Taberd.org
./vk_hd.gif
 
    Phần 1Phần 2

Tâm lý phụ nữ - Ai cũng biết tuổi “chớm già” phụ nữ thường có những cảm xúc bâng khuâng, buồn buồn khi con cái đã lớn vượt ra khỏi vòng tay mình, không còn cần đến sự chăm sóc của mẹ. Cái cảm giác trống trải khi đàn con đã ra riêng để lại cho người mẹ cuộc sống vò võ trong tháng ngày hiu quạnh, cảm thấy như mình thừa thãi, cuộc sống sắp đến lúc vô vị. Lý do là phụ nữ gắn bó với con nhiều hơn, nên khi về hưu thì sự điều chỉnh sinh hoạt cũng khó khăn hơn, gặp nhiều va chạm hơn đàn ông. Những đứa con nay đã lớn, đã yên bề gia thất. Các bà được lên chức, có bà lại thêm bận rộn chăm lo cho bầy con cháu - baby sitter. Giành cháu mà nuôi, mà nựng nịu, hủ hỉ. Tấm thâm tình này nhiều khi gây rắc rối xung đột giữa bà nội và bà ngoại. Các cặp vợ chồng trẻ hay ỷ lại vào mẹ, khoán cháu cho bà. Bà bận rộn tối tăm mặt mũi, vừa kêu số mình sao khổ, nhưng cảm thấy thích thú vì mình vẫn còn có thể giúp ích cho con cái, được gần gũi chăm sóc các cháu của mình và thấy mình hạnh phúc. Người viết mong được thấy mãi nụ cười của những cụ bà nở đẹp như những đóa hải đường. Dù những nụ cười không khoe được những hàm răng trắng đều như thuở còn là các cô thiếu nữ dịu dàng e thẹn nhưng mãi mãi vẫn là những nụ cười bao dung và rộng lượng.
Tâm lý đàn ông- Tuổi về hưu là thời gian con thuyền ham giang hồ hết bôn ba để trở về neo chặt một bên bến cũ. Đa số những cặp vợ chồng hạnh phúc ở tuổi cao niên, chắc sẽ hạnh phúc hơn khi ngày xế bóng. Họ có nhiều thì giờ dành cho nhau hơn, họ dễ có những niềm vui chung, chia sẻ ngọt bùi với nhau. Các mối quan tâm chung ngày càng nảy nở, quyện chặt nhau hơn. Mối tình già lại càng gắn bó bởi giờ đây được rảnh tay, rảnh nợ, có thêm nhiều thì giờ thăm viếng bạn bè của mình, thực hiện những việc làm mà ngày trước không có thì giờ nghĩ đến. Họ đã xong những trách nhiệm. Họ đã qua một thời làm việc cực nhọc để dưỡng nuôi con cái. Bây giờ chỉ còn đôi bạn già, cái tình không hừng hực lửa như thuở ban đầu, nhưng âm ỷ, ấm áp lâu bền. Con cái càng thành đạt, gia đình chúng nó có hạnh phúc thì vợ chồng già càng cảm thấy vui hơn. Lắm lúc sự bất đồng cũng biến mất, tính nóng nảy bồng bột cũng không còn, lòng ghen tuông lùi về dĩ vãng để nhường bước cho tình nghĩa, cho những giây phút quan tâm lẫn nhau. Cuộc sống vợ chồng già như những dòng sông gập ghềnh với nhiều thác đá lởm chởm, so le. Những dấu ấn không thể nào nhạt phai trong ký ức vì thời gian càng lâu càng thăng hoa, kết nụ. Người ta thường nói “gừng càng già càng cay”, nhưng với tình yêu hai người chung tuổi già thì giống như rượu càng ủ lâu trong thùng gỗ thì làm ta càng say túy lúy. Ngày nay các bậc trưởng lão đã chẳng hay tự hào với nhau trong cuộc trà dư tữu hậu:
“Càng già, càng dẻo càng dai
Càng gẫy chân chỏng, càng sai chân giường”

