Bài này được phổ biến với sự đồng ý của anh Trần Đăng Chí, cựu học sinh Taberd 1956-1965.Lệ Thanh - Phan Phú Tiên, Chợ Lớn. Trước năm 1975, chưa bao giờ tôi có dịp bước chân vào rạp này vì rạp chuyên chiếu phim Tàu cho người Tàu xem và tôi đoán chắc là sẽ không có phụ đề Việt ngữ chi cả. Sau này, vào những năm 90, tôi mới có dịp bước vào rạp, lúc bấy giờ đã biến thành một disco đầy ắp khách trẻ phần đông là người Tàu.
Lido - Đồng Khánh, Chợ Lớn. Rạp này có một lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm trong vùng Chợ Lớn cạnh Đại Thế Giới cũ chuyên chiếu phim Âu Mỹ trong khi các rạp chung quanh đều chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 60, rạp ngưng hoạt động để cho Mỹ mướn làm khu cư trú và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp hoạt động chiếu phim trở lại và chỉ mới gần đây, rạp đã bị đập phá ra để nhường chỗ cho một công trình xây dựng nhà cao tầng hay gì đó. Bạn nào có kỷ niệm đẹp hay quyến luyến rạp này thì chỉ còn có thể nhớ qua ký ức mà thôi vì rạp đã biến mất không còn nữa.
Kỷ niệm của cá nhân tôi đối với rạp này cũng khó quên. Khi còn học ở bậc tiểu học, cha mẹ tôi cho tôi vào nội trú vì gia đình ở tỉnh xa, mỗi lần vào Sài Gòn rước tôi ra chơi thì lưu trú ở khách sạn Kim Linh đối diện với rạp Lido. Có lần tôi đã mò qua xem một phim của ông già cao bồi Randolph Scott. Về sau, khi chơi nhạc cho các club Mỹ, có lần tôi cộng tác với anh Ngọc Hàm tự là Hàm Râu vì anh để râu giống như Nguyễn Cao Kỳ và cũng hay giả giọng của vị tướng này rất là giống. Tôi thật sự khâm phục biệt tài ăn nói trước khán giả của anh, ngay cả khán giả Mỹ cũng phải lăn ra cười khi anh diễu trên sân khấu. Không biết anh học những cái tếu đó ở đâu hoặc chính anh tự nghĩ ra mà quá hay. Vào khoảng năm 1969, anh đang là luật sư tập sự và cũng là trưởng ban nhạc do anh lập ra, nhạc sĩ của ban nhạc thường là ráp nối, ít ai cộng tác lâu dài có lẽ vì không có duyên với anh hay sao đó. Hôm đó, anh lãnh một show chơi nhạc cho Mỹ tại club Lido. Thành phần gồm có: Ngọc Hàm (keyboard, vocal), Ngọc Hải (lead guitar, vocal) lúc đó cũng đang tập sự luật sư, Đăng Chí (bass guitar, vocal), tôi không còn nhớ tay trống là ai, ca sĩ có Connie Kim lúc đó chúng tôi thường hay gọi cô bằng tên Phượng. Như vậy, có thể nói ban nhạc chúng tôi xem như là trí thức nhất rồi vì lúc đó tôi cũng đang theo học Luật Khoa và sau này đã lấy bằng Cử Nhân Luật Khoa Công Pháp vào năm 1973.
Được dịp chơi nhạc ngay phố phường Sài Gòn, Chợ Lớn, chúng tôi rất thích thú thay vì phải di chuyển xa xôi ra các đơn vị tiền đồn của quân đội Mỹ như ở Phước Thành chẳng hạn. Đây là một căn cứ hỏa lực (fire base), khi đi chơi nhạc, xe van của chúng tôi phải chạy lên Dĩ An, rồi từ đó chiếc trực thăng Chinook CH-47 nuốt chửng nguyên chiếc xe van có ban nhạc chúng tôi ngồi trong đó, xong nhả ra tại căn cứ. Chúng tôi chơi nhạc giữa lúc những khẩu đại pháo gà cồ khạc đạn ầm ĩ rung rinh cả barrack và sân khấu trình diễn.
