Taberd.org
./mt_vn.gif
 
    Phần 1Phần 2Phần 3

Phần 2 – Phong tục và tập quán

Tục thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên và ngày giỗ

Thờ ông bà là một bổn phận và nhiệm vụ trọng đặc thù của người miền Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa và nay, người ta thường nói "đạo thờ ông bà" là tín ngưỡng sâu sắc, nhưng không là một tôn giáo, "đạo" nói ở đây phải hiểu là đường lối do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã khuất. [5]

mt3

Khi tôi hoàn tất bài viết này thì hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam đã phức tạp hơn trước những năm 1975 rất nhiều. Việc thờ cúng tổ tiên cũng đã phát triển rộng và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân miền Tây. Các nghi thức này không những nhằm chuyển những thông điệp mà còn để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đã khuất.
Dân miền Tây tin rằng Ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và việc làm giỗ. Ngoài ra, vẫn còn có một lý do khác buộc chúng ta phải quan tâm đối với những người đã mất, đó là quan niệm thuộc nền tảng đạo đức và đạo lý làm người. Đạo làm con phải “uống nước nhớ nguồn”. Không ai tự nhiên được sinh ra, không ai tự nhiên lớn lên, tất cả đều phải chịu ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người đi trước, “có tổ tiên mới có mình”. Sự biết ơn và tưởng nhớ công lao của tổ tiên chính là để thể hiện “đạo lý làm người”, một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng.
Cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên liên quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ví dụ, ngôi mộ mà gia đình tôi đã xây dựng cho cha tôi chứng tỏ gia đình có hoàn cảnh kinh tế hơi khấm khá, và mẹ tôi rất tự hào vì “mọi người cho rằng nó là ngôi mộ to và đẹp nhất Phụng Hiệp”. Chính điều này nhiều khi cũng gây ra không ít những sự ganh đua trong dòng họ. Vì thế, trong nghĩa trang ngày nay càng mọc lên nhiều ngôi mộ rất lớn và đẹp. Tuy nhiên, giá trị thực sự của một ngôi mộ chính là ở sự thành tâm của đạo làm con. Vẻ đẹp của ngôi mộ không chỉ chứng tỏ sự thành công về mặt tài chính mà còn thể hiện sự tận tụy và nhân tính của một gia đình có nền tảng đạo đức tốt đẹp. Cùng với việc thờ cúng, sự quan tâm đến mồ mả cha ông chúng tôi càng làm nổi bật lên nhân cách tốt đẹp của gia đình.
Theo tục lệ người miền Tây, ngày giỗ là "chung thân chi tang" có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày người đã mất là một lần giỗ, cho nên người miền Tây thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ. Và cũng theo tục lệ này, bữa cúng phải có chén cơm xới đầy cùng những thức ăn thông thường mà khi người còn sống vẫn thích. Vì thế người miền Tây mới gọi tên cúng giỗ là "cúng cơm". Những khách khứa cùng bà con thân thích, hợp mặt lại gợi lại những gì tốt đẹp của người qua đời, trước khi ngồi vào bàn ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với những lễ vật mình đem tới và chắp lạy trước bàn thờ . Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước, khi các thức ăn được bày lên. Gia trưởng trang phục chỉnh tề, xem xét kỹ các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu được trải trước bàn thờ, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán và vá bốn lạy. Một trong hai người chấp tay lạy thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, thấp ba nén hương, đưa cho gia trưởng váy một váy lui rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp lạy thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu và nước lên ba chén để trên đài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn.
Nhìn chung người miền Tây thực sự tự hào về việc thờ cúng tổ tiên, hay nói khác hơn là việc này tạo cho họ cơ hội giao tiếp, phát triển mối quan hệ họ hàng, chia sẻ vui buồn và hợp tác với nhau vì lợi ích của cả cộng đồng.
Tôi nhớ buổi tối “đám tang” của Cha tôi, ngày họ hàng nội ngoại hợp lại, bên nội tôi đa số từ Phong Dinh về và dòng họ ngoại tôi đa phần ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, một bữa ăn chung ấm cúng, đã tạo cho họ ngoại nội có điều kiện nói chuyện, trao đổi ý kiến để tạo thêm tình thân thiết họ hàng.
Có thể nói, tổ tiên ông bà và những người đã qua đời đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong đời sống người dân miền Tây nói riêng hay Việt Nam nói chung như hiện nay.

