Taberd.org
./tdc1.gif
  3 tháng 9, 2007
Bài này được phổ biến với sự đồng ý của anh Trần Đăng Chí, cựu học sinh Taberd 1956-1965.

Quá khứ của tôi gắn liền với xi-nê và tôi nghĩ rằng có một số rất đông các bạn cũng giống như tôi: chẳng hạn như có cái thú đi sưu tầm những tờ ‘programmes’ (chương trình) được phát tại các rạp xi-nê. Những tờ chương trình này có thể được gọi là những tờ bướm (flyer) theo nghĩa bây giờ trong đó nội dung chủ yếu gồm có sơ lược chuyện phim để đọc trước hoặc sau khi xem phim. Đôi khi có thêm hình ảnh của phim. Thời đó, người ta chưa nghĩ ra lối kinh doanh như bây giờ là có thể cho thiết kế tờ chương trình đẹp hơn rồi lấy thêm quảng cáo của các doanh nghiệp để tăng thêm lợi tức. Tôi còn nhớ cái thời con nít thì làm gì có tiền để xem hết những phim muốn xem nên có được tờ chương trình để đọc chuyện phim là cũng thỏa mãn lắm rồi.

Thoạt tiên, khi nghĩ đến đề tài xi-nê, tôi chỉ nghĩ đến chuyện sưu tầm tên tuổi các rạp xi-nê Sài Gòn trước 1975 để hồi tưởng lại một thời đã qua. Nhưng nếu chỉ có thế thì quá ít vì xi-nê là món ăn tinh thần chính yếu của đời sống văn minh. Vì vậy, tôi sẽ sưu tầm thêm danh sách những phim đã được chiếu ở Sài Gòn trước 1975 cùng với tên tuổi các tài tử danh tiếng đã làm bao nhiêu thế hệ khán giả phải say mê, những nhạc phẩm của những phim lừng danh mà đâu đâu cũng nghe ca hát như A Summer Place (1959), River of No Return (1954), Three Coins in The Fountain (1954), Bernardine (1957), April Love (1957), Where The Boys Are (1960), The Longest Day (1962) ...

Xem xi-nê là một cái thú rất lớn đối với dân Sài Gòn thời đó. Vào buổi trưa lúc trời còn đang nóng bức, bước vào rạp xi-nê có máy lạnh là cả một sự khoan khoái. Xem phim xong, bước ra khỏi rạp thì trời đã về chiều, gió mát rượi từ sông Sài Gòn thổi lên mơn trớn nhẹ nhàng. Thả bộ một vòng xuống đường Nguyễn Huệ đi qua các kiosques bán hoa tươi rồi đi ngược lên đường Pasteur thưởng thức món dồi trường phá lấu khoái khẩu, uống một ly nước mía Viễn Đông vừa ngọt vừa mát vừa thơm vừa mướt như lụa đi vào cổ họng là đủ thấy cuộc đời tươi đẹp.

Tuy nhiên, vẫn còn một điểm gai góc đã làm cho cái thú xem xi-nê thời trước 1975 không được trọn vẹn, giống như đang ăn một cái bánh thập cẩm rất ngon bỗng thấy thiếu một thứ nhân mà mình ưa thích làm cho tức tối khó chịu như bị ai chơi cha (jouer papa) vậy. Tôi muốn nói đến vấn đề kiểm duyệt. Tôi không nhớ thời Pháp thuộc đã có chế độ kiểm duyệt hay chưa vì lúc đó tôi còn quá nhỏ để am hiểu. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963), phim ảnh bị kiểm duyệt cẩn thận, những cảnh khỏa thân 50% hay 100% đều được cắt xén chu đáo, vừa mới thấy chị đầm đưa hai tay ra sau lưng sắp sửa cởi cái sú chen (soutien) là nghe âm thanh 'cụp' một cái rồi thấy tiếp ngay cảnh chim bay ngựa hí trời mây non nước gì đó là khán giả biết ngay đoạn phim vừa qua đã bị cắt xén. Đối với khán giả nữ thì chắc chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đối với khán giả nam, ngoài thành phần mô phạm và đạo đức giả, chắc chắn khó ai hài lòng. Vào những năm đầu thập niên 60, xuất hiện một loạt phim quay những màn du hí trên thế giới bắt đầu bằng phim Nuits d'Europe (1959) (Âu Châu Về Đêm). Khán giả Sài Gòn thích thú đón nhận vì tưởng chừng được xem những 'spectacles' rất đắt tiền của các hộp đêm nổi tiếng trên thế giới nhưng rồi lại phải tiu nghỉu vì những màn 'strip-tease' (thoát y vũ) đều bị cắt xén bầm dập như đã nói. Cuối tháng 10 năm 1963, rạp Đại Nam đang chiếu phim World by Night (1961) (Thế Giới Về Đêm) (TGVĐ). Tôi háo hức đi xem rồi cũng bị thất vọng như trước. Thế rồi xảy ra đảo chánh 1 tháng 11. Tôi nghe nói phim TGVĐ đã được ráp nối lại. Được biết cha tôi vừa đi xem phim TGVĐ, tôi hỏi có đúng như người ta nói không, ông cho biết là đúng. Tôi vẫn còn hơi ngờ vực nghĩ rằng cha mình có thể không còn được sự nhạy bén của tuổi thanh xuân nên đi xem lại. Đúng vậy, lần này khi đến cảnh đó vẫn nghe âm thanh 'cụp' nhưng là âm thanh thích thú vì cảnh chuyển tiếp đều đặn y như mong đợi, miếng nhân ngon đã được nhét trở lại vào cái bánh thập cẩm! Nhưng sự hân hoan của khán giả xi-nê Sài Gòn không tồn tại được bao lâu thì khi Đệ Nhị Cộng Hòa được thiết lập, chế độ kiểm duyệt phim ảnh xuất hiện trở lại y như cũ, đâu lại vào đấy. Một lần nữa, chiếc bánh thập cẩm mất ngon! Có mấy anh bạn thường hay bàn tán về những phim hấp dẫn cho cánh đàn ông. Khi xem chiếu thử, cả nhóm mong đợi tuần sau đến để đón xem. Khi xem xong, tôi hỏi họ thế nào thì họ chỉ trả lời vắn tắt là lại 'bị gạt' nữa rồi!

