Thời gian nghiên cứu âm nhạc tại Âu Châu 1950-1956
Sau khi Đức cha Phạm Ngọc Chi trọng nhậm Giáo phận Bùi Chu, Ngài tuyển chọn 50 thành viên gồm Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân xuất sắc nhất, xuất ngoại du học để sau này góp phần xây dựng một nền Giáo dục Nhân bản và Khai phóng cho Giáo hội và quê hương Việt Nam. Hải Linh là một trong số những thành viên ưu tú được tuyển chọn. Tại Giáo phận Phát Diệm, Đức cha Lê Hữu Từ cũng gởi đi 50 thành viên Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân… đi tu nghiệp Âu Châu và Hoa Kỳ.
Đặt chân tới Roma (Italy) vào cuối năm 1950. Sau này (1986) chính Nhạc sư Hải Linh cho tôi biết chi tiết như sau: Năm 1950, Hải Linh tới Roma và cư ngụ tại Nhà Quản lý Phát Diệm (Foyer de Phát Diệm) do Cha Luca Trần Văn Huy đứng đầu - (sau khi về Việt Nam khoảng 1955-1956, trải qua nhiều thập niên, Cha Luca dạy tại Đại Chủng viện Sàigòn, góp công sức đào tạo biết bao thế hệ Linh mục cho Giáo hội Việt Nam)
Vì Cha Huy rất nghiêm khắc trong vấn đề kỷ luật và giờ giấc của Nhà Quản lý, nên rất khó cho Hải Linh trong vấn đề học hành và nghiên cứu Âm Nhạc thêm. Hải Linh liền liên lạc với Cha Lương Kim Định (đang nghiên cứu Triết học) tại Paris, Pháp. Và sau đó, Hải Linh khăn gói lên đường qua Paris ở với Cha Kim Định và một số thành viên khác tại căn nhà số 21 Rue Beaurepaire, Paris X. Sau khi tới Paris, Hải Linh vùi đầu vào việc nghiên cứu Âm nhạc tại Institut Grégorien de Paris (chuyên giảng dạy về Bình ca cũng như về điều khiển) và Trường César Franck (chuyên dạy về Sáng tác). Hải Linh miệt mài ngày đêm như vậy suốt 6 năm, cho đến khi về Nước năm 1956.
Cũng nên ghi lại một sự kiện hi hữu do chính Thầy Hải Linh kể lại với tôi. Khi còn ở nhà Quản Lý Phát Diệm tại Roma (1950), Thầy Hải Linh có dịp gặp Đức cha Ngô Đình Thục và Cụ Ngô Đình Diệm sang Roma trong cuộc Hành hương Năm Thánh 1950. Khi Thầy Hải Linh và các thành viên cư ngụ trong Nhà Quản lý hỏi Cụ Diệm về tình hình đất nước mỗi ngày một bi đát… Cụ Diệm nói:
Xin các Cha, các Thầy cầu nguyện và lo học hành để còn về xây dựng Đất Nước, đừng quá lo lắng về chính trị. Tình hình chính trị Việt Nam còn phải tùy thuộc vào những xoay vần trên bàn cờ chính trị Quốc tế…Năm 1951, Đức Thánh Cha Pio XII bằng Sắc chỉ “Albae Jam AD Massem (Đồng lúa đã chín) ký ngày 29.4.1951 đã Tôn phong 25 Vị Anh hùng Tử Đạo Việt Nam (trong số này có hai vị Dòng Đa Minh Tây Ban Nha) lên bậc Chân Phước. Thầy Hải Linh đã điều khiển các Tu sĩ Việt Nam đang Tu học tại Âu Châu hợp xướng hai bài
Tiếng Nhạc Oai Hùng và
Chiến Sĩ Phúc Âm trong buổi Triều Yết, cảm tạ Đức Thánh Cha Pio XII.
