Taberd.org
./hai_linh.gif
  Tháng 12, 2010
Phần 1Phần 2

Hang Belem

Bìa nhạc phẩm bất hủ HANG BELEM
phát hành tại Sàigòn Mùa Giáng sinh 1972

Đêm trường mưa lạnh dừng chân bước,
Thắp nén hương lòng vọng cố nhân …

…như một nén hương trầm, nhớ NS Hải Linh, LM NS Ngô Duy Linh,
LM Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường.
Nhị Long

Hang BELEM & Hải Linh

Cứ mỗi khi tiết trời bắt đầu se lạnh, báo hiệu Mùa Giáng sinh tới thì từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến vùng núi đồi miền sơn cước, lòng người như nở rộ một niềm vui với những bản Thánh ca Giáng sinh quen thuộc, để cố quên đi những đầy ải nhục nhằn, những vật vã trong cuộc sống, bao trùm những mảnh đời bất hạnh trên quê hương khổ đau, quằn quại rên xiết… xuyên suốt chiều dài cuộc chiến triền miên ba mươi năm máu lửa ngút ngàn (1945-1975); Quê Mẹ bị cầy nát vì cuộc chiến đầy hận thù và nước mắt. Thật vậy, dù Lương hay Giáo, thì những câu ca Giáng sinh như Đêm Thánh Vô cùng, Cao Cung Lên và nhất là bản Hang Belem "Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…" đã thấm đậm trong lòng mọi người.
Hầu như ai cũng biết, Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời do Nhạc sĩ Hải Linh sáng tác vào Mùa Giáng sinh năm 1945. Xin giới thiệu một đôi nét về một Thiên tài Âm nhạc kiệt xuất, đã để lại cho hậu thế một kho tàng quí báu, nhất là về Trường ca qua hai chủ đề TÔN VINH THIÊN CHÚA & TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG mà Nhạc sĩ Thiên tài Phạm Duy đã ca tụng là những "Viên Ngọc quí giá nhất của Dân tộc Việt".
Tôi còn nhớ, trong một buổi tối thật khuya khuắt, trong cái lạnh tê buốt da diết của một đêm gió lạnh băng giá, sau khi tổng dượt chương trình Thánh ca NGÀY TRUYỀN THỐNG THẦN NHẠC LÊN NGÔI Mùa Giáng sinh năm 1987 cho Ca đoàn Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, Avondale, Louisiana (mà Nhị Long là Ca trưởng, Bố Ngô Duy Linh tận lực dìu dắt), Nhạc sư Hải Linh đã thổ lộ với người viết bài này như sau: Cuộc đời tôi là cả một chuỗi dài cô đơn. Càng cô đơn bao nhiêu, Chúa càng cho tôi có một sức cảm thụ mạnh mẽ bấy nhiêu. Sức cảm thụ ấy, tôi đã dàn trải trên những dòng nhạc để lại cho đời…

Cả một cuộc đời cho Âm nhạc

Hải Linh tên trong giấy khai sinh là Trần Văn Đệ, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Giáo xứ Ứng Luật, Giáo phận Phát Diệm (Phủ Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt Nam). Ngày sinh nhằm Lễ kính Thánh Phanxicô thành Assisi (Italia) nên song thân chọn Thánh nhân làm bổn mạng cho con. Tuy nhiên, trong giấy khai sinh lại ghi là ngày 30.10.1920. Song thân của Nhạc sư Hải Linh là cụ Phêrô Trần Văn Minh (thường gọi là cụ Chánh Minh) và bà Maria Nguyễn Thị Lan. Hai cụ có tất cả chín người con, gồm sáu trai và ba gái. Người con trai trưởng đã bị bạo bệnh qua đời lúc còn trẻ, Hải Linh là con trai thứ hai. Ngoài ra, Linh mục Nhạc sĩ Hùng An (Trần Văn Hoan - người con trai thứ bảy) cũng đã tạ thế tại Giáo xứ Duyên Lãng (Xuân Lộc), ông Trần Văn Dương (Đồng Nai), bà Trần Thị Tính (tên chồng là Phạm Chính, thường gọi là cô Chín, cư ngụ tại đường Bà Hạt (gần Lý Thái Tổ) thuộc Giáo xứ Bắc Hà, Sàigòn; bà Trần Thị Mến ở Cái Sắn, Tân Hiệp, Rạch Giá; ông Trần Văn Khiết ở Thủ Đức…

