Taberd.org
 Mục lục
Chuyến cứu trợ cuối cùng
Lê Việt Quang

(Thân tặng hai đứa bạn chí thân: Tăng KiênTrần Thanh Toàn)

cuu_troNăm 1975, khi những dòng người di tản từ các tỉnh miền Trung đổ về Vũng Tàu, hàng ngàn người đã được đưa về làng Cô Nhi Long Thành. Và cũng như năm 1972, chúng tôi lại lên đường cứu trợ để góp phần xoa dịu nổi khổ của những người tỵ nạn này. Năm đó nhóm Hùng tâm Taberd cũ đã có nhiều thay đổi: Nguyễn Hữu Tiến đã mất năm 1974 tại Đà Lạt và các bạn khác không có điều kiện tham gia. Nhóm chỉ còn có ba đứa: tôi, Tăng KiênTrần Thanh Toàn. Kiên và Toàn đã không còn học ở Taberd vì phải nhảy lớp để đối phó với lệnh Tổng Động Viên nhưng nhóm chúng tôi vẫn gắn bó và có phần thông cảm nhau nhiều hơn trước.

Vào một ngày Chúa nhật đầu tháng 4, bộ ba chúng tôi lại cùng nhau vác ba lô lên đường với kế hoạch như các tuần lể trước, là đi đến làng Cô Nhi Long Thành. Chúng tôi đi trên hai chiếc xe gắn máy, tôi chở Kiên còn Toàn thì đi một mình.Trên đường đi, chúng tôi đã thấy nhiều xe chở dân tỵ nạn đổ về hướng Sài Gòn. Khi đến chân cầu Đồng Nai, thì tôi thấy cầu đã bị chận lại bằng những hàng kẽm gai giăng ngang, và các người lính gác cầu đã chặn hướng từ Sài Gòn ra Vũng Tàu và Long Khánh. Sau khi hỏi thăm, tôi được biết đường đi Vũng Tàu đã bị cắt tại Ngã Ba Thái Lan và do tình hình an ninh nên xe dân sự không được phép đi qua cầu. Trong lúc đó, vài chiếc trực thăng đang bắn rocket và rất nhiều tiếng nổ lớn xa xa bên kia sông. Biết chắc là không thể đi đến làng Cô Nhi Long Thành được, nhưng vì muốn tiếp tục công việc cứu trợ nên chúng tôi đã đi theo một số người tỵ nạn trên một con đường đất nhỏ dọc theo sông Đồng Nai đến một ngôi chùa. Trong khu vườn bao quanh chùa đã có ít nhất vài trăm người tản cư đang ở trong những lều tạm làm bằng đủ thứ vật liệu. Chúng tôi vào chùa và báo cho Sư trụ trì về công việc mà chúng tôi muốn làm. Sau khi gởi xe, chúng tôi lại bắt đầu những công việc thường lệ: sát trùng và băng bó các vết ghẻ lở và nhiễm trùng, cho thuốc cho các trường hợp cảm cúm, v.v.

Trong lúc đang đi từ lều này qua lều kia để làm việc thì có một anh thanh niên đến nói với chúng tôi:

- Mấy anh ơi, đến xem giùm vết thương của vợ em.

Lúc đó chúng tôi chỉ mới có 17 tuổi mà người này, khoảng 25 tuổi, gọi chúng tôi bằng anh và lại xưng em, nghe sao mà ngại quá. Tôi nói:

- Anh dẩn vợ anh lại đây được không vì chúng tôi đang làm tại khu này.

Người đó trả lời:

- Vợ em bị thương chân đi không được.

Nghe vậy, cả ba đứa tôi chăm sóc xong những người đang trong căn lều hiện tại rồi cùng đi theo anh thanh niên. Anh dẫn chúng tôi đến một căn lều ở vòng ngoài. Trong đó có một người phụ nữ đang ngồi và vài đứa bé. Chân người phụ nữ này đang quấn vải có loang máu. Anh thanh niên nói:

- Nhờ mấy anh băng bó lại giùm.

cuu_troTừ trước đến giờ chúng tôi chưa bao giờ phải xử lý một vết thương lớn. Thường chỉ là những trường hợp xây xướt và nhiễm trùng mà thôi. Cả ba đứa tôi cùng ngồi xuống và bắt đầu mở lớp vải bó chân người phụ nữ đó. Tôi tưới nước sát trùng để làm mềm lớp vải bọc và gở dần ra và thấy vết thương trên bắp chân khá lớn. May mắn là viên đạn chỉ đi qua bắp thịt bên ngoài chứ không thì chúng tôi cũng bó tay chứ chúng tôi làm sao chúng tôi biết cách lấy viên đạn ra. Sau khi lau rửa và sát trùng, tôi băng lại. Vì vết thương quá lớn nên chúng tôi phải xài gần hết số băng đem theo. Tôi cũng gởi lại cho người chồng một số bông băng và thuốc sát trùng để cho anh ta tự làm trong các ngày tới.

Anh ta lúng túng lắp bắp:

- Vợ chồng em cám ơn mấy anh nhiều lắm.

