|
Sống không giận không hờn không oán trách. Sống mĩm cười với thử thách chông gai. Sống vươn lên theo nhịp ánh ban mai. Sống an hòa với những người chung sống. Sống là động, nhưng lòng luôn bất động. Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương. Sống yên vui, - danh lợi mãi coi thường : Tâm bất biến, - giữa dòng đời vạn biến ! Zacharie Nguyễn Tấn KiệtCuối giờ tôi chết Không còn là nỗi chết Mà là sự sống vĩnh hằng Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt |
Năm lớp 9-6, tôi học Pháp Văn do Frère Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt dạy, cứ mỗi sáng vào tiết Pháp Văn đầu giờ, là được nghe Frère bỏ ra 5, 10 phút để giảng triết lý về cuộc sống cho chúng tôi nghe, giọng Frère trầm ấm nên tụi tôi rất thích, và cả lớp thường im lặng ngồi nghe, Frère cũng là thầy phụ trách lớp 9-6 ngày ấy.
Cũng vì tính cách mềm mỏng và thấm đậm những câu chuyện triết lý vào những đầu giờ, nên đến giờ Pháp Văn của Frère, tụi tôi cũng chăm chỉ hơn, không khí lớp học cũng nhẹ nhàng như phong cách thư thái mà Frère đã truyền cho tụi tôi, không như năm ngoái lớp 8-3 giờ Pháp Văn của Frère Algibert Cách, lớp luôn luôn ồn ào và phá phách kinh khủng, đã vậy còn bị phạt ngồi ở lại lớp 2 giờ cuối ngày thứ bảy liên tục, đến nỗi có lần Frère Martial Trí phải đích thân xách roi mây vào lớp thăm hỏi.
Ngoài những tính cách trong lối giảng dạy, Frère còn có một tâm hồn nghệ sĩ khi vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1972, Frère tập cho cả lớp bài Silent Night, nhất là bài Mon Beau Sapin mà đến bây giờ mỗi lần Giáng Sinh về, nghe lại bản nhạc này tôi lại nhớ đến Frère, kỳ lạ thật không thể nào quên được những kỷ niệm nho nhỏ một thời ấy.
Sáng nay nhận được tin Frère qua đời vào ngày 10/5/2010, lòng con lại nhớ đến Frère, đến một người Thầy năm nào, đến những lời giảng dạy cùng với những triết lý vào đời, mà Frère đã truyền cho chúng con ngày ấy, cùng với bản nhạc Mon Beau Sapin năm xưa, mà chắc không bao giờ con quên được Frère ơi.
Con cầu xin linh hồn Frère được an nghỉ vĩnh hằng trong nước Chúa, cũng như trong lòng chúng con lớp 9-6 ngày ấy.
Tôi học với Frère Kiệt môn Pháp văn lớp 9-6. Tôi không nhờ là Frère về Taberd vào năm nào vì tôi không thấy Frère tại Taberd cho đến khi Frère dạy tôi. Thật sự mà nói thì lúc đó tôi thấy Frère hơi kỳ, nói theo từ ngữ bây giờ Frère rất là ấn tượng, và không giống những Frère khác mà tôi đã học trước đó. Ngoài môn Pháp văn, Frère đã kể và nói với chúng tôi về rất nhiều chuyện, một số chuyện rất thực tế về bạn bè, anh em, cha mẹ, v.v. và về cuộc sống hàng ngày, những điều chúng tôi có thể áp dụng hay nhìn thấy ngay được. Nhưng có một số chuyện thì đối với một đứa học sinh lớp 9 như tôi thì có phần cao siêu và không biết để làm gì và cũng vì vậy một số đứa trong chúng tôi nói là Frère bị man-man, chúng con xin lỗi Frère về chuyện này nhưng chắc chắn là Frère cũng chỉ cười về chuyện này mà thôi.
Bây giờ, đôi lúc nhớ lại những chuyện mà Frère đã dạy, như chuyện dạy dỗ con cái thì tôi thấy rất đúng (mà lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao Frère lại nói với chúng tôi về chuyện đó). Tôi cũng đã biết đó là nhân sinh quan về cuộc sống mà Frère muốn truyền đạt cho chúng tôi, không phải chỉ cho chúng tôi kiến thức trong học đường mà chuẩn bị cho đường đời sau này. Tôi tiếc là đã không được gần Frère nhiều hơn nữa để có thêm những bài học giúp cho cuộc sống của tôi đẹp và có ý nghĩa hơn.
