Taberd.org
 Mục lục
Ký ức về Taberd Sàigòn
Nguyễn Hồng Phúc

Để tưởng nhớ về Sư Huynh Félicien Huỳnh Công Lương, Edmond Nguyễn Văn Công, Bonnard Bá, những Sư Huynh và bạn bè khác đã vĩnh viễn ra đi ...

Tất cả đều trôi qua.
Tất cả đều mất đi.
Chỉ có kỷ niệm là còn ...

Lasan Taberd không phải một tên dễ nhớ cho mọi người, nhưng ai ở lứa tuổi tôi đều biết Lasan Taberd nằm giữa lòng thành phố Sài Gòn số 53 đường Nguyễn Du là đồng nghĩa với “du học”. Mong ước từ mái trường này chúng tôi có thể tự tin sau khi tốt nghiệp, du học nước ngoài mà không nhiều lo lắng như những sinh viên từ mọi nơi.

... Sau khi đậu Tú Tài I với hạng Bình, tôi xin chuyển lớp 12B2 ở Taberd Saigon. Vì anh tôi có ước mơ từ thuở nhỏ là mong được đi du học cho nên anh khuyên tôi nên nộp đơn vào Taberd Sàigòn vì đa số học sinh trường này khi học xong trung học đều dễ dàng xin đi du học. Đầu tháng bảy năm 1972 tôi và ông anh tôi đến gặp Sư Huynh Edmond Nguyễn Văn Công để xin vào học lớp 12B2 Tư Thục Taberd Sàigòn. Sư Huynh cho biết muốn vào Taberd phải thỏa mãn 3 điều kiện - đậu Bình Tú Tài I, phải có giấy giới thiệu của Sư Huynh hiệu trưởng trường Lasan Khánh Hưng Sóc Trăng về hạnh kiểm tốt và nộp Học bạ với điểm và phê bình tốt. Tôi nản lòng và nghĩ “ôi chao, sao mà khó khăn quá anh Hai ơi, hay ta thử nộp vào trường công như Pétrus Ký xem sao chứ bây giờ em chỉ hội đủ có điều kiện thứ nhứt thôi à”. Chúng tôi hẹn với Sư Huynh sẽ trở lại trong một tuần để nộp đơn đầy đủ ...

Như dự định, chúng tôi đến gặp Frère Edmond ở Taberd để nộp đơn. Cánh cửa tương lai của tôi bắt đầu từ đây. Frère Edmond nhìn xong tất cả hồ sơ và nói “rất tốt”. Hú vía. Tôi xin thưa thêm với Sư Huynh “Thưa Sư Huynh em không có đạo xin Sư Huynh được miễn làm những nghi lễ trong lớp như những bạn có đạo khác”. Sư Huynh trả lời “Mặc dù đây là trường tư thục với xu hướng Công giáo nhưng ban giảng huấn luôn rộng mở để đón những người ngoại đạo, em đừng lo, Sư Huynh cho phép em được miễn làm những nghi lễ của Công Giáo trong lớp học nhưng ngoài ra cũng như tất cả các học sinh khác em phải tuân theo qui luật chung của trường có nghĩa là mặc đồng phục quần tây đen áo trắng với phù hiệu Lasan Taberd, mang giầy, đi học đúng giờ và tất cả những qui luật khác của nhà trường ... ”.

Vì là học sinh từ dưới tỉnh ra thành thị nên tôi rất bỡ ngỡ với trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới và nhứt là cách dạy học cũng mới lạ ...Cũng may được các bạn mới làm quen giúp đỡ tôi rất nhiều như Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Quang Nam, Lý Thanh Bình, Nguyễn Quang Thành, v.v

Đa số những cours của lớp 12B2 được các Sư Huynh đảm trách ngoại trừ môn Toán do Thầy Lê Mậu Thống (Chu Văn An), Địa lý với Thầy Đặng Đức Kim, Vạn vật với Thầy Nguyễn Văn Đàng và Triết với Thầy Trương Đình Tấn. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tên tôi chỉ được ghi vào bảng học sinh ưu tú môn Công dân (SH Trần Quang Nghiêm) mà thôi.

