Taberd.org
 Mục lục
Trường Xưa Yêu Dấu (4)
Vũ Văn Chính

(Viết để nhớ về các Frère và Thầy Cô)

Trong các sinh hoạt Văn Hóa Văn Nghệ, hay Thể Dục Thể Thao của trường Lasan Taberd được tổ chức trong các ngày lễ hàng năm, cũng như việc giữ kỷ luật nghiêm nội quy của trường, không thể không nhắc đến vai trò Tổng Linh Hoạt, một vai trò quan trọng trong công việc sắp xếp các hoạt động Văn Hóa-Thể Dục theo đường hướng của Ban Lãnh Đạo nhà trường. Và có hai vị sư huynh mà chúng tôi không thể nào quên được, đó là Frère Ephrem Trần Ngọc Tú và Frère Fortunat Trần Trọng An Phong.

ephrem_tuNiên khóa 69-70 tôi học lớp Thất 9 (6-9), niên khóa 70-71 tôi học lớp Lục 6 (7-6), trong các năm này Frère Tổng Linh Hoạt là Ephrem Tú, mà hồi đó cũng đã nghe các ông anh lớn gọi là Tú Bà rồi, để ám chỉ cái tính dữ dằn cần phải có của một Frère Tổng Linh Hoạt, đối với cái đám học trò đứng thứ ba sau quỷ và ma kia.

Cứ mỗi sáng sớm trước khi bước vào cổng trường, là đã thấy Frère TLH Tú đứng ngay giữa đường, mắt lừ lừ nhìn sang hai bên theo dõi xem có tên học sinh nào, tóc tai dài, áo bỏ ngoài quần, không đeo phù hiệu hay chân lê đôi dép, là ngoắc vào bắt đứng một bên rồi tính sổ sau. Ngày ấy, ai đi xe đạp thì phải gửi trong trường, đến cổng thì làm ơn xuống xe dắt bộ vào, còn làm biếng chạy luôn là thế nào cũng bị nắm cổ bắt xuống xe, nghe giảng moral đã tai luôn. Nhưng cái đám học sinh cũng lì lợm không kém, vừa qua khỏi chỗ Frère Tú đứng, là lại một chân để trên pedal, còn một chân thò xuống đất để đẩy xe đi tới trước, chứ nhất định không dắt bộ.

Thường thì ngoài các buổi lễ Khai giảng, Noel hay Tết Nguyên Đán, ... thì ngày Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22/1 là ngày rầm rộ nhất, tất cả các hoạt động văn nghệ-thể thao như Bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, nhảy bao bố, đi xe đạp chậm, xếp hình người.. thì cái môn nhảy ngựa gỗ là hấp dẫn và hồi hộp nhất, cái môn này trong các giờ thể dục của lớp tụi tôi cũng đã học rồi, một con ngựa gỗ (gọi là ngựa chứ có thấy nó giống ngựa đâu) cao khoảng 1m5, dài cũng gần 2m, được bọc nệm bên ngoài, phía trước con ngựa là cái bệ lò xo bằng gỗ dùng để nhún, từ xa tụi tôi chạy lấy đà rồi đặt chân lên bệ lò xo, lấy trớn phóng qua con ngựa, chúng tôi được học cách nhảy cừu, trồng cây chuối rồi lật ngửa ra phía trước ... và luôn luôn phía trước có ông thầy thể dục đứng đỡ, cái môn này kể ra cũng thích thú đối với bọn nhóc chúng tôi.