hai_linh_1971

Nhạc sư Hải Linh tại Đại Hội Thánh Nhạc
Sàigòn 21.11.1971

Thân phụ của Nhạc sư Hải Linh làm nghề đắp tượng và thân mẫu là một bà “Quản”, phụ trách việc Dâng Hoa, ngắm Lễ, dâng Hạt… tại Nhà thờ Họ Lưu Phương (cách Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm không bao xa). Chính lời Kinh, tiếng Hát của thân mẫu và bàn tay điêu khắc nghệ thuật tinh vi của thân phụ đã là những nhân tố chính, tác thành nên một Hải Linh biết rung cảm, biết say sưa đắm đuối trong Suối Nhạc Nguồn Thơ…

Thời điểm 1931-1945
  • 1931: cậu Đệ được gia đình gởi sang Cha già Trác tại Nhà xứ Đại Đề, Bùi Chu để làm quen với nếp sống tu trì. Cha già đổi tên là Trần Đức Trị. (theo tập tục của các Linh mục Giáo phận Bùi Chu, khi Linh mục nghĩa phụ tên đầu mẫu tự là gì thì các nghĩa tử đều đổi tên theo vần Cha Bố - quen gọi là Linh tông).
  • 1932-1934: nhập Trường Thử (Probatorium) Trung Linh, Bùi Chu. Theo lời thuật lại của Cha Trần Đức Huynh (liên hệ huyết tộc) thì thời gian này, Hải Linh tỏ ra rất say mê và có năng khiếu về Âm nhạc, coi Âm nhạc là nguồn sống. Thời gian này, học Nhạc với Linh mục Rangel (người Tây Ban Nha) giáo dân Việt thường gọi là Cố Lễ. Sau đó, tự tìm hiểu về Nhạc lý và bắt đầu sáng tác theo cảm hứng…
  • 1935-1936: nhập Tiểu Chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu. Ngày 9 tháng 3 năm 1936, tòa Thánh thành lập Giáo phận Thái Bình (tách từ Giáo phận Mẹ Bùi Chu) bao gồm hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Lúc ấy, Cha già Trác thuộc Giáo phận mới Thái Bình, Cậu Trị lại nhận Cha già Liễn bảo trợ và một lần nữa, lại đổi tên là Trần Văn Linh. Các dưỡng tử của Cha già Liễn gồm Cha Đỗ Minh Lý (Hiệp Hội Thánh Mẫu Chí Hòa), Cha Ngô Duy Linh, Cha Vũ Đức Long (Toàn CMC), NS Trần Văn Linh (Hải Linh)… Hàng cháu là Đức cha Mai Thanh Lương, Cha Dao Kim…
  • 1937-1938: giúp xứ An Bài, Bùi Chu.
  • 1940-1944: dạy Âm nhạc tại Trường Thầy Giảng Bùi Chu. Trong thời gian này, đã sáng tác và xuất bản Tuyển tập Ca vịnh về Đức Mẹ, đặc biệt về Ca vãn Dâng Hoa. Bài MẸ ƠI! ĐOÁI THƯƠNG XEM NƯỚC VIỆT NAM được sáng tác năm 1943…
