưng trong bụng tôi nghĩ có sớm cũng phải tháng sau mới tụ họp cả nhóm lại được vì mới nghỉ tết nên có lẽ ai cũng bận.
Không ngờ khoảng hơn 10g thì Nguyễn Hữu Đức gọi đến báo tin Frère Félicien mới qua đời. Thế là không ai bảo ai người gọi điện thoại, kẻ nhắn tin, người e-mail để thông báo cho những anh em khác. Nhờ thế mà chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ tin Frère Félicien qua đời đã được truyền đi khắp nơi. Thậm chí một số anh em đã nhận được hai ba cuộc điện thoại lẫn tin nhắn. Đến đầu giờ chiều thì chương trình thăm viếng của nhóm anh em cựu học sinh khóa 64-76 được thống nhất vào ngày hôm sau, thứ tư 3/3 lúc 18g chiều tại Lasan Mai Thôn.
Chiều ngày thứ tư đúng theo giờ hẹn một số anh em đã tập trung trước cổng nhà nguyện Lasan Mai Thôn, nơi đang quàn linh cữu Frère Félicien. Khi mọi người tề tựu đông đủ anh em đã vào nhà nguyện đặt vòng hoa, thăm viếng và chia buồn với thân nhân gia đình của Frère và với quý Sư Huynh dòng Lasan.
Frère Félicien ra đi là sự mất mát lớn lao và là niềm thương tiếc vô biên của thân nhân gia đình Frère cách riêng cũng như của dòng Lasan Việt Nam nói chung. Đồng thời đây cũng là nỗi buồn chung của anh em cựu học sinh Lasan Taberd nhất là đối với những ai đã theo học niên khóa 64-65 và những niên khóa đầu thập niên bảy mươi khi Frère Félicien là Hiệu Trưởng của trường.
Khi nhớ về Frère Félicien có lẽ anh em chúng ta không thể quên được hình ảnh một Frère Félicien uy nghiêm nhưng hiền từ điềm đạm. Là hiệu trưởng của trường nên Frère không trực tiếp coi sóc học sinh vì thế ít người trong đám học sinh chúng ta được dịp tiếp xúc trực tiếp với Frère ngoài những dịp thật đặc biệt. Không như các Frère Giám Học, Frère Tổng Linh Hoạt hay các Frère phụ trách những ngành chuyên môn Frère Félicien ít có mặt hằng ngày ở các lớp học. Thường chỉ thấy Frère vào những ngày chào cờ hay vào những dịp lễ lớn như Khai Giảng, Giáng Sinh, Tết và lễ mãn khóa phát phần thưởng cuối năm v.v... Ngoài ra, thỉnh thoảng còn thấy Frère đi lại trong trường qua những dãy hành lang của các tòa nhà khu danh dự hay đứng trên các bậc thềm ở góc nào đó, từ xa quan sát học sinh trong những giờ ra chơi. Trong những lần như vậy có đôi lúc Frère gọi một vài học sinh gần đó hoặc chạy ngang qua để hỏi han chuyện học hành hay chuyện gia cảnh. Tôi còn nhớ được Frère gọi lại một lần như vậy.
Tuy ít được tiếp xúc trực tiếp với Frère nhưng các anh em học sinh đều cảm thấy gần gũi với Frère. Ở Frère luôn toát ra phong thái của một người anh cả, một vị chưởng môn, theo cách nói của con nhà võ, luôn quan tâm chăm sóc những môn sinh của mình. Ở đây tôi muốn mượn lời của một số bạn đã nói về Frère mà tôi thấy rất chính xác ... hình ảnh đậm nét nhất trong mỗi anh em chúng ta khi nhớ về SH Félicien Huỳnh Công Lương là khuôn mặt hiền từ, cử chỉ điềm đạm ... SH Félicien với dáng dấp nhẹ nhàng ... nhớ về Sư Huynh với phong thái uy nghiêm từ tốn đang đọc lời nhắn nhủ các anh em học sinh ... Sư Huynh luôn mang một hình ảnh bất biến, không có một cử chỉ hoảng hốt, trầm tĩnh trước mọi vấn đề. ...
Cách đây hơn một năm tôi may mắn được gặp lại Frère Félicien trong dịp Lasan Hội Ngộ vào năm 2008. Lần đầu tiên gặp lại Frère sau hơn 30 năm nên thấy Frère khác nhiều. Frère khi ấy đã gần 90 tuổi. Frère đi lại tuy có khó khăn chậm chạp nhưng tinh thần rất minh mẫn và tỉnh táo. Hôm ấy Frère nói là Frère rất vui và cảm động vì thấy các anh em cựu học sinh Lasan còn nhớ đến trường, đến các Frère và đặc biệt là còn giữ được tinh thần Lasan mặc dù các anh em đã xa trường rất nhiều năm, có người rời trường từ những thập niên 50 hay 60. Frère mong rằng anh em Lasan luôn duy trì được truyền thống tốt đẹp này mãi mãi.