Trở lại chuyện Lido, Ngọc Hải và tôi nhận thấy còn khá nhiều thì giờ trước khi trình diễn nên hai đứa thả bộ lang thang trên đường Đồng Khánh. Mải mê nhìn ngắm thiên hạ nhất là mấy cô xẩm duyên dáng nên khi quay trở về club Lido thì đã trễ đi một chút. Ngọc Hàm bèn mắng hai đứa chúng tôi bằng một câu xem như là trí thức như sau:
Hai đứa bây tưởng tụi bây là ai?. Ngọc Hải và tôi chỉ còn nước ngậm câm.
Chính Ngọc Hàm cũng đã làm thay đổi hẳn cuộc đời chơi nhạc của tôi. Trước khi gặp Ngọc Hàm, tôi còn chơi rhythm guitar (guitare d'accords hay accompagnement) rồi từ khi chơi nhạc với Ngọc Hàm lúc đó đang cần một tay bass nên anh bảo tôi chuyển qua đánh bass. Cũng nhờ đó mà sau này khi chuyển qua nhà nghề chơi nhạc với các nhạc sĩ đàn anh suông sẻ hơn lại còn nhờ biết ca hát, gọi là bass ca, nên lương bổng cũng cao hơn một tí.
Long Duyên - Hồ Văn Ngà.
Long Phụng - Gia Long. Chuyên chiếu phim Ấn Độ.
Long Thuận - Trương Công Định và Nguyễn An Ninh. Một trong những rạp nhỏ nhất và rẻ tiền nhất của Sài Gòn, Tuy vậy, địa điểm của rạp rất tốt nằm ngay trước nhà ga xe lửa vào thời Pháp thuộc và rạp tiếp tục hoạt động cho đến những năm đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Đây phải được kể là nơi rất thuận tiện để giết thì giờ trong khi chờ đợi các chuyến xe lửa khởi hành đi về các tỉnh vì phim được chiếu thường trực, vào xem lúc nào cũng được, xem giáp vòng thì về, muốn ngồi xem hoài cũng chẳng sao.
Long Vân - Phan Thanh Giản. Rạp tương đối mới so với những rạp khác đã có từ đời Pháp thuộc. Khai trương vào khoảng năm 1962, rạp nằm khá gần nơi tôi sinh sống nên được tôi chiếu cố liên tục trong thời gian đầu.
Majestic - Tự Do. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách.
Les Portes Claquent (1960).
Minh Châu - Trương Minh Giảng.
Minh Phụng - Hồng Bàng, Chợ Lớn. Thật ra, nơi đây là đình Minh Phụng, khi xưa có lúc khai thác chiếu phim ban ngày.
Mini Rex A & B - Lê Lợi. Rạp tương đối sinh sau đẻ muộn vào những năm đầu của thập niên 70. Thuộc vào hạng sang nhất Sài Gòn, rạp rất nhỏ nhưng ghế ngồi rất lớn. Thành ghế dựa lưng thật cao nên dẫn đào vào đây quá lý tưởng. Người ngồi hàng ghế phía sau hoàn toàn không thấy cái đầu của người ngồi hàng ghế phía trước, tha hồ mà du dương!
Moderne - Trần Văn Thạch, Tân Định. Tôi không có duyên với rạp này nên chưa bao giờ có dịp bước chân vào. Theo lời một thân hữu, rạp này có vài ba đặc điểm: lối vào rạp đâm ngang hông phía giữa những hàng ghế, ghế bằng cây nên khi dứt phim khán giả cùng đứng dậy làm cho ghế cây khua lên rầm rầm, và cũng vì ghế cây nên đoàn quân rệp tha hồ cắn phá đám khán giả trong bóng tối của buổi chiếu phim.
Mỹ Đô - Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn. Tên xưa là Thành Chung, tên mới là Vườn Lài.
Nam Quang - Lê Văn Duyệt và Trần Quí Cáp. Rạp rất kỳ cựu hoạt động từ thời Pháp thuộc, chắc chắn rạp phải lớn tuổi hơn tôi. Khi gia đình còn sinh sống ở Long An, thỉnh thoảng cha mẹ tôi mướn xe lô du lịch đưa cả nhà lên đây xem hát buổi tối, bận về đứa em gái nhỏ của tôi rất thích thú và cứ nhắc hoài muốn được đi nữa để có dịp ngủ đắp mền trên xe rất ngon giấc.