  • 1945: mùa Noel này, sáng tác nhạc phẩm bất hủ HANG BELEM. Hải Linh cho biết đại ý như sau: Tháng 11 năm 1945, Hải Linh đang dạy Nhạc tại Trường Thầy Giảng ở Bùi Chu, một hôm đi ngang qua tòa soạn báo Đường Sống (ở Bùi Chu), ông Minh Châu Đỗ Viết Phúc, Chủ nhiệm - thấy Hải Linh hay sáng tác những bài về Đức Mẹ, Thánh Giuse… nên đố Hải Linh sáng tác một ca khúc Giáng Sinh để ông đăng trên báo Đường Sống, số đặc biệt Giáng Sinh. Hải Linh nhận lời và chỉ mấy ngày sau, Hải Linh đã cầm nhạc bản HANG BELEM tới tòa soạn báo Đường Sống, tập cho anh em trong tòa soạn hát thử. Mọi người thích quá, ông Minh Châu cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội, nhờ Họa sĩ Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ và phổ biến trên báo Đường Sống. Hải Linh gởi lên Hà Nội mấy bản.
    Theo như Nhạc sư Hải Linh kể cho tôi thì chính Hải Linh cầm một số bản Hang Belem về Phát Diệm, biếu tặng Cha Phạm Ngọc Chi, Giám đốc Đại Chủng viện Thượng Kiệm, Phát Diệm (sau này là Giám mục Bùi Chu, Qui Nhơn, Đà Nẵng). Hải Linh gặp Cụ Hội Phan Ngọc Hoan (Bác của Hải Linh) - đang giữ chức Chánh Hội Ca Vịnh Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm - biếu Cụ bản nhạc mới sáng tác, còn nóng hổi. Cả hai bác cháu cùng tập cho Hội Ca vịnh.
    Lễ Đêm Giáng sinh 24.12.1945 tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm do Đức cha Lê Hữu Từ chủ tế. Cha Phạm Ngọc Chi điều khiển các Thày Đại Chủng viện Phát Diệm hợp xướng bài TÌM HANG ĐÁ do Linh mục Phương Linh mới sáng tác, Linh mục Mai Văn Điệu Hòa âm. Hải Linh điều khiển Hội Ca vịnh Nhà thờ Chính tòa hợp xướng bài HANG BELEM. Sau Thánh Lễ, Cha Phạm Ngọc Chi khen ngợi và khích lệ Hải Linh rất nhiều. Kể từ đó, Ngài bắt đầu lưu ý đến tác giả bản nhạc bất hủ này. Và năm năm sau, khi Tòa Thánh bổ nhiệm cai quản Giáo phận Bùi Chu, Ngài đã tuyển chọn Hải Linh qua Roma học hỏi về Âm nhạc. Trước khi đi du học, Hải Linh lên Hà Nội gặp Thẩm Oánh và một số Nhạc sĩ để bàn thảo một hướng đi mới.

