Mục lục | Một chút kỷ niệm về Frère Bonaventure Nguyễn Văn Nghĩa Bùi Quí Phong Vũ |
Hình như trong suốt 4 năm học (truớc 75) thì các cấp lớp tôi chỉ dưới sự giám thị của hai Frère. Năm lớp 2 là năm đầu tiên. Lúc đó giám học là Frère Sébastien Lê Trung Huyến. Năm đó khối lớp 3 là Frère khác. Nhưng năm lớp 3 thì cũng Frère Sébastien làm giám học (không biết có nhớ lầm không); chắc Frère cũng được… lên lớp như học sinh. Frère Sébastien hiền lắm. Có lẽ vì vậy mà tôi không có ấn tượng gì mấy.
Đến khi lên lớp 4 thì giám học là Frère Bonaventure Nguyễn Văn Nghĩa. Frère rất dữ. Lúc xếp hàng sau giờ ra chơi để vào lớp hay lúc ra về mà học sinh nào lộn xộn là sẽ bị ăn đòn liền. Frère thường âm thầm đi từ sau tới như du kích vậy và cho học sinh nào mất trật tự một bạt tai. Tôi nhớ có lần Frère nói Frère không những bạt tai thôi mà còn đồng thời xô cho ngã nữa. Rất nhiều bạn học cùng lớp và lớp khác đã bị dính “chưởng” của Frère. Phần tôi nhờ Trời phù hộ hay sao đó mà suốt năm lớp 4 không bị “tai nạn” nào cả.
Đến lúc lên lớp 5 tưởng là sẽ thoát khỏi cửa ải của Frère, ai ngờ năm đó hình như thiếu giám học nên trường sắp cho Frère làm giám học chung của cả hai khối lớp 4 và 5.
Hồi nhỏ tôi rất thích hội hoạ, vì vậy hễ thấy bạn nào vẽ đẹp là tôi thích lắm. Nhưng rất hên là tôi chẳng có chút năng khiếu gì về vẽ, nếu không cả thế giới này sẽ khổ vì có thêm một Picasso đệ nhị rồi vì tôi mà vẽ thì chắc chỉ thua Picasso đệ nhất một chút thôi (tôi nghĩ như vậy). Năm lớp 5, tôi ngồi chung bàn với bạn Lê Trung Kiên. Năm đó lớp học hình như ở tầng 2 dãy lầu mới giữa thính đường và phòng bóng bàn. Lớp học ở giữa và 2 bên là hành lang. Lớp học có 4 cửa ra vào, 2 cửa phía trên thì ngang với bàn Thầy Cô. Còn 2 cửa dưới thì sát ngay bàn học sinh ngồi. Tôi và Kiên ngồi sát ngay cửa mé phía bên Bộ Nội Vụ.
Kiên vẽ rất đẹp, đã có bảng vàng về Hội Hoạ năm lớp 2. Lần đó trong giờ học của Cô Dung (tôi nhớ Cô người hơi mập dạy Toán và đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm, không biết có phải là Cô Trần Thi Kim Dung không), Kiên cho tôi xem mấy hình mà bạn ấy vẽ. Thế là tôi hứng chí lên không lo nghe Cô giảng bài mà lo thực tập…vẽ. Không biết Frère Nghĩa có mặt tự lúc nào, Frère chỉ lấy cuốn vở của tôi đem lên cho Cô rồi Frère đi. Tôi nhớ hình như là Frère không nói gì với Cô cả.
Sau đó thì tôi bị Cô ghi vô sổ đầu bài (không nhớ rõ cuốn sổ đó gọi là gì, nhưng mỗi ngày phải ghi có bao nhiêu bài học/làm về nhà để cho Cha Mẹ ký và theo dõi mỗi ngày). Tối ngày hôm đó dĩ nhiên là điều gì đến sẽ xảy đến không tránh được. Tôi bị đánh một trận tơi bời. Phải chi hôm đó là giờ Thầy Cô khác hoặc nếu tôi ngồi sâu bên trong thì có lẽ tôi không bị ghi vô sổ và sẽ không bị đòn và… ngày hôm nay đâu có câu chuyện “thương tâm” này để mà viết lại, và… biết đâu sẽ có một Picasso Việt-Nam, v.v. và v.v.
Vài tuần sau sự việc cũng diễn biến y như vậy, nhưng lần này là đến phiên bạn Kiên bị Frère Nghĩa bắt gặp. Không hiểu sao Cô Dung chỉ giữ cuốn vở đó vài ngày rồi trả lại cho bạn ấy. Lúc nhận lại cuốn vở, thái độ bạn ấy cũng áy náy lắm vì không bị thông báo cho Cha Mẹ biết như tôi. Chắc tại Cô thấy hình bạn ấy vẽ cao siêu hơn tôi nhiều nên Cô thông cảm và không muốn dập tắt một tài năng. Tôi cũng thấy hơi ấm ức trong lòng một chút.
Có lẽ vì biến cố này mà từ đó trở đi tôi không còn ham… vẽ trong giờ học nữa. Vào lớp thì ráng chăm chú nghe Thầy Cô giảng bài hơn cho dù có vào lỗ tai này và đi ra lỗ tai kia với một thời gian kỷ lục; học tập nghiêm túc hơn một chút (ít nhất là cho tới lúc học xong Trung Học).
Sau năm 75, lúc đi học lại thì không gặp bạn Kiên nữa. Có lẽ bạn ấy đã đi di tản cùng với gia đình rồi vì có lần bạn ấy nói với tôi Cha là Đại Tá Hải Quân Lê Gia Luận. Vừa rồi vào trang Taberd thì biết được tin tức cộng với hình ảnh của Frère Nghĩa. Thấy Frère (dĩ nhiên) đã già đi nhiều, nhưng trông vẫn còn đẹp… trai như ngày nào. Ồ! mà không, đẹp lão mới đúng nhưng khuôn mặt bớt nghiêm nghị hơn hồi trẻ. Hổng biết nếu mà Frère đọc được bài này, Frère có còn nhớ con không? Nhưng con luôn thầm nhớ công ơn của các Frère và Thầy Cô đã dạy dỗ con trong suốt thời gian học dưới mái trường thân yêu Lasan Taberd; giúp con rèn luyện được tính nghiêm túc trong học tập trên con đường học vấn sau này.