Để chứng tỏ mình vẫn còn trượng phu nam tử đó sao! Đẹp lắm chứ, một đôi vợ chồng già còn được êm ấm với nhau, còn được sống chung với nhau và còn được chăm chút nhau hết lòng trong nghĩa tình mặn mà. Còn nuôi những kỳ vọng nào trong tương lai nếu không còn sức khỏe. Vì vậy theo tư tưởng khỏe mạnh từ tinh thần đến thể chất ở Bắc Mỹ, chúng tôi cố gắng theo trào lưu là sử dụng vi tính, tập thể dục, trồng cây, cắt cỏ, làm vườn và đi bộ đều đặng.
Ước mong một cơ thể khỏe mạnh trong tâm hồn tự do dù ở đâu và lúc nào. Vì thế dân trượng phu ta nên tình nguyện sinh hoạt ở hội Cao Niên, ở chùa chuyền, ở nhà thờ hay cộng đồng người Việt để giúp đỡ những người Việt mới di cư sang, tự mình tập luyện và chia sẻ những động tác để giữ cơ thể khỏe mạnh trong cộng đồng thân thương ở quê hương tạm dung
Có nhiều trường hợp vợ chồng cưới nhau rồi nhưng không muốn vướng bận con cái với nhiều lý do: không an tâm vì không có ai giữ con dùm để đi làm, hoặc lập gia đình sớm, còn trẻ chưa muốn có con để đi chơi thoải mái, hay lớn tuổi sợ sinh con không an toàn... Đến khi muốn có con thì không thể có con được.
Tôi có một người bạn khi cưới vợ muốn để nhiều thời gian du lịch, còn người vợ thì chờ khi bố mẹ về hưu mới có con để nhờ bố mẹ chăm sóc dùm con mình. Nhưng khi hai vợ chồng lên kế hoạch có con thì phát hiện người vợ đã mắc bệnh ung thư vú. Rồi uống thuốc, rồi điều trị bằng phóng xạ... không thể nào có con được nữa. Bây giờ cả hai rất buồn vì cuộc sống cô đơn không có tiếng cười, nói của trẻ thơ.
Hai cô bạn thời trung học, hiện ở Việt Nam vừa về hưu ở cái tuổi 55. Một cô không gia đình và không con cái để nối dòng nối dõi, còn cô kia là “single mom” nhưng con cái không ở gần cô để tối lửa tắt đèn lo lắng cho mẹ già. Nếu không may có những lúc lâm bệnh hay những truyện bất trắc xảy ra thì mấy cô chỉ biết tự cứu chữa hoặc trông cậy vào người hàng xóm tốt bụng hay gọi “911” mà thôi. Như thế mà còn có nỗi khổ mua được căn nhà để an hưởng tuổi già nay có tin sẽ bị di dời vì đất thuộc vào diện giải tỏa của nhà nước. Hai cô rất lo âu, xao xuyến và buồn bã. Than ơi thương thay cho số phận thật hẩm hiu của mấy cô bạn tôi quá. Bây giờ thì chỉ còn biết bầu bạn với văn thơ, với âm nhạc, với email từ bạn bè, và rất cần những lời khuyên và chia xẻ. Một cô đang làm thiện nguyện cho Phòng khám bệnh Nhân Đức để chăm sóc sức khoẻ giúp đỡ người nghèo, cô kia dạy sinh ngữ tại gia tìm nguồn vui nơi những đứa học trò nhỏ cho qua ngày tháng. Những cặp vợ chồng khác có điều kiện tài chính thoải mái hơn thì đi du lịch hay đi du thuyền cho thoả thích mộng giang hồ.
Lời cuối

Tôi nhớ có lần nghe một đoạn đối thoại của hai mẹ con trong một buổi chiều ở miền Tây nước Mỹ. Con gái 17 tuổi nói với mẹ:
- Mẹ ơi, khi con có chồng con sẽ có 4 đứa con nhé mẹ.
Người mẹ vội hỏi:
- Con có con nhiều vậy làm sao có thời gian đi làm, làm sao có thể chăm sóc các con được.
- Con sẽ nhờ mẹ giữ con cho con.
- Sao con không nhờ mẹ chồng con, là bà nội của các con con giữ dùm.
Cô con gái nũng nịu đáp:
- Không, con muốn mẹ giữ vì muốn mẹ nấu ăn để các con của con biết ăn thức ăn Việt Nam. Rồi ba và mẹ nói chuyện và dạy tiếng Việt cho các con của con nữa chứ.
Ôi hạnh phúc thay cho những người già nhưng còn có thể giúp ích cho đời, còn có ý nghĩa trong cuộc sống của những người chung quanh ta.
Hy vọng của người già là mong được thấy mãi bước chân của mình luôn cất bước, tuy không nhanh nhẹn bước đi nhưng là những bước chân đầy kinh nghiệm, bước chân vững chắc đã rảo bước trên khắp mọi nẻo đường của quê hương đất nước, bước chân xuyên núi đồi để tìm chút nắng ấm tự do...Và mong được thấy mãi đôi mắt sau cặp kính trắng của những người già luôn rực rỡ, luôn thánh thiện, tuy không còn long lanh trong sáng như thuở còn xuân. Đêm đêm bước vào phòng đặt lưng nằm xuống, các cụ già ưu đãi cho mình với thói quen hằng ngày: đọc sách hoặc xem băng video truyện hay thuyết pháp và kinh kệ.
Vẫn mong được thấy mãi trái tim của những người già luôn ấm áp, luôn tươi vui, luôn đậm nồng tình người để yêu thương nhau, để chia sẻ cho nhau những vui buồn ở cuối đời, để xóa bỏ hết giận hờn bên nhau và để nói với nhau những lời săn sóc, vỗ về…Và ước mong khi từ giã cuộc đời để cất bước lên chuyến tàu ra khơi vĩnh viễn, ta không còn bịn rịn khi quay nhìn lại bến bờ đưa tiễn, ta vẫn thấy ngập tràn bàn tay chào vẫy, ngập tràn nụ cười tiễn đưa, ngập tràn ánh mắt yêu thương... hẹn ngày tái ngộ bên kia thế giới.
Trái tim đời người không phải là "trái tim ngục tù" như tựa đề một bài hát của Đức Huy mà là trái tim yêu thương, trái tim nhân ái... sẽ được mãi mãi yêu kính đến ngàn kiếp sau.
Ngày về hưu nhắc nhở rằng hôm nay ta nên chuẩn bị kỹ càng cho hành trang ngày mai, để ngày đó tìm lại được bạn tri kỷ, ôn lại những gì đã làm cho thế hệ sau mà không nối tiếc, mà chỉ mĩm cười những gì ta để lại cho đời sau.

