Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Taberd - 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn Lại ( 5 )
  Next
# 7122
  18 tháng 09, 2014 17:49  Vũ Văn Chính viết

             Các cậu thân, 

                       Một hôm tớ có đọc trong một bài viết của cậu VVC, cậu có tự thú giọng Bắc phai Nam ở Taberd. Đây có lẽ là hiện tượng chung của phần lớn các nhóc Bắc kỳ vào học Taberd--lớn lên đều nói lơ lớ tiếng Nam hết. Nói đến phần lớn là vì có một trường hợp ngoại lệ phi thường mà tớ sẽ đề cập ở cuối thư. Tớ ít khi dám vỗ ngực xưng hay về điều gì, nhưng dám cuộc với mấy cậu rằng, cả trường Taberd không có cậu Bắc nào nói tiếng Nam đậm đà và mặn mà bằng tớ đâu đấy nhé. Nguyên thủy là thế này. 

                       Mấy ngày đầu tớ lóc cóc cắp sách đến trường, giờ ra chơi tớ đến bắt quen với mấy thằng củ địt, tớ nào có biết Bắc Trung Nam khác biệt gì đâu, ở nhà bố mẹ dạy nói ra sao thì mình cứ thế mà phát âm, thế là chúng nó cười rộ lên xong hát với nhau: 

                      “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc kỳ” 

                      Tớ ức quá, xổ tiếng Đức ngay “Ụ ẹ chúng mày,” thì lại thêm một tràng cười nữa “thằng Bắc kỳ này chửi nghe giui goá.” 

                      Cứ thế vài lần là giọng tớ dần dần lơ lớ Nam đi. Ngày nay sở dĩ giọng Nam của tớ có chất đậm đà là do 2 năm cuối ở Taberd, tớ chơi thân với tên Phước Hà, học chung lớp 10 và 11 với hắn. Tên này học giỏi từ nhỏ và mặt mũi hắn lúc nào cũng có nét cười hiền hòa, được nhiều tín nhiệm với các freres các thầy, nhưng ít ai biết hắn là ... vô địch nói chuyện trong lớp. Tớ ngồi cạnh hắn 2 năm trời, từ đầu giờ đến cuối giờ, hắn mắt nhìn lên bảng, tai nghe giảng bài, tay chép bài mà mồm thì cứ rì rà tai tớ “Giệt, mài biết hông, chiện nó là giày, ...”; hắn mài lỗ tai tớ như thế 2 năm ròng rã mà giọng Nam tớ không đậm đà thì cũng phí. 

                      Một lợi điểm bất ngờ đầy thú vị là khi sang Mỹ, đi lơn em, mấy em nói “anh gốc Bắc mà nói giọng Nam nghe chân thật, không đểu giả,” thế là xong ngay. Cám ơn mài nhe Hà! 

                Lê Xuân Việt

                                                 ***************
                       Tôi cho mình là một trong những kẻ có số may mắn trên con đường học vấn, khởi sự từ ngày đầu tiên tôi cắp sách đến trường. Tôi còn nhớ hôm đó mẹ tôi đưa tôi đến Taberd, và tôi đã khóc bù lu bù loa, ghì chặt lấy bà, không chịu vào lớp. (Sau đó khi dần quen với trường với bạn, thì tôi lại không bằng lòng mẹ tôi đưa đón nữa vì lũ bạn ghẹo cười.) Kể từ hôm đó cho đến ngày tôi ra khỏi nước năm ’75, trường Taberd dã trở thành kho tàng quê hương Việt Nam của tôi. 

                         Trong suốt 11 năm đi học ở Taberd, thời gian tôi chăm chỉ học thì rất ít mà tháng ngày rong chơi la cà với bạn bè thì nhiều (mà hầu như luôn không đủ). Không biết bao nhiêu là lần tôi mang bulletin về nhà, điểm bết bát, bị mẹ tôi mắng “mày cứ ham chơi với mấy cái thằng Taberd,” rồi dọa tôi mai mốt rớt tú tài cho đi lính mãn đời. Tôi rời Saigon tháng 4 năm ’75, cho đến năm ’85 mới đoàn tụ gia đình khi mẹ tôi sang Mỹ; mẹ tôi nhắc lại những khi đi ngang qua Taberd thấy nhớ con, nhớ những sinh hoạt và tụ tập bạn bè của tôi ngày xưa là nước mắt lại chảy dòng. 

                          Một sinh hoạt thời Taberd mà tôi có rất nhiều kỷ niệm là môn bóng rổ. Tôi tiếc là mình không có được trí nhớ polaroid như me xừ Nghiêm quốc Việt để kể lại nhiều những chuyện thời đó; nhớ được gì tôi ghi xuống, anh em nào có thêm chi tiết xin đóng góp. 

