Taberd.org
 Mục lục
Trường Xưa Yêu Dấu (1)
Vũ Văn Chính

Thính ĐườngHội Trường Taberd cùng với dãy lầu 5 tầng dành cho các lớp 8, 9 nằm bên phía Bộ Nội Vụ được xây dựng xong vào năm 1960, nó cao ngang với dãy lầu 5 tầng, đây được coi là Hội Trường lớn nhất trong các hội trường của các trường ở Sài gòn, nó nằm gần cổng trường phía sau đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Tất cả các công trình trên được xây nhờ vào sự đóng góp của Phụ Huynh Học Sinh, bằng cách đóng học phí 5, 10, 15, 20 năm.

Hội Trường được thiết kế như một rạp ciné, với màn ảnh đại vĩ tuyến dành chiếu phim cho các học sinh xem vào các dịp lễ lớn, có sân khấu vừa có thể đóng kịch vừa biểu diễn ca nhạc, nó gồm 2 tầng với sức chứa trên một ngàn ghế ngồi, có cửa thông sang hành lang dãy lầu 1 và 2 của các lớp 8, 9.

Để mừng sự kiện này và cũng để khánh thành Hội Trường, Năm 1961 frère Hiệu Trưởng lúc đó là frère Cyprien Gẫm cho mời các trường bạn như Saint Paul (Nhà Trắng), Thiên Phước (Nhà Thờ Tân Định), Regina Pacis, Regina Mundi và trường Jean-Jacques Rousseau (Lê Quý Đôn) biểu diễn Đại Hội Nhạc Trẻ để khai mạc Hội Trường Taberd, Đại Hội rất thành công và được tái hiện lại vào năm 1965.

Thính ĐườngHằng năm cứ vào ngày Khai Giảng năm học mới, các thánh lễ được cử hành trọng thể tại nơi đây, hay vào những ngày lễ Đại Hội Phụ Huynh Học Sinh, lễ Bế giảng năm học tất cả các lớp, ai có chơi nhạc cụ kha khá thì ghi tên để có thể thành lập một ban nhạc của lớp, tập dượt và biểu diễn trong những dịp lể này, mà các đàn anh Taberd chơi nhạc trẻ đâu có thua gì các ban nhạc trẻ thời thượng lúc bấy giờ.

Phải nói là dưới sự dẫn dắt của frère Tổng Linh Hoạt Fortunat Trần Trọng An Phong, cùng với những chủ trương của nhà trường vào năm 72, văn hóa văn nghệ của Taberd nổi lên rầm rộ, những buổi đồng diễn thể dục trong các dịp lễ lớn, nhà trường còn mời giáo sư Nguyễn Thành Nhơn với chương trình Con Kiến Vàng, với môn cử tạ thẩm mỹ để có một thân hình đẹp với những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, một phong trào đang thịnh hành lúc bấy giờ, thế là cứ mỗi buổi sáng trước khi vào lớp, học sinh toàn trường dành ra 5 phút để tập thể dục đồng diễn dưới sự dẫn dắt và đôn đốc của frère An Phong.

Văn Nghệ của dân Taberd, nhất là các đàn anh lớp lớn luôn đươc sự ủng hộ gà nhà của đám đàn em tụi tôi, mà các anh chơi nhạc trẻ thì hết xẩy con bà Bẩy, mỗi lần trình diễn là bà con vỗ tay lia lịa, lại còn om xòm Bis Bis luôn miệng cơ mà. Năm 72, làn sóng nhạc trẻ Việt Hóa gồm những bài nhạc hay của Pháp, Mỹ dịch ra lời việt được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ được tổ chức rầm rộ, thu hút cả ngàn người tham dự, lớn nhất là Đại Hội Nhạc Trẻ 72 được tổ chức tại sân Hoa Lư trong ngày lễ Hai Bà Trưng, dưới sự bảo trợ của Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nhạc trẻRiêng sân trường Taberd cũng Tổ Chức một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ lần thứ 2 vào ngày 25-11-1973 mà tôi cũng được xem, sân trường qui tụ hơn 7000 ngàn khán giả thuộc đủ mọi lứa tuổi. Mới sáng sớm đoạn đường Nguyễn Du đông nghẹt người đứng chờ giờ mở cổng để vào xem.

Nhạc trẻMở đầu cho buổi biểu diễn là Ban nhạc của các Frère Taberd lên trình diễn, và bài đầu tiên là bài Lòng Mẹ, học sinh Taberd vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt và cổ võ hăng hơn ai hết, gà nhà mà, rồi lần lượt đến phần các ban nhạc trẻ lừng danh như CBC, Crazy Dog, Dreamers của gia đình Phạm Duy, Cat Trio, Blue Star ban nhạc toàn là nữ ... Đại Hội được chơi liên tục từ 7g sáng đến 4g chiều dưới bóng mát của những tấm vải dù to đùng, ăn uống hay giải khát thì có bán trong sân trường. Nổi bật nhất là hãng kem TOP, toàn những người đẹp mặc aó, quần short trắng, mũ và đi giầy cao cổ cũng trắng luôn, vai đeo bình kem in hình của hãng: Chú vịt Donald và chữ TOP to tổ bố, đi bán dạo khắp sân trường, đúng là một hình ảnh ấn tượng đối với mọi người hôm đấy, và ban nhạc Mây Trắng với nhạc phẩm Đồng Xanh, Lá Xanh Mùa Hè, ... với năm nhạc công chơi guitare thùng kết thúc buổi Đại Nhạc Hội.

Ngày ấy lúc bản nhạc Em Hiền Như Ma Soeur mới ra, không những các trường dòng nữ của các Soeur, như Saint Paul, Thiên Phước, Regina Pacis, Regina Mundi rất thích, mà dân Taberd cũng ưa chuộng không kém, lại có lúc còn so sánh trường dòng các Frère thì có bản Vì Tôi Là Linh Mục, còn trường dòng nữ thì có Em Hiền Như Ma Soeur, nói chung cả hai bên đều thích cất tiếng hát:

Ta nhờ em ru ta,
Hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo,
Ma soeur này Ma soeur.

Và đó cũng là nét đẹp của Taberd yêu dấu ngày xưa.

Vũ Văn Chính - Sài Gòn (Xuân Canh Dần 2010)