Frère Félicien đã ra đi nhưng những lời dạy bảo, nhắn nhủ của Frère vẫn còn ở với chúng con mãi mãi. Chúng con, những học trò đã từng ngồi dưới mái trường do Frère trông coi, rất buồn và thương tiếc Frère đã ra đi xa nhưng trong nỗi buồn và niềm thương tiếc ấy chúng con tự lấy làm an ủi vì tin rằng Thiên Chúa đã gọi Frère về để thưởng công cho Frère vì khi ở trần gian này Frère đã hy sinh cuộc sống đời thường dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa, đi theo Thánh Gioan Lasan lo cho giới trẻ trong đó có chúng con.
Nguyện xin cho Frère được nghỉ yên muôn đời và cầu xin Chúa sớm đưa linh hồn Frère về hưởng nhan thánh Chúa trên thiêng đàng.
Trường Xưa Yêu Dấu (2)
(Nhớ về lớp 9-6 ngày ấy)
Ngoài Hội Trường Taberd, nguyên dãy lầu thứ 4 nằm bên phía đường Hai Bà Trưng, là một phòng thí nghiệm với đầy đủ các dụng cụ dùng để giảng dạy cho học sinh, cho các môn Sinh Vật, Lý-Hóa, với phòng ốc rộng rãi, sạch sẽ và đầy đủ dụng cụ không kém gì một phòng thí nghiệm loại De Luxe, và vì thế đây cũng là công trình thứ hai sau Hội Trường của Trường Taberd rất đáng tự hào.
Lúc còn học lớp 6, 7, tụi tôi cũng nghe nói nhiều về dãy lầu 4 này, nào là trên đây có bộ xương người, có con cọp nhồi bông cùng các con vật khác, nghe hấp dẫn và tò mò nhưng có lên đây được đâu, vì hai đầu cầu thang của dãy lầu luôn bị khóa bởi hai cánh cửa sắt. Thỉnh thoảng giờ ra chơi hai, ba thằng chạy lên, đứng ngoài cửa sắt đưa mắt nhìn vô mà nào có thấy gì, bực bội nhưng đành chịu vậy.
Phòng thí nghiệm này chỉ dành cho các lớp 9 trở lên, và vào niên học 72-73 tôi học lớp 9-6, đầu năm học ngoài tiền học phí, bút phí và bảo hiểm ra, tụi tôi còn phải đóng thêm 2000$ là tiền dùng cho chi phí mua hóa chất, mà nhà trường đã mua để cho học sinh thực tập làm thí nghiệm, một tháng mỗi lớp được lên đây 3 lần để thực tập cho các môn Sinh Vật, Hóa Học và Vật Lý, chương trình mới mẻ này rất hấp dẫn và lý thú với chúng tôi, sau những bài giảng lí thuyết trên lớp là tới phần thực hành ngay.
Trong ba môn được thí nghiệm thì tụi tôi thích nhất là môn Vạn Vật và Hóa Học, nhiều khi một giờ thực tập lại là quá ngắn với tụi tôi, được tận mắt thấy những vật chỉ được học trên sách vở, như chất Clor, Benzen, Acid Sulfuric đậm đặc đáng sợ ... Đôi khi tụi tôi cũng được quan sát sọ và não người, tim người để hiểu biết vể sự cấu tạo của con người, mà từ trước đến giờ chỉ học lý thuyết trên sách vở, chính vì vậy nên các môn Vạn Vật và Hóa nó hấp dẫn và bớt khô khan hơn.
Thường môn sinh vật, nhà trường có mời một nữ giáo sư dạy ở trường Đại Học Y Khoa về phụ trách, và có thêm một cô sinh viên làm phụ tá. Năm nay môn sinh vật với bài đầu tiên là giải phẫu và tìm hiểu cơ thể con chuột bạch, lớp được chia ra một tổ 4 người và được nhận một con chuột đã được gây mê, từng nhóm được cung cấp dao mổ, kẹp gắp và kim gút, đầu tiên là rạch lớp da trước, rồi mới đến lớp thịt, sau đó mới banh lồng ngực chuột và ghim chặt bởi kim gút, tụi tôi sẽ quan sát các bộ phận của chuột và vẽ lại cẩn thận trên một tờ giấy, có ghi chú tỉ mỉ rồi sau đó nộp bài cho giáo sư chấm điểm thực hành và nhận xét.
Khi thí nghiệm về Tim và Não Heo, chúng tôi được chỉ dẫn chi tiết về các cơ, van là những cơ quan đóng vai trò chủ yếu của Tim, hoặc được xem các vi khuẩn sống trong cây bằng kính hiển vi, có lần thí nghiệm về sự phản xạ của Ếch, muốn làm tê liệt hệ thần kinh của ếch, chỉ cần dùng một cây kim gút rà nhè nhẹ từ gáy ếch, lên đến giữa đỉnh đầu sẽ thấy có một chỗ trũng, cắm mạnh cây kim gút vào chỗ này là chú ếch nằm ngay đơ như cây cơ.
