Taberd.org
./mt_vn.gif
 
    Phần 2Phần 3

Phần 3 - Lễ hội của địa phương

Lễ Cúng Trăng Ooc-Om Bok và Đua Ghe Ngo

Lễ Ooc-Om Bok, tiếng Khmer có tên khác là lễ Cúng Trăng (vì tổ chức vào đúng đêm hôm trăng rằm và bắt đầu từ khi trăng lên) của người Khmer Nam Bộ sống ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. [8]

mt8

Xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, người Khmer hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tương ứng tháng 10 âm lịch, tổ chức lễ Ooc-Om Bok để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại lương thực dồi dào cho con người. Đặc điểm của nghi lễ này là sự có mặt của những em nhỏ, được người ta lấy những hạt cốm dẹt đút vào miệng để “lấy khước”.
Vào lúc này, thời tiết bắt đầu khô ráo, gió chướng thổi nhẹ, lúa ngoài đồng bắt đầu chín lốm đốm. Đặc biệt đối với tuổi trẻ, vào những ngày này trai gái thường rủ nhau đi chơi, ngắm trăng, tâm sự và tỏ tình. Để chuẩn bị cho đêm lễ cúng Trăng người ta đào lỗ trước sân nhà, hay sân chùa (nơi dự định cúng lễ) để chôn hai cây trụ tre, cây tầm vông, bên trên có một cây xà ngang dài độ 3 mét, giống như một cổng chào có trang trí hoa lá. Dưới cổng có kê một chiếc bàn phủ vải đẹp, bên trên để một lọ hoa, nhang, đèn và các thứ cúng gồm có trái cây như chuối, bưởi, cam, thơm cùng các loại củ có chất bột như khoai lang, khoai mì, khoai môn và bánh kẹo, đặc biệt là món cốm dẹt được chế biến từ những bông nếp vừa chín đầu mùa lấy từ ngoài đồng về. Mọi người từ già đến trẻ đều mặc đẹp, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa để đón trăng.
Buổi tối, khi ông trăng rằm to như chiếc đĩa màu vàng đỏ và vừa nhô lên khỏi ngọn cây thì dân chúng đã tề tựu đông đủ tại nơi khuôn viên chùa, hay ở nơi sân nhà, hoặc nhiều nhà cùng tập hợp nhau lại tại một địa điểm rộng rãi, thuận lợi nhất để chuẩn bị lễ cúng. Bà con đến dự lễ được mời ngồi trên những chiếc chiếu hay tấm đệm trải sẵn trên đất, hai tay cung kính chắp lại để ra trước mặt hướng về phía mặt trăng đang lên. Một cụ già làm chủ lễ đứng ra đọc lời khấn, nói lên lòng biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận những lễ vật và cầu mong trong những ngày tháng tới, thần Trăng sẽ đem lại cho mọi nhà, mọi người những niềm vui mới: sức khoẻ, thời tiết tốt đẹp, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống thái bình, no ấm…Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước nhằm xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giống như lễ tống ôn, tống dịch của người Việt, để chỉ còn lại sự bình yên, niềm vui và tình đoàn kết xóm làng.
Riêng ở Sóc Trăng song song với lễ Cúng Trăng dân địa phương còn tổ chức cuộc đua ghe ngo với sự tham dự của nhiều đội đua ghe đến từ những sóc, thôn hay tỉnh lân cận. Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước. Điều “tối kỵ” trong trước khi đua là không để ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa” làm ghe có thể gãy đôi khi đua. Theo thông lệ xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiếc bị chìm thì coi như xử huề.
Trong lúc đua ghe ngo, việc cầm giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng kết hợp nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là yếu tố quyết định đến tốc độ của ghe. Tốc độ của ghe đua khi về đích có thể đạt đến trên 30km/h nên nếu cầm lái yếu rất dễ làm ghe bị lật úp, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn, chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định sao cho với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới. Để được ngồi ở mũi ghe, ngoài kinh nghiệm về bơi đua, người ngồi mũi còn phải là “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, phải là người đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng đường, sữa để “o bế gà” của Sóc mình.
Tuyến đường dài khoảng 5km dọc hai bờ sông Maspéro chật kín người và xe, tiếng hò reo của những cổ động viên làm náo nhiệt cả dòng “sông Trăng” thơ mộng. Không chen kịp chân đến khu vực khán đài, nhiều người đã leo lên mái nhà, ngọn cây và lội xuống sông xem đua ghe ngo. Suốt đêm ngày lễ hàng ngàn người Khmer ở các tỉnh miền Tây không ngủ mà tiếp tục kéo về Thi xã để cùng nhau… đi bộ giữa dòng người chật ních tất cả tuyến đường chính của Thị xã để xem hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc

Chúng ta chỉ nghe kể và biết đến quang cảnh tưng bừng vào dịp lễ Phật đản nào là chư Thiên rải hoa, có nhạc trời trổi vang lừng, có nước trời tuôn xuống tắm gội và Ngài đi bảy bước trên hoa sen… song chúng ta không để ý nên chẳng hiểu thấu được nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh gian nan cực cùng của Phật khi Ngài sinh vào đất nước Ấn đầy dẫy thần quyền, áp bức và bất công này. [9]

mt9

Người viết không có ý định bàn về tôn giáo chỉ muốn biên sơ qua về quan niệm Phật học và ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống hàng ngày của dân miền Tây mà thôi.
Theo trí nhớ người viết thì người dân miền Tây hằng năm đi dự 2 đại lễ, ngoài Tết Nguyên Đán – lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc. Lễ hội Phật đản ở nước ta được tổ chức quy mô hoành tráng mang tính lễ hội của dân tộc, vì thực ra ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo mới du nhập, Đại lễ Phật đản đã được cộng đồng Phật giáo bấy giờ tôn vinh. Cơ sở để thực thi tổ chức lễ Phật đản đã được định hình từ một nền Phật giáo quyền năng trước đó, xuất phát ở trung tâm Phật giáo với các hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, học thuật phát triển. Hình ảnh rước Phật Tứ Pháp trong ngày Lễ Phật đản để cho dân chúng mọi nơi được dịp chiêm ngưỡng lễ bái cầu nguyện là điều tất nhiên. Trong ý nghĩa, ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục, học thuật của Phật giáo mà còn là nơi quy tụ, kết nối sự yêu thương, tinh thần đại đoàn kết cả dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực. Do đó, lễ hội của Phật giáo là quy luật tất yếu. Một mặt nó đáp ứng và giúp cho mọi người khi nhìn thấy sự tôn vinh hình ảnh Đức Phật đản sinh mà phát nguyện tự tìm thấy Đức Phật của mình trong chính bản thân mình, mặt khác từ đây sẽ kết nối liên thông giữa mọi tầng lớp trong xã hội, hãy đến với nhau bằng tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha theo thông điệp “Dù ai buôn bán ở đâu, tháng tư ngày tám rủ nhau hội chùa”…
Theo tín ngưỡng miền Tây thì hàng năm vào ngày 25 tháng tư âm lịch dân ta nô nức đến dự lễ Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Đây cũng được xem là bắt đầu của cuộc hành hương về Núi Sam để vía Bà…Nhớ lúc còn bé chúng tôi rất nôn nóng đêm trước khi khởi hành với hàng vạn Phật tử khắp nơi đổ xô về núi Sam Châu Đốc để hành hương. Trên xa lộ hàng hàng lớp lớp xe cộ nối đuôi nhau trông cảnh rất nhộn nhịp không khác gì ngày tết vì mọi người cùng có một chí hướng duy nhất là đi hành hương vía Bà Chúa Xứ Châu Đốc. [10]
Theo thiết nghĩ điều quan trọng nhất trong tất cả tôn giáo vẫn là “niềm tin”. Có thể là niềm tin ở đấng Tối cao, Thượng đế, Đức Phật hay hơn nữa là sự tự tin ở chính bản thân mình. Để có niềm tự tin thì ta phải thành công nơi chính mình, phải thấy được cái hay cái đẹp trong lòng mình. Để khắc phục được “niềm tin” ta phải sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống, phải biết sử dụng nó một cách lợi ích cho mình và cho người khác. Ta phải tập buông bỏ lòng tự hào và ích kỷ để sẵn sàng hòa nhập mình vào tất cả. Nếu ta có đời sống nội tâm vững vàng như vậy, thì có đặt câu hỏi về niềm tin hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Cho nên đức tin có hiểu biết luôn dẫn đầu trong mọi thành công…

Thay lời kết: Nếu như mỗi người trong chúng ta đều tự thấy con đường của chính mình cùng với lịch sử dân tộc đang trải qua…càng ngày càng xa rời cội nguồn thì nhất định sẽ có một ngày đó chúng ta sẽ nhớ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình hoặc sẽ nhớ lại từ “quê cha đất tổ” ngược dần đến mảnh đất miền Tây nơi đó có “Cha ông Ta” đã bỏ công gầy dựng và khai sáng nền văn minh của cả một dân tộc như dân tộc Trung Quốc có Hoàng Đế là đại diện, Nhật Bản có Thái Dương Thần Nữ là thủy tổ, còn dân tộc Việt Nam là con Rồng cháu Tiên…

