Phần 1 – Lịch sử và địa danh
Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn,
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng,
Lúa thơm cho đủ hai mùa,
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng đê mê…
Lời phi lộ: Từ thuở bé tôi đam mê mấy bản nhạc đầy ắp tình quê hương –
Làng tôi, Tình Hoài Hương, Việt Nam Quê Hương Tôi, Hương Đất, v.v. Những bài hát ấy vẫn nằm mãi trong tiềm thức của tuổi thơ cho đến ngày nay… Tôi có một hoài bão rằng là một ngày nào đó sẽ tìm hiểu về nguồn cội quê hương xứ sở thân thương của mình… xứ miền Tây Nam bộ…
Quê hương là nơi mà mình sinh ra đời và lớn lên ở đó, sống hầu hết thời kỳ thơ ấu với rất nhiều kỷ niệm. Ông cha ta thời xa xưa đều sống bằng nghề nông và thường định cư ở một nơi, đời nọ sang đời kia. Vì vậy nên khi nói đến quê hương là người ta liên tưởng đến một làng quê với luỹ tre xanh, với đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh…
Cho dù quê hương tôi còn nhiều điều chưa được tốt đẹp và hoàn hảo cho lắm, đồng bào tôi vẫn còn nghèo khổ lắm nhưng nơi đó vẫn là nơi mà tôi đã được dạy cho biết đó là quê hương tôi.
Quê hương vẫn là nơi mà chúng tôi vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn mong muốn cho quê mình ngày càng khấm khá hơn, vẫn muốn trở về sống trong tình làng nghĩa xóm tràn đầy yêu thương, vui vẻ…Không phải đến bây giờ sau bao nhiêu năm sống xa quê hương, đất nước, con người mới thấy nhớ về quê hương xưa cũ. Cho dù ngày nay những người bỏ xứ ra đi đã có nhiều người làm nên sự nghiệp huy hoàng, nắm những vai trò cao cấp trong xã hội mới. Thế nhưng lòng hoài hương vẫn theo đuổi trong tâm tư trên bước đường lữ thứ.
Dải đất hình chữ S mà Chế Lan Viên ví như "
một con tàu xẻ sóng", đã chịu đựng quá nhiều đau thương bất hạnh trong suốt hàng thế kỷ chiến tranh. Dải đất hình chữ S kia đối với tôi là hình ảnh của một giọt nước mắt chảy dài trong đêm tối, là bóng dáng co ro của mẹ Việt Nam đang ngóng trông những đứa con còn mãi miệt mài mưu sinh nơi đất khách quê người… xa tít bên kia bờ đại dương…
Tình quê hương đã nằm trong máu huyết của mỗi chúng ta. Miền Tây là nơi đã nuôi dưỡng và bao bọc chúng ta, nơi có những cánh đồng lúa vàng, thửa ruộng xanh rì, là nơi có dòng sông tắm mát của tuổi thơ với những cành cây nặng trĩu trái ngọt và bà con dòng họ làm ta mãi thổn thức mỗi khi nhớ về… Trải qua lịch sử mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ người dân Việt phải ra đi nhiều và tha hương lưu lạc khắp nơi như vậy. Chúng ta tưởng đã vĩnh viễn cách xa, là ngàn trùng ly biệt. Nhưng trong thực chất mỗi con người chúng ta vẫn còn cái tình đối với quê hương và cái nghĩa đối với dân tộc. Tình nghĩa ấy đã giúp dân tộc Việt tồn tại mãi đến ngày hôm nay.
