Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Không phân loại
Chủ đề: 
TABERD VÀ ÂM NHẠC ( 2 )
  PreviousNext
# 2543
  14 tháng 12, 2010 15:57  Vũ Văn Chính viết
Locked Chủ đề đã đóng

TABERD VÀ ÂM NHẠC ( 2 )

Sau những lần phải thu gom những sách báo đồi trụy,không được tàng trữ những văn hóa nô dịch của nước ngoài.Tôi cũng đã phải tiếc nuối mà đốt đi những cuốn tạp chí về âm nhạc mà tôi đã cất công sưu tầm,phải đốt và đem nộp những cuốn kỉ yếu Taberd ,mà một thời là kỉ niệm của tôi nó nằm trong ấy.Nhưng sống chết gì tôi cũng phải giữ lại cái gia tài gồm 150 cuốn băng Akai của mình,vì tất cả những gì hay nhất mà tôi thích là ở đây.

Như có lần Nghiêm Quốc Việt kể cho tôi nghe câu chuyện về thằng Lê Phi Hùng bạn tôi,cái ngày cuối 30-4 nó đi trên một chiếc tàu rời khỏi Việt Nam.Thấy nó lên tầu với một cái vali to và nặng ,Quốc Việt hỏi nó mày mang gì mà nặng vậy,nó nói trong đó toàn là băng nhạc.Tôi và thằng Phi Hùng cùng có một đam mê giống nhau,đến xứ người và cuộc sống xa lạ còn chưa nghĩ tới,thế mà nó ôm cái kỉ niệm cái đam mê của nó đi theo bên mình.

Còn tôi ở lại quê hương với đầy nỗi lo sợ của những ngày đầu,tôi cũng can đảm ôm bên mình cái mà một thời tôi nâng niu nó. Mà lúc ấy tôi nghĩ sẽ không bao giờ mình sẽ còn được nghe nó nữa.Hai thằng hai phương trời cách biệt ,nhưng lại có tâm hồn yêu âm nhạc giống nhau.

Các quán nhạc sau 30-4 đều không được phát những bản nhạc việt hay ngoại quốc ngày trước,chỉ được phép phát nhạc Cách mạng hay nhạc hòa tấu không lời của các nước.Những năm đầu sau 30-4 tai tôi đã quen với điệu March,điệu Fox,Fox Trot thay vì những âm thanh êm dịu của điệu Slow,Valse,Boston,sôi nổi của Cha ChaCha ,Soul,Be Bop..Và do đó những cuốn băng của tôi chỉ được nghe lén trong nhà thôi.Vì vậy tôi lại càng phải giữ những cuốn băng này cho riêng mình,vì có thể không còn được thấy lại nữa.Và rồi những băng nhạc hòa tấu của Paul Mauriat,Frank Pourcel ngày nào bây giờ được lên ngôi,những bản Mamy Blue,Je T’aime moi non plus,love Story,Romeo &Juliette..cũng đỡ buồn.Chỉ cách nhau có ít thời gian thôi,nhưng sao tôi lại có những cảm nhận khác nhau về âm nhạc xa vời quá,ngày những nốt nhạc của Love Story,Romeo&Juliet mới ra mắt, được tôi đón nhận với niềm vui sướng xen lẫn bùi ngùi thương cảm cho câu chuyện tình buồn.Nay tôi nghe lại thì thấy cả một trời thương nhớ,của những ngày tháng đã mất đã xa dần trong tầm tay.

Về sau,tôi vừa đi làm vừa đi học tại chức ,tôi đã có gia đình.Cuộc sống của những năm 80 đầy khó khăn,thế mà tôi phải đứt ruột đem những cuốn băng nhạc ,đi bán ở các tiệm cà phê để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống.Nếu đem bán ở chợ trời thì rẻ lắm,và lúc này không hiểu sao ngoài chợ trời họ bán đầy những cuốn băng nhạc như vậy,tôi vẫn tưởng tất cả đều bị tiêu hủy.Chắc là họ cũng như tôi,lo dấu diếm cho riêng mình,nay túng thiếu nên đành phải đem bán,vả lại các cuốn băng này để lâu sẽ bị mốc và hư hỏng.

Cứ vài ngày ,tôi xách vài cuốn đi chào hàng ở các quán cà phê,mà tôi không hiểu vì sao họ mua,vì họ đâu mở cho khách nghe được,nhưng họ cũng vẫn thích mua.Và 150 cuốn băng của tôi rồi cũng được bán hết,cuộc sống khốn khó thì đành chịu thôi.Cũng chính cái kỉ niệm này của tôi ,nó giúp tôi phần nào những thiếu hụt mà cuộc sống ngày ấy rất khó khăn.

