Taberd.org
 Mục lục
Học sinh xuất sắc
Nguyễn Văn Em

Thân chào tất cả các bạn,

Từ ngày có Taberd.org, nối lại được vòng tay lớn với bạn bè khắp nơi trên thế giới tôi vui lắm. Bây giờ mỗi ngày sau giờ tan sở, về đến nhà tôi đã có thêm công ăn việc làm chứ không còn lêu bêu như trước. Chỉ có việc mở máy ra đọc mail của bạn bè, viết mail trả lời rồi lại tiếp tục ngồi chờ đợi, thỉnh thoảng ngồi cười hi hi một mình trước các máy vô tri vô giác làm bà Xã hơi giật mình lo ngại, lấy tay rờ trán xem tôi có bị nóng không.

Sướng đến phồng cả mũi khi thấy bạn bè vẫn còn ca tụng lão Văn Em là học sinh xuất sắc, rồi lại thấy ngày xưa mình còn trẻ người non dạ, thiếu tế nhị khi ráng gom cho gần hết những bảng danh dự của lớp để cho nhiều bạn bè xa lánh, không dám đến gần như lão Nguyễn Ngô Hùng hay Vũ Văn Chính, ... Rồi các lão này cứ nghĩ học giỏi thì viết văn phải hay, rồi lại bị thúc giục bởi những câu nói như Viết đi cha nội hay là Tôi viết dở ẹc mà còn dám trình làng vài tác phẩm, còn ông ... v.v. Đêm nằm ngủ còn mơ thấy hai lão cầm bút ấn vào tay bắt viết. Thôi thì tôi vén bức màn bí mật cho các bạn biết những nguyên nhân đưa đẩy tôi trở thành một học sinh xuất sắc.

Ba Má tôi người thì quê Hậu Mỹ, người thì quê Mỹ Hội thuộc quận Cái Bè, tỉnh Định Tường. Thời đó đường làng đi lại khó khăn, phương tiện di chuyển chính là ghe hoặc xuồng. Gặp lúc giặc giả nên tôi sanh ra vào năm 1955 mà mãi đến năm 1958 ba tôi mới ra quận làm giấy khai sanh, lấy ngày đó là ngày sanh tháng đẻ của tôi (17-07-1958), thành ra các đứa trẻ đồng trang lứa còn ẵm ngửa tên tay bố mẹ thì tôi đã tụt xuống chạy lăng quăng cùng khắp xóm. Đáng lẽ ra tôi cũng có cái tên cũng khá hay, tên là Phương, giống như Ngô Cảnh Phương vậy, nhưng khi đến nơi ba tôi lại khai tên là Nguyễn văn Em vì nghĩ tôi là con út trong gia đình. Số mệnh đã an bài, nhờ cái tên độc đáo mà tôi vẫn luôn nổi tiếng dù không có thông minh! Viết đến đây tôi lại thầm cám ơn Ba Má tôi (ba tôi đã mất, Má tôi Tết năm nay được 93 tuổi), nhờ hai Ông Bà cho tôi trẻ lại ba tuổi, đầu óc phát triển, suy nghĩ chín chắn và già dặn, cái gì cũng đi trước các bạn tới ba năm. Ba năm cũng là một chặng đường dai lắm phải không các bạn ? Thế là tôi có lý do thứ nhất để học giỏi.

Với cái tên Nguyễn Văn Em, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ các cô gái thấy mình quá đẹp trai chạy đến làm quen rồi hỏi tên thì không biết ra sao ? Có một năm, mấy cô nữ sinh Thiên Phước qua bên trường Taberd, thấy bạn mình vui vẻ tung hoành tán gái, nào là Mai Thế Roanh, mấy bạn chụp hình với Lê Việt Quang, Dương Quang Khải, Nguyễn Minh Tân, v.v., tức mình tôi lại ôm tập vở ra miệt mài học cho bỏ ghét, mặc kệ đám thiêu thân lao mình vào ánh sáng !!! Hình như có một số bạn khác vì lý do nào đó đã thiêu thân trể, đến hơn 50 tuổi mới ra tay như Lý Văn Quới. Đây chính là lợi thế thứ hai làm tôi học giỏi.

***

Sau 1975, vô danh tiểu tốt, tôi trở thành một kẻ tầm thường, tệ hơn nữa đến năm 1979, năm đó tôi học năm thứ nhất và thứ hai đại học, có một khóa tôi thâu hoạch được tổng số điểm trung bình từ lúc bắt đầu dại học là 1.79 trên 4. Khóa đó tôi nhận được thư cảnh cáo của trường là nếu khóa sau tôi không kéo lên trên 1.8 thì trường sẽ không cho tôi tiếp tục học (hay nói một cách khác là tôi sẽ bị sa thải). May cho tôi là sự cố gắng giúp tôi qua được giai đoạn này và khi học xong đại học, tổng số điểm trung bình của tôi là 2.2 trên 4. Điểm để được nhận vào Cao học phải tối thiểu là 2.75 trên 4.

