Mục lục | Paris có gì lạ không em? Lê Xuân Việt |
Tôi đến Paris lần đầu tiên vào mùa hè năm 1990, khi tôi đi dự một hội nghị kỹ thuật ở Đông Âu. Nơi đây, ở thành phố lãng mạn nhất trên thế gian, tôi gặp lại một người bạn tri kỷ, rất thân rất gần với tôi, sau khi nàng tốt nghiệp học ở California và trở về Âu Châu. Lần đó, trở về lại Cali, tôi nhớ trong tôi vương vấn những xúc động, những tình cảm nảy nở ở một Paris cổ kính tràn đầy lãng mạn.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, tôi và nàng mỗi đứa tiếp tục dấn thân trong một cuộc sống riêng, trải qua những chông gai, những thăng trầm của người ở Âu Châu kẻ nơi Hoa Kỳ.
Một thăng điểm của tôi 20 năm sau, vào năm 2010, là gặp gỡ lại các bạn thân thuở ấu thơ Lasan Taberd. Sau nhiều lần gặp gỡ các Tabériens ở Orange County và San Jose trong California, tình bạn của chúng tôi đã biến chuyển từ khởi điểm của những dâng tràn cảm xúc ôn kỷ niệm của 11 năm ở Taberd, để trưởng thành phù hợp với phát triển cá nhân của mỗi bạn. Trong một năm qua, mặc dù vui trong những tình bạn này, tôi vẫn thường hay thắc mắc, không mường tượng được tình bạn ngày trước sẽ như thế nào với hai bạn rất thân ở những năm cuối trước 1975, mà tôi chưa được gặp gỡ: NP Hải (Hà) và NQ Sơn (lai).
Vào đầu Thu năm nay, tôi trở lại Paris, sau 21 năm, với biết bao xúc động. Gần 2 tháng trước ngày đến Paris, tôi có liên lạc với Hà và LNQ Khánh để báo tin, nhưng chưa xác định được lộ trình và ngày giờ, vì tôi cần phải hoàn tất một việc rất quan trọng, mà tôi tạm đề cập với Hà và Khánh là "chuyện lớn".
Ngày 1: Chuyến bay Air France của tôi cất cánh từ San Francisco International Airport, sau gần 10 giờ bay, từ từ đáp xuống phi trường Charles de Gaulle, Paris. Xe taxi đưa tôi đến khách sạn ở La Défense, và sau đó tôi lấy métro để bắt đầu đi lo "chuyện lớn". Paris với những kiến trúc cổ kính từ muôn đời, métro tấp nập người, những café vỉa hè thơ mộng, Musée du Louvre trang nghiêm và ấm cúng, tất cả vẫn như tôi nhớ hơn 20 năm trước đây. Đặc biệt là lần này, do ở "chuyện lớn," tôi thấy gần gũi với Paris hơn, và niềm vui gia tăng lên khi tôi nghĩ đến giây phút hội ngộ các Tabériens Paris trong ít ngày.
Ngày 2: Buổi chiều ngày hôm nay, sau khi đi cùng với vợ chồng anh chị của tôi để hoàn tất "chuyện lớn," tôi trở về lại hotel để nghỉ ngơi. Tôi mở sổ điện thoại ra, lấy số của Khánh,
LXV: Allo!
LNQK: Allo!
LXV: Tôi xin phép được nói chuyện với nhạc sĩ Lê Như ạ.
LNQK: Ù ẹ. Tao đang đợi phone mày đây. Ở đâu đó? Đến từ hôm nào? "Chuyện lớn" xong chưa?
Sơn lai, Việt, Hùng, Khánh, Hà (cảm ơn photo của Hùng) |
Như tôi đã có nhận xét với Khánh trong một email, cách nói chuyện của hắn y như cách hắn làm việc trên mạng, hắn hay đặt những câu "tra khảo" với vài phụ phần, và luôn chờ nghe "giả nhời" đầy đủ cho tất cả các phần. Sau khi báo cáo đầy đủ đến nhạc sĩ, chúng tôi hẹn nhau,LNQK: Thứ sáu 1 giờ trưa tao đón thằng Hà ở Gare de Lyon, xong đi ăn trưa phê pháo. 7 giờ tối là tụ họp cơm tối ở Lê Lai, sau đó mình sẽ đi party văn nghệ bỏ túi ở nhà một người bạn của tao. LXV: Rồi, tao sẽ plan đi gặp Hà với mày ở Gare de Lyon. À bientôt!
Ngày 3: Sau khi hỏi ra được là Gare de Lyon to rộng và nhiều lối ngõ, sợ không tìm ra nhau tôi email cho Khánh "Hẹn mày với Hà ở dưới lầu restaurant Le Train Bleu nhe." Khánh trả lời tôi "Dân San Jose mà biết Le Train Bleu thì quả là dân chơi thứ thiệt!" Tôi hét nhắng lên "Bố khỉ, dân chơi với dân chiếc. Bởi vì tiếng Tây tiếng U của ông bây giờ khiếp đảm quá, người nhà sợ ông đi lạc, bạn "ếch" kiếm ra mới dặn ông đứng yên ở đấy, chứ ông nào đã có đến đây bao giờ!"
Ngày 4: Tôi làm một ít việc buổi sáng xong lấy métro đến Gare de Lyon. Đến nơi, thì y như đã nghe dặn, Gare Lyon đèn vàng thơ mộng của Cung Trầm Tưởng quả là to rộng và đông đúc những người. Sau khi hỏi ra lối đến Le Train Bleu, tôi xuống dưới nhà, nhìn quanh không thấy Hà và Khánh đâu; trở lên lầu, nhìn quanh tôi cũng không thấy bạn nào. Đang loay hoay dùng cell phone để gọi Khánh, thì có một bàn tay vỗ vai tôi.