Môn Hóa thì do frère Nguyễn Ngọc Lộ phụ trách, Frère có soạn ra các sách hướng dẫn nội qui, cách xử dụng các dụng cụ thí nghiệm, vì môn này thường sử dụng các hóa chất nguy hiểm, nên cần sự khéo léo và cẩn thận trong khi pha chế, như Acid Sulfuric đậm đặc có thể gây bỏng, những lúc cho nước vào acid cũng phải từ từ vì có thể làm Acid văng ra ngoài ống nghiệm, chất Clor khi ngửi có thể gây ra ngất xỉu, và tụi tôi tranh nhau ngửi Amoniac còn gọi là nước đái Quỷ, để rồi sau đó phải nhăn mặt vì cái mùi đặc trưng của nó, nói chung các nội qui thí nghiệm môn Hóa rất khắt khe và kĩ lưỡng.
Môn thí nghiệm chán nhất là môn Vật Lý, với những máy móc lỉnh kỉnh như máy đo Ampere, dòng điện, những vật liệu điện ... toàn là chương trình khô khan và chán ngắt đối với chúng tôi.
Chương trình lớp 9 năm nay còn có thêm 2 môn học mới, đó là môn Hán văn và học Sinh Ngữ Thính Thị. Môn Hán Văn do frère Ligori Thành dạy, Frère cũng là chủ bút tờ báo Liên Sinh của trường, vì là môn học mới mẻ nên lúc đầu ai cũng thích, nhất là ngồi mải mê gò chữ Hán văn nó y như chữ Tàu vậy, bài học đầu tiên của môn này là bài Việt Điểu Sào Nam Chi, nghĩa là con chim Việt hướng về phía trời Nam.
Nhưng sau này nghe Frère giảng về đạo lý như Tam Tòng Tứ Đức, Công Dung Ngôn Hạnh, Xuất Giá Tòng Phu với một giọng đều đều, thì ai nấy ngồi nghe cũng thấy ngán ngẩm và buồn ngủ. Chả bù cho những giờ học sinh ngữ thính thị của Frère Nguyễn Phú Ghi phụ trách, đây là chương trình ngoại khóa, nhằm giúp cho học sinh tập nghe và nói tiếng Pháp, Anh đúng giọng hơn, và nó cũng đang được thử nghiệm để đưa vào chương trình giảng dạy. Phòng Sinh Ngữ Thính Thị nằm trên lầu của Câu Lạc Bộ Bóng Bàn
Vào những giờ học Sinh Ngữ Thính Thị, mọi người sẽ được nghe một bài Texte đúng giọng, do máy ghi âm phát ra, rồi Frère ra câu hỏi, nếu ai hiểu thì giơ tay trả lời các câu hỏi, ai dơ tay và trả lời đúng nhiều câu hỏi sẽ được Frère tặng một tấm Carte Postale nhỏ, sau đó cả lớp sẽ được nghe vài bản nhạc thời thượng, mà có lần được nghe bài Love Story cực hay, và sau cùng là được xem những đoạn phim hoạt họa ngắn của Hãng Walt Disney.
Chỉ tiếc rằng lớp tôi tham dự có một lần chương trình dạy Sinh Ngữ Thính Thị rồi thôi, và về sau nghe nói mục này bị bãi bỏ.
Đường về Mai Thôn
Taberd đã hiện diện với đời qua hơn một thế kỷ. Trong thời gian ấy đã có biết bao Sư Huynh đã đến với trường lúc tuổi chỉ mới ngoài hai mươi và đã hiến trọn đời mình cho trường Taberd đến tuổi bạc đầu.
Lasan Taberd của ngày nào nay chỉ còn vài trang kỷ yếu, nhung những kỷ niệm đã không phai nhạt theo thời gian. Những hình ảnh quen thuộc với các thế hệ của dân Taberd, hình ảnh của các Sư Huynh, Thầy cô cũng đã thay đổi theo thời gian.
Con đường từ Taberd về Mai Thôn tuy gần nhưng vẫn là xa. Nhìn lại thì những khuôn mặt của các Sư Huynh đã thay đổi nhiều, nhưng những tấm lòng ấy vẫn không có gì thay đổi mặc dù bao nhiêu biến cố đã xảy ra theo thời gian. Các Sư Huynh vẫn mở rộng vòng tay để đón nhận những thế hệ của Taberd về thăm lại những kỷ niệm của thời niên thiếu vì các Sư Huynh là những trang sử sống của trường xưa.