Nam Tiến - Bến Vân Đồn.
Nam Việt - Tôn Thất Đạm, Chợ Cũ.
The Bravados (1958).
Nguyễn Huệ - Nguyễn Huệ. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O.
Journey to the Center of the Earth (1959).
Nguyễn Văn Hảo - Trần Hưng Đạo.
Olympic - Hồng Thập Tự.
To Hell And Back (L'Enfer des Hommes (1955)).
Oscar - Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.
Phi Long - Xóm Củi.
Palace - Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.
Quốc Thái - Trần Quốc Toản, Chợ Lớn.
Quốc Thanh - Nguyễn Trãi.
Rạng Đông - Pasteur. Tên cũ là Hồng Bàng.
The Ambassador's Daughter (1956).
Rex - Nguyễn Huệ.
Dirty Harry (1971),
Le Passager de la Pluie (1969).
Thanh Bình - Phạm Ngũ Lão.
Le Magnifique (1973).
Thanh Vân - Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng.
Thủ Đô - Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Tên cũ là Eden Chợ Lớn.
Trung Hoa - Đồng Khánh, trước nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn.
Văn Cầm - Trần Hưng Đạo. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là đại lý Honda đầu tiên tại Việt Nam.
Văn Cầm - Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Rạp này có cái lệ luôn luôn chiếu một phim ngắn của 3 anh hề 'Stooges' trước khi chiếu phim chính. Rạp rất rẻ tiền không có máy lạnh nên rất ngộp thở. Tôi không bao giờ ngồi vào ghế mà lúc nào cũng đứng phía sau cùng nơi có cái màn đen che ánh sáng. Khi nào ngộp thở quá thì vén màn thò đầu ra ngoài thở không khí mát một chút rồi thả màn ra coi tiếp. Vào năm 1961, tôi đang theo học lớp 5e chương trình Pháp (đệ lục chương trình Việt hoặc lớp 7 bây giờ) ở trường Taberd. Khoảng thời gian đó, tôi mê xem xi nê rạp Văn Cầm gần nơi tôi ở đến độ bỏ đi consigne (bị phạt phải vào lớp chiều Thứ Báy lúc nghỉ học) nên bị mấy sư huynh hành hạ tơi bời nhớ đời luôn khiến tôi không thể nào quên được cái khoảng đời học sinh tương đối đen tối của lúc đó.
Mời các bạn click vào những giòng dưới đây để xem lại những phim ngắn của mấy anh chàng Stooges.
Hold That Lion. Part 1Hold That Lion. Part 2 Văn Hoa - Trần Quang Khải, Đa Kao.
Văn Lang - Cách Mạng, Phú Nhuận.
Victory Lê Ngọc - Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Tên cũ là Majestic Chợ Lớn.
Việt Long - Cao Thắng.
Vĩnh Lợi - Lê Lợi. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, có người bị thương nặng phải cưa chân.
Deliverance (1972).
Ngoài những rạp xi-nê bình thường còn phải kể đến những nơi có chiếu phim không bán vé.
Trường Taberd. Thỉnh thoảng các sư huynh chiếu phim cho học sinh xem vào chiều cuối tuần không có lớp học, phim thì cũ rích, máy thì nhỏ chỉ đủ xem trong phòng lớp. Về sau này, khi có auditorium khang trang với balcon đàng hoàng không thua gì các rạp xi-nê lớn ngoài phố. Tôi được xem phim
Ivanhoe (1952) ở đây. Học sinh nội trú Taberd được xem phim mỗi tối Chúa Nhật. Phim tôi nhớ nhất là
Titanic (1953) lúc tàu đang chìm, ban nhạc và những người ở lại với chiếc tàu cùng nhau hát bài
Chúa ơi con nay gần kề ... thật cảm động. Mặc dù bị đám học sinh nội trú chê là
ciné Taberd toujours local, các sư huynh ở đây tiến bộ hơn các sư huynh ở tỉnh, những pha cụp lạc hôn hít vẫn được tôn trọng để nguyên cho học sinh xem. Trái lại, khi tôi học nội trú ở trường Saint Joseph, Mỹ Tho, phim nào có cảnh hôn hít đều bị cắt xén trước khi chiếu. Có lần, vì không kịp kiểm duyệt trước nên lúc chiếu có màn hôn hít, sư huynh phụ trách bèn điều chỉnh cho hình ảnh mờ đi chẳng còn thấy cái gì mặc cho đám học sinh la ó om xòm.