                          Tôi nhớ Taberd có tiếng về môn bóng rổ. Dạo đó trường có 3 đội: A, B, và C. Hình như đội A gồm phần nhiều là các đàn anh đã ra trường và một ít các anh xuất sắc trong lớp 12; đội B thì có cầu thủ của các lớp Trung học, và đội C thì thuộc thành phần thiếu nhi tiểu học. 

                         Một cầu thủ “superstar” của đội A là anh Nguyễn công Minh (về sau trở thành thầy Minh của Taberd, dạy môn Việt văn thì phải). Anh Minh dạo đó là sinh viên đại học Saigon và cũng là huấn luyện viên (coach) cho đội B. Tôi nhớ những tháng ngày tôi ở trong đội C, tôi có ông anh họ trong đội B (Phạm chí Thành), nên hầu như chiều nào tôi cũng chơi banh ở trường cho đến tối mịt, hoặc đi theo đội A/B xem đấu. Tôi nhớ rất ít trường có đội banh C như Taberd mình (chỉ lòng vòng Lasan Đức Minh) nên chúng tôi rất ít có dịp đấu banh. Tôi nhớ xem đội A chơi banh là gần đến tột đỉnh của kỹ thuật bóng rổ trong nước mình. Đối với tụi tôi anh Minh là một thần tượng của Taberd, vì anh chơi banh rất giỏi, offense cũng như defense, và anh bao hết các positions (guard, forward, center). Anh nổi danh về bóng rổ trong giới sinh viên cũng như dân pros ở Saigon; ngoài sinh hoạt ở Taberd, anh là cầu thủ cột trụ của đội sinh viên Saigon. Những khi đi xem anh đấu cho Taberd A hay cho đội sinh viên (chọi những đội như cục Chiến Tranh Chính Trị, đội Hải Quân có những tay nhà nghề nổi danh như là Chí Chảy bắn từ giữa sân như cơm sườn), thấy anh nhấp họ bay như châu chấu, tụi tôi có một niềm hãnh diện về dân Taberd mình. Ngoài ra tụi tôi rất thích la cà với anh Minh vì anh là sáu bảnh, ăn diện láng cón và hay chỉ bảo và truyền kinh nghiệm cho chúng tôi trong đề tài “ghệ”. 

                             Tôi tiếc không nhớ nhiều về đội C của tôi. Những lần có dịp đấu banh, tôi nhớ cảm giác sung sướng và hãnh diện được mặc đồng phục của Taberd (tôi nhớ dường như màu xanh bleu đậm chữ vàng, giống như của UCLA Bruins; còn đội A thì màu trắng), nhớ lúc ra chạy banh warm up, rồi tôi được cử ra nhảy banh vì tôi là thằng có chiều cao trong đội. Trong đám bạn trong đội banh thì tôi chỉ còn nhớ có thằng Nguyễn phước Hà, thằng lì lợm này dằn banh chắc nịch và hay len lỏi vào các khe góc của đối phương rồi pass banh nhuyễn nhừ, và đương nhiên có thằng phì lủ Sơn luôn đứng choáng sân--có lẽ mình phải tuyên dương nó là bậc tiền bối của Charles Barkley, vì không ai dám vào sân trong để dành rebound với ổng. 

                             Tôi nhớ mang máng là hình như tôi có vào trong đội B một thời gian ngắn về sau, nhưng hoạt động ra sao thì trí nhớ tôi bây giờ mù tịt. 

              Lê Xuân Việt.

                                            *****************
                     * Lý Minh Sơn :

                   Tao còn nhớ một chuyện nhỏ nữa là hôm đó trong lúc dành banh , thằng HÀ ( Nguyễn Phước Hải (Hà) ) nó biếu cho MARTIAL Cổ Lùn một cái chỏ vào vai nó phải xin lỗi rối rít, ít phút sau  tới phiên tao đạp đứt đôi dép của Frère luôn ,vào cuộc rồi quên hết nên chả biết là ai cả. 

