Bài do Thầy Nhị Long chuyển đến
Nhớ Hải Linh là nhớ tới thời chúng tôi sống an vui ở Paris, nơi đất khách quê người chẳng quen ai, nhưng cứ sống như chim trời cá nước: Không hề đặt vấn đề học bổng học biếc chi cả, mặc cho bên nhà cứ gửi sang hết nhóm Chủng sinh này đến nhóm Nữ tu kia, trên mười mấy mạng, không hề từ chối. Hễ bên nhà đủ sức gửi thì bên này cũng đủ sức đón nhận.
Chính trong bầu khí AN VI đó mà HẢI LINH được gửi sang Rome học Nhạc. Nhưng chỉ ít lâu, Hải Linh ngỏ ý muốn qua Pháp là tôi chấp nhận liền. Lúc ấy, chúng tôi đã tậu được một apartment 3 phòng ở 21 Beaurepaire, thuộc quận 10 tại Paris. Tôi để Hải Linh ở một phòng và Hải Linh bắt đầu đi học Nhạc tại trường Cesar Franck. Còn rảnh thì giờ nào thì phân tích các bài dân ca. Lúc ấy tôi đang đi tìm Triết Đông nên rất thích thú nghe Hải Linh nói về Nhạc, vì tôi gặp thấy trong dân nhạc nhiều điểm giống với Triết Đông. Chẳng hạn Nhạc Việt theo hệ thống
Ngũ Cung thì Triết Đông căn cứ trên
Ngũ Hành … Nhạc là Nữ Vương Nghệ Thuật. Vì bản tính nghệ thuật là HÒA mà NHẠC thì HÒA từ trong bản tính, nên ta quen nói Hòa Âm, Hòa nhạc, Hòa tấu…
Triết cũng là Nữ Hoàng các Khoa Học vì khi đi được đến cùng cực thì đạt THÁI HÒA cũng là đạt thập thành, đạt đủ bốn đức tính của nền Triết là VĂN – LÝ – MẬT – SÁT. Do vậy mà tôi không chuyên về Nhạc cũng rất thích nói chuyện với Hải Linh về Nhạc.
Tôi thường giục Hải Linh tìm ra trong Nhạc Việt xem cơ cấu nào đặc trưng tương tự như của Nhật Bản: Nghe là biết được âm nhạc của Nhật liền, không lẫn đi đâu được. Hải Linh nói:
Có, nhưng vì mình có đến 3 Miền nên không nổi bật lên như thế được.Trong thời gian này, Hải Linh bắt đầu sáng tác những nhạc phẩm như:
Nhạc Việt, Chinh Phụ Ngâm, Cung Đàn Bạc Mệnh, … có những câu láy mà Hải Linh lướt trên piano được, còn người học thành tài không sao diễn tả nổi.
Hải Linh kể cho tôi nghe chuyện người Nhật Bản kia vào đặt cho thợ chế Piano làm sao có thể đánh được mọi quãng. Thợ lắc đầu:
Làm sao nổi, may ra chỉ có những đàn dây như Violon hay đàn Độc huyền mới chơi được. Tôi hỏi vậy tại sao Hải Linh đánh được như thế. Hải Linh trả lời:
Cũng không hiểu tại sao lại đánh được liền như thế. Đó là điều lạ; vì Hải Linh rất khó tính trong vấn đề ca hát, phải đi đúng từng li từng tí kiểu
như trong Triết mới chịu. Vậy mà Hải Linh lại đánh lên được theo những yêu sách tế vi kia.
Thời đó tôi đoán là Hải Linh không những có tài mà còn là thiên tài chưa chừng. Điều do tôi dự đoán lúc ấy thì sau đã được ông Guy de Lioncourt, Viện Trưởng Âm Nhạc Viện Cesar Franck quyết đáp khi ông nói: Hải Linh là một trong hai thiên tài mà ông gặp được trong đời dạy học của ông. Tôi thỏa mãn câu này coi như một kiện chứng cho một ý nghĩ của tôi, vì thời ấy Hải Linh chưa biểu lộ hết tài năng cũng như tôi chưa đi vào Triết sâu đủ để có thể đưa ra được định nghĩa thế nào là nhân tài. Mãi sau nhiều quan sát, nhận định tôi mới đi đến kết luận thiên tài là khả năng hoàn thành được một cái gì đặc sắc, làm bền bỉ và thường làm cách sảng khoái.