Nguyễn Phước Hà! Bên ngoài thì hắn nhìn y như trong hình tôi đã thấy trên Taberd.org trong năm qua. Và mặc dù đã hơn 36 năm rồi, tôi vẫn nhận ra cái "cách" đặc thù của thằng bạn thân với tôi những năm cuối ở Taberd: con người tình cảm, vẻ hiền hậu nhẹ nhàng, và đàn ông mà mắt lại hơi mơ màng mới kinh chứ! (sướng nhớ trả tiền nhe Hà, haha.) Sau đó tôi và Hà đi ra khỏi gare để đợi Khánh trên đường tan sở đến đón.
Buổi tối, ở nhà hàng Lê Lai, thì phái đoàn tôi đến trễ hơn 2 tiếng vì lý do "kỹ thuật." Ông Tây Ba Lô NNH và Sơn lai đợi chúng tôi mòn mỏi trước cửa, tôi vừa mừng gặp bạn vừa xin lỗi rối rít,
NNH: Không sao, bây giờ đến rồi thì nhập tiệc đi. Chỉ kẹt vì moi có công việc sở phải đi một lát nữa nên tiếc không có nhiều thì giờ thôi.
NNH thì như tôi đã mường tượng, cũng nhẹ nhàng như Hà nhưng mang một vẻ trầm ngâm đăm chiêu của một nhà văn. Sau bữa tiệc, Hùng chở tôi đến nhà tổ chức party; khi đi ngang qua một địa điểm mà Hùng có nhiều kỷ niệm, bạn đã chia sẻ với tôi những điều rất xúc động. Tôi ước lượng thời gian traverser địa điểm này không quá 2 hay 3 phút, có 1 hay 2 ngọn đèn lưu thông giữ ngưng xe lại, bạn chỉ kể với tôi bằng 3 hay 4 câu ngắn gọn mà tràn đầy những cảm xúc kỷ niệm. Tôi nhớ đã đọc ở đâu rằng, có rất nhiều nhà văn ở bên ngoài họ không như con người ngòi bút; tôi thấy vui vui trong nhận xét rằng tôi thích lối viết ngắn gọn hàm chứa của NNH, và con người của bạn chân thật như lời văn vậy. Merci Hùng đã chia sẻ, và mong đọc thêm bài của bạn trên trang Cảm Xúc.
Sơn lai thì ... oh la la! Tất cả những gì tôi cảm thấy ở Hà của 36 năm trước thì tôi cũng có cảm giác y như vậy với Sơn. Tôi nhớ những ngày còn bé ở Taberd, hắn thẳng tánh nhưng rất tình cảm và lạc quan, thì ngày hôm nay hắn vẫn y như vậy. Đúc kết từ những nhận xét của khoa tâm lý học, chúng ta có thể kết luận rằng cái chất "trực tánh" chỉ có một dạng trung thực duy nhất, và những vẻ mạo dạng thì hằng hà sa số. Gặp nhau lại sau hơn 36 năm, tôi vui mừng tin rằng, ở Sơn lai, chúng ta may mắn có một người bạn có dạng trung thực hiếm hoi đó. Gặp lại mày quý lắm đó nhe Sơn!
Các Be khắp nơi à, qua những hoạt động trên mạng của cụ K, có ai tin được là hắn có một côté nhút nhát e thẹn không? Sơn lai kể cho tôi nghe rằng, "Lần đầu tiên nó phone cho tao, nói được vài ba câu xong cái nó mắc cỡ, không biết nói gì thêm, nó hỏi tao một câu ngang xương--Ê Sơn, tao nhớ hồi đó mày lai, bây giờ mày có còn lai không vậy? Mày thấy cái thằng có dzô dziên không?"
Tôi xin cảm ơn các bạn Taberd Paris đã dành cho gia đình tôi một buổi tối hội ngộ thật đẹp thật đáng ghi nhớ. Riêng cảm ơn anh chị Khánh đã xếp đặt một bữa tiệc thật ngon và ấm cúng và tổ chức bal famille thật vui và thân mật ở tư gia anh chị Tùng. Tôi mong lần sau đến Paris sẽ có nhiều thời gian thông báo hơn để gặp được thêm các bạn khác.
Ngày hội ngộ Taberd 76 năm 2011 vừa qua, tôi rất mong nhưng rốt cuộc không gặp được các bạn Taberd Paris ở bên California. Gặp gỡ các bạn ở đây, niềm vui làm tăng trưởng niềm tin trong tôi rằng: sau hơn 20 năm xa Paris, tôi phải trở lại để tìm đến quý nhân ở Paris, chứ không thể đợi quý nhân ở Paris tìm đến tôi. Niềm tin này thật sự là động cơ lớn cho chuyện quan trọng, "chuyện lớn" trong chuyến đi này của tôi.
Nhạc sĩ Đức Huy, trong nhạc phẩm anh sáng tác "Để quên con tim," có một câu thật hay:
ngày rời Paris, anh đã để quên con tim ...
Tôi đến Paris lần đầu 21 năm về trước, và khi đi về Cali tôi đã vô tình để lại một mảnh tim với tất cả những mộng mơ của thuở ấu thơ Sàigòn năm xưa. Tôi đi tìm mảnh đó ở khắp nơi trong suốt bao năm qua, không ý thức rằng người tri kỷ ở Paris đã gìn giữ cho tôi và tiếp tục nuôi dưỡng những mộng mơ đó. Tôi trở lại Paris lần này để tìm đến nàng, để đón nàng cùng tôi từ nay dìu nhau chung bước trên hết quãng đường còn lại.