Hải Linh cho biết rằng Hải Linh qua Paris học trước Cha Ngô Duy Linh ba năm, nên khi Cha Linh qua Paris (1953) Hải Linh đưa các tài liệu học tập cho Cha Linh nghiên cứu ngày đêm. Vì thế Cha Linh đỡ mất thêm được ba năm. Thời gian nghiên cứu ở Paris, ngoài Hải Linh và Ngô Duy Linh, còn có Nhạc sĩ Phạm Duy và Linh mục Nhạc sĩ Lương Hoàng Kim. Cha Hoàng Kim kể với tôi như sau: Hồi ở Paris, cứ mỗi lần đến nhà Cha Kim Định, tôi gọi lớn: Hải Linh có nhà không? Khi Hải Linh mở cửa, tôi (Hoàng Kim) hát thật to, chọc vui Hải Linh: “
Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam…”. Hải Linh liền vái Hoàng Kim: “
Thôi thôi, tớ lạy chú mày…” (bởi vì, nhạc điệu bài này “Tây” quá…).
Cha Hoàng Kim còn kể: Lâu lâu, Hải Linh, Ngô Duy Linh, Phạm Duy, Hoàng Kim… thường gặp gỡ nhau để chia sẻ những khám phá mới lạ về Âm nhạc, Phạm Duy bộc bạch: “
Các cậu tu tác… còn tớ một đêm mà không có người đẹp bên cạnh, tớ chịu không được…” Điều này, cũng dễ hiểu. Cứ đọc hồi ký của Phạm Duy sẽ thấy chất nghệ sĩ, bay bướm suốt cuộc đời tài hoa của thiên tài Phạm Duy…
Cha Ngô Duy Linh có lần tâm sự:
May mắn cho Bố và Hải Linh (Cha con tôi vẫn thường xưng hô bố con)
được thụ huấn một bậc Thầy lỗi lạc là Giáo sư Guy de Lioncourt. Sau 6 năm miệt mài, Hải Linh đã tốt nghiệp
Composition Musicale, Chef de Choeur, Diplome de Chant Grégorien với luận án “
La Couleur Vietnamienne daNS le Chant Grégorien” (Mầu sắc Việt Nam trong Bình ca).
Chính Linh mục Nhạc sĩ Hoàng Kim cho tôi biết: Sau khi tốt nghiệp Âm Nhạc viện César Franck, Giáo sư Guy de Lioncourt nói: “
… trong suốt đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được hai môn sinh lỗi lạc nhất: Đó là Hải Linh của Việt Nam và Kishio Hirao"" (Trưởng Ban Nhạc đài Phát thanh Tokyo, Nhật Bản).
Vài nét về
Linh mục Gioakim Lương Hoàng Kim: Sinh ngày 12.09.1927, quê ở Đồng Quan, xã Vũ An, phủ Kiến Tường, tỉnh Thái Bình. Vào Tiểu Chủng viện Mỹ Đức thuộc Giáo phận Thái Bình năm 1942. Lên Đại Chủng viện Alberto, Nam Định năm 1949. Thụ phong Linh mục trong tháng 6 năm 1953. Nhiều tài liệu ghi năm sinh là 1930 (?). Nếu đúng thì khi thụ phong Linh mục năm 1953, Cha Hoàng Kim mới 23 tuổi. Điều này, phải đặt lại…
Cha Gioakim Lương Hoàng Kim du học tại Roma và Pháp trong tháng 10 năm 1954. Trở về Sàigòn vào cuối năm 1964. Từ năm 1965, Cha về giúp Mục vụ cho Giáo xứ Vườn Xoài trong một thời gian, rồi Nhà thờ Mạc-Ti-Nho. Sau đó, về Đền Thánh Vinh Sơn, thuộc Giáo xứ Nghĩa Hòa (Chí Hoà). Là một Nhạc sĩ sáng tác Bình ca số “1” của Việt Nam. Cả một nguồn sáng tác phong phú là một kho tàng Thánh Nhạc đáng trân quí để lại cho hậu thế. Nhạc sư Hải Linh đã từng nói với các môn sinh: “Chỉ cần một bài THIẾU NỮ SION thì Cha Hoàng Kim đã đáng mặt một Đại Nhạc sĩ”. Ngoài ra, Ngài còn là thành viên trong NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ trong nhiều năm. Kể từ khi Cha Hoàng Kim qua đời (1985) đến nay, chưa có một Nhạc sĩ Công giáo nào nối gót sáng tác Bình ca nổi đình đám. Từ tháng 6 năm 1984, Cha bị bệnh ung thư Phổi và đã qua đời ngày 15.04.1985, sau 58 năm hiện diện trong cõi nhân sinh với 32 năm trong nhiệm vụ Linh mục.