Giữa năm 1986, khi Hải Linh trở lại Mỹ có đến thăm tôi được vài giờ, tôi nói với Hải Linh: Chúng ta là những người may mắn nhất trên đời vì trải qua bao cuộc bể dâu thế mà hai ta đã hội được khá đủ điều kiện để hiện thực lý tưởng cao nhất của cuộc đời là làm được điều mình có khả năng hơn hết và dồn vào đó trọn bầu sinh lực của mình.
Chúng tôi cũng vội hâm lại những mộng án xưa về đoàn Ca Nhi mà chúng tôi tính sẽ thiết lập sau này để hỗ trợ cho các bài nói chuyện về Triết Việt… Hải Linh có cho tôi biết là đã sáng tác một bản hòa tấu: Chuông Hòa Bình. Trong bài đó, có một ít lời mà Hải Linh có dành riêng cho tôi đọc. Hải Linh bảo không muốn để ai khác đọc vì bài đó đã được gợi ý cho chữ HÒA mà hai người thường nói với nhau xưa. Rồi Hải Linh nhắc lại câu "Ma Y Thần Tướng" mà tôi hay nói với Hải Linh:
Khan khan giọng cổ tiếng cười,
Quăn quăn tóc trán là đời khôn ngoan.
Đêm ngày tư lự lo toan…
Tháng 7 năm 1986 tại Hội Nghị Thánh Nhạc Hoa Kỳ, trước khoảng 800 Ca Nhạc sĩ, Nhạc công Hoa Kỳ, Hải Linh đã điều khiển Ban Hợp ca Việt Nam gồm 80 ca viên. Các Nhạc sĩ, Nhạc công Hoa Kỳ đã chứng kiến tận mắt kỹ thuật điều khiển vừa độc đáo, vừa tinh vi và đã đề cao Hải Linh như một thiên tài hiếm có. Sau khi Hải Linh rời bục điều khiển, Linh mục Chủ tịch Hội nghị Thánh Nhạc Hoa Kỳ, Cha Virgil C. Funk, tiến tới trước mặt Hải Linh trong một cử chỉ kính cẩn: Tôi không có một lời nào xứng đáng để ca tụng tài năng nghệ thuật của ông. Tất cả đều được đặt dưới bàn tay điêu luyện của ông…
Tôi đang hí hửng vì Hải Linh sẽ có dịp biểu diễn tài năng trên trường Quốc tế dịp lễ Phong Thánh thì thình lình được điện thoại Cha Trác báo tin: Hải Linh qua đời. Tự nhiên tôi nhỏ mấy giọt lệ khóc tiễn đưa một người bạn thân. Và trong lòng tôi bỏ mộng án về đoàn Ca Nhi đã nhen nhúm trở lại trong lòng tôi với một căn cứ cụ thể. Tôi thì thầm với Hải Linh: Hải Linh ơi! Thôi từ biệt Hải Linh nhé và tôi cũng từ bỏ luôn ý định lập đoàn Ca Nhi ở trần gian này. Xin Hải Linh lên trên ấy liệu tập đoàn Ca Nhi Thiên thần cho ngày kia tôi lên, chúng ta cùng khai mạc những buổi Triết Nhạc siêu việt dưới mắt từ mẫu Maria, còn đời này vậy là hết.
Rồi tôi lau nước mắt và lấy lại niềm vui thường pha lẫn những hài hước như lúc chúng tôi sống ở Paris. Tôi liền lẩm nhẩm bài hát đầu tay của Hải Linh mà dịp "cách mạng" có em bé chăn trâu đã đổi lời đi rồi trèo lên cây Xoan hướng phía trường Thầy Giảng Bùi Chu hát to, lúc các Thầy đang suy ngắm, làm cho cả nhà bị một bữa nín cười đau đến quặn ruột:
Mẹ ơi đoái thương xem đến bà Nam !
Bà ấy ốm quá sức lẽ mình !
Bà ấy không ăn được tí gì đâu,
Cho bà ấy tí cháo "hoa hành"
Tôi đổi "bà Nam" ra "Thầy Linh", "bà ấy" ra "Thầy ấy", "tí cháo hoa hành" đổi ra "ít phút kinh cầu".
Kim Định
Bài viết này do Linh mục Triết gia Kim Định viết và gởi trực tiếp cho Nhịlong.
Mục lục