Ngày Đại hội Phụ Huynh Niên khóa 70-71, ngoài những tiết mục đã quen thuộc, còn có một tiết mục nghẹt thở đối với tụi tôi, đó là màn nhảy ngựa gỗ qua hai vòng lửa, lớp tôi và vài lớp khác được chọn ra vài người để biểu diển, tôi cùng với thằng Lê Phi Hùng, Lê Văn Chí và vài tên khác trong lớp được chọn vì có thân hình nhỏ bé và ốm nhom, phù hợp với tiết mục này, thế là cứ chiều chiều tụi tôi phải vào trường để tập dượt, đầu tiên là nhảy với cái vòng sắt được hai người đứng hai bên đưa lên, tập cho thật quen, rồi cái vòng ấy được quấn vải chung quanh và đốt lửa, bọn tôi lấy đà chạy tới nhắm mắt (sợ quá mà), phóng qua cái vòng lửa ấy và được thầy huấn luyện viên đứng đỡ phía trước, tập một vòng lửa đã khó lại còn thêm một vòng nữa, và rồi cũng đến ngày trình diễn đầy hồi hộp, để tránh cho học sinh bị phỏng, tụi tôi mặc áo thun 3 lỗ và quần dài, cuối cùng trong buổi biểu diễn ấy bọn tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, và thằng Lê Phi Hùng và thằng Lê Văn Chí được chụp một tấm hình để đời trên kỷ yếu 69-70, khi nó bay qua hai vòng lửa một cách ngoạn mục, đó cũng là kỷ niệm để tôi nhớ về Frère Tú, sau niên khóa này Frère về Lasan Mossard, Thủ Đức để nhận nhiệm vụ mới, và thôi giữ chức Tổng Linh Hoạt.

fortunat_phongNiên khóa 71-72, tôi học lớp 8-3, niên khóa 72-73 tôi học lớp 9-6, thời gian này Frère Tổng Linh Hoạt là Frère Fortunat Trần Trọng An Phong, hay còn bị gán cho cái tên (Toyota) Cortina, Frère thuộc típ người thấp, trẻ tuổi và năng nổ vô cùng, nhưng cũng dữ dằn không kém đối với bọn học sinh chúng tôi, Frère cũng vẫn đứng trước cổng trường vào đầu giờ, cũng với đôi mắt lạnh lùng và dữ dằn, để lôi những tên tác phong kém và đồng phục lôi thôi sang một bên, và đôi khi tiện tay nắm cổ áo tên nào chạy xe đạp vào trường mà không xuống xe dắt bộ, hay vào giờ tan trường hay đi dạo trước cổng trường, để sẵn sàng can thiệp vào những vụ đánh lộn ngoài cổng trường. Năm 72, phong trào nhạc trẻ và các Ban nhạc để tóc dài theo kiểu Hippy thời ấy, bỗng trở thành thần tượng của một số học sinh trong trường, đây đó có những cái đầu với mái tóc hơi dài, đã bắt đầu xuất hiện đây đó ngày càng nhiều, đến nỗi Frère An Phong mỗi sáng có thêm một nhiệm mới, tóm cổ những tên tóc tai luộm thuộm mọc vô tổ chức, và có lúc đã phải cầm cái kéo để giải quyết những cái đầu ấy tại chỗ.

Nghe ông anh kể một câu chuyện về tính cương quyết của Frère An Phong, số là Frère có một ông em ruột tên Trần Trọng An Quí, học cùng lớp với ông anh lớp 10, niên khóa 71-72, ông này tính ngang bướng và có vẻ vô lễ với thầy hay sao đó, năm này Frère An Phong mới về nhận chức Tổng Linh Hoạt, có một hôm cả lớp ông anh thấy Frère đùng đùng đi vào lớp, gọi cậu em ra và thẳng tay giáng một cú tát nẩy lửa, tiếng Frère dữ dằn làm sao: "Gia Đình Trần Trọng không có đứa em như mày, cút ra khỏi trường", thế là từ đó ông An Quí phải xách gói ra khỏi trường, mặc dù đang ngồi lớp 10. Chỉ một cú dằn mặt ngoạn mục thôi, là cả lớp ông anh tôi mặt mày xanh lè và ngồi im lặng nín thở, ai nấy bây giờ mới thật sự nể Frère An Phong trẻ tuổi nhưng cương nghị, nhỏ con nhưng dữ dằn, và cũng thấy sợ Frère từ đấy.

