Để tưởng nhớ về Sư huynh Félicien Huỳnh Công Lương, Edmond Nguyễn Văn Công,
Bonnard Hồ Đình Bá và những Sư huynh và bạn bè khác đã vĩnh viễn ra đi…Tất cả đều trôi qua.
Tất cả đều mất đi.
Chỉ có kỷ niệm là còn…
Nguyễn Hồng Phúc
Lasan Taberd không phải một tên dể nhớ cho mọi người, nhưng ai ở lứa tuổi tôi đều biết Lasan Taberd nằm giữa lòng thành phố Sài Gòn số 53 đường Nguyễn Du là đồng nghĩa với “du-học”. Mong ước từ mái trường này chúng tôi có thể tự tin sau khi tốt nghiệp, du học nước ngoài mà không nhiều lo lắng như những sinh viên từ mọi nơi.
Tôi rời trường Hoàng Diệu Sóc Trăng vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, sau khi lệnh Tổng-Động-Viên vừa được ban hành cho những nam học sinh sanh trước năm 1955. Nhiều bạn chấp hành lệnh này và lên đường nhập ngủ. Một vài bạn trai khác, trong đó có tôi, chọn con đường khác đó là học nhảy lớp và luyện thi Tú-Tài 1 cuối cùng ở Việt Nam (kỳ thi Tú-Tài này được bải bỏ vào năm 1973). Vì lệnh nầy được ban hành ra một cách đột ngột cho nên tôi chỉ có 2 tháng để luyện thi Tú Tài 1. Hai tháng chuẩn bị thi Tú Tài thật là gay go. Tôi lên Saigon tìm giáo sư giỏi và nổi tiếng ở Sài Thành để học luyện thi. Ba ngày thi Tú Tài 1 ở Trung Học Vĩnh Long, tôi vẫn còn nhớ mãi cha và anh trai tôi tháp tùng đến Vĩnh Long để xem tôi thi. Vì giai đoạn này là giai đoạn quyết định tương lai của tôi sau này, cho nên cha tôi không ngần ngại bỏ công việc trong 3 ngày chạy lên chạy xuống Vĩnh Long để theo dõi việc thi cử của tôi. Sau khi đậu Tú Tài 1 với hạng Bình, tôi xin chuyển lớp 12B2 ở Lasan Taberd Saigon.
Vì anh tôi có ước mơ từ thuở nhỏ là mong được đi du học cho nên anh khuyên tôi nên nộp đơn vào Taberd Sàigòn vì đa số học sinh trường này khi học xong trung-học đều đi xin du-học. Đầu tháng bảy năm 1972 tôi và ông anh tôi đến gặp Sư huynh Edmond Nguyễn Văn Công để xin vào học lớp 12B2 Tư Thục Taberd Sàigòn. Sư huynh cho biết muốn vào Taberd phải thỏa mãn 3 điều kiện - thứ nhứt đậu Bình Tú Tài 1, thứ hai phải có giấy giới thiệu của Sư huynh hiệu trưởng trường Lasan Khánh Hưng Sóc Trăng về hạnh kiểm tốt và thứ ba nộp Học bạ với điểm và phê bình tốt. Tôi nản lòng và nghĩ “
ôi cha ơi sao mà khó khăn quá anh hai ơi, hay ta thử nên nộp vào trường công như Pétrus Ký xem sao chứ bây giờ em chỉ hội đủ có điều kiện thứ nhứt thôi à”. Chúng tôi hẹn với Sư huynh sẽ trở lại trong một tuần để nộp đơn đầy đủ. Nói cho có lệ chứ theo tôi cái chance chỉ có 50%. Giấy giới thiệu của Sư huynh Hiệu trưởng thì mình còn cố gắng tìm cách chứ cái học bạ làm sao tôi có được vì từ lớp đệ tam tôi đã nhảy ra ngoài để thi Tú Tài 1 thì làm sao có học bạ đệ nhị được….
