Mục lục | Bác Sĩ Lê Xuân Việt, chuyên gia về bệnh cõi trên Vũ Văn Chính |
Tôi mê giọng ca của Bác Thái Thanh từ lúc tôi mới lớn, cái tuổi mới trổ mã và hay hát nghêu ngao: "Em tan trường về, trường tan em không về. Em không về nhà, mà trường tan em cũng không về ... ", hoặc hát vu vơ như "Nghìn trùng xa cách, quần đứt dây rồi", dĩ nhiên Bác Thái Thanh đâu có hát như vậy. Mãi cho đến thập niên 90, tôi lại được nghe cái giọng mượt mà của chị hai Ý Lan qua cái bài "Mưa Ngâu", hay cái bài "Ta mang cho em một đóa Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm".
Giọng chị hay không kém mẹ của chị, và đến bây giờ tôi lại được bạn bè cho biết, có thêm cô tư là ca sỹ Quỳnh Hương nữa, cả nhà là những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không hiểu sao, Cậu Ba Lê Xuân Việt lại không trở thành nam ca sĩ như Mẹ, Chị và Em, cái này chỉ có trời mới biết.
Tôi thì học chung với ông một lớp 8-3, nhưng ngày ấy trong lớp vì mải theo băng Tứ Quái Dalton, nên tôi không biết gì về ông nhiều đến nỗi học chung lớp mà còn không hay, thấy tên Lê Xuân Việt mà không nghĩ là ông sợ còn thằng Xuân Việt nào khác chăng? tìm tới tìm lui cả cái cấp lớp 8 thì đúng là chỉ có một Xuân Việt duy nhất, và mãi đến tận bây giờ mới biết về ông là con của Bác Thái Thanh nổi tiếng ngày nào, tôi và ông cũng có cái điểm giống nhau, ở cái ngày đầu tiên đi học như lời ông kể:
- Tôi cho mình là một trong những kẻ có số may mắn trên con đường học vấn, khởi sự từ ngày đầu tiên tôi cắp sách đến trường. Tôi còn nhớ hôm đó Mẹ tôi dẫn tôi đến trường Taberd, và tôi đã khóc bù lu bù loa, ghì chặt lấy bà không chịu vào lớp. Sau đó khi quen dần với trường với bạn, thì tôi lại không bằng lòng để mẹ tôi đưa đón nữa, vì bị lũ bạn chọc ghẹo và tôi thì xấu hổ, kể từ đó cho đến ngày 30-4-75 tôi rời đất nước, trường Taberd đã trở thành kho tàng quê hương Việt Nam trong trái tim tôi.
Trong suốt 11 năm ngồi mài đũng quần ở Taberd, thời gian tôi chăm chỉ học rất ít, mà tháng ngày rong chơi la cà với bạn bè thì nhiều, (mà hầu như lúc nào tôi cũng thấy thiếu, chưa đủ đã) không biết bao nhiêu lần tôi mang cái Bulletin về nhà, điểm hàng tháng thì bết bát, đến nỗi mẹ tôi phải dọa:
- Mày cứ ham chơi với mấy thằng Taberd đi, mai mốt rớt Tú Tài đi lính mãn đời nghe con.
Tôi rời Sài Gòn năm 75 mà mãi đến năm 85, tôi mới được đoàn tụ với mẹ với gia đình khi bà sang Mỹ, mẹ tôi thường kể rằng mỗi lần đi ngang Taberd là bà lại nhớ con, nhớ cái thằng con trai bé bỏng ngày nào, nó ham chơi hơn là ham học, nhớ cả những lần nó sinh hoạt và tụ tập với lũ bạn của nó, nước mắt bà lại tuôn ra thành dòng ... "
Và tôi cũng được nghe bạn bè của tôi nói về ông như sau:
- Ngày xưa ông hay mặc cái áo bó chẽn, quần xì-gà Pát (model thời bấy giờ, hai tay đút vào túi quần, mở miệng ra là ông hay nói đến Bal hay Boum Famille, mà ngày ấy hay được các cậu trẻ tổ chức tại nhà, nó cũng là phong trào thịnh hành thời bấy giờ.
- Nhưng cũng có lúc ông bê bối, có lần ông mặc cái quần "sịp" lủng lỗ chỗ và rách teng beng, mà phần trên chỉ còn lại cái cọng thun quần là đáng giá, ông để cho tụi bạn nó phát hiện lúc ông thay quần áo trong giờ Thể dục, may là không có mấy em gái đi bán báo của mấy trường đi ngang, không thì ... Gớm! dân Taberd mà như rứa à.
- Ông là thằng thông minh nhất nam tử, ăn mặc thì sành điệu và ăn chơi thì khỏi chê, nhưng ông học cũng giỏi cũng siêu lắm, nhìn ông chơi và ông học sao thấy nó nhàn nhã thế, kể cả lúc ông sang Mỹ, ông học tại Cal State North Ridge, ra trường ông là kỹ sư về Computer, có PhD rất nhanh, rồi ông đi làm với một cái chức vụ khá cao ở Hughes Aircraft, không hiểu sao ông chán gì mà ông bỏ công việc này và đi học nghề Bác Sĩ, và bây giờ ông là bác sỹ khoa Tâm Thần mới hay chứ.
Nghề của ông là chuyên trị những cái đầu không ổn định, những cái ý nghĩ của những cái đầu nóng, nó chạy lung tung cả lên và luôn chạm mạch, rồi có những ông tưng tửng đứng ở dưới đất, mà hồn thì cứ bay lơ lửng lên trời có khi không chịu xuống, có những ông tưởng mình là con Ngọc Hoàng, lúc nào cũng vỗ ngực xưng tên, hay sợ mấy thằng chung quanh chúng nó bu vào ám sát. Chắc hẳn cũng có khi ông khám bệnh, ông cũng hay hù dọa bệnh nhân như khi xưa Mẹ ông hay dọa ông:
- Mày mà không chịu chữa bệnh là Mal mãn đời nghe em.
Mà những con bệnh này thì đầy rẫy ở cái xứ sở thần tiên này. Cái nghề nghiệp của ông nó cũng khô khan như cái văn chương của ông, mỗi lần đọc phải uống nước trà vô thì mới hiểu được, cũng đôi khi ông kể chuyện tiếu lâm nghe cũng hay hay, ông lo chữa bệnh cho thiên hạ nhưng cái bệnh té giếng lần 1 của ông và Sơn Mập, thì cả hai ông đều bó tay không chữa được, biết làm sao được vì mỗi người có cuộc sống riêng tư, nhìn tướng ông tôi lại hay nghĩ chắc cha Bác sĩ này hay bay nhảy lắm đây, giống như ông hay nói những người đi qua đời tôi.
Thế mà ông cũng giống như Sơn Mập, suốt ngày cứ ca lên: "... Để đời luôn vui sướng chớ có lấy vợ, coi tôi đó trai độc thân, vui sướng không sầu lo nghĩ... Mãi sống thế này ôi đâu chút chi phiền toái, sung sướng thấy đời ôi đơn chiếc...", một ông gà trống nuôi 4 đứa con. Sao mà hai ông Laurent & Hardy ngày xưa giống nhau thế.