Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Nội dung
Bấm F8 để viết tiếng Việt có dấu  (xem Hướng dẫn)
Đề mụcVăn thơ
Chủ đềTaberd - 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn Lại ( 1 ).
10 tháng 09, 2014 00:30   Vũ Văn Chính viết:
      Taberd - 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn lại gồm có 3 phần :
                1) Kỷ Niệm.
                2) Thăng Trầm.
                3) Hội Ngộ và Bạn Bè.
              
                                       Taberd – 50 Năm Một Chặng Đường Nhìn Lại.

             ( Viết để kỉ niệm 50 năm ngày mới đặt chân vào Trường Taberd 1964-2014 – Riêng tặng các bạn promo Taberd 76 một thời của tôi ).

      I.Kỷ Niệm ….

            50 năm , một quãng đường dài cho một đời người,nhưng cũng quá ngắn đối với một ngôi trường đã trên 100 tuổi như Taberd. Một quãng đường với bao nhiêu nỗi thăng trầm của một ngôi trường nổi tiếng như Taberd, có lúc vươn lên trên đỉnh cao và cũng có lúc lao đao theo dòng thời gian biến đổi của thời cuộc.   

                                                                             
             Tuy đây là ngôi trường Tư Thục tại Sài Gòn khi xưa, nhưng với vài ngàn học sinh mà đôi khi các ông bố và bà mẹ lại phải tranh đua nhau,để giành được một chỗ cho con ngồi học thì quả là không phải dễ dàng gì , mà có khi đâu chỉ có một chỗ không thôi , thường thì có 2 anh em học chung một trường  , có khi 3 anh em cùng chung một trường nữa , vì nơi đây cũng là niềm mơ ước của các bậc cha mẹ khá giả thời bấy giờ. Có những lớp mà sỉ số học sinh “ leo thang” lên đến 60 người , càng lên lớp trên thì các lớp cùng với sỉ số học sinh càng thưa thớt và rơi rụng dần. Chính vì sự khắt khe ấy mà đôi khi bắt buộc học sinh phải cố gắng giữ lấy “ chỗ ngồi” ấy , chỉ cần học hơi yếu hay ba gai phá phách là ra khỏi trường ngay lập tức không có “on – đơ” gì cả,và sẽ có người nhanh chân “bay” vào trám chỗ liền. Bởi vậy mới có câu Taberd “ bay” vô thì khó mà  “ chui” ra thì …dễ ợt.

            Vì cố gắng để được. ..ngồi lâu trong trường nên đa số bạn bè đều biết mặt nhau hết, có thằng thì học với nhau trong lớp một năm,có thằng thì lại học chung đến 2,3 lớp nên nhiều khi nhớ rất rõ về một thằng bạn thân nào đó,từ lối ăn mặc cho tới ..dung nhan và tính tình của nhau. Cũng có thằng tuy không học chung ngày nào ,nhưng vì lớp của nó ở cạnh lớp mình ,hay nó có một cái tướng tá gì lạ mắt như “mập mạp ,mũm mĩm mà mỡ màng” của Nguyễn Thái Sơn ( Sơn Mập), Lý Đức Thắng có lần nó kể : Trong giờ tập thể dục ,mỗi lần đứng xếp hàng thay quần áo , nó quay qua thì thấy “ông” Sơn Mập vì… mập quá ( có lẽ đứng nhất trường luôn ) không có cái quần tà lỏn nhỏ nào mà vừa vặn với thân người “ khiêm tốn” của “ông”,nên “ông” đành mặc cái quần tà lỏn của người lớn to quá cỡ thợ mộc ,hai ống quần phủ xuống gần tới đầu gối nhìn thấy là muốn tức cười rồi, nó còn kể thêm rằng : Thầy Hồng dạy thể dục cứ mỗi lần thấy trò Sơn Mập hung hục lấy đà chạy từ xa tới để nhảy ngựa gỗ là thầy…né qua một bên vì sợ nó ..ủi luôn cả thầy. Còn tôi thì luôn luôn thấy hình ảnh của “ông” trong những giờ ra chơi, “ông” bị lũ bạn trong lớp đua nhau đu lên người,lên đầu lên cổ ,hay thấy cái tướng phục phịch chạy đổ mồ hôi ướt đẫm cái áo trắng , để lộ ra cặp “vú” nó nẩy tưng tưng theo bước chân chạy của “ông” mỗi khi ông chơi trò chạy rượt bắt lũ bạn, mà làm sao “ông” chạy nhanh bằng mấy thằng  bạn của “ông” có cái cẳng cao như cò hay nhỏ người mà chạy lẹ. Hoặc “cao cao ,cẳng cao cỡ con cò”, hay “ người ngợm nhỏ nhắn nên nhanh nhẹn” như thằng bạn Lê Phi Hùng học cùng lớp với tôi , thằng này thì nó chạy lẹ như một con sóc . Hoặc là “ lai lộ liễu ,lai lộng lẫy, lai ..láng..” như thằng Sơn Lai ,hễ cứ nhắm mắt là hình dung ra nó liền. Nhớ vào những ngày đầu khai giảng năm học mới , ngày ấy thường thì quần áo đi học thường được bố mẹ mua sẵn về rồi cứ thế mà mặc. Có những trường hợp ngoại lệ như hình dáng “quá cỡ thợ mộc” của Sơn Mập thì mới phải đi ra tiệm đặt may,về nhà mặc mới vừa vặn. Hay nhỏ con như ông Huỳnh Ngọc Lâm bên lớp Anh Văn, ông chuyên môn mặc cái quần vừa to vừa rộng so với cái vóc dáng “khiêm nhường” của ông,đến mức nó lên gần tới ngực ông , may là có cái centure chận ngang ,không thôi là khỏi mặc quần,thế mà cho tới tận bây giờ khi về già ông cũng mặc như vậy , vẫn không thay đổi một chút nào , ngoài cái mặt và vóc dáng “phì ra” so với khi xưa.