Chúng tôi quay về Sóc Trăng và cố gắng tìm cách thỏa mãn 2 điều kiện kia. Tôi đến gặp thầy Phan Văn Nhiều, lúc ấy đang dạy Tóan tại Hoàng Diệu và Lasan Khánh Hưng. Tôi trình bày sự việc với thầy. Thầy Nhiều là thầy dạy Toán cũ lớp 10B1 tôi ở Hoàng Diệu và tôi là học sinh giỏi nhất lớp của thầy nên thầy không ngần ngại nhận lời cố thuyết phục Sư huynh hiệu trưởng - Frère Gabriel Nguyễn Đăng Quang và hẹn tôi ngày mai trở lại để lấy đơn giới thiệu của Sư huynh Hiệu trưởng Lasan Khánh Hưng. Trong lúc đó anh tôi tìm cách sửa cái học bạ 10B1 của tôi thành 11B1 trường Hoàng Diệu. Từ Lasan Khánh Hưng về đến nhà, vừa gặp tôi ông anh bảo “xong rồi, có học bạ rồi”. Tôi mừng quá đổi như vừa trúng số vì không ngờ mọi việc tiến triển tốt đẹp ngoài trí tưởng tượng của tôi. Thế là như dự định chúng tôi đến gặp Frère Edmond ở Taberd để nộp đơn. Định mệnh và tương lai của tôi bắt đầu từ đây. Frère Edmond nhìn xong tất cả hồ sơ và nói “
rất tốt”. Hú vía. Tôi xin thưa thêm với Sư huynh “
Thưa Sư huynh em không có đạo xin Sư huynh được miễn làm những nghi lễ trong lớp như những bạn có đạo khác”. Sư huynh trả lời “
Mặc dù đây là trường tư thục với xu hướng Công giáo nhưng ban giảng huấn luôn rộng mở để đón những người ngoại đạo, em đừng lo Sư huynh cho phép em được miễn làm những nghi lễ của công giáo trong lớp học nhưng ngoài ra cũng như tất cả các học sinh khác em phải tuân theo qui luật chung của trường có nghĩa là mặc đồng phục quần tây đen áo trắng với phù hiệu Lasan Taberd, mang giầy, đi học đúng giờ và tất cả những qui luật khác của nhà trường…”.
Những ngày đầu ở Taberd tôi rất bỡ ngỡ cho nên các bạn mới làm quen và giúp đỡ tôi rất nhiều như Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Quang Nam, Lý Thanh Bình, Nguyễn Quang Thành, v.v. vì tôi là học sinh từ dưới tỉnh ra thành thị nên vẫn còn rất bỡ ngỡ với trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới và nhứt là cách dạy học cũng mới lạ …
Đa số những cours của lớp 12B2 được các Sư huynh đảm trách ngoại trừ môn Toán do thầy Lê Mậu Thống (Chu Văn An), Địa lý với thầy Đặng Đức Kim, Vạn vật với thầy Nguyễn Văn Đàng và Triết với thầy Trương Đình Tấn. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tên tôi chỉ được ghi vào bảng học sinh ưu tú môn Công dân (SH Trần Quang Nghiêm) mà thôi.
