# 2480
05 tháng 12, 2010 14:48 Vũ Văn Chính viết
Chủ đề đã đóng
Taberd và Âm Nhạc ( 1 )
Dân Taberd ngoài việc học ra còn có 3 môn sở trường mà hình như đã thấm sâu trong người.Đó là Thể Thao mà bóng rổ là món ruột,môn Hội Họa và Âm Nhạc & Điện Ảnh.Tôi thì người mảnh khảnh nên cũng không thích thể thao cho lắm,cứ nhìn cái cảnh thằng Sơn Mập nó chạy càn mồ hôi nhễ nhại, và tranh nhau giành trái bóng là thấy oải rồi,nhưng vẫn thích những giờ thể dục trong trường ngày ấy.
Hội họa thì tôi lại không khéo tay cho lắm mặc dù rất thích những truyện tranh của Pháp,lại hay ngồi gần những thằng bạn có hoa tay vẽ đẹp,thấy tụi nó vẽ tàu chiến máy bay sao mà dễ dàng quá giống như ăn cơm sườn vậy,và tôi cũng thấy hình như dân Taberd có rất nhiều người vẽ đẹp lắm ,thấy thì mê lắm nên thỉnh thoảng tôi cũng thử cố bắt chước tụi nó nhưng rồi lại thôi,mình không có được cái hoa tay và càng không thể nào vẽ đẹp hơn được, nên tôi mau nản và không thèm chơi hội họa nữa.
Con người tôi có cái máu lãng mạn và văn nghệ đầy mình, cái này thì có thừa cũng như khoái xem phim và đọc sách vậy .Và hình như số đông dân Taberd nhà mình cũng không kém,cái máu âm nhạc và điện ảnh.Cái thứ âm nhạc của nước ngoài ,nhất là của Mỹ nó len lén đi vào người tôi từ lúc nào không biết,chỉ biết những năm 69-70 tôi đã được nghe trên Radio ,mục phát thanh âm nhạc dành cho quân đội Mỹ ở Việt Nam những cái bài như:” Listen in the music” của ban nhạc Doobie Brother,”Play Me” với cái giọng khàn khàn của Neil Diamond,”Alone Again”,”Getdown”với giọng nhẹ nhàng của Gibert O’ Sullivan.
Tôi nghe loáng thoáng vậy thôi chứ có hiểu cái bài hát đó nó nói cái gì đâu,nhưng có sao đâu đã say mê âm nhạc thì chỉ nghe giai điệu của nó không thôi cũng thấy hay rồi,đâu cần phải nghe lời.Vả lại tôi cũng được may mắn có điều kiện của gia đình ,trong nhà có giàn máy hát băng và cái tâm hồn văn nghệ của ông bố,đã truyền cho tôi cái máu lãng mạn và yêu âm nhạc.Cái thời mà nghe băng hòa tấu Guitar thật sôi động của ban nhạc The Ventures,mà mỗi lần nghe tay chân tôi lại táy máy đánh trống đàn tưởng tượng, có lúc cầm cây chổi mà tưởng tượng ra cây guitar điện ,thế là cứ gảy lên tưng bừng ,nhất là cái bài “The House Of Rising Sun”với phần solo Guitar thật độc đáo của ban nhạc The Animals,mà bài này khi đi học đánh đàn Guitar, nó thường là cái bài đầu tiên để cho người học tập đánh.Chưa kể đến những bản nhạc cao bồi Django oai hùng thời viễn tây,với những tiếng vó ngựa và tiếng súng bắn ì xèo .Mỗi lần nghe gần cái đoạn bắn súng là tôi đứng dang chân ra coi có vẻ ngạo nghễ,mắt lườm lườm về phía trước.Cũng may là không có ngậm điếu thuốc lá trên môi vì còn nhỏ,nếu không là tôi cũng bị mấy cây chổi long gà vô đít rồi,hết làm Dzango luôn.
Thế đấy ! âm nhạc đến với tôi từ cái độ 9,10 tuổi rồi.Nhớ mỗi chiều đi tắm Piscine ở Lido ,ngày đó cái hồ này chỉ dành cho các sĩ quan quân đội .Hồ có chỗ rất sâu và cái cầu nhảy,trong hồ thì nước lại trong xanh y như biển do được lát gạch mầu xanh biển.Tôi lại hay được nghe cái bài Diamond Head của The Ventures,và lúc đó còn đứng trên tấm ván của cái cầu nhảy,nghe nhạc mà cảm thấy hứng nhưng lại không dám nhảy cầu vì không biết bơi.