Sư Huynh Edmond dạy Pháp văn kiêm Giám Học lớp tôi vì thế Sư Huynh rất nghiêm khắc. Trong lớp Sư Huynh chỉ nói chuyện bằng tiếng Pháp với học trò mặc dù chúng tôi đang học chương trình Việt của trường Taberd Sàigòn - là trường song ngữ dạy hai chương trình: Pháp - Việt. Hai buổi học ba giờ Pháp văn mỗi tuần nhưng trong lớp Sư Huynh nói chuyện trăng gió gì đâu không. Dạy sinh ngữ Pháp thì ít nhưng bàn chuyện đức hạnh, thời sự trong ngày và chính trị thì nhiều ... nhưng bằng tiếng Pháp ... Và mỗi buổi học Sư Huynh chỉ cắt nghĩa và đào sâu một vài chữ văn phạm tiếng Pháp nhưng chúng tôi hiểu rất rõ và tường tận sau đó. Học ít nhưng hiểu rất sâu xa và vững chắc từng chữ tiếng Pháp ...

Sau kỳ thi Đệ nhất lục cá nguyệt, tôi cảm thấy lo lắng vì chỉ vừa học xong vài chapter của cuốn Cours de Langue II và không biết đến bao giờ mới xong quyển sách này để có khả năng thi Tú Tài 2. Nhưng đến cuối năm rồi tôi cũng học khá nhiều từ vựng tiếng Pháp, văn phạm vững chắc ...

Sư Huynh Bonnard Hồ Đình Bá dạy Anh văn. Mỗi buổi học Sư Huynh mời một cô người Mỹ (Marian Thompson?) vào lớp để trò chuyện thời sự bằng tiếng Anh và sau đó bà dọ hỏi một vài câu hỏi để hỏi ý kiến của học trò. Tôi nhớ một lần cô ấy nói xong một đề tài và hỏi trong lớp có ai có ý kiến hay hỏi gì không. Do dự đắn đo một vài giây mà không thấy ngón tay nào đưa lên, Sư Huynh chỉ vào anh bạn ngồi cùng bàn dãy thứ hai với tôi, anh chàng nầy sợ không biết trả lời thế nào nên nghiêng đầu qua một bên thế là ngón tay của Sư Huynh chĩa hướng trúng anh bạn ngồi bàn thứ ba phía sau. Anh bạn bàn thứ ba này lắc đầu ngần ngại không đứng lên trả lời làm Sư Huynh có vẻ không hài lòng lắm. May mắn thay một anh bạn khác khá tiếng Anh hơn đưa tay trả lời hộ. Sau giờ đầu, cô người Mỹ ra về, Sư Huynh mắng cả lớp bằng một giọng trầm trầm miền Trung “Chúng bay, đứa nào cũng muốn đi du học hết thế mà chỉ có một câu tiếng Anh mà không trả lời nổi”... Sau tháng 7 năm 1975 tôi có dịp gặp lại Sư Huynh Bonnard ở một nhà dòng Montréal và tôi có nhắc lại chuyện cũ này, Sư Huynh bảo “nhờ mắng như vậy mà tụi bây mới được đi du học đó đây đấy nhé ...”. Vài năm sau Sư Huynh Bonnard dọn về Maryland và mất tại đây, khoảng năm 1998....