Nguyễn Hồng Phúc
Montréal Canada

Edited by by Huỳnh Ngọc Minh và Nguyễn Thị Tuyết


Ý kiến bạn hữu


Cám ơn tác giả Nguyễn Hồng Phúc viết 1 bài rất hay. Có rất nhiều người Việt trong nước cứ nghĩ rằng người Việt nước ngoài học theo lối phương tây đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Ngày xưa người Việt quen với cuộc sống buôn bán tại gia, sẵn tiện chăm sóc ông bà. Nhưng bây giờ đã thay đổi nhiều ngay cả ở VN. Con cái phải đi làm từ công chức, đến công nhân, từ giáo viên đến học sinh.. đều phải ra khỏi nhà. Cha mẹ, ông bà ở nhà nếu mất đi sức tự lo cho bản thân thì ai là người chăm sóc? Đó chưa nói tới những người vì mưu sinh phải bỏ làng bỏ xứ đi xa. Nếu mướn 1 người ở nhà giống như 1 Osin thì làm sao so sánh được với những người được huấn luyện đặc biệt như y tá, trong các viện dưỡng lão. Đó chưa nói tới những máy móc y tế vv. Ở viện dưỡng lão chi phí đâu phải là rẻ... nhưng nhiều khi con cái không có đường chọn lựa. Nếu ở nhà 1 mình, lỡ té xĩu thì có ai biết đường mà đưa đi bệnh viện.
Tuấn Nguyễn

Kiếp luân hồi
Một đời đi làm, ai không phải (không được ) nghỉ hưu ?. Nghỉ hưu ! vui hay sợ ? nếu cứ tính từ khi ra trường ở tuổi 22-23, sau 37-38 năm (với nam), 32-33 năm (với nữ) thì được ( hoặc bị) nghỉ hưu. Bởi ở cái tuổi đó chân tay, trí óc cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Tôi xin nghỉ hưu ở tuổi 55, trước 5 năm, bởi tôi đã có 38 năm đi làm. Thế nhưng "xếp" tôi đã 70 tuổi, ra đường khi nào cũng "phong độ", bệ vệ, khi về nhà thì hai tay bám vịn vào cầu thang men từng bước mới lên phòng được. Con cái trưởng thành, nhưng vì chưa có người kế cận, đứa con trai "đào tạo" chưa kịp để thay mình, một vài dự án đang thực hiện dở dang,... và muôn vàn lí do khác để "tránh" nghỉ hưu. Sao vậy?
Nguyễn Nam An

Ngẫm người nghĩ mình
Tôi thật sự xúc động và vui mừng khi Anh đã cảm và nói lên được nhửng suy nghĩ của người chuẩn bị về hưu. Với anh có thề sẽ là một cuộc dạo chơi cuối đời nhưng với nhửng người khác thì về hưu còn rất nhiều điều phải bàn phải nghĩ. Thật đúng là ngẫn người nghĩ mình thật xót xa!
Huyhoang