Sư huynh Edmond dạy Pháp văn kiêm Giám Học lớp tôi vì thế Sư huynh rất nghiêm khắc. Trong lớp Sư huynh chỉ nói chuyện bằng tiếng pháp với học trò mặc dù chúng tôi đang học chương trình Việt của trường Taberd Sàigòn - là trường song ngữ dạy 2 chương trình – Pháp (100% cours dạy bằng tiếng pháp như Marie-Curie, Jean-Jacques Rousseau, Fraternité, v.v.) và Việt ngữ. Hai buổi học 3 giờ pháp văn mỗi tuần nhưng trong lớp Sư huynh nói chuyện trăng gió gì đâu không. Dạy sinh ngữ pháp thì ít nhưng bàn chuyện đức hạnh, thời sự trong ngày và chính trị thì nhiều…nhưng bằng tiếng pháp…Và mỗi buổi học Sư huynh chỉ cắt nghĩa và đào sâu 1 vài chữ văn phạm tiếng pháp nhưng chúng tôi hiểu rất rõ và tường tận sau đó. Học ít nhưng hiểu rất sâu xa và vững chắc từng chữ tiếng pháp…
Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, tôi cảm thấy lo lắng vì chỉ vừa học xong vài chapter của cuốn Cours de Langue 2 và không biết đến bao giờ mới xong quyển sách này để có khả năng thi Tú Tài 2 … Nhưng đến cuối năm rồi tôi cũng học khá nhiều từ vựng tiếng Pháp, văn phạm vững chắc…
Sư huynh Bonnard Hồ Đình Bá dạy Anh văn. Mỗi buổi học Sư huynh mời một bà người Mỹ (Marian Thompson?) vào lớp để trò chuyện thời sự bằng tiếng Anh và sau đó bà dọ hỏi một vài câu hỏi để hỏi ý kiến của học trò. Tôi nhớ một lần cô ấy nói xong một đề tài và hỏi trong lớp có ai có ý kiến hay hỏi gì không. Do dự đắn đo một vài giây mà không thấy ngón tay nào đưa lên, Sư huynh chỉ vào anh bạn ngồi cùng bàn dãy thứ hai với tôi, anh chàng nầy sợ không biết trã lời thế nào nên nghiên đầu qua một bên thế là ngón tay của Sư huynh chỉa hướng trúng anh bạn ngồi bàn thứ 3 phía sau. Anh bạn bàn thứ ba này lắc đầu ngần ngại không đứng lên trả lời làm Sư huynh có vẻ không hài lòng lắm. May mắn thay một anh bạn khác khá tiếng anh hơn đưa tay trả lời hộ. Sau giờ đầu, cô người Mỹ ra về, Sư huynh mắn trong lớp bằng tiếng Trung “đéo mẹ chúng bay, đứa nào cũng muốn đi du-học hết thế mà chỉ có một câu tiếng anh mà không trả lời nỗi”. Sư huynh Bonnard nói với một giọng trầm trầm miền Trung. Sau tháng 7 năm 1975 tôi có dịp gặp lại Sư huynh Bonnard ở một nhà dòng Montréal và tôi có nhắc lại chuyện cũ này, Sư huynh bảo “nhờ mắn như vậy mà tụi bây mới được đi du học đó đây đấy nhé…”. Vài năm sau Sư huynh Bonnard dọn về Maryland và mất tại đây, khoảng năm 1998.
Trong lúc học ở Taberd Sàigòn, tôi cảm thấy một sự cạnh tranh mảnh liệt giữa các học sinh đến từ mọi miền trên đất nước. Cũng ở đô thị Sài Gòn này người ta mới thấy đây là môi trường rất tốt để học trò ganh đua, thi thố tài năng giữa các trường trung học nổi tiếng như Pétrus-Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Võ Trường Toản, Gia Long, Taberd, Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Fraternité v…v… Các học sinh từ những trường nổi tiếng của Sàigòn thời ấy, họ có rất nhiều động cơ thúc đẩy để học tập hăng say. Tất cả họ đều muốn đi nước ngoài để tiếp tục học đại học vì có nhiều học bổng dành cho những học sinh đỗ đạt cao Tú Tài II.