***Trong thời gian nghiên cứu Âm nhạc tại Paris, Hải Linh đã dệt Nhạc vào những vần Thơ trác tuyệt Hàn Mặc Tử. Giáo trường ca AVE MARIA (thơ Hàn Mặc Tử) được sáng tác trong thời điểm này. Nối tiếp là những tác phẩm như
Đà Lạt Trăng Mờ, Duyên Kỳ Ngộ, Ra Đời, …* Xin mở một dấu ngoặc: Câu mở đầu của thi phẩm Ave Maria "
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả…" khiến rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng ý nghĩa thâm thúy, cao trọng của Hàn Mặc Tử. Cách đây khá lâu, nhân đọc trên nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ do dòng Đồng Công phát hành tại Hoa Kỳ, người viết xin ghi lại nơi đây để quí độc giả am tường:
Ý nghĩa “Như Song Lộc Triều Nguyên…”Nhân đọc bài thơ “Cho Đến Đêm Nay” của nhà thơ Thiệu Nguyên đăng trên nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ số 96 tháng 12, 1985, tôi gặp câu: “Như Lộc Triều Nguyên mới trổ bông”, tôi muốn góp một ý kiến về việc giải thích câu thơ đầu một bài thơ bất hủ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, Ave Maria: "
Như Song Lộc Triều Nguyên…Tôi thấy có rất nhiều hiểu lầm về câu đầu trong bài thơ này. Hồi còn nhỏ, đứng nghe các bậc đàn anh bàn về ý nghĩa câu thơ này; thì được biết chính vị Thầy dạy của bậc đàn anh là một người chuyên về Văn chương Việt Nam (cấp Đại học), viết trên báo Thanh Niên từ thời còn Pháp thuộc cũng không giảng nổi ý nghĩa câu thơ này. Trước năm 1975, trong một buổi phát thanh thuộc chương trình Công giáo đài Sàigòn, Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Văn Minh (Tổng Thư ký Ủy Ban Thánh Nhạc trước 30.4.1975) dẫn giải về thơ Hàn Mặc Tử, tôi cũng được biết, Linh mục hiểu biết chưa được thấu đáo, vì theo Linh mục: Lộc là Nai, Triều Nguyên là trong Triều đình, trong sân của các Vua nhà Nguyên. Trước đây, các Nữ Tu Dòng Carmêlô Tông Đồ tại Houston, Texas cũng có ra một cuốn băng nhạc lấy tên là “Lộc Triều Nguyên - Như Song Lộc”.
Vì cách đặt câu và cách viết chữ thì tôi được phép nghĩ rằng, các vị chỉ hiểu đại khái là câu thơ đó chỉ về Đức Mẹ Maria. Vì nghe các bậc đàn anh cho câu thơ đó là một bí hiểm, nên tôi cố công tìm tòi. Nhân khi đi học, được thụ huấn với cụ Thẩm Quỳnh, Cử nhân Hán học, tôi có đem câu thơ ra xin cụ giảng giải trong lúc truyện trò riêng tư. Cụ giải thích rất dễ dàng và trôi chảy. Tôi xin phép ghi lại lời giải thích của một vị thâm nho, hầu góp phần cùng độc giả, hiểu thêm ý nghĩa lời thơ của Hàn Mặc Tử.