                  Nhớ tới thằng bạn Nguyễn Thái Phương năm lớp 6 khi xưa. Đầu năm nó mới ngồi cạnh bên tôi trong lớp , thế mà hai tháng sau nó tự dưng biến mất không một lời từ giã. Tưởng nó ra khỏi trường, ai dè nó nhanh chân “bay” qua học bên lớp Anh Văn cho đúng mô-đen thời ấy. Tình cờ ra chơi tôi mới thấy nó. Hay thằng Bùi Đình Can học chung lớp 8, sang năm đã thấy “ông” chễm chệ ngồi trên mình một lớp,té ra “ông” học nhảy lớp lên lớp 10, thế là “ông” là đàn anh của mình. Thiệt là tức gì đâu. Nhớ năm lớp 8, cái thằng mặt đầy tàn nhang Nguyễn Kiển Hoàng Hùng ngồi ngay bên cạnh,mà tôi hay trêu khi đọc tên nó là : Lính Kiểng Hào Hùng.Một bữa cu cậu lỡ cúp cua đi chơi, về nhà cu cậu ngồi “suy nghĩ” tìm cách để mai được vào lớp mà không có ông bố hay bà mẹ đi cùng , cuối cùng cu cậu tìm ra một cách “thông minh” bèn viết một lá đơn xin nghỉ học , viết xong nó bèn thò bút kí một cái rẹt ở dưới cái tên phụ huynh. Qua hôm sau ,cu cậu thản nhiên cầm tờ đơn đi vào phòng Giám Học để lấy giấy phép vào lớp. Nhìn cái nét chữ trẻ con và xấu như cua bò ,cùng với chữ kí lằng nhằng là frère Martial Trí biết tỏng ngay đây là lá đơn giả mạo chữ kí của phụ huynh liền. Ngay lập tức frère làm bộ hỏi vặn vẹo mấy câu là cu cậu Hào Hùng nhanh chóng thú tội ngay cấp kì. Hậu quả của chuyện này là nó bị “ nằm xuống và ăn 5 cây roi mây”. Vửa bị đòn mà cũng vừa bị Martial Trí gởi giấy “mét” bố nó. Nó vẫn chưa tởn nên thỉnh thoảng cũng tiếp tục cúp cua đi chơi , nhưng lần này nó “khôn” hơn không dám viết đơn xin nghỉ nữa , mà nó nhờ ông anh của một thằng bạn hàng xóm đóng vai phụ huynh đích thân tới trường xin phép đàng hoàng. Phải nói là frère Martial Trí có cặp mắt rất tinh tường,đáng lẽ ra frère phải đi làm cảnh sát mới đúng.Thấy “thằng” anh mà mặt mày non choẹt , đã vậy lại còn để ria mép lún phún mờ mờ thấy phát ghét. Frère mới khều “thằng” anh lại rồi rỉ tai nó hỏi nhỏ vừa đủ nghe :Khai mau, đóng kịch phải không ông bạn?. Chỉ có thế thôi mà sợ quá “thằng” anh gật đầu lia lịa thú tội. Báo hại cu cậu Hào Hùng lại “nằm xuống và ăn 5 cây roi mây”.Và từ đó nó cũng không có dịp cúp cua nữa rồi, vì cuối năm lớp 8 nó đã kịp “tốt nghiệp” cùng với thằng Duy Hải xách cặp ra khỏi trường và không bao giờ trở lại.