Các Sư Huynh với tấm lòng nhân ái đã từ bỏ cuộc sống vật chất để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của quan thầy Lasan. Các Sư Huynh đã một lòng thương yêu đã đem sự hiểu biết và sự cách sống đến với toàn dân Taberd. Đôi lúc, các Sư huynh cũng khắc khe với các bạn nhưng bây giờ nhìn lại thì những điều ấy đã giúp ích rất nhiều giống như nguồn nước cho các cây Taberd trên đường đời
Taberd ngày nay dù chỉ còn là một phòng nhỏ bé ở góc trường xưa, nhưng linh hồn Taberd vẫn rộng lớn như ngày nào. Các Sư Huynh ngày nay vẫn tiếp tục đem đến cho các thế hệ mới những gì mà các thế hệ đàn anh và chúng ta đã được hất thụ.
Từ Taberd về Mai Thôn, nơi chốn bình yên của các Sư Huynh tuổi đã cao, là nơi các ngài lo tròn tiếng gọi thiêng liêng sau bao năm hy sinh cho các thế hệ của dân Taberd.
Đáng kính thay những con người ấy!
Lòng Cảm ơn chân thành đến các Sư Huynh nay tóc đã bạc màu.
Đứng giữa sân trường
Vào một ngày của tháng ba năm 1991, đây là lần đầu tiên tôi trở lại thăm quê nhà sau bao nhiêu năm xa vắng.
Phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, dấu vết còn lại của cuộc chiến tranh điêu tàn vẫn còn đó. Rời phi trường trên một chiếc taxi cũ kỷ của một thời xa xưa, chiếc xe lăn bánh trên những con đường mà ngày nào tôi đã từng đi qua.
Sáng ngày hôm sau, tôi đã có ý định ghé qua trường xưa. Nhưng khi tới trước cổng trường, sự ngạc nhiên đã làm rối lấy tinh thần tôi. Tên trường Lasan Taberd đã không còn nữa mà đã bị thay thế bằng tên một trường trung học rất là khác lạ đối với tôi. Những hàn quán mọc lên hai bên cổng trường thay thế cho những người bán hàng rong của một thời nào. Tôi đã xin những người giữ cổng cho vào nhưng đã bị từ chối vì trường đang sinh hoạt, ho nói với tôi nên trở lại ngày mai vì là cuối tuần.
Rạng sáng ngày hôm sau, sau khi điểm tâm, tôi trở lại số 53 đường Nguyễn Du và người gác cổng đã cho phép tôi vào thăm lại trường.
Từ cổng chính, bước vào, những dãy nhà của trường cũ vẫn không mấy gì thay đổi. Trước mặt tôi là sân Danh Dự, dãy nhà chính, nhà nguyện, hai dãy nhà trước vẫn còn như xưa nhưng những bức tượng như tượng thánh Gioan Lasan đã không còn nữa.
Đi vào bên trong, tôi ngơ ngác nhìn về khu Tiểu Học, khu Trung Học và thính đường. Những dãy nhà mà thời gian đã không xóa được những đường nét kiến trúc được xây cất đã lâu lắm rồi. Trong đầu tôi, những đoạn phim của ngày xưa mà tôi cho vào trong mộ góc kỷ niệm đang dần hiện ra trước mặt tôi.
Dưới ánh nắng và sức nóng của buổi sáng tháng ba, tôi đã ra đứng giữa sân trường ngay dưới cột cờ để nhìn về những hướng khác nhau, dù không muốn khóc nhưng những giọt nước mắt từ tận đáy lòng đang tuôn tràn, có lẽ đấy là những giọt nước mắt dành cho mái trường mà nay tên tuổi đã không còn.
Trước mặt tôi là khu nhà chính với bậc thềm danh dự. Nơi đây, ngày nào đã có sự hiện diện của các frère Hiệu Trưởng và các dịp đầu năm, những buổi chào cờ, những ngày tết Nguyên Đán và cuối năm. Bên phải tôi là khu Tiểu học, pa-tí-xệ, khu banh bàn, nơi mà một thời lúc xưa chúng tôi đã giành nhau trước mỗi đầu giờ và giờ ra chơi. Bên trái của tôi là khu Trung Học, có thêm một pa-tí-xệ thứ hai. Nhìn lên sân thượng của khu này, hình ảnh lẩn tiếng động của những buổi tập vỏ với những tiếng hô của các huấn luyện viên. Kế bên là thính đường với âm thanh cửa những ngày lể cuối năm ẩn hiện lại trong đầu tôi và tôi cũng không quên dưới thính đường là các lớp dạy nhạc mà nay đã trở thành Tu Viện Lasan Taberd.