Thiết nghĩ, mọi người khi sinh ra đều có trình độ trí tuệ như nhau, khi trưởng thành nếu có sự khác biệt về tài năng và sự cao thấp là nhờ môi trường và ý chí phấn đấu, điều kiện được hấp thụ từ môi trường học tập và thực tiễn…Sự cách biệt về kiến thức giữa học trò đô thị và tỉnh thành rất rõ rệt trong những bộ môn như sinh ngữ, thực tập vạn vật và hóa học. Cuối năm ấy, tôi đứng hạng thứ 5 trên 60 học sinh lớp 12B2, nhưng lại dẫn đầu ba bộ môn: toán, vật lý và công dân. Cũng tại đây tôi được thực tập mổ xẽ mấy con chuột và hiểu được phần nào những bộ phận sinh học trong cơ thể sinh vật, nhưng tôi lại ghét làm thí nghiệm trong phòng láp với những ổ điện chằng chịt và khó hiểu…
Đậu Tú-Tài II với số điểm 15/20 môn pháp văn, khá cao so với tiêu chuẩn được đi du học, anh tôi hối thúc tôi nộp đơn và được bộ giáo dục thời ấy chấp thuận qua Canada du học. Trước khi lên đường du học, tôi cũng đậu khá cao nghành cán sự Phú Thọ. Vì tôi có dịp thực hành và tiếp thu với máy móc trong công xưởng của cha từ thuở nhỏ cho nên tôi rất thích ngành cơ khí. Tôi hứa với cha là sẽ cố gắng học về cơ khí để cha được hãnh diện. Sau Tú Tài 2 là giai đoạn để lo cho tương lai. Tôi cố thi vào ĐH Phú Thọ nhưng lại trượt đành phải học cán sự Phú Thọ rồi sau đó tiếp tục lên kỹ sư cơ khí. Vì nghĩ rằng sau 2 năm Phú Thọ thì sẽ có cơ hội để tiếp tục học kỹ sư tại đây thêm 4 năm nữa. Một phần cũng vì tôi luyến tiếc về việc đi du học với tương lai mù mờ…
Gia đình tôi nói rằng học ở Việt Nam thì khó có hi-vọng mà tiến thân vì gia đình tôi là một gia đình không có giai cấp trong xã hội thì là một vấn đề khó khăn lắm. Vã lại gia-đình tôi không khá giả cho lắm, cố gắng mua được cho tôi cái vé máy bay để lên đường du học là đã quá sức của bố mẹ. Phần còn lại tôi phải cố gắng lo liệu sinh sống và tự lập nơi xứ lạ quê người…
Đặt chân đến Canada, tôi mới thấy sự cạnh tranh lại càng mảnh liệt bội phần khi phải chung đụng với nhiều sắc tộc khác như Tàu, Nhật, Phi, Arabe, Pháp, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Nam Mỹ, Phi Châu và Canada. Sinh ngữ anh và pháp văn không phải là tiếng mẹ đẻ cho nên việc học hành của tôi có phần giảm sút chút đỉnh so với các cựu học sinh chương trình pháp như Marie Curie, Fraternité và Jean-Jacques Rousseau.
Trong bốn năm học, thật vất vả về mặt vật chất vì phải đi làm bán thời gian để cung cấp cho việc học hành và cuộc sống hàng ngày, tôi ra trường với mảnh bằng kỷ sư về cơ khí và vẫn tiếp tục đi làm để sinh sống. Với tấm lòng ham học và muốn có cơ hội để tiến thân, tôi tiếp tục học lên cao học. Sau bốn năm học bán thời gian, vừa đi làm vừa đi học, tôi đạt được bằng cao học về tài chánh (
MBA – «Master of Business Administration – Finance»). Sau đó tôi cũng tiếp tục học thêm cao học ngành kỹ sư cơ khí.
Trải qua một quãng thời gian dài lê thê trên xứ người và lăn lộn trong cuộc sống thời sinh viên nghèo khổ cũng như lúc đi làm bình thường bằng nghề kỹ sư, có thể đã làm cho tôi gần như quên hẳn kỷ niệm với bạn bè cũ của trường Taberd.
Nhân kỳ về thăm quê hương gần đây, tôi tìm thấy cuốn Kỷ Yếu Lasan Taberd 72-73 nằm nguyên vẹn trong một góc tủ. Trong tập Kỷ-Yếu có liệt kê những cựu học sinh, giáo viên và ban giám thị trường với những sinh hoạt của trường bằng hình ảnh cũng như những trang dành để vinh danh những học sinh xuất sắc trong từng bộ môn và từng lớp. Tập Kỷ-Yếu được phát hành đặc biệt cho từng niên khóa với hình ảnh từng học sinh các lớp sắp sửa ra trường cũng như còn đang ở tại trường với đầy đủ dư liệu về tên tuổi, cảm nghĩ của các thầy cô cho từng năm học. Đây là một món quà rất quí giá cho học sinh về sau, có dịp xem lại những kỷ niệm thuở học trò...