Tám tháng sau khi ra trường, tôi không tìm được việc làm vì năm 1982, công việc ngành công chánh đình trệ, mặc dù năm 1978, lúc chọn đi ngành này tôi đã nghiên cứu kỷ, lúc đó mỗi sinh viên ra trường có ba hay bốn chỗ mời gọi.

Lâm vào thế kẹt, tôi viết cho trường một đơn xin học Cao học, còn thật thà ghi rỏ là tôi chỉ có 2.2 trên 4 khi tốt nghiệp và xin trường cho tôi thử thời vận vì không tìm ra việc làm và nếu sau một khóa, thấy tôi học không nổi thì trường cho tôi nghỉ. Thế mà Đại học cho tôi thử thời vận. Tôi học suốt ngày, chỉ chừa khoảng thời gian để ngủ. Sau cùng sự cố gắng cũng mang lại cho tôi cái bằng Cao học mà bây giờ bên mình gọi là Thạc Sĩ, mặc dù tôi chỉ hiểu lơ mơ mấy môn tôi học. Tức là tôi có bằng cấp ngang với Nguyễn Trịnh Lương.

Kể từ đó trở đi, bốn chữ Học Sinh Xuất Sắc đã dần dần chìm vào quên lãng. Cho đến một ngày, có người bạn gọi cho tôi biết cánh cửa Taberd.org đang từ từ mở rông, thế là bao nhiêu ký ức ưu ái của bạn bè dành cho tôi khiến tôi thấy mình ... chắc cũng là giỏi thật đấy.

Tới đây tôi có thể nói với các bạn là điều kiện thứ ba giúp tôi là học sinh xuất sắc là sự siêng năng chứ nói về thông minh thì tôi không có, còn nói về trí nhớ thì còn tệ hơn nửa. Hôm qua, tôi có điện thoại cho Phạm Đình Nguyên, ông bạn này thao thao bất tuyệt, cho biết hồi xưa người ngôi bên phải ông ta là ai, người ngôi bên trái là ai, đàng trước, đàng sau, v.v. Trong khi đó tôi không nhớ ra năm 1975 mình học lớp 11B mấy nữa!

Chỉ kể sơ sơ ba lý do chính đáng cho các bạn đọc chơi thôi, chứ những thứ lỉnh kỉnh leng keng bên cạnh còn vô số, chưa kể có ông đọc xong lại bảo văn chương gì mà khô khốc, vắt mãi chả ra tí nước. À mà quên, viết đến đây tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm từ hồi tiểu học, nhờ to con hơn các bạn khác nên được các frère cho làm trưởng lớp. Công việc của trưởng lớp bao gồm đại loại là: nhắc các bạn bỏ áo trong quần, coi xem các bạn có mang phù hiệu Taberd, trông chừng các bạn xếp hàng vào lớp, giữ trật tự trong giờ học, chép bảng cho thầy cô, lau bảng, v.v. Lúc ấy tôi thấy mình thật là oai phong và vĩ đại.

Thông thường khi lớp học ồn ào, trưởng lớp phải nhắc nhở các bạn bằng các đưa ngón tay trỏ lên miệng và suỵt suỵt và tiếng. Một hôm thầy Hòa (Nguyễn Văn Hòa, dạy Pháp Văn) đang giảng bài, lớp học bắt đầu nhốn nháo lao xao. Tôi bắt buộc phải thi hành phận sự, suỵt suỵt liên lục vài ba tiếng để cho lớp học được yên. Thầy Hòa kêu tôi lên, khi tôi bước tới gần bục giảng, thầy tặng tôi một cái tát tay thật nẩy lửa và bắt tôi đứng úp mặt vô tường. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hết giờ học, tôi mới nghiệm ra là tôi thi hành phận sự mà Thầy nghĩ là tôi vô lể suỵt thầy khi Thầy đang giảng bài. Đúng là tai nạn nghề nghiệp!

Thôi kể từ bây giờ, mấy ông quên đi cái chuyện tôi là học sinh xuất sắc vì cùng thời đó có nhiều bạn thật sự xuất sắc như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Tư Bích, Lữ Phúc Trung Sơn, Nguyễn Đình Biên, v.v. kể sao cho hết; và bây giờ có nhiều bạn rất thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chấm hết.

Nguyễn Văn Em - Montréal - Canada (gần tết con Cọp)