Taberd của chúng tôi nay chỉ còn lại là một góc nhỏ tựa như những kỷ niệm về trường xưa trong đầu tôi. Mặc dù thời gian đã đi qua, cuộc sống đã đổi thay, tên của những thăng bạn cùng trang lứa vẫn sống mãi trong tôi. Những giọt nước mắt tôi đã tuôn ra giữa sân trường cũng có lẽ là dành cho những thằng bạn thiếu may mắn không còn nhìn lại được mái trường xưa.
Từ đó, hầu như mỗi lần có dịp về thăm lại quê hương, tôi đều ghé qua thăm lại trường xưa nhưng tôi không còn đứng giữa sân trường vì tôi không muốn mình phải khóc thêm một lần thứ hai.
Viết cho tất cả những thằng bạn của Taberd và riêng cho những thằng đã đứng giữa sân trường như tôi.
Ngày này 35 năm trước
Tôi còn nhớ rỏ chuyện đã xảy ra vào ngày này 35 năm trước, ngày cuối cùng tôi được ngồi trong lớp học của trường Taberd. Trong những ngày tháng đó, tình hình chiến trận đã rất rối ren. Dân chúng ở các tỉnh miền Trung đã phải bỏ nhà cửa mà di tản, tất cả mọi người đều sống trong tâm trạng bấp bênh không biết ngày mai sẽ ra sao. Sự lo lắng không chỉ ở người lớn, mà cả trong bọn học trò chúng tôi. Bạn bè không chỉ còn bàn chuyện học hành hay đi chơi mà đã nói với nhau về nhũng chuyện chiến tranh và chết chóc. Các lớp học đã có phần lơ là vì những biến chuyển của đất nước.
Năm đó tôi học lớp 12B4, lớp học ở tầng hai cuối dãy nhìn ra đường Nguyễn Du. Vì là năm thi nên các Thầy và các Frère vẫn tiếp tục dạy cho xong chương trình để tụi tôi chuẩn bị thi kỳ Tú Tài. Đứa nào cũng phải cắm đầu mà học vì nếu thi rớt thì chắc chắn phải đi lính thôi. Tấm thẻ Động Viên Tại Chỗ hay còn gọi là thẻ Hoãn Dịch trong túi mấy đứa sinh năm 1957 là điều nhắc nhở cho chuyện này. Sáng hôm đó trong giờ Vật Lý của Frère Nguyễn Ngọc Lộ, bổng có tiếng máy bay phản lực gầm lên rất gần. Thật sự ra lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ và chẳng có phản ứng gì hết vì trong thời chiến thì tiếng máy bay cũng không phải là gì lạ. Sau đó, có vài tiếng nổ lớn và có cả tiếng súng nhỏ, Frère Lộ đã không còn đứng trên bục giảng mà đi xuống đứng ngày bàn đầu. Lớp học nhốn nháo nhưng không đứa nào biết phải làm gì. Một khoảng thời gian ngắn sau, lại có tiếng máy bay bay thấp, vài tiếng nổ lớn và tiếng súng nhỏ. Lúc này tụi tôi thật sự hoang mang và sợ hãi và lớp học càng nhốn nháo hơn. Vài đứa ngồi dãy bên trái nhìn ra hành lang rồi la lớn: "Dinh Độc Lập bị dội bom". Một số đứa chạy ra hành lang để nhìn ra các cửa sổ hướng về nhà thờ Đức Bà, tôi không thấy gì ngoài đám khói xám.
Một lúc sau Frère Lộ kêu cả lớp về chỗ ngồi và cố bắt đầu lại bài giảng nhưng không mấy đứa tập trung nghe. Cả lớp thì thào bàn tán, có đứa nói là đảo chánh, có đứa nói là Mig-21. Sau đó, Frère Giám Học Edmond Nguyễn Văn Công vô lớp thông báo là cho tất cả học sinh nghỉ học ra về ngay. Ra về ngày hôm đó, tôi và chắc cũng như nhiều đứa khác không ngờ đó là ngày cuối cùng tụi tôi còn được ngồi dưới mái trường Taberd thân thuộc.
Sau đó, tôi chỉ còn vô trường một lần nửa để rút hồ sơ và học bạ. 11 năm học ở trường của tôi đã bị chấm dứt một cách đột ngột theo cùng các biến chuyển của đất nước. Tôi đã không có ngày lể ra trường. Tôi đã không được trao nhẫn thâm niên. Tôi đã không được từ giả một cách êm thấm ngôi trường cũ mà tôi đã sống trọn một thời niên thiếu. Tôi đã không được trực tiếp cám ơn các Frère, các Thầy và các Cô đã dạy dỗ tôi nên người. Tôi đã không còn dịp gặp lại các bạn học chung qua bao năm. Tôi đã mất rất nhiều thứ và tôi tin chắc rằng cũng có nhiều bạn cùng tâm trạng với mình.
Tất cả đã bắt đầu từ Ngày này 35 năm trước.
Thân tặng những người bạn học cũ và riêng tặng Võ Bá Linh tự Võ Berlin, người ngồi kế tôi năm học cuối tại Taberd
Ngày ấy đâu rồi ?