Việt kiều trăn trở ngày về hưu
Đọc bài của tác giả Vinh cảm thấy chúng ta sao không tìm cách để khuyến khích những Việt Kiều về Việt Nam nghĩ đưỡng già nhỉ. Chúng ta sẽ xây 1 làng nho nhỏ hoặc 1 khu vực nho nhỏ. Khu vực xây dựng sẽ không quá xa Sài Gòn hoặc các trung tâm thành phố lớn để đảm bảo đi lại thuận tiện 9 khoang cách từ 40-100km để đảm bảo đi lại trong vòng 2-3h bằng xe buýt hoặc 1-2h bằng xe hơi) Chúng ta sẽ xây nhà nghĩ đưỡng cho các chú, bác, cô Việt kiều, hay khu căn hộ(Việt kiều hiện chỉ được mua căn hộ).
Chú, bác, cô Việt kiều có thể mua/ thuê căn hộ/ nhà ở với giá phải chăng vì khu vực xây dựng xa trung tâm đô thị nên giá đất cũng không đắt lắm. Khu vực xây dựng có thể là một làng quê gần chợ, trường học, các dịch vụ y tế cấp phường xã, thị trấn để người xa quê có cảm giác gần gũi với người dân trong khu vực, giao lưu và giúp đỡ họ. Biết đâu trong những chú, bác việt kiều là người đã làm chuyên ở nước ngoài về lĩnh vực nào đó, các cô chú bác có thể mở lớp dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm với người dân và cộng đồng.
Con nghĩ người già cảm thấy vui vẻ khi họ còn được làm việc, chia sẻ, cảm thấy mình có ích với mọi người xung quanh và cộng đồng. Đây chỉ là ý kiến chắc không mới nhưng gần đây Vinh thấy nhiều đề tài về Việt kiều về nghỉ hưu nên biết đâu ý kiến này sẽ đón đầu một xu hướng "Lá rụng về cội của các cô, chú, bác Việt kiều. Quý độc giả hoặc cô, chú, bác Việt kiều muốn chia sẻ, vui lòng email Vinh: ...@...vn.com. Trân trọng kính chào.
Vinh Doan

Bạn Tri Kỷ khó tìm
“Bạch rất quý bạn bè trong tuổi xế chiều. Bạch đang hưởng trợ cấp về hưu. Mất tiền lương nghỉ hưu, Bạch không tiếc, vì mình còn có thể đi làm kiếm sống tạm được, chứ mất một người bạn xem như mình mất đi cái gì rất quý giá mà không thể nào tìm lại được”.
Bạn bè để ăn tiệc, để rủ nhau đi chơi thể thao, đi shopping và tán gẫu thì nhiều nhưng bạn thân tri kỷ để chia sẻ niềm vui buồn thì rất ít.
Đọc qua 2 câu này tôi cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng tha thiết và xót xa. Sau bao nam ở xứ người, tôi đã thành công khá nhiều trên đường đời và có được một khả năng kinh tế và 1 công việc có lợi tức khá cao, nhất là trong thời buổi khó khăn này. Thêm vào đó con cái tôi cũng thành đạt. Vào gần tuổi về hưu, tôi cảm thấy tâm hồn trống rỗng, không có một người bạn mà tôi có thể chia xẻ một phần những tâm sự trong đáy lòng tuy rằng bạn bè chơi thể thao, đồng nghiệp để đi ăn trưa và tán gẫu. Tôi tự hỏi những sự thành công của mình có giá trị gì không.
Toàn HV Toàn

Tuỳ hoàn cảnh
Bạn Hồng Phúc nói lên tâm trạng của nhửng người Việt ở hải ngoại rất đúng. Chúng ta ở các nước rải rác của cái vũ trụ này đang có tâm trạng, suy nghỉ tùy hoàn cảnh, song vì sống ở một xã hội khác với xã hộ VN (vì là nơi chôn nhao, cắt rốn và sự giáo dục), không khỏi bân khuân "về hưu là gì?" Đây 1 cũng là câu hỏi của chính tôi, vì tôi cũng đang ở trong hoàn cảnh như quí vị. Tôi đã hỏi khắp nơi bộ xã hội, người lớn tuổi, sự trả lời đều khác nhau. Sau 10 năm tìm hiểu tôi thấy rỏ là mỗi hoàn cảnh đều khác nhau cả, ta phải tuỳ cơ ứng biến vậy. Sau dây là hoàn cảnh của tôi:

Khi 60t tôi sang business với ý định nghỉ hưu, mẹ già hơn 90t đang ở viện dưỡng lão. Booked vé đi du lịch 30 ngày, bị gọi về vì mẹ tôi sốt cao độ. Bỏ dở, về gấp. Lý do nóng sốt của mẹ tôi vì không dược tắm rửa hàng ngày, nên bà ngứa ngáy kg ngủ sanh bệnh. Ở nhà buồn quá đăng đi học giử trẻ và làm parttime. Hoc song diploma và làm ở tuổi 64.5 tôi thấy cuộc sông sao vô vị đến thế. Các con tôi đã nên người, cháu nội 9 đứa, tôi nghỉ là rảnh rổi, Không đâu, rảnh rổi hay kg là do hoàn cảnh cho phép thôi.