                    Frère MARTIAL một buổi sáng đẹp trời cả lớp đang nghe thầy HOÀNG TÙY đang dạy Cổ Văn, từ ngoài Cổ Lùn bước vào xin phép thầy cho ít phút với lời nói ngọt ngào và thật nhẹ nhàng hôm nay , Frère muốn sinh hoạt với các em có em nào xung phong lên bảng không, cả lớp im thin thít ... không ai à ... thôi Frère chỉ định nhé ...em này (Frère chỉ ngay NGUYỄN CHÍ HIẾU) lên bảng, thằng HIẾU mặt mày xanh lè tay chân quíu hết lấy cục phấn rớt lên rớt xuống ... yên vị xong Frère nói nhỏ nhẹ em chia verbe aller temps present, thằng HIẾU thuộc dạng cù lần tiếng Pháp hoặc sợ quá quên hết, mồ hôi mẹ mồ hôi con đỗ ra tùm lum, thấy lâu Frère gỏ cây roi lên bảng cái rầm nó sợ quá liền viết luôn JE ALLER. "Học sinh TABERD mà dám chia thế này hả ?" Từ phía sau Frère làm cho nó một roi quắn đít , cả lớp cười rần lên còn Frère từ tốn xin phép trả lớp lại cho Thầy. 

                 Lý Minh Sơn

                                                 *************                                           
                     Tôi và Việt ( Nghiêm Quốc Việt ) học chung năm lớp 11,mỗi buổi chiều 4g30 là vào trường chơi banh, thời gian này tôi thường xuyên cặp kè với Sơn mập , thằng mập này thì thoải mái lắm, sáng đi học, trưa về chơi mạc chược, chiều đi đánh banh vậy mà vẫn học giỏi như thường thế mới ghê chứ. 

                     Vào một buổi chiều như bao buổi chiều khác , vào trường và thay đồ tại cột bóng rổ khi Việt tuột quần dài ra thằng Hà la lên : Tụi bây coi cái sì líp của thằng Việt kìa , mọi người đổ dồn ánh mắt về Việt và cười rộ lên vì cái sì líp chỉ còn nguyên sợi dây thun lưng còn phần dưới thì rách tơi tả, hôm đó có các chứng nhân: Tư Râu, Sơn Mập, Hứa Huê Lê, Phước Hà, Kiếm Tây Lai, Tòng, Tony Hồng, Trần Cảnh Sinh, Quốc Huy, Quốc Tuấn, ... kỷ niệm thời học trò thật vui. 

                  Lý Minh Sơn

                                                   **************
                       *Trần Quốc Thắng :

                      Cũng có lẽ đã lâu tôi ít khi có dịp "thức khuya" như đêm qua, sau khi nhìn những Clips của Lasan Hội Ngộ 2012 từ Lâm văn Đức, be Longhorn, Texas; bao nỗi niềm thân thương dồn dập trong lòng mà điễn hình nhất là Frère Đại, Frère vẫn vậy, vẫn giọng nói nhẹ nhàng của người miền bắc nhưng chứa đựng nhiều quyết tâm và lại một lần nữa, cũng giống như tôi đã được nghe lời dạy dỗ cuối cùng của Frère trên bục giãng của ngày 23 tháng 4 năm 1975.

                     Giọng của Frère đầy nhiệt huyết cho Lasan.....chúng ta sẻ xây dựng lối giáo dục mà Lasan đã có từ trước năm 1975, chúng ta sẻ nhận dạy nghề để các em thanh niên Việt Nam sẻ tìm được việc làm sau một năm huấn nghệ ở đây và tiếp tục con đường phụng sự tha nhân như truyền thống của Lasan (tôi không nhớ rỏ từng chữ một mà chỉ viết theo nội dung mà tôi nghe được). Đúng như lời Frère nói mà chính bãn thân của tôi cũng đã nghĩ đến từ bao năm tháng nay cho con đường giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, là thực tiễn, là nhân bãn mà chúng ta nên nghĩ tới cho con đường Việt Nam trước mắt. Riêng bãn thân tôi và Frère Đại, tôi có một chuyện rất khó quên....số là sau khi mẹ tôi gữi tôi vào nam của thập niên 60, cha tôi mất liên lạc với tôi nên ông cứ đi tìm mãi cho đến một ngày ông vào nam và ở lại chơi với một người bạn cũng là một thầy giáo dạy ở Taberd, và vì vô tình hay một sự linh thiêng nào đó đã đưa đẫy ông nhìn vào "sổ phiếu điễm" của đám học sinh Taberd mà chữ "Thắng" do ông đặt tên có một cái gì thôi thúc cho ông mặc dầu ông đặt tên tôi là Tôn Thất Thắng mà bây giờ là....Trần quốc Thắng (mang họ mẹ), để hỏi han người bạn dạy ở Taberd thêm...một chút xíu nữa. Vị thầy này, bằng cách nào đó (có thể đã xin phép Frère Đại) để được nhìn vào phiếu lý lịch của tôi; và dĩ nhiên, thầy đã cho ba tôi biết tên của mẹ tôi, thế là chuyện gì đến, phải đến.