Ba mươi lăm năm, quãng thời gian đối với chúng mình có đôi khi nó cũng quá dài, và có đôi lúc tôi vẫn cảm thấy nó ngắn, tưởng chừng như mới ngày nào đây. Ngày ấy cuộc chiến tranh đã đến thật gần, ngày càng khốc liệt hơn bao giờ hết, nó ảnh hưởng không ít đến con đường học vấn của chúng ta, tôi còn nhớ lệnh động viên được ban hành cho mọi lứa tuổi phải nhập ngũ, ai sinh năm 1957 thì nhập ngũ vào tháng 4/75, còn sinh năm 1958 thì vào tháng 7/75, đã làm cho chúng tôi xôn xao bàn tán.
Tôi không được may mắn như Lê Việt Quang hay các bạn khác, được ngồi đến lớp cuối trong ngôi trường thân yêu của mình, năm 72-73 theo sự sắp xếp của gia đình tôi phải chuyển trường. Thú thật với các bạn, 8 năm trời từ lớp Ba lên đến lớp 9, từng ấy thời gian dài đằng đẵng biết bao nhiêu kỷ niệm, cùng với bạn bè chung lớp ngày nào, nay tôi đành phải xa tất cả để đến một ngôi trường khác, với bạn bè mới mà lòng tôi sao buồn bã cùng với tâm trạng như đã đánh mất một cái gì quý giá vô cùng.
Ngôi trường mới cùng với bạn mới, không làm sao cho tôi quên được những tháng ngày, những kỷ niệm một thời mà tôi đã có với Taberd, chắc có lẽ anh em nào đã rời trường, sẽ có cái cảm nhận giống như tôi đã cảm nhận: Buồn và rất nhớ Trường xưa bạn cũ. Sau giải phóng, nhớ trường tôi cũng hay vào thăm trường, lúc trường còn là Trường Trung Học Sư Phạm, cũng đi khắp nơi để tìm lại những kỷ niệm ngày nào, những ngõ ngách mà ngày đó tôi hay chơi trốn tìm, nơi tôi chạy chơi và té ngã vì đụng phải Frere Caxlite, những dãy hành lang và lớp học rất quen thuộc ngày nào ... nhiều kỷ niệm lắm các bạn ơi, nhưng đồng thời tôi cũng cảm nhận được một điều khác ngay trước mắt, đó là sự xuống cấp trầm trọng của ngôi trường, mặc dù hình dáng bên ngoài cũng không thay đổi nhiều, bước vào cổng điều đầu tiên tôi nhận ra là cây cổ thụ nằm bên trái không còn nữa, chỉ còn lại một cây đứng cô đơn trong khuôn viên, và không còn những bức tượng Thánh Gioan Lasan ở hai bên, ở gian chính giữa là một cái bảng tên Trường xa lạ vô cùng, ngay cả giữa sân trường gần cái cột cờ mà ngày xưa vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, hay vào các ngày lễ lớn chúng mình đứng chào cờ và hát lên bài Lasan Hành Khúc quen thuộc, thì nay có thêm một bức tượng đứng chình ình đằng trước, Taberd tựa như xác còn đây mà hồn đã xa vắng đi đâu mất rồi, và từ đó về sau này tôi cũng không muốn ghé lại thăm trường thêm một lần nào nữa, tôi sợ những hình ảnh hiện tại của ngôi trường, sẽ giết chết những kỷ niệm, những ngày tháng ngồi miệt mài học tập dưới mái trường thân yêu ngày nào.
Do đó tôi luôn rất yêu và trân trọng những hình ảnh về Trường Cũ Bạn Xưa ngày ấy, ngày xưa chúng mình trong sáng và ngây ngô quá, học với nhau thì chỉ biết chơi với nhau thôi, còn bạn mình nó là con ông này hay ông nọ thì đâu cần quan tâm đến, như sau này khi cầm tấm giấy Động Viên Tại Chỗ mà một năm được chia làm hai lần, tôi mới biết Bùi Đình Can học với mình năm lớp 9-6 là con của Tướng Bùi Đình Đạm Giám Đốc Nha Động Viên, hay Nguyễn Vĩnh Bình là con của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, những hình ảnh và tình bạn trong sáng, vô tư đó mà bây giờ tôi có ý tìm nơi những người bạn khác ở trong đời hay trong công việc, không tài nào tôi kiếm được như vậy.
Bây giờ cứ mỗi lần nhìn lại những tấm hình về Trường Cũ Bạn Xưa, là ký ức ngày xưa lại tràn về cứ ngỡ như mới hôm nào, và tôi lại lẩm bẩm ngày ấy đâu rồi? cho tôi tìm lại.
