Mục lục | Taberd, những mẫu chuyện cũ Vũ Văn Chính |
(Thân tặng những người bạn học Taberd cùng trang lứa với tôi).
Hồi đó trước khuôn viên của trường hay trồng cây Lá Thuộc Bài, cả một hàng cây được xếp thẳng hàng ngay ngắn trước khu nhà chính giữa, lúc ấy tụi tôi đã học lớp 6, 7, vậy mà vẫn tin lời người lớn nói, nếu ép cành lá thuộc bài vào sách hoặc tập vở, thì học bài sẽ mau thuộc hơn và còn học giỏi nữa, thế là đám nhóc tụi tôi đua nhau lén chạy ra bứt cành cây rồi đem ép vào sách, vở rồi ngồi chờ xem có học bài mau thuộc không, cứ thế nên mấy chậu cây Thuộc bài cũng xác xơ theo, cho đến khi frère Giám học kêu lại phạt đứng tại chỗ mới thôi.
Ngày trước, ở cuối dãy lầu lớp 6, 7 góc Hai Bà Trưng và Gia Long cuối sân trường có một khoảng đất trống, nơi đây trường có xây chuồng và nuôi vài con thú như sóc, thỏ, rùa, chim chóc, ... giống như một thảo cầm viên thu nhỏ, dành cho các học sinh tụi tôi có chỗ để vui chơi, ngoài ra còn có một hồ cá hình tròn, to nằm chính giữa với hòn non bộ cây cối mọc rất đẹp, trong hồ nuôi cá chép và cá bảy màu tung tăng bơi lội, nên giờ ra chơi cái đám nhóc lớp 6, 7 tụi tôi khoái ra đây chơi.
Nhà trường cấm học sinh bắt cá trong hồ, nhưng theo model hồi đó lớp 6, 7 tụi tôi có cái phong trào đứa nào cũng đeo cái bình nước lủng lẳng bên hông, thôi thì đủ màu sắc luôn trông thật vui mắt, sẵn có cái bình nước bên hông, tụi tôi nảy ra cái trò bắt cá đem về nhà, mà mấy chú cá khôn quá cứ thấy bóng người là lảng ra liền, khó mà bắt được, rồi tôi quan sát thấy mọi người hay quăng ruột bánh mì xuống hồ, thế là các chú cá bảy màu đua nhau rỉa mồi, tôi mới nghĩ ra một cách, là bỏ ruột bánh mì vào một cái bao nilon rồi thả xuống nước, ngồi chờ một lát thì thấy mấy chú đua nhau chui vào bao nilon để ăn, thế là chỉ việc kéo cái bao lên rồi cho mấy chú vào bình nước thì đố ai thấy, đua nhau bắt cho đến khi không còn một chú cá bảy màu nào nữa mới thôi.
Sau này, có một trái đạn đi lạc vào khu này, làm sập một góc chuồng thú và giải thoát cho cái đám thú nhỏ luôn, nhà trường cho phá ra để xây chỗ đi vệ sinh, hồ cá thì giữ lại mãi sau này mới lấp đi.
Trong những trò nghịch ngợm trong lớp, thì cái trò đem trái mắt mèo vào lớp là đám nhóc tụi tôi sợ nhất, trái mắt mèo với những sợi lông nhỏ mà đụng vào nó, hay vô tình ngồi lên chỗ nào có rắc lông mắt mèo thì ngứa vô cùng, càng gãi càng ngứa, gãi đến sướt da luôn, chỉ có cách hơ lửa là may ra bớt ngứa, vậy mà có một thời cái trò chơi này được tung ra trong các lớp 7, lớp 8, và đã có đứa bị đuổi học vì dám bôi lên bàn ghế của Thầy Cô, do đó chỉ một thời gian ngắn cái trò đùa quái ác này mới chấm dứt.
