Taberd.org
 Mục lục
Thầy Nguyễn Kim Tiếng, dạy Lý Hóa lớp 10
Vũ Văn Chính

Sáng Chủ Nhật ngày 30-5-2010, theo lời hẹn chúng tôi một nhóm gồm: Lý Minh Sơn, Phạm Đình Nguyên, Nguyễn Trịnh Lương, Võ Long Hải, Huỳnh Ngọc Lâm, La Thu Chinh tôi. Hôm nay chúng tôi đến thăm Thầy Nguyễn Kim Tiếng, thày dạy môn Lý Hóa năm lớp 10, đối với tôi thì tôi không học Thầy ngày nào, vì lúc đó tôi đã ra khỏi trường rồi, nhưng ấn tượng nhất của Thầy mà tôi vẫn nhớ, là khi đến nhà Thầy lúc giới thiệu tên của anh em cho Thầy biết, thì Thầy có hỏi ai là anh Chính, có Chính ở đây không ? Thầy có đọc những bài của tôi viết về Trường cũ bạn xưa, và Thầy có khen tôi viết hay.

Thầy trò ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, Minh Sơn thì vẫn nhớ lời Thầy khen anh khi xưa về môn Lý Hóa, và Thầy cũng kể một kỷ niệm lúc Thầy dạy lớp 10, hôm đó Thầy đang dạy học thì thấy có hai ông học trò, đang say sưa chụm đầu vào nhau chơi trò gì đó, âm thầm đi đến gần, Thầy mới biết hai ông đang chơi trò chơi đá đồng hồ của nhau, một trò chơi cũng đang được các ông nhóc ngày ấy ưa chuộng, trò chơi này có nghĩa là lấy tay kéo ra, rồi gác 2 cái cốt dùng để lên dây cót hay lên giờ, hễ cây nào đứng lại thì người ấy thua, thế là Thầy tịch thu hai cái đồng hồ ấy, mà ngày đó tụi tôi hay đeo loại đồng hồ mỏng lét và rẻ tiền, hiệu Bulova hay Movado cái loại lên dây cót, với sợi dây da giả cá sấu, nên Thầy tịch thu và thả từ trên lầu 2 hay 3 gì đó, đến giờ ra chơi hai cu cậu chạy xuống sân tìm, thì tanh bành lá hẹ rồi còn đâu chi nữa em ơi.

Theo Thầy cho biết, Thầy về dạy Taberd từ năm 1966, do Frère Hiệu Trưởng Désiré Lê Văn Nghiêm mời, lúc đó Thầy dạy chương trình Pháp (section Française), lớp Seconde tương đương lớp 10 chương trình Việt. Năm 1971, thày phụ trách ba lớp Đệ Tam (lớp 10) dạy môn Lý Hóa, và ngoài ra Thầy cũng dạy thí nghiệm về môn Hóa các lớp 10 ở Taberd.

Năm 1976 Taberd bị đóng cửa, Thầy qua dạy ở Marie Curie, như bao nhiêu các Thầy Cô lúc bấy giờ, thân phận các Thầy Cô và trò tan tác mỗi người một nơi, các Thầy cô phải chịu sự điều động và phân công đi khắp nơi, có khi xa thành phố đến những nơi xa lạ. Tuy nhiên cái mà các Thầy cô đôi khi cảm thấy mình hụt hẫng, là chưa theo kịp lối sinh hoạt mới ngày ấy. Tôi cũng đã từng có cái cảm giác hụt hẫng đó, khi tôi rời Taberd và học trong những ngôi trường xa lạ, thấy nhớ về cái không gian quen thuộc, từng cái ngỏ nghách trong sân trường, từng Thầy Cô và bạn bè quanh tôi ngày nào. Hẳn là các Thầy Cô cũng thế, nhưng biết làm sao hơn được vì đó là những thời cuộc thay đổi, và mọi người đều cố gắng thích nghi với cuộc sống mới.

Năm 1990, Thầy xin nghỉ dạy với lý do sức khỏe yếu, nhưng tôi có thể hiều cái Sĩ của Thầy, của một người tri thức không thể hòa hợp và thích nghi được với cuộc sống mới. Có những Thầy Cô vì không vượt qua được cái khắc nghiệt của cuộc sống lúc bấy giờ, nên đành tìm quên lãng trong men rượu.

Viết về Thầy con phục cái Sĩ nơi Thầy, cái Sĩ và cái Tâm của người trí thức.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (tháng 7 năm 2010)