Bẵng đi một thời gian,dân Sài Gòn họ thật tài tình. Họ in những bản nhạc cũ và kể cả những bản nhạc mới ra thành những tờ giấy in bằng mực Ronéo lem luốc,bày bán công khai trên lề đường Lê Lợi.Cái đám trẻ tuổi ngày ấy như tôi bu vào chọn lựa và mua đông lắm.Mua về để mà chép vào cuốn sổ ,để sưu tầm,và cũng để ca hát trong nhà một mình.Rồi dần dần xuất hiện những cuốn băng Cassette,gồm có 10 bài nhạc xưa cũ,nhạc ngoại quốc đủ loại,tất cả nghe nói được mấy người đi buôn lậu mang về từ Thái Lan,Trung Quốc.

Và cũng bắt đầu thị trường máy Cassette và băng nhạc được bày bán.Vì không còn lời bài hát để những lúc buồn khi đi công tác xa,hát nghêu ngao đỡ buồn.Tôi bèn bật đi bật lại những bài hát xưa,và cố gắng lắng nghe cho rõ lời rồi chép trong một cuốn sổ,có khi nghe không rõ nên cũng có những ca từ không đúng,nhưng kệ nó,có còn hơn không .Tôi chép nhiều lắm đến nỗi vừa nghe nhạc bằng tai, và vừa chép ra bằng tay thật chính xác.

Thường thì những cái gì đã mất thì thật là quý và nhớ mãi.Cứ ngỡ như mình sẽ không được nghe lại những tình khúc xưa của một thời,dù cho nó không phổ biến ra ngoài,thế mà mọi chuyện lại lục tục quay trở về.Có những bản nhạc mà khi nghe tôi thấy nhớ đến một cái gì đó khi nghe bài này,và cái hồn thưởng thức nó cũng khác đi,những lúc xưa khi được tự do nghe nhạc thì có những bản nhạc hay,nhưng cũng có khi tôi lại nghe rất là hời hợt,không cảm nhận được cái bài hát đó nó nói gì.

Nhưng với khoảng khắc bây giờ thì hình như tất cả những bài nhạc ấy đối với tôi đều có hồn,nó nói lên đúng những tâm trạng mà tôi đang trải qua.Nó làm cho tôi sống lại những ngày tháng,những kỉ niệm xưa thật đẹp hôm nào.Có một thời dân yêu nhạc Sài Gòn bỗng được nghe thấy một bài nhạc đã cũ ,vào quán cà phê nào cũng đều nghe cái điệu Be Bop rộn rã và cái Intro mở đầu quá quen thuộc.Đó là bài “ PaPa” do Paul Anka hát,phải một thời gian dài sau mới bị che lấp bởi Abba,Smokies,C.C.Catch..

Với hiện tại thì cái câu:”ta hỏng tú tài,ta hụt tình yêu,đau lòng ta muốn khóc..”,”Quỵ té trên đường đời,sợi tóc vương chân người”chưa bao giờ hay hơn thế.Cuộc sống càng khó khăn khốn khổ,tôi lại càng nhớ đến những lời nhạc như tâm sự như tỏ bày lòng mình.Tôi nghe lại cái bài “ Les Paradis Perdu”,”Nue!Comme la Mer”của Christophe,hay “Reflection Of My Life” của Mar Marlade mà thấy buồn tê tái .

Ở Việt Nam được nghe những âm thanh sôi nổi sớm nhất là ban Boney M,vì được giới thiệu đây là ban nhạc của Đức và ban này trình diễn toàn những bài hát phản chiến,nên được phép cho chiếu băng video Cassette có bán vé tại các câu lạc bộ.Về sau còn có thêm các nhóm ban nhạc mới toanh như :Abba (ban này vào năm 74,tại giải Eurovision 74 đã đoạt giải bài Waterloo,nhưng dân sành nhạc ở Việt Nam chưa kịp nghe),Smokie,Baccara,C.C.Cacth,Eagles..cùng với giai điệu mới sôi nổi và dồn dập nghe rất vui tai ,đó là điệu Disco và New Wave.

Nhưng trong những năm đó các ban Boney M và Abba luôn được mở liên tục tại các quán cà phê,mà không biết tự bao giờ đã được cho nghe nhạc ngoại quốc.Kể cả vào những dịp lễ,Tết nhà nào cũng mở Boney M và Abba,và cái bài “ Happy New Year “ của Abba trở thành nhạc nền của đài Truyền Hình Thành Phố,năm nào cũng được phát vào đúng đêm giao thừa,kéo dài cho đến tận bây giờ
.
Ban The Eagles tôi cũng đã nghe từ trước 30-4 với bài “Take It Easy”thật hay.Nhưng từ khi cái bản “Hotel California”ra đời thì đúng là một cơn sốt của đám trẻ,nhất là cái Intro dạo đầu của nó.Tôi còn nhớ thằng em vợ tôi và lũ bạn của nó,tụi nó nghe và bắt chước đàn theo các bản nhạc rất tốt,tụi nó cứ tối tối là tụ lại ,hai cây Guitar được mang ra,một cây đệm còn một cây Solo.Tụi nó chơi cái đoạn Intro của bản Hotel California giống y chang luôn,tới cái độ tôi hứng chí cũng nhảy vào tập dượt,hay cái bài” Super Trouble”của Abba có cái Intro cũng nghe rất hay.