Song Lộc: Song Lộc là hai ngôi Sao trong khoa Tử vi: Lộc Tồn và Hóa Lộc. -
Triều: Chầu -
Nguyên: Chữ nho, chữ nguyên chính ra phải đọc là viên hoặc nguyên là chung quanh. Vậy nghĩa đen: Đức Mẹ như người có hai ngôi Sao: Lộc Tồn và Hóa Lộc chầu chung quanh cung mệnh. Theo Tử vi Đông phương, cung mệnh của người nào có hai ngôi Sao này chầu chung quanh thì đàn ông sẽ đạt tới Quốc Vương, Tổng thống, Tể tướng, đàn bà sẽ tới Nữ vương, Hoàng hậu. Vậy “
Như Song Lộc Triều Nguyên” có nghĩa Mẹ Maria là Nữ Vương (trong sứ mệnh an bài của Thiên Chúa).
Tôi xin thân thưa lại một lần nữa, đây là ý kiến của một vị thâm nho, ngoài ra tùy ý quí vị xét đoán. Tôi được biết Linh mục Nguyễn Văn Minh là một người rất ham thích học hỏi, Ngài có nghiên cứu về Tử vi, Tướng số và cả về bùa ngải nữa. Ngài là Tuyên úy của binh chủng Thủy quân Lục chiến (VNCH), nên gặp nhiều anh em gốc Miên, có bùa ngải thực sự. Vì thế, Ngài cố tâm nghiên cứu để có thể giúp đỡ đời sống thiêng liêng của anh em. Nhưng vì chữ “Viên” mà đọc là Nguyên thì phải thâm nho mới thấu được. Tôi viết để quí độc giả cùng chư quân tử bốn phương thưởng lãm… (Quang - Houston, Texas)
1956-1961: Qui cố hương - Thành lập Ca Đoàn Hồn Nước
Từ Paris, Pháp quốc, Hải Linh khăn gói lên đường trở về cố hương. Sở trường và hành trang từ ngoại quốc về, chỉ thành công khi có được những cộng tác viên tâm đắc, thiết lập một môi trường Hợp Ca. Điều này, Cha Ngô Duy Linh đã cho tôi biết đại ý như sau:
Khi Hải Linh về Việt Nam thì việc lập một Ca đoàn không khó vì nhân sự là Chủng sinh Tiểu Chủng viện Phanxicô Bùi Chu di cư, cạnh Nhà thờ Huyện Sĩ. Tuy nhiên, chỉ có bè Nam. Còn bè Nữ đào ở đâu ra? Hải Linh bàn với Cha Ngô Duy Linh, xin phép Đức Cha Phạm Ngọc Chi, tuyển bè Nữ ở ngoài. Cha Linh gạt đi:
Chắc chắn, Đức cha sẽ không chấp thuận. Do vậy, nhân sự Ca Đoàn Hồn Nước cuối cùng, hoàn toàn không dính dáng gì đến “Nhà Tu”.
Sau khi về Sàigòn ít lâu, Nhạc sư Hải Linh nhận dạy tại Âm Nhạc viện Sàigòn. Tuy nhiên, vẫn ôm ấp một hoài bão kiện toàn Ca đoàn Hồn Nước đạt tới mức nghệ thuật điêu luyện như các Ca đoàn tại các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Thụy Sĩ…
Còn một chi tiết nữa rất quan trọng trong cuộc đời Nhạc sư Hải Linh, cũng được Cha Linh thuật lại: “Năm 1956, khi đang chuẩn bị hành trang lên đường về Sàigòn thì Cô Phạm Thị Ly cũng mới tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục ở Hoa Kỳ - trên đường về Sàigòn, ghé qua Paris ít ngày. Không biết do ai giới thiệu, Cô Ly đến gặp Cha Ngô Duy Linh, ngỏ ý:
Nếu Cha về Sàigòn lập Ban Hát thì Cô sẽ tiếp một tay; vì Cô có học một thời gian về Âm nhạc tại Mỹ. Cha Linh trả lời rằng, vì Ngài là Linh mục, nên về Nước chỉ chú tâm dạy học là chính, không chủ tâm lập Ban Hát. Đồng thời Cha Linh nói:
Tôi có một người bạn - Hải Linh - sẽ lập một Ban Hát lý tưởng để trình diễn trong tương lai. Tôi sẽ giới thiệu để Cô cộng tác. Cô Phạm Thị Ly chính là Cô Hải Linh khi cả hai chính thức kết hôn ngày 11 tháng 2 năm 1958 tại thành phố Cao nguyên Đà Lạt đầy thơ mộng và nhạc phẩm
Đà Lạt Trăng Mờ (thơ Hàn Mặc Tử) do Hải Linh dệt nhạc để tặng người yêu MỘNG LY trong một đêm trăng đầy thi vị trên núi đồi miền sơn cước. Do nhận xét từ ngoại cảnh, các bạn thân như LM Ngô Duy Linh, LM Vũ Minh Thái, LM Trần Đức Huynh, LM Vũ Đình Trác… không đồng thuận, nhưng cuối cùng, Hải Linh quyết tiến tới…”
Đôi nét về Ca Đoàn HỒN NƯỚCNhư đã viết ở trên, năm 1956 trở về Việt Nam, dù bất cứ giá nào, Hải Linh cũng phải gầy dựng một Ca đoàn có tầm vóc. Công việc đã tuần tự diễn tiến tốt đẹp. Ngôi trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (đường Bùi Thị Xuân, Quận 3, Sàigòn) là địa điểm sinh hoạt của Ca đoàn Hồn Nước trong các ngày Chủ Nhật mỗi tuần. Mấy năm sau do Linh mục Đỗ Đình Tiệm làm Hiệu trưởng. Có một giai thoại rất vui về Cha Tiệm, Hải Linh kể cho tôi nghe như sau: Khi Hải Linh về Sàigòn năm 1956 và dạy Nhạc tại Học viện Lê Bảo Tịnh (đường làng 21, Gia định (ngày nay là số 4 bis đường Hoàng Hoa Thám). Đây là Liên Đại Chủng viện do Đức cha Chi xây cho Bùi Chu, Phát Diệm và cả những Giáo phận di cư từ miền Bắc 1954. Thầy Tiệm là một Chủng sinh với nhan sắc khiêm tốn nhất của Chủng viện. Một hôm, trong giờ tập hát tại hội trường của Học viện, Hải Linh tủm tỉm nói:
Chúa ban cho mỗi người một nhan sắc cùng với những nhiệm vụ khác nhau. Những Chủng sinh đẹp trai, sáng sủa… thì được chọn giúp Lễ, nhan sắc trung bình… thì vào Ban Hát; còn nhan sắc như… Thầy Tiệm… thì chỉ được đốt bình hương ở đầu Nhà thờ… Tất cả hơn một trăm Đại Chủng sinh vỗ tay reo hò như pháo nổ. Năm 1972, khi Hải Linh đã từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam được ít lâu - một hôm - gặp Cha Tiệm ở trường Nguyễn Bá Tòng, Cha Tiệm vừa cười vừa nói vui:
… đến bây giờ, con vẫn còn phải đốt bình hương đấy Thầy ạ…Sau này, Học viện Lê Bảo Tịnh sát nhập vào Đại Chủng viện Sàigòn, số 4 Cường Để và cơ sở Học viện trở thành Trường Trung học Nguyễn Bá Tòng, cơ sở II dành cho Nam sinh. Cơ sở Nguyễn Bá Tòng I, trên đường Bùi Thị Xuân dành cho Nữ sinh.
Ai đã có dịp được thụ huấn Nhạc sư Hải Linh trong những Lớp Ca Trưởng điều nhận thấy, để tạo bầu khí tươi vui, Hải Linh luôn luôn điểm xuyết những câu, những chuyện dí dỏm. Có một lần Hải Linh nói:
Trong một bản nhạc thì người nhạc sĩ sáng tác cảm thụ 100%… sang đến ca trưởng chỉ còn 50%… xuống đến chị bán xôi thì chỉ còn 10%… Mùa Giáng sinh 1957, ca đoàn Hồn Nước ra mắt giới thưởng ngoạn Sàigòn một cách phấn khởi tại rạp Thống Nhất. Năm 1958, tại Thảo Cầm Viên Sàigòn, Ca đoàn trình tấu hợp xướng Đà Lạt Trăng Mờ với phần nhạc đệm của Ban Nhạc Hòa Tấu New York của nhạc trưởng Sherman dưới sự điều khiển của chính Nhạc sư Hải Linh.
