Nhạc sỉ Nguyễn Đức Quang đã ra đi vào cuối tháng 3 năm 2011. Anh sẽ mãi luôn được nhớ đến như là cánh chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca và một huynh trưởng của Hướng Đạo Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng được nhớ đến là tác giả của rất nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi trong học sinh và sinh viên Việt Nam từ thập niên 60 cho đến nay. Nhạc sỉ Nguyễn Đức Quang và Phong Trào Du Ca đã đóng góp rất nhiều cho quê hương Việt Nam bằng những bài ca đầy tình người, kêu gọi tinh thần hăng hái phục vụ tha nhân và Đất Nước. Không phải chỉ bằng lời ca tiếng hát, Phong Trào Du Ca Việt Nam đã thực hiện những công việc thiết thực như công tác xã hội nhằm giúp đỡ đồng bào nghèo hay xoa dịu nổi thống khổ của các nạn nhân chiến tranh. Những bài hát du ca đã đi vào nhịp sống của tuổi trẻ Việt Nam trên đường xây đắp lại quê hương và dựng lại tình người.
Một người đi một bước
Ngàn người cùng đi muôn bước
Đi làm đuốc soi quê hương, ta đập tan bóng tối
Ngày này qua đêm khác, người này người sau liên tiếp
Vươn mình lên đánh nhau với quân khổ đau.
Về đây cùng đắp xây con người.
Mình yêu đời trong nguồn vui mới.
Sợ gì khi đem nước mắt trộn cùng mồ hôi đất cát.
Ta nguyện dấn thân cho quê hương Việt Nam.
Đuốc Hồng Tuổi Trẻ (1966)
Là học sinh hay sinh viên Việt Nam trong những năm 60 và 70 có lẽ không ai không biết đến một bài hát nào đó của anh Nguyễn Đức Quang. Các bài hát
Hy Vọng Đã Vươn Lên, Về với mẹ cha, Đoàn ta ra đi, và nhất là
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã được hát vang lên trong các buổi sinh hoạt, các cuộc cắm trại hay các đợt công tác xã hội, từ các trường đại học cho đến cả các trường tiểu học ở khắp các miền của Đất Nước. Những bài hát của anh Nguyễn Đức Quang và Phong trào Du Ca đều đầy tràn đầy sức sống và rất "lửa". Không phải ngọn lửa căm hờn mà là ngọn lửa nung nấu tinh thần đấu tranh để xây dựng quê hương, hàn gắn lại những đổ vỡ do chiến tranh và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Các bài hát này đều có hướng vươn lên vượt qua những gian khó của Đất Nước, không ngồi than van trước những khó khăn trước mắt cũng như không trông đợi mà phải tự dấn thân bắt tay vào việc xây dựng lại Quê Hương. Những bài hát của anh đều rất thiết tha và chân tình, đầy tình thương yêu đồng bào và Đất Nước, nói lên được niềm đau khổ của một dân tộc bị chia xẻ nhưng vẫn bộc lộ sự can cường, hun đúc tinh thần để cùng nhau đứng lên xây lại căn nhà Việt Nam.
Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm.
Mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm.
Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang.
Trên đường đi vẫn đầy bóng tối tăm.
Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất.
Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất.
Yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi.
Yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi.
...
Lòng còn tin non nước sẽ vui.
Hết chia đôi ta ngó nhau mỉm cười,
Nước đẹp tươi đây nước Việt tôi.
Bao lầm than u buồn sẽ rút lui.
Chuyện Quê Ta (1967)
Anh em tôi, hơn trăm năm, nằm nếm gai uống chai mật đắng
Chê bước anh, nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng
Anh em tôi, hơn trăm năm, mang chiếc gông đi trong lao tù
Cho đến nay, cờ tự do cắm trên nấm mồ
Anh em tôi sức chưa vươn dậy, nên gian nan đớn đau tới hoài
Chỉ biết cắn răng mong chờ ngày mai
Những bâng khuâng sau những cơn giông dài
Chưa tin nhau dám đâu tin người, đành theo nước non nổi trôi
Anh Em Tôi (1966)
Trong các buổi sinh hoạt của các đoàn Hướng Đạo, Hùng Tâm, hay Trai Việt của Taberd, tôi và các bạn đã từng hát nhiều bài của anh Nguyễn Đức Quang mà không hề biết tên tác gịả. Những bài hát này nằm trong những tập nhạc quay ronéo, hay được chúng tôi chép tay trong sổ trong các buổi sinh hoạt hay những buổi tập hát. Nói về bài hát
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tôi được nghe lần đầu tiên trong buổi giới thiệu Phong Trào Du Ca Việt Nam tại trường Quốc Gia Âm Nhạc trong chương trình
Tuần Lể Văn Hóa. Bài hát này có sức cuốn hút kỳ lạ, ngay trong lần trình diễn đầu tiên nhóm Du Ca đã phải hát lại nhiều lần theo lời yêu cầu của khán giả và từ đó
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã tỏa đi khắp mọi miền Đất Nước. Tại Taberd, vào khoảng năm 71 hay 72, Frère An Phong đã đưa bài hát này và một số bài hát khác của Phong Trào Du Ca vào chương trình sinh hoạt của học sinh và có lẽ đây là bài hát được học sinh Taberd hát hát nhiều nhất trong những đợt sinh hoạt, đại hội hay cắm trại. Cho đến nay, bài hát này vẫn còn được anh em cựu học sinh Taberd cùng nhau hát lại trong những ngày họp mặt sau bao nhiêu năm dài xa cách.