Phải nói là cái giòng nhạc của thập niên 80,90 cũng rất hay và phong phú.Dân trẻ Sài Gòn tôi công nhận họ sành điệu và nắm bắt những giai điệu của âm nhạc quốc tế rất mau lẹ.Những dòng nhạc gọi là dành cho giới hiểu biết nghe nhạc hạng sang,cho dù không có những trung tâm sang băng nhạc và cho ra lò từng chủ đề,họ chỉ lựa chọn những bản nhạc hay mới ra lò,mà hình như tôi thấy bản nào cũng hay.

Riêng phần ca nhạc Việt Nam từ hải ngoại cũng phong phú không kém,không những nghe những dòng nhạc sang trọng mà còn chơi sang cả dòng nhạc sến nữa,những bản nhạc mà ngày xưa tôi cũng không thèm nghe,nhưng chắc có lẽ vì tâm tư hiện tại có những cái tâm sự buồn nên khi nghe những bản nhạc ấy,tôi lại thấy nó diễn tả đúng cái tâm trạng của mình cho nên lại thấy nó hay.Nhạc hải ngoại thường được chia ra từng chủ đề,từng ca sĩ và tác phẩm rất đa dạng nên cũng đáp ứng được cái tâm hồn yêu âm nhạc.

Từng giọng ca mới cũ thật quyến rũ.Như Đức Huy vừa là ca sĩ vừa sáng tác nhạc,trước 30-4 anh đã nổi tiếng với bài”Bay đi cánh chim biển” rồi,hay là bài”Hoang Vu”,”Thoáng Mây Bay”thật là hay,xuất hiện vào năm 75 mà tôi có dịp nghe trong một cuốn băng chủ đề :Tình Ca Nhạc Trẻ.Một Trung Hành mà ngày xưa chơi ở Ban Mây trắng với bài “Đồng Xanh” ,”Lá Xanh Mùa Hè” ở Taberd năm 72.Nhất là giọng ca mượt mà và trữ tình của Ngọc Lan đầu những năm 90.Nhiều lắm kể sao cho hết,cũng may là âm nhạc được sống dậy y như ngày xưa mà không chừng còn phong phú hơn nữa.

Vào năm 95 khi chiếc đĩa CD đầu tiên có mặt ở Việt Nam, và những đầu máy hát đĩa CD được phổ biến và bán rộng rãi,thì dân mê nhạc may mắn được thưởng thức cái âm thanh tuyệt hảo của nó,chiếc đĩa gọn nhẹ và lúc đầu giá cũng còn cao,tất cả đều có xuất xứ lậu từ Trung Quốc đưa sang.Từ nay băng Video Cassette xem phim cũng như băng Cassette nghe nhạc ,từ từ lui dần để nhường chỗ cho cái công nghệ nghe nhạc tân tiến và gọn nhẹ
.
Ngày ấy tôi cũng giống như nhiều người yêu âm nhạc,hễ có tiền là đi kiếm những cái đĩa mà mình thích,cứ thế và tích tụ dần,có khi lên cả mấy trăm đĩa nhạc,giống như khi xưa tôi sưu tầm băng Akai vậy.nhưng chỉ có khác là cái ngày xưa tôi còn trẻ,sôi nổi và hồn nhiên của một thời êm đẹp.Còn bây giờ sau khi trôi nổi qua nhiều bể dâu trong cuộc sống,tôi nghe lại âm nhạc cũng thấy nó có tâm trạng rất khác xưa,nó nghe hay hơn,cũng như cảm nhận sâu sắc hơn những gì mà ca từ của những ưu tư,đau khổ,thương nhớ ,vui sướng ..mà các nhạc sĩ đã gởi lòng vào đấy.

Và trôi theo thời gian,tôi cũng giảm dần những ham mê âm nhạc của ngày nào,tuy vẫn cảm nhận được những bản nhạc hay, và cũng còn bâng khuâng khi bắt gặp những ca từ xa vắng và buồn bã,hay vui tươi rộn ràng,nhưng tất cả cũng giảm dần như cái tuổi trẻ của tôi cứ lụi dần theo năm tháng,để đón chờ cái tuổi già nó cứ sồng sộc đến tự bao giờ,thời gian trôi qua rất nhanh,nhanh không thể ngờ được.Đó cũng là cái quy luật của muôn đời,của một đời người rất ngắn ngủi.

(Trích Hồi Kí Taberd,Còn đó kỉ niệm)

Vũ văn Chính,Sài Gòn tháng 12/2010.