Con cầu xin cho Frère được bình an trong nước Chúa.
Ðó là một buổi chiều thứ sáu của tháng mười. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là năm 1977, một năm với đầy lo âu, ngờ vực, sợ hãi của nhiều người sống tại Sài-Gòn. Như một thói quen, tôi đạp xe đạp từ trường Cô Giang, qua Chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, rồi Tự Do ngược về hướng Nhà Thờ Ðức Bà. Tôi thường có thói quen đi lễ chiều ngày thứ sáu tại đây. Nắng gay gắt. Ðang leo dốc trên đường Tự Do gần ngã tư Gia Long, chợt tôi nhận ra một người dang dắt chiếc xe đạp đi bộ trên vỉa hè:
- Frère Kiệt, tôi gọi.
Frère Kiệt nhíu mày nhìn tôi suy nghĩ một thoáng, rồi mỉm cười:
- Ai ? ... Bình ... sữa phải không ?
- Dạ, tôi đáp và hỏi ngài tiếp, frère đạp xe đua với con không ?
- Không, hôm nay frère mệt. Bình muốn ngồi nghỉ một lát ở đàng kia không ? Ngài chỉ tay về hướng một ghế đá trong công viên (tôi quên tên - góc Tự Do và Gia Long) (BT: công viên Chi Lăng).
Thấy chưa tới giờ lễ, tôi ngồi nói chuyện với Frère một lát. Ðược biết, Frère cũng vừa mới đi dạy về. Ngài hỏi tôi nhiều về việc học hành, về gia đình tôi, về tu đức (tôi quen biết ngài hơn các bạn khác về điểm này). Vào lúc đó, tôi đã có ý định đi ... tu, nên tôi và Frère đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Như anh Quang và anh Chính đã trình bày, ngài luôn mở đầu bằng một câu chuyện triết lý, mà dạo đó tôi thường hay nghe ngài ... cho qua chuyện (vì chẳng hiểu gì cả).
Tôi cũng như một số các bạn khác, lớp 9P7, được biết đến Frère lần đầu tiên vào niên học đó. Biệt hiệu Quái Kiệt cũng được các bạn cùng lớp tôi đặt cho ngài, trong khi đang nghe Frère giảng một bài triết lý trước khi vào giờ môn Pháp văn.
- Quái Kiệt, đúng chớ, Quái Kiệt của thời đại, Frère đáp lại một câu nói lớn phía đàng sau lưng tôi "Ðúng là Quái Kiệt!".
Tôi còn nhớ một hôm, vào đầu giờ môn Pháp văn, Frère bước vào lớp, và mở đầu bằng một câu hỏi:
- Có em nào trong lớp đã khóc người yêu chưa?
Cả lớp bắt đầu nhao nhao, tiếng cười, tiếng nói lẫn lộn. Chờ im lăng một lát, Frère bắt đầu ... bài morale:
- Con người ta, bất kỳ ai, phải khóc ít nhất là một lần. Này nhé, sinh ra là phải khóc. Lớn lên, ai cũng phải khóc một lần cho người yêu đầu tiên của mình. Và đó là mối tình đầu mà ai ai cũng nhớ nhứt trong đời mình.
Tôi không nhớ từng lời Frère giảng ngày hôm đó, nhưng đại khái bài "morale" là như vậy vào mỗi đầu giờ Pháp văn của lớp. Cũng có khi, giờ học Pháp văn biến mất để nhường chỗ cho việc thảo luận về triết lý: lúc đó, cả thầy lẫn trò đều say mê đến khi chuông báo hết giờ ...
Nay đọc lại những bài Frère viết, những di cảo, hồi tưởng xưa của hơn 30 năm về trước lại trải dài trước mắt: Vivre c'est lutter !, câu nói của Frère lại đâu đây văng vẳng bên tai. Có thể Và cả đời tôi, quả là Bản Sao của Ðức Yêsu Kitô. Nhưng Frère đã để lại cho chúng con một kho tàng quý giá về chân lý sống, về cuộc đời và về con người. Con xin nghiêng mình trước một vị Frère, một người thầy khả kính.
Các vòng hoa do các bạn Taberd 76 viếng | Thánh lễ đồng tế |