So với tôi, anh Nguyễn Đức Quang thuộc thế hệ đàn anh, tôi chỉ gặp anh vài ba lần trong các buổi sinh hoạt "ké" với các anh lớn trong các buổi sinh hoạt của các nhóm Du Ca và một lần trong buổi ra mắt tập nhạc
Ta đi trên giòng lịch sử. Tôi thích nhiều bài hát của anh nhưng riêng một bài tôi đặc biệt yêu thích là bài
Không Phải Là Lúc. Bài hát này là một lời kêu gọi đoàn kết và hết mình đóng góp vào công việc chung trong thời kỳ mà lòng nhân ái và sự dấn thân đang bị thay thế bằng sự nghi kỵ và chia rẽ. Lời của bài hát là lời khuyến khích hiệu quả đối với tôi trong nhiều năm tháng qua. Bài hát đã đem lại cho tôi niềm tin vào sự
bắt đầu cho dù rất nhiều lần những sự bắt đầu đó không đem lại kết quả mong muốn.
Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi,
Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới.
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau,
Nghi ngờ nhau, khích bác nhau cho cay cho sâu, cho thật đau.
Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông
Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu
Thế giới ngày nay không còn ma quái
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi
Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết
Mình chậm chân theo sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viễn vông
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nào mới làm xong ...
Không Phải Là Lúc (1966)
Trong số những bài hát phổ biến nhiều của anh Nguyễn Đức Quang, có một bài được các bạn Taberd 76 ưa thích và hay hát trong các buổi họp mặt trong thời gian qua là bài
Người Yêu Tôi Bệnh. Bài hát này là một lời kêu gọi tham gia xây dựng lại quê hương điêu tàn vì chiến tranh và cũng là bài hát về người yêu "Nguyễn Thị Quê Hương" mà anh đã chọn. Có lẽ hai câu cuối của bài hát này đã làm cho lời kêu gọi thêm sức mạnh và thấm sâu vào lòng người.
Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai
Nàng nằm đớn đau, tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi
Đã lắm lúc thao thức vì nàng
“Yêu nhau đâu đành dở dang”
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần
Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu.
Người Yêu Tôi Bệnh (1967)
Anh Nguyễn Đức Quang cũng đã phổ nhạc hai bài thơ của Thầy Nguyễn Ngọc Thạch (Taberd 60) là
Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương và
Bên Kia Sông. Bài thơ "Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương" được anh Nguyễn Đức Quang đặc biệt yêu thích, trong một lần được phỏng vấn anh đã nói:
Bài thơ Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương này tôi rất thích bởi vì nó là một ca khúc nói lên một cái nhìn thật hào hùng và lý tưởng của người đi làm công tác xã hội, một xúc động đặc biệt về những người có lòng tha thiết tới chuyện chung. Phải rất thành tâm thì mới viết ra được những câu thơ như thế ...
Và bài thơ này đã bay xa hơn và thấm sâu đậm hơn vào lòng người qua bài hát của anh Nguyễn Đức Quang.
Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn
Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành
Ôi vì thâm tình cùng con dân giữa khi chiến tranh
Ôi cùng đau lòng cùng hoang mang giữa khi khó khăn
Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương
Ta cùng lo chạy từng lưng cơm áo che thân tàn
Khi mùa mưa về cùng lem nhem bước trên ngõ trơn
Khi dịch lan tràn cùng lo âu trắng đôi mắt đen
Ta còn kiêu hùng vì đi xa vẫn chưa thấy xa
Trên đường muôn vàn gặp nhau luôn lúc vui lúc buồn
Nhưng lòng tuôn trào đầy đam mê muốn thêm bước nhanh
Như vừa lên đường còn hơi sương vướng theo bước chân ...
Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương (1966)
Ngoài những bài ca khai phá và tình ca quê hương, anh Nguyễn Đức Quang còn có những bài hát về tình yêu đôi lứa rất nhẹ nhàng và rất "tình", với "Anh và Em", "Trẫm và Ái Khanh" qua cái bài
Chuyện con gái, Khôn Hồn Có Cánh Thì Bay, .... Ca khúc
Vì Tôi Là Linh Mục phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên dù gây nhiều ngộ nhận nhưng vẫn được phổ biến rộng qua các chương trình nhạc do các các sỉ nổi tiếng hát.