Chúc quí vị vui chơi mọi nơi
Lima

Nên có thêm dịch vụ Homestay ở Việt Nam
Được đọc bài viết của bạn Hồng Phúc thấy bạn viết rất hay về những trăn trở của chúng ta ngày về hưu, nhất là bạn Vinh Đoàn có ý tưởng lớn về lập ra các làng Việt kiều nho nhỏ để cho bà con ở hải ngoại về thuê mua ở. Riêng cá nhân tôi xin tâm sự thêm đôi điều về cá nhân mình cũng như 1 số bạn bè quen biết của tôi sống ở 1 số thành phố lớncủa bắc Mỹ để các bạn hiểu thêm về những nhu cầu của người Việt ở hải ngoại khi về hưu.

Chúng tôi là những người đang ở ngưỡng 60, nhiều người sinh ra lớn lên ở cả Hà nội lẫn Sài Gòn tính ra tổng cộng tới nay thì thời gian sống ở nước ngoài đã nhiều hơn ở Việt nam nên khi trở về Việt nam ở đâu cũng cảm thấy lạc lõng và bỡ ngỡ. Sau mấy chục năm học hành, quen làm việc ở nước ngoài giờ về VN chơi nhìn lại thấy bạn bè ở VN hầu như không có ai, nhiều khi sáng dậy muốn có quen 1 ai đó ở lứa tuổi mình để rủ ra quán cà phê ngồi chơi ngắm phố nói chuyện cũng khó. Đến bữa cơm trưa tối nhiều khi không muốn nhờ nhà nghỉ gọi cơm hộp cho ăn thì cũng không biết đi đâu tìm chỗ ăn mới cả. Có nhiều khi thấy nhà hàng khi bước vào thì thấy bàn nào cũng bia rượu tràn trề ồn ào, mà ở cái tuổi của mình thì lại đang phải ăn uống chừng mực nên nhiều khi càng cảm thấy thêm lạc lõng.

Đôi khi đi 1 mình vào quán gọi thức ăn xào nấu theo thực đơn mang lên thì không sao mà ăn hết được nhất là không gọi thêm rượu bia thì nhà hàng nhìn mình cũng thấy kỳ quá. Đó là chưa nói tới chỗ ngủ có đêm bị người ta gọi nhầm phòng mà không dậy thì cũng sợ vì nhỡ có hỏa hoạn hay làm sao thì không biết, mà dậy ra mở cửa gập người gọi thì cũng ngại. Người ở tuổi về hưu cần có chỗ sống theo nhu cầu và cuộc sống phù hợp với họ.

Theo tôi nghĩ ở các thành phố của VN nên phát triển thêm mô hình "Homestay" giống như ở nước ngoài, tức là các bạn VN đã về hưu ở các địa phương có điều kiện nhà cửa rông rãi còn phòng bỏ trống, con cái đã lớn ở cùng hay đã ra ở riêng thì có thể cho các du khách như chúng tôi ở thuê vài tháng trong 1 năm, ăn uống theo kiểu gia đình và thanh toán theo thị trường sòng phẳng. Làm dịch vụ này các bạn cũng có thêm thu nhập vào lương hưu và có thêm bạn mới cho mình và với chúng tôi thì cũng có điều kiện gặp quen thêm bạn mới cũng như có địa chỉ tin cậy để con cái ở nước ngoài yên tâm là bố hay mẹ nó đang ở đâu, có ai biết khi cần tìm.

Người già ở hải ngoại hầu như ai cũng muốn về bên nhà nghỉ ngơi và du lịch khi họ có thời giờ 2-3 tháng, họ cũng có rất nhiều nhu cầu về y tế, thăm quan, du lịch khi đến 1 địa phương mới nên rất cần có chỗ tin cậy để hỏi han tư vấn thêm mà nhiều khi chỉ có những người nghỉ hưu mới hiểu nhau được. Theo tôi dịch vụ "Homestay" này rất cần có và phát triển, bạn nào có ý tưởng trùng hợp có thể liên lạc với tôi về ...@yahoo.com.vn

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn mạnh khỏe.
Hùng Đ.
    Phần 1Phần 2
Cập nhật 12-10-2012