Năm 69, một sự kiện khoa học làm chấn động cả Thế Giới, mà học sinh Taberd cũng bàn tán sôi nổi không kém. Đó là việc đổ bộ Nguyệt Cầu của Phi Thuyền Apollo 11, mà tin tức được các báo đài cũng như được truyền hình Mỹ kênh số 11 ở VN tường thuật, một mặt trăng tối hù lạnh lẽo và vắng lặng, không một sinh vật hay sự sống nào trên đó, và từ nay cái sự kiện này cũng chấm dứt câu chuyện huyền thoại về một mặt trăng, có chú cuội, cô Hằng Nga và cây đa, mà lâu nay trẻ em VN vẫn thường biết đến vào ngày Lễ Trung Thu.
Thế là vào ngày lễ rước kiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm nay 8-12, ngoài tượng Đức Mẹ như thường lệ, phía sau còn có thêm mô hình phi thuyền Appollo 11, một đoàn người xếp hàng tay cầm nến trắng đi theo kiệu một vòng quanh sân trường, rồi từ từ tiến về Thánh Đường Taberd để tham dự buổi thánh lễ tối hôm đó.
Do trường Taberd toàn con trai với nhau không, nên thỉnh thoảng vào những dịp lễ, Tết có những trường bạn cũng toàn con gái không, như Gia long, St Paul, Thiên Phước, ... được phép vào trường để bán báo của các trường ấy, thường thì các em xuất hiện vào những lúc ra chơi, thôi thì các anh Taberd gặp mấy em như mèo thấy mỡ, nhất là các đàn anh lớp lớn thì huýt sáo la ó inh ỏi, mặc dù dân Taberd cũng bị gọi là: Đẹp Trai, Con nhà giàu, Học giỏi nhưng Nhát Gái, làm các em quýnh quíu cả lên, cứ túm tụm lại 4, 5 em đi cứ như là chạy, có một lần lớp tôi 8-3 đang thay quần áo để ra sân trong giờ thể dục, thì thấy mấy em Gia Long đi ngang qua, thế là có mấy tên như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kiến Hoàng Hùng, để nguyên cái quẩn slip mà đứng chặn mấy em, làm mấy cô đỏ mặt chạy tán loạn, cả lớp hùa theo la chí chóe. Cũng nghe mấy anh lớn kể chuyện cứ mỗi lần anh em Taberd đem báo Liên Sinh của trường sang các trường nữ khác, dù là trường các soeur đi nữa cũng bị các chị tập trung la ó không kém, thôi thế thì hòa cả làng.
Cái Năm 72-73 lúc tôi học lớp 9-6, không hiểu sao cái phong trào chơi tem rộ lên khắp trường, cứ trước lúc vào học hay lúc tan trường là tụi tôi hay ra vỉa hè trước cổng trường, xế bên Bộ Nội Vụ hay vỉa hè trước bưu điện thành phố, xà vào chỗ người bán tem với cái thùng carton lớn, đựng toàn album tem, đủ mọi con tem của các nước trên thế giới, đủ kiểu dáng đủ màu sắc rất hấp dẫn đối với tụi tôi, thế là cứ chúi đầu say sưa ngồi lựa, lúc nào lựa được con tem hiếm và ưng ý thì cảm thấy sung sướng lắm, nhất là lâu lâu vớ phải những con tem ngoài Hà Nội, hay của Trung Cộng thì lấm la lấm lét dấu kĩ, giống như đang giữ cái gì quý hiếm lắm, chỉ cho những thằng bạn thân nhất xem thôi, lúc đó trong cặp của tụi tôi ngoài sách vở ra còn có truyện tranh, thêm cuốn album tem cùng cái nhíp dùng để gắp tem, rồi giấy bóng kiếng để bọc tem, còn có đứa kĩ hơn thì có thêm chiếc kính lúp cho ra vẻ dân chuyên nghiệp, vào lớp là lén lút trao đổi tem cho nhau hoặc mua đi bán lại.