... Chỉ tại anh nên trời thu đổi gió
Mimosa phủ kín mặt đường khuya
Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó
Gỡ dùm đi đừng cười mãi, ô kìa!
Chỉ tại anh khiến đêm về chẳng ngủ
Suốt canh dài trằn trọc, lòng vương vấn nhớ ai ...
Chỉ Tại Anh (1963)
Vào những năm 70, khi cuộc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn và cuộc sống và xã hội Việt Nam ngày càng chao đảo hơn, những bài hát của anh Nguyễn Đức Quang cũng có những nét bất ổn. Như một chứng nhân của lịch sử, anh đã ghi lại sự khủng hoảng về niềm tin và sự phẩn uất trong thời gian này qua những bài hát như
Im Lặng là Đồng Lõa, Phòng Thí Nghiệm Công Cộng, Cuộc Săn Người Vĩ Đại,... trong tập nhạc
Ruồi và Kên kên. Những bài hát này là những tiếng kêu thống thiết trước những nghịch cảnh của Đất Nước và nói lên sự bất lực của cả một thế hệ trẻ trước những việc trái với lương tâm, đồng lõa với việc kéo dài cuộc sống điêu linh của cả dân tộc.
Khi Chúa cho con hoang trở về
Nhìn thấy quê hương vui tràn trề là Việt Nam
Chịu ân oán cho cuộc tranh đua
Bao nước vây chung quanh đòi nợ
Bị đóng đinh trên cây thập tự
Một dân tộc trả bằng máu hai chục năm qua
Khi bỗng dưng giam trong ngục tù
Rồi bỗng dưng mang thân tội đồ
Phải gào lên, người còn trái tim cùng âu lo,
Khi bỗng dưng lao đao đọa đầy
Nợ của ai đem ta trả hoài
Người dân mình bị dẫm nát như loài giun thôi
...
Khi chúng ta quay lưng im hơi
Khi chúng ta không buông thành lời
Bọn mưu toan, bọn gian ác quái vật lên ngôi
Khi chúng ta yên thân phận mình
Khi chúng ta không ai thật tình
Là kéo dài một cuộc sống trăm ngàn điêu linh ...
Im Lặng là Đồng Lõa (1970)
Cho đồng bào tôi ở khắp bốn phương trời
Hát những bài ca tôi đòi đã mòn hơi
Nghe nhau khóc thầm suốt đêm qua
Nghe bao nhiêu bạn khóc bên kia
Hoang mang cúi đầu chờ mong thượng đế
Cho đồng bào tôi thở nốt những hơi tàn
Buông thỏng bàn tay thua thiệt trước lầm than
Đêm đêm hết sạch vá vay thêm
Hay mang xe đèo kiếm cơm ăn
Thân trâu kéo cày bên lũ hưởng nhàn. ...
Cho Đồng Bào Tôi (1970)
Sau năm 1975, những bài hát của phong trào Du Ca và của anh Nguyễn Đức Quang đã không còn được hát nữa, cuộc sống đã trở nên khó khăn hơn nhiều lần. Chiến tranh đã qua đi nhưng sao vẫn còn quá nhiều cay đắng, sự chia rẽ vẫn còn quá lớn, những bài hát ngợi ca hòa bình vẫn chưa được cất cao lên. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, vào khoảng năm 2007, trong một lần ngồi uống cà phê với vài người bạn tại vườn Tao Đàn, tôi chợt nghe văng vẳng bài hát
Về Với Mẹ Cha và một lúc sau đó là bài
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cùng tiếng đàn guitare. Tôi đã sửng người khi nghe lại những bài hát sinh hoạt từ một nhóm các bạn trẻ ngồi vòng tròn hát và chơi các trò chơi nhỏ như tôi và các bạn trong đoàn Hùng Tâm ngày nào. Tôi đã hỏi và được biết các bạn này đang là sinh viên và sinh hoạt thường kỳ tại đây. Các bạn trẻ này cũng biết tác giả bài
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là anh Nguyễn Đức Quang dù không biết là bài
Về Với Mẹ Cha cũng có cùng tác giả. Qua chuyện này, tôi cảm thấy vui nghĩ rằng những bài hát của anh sẽ còn được truyền bá và sống lâu dài trong lòng người Việt Nam. Tôi cám ơn anh Nguyễn Đức Quang về những bài hát du ca của anh, những bài hát này đã cùng tôi đi từ những năm tháng sinh hoạt đoàn thể dưới mái trường Taberd cho đến bây giờ.
Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu,
Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng.
Cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi lay Trường Sơn,
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa, lướt ngàn nước sóng nhà,
Ta đắp bồi cho mẹ cha.
Về Với Mẹ Cha (1965)
Lê Việt QuangTháng 5, 2011Mục lục