Tết Thanh Minh hay Lễ Tảo Mộ

Thanh Minh trong tiết tháng Ba"
"Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh"
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa miền Tây, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù điều kiện khó khăn thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ. [6]
Ngày Tết Thanh Minh được tính theo ngày Dương lịch hàng năm vào ngày 5 tháng 4 (nếu vào năm nhuần thì sẽ là ngày 4 tháng 4). Thanh Minh nghĩa là thời tiết trở nên mát mẻ quang đãng, trong lành. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Đôi khi họ cũng thắp nhang cho những mộ phần vô chủ. Đồ cúng tế thường là một lễ mặn nhỏ gồm: nhang, đèn, trầu cau, tiền vàng tiền bạc, rượu, thịt (chân giò, gà luột hay khoanh giò) và hoa, quả. Dân miền Tây tin rằng ngôi mộ là ngôi nhà của người đã mất, vì vậy sơn phết và chùi dọn mộ bên ngoài là dọn nhà cho người thân đã mất của mình có chỗ ở an khang và tốt đẹp.

Tết Nguyên Đán

Đối với người Tây phương, Noel là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nhưng đối với dân Việt, tết Nguyên Đán là ngày trọng đại nhất. [6]
Tết đối với người miền Tây được ví như sự tổng hợp của Giáng Sinh, New Year và St-Valentine của người phương Tây. Cái Tết bắt đầu cho năm mới, hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành của mùa xuân nảy lộc đâm chồi, đồng thời cũng bỏ lại tất cả những rủi ro, đen đủi của năm cũ. Người miền Tây có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về xum họp dưới mái ấm gia đình và để hàn huyên tâm sự sau một hay nhiều năm xa cách. Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán địa phương khác nhau. Nhưng đều có chung một điểm là có thể phân làm 3 khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất Niên, Giao Thừa và Tân Niên.

mt4

Tết là dịp cho dân ta tạ ơn trời đất đã ban phúc cho mỗi gia đình làm ăn khắm khá hơn so với năm vừa qua. Nhiều người muốn được khấn váy trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Cũng có người muốn thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, thời niên thiếu với gia đình. Đối với những người xuất thân từ nông thôn miền Tây, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với sông nước, sân vườn.
"Về quê ăn Tết" đã trở thành một thành ngữ quen thuộc gợi lên cuộc hành hương về nơi cội nguồn. Dầu đi đâu về đâu, ngày nay mỗi lần Tết đến tôi lại mang mang nhớ nhung cái "hồn" của chợ quê xưa. Tấm "hồn" đó là do sự lắng đọng của quang cảnh chợ Tết của tỉnh tôi, dọc hai bên bờ sông có hàng hoa đủ loại đua sắc, nào là mai vàng vạn thọ, hướng dương, thủy tiên v v…
Hồ nước ngọt Sóc Trăng có đủ loại các trò chơi cho trẻ em và đủ gian hàng vui chơi giải trí, vẫn sống mãi trong tâm thức. Nhớ lại thuở bé, chúng tôi Io lắng chờ dịp tết sớm đến để có cơ hội diện bộ đồ mới để đi thăm và khoe với họ hàng ông bà ở Phong Dinh và khi về mang đầy ấp mấy bao tiền lì xì…
Tết cũng là dịp cho mọi người cám ơn nhau trong suốt một năm trời sinh hoạt chia sẻ những vui buồn với nhau. Anh em đến chơi với nhau hay đoàn tụ người phương xa, uống chén rượu, hoặc chén nước trà tàu, trà sen hoà với vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt, nếu xom tụ hơn thì thịt kho hột vịt dưa hấu, tôm khô cũ kiệu nhâm nhi ngày tết.
Bạn bè thăm hỏi lẫn nhau, mỗi người đưa một danh thiếp đỏ đề mấy chữ chúc tặng nhân dịp năm mới. Tuy nhiên Tết cũng trở thành một nỗi lo âu và là gánh nặng cho lớp người với điều kiện kinh tế chật hẹp.
Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa. Theo chữ Hán, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm maị Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Năm hết Tết đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.