Vì trường ở gần Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn nên mỗi lần phát hành một con tem mới, là Bưu Điện sẽ đóng dấu ngày Phát hành đầu tiên, thế là tụi tôi sau khi mua con tem mới dán vào tờ giấy trắng rồi xếp hàng chờ đóng dấu, những con tem này cũng được dân chơi tem ưa chuộng, ngoài ra dân chơi tem còn phân biệt hai loại tem, tem mà đóng dấu gọi là tem chết, còn chưa đóng dấu gọi là tem sống, những con tem mà có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên thì cũng có giá trị. Có một lần vì say mê sưu tầm tem, tụi tôi không ngần ngại đến những cái thùng thư để rải rác dọc đường hay trước cửa Bưu Điện, lấy cái que khều những lá thư trong đó ra rồi lột con tem xong bỏ lại vào thùng thư như cũ, cho đến khi nhân viên bưu điện phát giác và la lên mới thôi.
Ngày đó, các lớp 8, 9 vào ngày thứ bảy thường ra về trước các lớp 11, 12 đến hai tiếng, do phải chờ ông anh tan lớp để 2 anh em về chung xe, nên dư thời gian nếu không vào Hiệu Sách Liên châu (nằm gần Trường Tiểu Học Hòa Bình, phía bên hông Nhà Thờ Đức Bà) để xem ké truyện tranh của Pháp, Mỹ Lucky Luke, Asterix & Obelix, Tintin, Batman, Surperman, Xì-Trum và lão phù thủy Gà Mên cùng với câu nói quen thuộc: Ngộ sẽ Páo Chù ... mà tụi tui rất mê, thì con đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) là con đường tụi tui hay đi nhất, có những 2 tiếng đồng hồ nên cũng đủ thời gian cho tụi tui dạo quanh sài gòn. Từ Bộ Nội Vụ đi tà tà xuống, ngang ngã tư Gia long, rồi ngã tư Lê Thánh Tôn, ngay chỗ góc quán La Pagode, quẹo phải đường Lê thánh Tôn đi tới, bên phải là Tòa Đô Chánh, quẹo trái một chút là Rạp Ciné Rex sang trọng, với màn ảnh đại vĩ tuyến to đùng, có máy lạnh thường trực và toàn chiếu những phim mới, phim hay nổi tiếng của các nước, rạp này tôi hay thường ghé vào để xin tờ progam đọc cốt truyện phim, đi tới một chút là đường Lê Lợi với dãy quán Cafeteria Rex, bên cạnh là rạp ciné mini Rex, đi dạo trên đường Lê Lợi đông đúc người qua lại, nhìn ngắm những cửa hàng rồi điểm dừng chân cuối là Nhà Sách Khai Trí, vào đây tha hồ mà coi ké cũng không sợ bị la.
Có khi tôi cũng ghé vào khu Passage Eden, với những lối đi dọc ngang, có rạp ciné Eden tối hù mỗi khi vào rạp xem phim, hay nhìn ngắm những gian hàng bán đồ chơi mô hình lắp ráp tàu chiến, máy bay bằng nhựa cứng, rồi trở ra rạp Rex băng qua đường Nguyễn Huệ là tới Thương Xá Tax rộng lớn, nơi góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi có tiệm kem Pole Nord nổi tiếng, vì thế trưa ngày thứ bảy cuối tuần luôn luôn là ngày tôi thích nhất khi học ở Taberd.
Có những lần cả đám trong lớp 8-3 đứng đầu là tên Nguyễn Duy Hải, dẫn dắt tụi tôi đi đánh nhau với đám nhóc nhà thương Grall, không biết nghe đứa nào đó trong lớp bị đám nhóc nhà thương Grall ăn hiếp, thế là lúc tan học cùng với vài nhóc khác ở lớp kế bên, kéo nhau ra ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Du rượt đuổi, ném đá nhau đến nỗi nghe tin frère An Phong phải đích thân ra can thiệp, lôi cái đám nhóc hung hăng về trường.