Lớn lên một chút thì lại thích thú nghe ban nhạc CCR ,với một cái giọng nhừa nhựa quyến rũ của Tom Fogerty,qua các bài một thời được yêu thích như:”Have You Ever Seen The Rain ?”,”Proud Mary”,”Who”ll Stop The Rain”…Đồng thời tôi cũng bắt đầu làm quen với nhạc Pháp qua cái bài “Mal” của Christophe,nghe lần đầu thấy mê mẩn bởi cái giọng the thé liêu trai của Christophe,yêu cái khúc solo mở đầu ,bài này mỗi lần nghe là tôi hay nghịch ngợm ,khi cái tiếng Mal ( hay Đau ! bản lời việt ) cất lên đầu tiên là tôi hay nói : “ Ái Da!”,rồi “Bang Bang”của Sheila,”Tous Les Garcons et Les Filles” dễ thương của Francois Hardy.
Ban đầu,tôi học chương trình Pháp nhưng lại khoái nghe nhạc Mỹ,tôi có cảm tưởng là nhạc Mỹ nghe hay hơn nhạc Pháp,nhất là khi nghe LoBo hát,rồi Carpenters với cái bài “ Goodbye To Love” có cái phần solo guitar khúc sau và tiếng:” Ah Ah”phụ họa hay kinh khủng,Neil Diamond nhịp nhàng với “Song Sung Blue”,,Simon&Garfunker êm đềm với “El Condo Pasa”,”Sound Of Silent”,Santana,Andy William với “Love Story”..nhiều bài hát và ca sĩ hát hay lắm nhất là cái năm 72.
Khi mà Taberd tổ chức chương trình nhạc trẻ,nhạc việt hóa hai lời.Giới trẻ Sài Gòn với phong trào Hippy để tóc dài và hát nhạc trẻ,tôi không hiểu sao cái năm này âm nhạc của Mỹ,Pháp ,kể cả của Việt Nam sao mà nó nhiều bài hay thế.Và cái buổi tôi đi xem Nhạc Trẻ được tổ chức ở Taberd,nó làm tôi thấy mãn nhãn.
Dân Taberd mình chơi nhạc cũng đâu có thua gì các ban nhạc của thời ấy,tôi phục các bậc đàn anh Taberd lắm,họ chơi thật hay và có phong cách thật sành điệu.Trong những buổi văn nghệ cây nhà lá vườn,thấy các anh lim dim thả hồn theo bản nhạc là tôi cũng lâng lâng theo.Và trong cái tâm hồn của cậu bé 15,16 tuổi khi ấy,thì lúc có lần đầu tiên tôi được nghe cái bài “Bao Giờ Biết Tương Tư” của Phạm Duy,hay bài”Ai Về Sông Tương”của Thông Đạt mà tôi còn nhớ,hình như có thằng bạn nào trong lớp lên ca vào cái ngày bế giảng năm học 72-73.Khi nghe những cái từ ấy nó làm tôi bắt đầu thấy bâng khuâng rồi,nhất là cái chữ Tương Tư.
Dân Taberd nghe nhạc thật sành điệu,chỉ một số ít thôi là có thể họ không thích nhạc hay những bản nhạc sến.Còn tuyệt đại đa số lại rất ưa nghe dòng nhạc sang trọng,bằng các nhịp điệu theo phong cách như Rock,Soul,Bebop ,chachacha,Slow mùi…Những bản tình ca thời thượng của các dòng nhạc Mỹ,Pháp,Việt hóa hai lời.Chỉ cần nghe trò chuyện về một ca sĩ hay ban nhạc nào đó ,là cũng có thể thấy hợp gout hay không.Có một thời kì tôi nghe nói rằng LoBo hay Christophe,không nổi tiếng ở chính nước họ mà lại nổi tiếng ở nơi khác,nhất là Hong Kong và khu vực Châu Á .Họ say mê nhạc của hai ông này,mà cũng theo tin đồn thì các bài hát và giọng ca của hai ông ,nó sến tựa như nhạc của me –xừ Chế Linh nhà mình.