mt5

Tết Nguyên Đán đến là ngày xuân ấm áp cũng đến, mang lại hoa cỏ xanh tươi khiến cho mỗi người chúng ta thấy nao nao tâm hồn như những trẻ thơ, mặc dù sau một năm dài làm lụng vất vả có biết bao lo toan trong cụôc sống.
Người miền Tây thích trưng bày hoa Mai, vạn thọ hay các loại hoa nẩy lộc mỗi dịp Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh hơn, thích hợp cho hoa Đào khoe sắc. Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ người miền Tây nào, nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành tét bánh chưng, cây nêu tràng pháo, bánh mứt tràn trề.
Tôi vẫn nhớ gia đình thường sửa soạn cho ngày tết bắt đầu từ tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, mua đậu xanh để gần đến ngày gói bánh tét. Bên cạnh đó, mẹ tôi đi chợ sắm sửa những vật dùng cho ngày Tết. Mẹ tôi mua sẵn gà, bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa.Trước tuần lễ tết chúng tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau cho chúng bóng loáng như sự sáng sũa cho cả năm mới đến. Trước đây mẹ tôi còn mua pháo tết nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những ngày tết. Chúng tôi những học trò tha hương cầu thực thế nhưng nhân dịp tết cũng cố gắng chuẩn bị món quà nhỏ biếu thầy cô. Bước vào bất cứ nhà miền Tây nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về...
Không những lo sửa soạn các vật dụng vào dịp tết mà người dân miền Tây còn lo sắm một bộ quần áo Tết. Đặc biệt là các cô gái mới độ xuân thì, ngày xuân là dịp các cô chưng diện để cho mọi người ngắm nhìn đặc biệt là các cậu con trai mới vừa đôi mươi, đang tìm hồng nhan tri kỷ.

mt6

Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ mùng một đến hết mùng bảy (lúc hạ nêu). Và cũng trong bảy ngày tết mọi gia đình đều chưng bày những câu đối dán trên tường, và cũng dán trên trái cây để cúng váy Ông bà tổ tiên bằng những mảnh giấy màu đỏ. Theo tục lệ Trung Quốc màu đỏ tượng trưng quyền lực vô hình có thể xua đuổi tà ma để con cháu năm mới làm ăn khấm khá và phát tài hơn. Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân miền Tây. Chính vì vậy, người miền Tây dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình…
Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn người xông nhà không xung tuổi với chủ nhà. [11]
Người miền Tây còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi…mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn. Người xông nhà đầu năm phải là người có tài lộc, hiền hậu và có đức hạnh tốt. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà. Nếu buổi sáng mồng một mà vẫn chưa có ai đến xông nhà thì gia đình sẽ cử một người trong gia đình đi xông đất nhà người quen hay người thân trước và như vậy khi trở về nhà mình, người ấy sẽ là người xông đất của chính gia đình họ. Người miền Tây tin rằng chuyện xông nhà rất quan trọng vì nó ảnh hưởng cho công việc làm ăn và tài lộc cho gia đình cho cả một năm mới. Họ kiêng kị mọi chuyện có ảnh hưởng không tốt đến gia đình trong năm mới như việc quét nhà, lau dọn nhà cửa, họ để vậy trong ba ngày tết không được quét rác ra khỏi cửa nhà, nếu như vậy là mang đi cả sự may mắn trong năm .….