Cũng như cái năm 72-73, xảy ra những vụ đánh nhau giữa trường Taberd và Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, không biết vì nguyên do nào mà đây là chuyện của các lớp đàn anh lớn, nhưng cái đám nhóc tụi tôi cũng bàn tán sôi nổi không kém, nào là cứ thấy cái áo xanh Cao Thắng hay cái áo trắng đeo phù hiệu Taberd là đánh, tên nào mà đi lớ ngớ gần trường là bị ăn đòn, làm có một thời gian tôi không dám đi ra Sài Gòn vào trưa thứ bảy, mặc dù mình còn nhỏ và không dính dáng gì đến chuyện đánh nhau cả.
Rồi những cuốn phim do Lý Tiểu Long đóng ra mắt thời bấy giờ làm xôn xao cái đám học sinh tụi tôi, ai nấy cũng coi Lý Tiểu Long là thần tượng của mình, rồi đua nhau xin đi học võ để được đánh đấm giống như trong phim, ngày ấy lớp 9-6 có tên Nguyễn Quang Sơn mà tôi hay gọi là Sơn Tây Lai, cứ hễ giờ ra chơi là nó hay biểu diễn những cú đá nguy hiểm, làm anh em suýt đánh lộn.
Ngay cả những anh lớn nhà mình cũng có khi xích mích nhau, có anh thuê cái đám giang hồ tóc tai dài thòng, mặt mũi vằn vện sẹo đầy mặt, cái xóm Chùa ở đường Hai Bà Trưng nổi tiếng đâm chém dữ dằn thời ấy, kéo nhau 6, 7 mạng đi trên những chiếc 67 lượn lờ trước cổng trường giờ tan trường, khiến frère An Phong đôi lúc cũng cảnh giác và can thiệp nếu cần trước cái đám giang hồ coi trời bằng vung kia.
Năm lớp 9 có một món ăn chơi cho vui mới ra lò, và được dân Taberd hưởng ứng nồng nhiệt, đó là món bánh bột bắp hiệu Ngon-Ngon, cầm cái bịch bánh to đùng 2, 3 thằng tụ lại vừa nhai vừa tán dóc thì thật là thú vị, cái miếng bánh ngắn ngủn to bằng cây đũa lại thơm mùi bắp, bỏ vào miệng nhiều khi chưa kịp nhai nó đã tan trong miệng, cho nên có ăn hoài cũng không thấy no chỉ tổ đi uống nước liên tục mà thôi. Lúc món này mới ra lò, vào giờ ra chơi thì cứ thấy cái bao màu vàng có chữ đỏ, mọi người cầm trên tay là biết đó là món bánh bột bắp hiệu Ngon-Ngon liền.
Cũng năm lớp 9 này, tụi tôi không còn đeo phù hiệu bằng vải nữa, thay vào đó là phù hiệu bằng kim loại, nó hình tròn có ngôi sao chổi thẳng đứng và chữ Taberd nằm giữa, cũng vì nó nho nhỏ xinh xinh dễ cất dấu nên đôi khi cũng bất tiện, có những lần đi học đợi đến trường mới móc ra đeo, thì phát hiện nó rơi đâu mất, nên đành phải ghé Trung Tâm Phát Hành La San nằm ngay cổng trường để mua, đeo vào rồi mới vào lớp được, còn ở trong trường thì đeo vào tụi tôi cũng thấy hãnh diện với các lớp 6, 7, 8 đàn em, ra cái điều năm nay anh đã lớn rồi chứ không còn nhỏ như mấy em nữa, nghe cưng.
Có một dạo ở sài gòn trong giới SVHS vào năm 72-73, nổi lên phong trào du ca rầm rộ, rồi những cái tên của những nhạc sĩ trong giới SVHS như Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Nguyễn Đức Trung ..., mà ngày ấy chúng tôi chỉ hát vì thích chứ có hiểu gì về chính trị đâu, và có một buổi sinh hoạt văn nghệ do frère An Phong phụ trách, đã dậy chúng tôi hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, chúng tôi hát say sưa theo nhịp tay của frère Phong, nhất là phần điệp khúc hào hùng "... Máu Ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài, từng ngày qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không thôi ... ", một bài hát mà cho đến giờ chúng tôi sau mấy chục năm vẫn còn nhớ, và thỉnh thoảng khi gặp nhau vẫn nhắc cho nhau nghe.