Tình bạn
Hôm ấy là ngày thứ sáu, sau khi làm việc xong vào buổi sáng, tôi ra phi trường để đi thăm lại những người bạn cũ ở tận Canada.
Phi cơ đáp xuống phi trường Montréal, tôi vội bước ra ngoài, với ánh mắt trông tìm một người bạn tôi đã xa gần bốn thập niên.
Hắn kia rồi ! Hắn đã đổi thay rất nhiều ! Nhưng nụ cười của hắn cũng tựa năm xưa, hắn không ai khác hơn là Nguyễn Văn Em, một tên trưởng lớp của thời nào, một tên học trò hạng siêu của thuở xưa. Hắn đã ra đón tôi ở tận phi trường, rồi đưa tôi về nhà hắn ở cách đó cũng không xa.
Trên xe chúng tôi đã trò chuyện về quá khứ lẫn hiện tại, tâm hồn tôi tựa như một kẻ đã lên mây, đây là mộng hay là sự thật ! Đến nhà, tôi đã được sự chào đón thật là tử tế của gia đình hắn.
Sau đó chúng tôi ba người (hắn, vợ hắn và tôi), đi tới một tiệm ăn, tại đây có những khuôn mặt tôi đã từng gặp ở sân trường và lớp học dưới mái trường Taberd.
Tăng Kiên, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Hữu Tường, Trần Sư Tứ, Vũ Như Minh, Nguyễn Quốc Bảo, Vương Minh Dũng, Lê Như Trầm, Lý Hữu Nghĩa. Ngoài ra còn có ông bạn Dương Quang Khải đến từ nước Mỹ xa xôi kia và các phu nhân đang đợi ba người chúng tôi.
Cười cười nói nói kể lại cho nhau những mẫu chuyện của một thời nào ở tuổi học trò thật là thú vị. Trong suốt buổi cơm chiều mặt dù mệt nhọc bởi ngàn dặm xa đến đây nhưng tôi lại thấy sung sướng tận tấm lòng khi được nhìn lại những khuôn mặt của ngày hôm qua nên tôi đã quên đi sự mệt nhọc. Những nụ cười đã nở ra để dón nhận Dương Quang Khải và tôi đến thăm từ phương xa !
Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó đã tới giờ tôi phải trở lại cái xứ Fromage và trở lại với cuộc sống thường ngày nhưng nay đã có thêm hình ảnh của những người bạn ở Bắc Mỹ xa xôi kia.
Xin hẹn lại lần sau.
Những năm tháng không bao giờ quên
(Viết cho những bạn còn ở lại quê hương với tôi)
Ngày, Tháng 4 vẫn là những tháng ngày bình thường của một năm, có những ngày tháng 4 vui buồn, cũng có những kỹ niệm đáng nhớ và cũng có những kỹ niệm đáng buồn của một đời người, nhưng có một ngày tháng 4 định mệnh, vì nó thay đổi số phận của cả bao nhiêu triệu con người, biết bao nhiêu chuyện từ nước mắt và máu, cùng những mất mát của người thân trong cuộc chiến vừa chấm dứt, hay những người bạn phải bỏ xác nơi biển Đông, đó là ngày 30-4-1975.
Tôi viết về ngày này để nhớ đến ngôi trường mang tên Lasan Taberd đã mất kể từ ngày 30-4 ấy, cho dù đến năm 76 mới chính thức đóng cửa, tuy các frère và một số học sinh vẫn còn đấy, nhưng các hoạt động và giảng dạy thì bị chi phối theo đường lối mới, ngay cả khi trao nhẫn thâm niên tốt nghiệp lớp 12 cho học sinh, cũng phải làm chui thì Taberd đúng là đã mất kể từ 30-4 ấy thật rồi.
Tôi cũng muốn viết về những người bạn còn ở lại đất nước như tôi, những tháng ngày hồn nhiên và tương lai tươi đẹp bỗng chợt tắt kể từ ngày ấy, và cuộc sống bôn ba với cuộc chiến tranh mới, với những ngày phải đi lao động trên các công trình thủy lợi, những toan tính trong cuộc sống đầy thiếu thốn và đói nghèo khi ấy, cánh cửa vào Đại Học coi như không có chỗ cho chúng tôi, vì cuộc sống mới chỉ dành cho những người phấn đấu và cống hiến cho cách mạng, vì vậy chúng tôi phải bươn chải và làm đủ nghề để sống, còn giờ đâu nữa để nhớ về trường xưa bạn cũ, đành phải tạm quên để phải thích nghi với cuộc sống mới, ngay lúc đó trong thâm tâm tôi nghĩ thì các bạn của mình đa số chắc đi nước ngoài hết rồi, bởi vì đa số học sinh Taberd đều là những người thuộc gia đình khá giả và quyền thế, nhưng đôi khi số mệnh cũng trớ trêu và vẫn còn một số ở lại như tôi, dù đã mấy lần tìm cách vượt biển nhưng không thành.