Chúng ta luôn hướng về quê hương với những kỷ niệm thời ấu thơ, từng sống dưới những mái nhà tranh êm đềm bên cạnh luỹ tre xanh, nhớ về con đường làng đến bờ kinh xanh sau làn khói lam chiều. Ngày xưa chúng ta ra đi phải gạt đi những giọt nước mắt vì ngày về thì quá xa. Ngày nay trở lại miền Tây sau bao nhiêu năm xa cách. Trên đường về làng xưa, qua những phố xá đông người, những con đường xưa bị đổi tên xa lạ, nhiều ngôi nhà mới cất nguy nga, tráng lệ bên cạnh những mái nhà tôn còn hoen ố màu của rỉ sét thời gian, con đường xưa yên tĩnh bây giờ trở thành những khu phố "thương mại" buôn bán tấp nập, với đủ kiểu kinh doanh hè phố, với những tương phản của cuộc sống, những náo nhiệt của tuổi trẻ và những suy tư của người già…
Mời bạn hãy cùng chúng tôi đi ngược dòng thời gian để trở lại chốn xưa, chia sẻ những bồi hồi xúc động khi thăm lại con đường xưa, xóm cũ đầy ắp kỷ niệm ấu thơ… Và để tìm hiểu thêm về văn hóa miền Tây, chúng ta thăm lại non sông cẩm tú ấy với Mỹ Tho Đại phố, qua bến Ninh Kiều diễm lệ bên cạnh dòng sông Cần Thơ, về Bạc Liêu để nghe lại bài dân ca Dạ Cổ Hoài Lang, đến Sóc Trăng để nghe lòng rộn rã hồi hộp khi dự lễ đua ghe Ngo, về Cà Mau thăm lại rừng tràm, rừng mắm…
Kính dâng lên hương hồn Cha, người đã sớm hun đúc cho con cái một tấm lòng luôn thiết tha với quê hương, để viết lên những huyền thoại vẻ vang của dân miền Tây cũng như xứ sở Việt Nam …
Miền Tây và Văn hóa Óc Eo
Năm 1679, hai di thần nhà Minh là Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biển và gia quyến với 3000 người, hơn 50 chiến thuyền di tản về phương nam đến gần kinh đô Thuận Hóa, với lòng mưu cầu phục Minh sau này, đến để xin được chính quyền Việt Nam giúp đỡ. Chúa Nguyễn, Hiền Vương, nghĩ nếu từ chối và đuổi đi, thì đám tàn quân nầy vì cùng đường có thể đánh phá ta, nên tiếp đãi niềm nở, còn khoản đãi, phong chức và cho phép vào phía nam khẩn hoang, lập nghiệp ở Biên Hòa, Cù Lao Phố, và Định Tường – Mỹ Tho Đại phố với lời chỉ dẫn "
đó là vùng đất mới của ta [1][2].
Điều đáng chú ý là đòan chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn thần tình. Chứng tỏ thời chúa Nguyễn vùng đất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được nghiên cứu kỹ lưỡng tường tận.
Tướng Trần Thắng Tài vâng lệnh Chúa Nguyễn dẫn một đoàn quân với chiến thuyền đi về vùng Biên Hòa để khai phá và định cư lập nghiệp. Phần đất này là căn cứ xuất phát của người Việt đầu tiên xâm nhập bằng đường lối hoà bình vào lảnh thổ Miên. Dần dần người Việt đuổi dân Khmer về miền Tây Nam phần. Người Miên phải bỏ làng mạc và ruộng đất, sống ẩn náu trong các rừng rậm hoặc đầm lầy. Họ mở mang thương mãi và chỉ trong ít lâu biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mãi trù phú. Đến khi Tây Sơn tiến đánh vào Nam, một phần dân cư ở đây di tản về Bến Nghé sanh sống. Họ chuyên thu mua và bán nông phẩm từ phía Định Tường chở tới. Bến Nghé sau này trở thành Chợ Lớn và hoạt động kinh tế vẫn còn nằm trong tay người Hoa. Trong lúc đó, tướng Dương Ngạn Địch dẫn một đoàn quân kéo về Định Tường định cư lập nghiệp. Cánh nầy chuyên về nông nghiệp. Họ lập ra những nông trại, dần dần mở mang ra thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay. Vào thời đại nây nền kinh tế miền Nam bộ rất phồn thịnh. Vào cuối thế kỹ 16 với sự thông thương buôn bán với những nước Tây phương như Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc làm đất nước thêm trù phú. Vào thời đại nầy đạo Thiên Chúa giáo cũng bắt đầu gia-nhập vào đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam.
Vào thời gian ấy năm 1695, Mạc Cửu từ Thái Lan qua, đặt chân ở Hà Tiên, lập ra thương cảng, một thời buôn bán phồn thịnh. Sau nhiều lần bị Xiêm La (Thái Lan) và Chân Lạp (Cao Miên) uy hiếp, Mạc Cửu chấp nhận thuần phục Nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong chức quan, cai quản phần đất Hà Tiên để về sau nầy nối liền với Rạch Giá [2].