Cái năm lớp 9 này phải công nhận là phong trào văn nghệ và thể thao nở rộ, năm nay nhà trường có mời Giáo Sư Nguyễn Thành Nhơn cùng vài cộng sự viên trong chương trình Con Kiến Càng, một chương trình cử tạ thẩm mỹ đang thịnh hành lúc bấy giờ, gồm những ông vai u thịt bắp, người bôi dầu láng bóng, thỉnh thoảng lên phô trương những thân thể cuồn cuộn cơ bắp nổi lên vằn vện, nhóm này sẽ đặc trách việc tập thể dục đồng diễn 5 phút cho học sinh toàn trường trước khi vào lớp, trong phương châm " Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện ", và được đặt dưới sự đôn đốc của Frère TLH An Phong.

Thế là sáng nào cũng vậy, trong sân trường trước khi vào lớp, học sinh đứng theo vị trí của từng lớp, rồi theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên đứng trên khán đài, theo nhịp đếm hòa cùng với bài Khỏe Vì Nước cả trường đều khởi động. Vì ngày nào cũng tập nên dần dần ai nấy cũng uể oải và chán, đôi khi lại còn đứng ì ra tại chỗ, hoặc túm tụm tán dóc, mặc cho Frère An Phong đứng trên khán đài luôn luôn nhắc nhở, nhất là những hàng cuối gần cổng Gia Long. Rồi có một hôm quen cái tật lười biếng, có một số tên đang đứng tán dóc, bỗng xuất hiện một cái áo đen đang thình lình đi tới, và thế là những cái tát chính xác nổ ra bôm bốp, đúng người đúng tội, kèm theo là những lời mắng mỏ thậm tệ, đứng gần đó tôi nghe Frère hét còn to hơn cái haut parleur, đang hát bài Khỏe Vì Nước sôi nổi kia, chưa hết giận Frère còn lên khán đài giảng moral một hồi cho đỡ cơn nóng, rồi mới cho học sinh vào lớp.

Rồi đến Giải thi đua thể thao Xuân Quý Sửu 73 được nhà trường phát động, tất cả các lớp đều được tham dự các môn như :nhảy xa, ném tạ, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, ... Riêng môn bơi lội thì được tổ chức ở hồ bơi Yết Kiêu, tôi tham dự môn điền kinh chạy 50 m, nhưng về nhất là thằng Nguyễn Phi Hùng, còn tôi thì về nhì nên không được ghi tên vào cuốn kỷ yếu, về môn điền kinh của lớp 9-6. Rồi ngày 12-5-73 là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Lasan Đức Minh, các lớp 9 tụi tôi được chọn để biểu diễn thể dục đồng diễn, do đích thân Frère TLH hướng dẫn, thế là vào tiết cuối mỗi ngày anh em xuống sân trường tập đội hình, và tập xếp hình và xếp chữ Taberd đến mờ người luôn, Frère TLH cũng hò hét om xòm, chạy tới chạy lui cáu quá xém chửi thề luôn, rồi sau đó có thêm phần nhạc vô nên anh em phấn khởi tập hăng hái, đến nỗi Frère TLH hết chửi và khen "Bon, Bon" lia lịa mới thôi.

Đến ngày cuối của buổi dượt, anh em được nghỉ một buổi và miệt mài tập, để ngày mai trình diễn nữa, sáng hôm sau mỗi người đều mặc áo thun 3 lỗ có màu khác nhau, quần dài đen.. thẳng tiến đến Lasan Đức Minh. Buổi lễ sau đó thành công tốt đẹp, mỗi người được phát một chai nước ngọt, ở lại xem phần văn nghệ một lúc, rồi lục tục kéo nhau đi bộ về trường, không cần đi xe nhà trường, chỉ tội cho Frère TLH sau đó tắt tiếng nói không ra hơi luôn.

Tuy Frère nóng tính, nhưng cũng có lúc Frère rất cởi mở và tâm lý với học sinh, nhất là những buổi được Frère dạy cho những bài hát thánh ca hay là phong trào hát Du Ca ngày ấy, nên tuy sợ nhưng học sinh cũng thấy thích Frère nữa. Đó cũng là năm lớp 9 tụi tôi sinh hoạt với Frère nhiều nhất, và cũng cuối năm này học sinh Taberd cũng không còn gặp Frère ở cương vị Tổng Linh Hoạt nữa, mà năm sau là Frère Sylvain Huỳnh Kim Quang đảm nhiệm.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (1 tháng 6 năm 2010)