Cũng may chung quanh tôi vẫn còn có gia đình, bạn bè và những người cùng chung số phận với vận mệnh của đất nước, tất cả là động lực để tôi không phải rơi vào nỗi chán chường và tuyệt vọng, để còn được sống đến ngày hôm nay và gặp lại những bạn bè, mà một thời chúng tôi ngồi chung một lớp và học tập dưới mái trường thân yêu ngày xưa.
Tôi cũng mong các bạn cũ có may mắn hiện đang sinh sống ở nước ngoài, nhất là các bạn ra đi trước năm 75, các bạn không biết nhiều về những tháng ngày buồn ấy, tôi không so sánh và ganh tị với các bạn, tôi chỉ mong các bạn chia xẻ và đồng cảm với những anh em còn ở lại như chúng tôi, để chúng mình còn nhớ về tình bạn hữu, cùng với hình ảnh đẹp về ngôi trường thân yêu khi xưa, một thời đầy kỉ niệm của chúng mình.
Cho dù có đôi khi lòng tôi cũng giống như Lê Hữu Mạnh bạn tôi, ghé đến trường chỉ để đứng ngoài nhìn vào rồi đi, bởi vì tôi sợ những hình ảnh hiện tại của ngôi trường, sẽ giết đi những hình ảnh tươi đẹp mà một thời chúng tôi ngồi dưới mái trường thân yêu ngày xưa, Lasan Taberd.
35 năm đã trôi qua, một chặng đường dài cho một đời người, cùng với một tháng 4 định mệnh của thế hệ chúng mình, mà mỗi khi đến ngày này tôi lại nhớ về trường cũ bạn xưa của tôi, nhớ về những tháng ngày thật đẹp của tuổi học trò ngày ấy, và cái tháng 4 năm xưa lại về cũng ngỡ như những tháng 4 hàng năm, một lần nữa định mệnh được lặp lại, sau bao năm dài tưởng như không còn gặp lại nhau nữa, giống y như trong giấc mơ của một câu chuyện cổ tích, lần lượt từng bạn xưa một thời xuất hiện, dù vẫn chưa đông đủ nhưng chỉ cần nghe một cái tên, một vài hàng thăm hỏi là tất cả cảm xúc ngày xưa lại ùa về.
Cánh cổng trường sau bao năm nằm yên ngủ nay đã mở, và tiếng rộn ràng quen thuộc khi xưa lại vang lên trong sân trường, và cái tháng 4 đáng nhớ lại về.
Kỷ niệm
Tôi học Taberd từ thuở bé, tôi còn nhớ là lớp Onzieme. Học giỏi thì được "bon point". Những năm sau đó, tôi có học nội trú vài năm, buổi trưa ngủ ghế bố, lúc đi ngang phòng ăn các Frère, tôi còn nhớ mùi đồ ăn thơm phức và phòng ăn rất ngăn nắp sạch sẽ. Tôi còn nhớ có "Pa Tí Xệ" bán đồ ăn trong trường. Về sau học lớp 6, có Marcien Thiện trước khi vô lớp, toàn khối bị bắt đứng nghe "tape" thâu sẵn thật lâu mới cho vô lớp. Thời gian qua mau, thấm thoát tôi đã "sống" trong trường Taberd 12 năm cho đến khi 1975. Tôi thích nhất là lúc giao lưu với trường Thiên Phước, mấy cô áo dài hồng. Những Noel Taberd cũng ăn sâu trong tâm hồn tôi; Đêm Thánh Vô Cùng, trái tim ngây thơ đã ghi khắc một tuổi trẻ đầy lý tưởng sống từ các Frère kính mến. Lúc mới sang Hoa Kỳ, tôi thương nhớ vô cùng mái trường xưa, hầu như đêm nào cũng nằm mơ thấy mình rong chơi sân trường, lúc tỉnh dậy không biết là mộng hay thực.
Tôi đã về lại Taberd một lần, nhìn sân trường xưa, đi lại từng lớp tôi đã học, nhớ lại bạn bè, Thầy Cô, các Frère, ... cảnh cũ vẫn còn nhưng người xưa nay ở đâu. Cũng tiếng chim se sẽ kêu giữa trưa hè, cũng cây phượng đỏ. Tôi chợt nhớ lúc xưa cũng tại nơi này, Thầy Công (?) (dạy Quốc văn) (BT: thầy Châu Thành Công) đã dạy tôi lần đầu tiên bài: Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
...
Phải, cuộc hí trường, đã bao nhiêu tinh sương. Tôi nhớ tất cả các bạn Taberd yêu quí của tôi, tôi nhớ các Frère, nhớ Thầy Cô, nhớ sân trường, một thời thơ ấu tuyệt đẹp.
BT: Thầy Châu Thành Công đã qua đời năm 2005 tại Long An.