Cũng vào triều đại nhà Lê Chiêu Thống, đất Bắc ngự trị bởi chúa Trịnh trong khi miền Nam là đất của Nhà Nguyễn, nên khi Gia Long (Nguyễn Ánh) tẩu quốc, chạy vào Định Tường, Ba Giồng, được dân chúng miền Nam khắp nơi niềm nở đón tiếp và phục vụ nhà vua tận tình. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng vào thời đại từ 1627 đến 1772.. Từ khi hoàn toàn chinh phục miền Nam năm 1802, nhà Nguyễn chiêu mộ dân lập ấp đưa về miệt dưới như Ba Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá. Trong chương trình lập ấp, tức tổ chức định cư về mặt xã hội, chính quyền nhà Nguyễn kêu gọi những tù phạm nếu hưởng ứng chương trình này họ sẽ được khoan hồng. Nhà Nguyễn theo đuổi mục tiêu chiến lược là mở rộng bờ cõi về phía Nam, thiết lập và củng cố chính quyền miền Nam, tổ chức phòng thủ chống ngoại xâm. Và lãnh thổ Nhà Nguyễn từ đó chạy dài tận mũi Cà Mau….Theo sự suy diễn thì chúa Nguyễn có công to lớn trong việc mở mang bờ cỏi và khai thác vùng đất màu mở và trù phú bị bỏ hoang để trở thành miền Tây trù phú phồn thịnh hơn các nơi khác trên toàn quốc.
Để có một ý niệm khái quát, chúng ta không thể tách rời lịch sử của đất miền Tây ra khỏi lịch sử của nước Phù Nam, của nước Chân Lạp và lịch sử các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nói chung [2].
Cũng theo người làm sử [1] thì thành cổ Óc-Eo là một thương cảng sầm uất thời trung đại bị chìm dưới lòng đất, được nhà Khảo cổ tên Francois Malleret tiến hành khai quật vào ngày 10 tháng 2 năm 1944 (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn cách thành-phố Long Xuyên 30Km về phía tây nam) đã làm "sống lại" một nền văn hóa cổ, đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam. Qua những kết quả nghiên cứu, hình thái văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã được hình thành khá rõ nét, với một số đặc trưng tiêu biểu như: một số kỹ thuật làm đầm lầy khá cao, thể hiện qua cách giải quyết đất thấp làm nơi cư trú bằng cách cất và nâng cao nhà sàn bằng gỗ, việc thực hiện hệ thống kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mà dấu vết còn quan sát được bởi nhà khảo cổ. Phần lớn những di tích kiến trúc của Phù Nam là những đền thờ và mộ táng với một loại hình kiến trúc gạch đá hỗn hợp có quy mô lớn bằng kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc, lối lắp ráp những phiến đá granit lớn, v.v.
Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, đồng tiền bằng đồng, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã...); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ). Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam và những vết tích của nền văn hóa này hiện vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng viện vùng nầy.
Theo những khám phá của các nhà khảo cổ học, con người đã có mặt ở vùng đất miền tây Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi… thì từ cách đây từ 2,000-3,000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất còn chứa nhiều nước mặn, sình lầy, cây dại và dã thú này; đồng thời họ cũng để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Rất tiếc là các di tích của nền văn minh ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất miền Tây, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam trong sử sách.
