Taberd.org
 Mục lục
Chúng tôi, xưa và nay ...
Lê Như Quốc Khánh

Từ ngày có Taberd.org, tôi nhận được nhiều cú điện thoại rất là... hồi hộp:

..............
- Alô, xin lỗi cho hỏi có phải là Khánh không ? Lê Như Quốc Khánh ?
- Khánh đây, ai đó ?
- Tao đây, mày nhớ tao không ?
- ????? Mà tao là ai chớ ?!?
- Ý quên, Nguyễn Văn Em đây! Mày là Khánh phải không ?
- Em hả ? Nhớ chớ sao không ? Tên học giỏi nhất nhì trường mà!
- Học giỏi khỉ khô tao...
..............
Câu chuyện kéo dài gần... 45 phút. May mà có thêm chữ "mày" đệm thêm, chứ cứ nói chuyện Em Em không khéo bà xã lại tự hỏi đang nói chuyện với... em nào thế!

***

..............
- Alô, có phải Khánh, Lê Như Quốc Khánh không ?
- Khánh đây, ai đó ?
- Tui là Quang, Nguyễn Đào Quang nè ...
- Xin lỗi, tui không nhớ nổi Nguyễn Đào Quang là ai! Để từ từ tui bật máy cái đã ...
..............
- Ừ, thấy rồi, lớp Nhất 3. Nhớ ra rồi.
- Tui học hết lớp 7 rồi nhẩy ra ngoài.
- Ông học có đến lớp 7 thôi thì làm sao mà nhớ liền cho nổi cha ?
- Tui còn đến nhà ông chơi hồi đó đó! Hơn 35 năm rồi nghe ...
..............
Câu chuyện lại kéo dài gần 30 phút. Cứ thế, kỷ niệm xưa lại bắt đầu trở lại...

***

Cho đến ngày Taberd.org chính thức ra mắt, thời gian đã trôi qua hơn 33 năm. Nhanh thật. Thế mà tôi cứ tưởng như mới ngày hôm qua. Nhớ lại những thằng bạn ngày xưa, khi còn lủng lẳng mài đít nhà trường, ngây ngô và hồn nhiên. Thế mà bây giờ, có những đứa đã thành triệu phú, có những đứa đã lìa khỏi thế gian, và cũng có những đứa đang ngồi trong ... khám!

Nói tới nhà khám, lại nhớ đến thằng Ngô Cảnh Phương, tự Phương "bà già". Tôi còn nhớ tới cái chuyện anh em nhét giấy vào túi quần sau của nó rồi đốt. Cái giấy cháy làm quần nó cháy theo, lủng một lỗ lớn đàng mông. Nó đứng đó, ức trào máu, nhưng chỉ nhìn anh em rồi ... khóc! Thế mà bây giờ, ở cái phương trời Úc mênh mông rộng lớn, nó đang nằm trong một nhà lao nào đó với bản án tù chung thân!

Lại nhớ đến câu chuyện của một thằng không tiện nêu tên ra ở đây. Anh em thách nó nhai kiếng, nó cắn thật, và nhai ghe rốp rốp đến rợn người! Ở một nơi nào đó, nó có nhớ đến cái chuyện này ngày xưa không vậy ?

Rối theo thời gian, chúng tôi lớn lên. Thành thật mà nói, cái năm lớp 12 có rất nhiều kỷ niệm còn đọng lại trong tôi. Những anh em rời VN trước ngày 30/4 sẽ không bao giờ thấy được cái khoảng thời gian đầy biến động ấy. Nào là có thêm một lớp 12 toàn dân Bắc kỳ, nào là Hiệu trưởng mới, cụt một cánh tay ... Nhiều biến cố dồn dập xẩy đến đã đem bớt cái ngây ngô của chúng tôi đi xa ...

Lại nhớ tới cái chuyện trùm bao bố lên đầu thằng N. ở gầm cầu thang để ... đục, chỉ vì anh em ghét cái ... 30/4 của nó! Có thể bây giờ, N. đã tự trách mình (hay vẫn còn tự hào ?) về những việc ngày xưa, nhưng thôi, hãy bỏ qua hết cho anh em nghe, N.!

Rồi đến chuyện tuồn đồ đạc giùm cho các frères ra ngoài trường, rồi trụ sở Chi đoàn trường ban đêm bỗng dưng bốc cháy, rồi lại đến cái lựu đạn cay nổ ngay cột cờ giữa sân trường trong ngày kỷ niệm thành lập đoàn TNCS ...

Ngày ra trường lặng lẽ, không cờ không trống. Tôi đứng đó, nhìn ngôi trường xơ xác vì không ai trông nom, xót xa với cái tên Taberd sau hơn 100 năm đã không còn nữa, thay vào đó là cái tên Trần Đại Nghĩa lạ hoắc ...

***

Tất cả đã xa rời với thời gian. Những câu chuyện thời niên thiếu cũng đã đi sâu vào quá khứ. Cảnh vật thay đổi, phố xá thay đổi, cách sống, cách suy nghĩ cũng đã thay đổi. Saigon bây giờ tưng bừng, nhộn nhịp với đầy khói xe và bụi bặm. Ngôi trường xưa cũng đã được sửa sang, đánh bóng hơn nhiều. Tôi đã đi lại trên đường Nguyễn Du, nhưng không có cái can đảm dừng lại để lấy vài tấm hình như Lê Hữu Mạnh đã làm trong tháng 11/2009 vừa qua (xem phần cảm xúc trong site Web Taberd.org). Hãy nhìn Saigon với con mắt hướng về tương lai để khỏi phải thất vọng não nề với cái ý muốn tìm về với quá khứ, tôi tự nhủ như vậy!

Hạnh phúc thay, không ngờ là qua khứ vẫn còn đọng lại tại trang Web này, cái Taberd.org!

Bố khỉ cái thằng Lê Việt Quang đã mở lại cổng trường!

Lê Như Quốc Khánh - Paris (cuối năm 2009)

..............
Ngoài lề : Hoan hô và vỗ tay bốp bốp để khen thưởng cái công lao của ba tên Quang, Kiên, Khải cùng với công khó nhọc của những người đã chung sức để làm nên trang Web này.