Ngày ấy tôi rất thích những tạp chí có hình và các ban nhạc ,ca sĩ mà mình yêu thích như: Salut Les Copains,Elle,Mademoiselle A Tendre của Pháp,Hit Parade,Bill Board của Mỹ.Có những cuốn sách nhạc Mỹ nhỏ bằng cuốn sổ tay,được xuất bản tại Hong Kong với nhiều bản nhạc mới nhất.Được nhìn dung nhan những thần tượng của mình thật là thích,lâu lâu có một tấm Poster lớn in hình Christophe,Art Sullivan,CCR…treo tường trong phòng thì còn gì tuyệt hơn nữa.
Nếu nhà mà có dàn máy Teac quay được hai chiều,cặp loa Mỹ to đùng và cao,và cái Ampli SanSui đời QX 9900 mới ra lò thời bấy giờ thì hạnh phúc giăng đầy trời,nếu chuyên nghiệp hơn thì có thêm dàn loa 6 cái ,với âm thanh chạy vòng vòng thì..Chậc chậc ..Thiên Đường Hạnh Phúc.Thời đó có những trung tâm thâu băng nổi tiếng ở Sài Gòn, như cái kios Trịnh Quan nằm trên đường Nguyễn Huệ,chuyên sang băng nhạc với những bản nhạc nước ngoài bằng chất lượng tuyệt hảo,hay cái Trung tâm Phát Hành Băng Nhạc Nguồn Sống,Khai Sáng nằm trên đường Lê Lợi,gần Nhà Sách khai Trí và vũ Trường Queenbee.Còn muốn nghe băng nhạc trẻ Việt Hóa bằng băng gốc thì nơi đây cũng bán đầy đủ và đa dạng,toàn băng hay và có chủ đề riêng.
Hồi đó đã có những cuốn băng với cái tên Anna,Hồn Hoang,Shotgun,Hit Parade..phát hành từng chủ đề từ số 1 cho đến số sau cùng (lúc 30-4 mới ngưng).Tất cả những chủ đề được sắp xếp và những bản nhạc hay mới ra lò,tất cả được bình chọn từ Hong kong,là nơi có thể nói sành nhạc và phân loại nhạc trẻ đứng đầu Châu Á.
Sài Gòn trong chiến tranh khắp nơi và khốc liệt,nhưng tuổi trẻ Sài Gòn vẫn đắm mình trong hưởng thụ,với những vũ trường,những tập tành nhảy nhót mỗi đêm.Dân Taberd con nhà khá giả cũng thế,cũng theo nhịp sống trẻ với những giọng hát mới mẻ đầy quyến rũ,của một Terry Jack với bài “Season In The Sun”(những mùa nắng đẹp),”If You Go Away”(người yêu nếu ra đi).Lobo với một ca khúc mới”How Can I Tell Her”(Biết nói sao cho em hiểu),một Beegees với “ I Started A Joke”,”Fist Of may”, Một “Ben”,”I’ll Be There” của Michael Jackson, Cô ca sĩ Carly Simon với bài “You’re so Vain” tuyệt chiêu,và không gì hơn một “Killing me softly with His Song” của cô ca sĩ da đen Roberta Flack,”Beautiful Sunday”của Daniel Boone,….
Nhạc Pháp thì ngoài một Christophe quen thuộc ngày nào ,nay lại có thêm một Art Sullivan nghe còn hay hơn nữa với :”Sans Toi”,”Donne Donne Moi”,”Une Larme D’amour”.Thêm một France Gall nhí nhảnh với bài “Poupee de Cire,Poupee de Son”…Nhiều lắm ,tất cả đều xuất hiện trong những năm 74.
Ngoài ra còn được nghe thêm những bản nhạc Việt Hóa nữa,tuy việt hóa từ lời Pháp,Mỹ sang lời việt,nhưng tất cả cũng đều hay và đáng nhớ.Như cái bài “Tell Laura I love Her”được dịch ra là “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” của Nam Lộc,tuy chẳng dính dáng gì đến nội dung chính của bản nhạc,nhưng lại rất được ưa chuộng lúc ấy,tôi thích nhất chỗ điệp khúc lời Anh:
“Tell Laura I Love Her,Tell Laura I need her.Tell Laura not to cry.My love for her,Will never die”.Một câu nhắn nhủ đầy lãng mạn.