Kể từ thời điểm 1945, cao trào sáng tác Thánh ca Việt Nam phát triển mạnh suốt từ Bắc chí Nam:
  • Nhạc Đoàn LÊ BẢO TỊNH (Hà Nội): được thành lập từ tháng 7.1945 với những thành viên đầu tiên: Nguyễn khắc Xuyên, Hùng Lân, Thiên Phụng, Tâm Bảo, Hoài Chiên, Hoài Đức, Duy Tân … Sự đóng góp của Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh cho nền Thánh nhạc Việt Nam thật đáng trân trọng.
  • Nhạc Đoàn SAO MAI (Bùi Chu): được thành lập từ năm 1945, với các Nhạc sĩ: Hải Linh, Minh Trân, Thăng Ca (Ngô Duy Linh), Ngô Quang Tuấn, Thiên Phước, Võ Thanh Hương, Hồ Khanh… đã là những luồng gió mới tươi mát đến với Giáo hội Công giáo Việt Nam.
  • Nhạc Đoàn TIẾNG CHUÔNG NAM (Thanh Hoá): tuyển tập HƯƠNG NHẠC I, xuất bản năm 1951 đánh dấu sự đóng góp của các Nhạc sĩ như Nguyễn Duy Vi, Thanh Cao, Marco Khanh, Thiệu Duy…
  • Các Nhóm Nhạc sĩ
    • Nhóm CA THÁNH (Phát Diệm): được gọi tên theo những tập Ca Thánh mà nhóm lần lượt cho xuất bản từ năm 1946. Hiện Ủy Ban Thánh Nhạc còn lưu giữ được 4 tập với các đề mục Kính Thánh Thể và Thánh Tâm, Đức Mẹ… Rất nhiều bài hiện nay vẫn được sử dụng, như: Tìm Hang Đá, Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tiếng Vang (Tiến Hưng), Trần Hùng Dũng, Long Nghị, Mai Văn Điệu, Mai Lạc Thiện, Nguyễn Khắc Tuần (Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần… Lạy Mẹ, Mẹ Chúa vinh quang)…
    • Nhóm THIÊN CUNG (Hải Phòng): với các Nhạc sĩ, như Cha Chu Công, Cha Trung Thu, Long Vân, L.T.H., Lê Hoan…
    • Nhóm MINH NHẠC: do một số Nhạc sĩ góp bài để Đa Minh thiện bản in chung trong những tập Minh Nhạc.
  • Các Nhạc sĩ độc lập
    • Cha Chính NGUYỄN VĂN VINH (Hà Nội): Ngài theo học từ nhỏ tại Nhạc viện Paris, khi về VN, Ngài viết Hòa âm cho một số bài Thánh ca của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Sau này, Ngài sáng tác một số bài như: Tv. 8, Tv. 41, Giavi, Vua Tình yêu… đặc biệt nhất là Trường ca MỞ ĐƯỜNG PHÚC THẬT (Hợp xướng 4 bè). Là một nhà trí thức, cương nghị, chống cả Pháp lẫn Cộng sản, năm 1956 bị biệt giam và mất tại trại Cổng Trời.
    • Năm 1951, từ Rôma có in và gửi về Việt Nam phổ biến tập CẦU NGUYỆN do Trần Hùng Dũng phụ trách. Trước khi in ấn, Trần Hùng Dũng đã đưa tập nhạc này nhờ Nhạc sư Praglia xem và sửa chữa. Một số bài trong tập này là của Nhạc sĩ Trần Hùng Dũng và các bạn ký tên là Ba Anh hay Tam Huynh, tức Trần Hùng Dũng, Phạm Xuân Thu và Nguyễn Cao Khẩn. Tuyển tập có những bài như: Cầu xin Chúa Thánh Thần (Phương Linh), Tận Hiến (Vinh Hạnh)… cho tới nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi.
    Thiết tưởng không thể không nhắc đến những bậc tiến bối của nền Thánh Nhạc Việt Nam xuất hiện trước thời điểm 1945:
    • Cha SẢNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN THÍCH (Huế): Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc như đàn Nguyệt, đàn Cò, đàn Nhi… Ngoài những di sản về Thơ-Văn-Họa, trong lãnh vực Thánh ca, ta không thể quên những đóng góp của Ngài trong những sáng tác ca ngợi Đức Mẹ, nổi tiếng là bài Đức Mẹ La Vang, cùng với các bài: Bao giờ tôi được lên trời, Trời cao đất thấp, Mười hai cái mến…. Ngài cũng chính là tác giả bài hát: “CÁI NHÀ CỦA TA” mà năm 1982, khi thực hiện chuyên đề “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” đài BBC Luân Đôn đã nhắc đến.
    • Cha PHAOLÔ ĐẠT (Saigon): ngoài việc cùng với các cha Phaolô Qui, Gabriel Long phổ biến kiến thức âm nhạc và các bài Thánh ca ngoại quốc - lời Việt, Ngài còn để lại cho chúng ta những sáng tác bất hủ, như: Kinh nguyện Chúa Thánh Thần, Nửa đêm mừng Chúa ra đời, Kinh cầu Đức Bà, kinh cầu Trái Tim…
    Những chi tiết này ghi theo tài liệu của Ủy Ban Thánh Nhạc/HĐGMVN

    Nhịlong Nhịlangsơn
    Phần 1Phần 2
Cập nhật 12-10-2012