Tết Trung Thu

Ở phương Tây trẻ con hoá trang đủ kiểu háo hức dự lễ Halloween cùng bố mẹ tháp tùng, đi từng nhà xin bánh kẹo trong khi đó con nít miền Tây náo nhiệt chuẩn bị dự đại lễ Trung Thu.
Mỗi năm đến rằm tháng tám âm lịch là Tết Trung Thu. Tết này dân ta thường coi là tết của trẻ con, nhưng ngày trước có nhiều nhà cũng chi phí vào các lễ này cũng nhiều.
Đồ chơi của trẻ con trong Tết này là những chiếc lồng đèn làm bằng giấy với những hình ảnh tượng trưng cho các con thú như: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa...hay những hình ảnh đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất... [6]
Trẻ con tối hôm Trung thu dắt díu nhau từng đàn từng lũ, rước đèn, rước sư tử, trống đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ trống quân, nơi kia hát trống quít. Tất cả những sinh hoạt này được gọi là Trung Thu thưởng nguyệt. Nhớ thuở bé cả tuần trước đại lễ chúng tôi lo chế biến lồng đèn bằng giấy vơi đủ kiểu tuỳ theo ý thích từng trẻ em hay hàng xóm. Sự cạnh tranh chưng bày lồng đèn nhiều khi gây ra rối loạn cho bà con xóm gần xóm xa. Con gái thì thi nhau làm tài khéo léo như gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi thật là đẹp.
Ngày nay trẻ em miền Tây ở hải ngoại quên đi tết Trung Thu ngoại trừ những cộng đồng to lớn. Các em hoà mình vào cộng đồng phương Tây và dự lễ Halloween. Thực ra lễ này giống lễ Vu Lan nhiều hơn Trung Thu. Theo người miền Tây thì lễ Vu Lan là dịp bố thí ma quỹ để mong những linh hồn chưa siêu thoát để yên cho con cái sống sót được nhiều sức khoẽ và làm ãn khấm khá...

Lễ cưới và hỏi của người miền Tây

Ở miền Tây ngày xưa tục tảo hôn (cưới xin) của dân ta có những điều không phù hợp với thời đại văn minh. Vợ chồng cưới nhau quá sớm cho nên thế hệ Ông cha ta thường có con cháu đầy nhà và nghĩ rằng có con cháu đầy nhà là có phúc nên nhiều gia đình có con lúc mười bốn mười lăm tuổi, sự phát triển trí lực chưa đầy đủ đã có vợ có chồng rồi. Nhiều khi con gái miệng còn hôi sữa đã về làm dâu nhà người ta. Vì vậy khi sanh con ra nhiều đứa trẻ còm cõi, khẳng khiu, khó nuôi, yếu ớt hoặc mang tật nguyền làm cho giống nòi không mạnh mẽ. Hơn nữa, tuổi trẻ là lúc học hành, tìm hiểu cuộc đời để có thể xây dựng mái ấm gia đình sau này vững mạnh, nhưng lại lấy vợ gả chồng thì coi như cả tương lai chỉ còn trông vào con cái thôi, trí tuệ không bao nhiêu. [6][7]
Ngày nay xã hội miền Tây đã thay đổi nhiều, trai gái có lấy nhau cũng phải chờ đến mười tám hai mươi mới lấỵ hay có thể trễ hơn. Bây giờ bậc cha mẹ cũng thường để cho con cái tự ý lựa chọn theo tính ý của mình và sự ép hôn đã giảm nhiều. Hai bên gia đình trai gái cũng không còn xem chuyện giàu nghèo là điều quan trọng trong chuyện cưới xin vì đó là sự thuận tình hai bên trai gái mà thôi. Có như vậy thì chính cô dâu và chú rể sau này cũng dễ hòa nhập với hai bên gia đình không phải buồn rầu nhiều vì lễ giáo độc đoán.
Trước khi tổ chức lễ cưới thì hai bên nhà trai và nhà gái đều phải không có tang chế hay vừa mãn tang. Lễ Cưới thì nhà trai viết thư hay cử người đại diện hỏi xem nhà gái muốn những lễ vật nào. Người ta gọi là tục Thách cưới. Nhà gái muốn những vật gì thì phúc đáp hay yêu cầu cho nhà trai. Nhà trai nếu có thể đáp ứng được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, đính ước ngày cưới với nhà gái.