Trải qua một quãng thời gian dài lê thê trên xứ người và lăn lộn trong cuộc sống thời sinh viên nghèo khổ cũng như lúc đi làm bình thường bằng nghề Kỹ Sư, đã làm cho tôi gần như quên hẳn kỷ niệm với bạn bè cũ của trường Taberd. Nhân kỳ về thăm quê hương gần đây, tôi tìm thấy cuốn Kỷ Yếu Lasan Taberd 72-73 nằm nguyên vẹn trong một góc tủ, thế là bao hình ảnh cũ, kỷ niệm xưa bừng bừng sống lại. Trong tập Kỷ Yếu có liệt kê những cựu học sinh, giáo viên và ban Giám thị trường với những sinh hoạt của trường bằng hình ảnh cũng như những trang dành để vinh danh những học sinh xuất sắc trong từng bộ môn và từng lớp. Tập Kỷ Yếu được phát hành đặc biệt cho từng niên khóa với hình ảnh từng học sinh các lớp sắp sửa ra trường cũng như còn đang ở tại trường với đầy đủ dư liệu về tên tuổi, cảm nghĩ của các Thầy Cô cho từng năm học. Đây là một món quà rất quí giá cho học sinh về sau, có dịp xem lại những kỷ niệm thuở học trò ...

Đã hơn 37 năm xa cách, cuộc đời trôi nổi bôn ba ngồi ôn lại quãng đời học sinh, Taberd Saigon là ngôi trường tôi còn giữ nhiều ấn tượng, vì đây là nơi mà môi trường cạnh tranh học tập mãnh liệt nhất trong cuộc đời học tập của tôi và cũng là nơi đã tạo nhiều kiến thức căn bản rất quan trọng giúp tôi làm hành trang du học Canada năm 1973. Nhân dịp tiểu hội ngộ với vài cựu Taberd như Đạo, Nguyễn Xuân Vũ, Nguyễn Ngọc Thuần, Việt và Tăng Hùng tuần rồi tại Montréal đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng để viết vài cảm nghĩ này về trường Taberd. Nhớ những Sư Huynh và Thầy Cô đã hết lòng giảng dạy để đào tạo cho đàn em những kiến thức căn bản cho cuộc đời. Có những Sư Huynh, Thầy và bạn đã vĩnh viễn ra đi, những người còn lại thì tuổi trẻ cũng không còn.

Là cựu học sinh Taberd nhưng dù ở phương trời xa thẳm nào, người ta vẫn không quên mái trường xưa tường vàng yêu dấu. Bao cảm giác bồi hồi khi những kỷ niệm hiện về theo trí nhớ, Thầy cũ bạn xưa ... Bây giờ bạn bè cùng lớp ở tuổi trên năm mươi và cũng sắp về hưu. Cho nên thông qua bài viết này để bày tỏ lòng kính trọng và cám ơn các Sư Huynh và Thầy Cô đã dạy dỗ chúng em ...

Không thể nào quên được ngày cuối cùng đến trường để lãnh Kỷ yếu Taberd và học bạ cuối năm, tôi cố gắng len lỏi vào sân tập thể thao của trường để tận mắt xem những cựu Taberd trình diễn văn nghệ như anh Joe Marcel, anh Trường Kỳ, ban nhạc Tùng Giang, v.v. Giờ đây các Frère Edmond, Bonnard, SH Nguyễn Ngọc Lộ, Félicien Huỳnh công Lương, Thầy Lê Mậu Thống, Thầy Trương Đình Tấn, Thầy Đặng Đức Kim, Thầy Nguyễn Văn Đàng không còn dạy dưới mái trường thân yêu này nữa. Các Thầy và Sư Huynh giờ đây đang ở đâu, có còn sống khoẻ mạnh và an vui trong tuổi về chiều! ...

Hy vọng một ngày nào đó trở về nơi xưa được nhìn thấy lại “Lasan Taberd Sàigòn”, được gặp lại các Sư Huynh, bạn cũ trường xưa. Nhìn thấy đàn em thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, được nghe lời Thầy giảng, giờ học tiếng Pháp, tiếng Anh từ ngôi trường mà nơi đó tôi đã ra đi hơn 37 năm trời ...

Nguyễn Hồng Phúc - Montréal, Canada (tháng 7 năm 2010)
(Taberd Lớp 12B2 - Khóa 72-73)