mt10

Là một người con xuất thân từ xứ xở miền Tây, trong tôi lúc nào cũng có lòng tự hào của dân tộc miền Tây yêu dấu, với những hoài niệm thời thơ ấu không thể nào xóa bỏ được dấu vết của quê hương trong tiềm thức. Sống giữa cộng đồng với nhiều chủng tộc khác nhau, chúng ta rất hảnh diện là người Việt Nam, và giữa những người Việt với nhau, chúng ta tự hào là một đứa con miền Tây.
Chúng ta đã gắn bó với quê hương từ dòng máu, từ làn da và sẽ mãi mãi ấp ủ một quê hương mang theo như một người con xa xứ, như một kẻ ly hương không bao giờ quên câu ca dao, tiếng mẹ ru con vừa da diết, thiết tha vừa ẩn chứa nỗi nhớ niềm thương về một chốn quê xa, những giọng hò trên sông và sáu câu vọng cổ của xứ sở Miền Tây…
Khi chúng ta sống trên đất khách và hòa nhập với nền văn hóa tây phương chúng ta đã hiểu rất nhiều và ta thường ví như “ăn cơm tàu ở nhà tây và sống với nhiều tiện nghi kiểu Mỹ”. Rốt cuộc rồi “ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Câu ca dao bất hủ nầy không muốn biện hộ rằng xứ sở quê hương miền Tây chúng ta là nhất và cũng không có nghĩa là quê hương ta có đời sống khá hơn tiện nghi ở hải ngoại, ngược lại miền Tây chúng ta vẫn còn nghèo lắm, xứ sở thân yêu chúng ta vẫn còn rất nhiều thiếu thốn về mặt vật chất cho nên chúng ta luôn có một hoài bảo là muốn thấy dân miền Tây càng ngày càng có nếp sống khấm khá hơn… Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta nên giữgìn, quảng bá và phát huy nền văn hóa miền Tây một cách hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng.
Khép lại câu chuyện về ký ức xa xứ của một Việt kiều ở cái tuổi ngủ tuần muốn tìm hiểu về nguồn cội miền Tây thân yêu một thuở, dội vào những âm thanh náo nhiệt của những tiếng bong bong từ chiếc ghe ngo, những bài ca vọng cổ từng vang bóng một thời và những âm hưởng của cuộc sống êm đềm ở miền Tây. Tôi vẫn nghĩ rằng một khi văn hóa của một dân tộc mãi mãi mất đi thì người dân sẽ không còn nguồn cội, tuổi trẻ thế hệ kế tiếp sẽ hỏi rằng nền văn hóa chúng ta từ đâu có và sẽ đi về đâu…

Nguyễn Hồng Phúc
Nhân dịp tết Canh Dần 2010
Commented and edited by a former group of Hoàng Diệu and Taberd:
- Nguyễn Chí Thân (Taberd 58-62)
- Nguyễn Thị Tuyết
- Cathy Phan
- Huỳnh Ngọc Minh
- Trần Thu Hương

Tài liệu tham khảo
  1. Tìm hiểu đất Hậu Giang – Nhà Xuất bản Phù Sa, Sài gòn 1959, Sơn Nam, trang 25-35
  2. Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim. Bộ Giáo-Dục Trung Tâm Học Liệu, 1960. trang 137, 139, 140
  3. VietNam Tourist Guidebook
  4. http://www.dulichanz.com/Cho-noi-Net-dac-trung-cua-song-nuoc-mien-Tay/
  5. http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx
  6. http://www.baomoi.com/Home/VanHoa/www.baodatviet.vn/Tung-bung-dua-ghe-ngo-tai-Soc-Trang/2171862.epi
  7. http://www.tracevietnam.com/vietnam-culture-list.asp?qCCId=1
  8. http://www.tracevietnam.com/vietnam-culture-detail.asp?qCLId=277
  9. http://www.giacngo.vn/chude/dailephatdan2553/2009/05/14/5B4012/
  10. http://muaban.ccom.vn/showthread.php?t=2918
  11. http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Tuc-chon-nguoi-xong-nha-dau-nam/7/2197/
  12. Lịch sử Việt Nam – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Nhà Xuất bản Đại Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1991
  13. Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quãng Hàm. 1941 Nhà Xuất bản Xuân Thu
  14. A History of VietNam from Hong Bang to Tu Duc - Oscar Chapuis, Greenwood Press 1995
  15. Việt Sử Toàn Thư - Từ Thượng Cổ đến Hiện Đại – Phạm Văn Sơn, Nhà Xuất bản Xuân Thu, 1960, trang 370
  16. VietNam-Culture.com đọc từ tài liệu Internet
    Phần 2Phần 3
Cập nhật 12-10-2012