mt7

Khi rước dâu phải chọn giờ lành tháng tốt. Trong đám cưới có một ông già hiền lành hay ngày nay tiến bộ hơn là chàng trai trẻ ăn nói lưu lóat cầm một khai rượu với bao lì xì nhỏ màu đỏ đi trước hay gọi là chủ hôn, rồi đến các người dẫn lễ, người bưng mâm trầu cau, người khiêng heo mà ngày nay tiến bộ hơn người ta nhờ các anh chàng trai tráng đẹp trai trong vùng hay bạn bè người thân... Chú rể thì khăn áo lịch sự đi cùng với chủ hôn. Khi đến nhà gái, dâng bày đồ lễ, người chủ hôn nhà trai hay người đại diện nhà gái khấn lễ với tổ tiên rồi thì chú rể vào lễ bái. Hương án được bày ra sân, trên hương án có gà, xôi, giầu (trầu), rượu, tế tơ hồng xong rồi hai vợ chồng mới cưới được vào lạỵ Sau thủ tục xin phép nhạc gia và nhạc phụ, chú rể sẽ chuẩn bị rước dâu.
Khi đưa dâu thì nhà gái cũng như chủ hôn, chú rể cô dâu, bà con họ hàng nhà gái cùng đi sau. Đến nhà trai rồi thì bà mai dẫn cô dâu vào nhà chú rể lạy tổ tiên rồi đến cha mẹ chồng. Nếu chú rể còn ông bà thì cũng phải lạy ông bà bên chồng. Ông bà cha mẹ chồng thường thì mỗi người chúc mừng cho cô dâu chú rể bằng ít tiền tùy hỉ.
Sau tiệc đãi ăn uống xong thì họ hàng luôn có phần mang về do nhà trai tặng, thường thì xôi rượu thịt, bánh, trái cây, giò chả, v.v.v…
Quê hương miền Tây với những sông rạch chằng chịt, người dân thường di chuyển chủ yếu bằng đường sông. Có nhiều nơi mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đưa rước để người dân có thể đi chợ và mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Chính vì lý do đó mà những đám cưới ở vùng quê miền Tây thường tổ chức vào buổi tối. Người Việt Nam thường đãi đám cưới riêng biệt giữa nhà trai và nhà gái. Từ sáng sớm, các cô gái, chàng trai đã tụ tập lại để giúp đở cho nhà gái . Người giết heo, kẻ mổ gà vịt, người khác xắt rau, cải để nấu nướng. Không khí của một đám cưới vùng quê thật vui vẻ. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp nhau và từ đó nảy sinh những mối tình thật đẹp. Sau buổi trưa, cổ bàn đã xong xuôi tiệc bắt đầu từ trưa cho đến chiều. Buổi tối là lúc họ hàng nhà gái tụ tập lại để cô gái lạy tạ ông bà, cha mẹ, bà con để xuất giá theo chồng. Bên nhà trai thường rước dâu về vào buổi tối để sáng sớm hôm sau là đãi tiệc bên họ nhà trai.
Ở thành thị việc thách cưới ngày xưa thường nhiều hơn ở vùng quê và cũng không có lễ cưới vào ban đêm. Đám cưới thường vào ban ngày và sau đó đón cô dâu về nhà liền. Trong khi cưới và khi đón dâu, hai ông bà cầm hai cái lư hương ngồi trong xe che lọng xanh đi trước, rồi các người theo phụ mỗi người đội mâm cau trùm vải đỏ. Trong mỗi mâm có rượu, hoa quả trái cây. Ngày xưa thì đi bộ, sau đó đi xe kéo, hay xe song mã. Ngày nay cuộc sống có khá giả hơn thì mướn xe Mercedes-Benz để đưa đón dâu. Cô dâu chú rể chỉ tổ chức tiệc cưới cho bạn bè hay đồng nghiệp vào ban đêm hay vào cuối tuần cho thuận tiện những người tham dự ngày hôm sau phải đi làm việc. Tối hôm cưới, người chồng lấy trầu cau mà nhà trai được nhà gái trả lễ cho vợ chồng, trao một nửa cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa và lễ này được gọi là lễ hợp cẩn.
Sau lể cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ xôi chè đem về bên nhà vợ lạy tổ tiên, lễ còn được gọi là tứ hỉ.

Nguyễn Hồng Phúc - Canada
(Taberd 12B2 – 72-73)
    Phần 1Phần 2Phần 3
Cập nhật 12-10-2012