Đã hơn 38 năm xa cách, cuộc đời trôi nổi bôn ba, nhưng những kỷ niệm thi đua học tập thời niên thiếu dưới mái trường Taberd vẫn không phai mờ trong ký ức. Nhân dịp tiểu hội ngộ với vài cựu Taberd như Đạo, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Ngọc Thuần, Việt và Tăng Hùng tuần rồi tại Montréal tạo cho tôi cảm hứng để viết vài cảm nghĩ này về trường Taberd. Nhớ những Sư huynh và thầy hết lòng giảng dạy để tạo cho đàn em những kiến thức căn bản cho cuộc đời. Có những Sư huynh, thầy và bạn đã vĩnh viễn ra đi, những người còn lại thì cái tuổi trẻ cũng không còn.
Là cựu học sinh Taberd nhưng dù ở phương trời xa thẳm nào, người ta vẫn không quên mái trường xưa tường vàng yêu dấu. Bao cảm giác bồi hồi khi những kỷ niệm hiện về theo trí nhớ, thầy cũ bạn xưa ...
Bây giờ bạn bè cùng lớp ở tuổi trên năm mươi và cũng sắp về hưu. Chúng tôi nghĩ nhiều về Sư huynh, thầy cô đã từng dạy dỗ cho chúng ta nên người.
Cho nên thông qua bài viết này như bài tỏ lòng kính trọng và cám ơn các Sư huynh và thầy cô đã dạy dỗ chúng em...Taberd Saigon là ngôi trường mà tôi có nhiều ấn tượng nhất, vì đây là nơi mà môi trường cạnh tranh học tập mảnh liệt nhất trong cuộc đời học tập của tôi và cũng là nơi đã tạo nhiều kiến thức căn bản rất quan trọng giúp tôi làm hành trang du-học Canada năm 1973. Không thể nào quên được ngày cuối cùng đến trường để lảnh Kỷ yếu Taberd (Palmarès) và học bạ cuối năm, tôi cố gắng len lỏi vào sân tập thể thao của trường để tận mắt xem những cựu Taberd trình diễn văn nghệ như anh Joe Marcel, anh Trường Kỳ, ban nhạc Tùng Giang, v.v. Giờ đây các Frères Edmond, Bonnard, Nguyễn Ngọc Lộ, Félicien Huỳnh công Lương (Sư huynh Hiệu trưởng đã về với Chúa ngày 2-3-2010 hưởng thọ 91 tuổi), thầy Lê Mậu Thống, thầy Trương Đình Tấn, thầy Đặng Đức Kim, thầy Nguyễn Văn Đàng không còn dạy dưới mái trường thân yêu này nữa. Các thầy và Sư huynh giờ đây đang ở đâu, có còn sống khoẻ mạnh và an vui trong tuổi về hưu chăng!.
Taberd Sàigòn đã bị đổi tên sau tháng 4 năm 1975. Ngày nay mỗi khi tôi về đứng trước cổng Taberd Saigon, lòng tôi bùi ngùi và se thắt lại vì người ta đã thay vào cái bảng Lasan Taberd Saigon bằng hàng chữ xa lạ “Trường Trung Học PT Chuyên Trần Đại Nghĩa”.
Hy vọng một ngày nào đó trở về nơi xưa được nhìn thấy lại “Lasan Taberd Sàigòn”, được thấy lại các Sư huynh, bạn bè cũ, trường lớp xưa. Nhìn thấy đàn em thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, được nghe lời thầy giảng, giờ học tiếng Pháp, tiếng Anh từ ngôi trường mà từ đó tôi đã ra đi hơn 38 năm trời…
Nguyễn Hồng PhúcMontréal Canada
(Taberd Lớp 12B2 - Khóa 72-73)Edited by Nguyễn Thị TuyếtMục lục