Hay như lời việt :
“ Nhớ khói bay lạc vấn vương. Cho hơi ấm lên môi người.Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường.làm mây yêu thương.Vướng trong hồn em”.Tuyệt vời.
Có lần tôi thắc mắc là tại sao không là Gia long hay Saint Paul,bét lắm là ..Taberd cũng được có sao đâu,hát lên cũng đâu có gì là trái từ ngữ: “Taberd năm xưa hoa vẫn rơi đầy trời..”nghe đâu có dở,nhưng sao mà ông Nam Lộc lại lấy trường Trưng Vương.Sau này có lần trồng cây si ở Saint Paul tôi mới vỡ lẽ.
Ngày xưa và kể cả bây giờ ,con đường trước cổng sau trường của Saint Paul,Trưng Vương thì nằm giữa,cuối đường là trường nam Võ Trường Toản.Con đường này hơi vắng chỉ những lúc học sinh của 3 trường trên,mỗi lần đến trường và tan trường thì mới đông.Con đường có một đoạn ngắn thôi rất là đẹp và thơ mộng,với hàng cây cổ thụ đứng thẳng và cao vút trời.Mỗi lần tan trường nhìn những tà áo dài trắng của các cô Trưng Vương bay trong nắng và gió rất quyến rũ và nên thơ,dù gì nhìn cũng đẹp hơn chiếc áo dài màu xanh lục của Saint Paul.
Mà thích thì thích thật,nhưng cũng đâu có dám làm quen với các cô đâu,chỉ vì cái trường nam Võ Trường Toản nằm gần đấy,và hình như theo cái thông lệ thường thấy ,là hoa trong vườn gần nhà tao là của tao,tụi bay từ đâu đến cua là coi chừng.Không biết có đúng vậy không?nhưng dân Taberd cũng đâu thích mấy em Trưng Vương mấy,mà để ý và thầm thương trộm nhớ là các em Saint Paul thân thiết và bồ bịch với Taberd kìa.
Những bản nhạc như “Anh Đã Quên Mùa Thu”,”Người Tình Đẹp Xinh Xinh”với giọng ca Khánh Hà.”Biết Đến Thuở Nào”,các Tuổi Thần Tiên,Tuổi Ngọc..do Duy quang và Thái Hiền hát.”Khi Xưa Ta Bé”,”Vắng Bóng Người Yêu” của giọng ca Thanh Lan,và còn nhiều lắm những bài hát đã đi vào hồn tôi ,bằng những kỉ niệm chở đầy êm ái và thơ mộng.
Và cho đến ngày 30-4,khi Taberd không còn là cái tên Taberd lừng lẫy ngày nào,vẫn có những dòng nhạc hay chưa kịp biết hết,mà sau này dù có bươn chải mưu sinh hằng ngày,tôi vẫn còn được nghe những dòng âm nhạc của ngày xa xưa ấy,cũng như những ca khúc sau này.Âm nhạc vẫn cứ ra đời và trôi theo thời gian,một thứ âm nhạc sống mãi và không chết,giống như cái tên tuổi của trường tôi ngày nào:Taberd và Âm Nhạc.
(Trích Hồi Kí : Taberd,còn đó kỉ niệm).
Vũ Văn Chính,Sài Gòn tháng 12/2010.
# 2481
05 tháng 12, 2010 21:35 Trịnh Lương viết,
Chủ đề đã đóng
Hay lắm nhà văn . Nội dung bài hồi kí với những kỷ niệm rất lung linh , ý tưởng thể hiện trải dài xuyên qua 2 thế kỷ trong bài giúp cho những thằng Be bị bệnh Eo-Dzai-Mơ Lú nhớ dần lại ....(trong đó bệnh nhân đứng hàng đầu là Tôi) . Tác dung effet của bài còn hiệu quả gấp trăm ngàn lần toa thuốc chữa bệnh của BS Sơn mập và X. Việt. Viết tiếp đi nhà văn, ngòi bút còn êm đềm thướt tha lắm lắm .....
Thân tú mông
TrL