Taberd.org
 Mục lục
Chiếc quai hậu
Nguyễn Hữu Đức

Tháng 5 năm 2009, tôi có dịp trở về trường Lasan Taberd sau bao nhiêu năm rời xa. Biết bao nhiêu kỷ niệm về Thầy, Cô, Trường, Lớp lại tràn ngập trong đầu và một lần nữa, tôi trở thành một trẻ nhỏ.

Các dãy phòng phía phải trái của cổng Nguyễn Du vẫn cũ xì nằm rêu phong. Bục xi măng cao còn đó nhưng các tượng thánh Lasalle đã dời đi từ năm 1976. Năm cuối cùng mà chúng tôi còn học lại lớp 11 tại trường sau ngày giải phóng. Tòa nhà chính giữa là phòng của Sư Huynh Giám Tỉnh, phòng Đại Lý (một cái từ cũ: nơi thu tiền học phí) giờ có thêm một chiếc bảng trắng chữ xanh to đùng “Trường Trần Đại Nghĩa”. Bước vào lối đi tôi lại bất chợt khựng lại, nhìn xuống hai bàn chân rồi lắc đầu cười một mình. Thằng bạn đi chung, một Việt kiều Mỹ cũng bị khựng lại, nhìn theo và chợt vỗ đùi cười to:

- Ông làm tôi cũng giật mình theo! Ngày trước mà mang đôi dép lẹp xẹp này bước vào trường là toi mạng. ha. ha ha …

- Thế ông có thấy là một cái nền tảng giáo dục nó có ảnh hưởng đến cuộc đời một con người như thế không ?

Tôi được dịp “triết ông cụ non” một hơi với hắn. Thử hỏi sao lại không ảnh hưởng cho được. Năm 1965, lúc đó tôi 7 tuổi thì “thi” vào trường Taberd tôi còn nhớ là đề thi là một bài toán và một bài chính tả bằng Pháp ngữ. Hồi đó học toàn tiếng Pháp không hè, ... toán, văn, sử, ... thậm chí tôi vẫn còn thuộc làu làu cái câu : “Madame, permetté-moi d’aller au cabinet, s’il vous plait !“ Vì nếu không nói được thì coi như “” tại chỗ trong lớp luôn !!.

Trở lại cái quai hậu của đôi sandal, ngày trước khi vào trường thì ngoài cái việc áo quần bảnh bao, đường ngôi rẽ trái, cặp sách gọn gàng thì cái quai hậu sandal cũng phải kéo lên, không thì SH Bernard sẽ cho ngay một roi vào đít !... Cứ nhứ thế mà đến lớp 11, 12 bất kể đã là thanh thiếu niên, cái roi mây đó chẳng chừa một ai !! Cũng bất mãn đó chứ. Làm gì mà căn cơ dữ vậy ! Rồi đến một ngày, thằng bạn “vô kỷ luật” chẳng chịu gài cái quai hậu mà hậu quả là khi ra chơi, chạy xuống cầu thang, chiếc giày sandal tụt ra và lộn cù mèo xuống cầu thang. May cho nó là dãy cầu thang gỗ khu sát Bộ Nội Vụ, cho nên chỉ gãy tay thôi đó ... Bây giờ, tôi đi mua cho thằng con trai một đôi đi học thì nhất định phải là Bata hay sandal có quai hậu !!

Đấy, chỉ có một việc mà ngày xưa chúng ta coi là rất “tầm thường” mà các Frère “vô cớ” áp đặt cho bọn tiểu tinh học trò lại là một bài học đầu tiên cho chúng ta truyền lại cho con cháu. Khi đã là một “thằng lão” năm mươi hơn, mới thấy cái chân lý nhỏ mà các Frère đã kiên nhẫn mỗi ngày với chúng ta là như thế đó. Và còn vô số các bài học khác mà chỉ có người đối diện, liên hệ, giao thiệp với chúng ta mới thấy được cái chân giá trị của một cựu học sinh trường dòng Lasan Taberd Saigon.

Thật tự hào và ghi nhớ công ơn của những người đi trồng người cho mai sau. Các Thầy Cô ơi, các Sư huynh ơi, ... Chúng con đang soi tiếp tấm gương của Thầy Cô cho thế hệ sau và hứa sẽ làm cho cái gương soi này mãi luôn trong suốt, tinh khiết như ngày đầu chúng con bước vào ngôi trường dòng mang tên một vị thánh Gioan Lasan.

Nguyễn Hữu Đức - Hoa Kỳ (tháng 7 năm 2010)