Mục lục | Một khúc rẽ cuộc đời Nguyễn Văn Em |
Mười ba tháng sáu năm 75 là ngày tôi chân ướt chân ráo đến Montreal, Canada, cái xứ mà được rất nhiều người ca tụng là Xứ Lạnh Tình Nồng, Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa rõ rệt. Đặc trưng của Canada là mùa Thu và mùa Đông. Vào Thu bầu trời lúc nào cũng nặng nặng như vẻ mặt của đôi tình nhân đang hờn dỗi, mây xám xịt nên dù đẹp trai cách mấy như tôi chụp hình lên cũng thấy màu da hơi …tai tái nhưng mà cảnh vật chung quanh thì phải nói là tuyệt đẹp. Một bức tranh hoàn mỹ với đủ màu sắc của những chiếc lá phong.
Rồi khi những chiếc lá phong bắt đầu lìa cành, lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc……. bức tranh khác lại được vẽ lên, những thân cây khẳng khiu trơ trụi, buồn bã đứng chơ vơ trong giá rét thì con người ta lại trở nên phúng phính, ngộ nghĩnh, co ro và chậm chạp trong những chiếc áo manteau đủ màu đủ kiểu. Đó là ấn tượng của tôi về Canada trong những buổi ban đầu lưu luyến ấy.
Tả cảnh cho có hình có ảnh vậy thôi, chứ đầu óc tôi lúc đó vừa buồn vừa hoang mang. May là phải vừa đi làm vừa đi học nên cái buồn, cái hoang mang dần dà cũng tan đi.
Năm 75, 76 đề tài người Việt tị nạn khá nóng bỏng nên có rất nhiều cơ quan, hội đoàn, những gia đình người bản xứ giàu lòng nhân đạo đã không ngần ngại mở rộng vòng tay đón tiếp những người tha hương, những con người không cùng chung sắc tộc, không cùng văn hóa và thậm chí ngôn ngữ cũng không luôn.
Có một thời gian khá dài trong những năm đầu tôi được gia đình ông anh họ, anh em chú bác cho tạm trú, coi như cũng có được mái ấm gia đình cho tôi trong lúc còn bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Ông anh họ cùng vợ con và bà mẹ của ông anh ở tầng trên, tôi được thu xếp cho một căn phòng nho nhỏ phía trong ở tầng hầm dưới (bên này gọi là sous-sol). Trong phòng này có bàn thờ của ông Bác mất năm 72. Đây là một thành phố nhỏ có chừng 80 000 dân, yên tĩnh, hiền hòa và thơ mộng. Ở giữa thành phố có một hồ, Lac Des Nations, thành phố là một thung lũng, bao quanh bởi những đồi núi cao thấp chập chùng.
Sau những đêm dài thao thức nhớ về gia đình đã nghìn trùng xa cách, tương lai trước mặt còn mịt mù, tôi dành mọi nỗ lực vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm sống. Khi rảnh rỗi tôi tìm đến các cơ quan, hội đoàn hay những nhà hảo tâm đang giúp đỡ người tị nạn hội nhập vào đời sống và trên nhiều phương diện khác. Cơ duyên đưa đẩy tôi gặp được hai vợ chồng bác sĩ -Ông Bà Nicole & Claude St-Jacques. Lúc đó hai vợ chồng tuổi ngoài ba mươi.
Lần đầu gặp mặt tại nhà hai Ông Bà, tôi thật sự xúc động đến sững sờ khi Ông Bà gọi các con ra giới thiệu với tôi. Mắt tôi đã không nhìn lầm, hai trong số ba đứa trẻ đứng trước mặt tôi là người Việt Nam. Cậu bé lớn khoảng 4-5 tuổi tên Christian người bản xứ, tiếp theo một bé gái 2-3 tuổi tên Họa Mi và một em bé Việt Nam tên Anh Khoa độ vài tháng tuổi. Tất cả đều được Ông Bà thu dưỡng làm con nuôi. Từ đó có cơ hội tôi hay đến với gia đình Ông Bà vào cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, học hỏi về đời sống ở đây và nhất là trau giồi thêm tiếng Pháp. Thỉnh thoảng tôi tháp tùng cùng gia đình Ông Bà đi chơi nhà nghỉ mát ở cạnh bờ hồ.
Noel những năm đó tôi cũng được mời đến dự, như một thành viên trong gia đình năm nào tôi cũng có một món quà ngày Giáng Sinh. Cầm trên tay gói quà nặng trĩu tình người, tôi vừa thấy lòng ấm đến lạ lùng lại vừa cảm thấy mình lẻ loi nơi xứ lạ quê người và tôi cứ suy nghĩ miên man về cậu bé Christian, cô bé Họa Mi, em bé Anh Khoa và về những đứa trẻ bất hạnh khác nhưng lại thật may mắn khi trên đời còn có những người như Ông Bà Nicole & Claude St-Jacques. Ông Bà không trực tiếp chỉ dạy tôi bất cứ điều gì cả, nhưng tôi lúc nào cũng nghỉ đến nhiều điều từ đức độ đến nhân cách sống của Ông Bà.
Cho đến ngày nay, tuổi đời đã khá, ngồi ôn lại tất cả những chặng đường mình đã đi qua, có vui buồn lẫn lộn, chập chờn trong ký ức có cả hình ảnh của hai Ông Bà và một lần nữa tôi chân thành cám ơn Ông Bà, cám ơn tất cả những tấm lòng bác ái đã và đang làm đẹp cho đời.
TB: Hưởng ứng lời kêu gọi của bạn Kiều Lê Anh Dũng.