Dân sành điệu phim ảnh được phong cho chức 'cây xi-nê', tài tử nào đóng phim gì đều thông suốt hết, chuyện phim thì thuộc từng chi tiết. Cây xi-nê thường đi xem một mình, nếu đi có bạn là cho vui chứ thực sự không thưởng thức cuốn phim một cách toàn vẹn. Có lần tôi xem một phim đến ba lần, lần thứ nhất đi với đào chẳng hiểu phim có gì, lần thứ nhì đi với một đào khác cũng chưa hiểu gì luôn, lần thứ ba đi xem phim một mình mới hiểu được phim có cái gì!

Điện Ảnh Việt Nam. Nói đúng ra là điện ảnh miền Nam Việt Nam vì lúc đó đất nước còn chia đôi. Ở lãnh vực này, tôi thực sự thiếu sót vì ít quan tâm đến nền điện ảnh non kém rất khó phát triển trong thời kỳ chiến tranh, chỉ còn nhớ một vài nét nổi bật của giai đoạn tiền 1975. Tôi lớn lên cùng lúc với Hiệp Định Genève 1954 đưa đến cuộc di cư lịch sử Bắc vào Nam. Lúc đó có hai phim tuyên truyền được tung ra: Ánh Sáng Miền NamChúng Tôi Muốn Sống, phim sau gồm toàn tài tử Việt trong khi phim trước dùng tài tử chính là người Phi Luật Tân. Một số đạo diễn đã được gởi đi tu nghiệp ở Hollywood, trong số đó có tài tử đạo diễn Nguyễn Long. Khi tôi còn cắp sách đến trường trung học thì được xem phim Mưa Lạnh Hoàng Hôn của anh đóng với ca sĩ Mai ly. Tôi không còn nhớ rõ cốt chuyện của phim này, chỉ nhớ cảnh Nguyễn Long bồng Mai Ly đi từ biển lên bờ có bài nhạc đệm rất du dương làm tôi nhớ mãi. Về sau này nghe nhạc nhiều mới được biết đó là bài The Last Date do Floyd Cramer trình bày. Nói về ca sĩ Mai Ly, thuở đó anh bạn Lê Việt và tôi cùng thổi kèn cho ban nhạc trường Taberd, nơi chúng tôi đi học. Thế rồi lớn lên ra đời, chúng tôi đi vào nhà nghề chơi nhạc cho các vũ trường Sài Gòn và có dịp quen biết thân thiện với ca sĩ Mai ly. Thấy anh Lê Việt đeo kính cận rất đạo mạo nên Mai Ly gọi anh bằng 'bác' làm cho các bạn và tôi phải bật cười. Các tài tử thời đó có Lê Quỳnh, Kiều Chinh Hồi Chuông Thiên Mụ (1957), Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng với phim Người Đẹp Bình Dương (1958), Kim Cương, Vân Hùng, La Thoại Tân. Đến cuối năm 1965, Đài Truyền Hình Số 9 được mở ra tạo đất dụng võ cho giới điện ảnh kịch nghệ. Riêng tôi rất khâm phục Bà Năm Sa Đéc vì bà đóng rất thực như là sống trong vai diễn không có vẻ nặng nề như các diễn viên khác.

Phim Pháp và Hoa Kỳ được quay ở Việt Nam thời đó tôi còn nhớ có hai phim Transit à Saïgon (1963) với Odile Versois, Linh Xuân và Pierre Massimi, A Yank in Vietnam (1964) còn có tựa phim khác là Year of the Tiger do Marshall Thompson đạo diễn và đóng phim cùng với Kiều Chinh, Hoàng Vĩnh Lộc, Mỹ Tín, Năm Châu, Kiều Hạnh, Đoàn Châu Mậu, Nguyễn Long, ...
Mục lục
Cập nhật 12-10-2012