                 Nhớ những thỏa thuận có điều kiện giữa bố mẹ và ông con như sau: mỗi tháng khi Thông Tín Bạ ( hay còn gọi là sổ điểm học lực hàng tháng của học sinh ) được phát ra là phải đưa cho bố mẹ xem , và phải luôn luôn nằm trên gạch trung bình , thí dụ lớp có 50 người thì nếu đứng thứ tự 1,2,3 đầu lớp thì sẽ được bố mẹ thưởng hậu hĩ,muốn mua một món đồ chơi hay một chuyến đi tắm biển Vũng Tàu đều được ưu tiên và chấp thuận.Còn nếu không học giỏi thì phải ở hạng từ 10 cho tới 20/50 học sinh trong lớp. Bét lắm cũng nằm “chơi vơi” ở hạng 25 /50. Mức thưởng như sau : ngoài tiền đi học hàng ngày ra , cuối tuần còn có quyền được lãnh thêm mấy trăm nữa để gọi là mua sách truyện,đồ chơi hay đi xem ciné cuối tuần. Nếu tháng nào “xui xẻo” mà nằm trong danh sách “Sous moyen” ( dưới trung bình ) thì tiền cuối tuần sẽ bị cắt,chỉ còn một ít tiền ăn hàng ngày ở trường mà thôi. Còn tệ hại nhất nếu đứng đội sổ ở cuối lớp thì mọi nguồn “tài trợ” bị cắt hết,và bắt buộc phải học thêm ở nhà dưới sự kiểm soát gắt gao của bố mẹ. Sẽ không còn được tự do đi xe gắn máy đi học . Nếu không tiến được thì bố mẹ cũng phải viết sẵn lá đơn xin chuyển trường cho thằng con có cái đầu “u tối” và “ ngu di truyền” đi học trường khác. Chính vì những thỏa thuận như vậy mà có ông đôi khi “lầm lỡ” trong tháng nào đó ông lại nằm dưới mức trung bình,sợ mất hết quyền lợi và bị bố mẹ la mắng,nên ông bèn tìm cách đối phó bằng cách,không đưa sổ điểm cho bố mẹ coi và ông giả kí luôn tên phụ huynh vào sổ điểm rồi hôm sau đem nộp. Bố mẹ có khi bận rộn công chuyện nên có khi cũng quên theo dõi ông con,thế là tháng đó ông vẫn được nhận “viện trợ” của bố mẹ , thế là ông thoát nạn, thật hú vía.

                Cũng may là mấy cái vụ phát Mension hàng tháng chỉ có ở tiểu học,lên lớp đệ thất ( lớp 6) thì nhà trường không xài nữa. Hàng tháng mà không cầm về tờ Đỏ (giỏi),tờ Xanh Dương ( khá) hay tờ Xanh lá cây ( trung bình) trình diện cho bố mẹ xem thì khỏi có đi chơi hay mua sách báo. Hồi đó còn có thêm cuốn sổ ghi bài nhỏ,để ghi bài sẽ học hay bài làm về nhà nữa.

                 Anh em tôi may mắn mặc dù ham chơi,nhưng vẫn ung dung nằm ở cái hạng 10,15/50 đủ để khỏi bị cắt trợ cấp ,và có quyền vẫn tung tăng lái xe gắn máy tới trường. Nhớ vào năm lớp 9, tôi may mắn được lọt vào danh sách học sinh xuất xắc môn Công Dân Giáo Dục,được đăng tên tuổi trên kỉ yếu đàng hoàng,đến nỗi ông anh thấy kinh ngạc quá , cái thằng em hay la cà đi chơi mà sao nó lại giỏi hơn cả “thằng”anh thế,tò mò ông ghé tai tôi hỏi nhỏ : Mi làm sao mà hay dzậy mi?. Tôi ưỡn ngực tự hào : Cứ học thuộc lòng bài vở,vào lớp thầy hỏi hay trả bài thì xung phong giơ tay lên và đọc vanh vách thế là xong anh ơi.Nói chung hay không bằng hên he he. Với kết quả ấy tôi được thưởng  một chiếc tàu ráp to đùng Yamato lừng danh của Nhật hồi Đề Nhị Thế Chiến. Giá nó là 1.800 đồng , gần bằng tiền đóng 2 tháng học phí ở Taberd thời ấy. Trong bộ sưu tập tàu chiến của tôi chỉ còn thiếu có chiếc Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway 65 của hải quân Mỹ là đủ bộ để có thể “nồ” thằng Củ Sâm Nghiêm Quốc Việt ngồi bên cạnh. Vào kì lễ Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh năm lớp 9. Trong một buổi thi chạy điền kinh 50m trong sân trường do thầy Hồng phụ trách ,tôi đã chạykhông qua nổi thằng Nguyễn Phi Hùng nên chỉ đứng hạng 2,còn hạng ba thuộc về thằng Nguyễn Anh Dũng ( em của Phi Hùng). Kỉ yếu năm đó chỉ ghi danh hạng nhất chứ không có hạng 2 và 3. Thật tiếc , nếu không thì tôi cũng đã có chiếc Midway 65 trong tay rồi.
                                                                               
  Kèm thư gốc vào phần trả lời
Trả lời *  Lưu trữ hình mới       Xem hình lưu trữ
Tên người gởi
E-mail *
Mật khẩu *   Quên mật khẩu
Ghi chú: * mục cần thiết