Có lẽ không có mấy khi trong đời, chúng tôi được nhận một lời cám ơn chân thành như vậy. Chúng tôi cảm thấy việc mình đang làm có ý nghĩa hơn và tự hào về mình hơn. Thật là một kỷ niệm đáng nhớ của cả ba đứa tôi.

Khoảng trưa, Sư trụ trì cho một chú tiểu ra mời chúng tôi vô chùa ăn cơm trưa. Mặc dù có mang theo thức ăn trưa nhưng chúng tôi cũng nhận lời. Trước khi ăn, nhà Sư có hỏi là chúng tôi có ăn cơm chùa lần nào chưa? Đứa nào cũng trả lời là có, nhưng nhà Sư bảo rằng đây là cơm chùa thật sự chứ không phải như cơm chùa mà chúng tôi đã ăn đâu vì nhà chùa còn nghèo lắm. Quả thật như vậy, cơm không phải là cơm hoàn toàn mà độn với bắp xay. Còn thức ăn thì chỉ có rau với vài miếng đậu hủ chiên, nước tương và muối mè. Đó là lần đầu tiên trong đời bọn tôi được ăn cơm độn. Những hạt cơm không dẻo như cơm ở nhà nhưng khô và rời rạc với những mảnh bắp xay, còn thức ăn thì chỉ giúp cho xong chén cơm mà thôi. Chúng tôi đã cố gắng ăn cho xong buổi vì lịch sự. Sau buổi ăn, nhà Sư mời chúng tôi ngồi uống trà, nói chuyện về tình hình chiến tranh và nổi khổ của những người dân di tản. Tôi thật sự khâm phục tấm lòng của nhà Sư đã mở rộng cổng chùa cho những người dân có chỗ trú trên đường di tản.

Chúng tôi lại tiếp tục công việc cho đến khoảng năm giờ chiều. Khi chúng tôi trở ra đến Xa Lộ thì trời bắt đầu đổ mưa và con đường lúc này đã khác hẳn buổi sáng. Trên hướng về Sài Gòn, hàng ngàn người trên các loại xe khác nhau nhưng nhiều nhất là những chiếc xe bò. Tất cả các xe bò đều nặng trĩu với người và cao ngất với đồ đạc. Những chiếc xe đạp dẩn bộ cũng chất chồng không kém. Những người đi bộ thì bước đi nặng trĩu với đồ đạc gồng gánh mang xách. Mấy đứa bé thì lúp xúp chạy theo cha mẹ. Một số em nhỏ được cha hay mẹ gánh đi. Thật là một cảnh tượng hổn loạn chưa từng thấy. Sau khi hỏi thăm, tôi được biết đó là những người dân từ Long Khánh, Dầu Giây và Trảng Bom đã bỏ nhà cửa ra đi tỵ nạn. Trời còn tăng thêm phần cơ khổ của những người dân tỵ nạn này với cơn mưa ngày càng nặng hạt hơn. Những cái nón là, những tấm nylon hay những tấm lá đan không thể nào đương đầu với những cơn gió giật. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ về những hình ảnh buồn thảm này.

Chúng tôi cùng đi theo dòng người tỵ nạn này hướng về Sài Gòn. Càng về gần Sài Gòn, số người trên đường có phần thưa hơn, nhưng khi chúng tôi về đến Ngả Tư Thủ Đức thì thấy Xa Lộ đã bị kẽm gai giăng ngang không cho những người tỵ nạn vào Sài Gòn. Đoạn đường bị nghẽn cứng nên chúng tôi không thể nào len vào để trình giấy tờ để xin đi trở vô Sài Gòn. Lúc bấy giờ, dù không muốn, chúng tôi cũng là một thành phần trong dòng sóng những người di tản. Chúng tôi đã lo sợ trước viễn cảnh không về tới nhà được. Một lúc sau, tôi nhớ đến một số đường nhỏ tôi đã biết qua các đợt công tác trước mà tôi nghĩ là còn có thể đi được. Chúng tôi đi vòng qua chợ Thủ Đức rồi qua dòng Đồng Công, lúc đó vẫn chưa bị chận, để về cầu Bình Lợi và trở vô Sài Gòn.

Về đến nhà, sự lo sợ của chuyến cứu trợ đã được thay thế bằng nỗi lo cho chính mình và gia đình vì cuộc chiến đã quá gần. Khi đó, nỗi buồn cho số phận khốn cùng của những người dân tỵ nạn và của cả đất nước càng trở nên nặng nề.

Đó là Chuyến cứu trợ cuối cùng của chúng tôi và có lẽ ngày hôm đó là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời của cả ba chúng đứa tôi. Đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, cả ba đứa tôi vẩn còn nhớ về chuyến đi ngày hôm đó. Nhớ để tự hào về những điều mình đã làm được để xoa dịu phần nào sự gian nan khốn khó của đồng bào trong cuộc chiến, dù là nhỏ nhoi. Nhớ để vui mừng vì đã có những người bạn cùng chí hướng và nhất là nhớ về những ngày tháng chúng tôi bên nhau trên đất nước Việt Nam thân yêu mà ngày nay đã quá xa.

Lê Việt Quang - Australia (tháng 5 năm 2010)