Hay là phong trào nhạc thánh ca mới cũng rất thịnh hành trong giới học sinh Công giáo, hát nhạc thánh ca với lời nhạc hay cộng với trống đàn, guitar thay vì cây phong cầm cũ kỹ thì thật là lạ và hấp dẫn tụi tôi vô cùng, tôi còn nhớ vào ngày Khai Giảng năm học 72-73, hôm ấy một buổi Lễ Khai Giảng do Linh Mục Paulus Nguyễn Văn Mười làm chủ lễ trên Hội Trường Taberd, chúng tôi được frère An Phong dậy tập hát hai bài để hát trong buổi lễ hôm ấy, mà tôi chỉ còn nhớ một bài đó là bài Vui Ngày Trở Về, với điệu Bolero réo rắt của tiếng trống đàn chúng tôi cùng nhau hát say sưa:
"Người đi trong đau thương sẽ về giữa vui cười, Hòa tiếng tơ đàn hát rộn ràng câu nhớ thương, người gieo trong đau thương gặt trong ngàn tiếng ca, lời ca đẹp ý thơ nhìn lúa mênh mông lòng trào dâng mến thương ...".
Vào dịp lễ Giáng sinh lớp tôi 9-6 lúc ấy có frère Zacharie Nguyễn Tấn Kiệt dạy môn Pháp Văn, frère phát cho các học sinh trong lớp một tờ in ronéo trong đó có 2 bài, Silent Night và bài dân ca của Pháp Mon Beau sapin mà tôi rất thích, rồi frère tập cho chúng tôi hát hai bài này trong giờ Pháp Văn của frère:
"Mon beau sapin, roi des forets, que j'aime ta verdure. Quand par l'hiver, bois et guerets, mon beau sapin, roi et forets, tu gardes ta parure.
Toi que Noel, planta chez nous, au saint anniversaire, jolie sapin, comme ils sont doux, et tes bonbons et tes joujoux, Toi que Noel, planta chez nous, par les mains de ma mere".
Lời ca của cả lớp, cộng thêm cái không khí Noel đang sắp đến, khiến tôi cứ nhớ mãi những hình ảnh ấy cho đến tận bây giờ, lúc đã về già.
Những năm 72-73 chiến tranh ngày càng khốc liệt với Mùa hè Đỏ Lửa, và Hiệp Định Paris được ký kết vào năm 73 cùng với sự chuẩn bị lính Mỹ rút về nước, vẫn tưởng hòa Bình đã về và chiến tranh cũng chấm dứt, nhưng rồi cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn, nó cũng làm ảnh hưởng đến một số học sinh Taberd, nhất là những ai sinh năm 57 đang học lớp 9, tức là học trễ một năm so với những ai sinh năm 58, mà sau này tôi hay gọi là ngồi nhầm lớp.
Cũng vì lo sợ động viên vào quân đội về sau này, và do sự tính toán của gia đình mà có một số bạn phải rời trường, để sang trường khác học lớp cao hơn, và cũng không lấy làm lạ khi có thằng bạn năm nay đang ngồi học chung lớp, đùng một cái sang năm đã thấy nó nhảy lên lớp 11 rồi, ôi cái thời chiến tranh thật là khổ sở.
Và càng không ai ngờ lần rời khỏi trường này cũng là lần cuối cùng, có những người sẽ không bao giờ có dịp trở lại ngôi trường thân yêu, mà bấy lâu nay mình đã gắn bó, vì một biến cố lớn đã làm thay đổi biết bao nhiêu số phận con người, cái ngày 30/4/1975 định mệnh ấy, thật là buồn.