Công cuộc mở đất phương Nam chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở đầu TK 17. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân theo cách qui mô từ vùng Ngũ Quảng trở vào - Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), và Quảng Nghĩa(Quy Nhơn), kết hợp với sự di dân lẻ tẻ sau thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và Mạc Cửu cầm đầu), cùng với việc di dân lẻ tẻ trước TK 15 của những lớp cư dân cổ Khmer đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của vua chúa Xiêm La, và sự di dân tự nhiên của người Chàm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc miền Tây Nam Bộ mới thật sự hình thành. Nhờ quá trình sinh sống gần gũi giữa các cộng đồng dân tộc tạo nên những tiếp xúc văn hóa với nhiều đặc trưng khác nhau, làm nên tính chất văn hóa, kinh tế của một vùng đất miền Tây rộng lớn. Đây là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa màu sắc. Song những đặc trưng văn hóa của các tộc người anh em khác vẫn tồn đọng sâu đậm trong nông thôn của nhiều vùng - đặc biệt là những vùng có tính chất khu biệt như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Từ giả thuyết trên chúng ta có thể suy diễn rằng tổ tiên chúng ta là sự kết hợp của những tàn quân Tây Sơn lánh nạn để thoát vua Gia Long đến từ vùng Ngũ Quảng và An Khê (Pleiku) cộng với sự di dân của nhà Minh trước triều Mãn Thanh, sự di dân của người Khmer để tránh sự diệt chủng của vua chúa Xiêm La và người Chàm hồi giáo. Dần dần họ trở thành những nhà nông biết trồng trọt lúa gạo, biết dựng nhà, đóng thuyền, luyện kim, dệt vãi, chế tạo đồng thao, vẽ tranh tạc tượng, suy nghĩ khoa học và cũng có thể sáng tạo được chữ viết. Và cũng do sự tình cờ của lịch sử hơn nghìn năm dài Bắc thuộc và hơn trăm năm lệ thuộc Pháp đã đóng góp nhiều cho nền văn hóa miền Tây…
Để tìm hiểu đặc trưng văn hóa miền Tây, tất nhiên phải quan sát tính cách con người để xem xét. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, văn học, cũng như kiến trúc, những lễ hội và phong tục. Chúng ta thử tìm hiểu những nét đặc sắt của nền văn hóa miền Tây như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Thanh Minh, tục thờ cúng và làm giỗ Ông Bà và tổ tiên, lễ cưới hỏi, lễ cúng trăng với đua ghe Ngo Sóc Trăng, lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc, dân ca miền Tây và Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy…
Chợ nổi Cái Bè / Ngã Bảy / Cái Răng / Ngã Năm
Người dân miền Tây chủ yếu đi lại bằng kênh rạch nên tốt nhất chở ra một đầu mối ở sông để mà bán, từ đó hình thành một cái chợ nổi. Nhưng chợ nổi miền Tây rất sinh động, sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan, một khu chợ nhân tạo, trong khi đó chợ nổi của ta hình thành từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú miền Tây gồm các văn hóa nổi bật như: trao đổi, giao tiếp, hò đối đáp, đờn ca tài tử, hát bội và sân khấu cải lương… Trong văn hóa sông nước miền Nam bộ thì chợ nổi Ngã Bảy, Cái Răng, Cái Bè và Ngã Năm có nét đặc thù riêng biệt. Theo sự nghiên cứu thì những chợ nổi này đã hình thành hơn trăm năm nay. [4]
Đối với những người mua bán ở chợ nổi, chiếc ghe dùng để chở hàng hóa cũng là căn nhà di động. Mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Khoảng không gian tuy hẹp nhưng cũng đủ gói ghém những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Đến chợ nổi, bạn sẽ chứng kiến cảnh mua bán rau quả, đặc sản địa phương hàng hoá rất đa dạng, phong phú và có thể trao đổi hàng hoá nông sản của miền Tây Nam bộ như: xoài, mận, cam, bưởi, vú sữa, ổi, hành, ớt… Rất nhiều loại hàng quán khác mọc ven sông như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi ngay cả xăng dầu cũng có… Từ ngàn xưa, khi tiền tệ chưa xuất hiện, việc trao đổi mua bán cuả người dân miền Tây sông nước qua hình thức "hàng đổi hàng". Ngày nay, hình thức này đã không còn tồn tại. Vì thế cư dân gần đây đã tái hiện lại phong tục này mà chính du khách là người trao đổi với những chủ ghe bán loại trái cây, rau quả mà khách thích. Nét đặc trưng trong cách thức mua bán ở chợ nổi là không phô trương hàng hóa hoặc rao hàng như các chợ trên đất liền, mà từ lâu người ta đã dùng tín hiệu. Sản phẩm miệt vườn được treo trên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết ngay ghe bán thứ gì.