Đơn vị Công Binh. Nhà của tôi ở gần một căn cứ quân đội. Một thượng sĩ được lệnh chiếu phim mỗi tuần vài ba đêm cho trại gia binh xem. Phim thuộc loại 16mm mượn của quân đội Hoa kỳ nên dĩ nhiên là chẳng có phụ đề Việt ngữ gì cả. Ngược lại, phim rất mới và không có chiếu ngoài rạp Sài Gòn, hoặc ít ra cũng phải một hay hai năm sau mới có chiếu như phim
Les Félins (1964). Điểm ngộ nghĩnh của nơi chiếu phim này là người chiếu phim lại cần đến khán giả. Những phim nào dễ hiểu thì bà con còn coi cho vui, phim nào khó hiểu thì bà con bỏ đi về hết một phần vì trời tối khuya khoắc. Có lần chỉ còn tôi và một người bạn ráng ở lại để cho thượng sĩ phụ trách vui lòng. Một điểm kỹ thuật là máy chiếu phim không có hoặc hư hoặc mất cái ống kính chiếu phim đại vỹ tuyến nên gặp phim loại này là hình ảnh cứ dẹp lép theo chiều đứng. Thượng sĩ chiếu phim bèn nghĩ ra cách là để máy chiếu nằm chéo góc với màn ảnh nên xem cũng tạm tạm mặc dù một bên lớn, một bên nhỏ. Tôi được xem những phim độc đáo như
Goldfinger (1964),
She (1965) ...
Câu Lạc Bộ Mỹ. Nhờ chơi nhạc trong các căn cứ quân đội Hoa Kỳ, tôi được mấy anh G.I.s mời trở lại thăm viếng và cùng xem xi-nê với họ. Như đã nói, đây là những phim 16mm nhằm giải trí cho quân nhân Hoa Kỳ. Tôi được xem phim
Your Cheatin' Heart (1964) kể lại cuộc đời của ca sĩ nhạc country Hank Williams. Phim loại này chắc chắn khó được các nhà phân phối phim Sài Gòn mua nhập vì người Sài Gòn có thể nói rằng chẳng hề biết Hank Williams là ai cả. Nói về nhập cảng phim, tôi vẫn còn nhớ đến hãng Cosunam khi mở đầu phim luôn có cảnh bộ lư đang hun khói cùng với đoạn nhạc hiệu lập đi lập lại nghe đến phát chán. Ngoài ra còn có hãng Mỹ Vân đã đóng góp rất nhiều cho nền điện ảnh Sài Gòn qua phần nhập cảng, chuyển âm và sản xuất phim.
Đài Truyền Hình Số 11. Khai sinh cùng lúc với Đài Truyền Hình Số 9, Đài 11 của quân đội Hoa Kỳ nhằm thông tin và giải trí cho quân nhân và nhân viên Mỹ ở Sài Gòn. Tiết mục chương trình có phần chiếu phim. Nhiều phim rất hay đã được chiếu qua Đài 11. Tôi còn nhớ có phim
The Last Man on Earth (1964) do Vincent Price đóng. Về sau, rạp ở Sài Gòn có chiếu phim
The Omega Man (1971) do Charlton Heston đóng với cốt truyện tương tự nói về người sống sót cuối cùng trên địa cầu ... Đài 11 tồn tại cho đến sau khi Hiệp Định Paris được ký kết năm 1973 và toàn bộ cơ cấu quân đội Hoa Kỳ rút đi. Những đêm cuối cùng trước khi Đài 11 tắt sóng, tôi được xem phim
Un Homme et une Femme /
A Man and a Woman (1966).
Hội trường của công ty Shell. Được biết ở đây có chiếu phim, tôi đến xem phim
Play Misty For Me (1971). Chỉ xem có một lần nên không biết có chiếu nhiều lần hay không, nếu có thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội rất tốt vì căn cứ theo phim đã xem thì nơi này chọn lựa phim rất hay.