Năm 1959, vào những ngày 16, 17, 18 tháng 2 năm 1959, Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc tổ chức tại thủ đô Sàigòn mang tầm vóc Quốc tế với sự hiện diện của Đức Hồng y Agagianian, Đặc sứ của Đức Thánh Cha Gioan 23 và nhiều Giám mục Á Châu - Ca trưởng Hải Linh điều khiển Ca đoàn Hồn Nước đảm nhận phần Thánh ca trong Thánh Lễ Đại Trào trước Vương Cung Thánh Đường (Nhà thờ Đức Bà) Sàigòn. Bài Kính Mừng Nữ Vương được Giải Nhất trong dịp này.
Trong khi Hải Linh có đất dụng võ thì Cô Phạm Thị Ly vẫn làm việc ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn. Do những nguyên nhân sâu xa, năm 1961, gia đình Nhạc sư Hải Linh lại di chuyển qua Hoa Kỳ và Bà Ly xin được một chân Khoa trưởng (Dean) tại một Đại học. Lúc này, ông bà đã có hai người con: Cecilia Dung Trần và Joey Đức Trần. Khi sanh Cecilia Dung - trong một đêm - Hải Linh sáng tác xong một bản Hợp ca 4 bè. Đó là bài Lòng Mẹ (lời của Y Vân). Riêng cậu Đức thì mãi sau khi về lại Việt Nam (1970) Hải Linh mới sáng tác xong bài Thằng Bờm để tặng cho con trai. Sau này (1987) trong một lần chở Thầy Hải Linh tới Newman Center (Đại học UNO – University of New Orleans) tập hát cho Nhóm New Orleans (sẽ đi dự Lễ Phong Thánh tại Roma 19.6.1988), Hải Linh kể cho tôi như sau: Năm 1969, trước khi qua Paris rồi về Sàigòn, cậu Joey Đức nói:
Má thì Ba đã tặng bài Đà Lạt Trăng Mờ, chị Cecilia Dung thì được bài Lòng Mẹ, còn con chưa có gì… Hải Linh yên ủi con:
Ba hứa, trước khi chết… Ba sẽ có kỉ vật cho con và bài THẰNG BỜM là quà tặng cho con trai Joey Đức sau khi Hải Linh về tới Sàigòn ít lâu…Trong thời điểm 1961-1969, Hải Linh có cơ hội nghiên cứu thêm nghệ thuật Âm nhạc tại Mỹ, đồng thời dạy một số giờ Việt ngữ và Văn hoá Á Đông tại Đại học Monterey, California cho những nhân viên chuẩn bị sang làm việc tại Việt Nam. Hải Linh than thở:
Thời gian này, hầu như không sáng tác được bao nhiêu… Trở lại Quê Hương lần thứ hai cho đến ngày 30.4.1975
Năm 1969, Hải Linh từ California bay qua Paris để rồi trở về thẳng Việt Nam do sự thúc giục của Đức cha Phạm Ngọc Chi và Ủy ban Thánh Nhạc Toàn quốc. Cả một khả năng tiềm ẩn như vậy và tuổi đời mỗi lúc một cao -
vì thời gian không chờ đợi ai - chính Hải Linh cũng cảm nhận như vậy, nên việc qui cố hương là một quyết định khôn ngoan và hợp lý, không còn lựa chọn nào khác. Chính Hải Linh có lần cho biết:
Thời gian chuẩn bị về Việt Nam, gia đình cũng gặp trục trặc không ít. Hai con Cecilia và Joey nhất định không chịu về và báo cho Nhà trường can thiệp để cô cậu ở lại Mỹ. Bà Ly cũng không muốn về vì cuộc sống dạy học ở Cali đã ổn định và vững vàng (mặc dầu Giáo sư Đỗ Bá Khê sẵn sàng sắp xếp để Bà Ly về dậy tại Đại học Đà Lạt).Năm 1970, tôi còn nhớ rất rõ vào một buổi trưa, sau khi dạy ở La San Taberd về Nhà thờ Mạc-Ti-Nho (góc đường Hồng Thập Tự và Đinh Tiên Hoàng), đang dựng xe để vào phòng nghỉ ăn trưa thì Cha Hoàng Kim từ trên lầu nói vọng xuống thật lớn với vẻ thật phấn khởi:
Nhị Long ơi, Hải Linh đã về tới Sàigòn này rồi. Và rồi hai Cha con tôi nói chuyện ít phút, vì tôi còn phải đi dạy tại trường Thánh Mẫu, Gia Định. Đại ý, Cha Hoàng Kim nhận định:
Hải Linh đã bước vào cái tuổi Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh (tuổi 50 – biết rõ mệnh Trời) và sống tại Hoa Kỳ quá lâu với một khả năng thiên phú như vậy, bó chân bó tay ở xứ người, uổng đi…Việc Hải Linh trở lại Sàigòn lần này đã tạo nên một luồng gió mới thổi vào Ủy Ban Thánh Nhạc VN. Công việc đầu tiên là tái sinh hoạt Ca đoàn Hồn Nước với một số ca viên mới. May mắn, Dòng Đức Mẹ Mân Côi (Chí Hoà, Sàigòn) đã dành một phòng nhỏ bên trường Môi Khôi để Hải Linh tạm trú trong khi chưa có nơi ở ổn định. Nhưng cơ duyên đáng trân trọng hơn nữa là Dòng Mân Côi đồng ý cho Hải Linh được tuyển chọn 30 em trong số 300 em nữ sinh dự tu (Đệ Tử viện) để bổ xung hai bè Soprano và Alto. Bè Tenor và Bass gồm những Ca viên Hồn Nước cũ và một số thành viên mới. Băng nhạc Hồn Nước Số 1 với những ca viên chọn lọc kỹ như vậy nên đã đạt được tầm mức nghệ thuật như ý Hải Linh mong đợi. Nhưng năm sau, vì những lí do ngoài ý muốn, Ca đoàn Hồn Nước phải dời về sinh hoạt tại trường Nguyễn Bá Tòng (đường Bùi Thị Xuân) và lẽ dĩ nhiên mất luôn hai bè Soprano và Alto mà Hải Linh đã dày công luyện tập trong một thời gian dài. Băng nhạc Hồn Nước số 2 bị mất đi những giọng ca chọn lọc đáng trân quí.
Ngày 21.11.1971, Đại Hội Thánh Nhạc Toàn Quốc lần đầu tiên, do Linh mục Nhạc sư Tiến Dũng và Linh mục Nhạc sĩ Gioan Nguyễn Văn Minh tổ chức tại hội trường La San Taberd Sàigòn, Ca đoàn Hồn Nước lại một lần nữa sáng chói trong Đại hội. Trong Đại hội long trọng này, Ca trưởng Hải Linh điều khiển Ca đoàn Đại Hợp xướng Liên Tu sĩ với mấy trăm ca viên gồm các Đại Chủng sinh Sàigòn, đại diện các Dòng tu Nam nữ, cùng với Ca đoàn Hồn Nước - trình tấu Giáo Trường ca AVE MARIA. Sau trên một thập niên vắng bóng, sự kiện Hải Linh trở lại bục điều khiển đã đem lại niềm tin tưởng, niềm phần khởi cho giới yêu chuộng nghệ thuật hợp ca. Cùng xuất hiện trong dịp này có Ban Dân ca của Nhạc sĩ Hùng Lân, Ca đoàn Hương Nam của Linh mục Nhạc sĩ Hoàng Kim, Ca đoàn Đẹp Bình Minh của Linh mục Trần Học Hiệu…
Đại hội gồm hai suất:
- Suất I: Khai mạc lúc 10 giờ sáng do Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình chủ toạ.
- Suất 2: Khai mạc lúc 5 giờ chiều do Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre chủ toạ.
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối, ngành Nghệ thuật Thánh Nhạc Việt Nam tổ chức được một Đại hội qui tụ những Ngôi Sao xuất chúng thật tuyệt vời.
Nhịlong Nhịlangsơn