Mỗi chợ nổi miền Tây có một nét đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ chợ nổi Ngã Bảy ở đây mặt sông mênh mông rẽ về bảy ngã. Từ các ngã, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt… còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, người ta sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Ngã Bảy cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, bạn sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Ngã Bảy quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách. Trong khi chợ nổi Cái Răng thu hút khá đông du khách đến tham quan và tăng gấp bội vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Đến chợ này bạn sẽ có dịp trò chuyện với các nhà vườn xung quanh về những kinh nghiệm trong việc trồng cây trái ngon ngọt của họ. Đôi khi khách còn được nhà vườn biếu những loại trái ngon, vật lạ làm quà hoặc mua với giá rất rẻ. Sản phẩm chợ nổi Cái Răng để lại dấu ấn trong văn minh thương mại sông nước. Chợ Nổi Cái Răng được xem như là sản phẩm đặc thù của thành phố Cần Thơ cũng như sông nước đồng bằng.
Ngày nay khi ta đến với vùng đất Miền Tây đi qua sông Tiền, Sông Hậu sẽ được nghe nhắc đến những khu chợ nổi đặc trưng của Miền Tây như: chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)…những khu chợ nổi này đã gắn bó với người dân và hơn nữa trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước những khu chợ nổi này đã trở thành một loại hình văn hoá du lịch hấp dẫn đới với du khách trong nước và quốc tế. Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố miền Tây, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng - một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng…
Dân ca (Vọng Cổ và Cải Lương) Nam Bộ
Bản vọng cổ đã có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng, nó chiếm lĩnh tình cảm tất cả các tầng lớp từ trí thức, đến những người bình dân nhất… Chỉ có câu chữ nhạc trong khuôn khổ nhất định mà mỗi người đờn nghe khác nhau về âm sắc, người ca nhiều hơi, kỹ thuật giọng điệu cũng khác nhau, người viết lời khác nhau tạo hương sắc bản vọng cổ muôn màu muôn sắc tuyệt vời.
Ai là người sáng lập nhạc dân ca vọng cổ Nam bộ vẫn còn là đề tài để bàn. Theo sử liệu [3] thì người miền Tây biết là năm 1919 bài Dạ Cổ Hoài Lang được sáng tác bởi nhạc sĩ Cao Vân Lầu ra đời tại Bạc Liêu và cũng là sự khởi đầu của nền vọng cổ và cải lương Nam bộ. Từ bản chất phóng khoáng và nếp sống của dân miền Tây đã làm cho nền cải lương trở nên dân dã. Mặt khác do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu cải lương phản ảnh phần nào nỗi buồn trong bài ca và cũng được người mộ điệu ưa thích. Bản vọng cổ và cải lương là giai điệu đời sống tình cảm của người miền Tây. Cũng ở vùng miềnTây nầy, tới đâu ta cũng gặp cảnh sông nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt chia xẻ các miệt vườn, đem phù sa tắm mát cho cây trái. Ở mảnh đất giàu hoa quả và trí dũng này, tới đâu ta cũng gặp những điệu hò, điệu lý, tới đâu ta cũng gặp những cây cầu, từ "
cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" tới "
cầu ván đóng đinh", rồi cầu xi măng, cầu sắt… Ở đó ta sẽ gặp những nhóm "đàn ca tài tử " được hình thành từ một số người có khả năng đồng thời cũng say mê với những điệu hò, điệu lý và vọng cổ Nam bộ. Nhóm này là những người nông dân suốt ngày làm ruộng, làm vườn, nhưng đến những ngày có đám tiệc, đám giỗ, hoặc đám cưới gã thì tập trung lại thành một nhóm, người thì đàn, kẻ thì đánh phách, còn các cô gái thì hát những bài ca thể hiện tình yêu thương đất nước và con người.
Cải lương và nhiều bài hát còn lưu truyền cho tới ngày nay đều xuất phát từ miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, bởi vì miền này trù phú, người dân có đời sống sung túc nên có thời giờ và điều kiện nghĩ đến những môn giải trí tao nhã. Qua đó, chúng ta thấy cải lương ra đời từ miệt vườn, thâu thập những cái hay, đổi mới cái cũ theo nhu cầu, hoàn cảnh địa phương…
Nguyễn Hồng Phúc - Canada(Taberd 12B2 – 72-73)